Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/05/2022

Tầm của chính khách

Phạm Đình Trọng

1.   Chủ nhà mời khách đến thăm thì chủ nhà phải đợi đón khách là thông lệ đã trở thành qui tắc ứng xử xã hội. Chỉ thăm viếng xã giao, không cầu cạnh, xin xỏ gì, phép xã giao sơ đẳng, từ giao tiếp cá nhân đến giao tiếp nhà nước, không khi nào khách lại thiếu tự trọng, hạ mình đến mức đến trước chủ nhà, chầu trực khá lâu, thừa thời gian buôn chuyện, tán gẫu, chửi thề, thoải mái xả rác ngôn từ rồi chủ nhà mới xuất hiện.

pmc1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam xã hội chủ nghĩa chờ được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tiếp kiến

Nhân chuyến đến Mỹ dự cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Joseph Biden với người đứng đầu Chính phủ các nước Asean, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam xã hội chủ nghĩa được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tiếp xã giao. Chỉ gặp Bộ trưởng nước chủ nhà mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng cả đoàn quan chức tai to mặt lớn cấp Chính phủ Việt Nam phải chầu chực, đứng túm tụm một đám, vật vờ chờ đợi thì cám cảnh cho tư thế Thủ tướng và quan chức Chính phủ Việt Nam quá.

Nước Mỹ là đất nước của luật pháp. Mọi hành vi, ứng xử xã hội, từ người đứng đầu nhà nước đến người dân đều được luật pháp hóa. Camera cố định và di động có ở khắp nơi để giám sát thực thi luật pháp trong xã hội. Hình ảnh ông Thủ tướng và quan chức Chính phủ Việt Nam xã hội chủ nghĩa chầu chực chờ gặp ông Bộ trưởng Mỹ được camera ghi lại cũng là điều bình thường.

Nhưng đoàn quan chức nhà nước cấp cao, cấp Thủ tướng, cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng mà nhốn nháo túm tụm, râm ran buôn chuyện tầm phào, sử dụng ngôn ngữ mách qué, vỉa hè "Mẹ nó ! Sợ gì !" thì rất không bình thường. Cái không bình thường đó trở thành điều kinh ngạc, kì lạ với văn minh công nghiệp Mỹ. Hình ảnh kì lạ không bình thường liền được tung lên mạng xã hội Mỹ.

Nhìn những quan chức đứng đầu Chính phủ Việt Nam mang tư thế địa chính trị Việt Nam, mang tầm vóc của dân tộc Việt Nam văn hiến đến cuộc giao tiếp quốc tế mà như xã viên hợp tác xã nông nghiệp túm tụm đầu bờ đợi nghe tiếng kẻng xuống đồng, như mấy bà nội trợ rỗi việc ngồi lê đôi mách, người dân Việt Nam phải ngao ngán lắc đầu rồi cúi gằm mặt giấu đi nỗi thất vọng với đám quan chức mang danh Chính phủ Việt Nam và giấu đi nỗi xấu hổ với thế giới.

Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng thực sự đúng tầm phải là những chính khách. Thế giới đang đầy biến động dữ dội quyết định sự còn mất của trái đất, quyết định sự an nguy của loài người. Đất nước đang ngập những thử thách ngặt nghèo. Người dân dù gian nan kiếm sống vẫn đau đáu với vận mệnh nước mình và khắc khoải lo lắng cho số phận người dân Ukraina trước đạn pháo, tên lửa của độc tài Putin sầm sập trút xuống Mariupol, trút xuống Kharkiv. Nghĩ suy, lo toan của chính khách không thể đứng ngoài thời cuộc, đứng ngoài những vấn đề của người dân, không thể thấp hơn mặt bằng xã hội. Những lo toan đó phải thường trực, đầy ắp trong nghĩ suy của chính khách, không có chỗ cho những chuyện vụn vặt, mách qué chen vào.

