Đại tá Nguyễn Đăng Quang : Tôi đã gửi niềm tin nhầm chỗ
Phạm Đình Trọng, 29/07/2022
1. Mùa hè năm 1963 tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai vừa bước vào tuổi hai mươi Nguyễn Đăng Quang cũng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và được tuyển vào công an. Anh lính công an trẻ măng, mặt mũi sáng láng có bằng tú tài liền được tổ chức công an cử đi học tiếng Anh ở trường đại học ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội. Tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường ngoại ngữ, Nguyễn Đăng Quang lại vào trường An Ninh học nghiệp vụ của công việc thầm lặng, đơn độc, đòi hỏi trí tuệ minh mẫn, tỉnh táo và ý chí vững vàng. Nguyễn Đăng Quang luôn đạt điểm cao trong suốt những năm đèn sách là bằng chứng của trí tuệ minh mẫn và trở thành đảng viên cộng sản là bằng chứng của ý chí vững vàng.
Cố Đại tá Nguyễn Đăng Quang và Phạm Đình Trọng
Minh mẫn, tỉnh táo và ý chí vững vàng đã đưa người lính công an chìm Nguyễn Đăng Quang tới công cán ở các nước phát triển hàng đầu của thế giới tư bản với tư cách quan chức ngoại giao của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hôm qua, nhà nước Việt Nam Xã Hội chủ Nghĩa hôm nay và đưa Nguyễn Đăng Quang tới hàm đại tá an ninh.
Minh mẫn và tỉnh táo, Nguyễn Đăng Quang nhận ra xã hội tư bản với luật pháp dân chủ tư sản coi người dân là chủ thể đất nước và việc đầu tiên của mọi nhà nước dân chủ tư sản, từ nhà nước tư bản hoang dã đến nhà nước tư bản văn minh là xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền tự do thiêng liêng và quyền làm chủ đất nước của người dân. Nhờ vậy, trí tuệ, tài năng của người dân được khai thác triệt để, được phát huy cao nhất, đưa đất nước phát triển mau lẹ và mạnh mẽ, tạo ra cuộc sống giầu sang và nâng con người lên tầm vóc lớn lao.
Từ trái. Nguyễn Đăng Quang, Phạm Đình Trọng, Hoàng Trung, Vũ Mạnh Hùng. Hà Nội 2012
Minh mẫn và tỉnh táo, Nguyễn Đăng Quang nhận ra trong khi các nước tư bản không ngừng hoàn thiện luật pháp bảo đảm quyền của người dân thì các nước cộng sản lại hối hả, gấp gáp làm ra luật pháp để tước quyền của người dân. Trong khi các nước tư bản liên tục làm cách mạng khoa học kĩ thuật đưa loài người tới những nền văn minh rực rỡ, văn minh công nghiệp, văn minh tin học thì các nước cộng sản chỉ chăm chăm làm cách mạng xã hội tước quyền sống, quyền làm người của người dân, dìm đất nước trong bạo lực chuyên chính vô sản và dìm người dân vào bầy đàn nô lệ.
Minh mẫn và tỉnh táo, Nguyễn Đăng Quang đau xót nhận ra sự lầm lạc khi mang cả cuộc đời cống hiến cho lí tưởng cộng sản. Sau bốn mươi năm lầm lạc, mùa hè năm 2003 về nghỉ hưu trí, đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang lặng lẽ loại bỏ lí tưởng cộng sản ra khỏi cuộc đời mình bằng cách huỷ bỏ giấy chuyển sinh hoạt đảng, không nộp cho đảng uỷ quận Cầu Giấy, nơi đại tá Nguyễn Đăng Quang cư trú.
