Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

24/05/2022

Việt Nam và thế giới, ba tháng sau cuộc chiến Nga-Ukraine

Việt Hoàng

Hôm nay vừa tròn ba tháng cuộc chiến xâm lược Ukraine do Putin phát động. Cục diện chiến trường và thế giới đã có nhiều thay đổi.

ukraine1

Giao tranh kéo dài sẽ ngày càng tồi tệ cho Nga trong khi Ukraine ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của thế giới.

Cuộc chiến Nga-Ukraine : cục diện chiến trường và thế giới đã có nhiều thay đổi

Sự kiện quan trọng đầu tiên đánh dấu cho cột mốc này là việc hai nước hàng xóm của Nga, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Như vậy, mục tiêu của Putin khi đánh Ukraine nhằm đẩy NATO ra xa biên giới Nga đã thất bại.

Sự kiện thứ hai là Quốc hội Mỹ đồng ý cấp cho Ukraine 40 tỉ USD nhằm hỗ trợ kinh tế và quân sự giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là việc làm đúng đắn của Joe Biden và Quốc hội để lấy lại uy tín cho nước Mỹ. Putin trả đũa bằng cách cấm cửa 963 người Mỹ vĩnh viễn không được nhập cảnh vào Nga, trong đó có cả tổng thống và ngoại trưởng Mỹ. Không hiểu sau này Nga muốn đối thoại với Mỹ thì phải làm thế nào.

Sự kiện thứ ba, gây chấn động cho người dân Nga là những cảnh báo của cựu đại tá Nga trên truyền hình, ông Mikhail Khodarenok hôm 18/5. Ông cho rằng tinh thần và ý chí chiến đấu của người dân Ukraine rất mãnh liệt. Giao tranh kéo dài sẽ ngày càng tồi tệ cho Nga trong khi đó Ukraine ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của thế giới. Cuối cùng là nước Nga đang bị cô lập hoàn toàn trên thế giới.

Sự kiện buồn đánh dấu cho ba tháng giao tranh Nga-Ukraine là thành phố biển có vị trí chiến lược của Ukraine, Mariupol đã thất thủ khi nhóm lính cuối cùng thuộc tiểu đoàn Azov cố thủ trong nhà máy luyện kim đã ra hàng. Việc Mariupol thất thủ không làm ai ngạc nhiên, điều làm mọi người ngạc nhiên là không ai nghĩ những người lính Ukraine có thể cầm cự lâu như vậy. Thành phố Mariupol gần như đã bị Nga san phẳng và chiếm đóng cách đây một tháng. Tương quan lực lượng quá chênh lệnh. Quân đội Ukraine mỏng nhưng phải căng mình trên mọi mặt trận nên không thể dồn hết quân bảo vệ Mariupol. Quân Nga đã bao vây và cắt mọi nguồn tiếp viện cho tiểu đoàn Azov. Đã có 500 binh sĩ bị thương không được chăm sóc y tế, lương thực và vũ khí hoàn toàn cạn kiệt. Trước tình hình đó Bộ Quốc phòng Ukraine đã ra lệnh cho các binh sĩ cố thủ tại đây ra hàng. Đây là một quyết định đúng đắn và có lương tâm của chính quyền Ukraine. Để đảm bảo cho tính mạng của những người lính này Ukraine đã yêu cầu sự tham gia của Hội chữ thập đỏ và Liên Hợp Quốc. Putin muốn bức hại họ cũng khó vì danh sách đầy đủ của họ đã có trong tay Liên Hợp Quốc. Hơn nữa trước đó đã có cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ với đồng cấp phía Nga. Nội dung chưa được công bố nhưng có thể sẽ đề cập đến số phận của các tù binh Ukraine.

Như vậy sau ba tháng giao tranh Nga chỉ chiếm được hai thành phố hạng trung của Ukraine là Kherson và Mariupol. Tại thành phố lớn thứ hai của Ukraine là Kharkiv, quân đội Ukraine đã đánh bật quân Nga về bên kia biên giới. Các cuộc giao tranh dữ dội vẫn diễn ra khắp miền Đông Ukraine và Nga không chiếm thêm được thành phố nào.

Cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài vì sự sống còn của cả Nga lẫn Ukraine

Với Putin và nhiều người Nga thì Ukraine là một phần của đế chế Nga. Mất Ukraine không chỉ là một nỗi đau và còn có thể kéo theo sự sụp đổ của cả đế chế. Với người Ukraine thì cuộc chiến này phải chiến thắng để khẳng định sự độc lập và để tách rời vĩnh viễn khỏi quĩ đạo Nga. Ukraine dù yếu hơn Nga nhưng lại nhận được sự ủng hộ toàn diện từ các nước dân chủ. Nguồn tiếp tế từ các nước dân chủ vẫn tiếp tục đổ vào Ukraine không giới hạn cho đến ngày chiến thắng theo cam kết của nhiều nước như Mỹ, Đức, Ba Lan...