Những chính khách đại diện cho một Chính phủ, một đất nước, một nền văn hóa, gặp gỡ, giao tiếp với những chính khách đại diện cho một Chính phủ, một đất nước, một nền văn hóa khác, trước khi giao tiếp phải vừa tự tìm hiểu, vừa được chuyên gia ngoại giao và chuyên gia nghiên cứu về văn hóa nước sở tại bồi dưỡng, nhắc nhở về thân thế những yếu nhân, những nét đặc sắc, riêng tư của chính khách nước sở tại và cả những chính khách có mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam. Nhắc nhở cả hành vi, tư thế, ngôn ngữ ngoại giao. Không có được những kiến thức chính trị, cả những điều tối thiểu của văn hóa ngoại giao cũng không có được, ở ngay nhiệm sở Bộ Ngoại giao Mỹ, những quan chức Chính phủ Việt Nam vẫn bô bô gọi những chính khách Mỹ là thằng nọ, thằng kia như ngôn ngữ mấy ông xe ôm chờ khách, nói chuyện với nhau ở vỉa hè, như ngôn ngữ ở chốn tứ chiếng, bến xe, bến tàu.

Đi ra thế giới đầy biến động dữ dội, đến gặp những chính khách thế giới đang lo toan tổ chức thế trận hòa bình, dân chủ ngăn chặn độc tài gây chiến tranh xâm lược, lo toan bảo vệ sự công bằng, bình đẳng và độc lập của các dân tộc, lo toan cho vận mệnh loài người nhưng những quan chức Chính phủ Việt Nam ở vị trí chính khách chỉ như tốp xã viên hợp tác xã nông nghiệp túm tụm đầu bờ đợi nghe tiếng kẻng xuống đồng, như mấy bà nội trợ rỗi việc, đầu óc trống rỗng, thời gian trống rỗng, ngồi lê đôi mách. Rõ ràng, sòng phẳng, vâng, xin lập lại từ ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã văng ra khi chờ được gặp ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ : Rõ ràng ! Sòng phẳng ! Mẹ nó ! Có sợ gì đâu ! Rõ ràng, sòng phẳng, những quan chức Chính phủ đó không xứng tầm chính khách.

pmc2

Ông Bộ trưởng Tô Lâm gắn liền với những vụ việc tai tiếng động trời chôn vùi tầm chính khách xuống dưới mặt đất.

2.  Xuất thân từ công an, tướng công an Phạm Minh Chính được đảng cộng sản của công an và quân đội giành cho chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ từ tháng tư, 2021. Hơn một năm ở cương vị đứng đầu Chính phủ nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hai lần dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam ra thế giới, góp tiếng nói Việt Nam vào những vấn đề đang đặt ra với thế giới.

Cả hai lần ông Thủ tướng xuất thân từ công an dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam đi công cán nước ngoài đều có ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là nhân vật thứ hai của đoàn công cán. Tên Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong danh sách đoàn công cán nước ngoài chỉ đứng sau tên Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn cũng là tướng công an.

Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là hai bộ sức mạnh của đất nước. Một sức mạnh đối nội và một sức mạnh đối ngoại. Bộ Quốc phòng chống giặc ngoại xâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, là nơi thiết kế, tạo dựng mối liên kết với sức mạnh thời đại dân chủ, sức mạnh thời đại độc lập dân tộc trong công cuộc bảo vệ nền độc lập của quốc gia, nơi phải có tầm nhìn ra thế giới, phải hướng ngoại. Bộ Công an giữ gìn trật tự trị an, an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên của đời sống đất nước, bộ hoàn toàn hướng nội.

Hai chuyến công cán nước ngoài của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều để góp tiếng nói với thế giới về những việc chung của loài người và của thế giới. Đầu tháng mười, 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Anh tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu, ngăn chặn ô nhiễm bầu khí quyển, bảo vệ sự sống của trái đất. Giữa tháng năm, 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ cùng Thủ tướng các nước Asean theo lời mời của Tổng thống Mỹ J. Biden tham dự hội nghị hình thành và củng cố vành đai dân chủ Thái Bình Dương.