Dù đã ở với nhau, đã chịu đựng nhau cả thời tuổi trẻ nhưng sự khác biệt lí tưởng thẩm mĩ, khác biệt bảng giá trị cuộc sống ngày càng lớn thì hai vợ chồng chia tay nhau là tất yếu. Coi việc từ bỏ đảng cộng sản là tất yếu, mười bảy năm đã qua đi, thanh thản và nhẹ nhõm trong cuộc sống thường dân, đại tá Nguyễn Đăng Quang đã quên hẳn việc bỏ đảng cộng sản thì đầu năm 2020 đảng uỷ quận Cầu Giấy lại gây sự, khoét lại nỗi đau lầm lạc niềm tin của đại tá Nguyễn Đăng Quang bằng việc công bố trong đảng và gửi đến nhà đại tá Nguyễn Đăng Quang quyết định xóa tư cách đảng viên đảng cộng sản Việt Nam của đảng viên Nguyễn Đăng Quang vì đã vi phạm qui định chuyển sinh hoạt đảng.
Bị khoét lại nỗi đau lầm lạc niềm tin, đại tá Nguyễn Đăng Quang phải nói rõ nguồn cơn ông từ bỏ đảng cộng sản trong bài viết Tôi Đã Khai Trừ Đảng Ra Khỏi Lòng Tôi : Ngay khi còn đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, tôi đã âm thầm "khai trừ đảng khỏi lòng tôi" rồi. Tôi đã thực hiện điều này trong lặng lẽ, tức chỉ có tôi biết. Chính xác việc trên từ khi nào, tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ.
Trong bài viết, đại tá Nguyễn Đăng Quang liệt kê mười niềm tin lầm lạc của ông, mười nỗi thất vọng ê chề với lí tưởng mà ông đã hiến dâng cả cuộc đời làm việc. Dẫn lại đủ mười điều làm đại tá Nguyễn Đăng Quang phải khai trừ đảng cộng sản trong lòng mình sẽ quá dài. Chỉ xin dẫn một điều để thấy sự minh mẫn, tỉnh táo của trí tuệ Nguyễn Đăng Quang, để thấy tấm lòng trung thực của tâm hồn Nguyễn Đăng Quang.
Điều đầu tiên trí tuệ tâm hồn Nguyễn Đăng Quang phải khai trừ đảng ra khỏi lòng mình là "Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước toàn trị, chuyên chế, phi dân chủ. Áp đặt vào Hiến pháp điều 4 "Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội", đảng đã tước đoạt quyền dân, đảng đã vô lý và ngang ngược bắt toàn xã hội phải chấp nhận ý chí của một thiểu số. Đã thế, đảng lại không chịu trách nhiệm với bất cứ quyết định nào về mặt pháp lý của mình. Chưa loại bỏ điều luật phi lý và phi pháp này, chưa thể có dân chủ. Thử hỏi có chính đảng nào trên thế giới lại ngang nhiên mặc định trong Hiến pháp sự độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội như đảng cộng sản ?"
2. Còn gì đau hơn khi cả đời tận tụy cống hiến cho lí tưởng cộng sản, đến cuối đời phải viết bài dài trên nhiều trang báo mạng lề dân thú nhận bản chất cộng sản, thú nhận lí tưởng cả đời con người trung thực Nguyễn Đăng Quang theo đuổi chỉ là : Xảo trá, lật lọng là bản chất và thuộc tính mang thương hiệu cộng sản. Đó là sự sụp đổ đau đớn của niềm tin cộng sản. Nỗi đau lớn nhất của tâm hồn, trí tuệ Nguyễn Đăng Quang là cả cuộc đời cúc cung tận tụy cho sự dối trá, lừa đảo, cho một nhà nước không có dân chủ, cho một đảng tước đoạt quyền dân.
Rời bỏ đảng cộng sản để chữa lành nỗi đau niềm tin sụp đổ là chưa đủ. Nguyễn Đăng Quang đến với nỗi đau của người dân trong tai ương cộng sản như đến với phương pháp trị liệu tốt nhất, như đến với nỗi đau của chính mình.