ukraine2

Hàng triệu người Ukraine đã rời bỏ quê hương tị nạn sang nước người

Cuộc chiến càng kéo dài thì càng bất lợi cho Nga. Với GDP chỉ còn hơn 1000 tỉ USD, tức 2% trọng lượng của nền kinh tế thế giới Nga không thể đương đầu với 85% còn lại của các nước dân chủ. Với sự ủng hộ to lớn và toàn diện của thế giới, đặc biệt là Mỹ, Ukraine có thể đẩy lùi quân đội Nga ra khỏi biên giới và thậm chí có thể lấy lại bán đảo Crimea và vùng Donbass. Trước khi xâm lược Ukraine, Putin yêu cầu Zelensky phải đầu hàng, ba tháng sau đại sứ Nga tại Mỹ tuyên bố Nga sẽ không đầu hàng.

Cuộc chiến càng kéo dài thì Ukraine càng lợi thế khi vũ khí tối tân của phương Tây viện trợ cho Ukraine ngày càng nhiều. Quân đội Ukraine sẽ có thêm thời gian để huấn luyện và sử dụng các loại vũ khí đó. Nga không thể nào sản xuất kịp các loại vũ tối tân vì không đủ tiền và linh kiện do các lệnh cấm vận của thế giới. Cuộc chiến kéo dài cũng khiến cho xã hội Nga bất ổn khi các lệnh trừng phạt kinh tế bắt đầu có tác dụng. Nước Nga sẽ lụn bại hoàn toàn sau cuộc chiến điên rồ với Ukraine. Nước Nga có thể tan vỡ thành nhiều quốc gia độc lập. Putin sẽ đi vào lịch sử khi đặt dấu chấm hết cho đế chế Nga.

Cuộc chiến này có ảnh hưởng gì đến Việt Nam không ?

Câu trả lời là rất lớn. Có lẽ Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa nhận ra tác động sâu sắc từ cuộc chiến này. Trật tự thế giới đã hoàn toàn thay đổi, sự hợp tác toàn diện và ưu tiên đặt quyền lợi kinh tế lên trên các giá trị phổ cập giữa các nước độc tài và dân chủ đã chấm dứt. Việt Nam sẽ bị khủng hoảng kinh tế ngay lập tức khi giao thương với các nước dân chủ giảm sút. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài khi nhiều năm qua chính quyền ưu tiên quá mức cho xuất khẩu thay vì phát triển thị trường nội địa.

ukraine3

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài khi nhiều năm qua chính quyền ưu tiên quá mức cho xuất khẩu thay vì phát triển thị trường nội địa.

Phái đoàn Việt Nam đã nhân cơ hội tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN để tiếp xúc với mọi cấp, mọi giới của Mỹ nhằm kêu gọi đầu tư và tăng cường hợp tác giữa hai nước. Đã có 60 cuộc tiếp xúc của thủ tướng Phạm Minh Chính với chính giới Mỹ cũng như với các đại công ty Mỹ như Apple, Google, Intel, Microsoft... trong suốt một tuần lễ.

Kết quả từ cuộc thăm viếng này rất khiêm tốn, thậm chí có thể không thu được kết quả tốt đẹp nào. Hình ảnh tươi cười của tổng thống Mỹ Joe Biden với thủ tướng Phạm Minh Chính trước ống kính không che giấu được sự bẽ bàng của phái đoàn Việt Nam khi phải chờ chực để được gặp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại một căn phòng nhỏ và cuộc nói chuyện chỉ diễn ra trong 7 phút. Thái độ của Bộ ngoại giao Mỹ, vốn nổi tiếng cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ với thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy lập trường của Mỹ đối với Việt Nam đã thay đổi. Mỹ không thể không nhớ việc ba lần Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ Nga tại diễn đàn Liên Hợp Quốc.

Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phân tích, mọi ưu ái của Mỹ và phương Tây dành cho Việt Nam sẽ kết thúc khi Trung Quốc không còn là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Thái độ 'hiền lành' của Trung Quốc trong thời gian qua, nhất là trong cuộc chiến Nga-Ukraine cho thấy họ đang gặp nhiều vấn đề nội bộ. Trung Quốc đã khủng hoảng và bắt đầu quá trình suy thoái.

Đảng cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục đu dây mà phải chọn phe. Hoặc là chọn Nga và Trung Quốc để chìm xuồng cùng họ, hoặc là dân chủ hóa đất nước để gia nhập vào khối các nước dân chủ. Việt Nam chỉ có thể phát triển và hội nhập vào dòng chảy của thời đại mới nếu có dân chủ, nhưng Đảng cộng sản không đủ tầm vóc để dân chủ hóa đất nước một mình.

Nếu ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không ý thức được điều đó thì các đảng viên trung, cao cấp phải ý thức được rằng cái gì phải đến sẽ đến. Mọi sự trì hoãn chỉ làm cho tình hình trở nên nguy hiểm và tồi tệ hơn mà thôi.

Việt Hoàng

(24/5/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1207 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)