Vành đai dân chủ Tây bán cầu là hiệp ước liên minh phòng thủ Đại Tây Dương NATO ngăn chặn hiểm họa chiến tranh độc tài Nga. Vành đai dân chủ Đông bán cầu đang được Tổng thống Mỹ J. Biden thiết kế ngăn chặn nguy cơ Chinazi Tàu cộng bành trướng ra thế giới, thống trị thế giới. Vì vậy mới có cuộc gặp Biden – Asean.

Cả hai chuyến công cán nước ngoài của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều không liên quan đến nội trị. Cả hai lần Thủ tướng xuất thân từ công an Phạm Minh Chính dẫn dắt đoàn Chính phủ Việt Nam xuất ngoại cho thế giới biết mặt, biết tên đều có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, người đứng đầu bộ máy nhà nước hoàn toàn chỉ lo nội trị.

Ngày nay, sức mạnh quốc phòng của mỗi quốc gia ngoài sức mạnh nội lực còn có nguồn sức mạnh to lớn là sức mạnh của thời đại dân chủ, thời đại độc lập dân tộc. Bộ Quốc phòng không phải chỉ lo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang trong nước mà còn phải kiến tạo được thế trận liên kết với ý chí độc lập và thế trận dân chủ thế giới. Nhưng cả hai lần Thủ tướng Phạm Minh Chính tổ chức đoàn Chính phủ đi ra thế giới dân chủ, Bộ Công an nội trị đều có Bộ trưởng Tô Lâm tham gia trong khi Bộ Quốc phòng phải hướng ngoại thì chỉ có hai Thứ trưởng mờ nhạt, gần như vô danh, đến người dân trong nước cũng ít người biết đến tên tuổi. Đoàn đi Châu Âu của Thủ tướng Chính năm 2021 có Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Hoàng Xuân Chiến. Đoàn đi Mỹ của Thủ tướng Chính năm 2022 có Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Phạm Hoài Nam.

Người dân trong nước từ cụ già đến đứa trẻ đều biết tên biết mặt ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Biết vì tên ông Bộ trưởng Tô Lâm gắn liền với những vụ việc tai tiếng động trời nhưng lại chôn vùi tầm chính khách xuống dưới mặt đất.

Tầm chính khách cao nhất trong nội trị là an dân. Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho công an nửa đêm về sáng ngày 9 tháng một, 2020 phá cửa xông vào tận giường ngủ xả súng giết một đảng viên cộng sản có 59 tuổi đảng đang còn tham gia sinh hoạt đảng, giết một cụ già 85 tuổi đời đang là công dân lương thiện Lê Đình Kình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Pháp luật là để an dân. Vụ công an giết dân lương thiện Đồng Tâm là sự chà đạp khủng khiếp lên luật pháp. Với vụ việc giết dân lương thiện ở thôn Hoành, Đồng Tâm, phá an dân từ luật pháp, từ trái tim người dân, ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ là con người công cụ của đảng cộng sản, không hề có con người chính khách.

Chính khách của đất nước thời thế giới hội nhập là đưa đất nước hội nhập với thế giới dân chủ văn minh, là mang tài, mang sức nâng cao vị thế Việt Nam trong thế giới văn minh. Nhưng vụ Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đích thân chỉ huy đội đặc nhiệm đột nhập nước Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh rồi thuê máy bay Slovakia đưa Thanh về nước đã để lại một tiếng xấu thậm tệ, một vết nhơ to lớn trong mối quan hệ Việt Nam với thế giới và Bộ trưởng Tô Lâm đã trở thành tội pham với luật pháp nước Đức và luật pháp Slovakia.

Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đến nước Anh năm ngoái, Bộ trưởng Tô Lâm lại tạo ra tai tiếng động trời trên hệ thống truyền thông tiếng Việt và tiếng Anh khắp thế giới khi Bộ trưởng Tô Lâm sung sướng ngửa mặt, há mồm cho đầu bếp Thổ Nhĩ Kì đút miếng thịt bò dát vàng vào miệng. Đất nước đang nghèo khó, đại dịch Covid-19 lại đẩy kinh tế cả nước vào đình đốn, đẩy hàng triệu gia đình người Việt vào thiếu đói mà Bộ trưởng Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng 2000 đô la một suất thì ông Bộ trưởng đó làm sao có thể là chính khách !

Bộ trưởng Công an chỉ lo nội trị lại đầy tai tiếng như vậy nhưng tuần chay nào cũng có nước mắt, chuyến xuất ngoại nào của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có mặt thì suất xuất ngoại của Bộ trưởng Tô Lâm chỉ do tình cảm thân thiết, do mối quan hệ sâu xa giữa Thủ tướng Chính với Bộ trưởng Lâm, chứ hoàn toàn không phải do công việc, không phải do nhiệm vụ. Với thành viên như Bộ trưởng Tô Lâm, những chuyến đi ra thế giới của đoàn quan chức Chính phủ Chính càng không thể nâng cao vị trí, tư thế Việt Nam trong thế giới dân chủ văn minh.

pmc3

Thoáng qua vài gương mặt chính khách hàng đầu trên chính trường Việt Nam, người dân Việt Nam phải đau buồn và hổ thẹn nhận ra rằng quan chức ở tầm chính khách trong chính trường Việt Nam quá thiếu.

3.  Những quyền con người cơ bản, tối thiểu của người dân Việt Nam xã hội chủ nghĩa đều bị hình sự hóa bởi những điều 109, 117, 331 Bộ Luật hình sự 2015. Hơn hai trăm người dân Việt Nam chỉ thực hiện quyền con người chính đáng đã bị các điều luật hình sự 109, 117, 331 buộc tội, phải nhận án tù mút mùa. Vậy mà ông Thủ tướng Chính khi đến Anh 11/2021 dám hùng hồn tuyên bố : Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau. Tháng năm, 2022 khi đến Mỹ ông Thủ tướng Chính lại dương dương tự tin : Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam ! Dương dương như vậy là ông Thủ tướng Chính chẳng hiểu gì về nhân quyền. Không hiểu về Nhân quyền thì không thể là chính khách của thời đại dân chủ văn minh.

Dịp khác tôi sẽ trở lại thưa chuyện về nhân quyền với ông Thủ tướng Chính. Ở đây tôi chỉ nói nỗi đau buồn về con người chính khách trống rỗng thiếu hụt trong những chính khách Việt Nam.

Chính khách là người có lí tưởng sống cao cả, có khát vọng được thể hiện, được đóng góp hết mình cho đời, cho nhân dân, đất nước và có vị trí, có quyền lực để thực hiện lí tưởng, khát vọng. Tâm thế, nghĩ suy và hành xử của chính khách đều vì đất nước, vì người dân, vì tiến bộ xã hội, không mảy may vì cá nhân riêng tư.

Ông tướng công an Phạm Minh Chính dành ưu ái cho ông tướng công an Tô Lâm có mặt trong tất cả những chuyến xuất ngoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy ông Thủ tướng Phạm Minh Chính hành xử theo tình cảm riêng tư chứ không hành xử vì dân, vì nước.

Thoáng qua vài vụ việc trong đời sống xã hội và đời sống chính trị Việt Nam, thoáng qua vài gương mặt chính khách hàng đầu trên chính trường Việt Nam, người dân Việt Nam phải đau buồn và hổ thẹn nhận ra rằng quan chức ở tầm chính khách trong chính trường Việt Nam quá thiếu vắng những chính khách đích thực xứng tầm với dân tộc Việt Nam văn hiến, xứng tầm với thời đại dân chủ văn minh.

Phạm Đình Trọng

(20/05/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 1254 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)