Nguyễn Đăng Quang đến với nỗi đau của người dân trong tai ương cộng sản ở Thủ Thiêm, ở vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn, ở Đồng Tâm, Hà Nội bằng những bài viết sắc sảo lí lẽ, thấu đáo luật pháp và luật đời, chỉ ra sai trái và tội ác của nhà cầm quyền cộng sản làm điều phi pháp và thất đức gây tội ác quá lớn với dân. Những bài viết chân tình nâng đỡ người dân đau khổ, mất mát trong tai ương không gục ngã, cũng không đau buồn đến quẫn trí rồi liều lĩnh, dại dột. Đặc biệt với người dân Đồng Tâm, Nguyễn Đăng Quang như một bộ não, như một nguồn sáng dẫn đường.
Người dân Đồng Tâm có lão làng Lê Đình Kình mang ý chí giữ đất chính đáng và hợp pháp gắn kết người dân thành một khối vững bền. Người dân Đồng Tâm lại có trí tuệ Nguyễn Đăng Quang chỉ đường đi nước bước và tấm lòng Nguyễn Đăng Quang nối người dân Đồng Tâm với tấm lòng người dân cả nước.
Ngoài gần hai mươi bài viết của trí tuệ và tấm lòng Nguyễn Đăng Quang về Đồng Tâm đã đăng trên các trang mạng lề dân, trong những văn bản, đơn thư của người dân Đồng Tâm như Người dân Đồng Tâm gửi Thư cầu cứu Trung ương, ngày 23/1/2018, Người dân Đồng Tâm gửi Tâm thư tới Hội nghị Trung ương 7 ngày 19/4/2018, Người dân Đồng Tâm gửi Tâm thư cầu cứu Quốc hội ngày 21/5/2018 đều có dấu ấn của trí tuệ và tấm lòng Nguyễn Đăng Quang.
Ở nhà anh Nguyễn Đăng Quang, số 7 Quan Hoa, Hà Nội (2019)
3. Đi bộ từ điểm dừng xe buýt đến nhà số 7 phố Quan Hoa, Cầu Giấy, từ xa tôi đã thấy dáng anh Nguyễn Đăng Quang thấp, đậm, chắc nịch đứng ở vỉa hè trước nhà đón tôi. Anh dẫn tôi lên gác hai, vào phòng riêng của anh. Tôi ngồi bên anh Nguyễn Đăng Quang ở bộ ghế nệm da chụp tấm ảnh ghi nhớ cuộc gặp. Anh dẫn tôi đến trước màn hình laptop trên bàn làm việc bên khung cửa kính nhìn xuống phố Quan Hoa và một đoạn sông Tô Lịch. Anh đọc cho tôi nghe bài anh đang viết.
Nhiều lần tôi nhận được cuộc gọi của anh sau bài viết của tôi đăng trên các trang mạng. Đó là những bài anh tỏ ra đồng tình, và anh gọi cho tôi như một sự biểu dương. Những bài viết có tên Nguyễn Đăng Quang đăng trên các trang mạng lề dân tôi đều đọc chăm chú bởi tư thế lừng lững của bài viết, bởi bài viết mang tấm lòng chân tình, đôn hậu, bởi câu chữ điềm đạm và lập luận chặt chẽ, thấu đáo của người viết. Nhưng chưa một lần tôi gọi cho anh Nguyễn Đăng Quang về bài viết của anh.
Vào Sài Gòn với con gái Quế Nga, anh Nguyễn Đăng Quang đều đến thăm tôi. Tôi ra Hà Nội đều phôn hẹn gặp anh. Đầu năm 2019, biết tôi ra Hà Nội, anh Quang liền tổ chức chuyến đi Yên Thủy, Hòa Bình thăm gia đình người nông dân tần tảo với đất đai và lẫm liệt trước bạo quyền cộng sản, gia dình anh chị Trịnh Bá Khiêm – Cấn Thị Thêu. Chuyến đi không bao giờ quên này còn có các anh Thái Kế Toại, Nguyễn Tiến Dân, Vũ Mạnh Hùng.
Từ trái : Thái Kế Toại, Nguyễn Đăng Quang, Cấn Thị Thêu, Phạm Đình Trọng, Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Tiến Dân tại sân nhà anh chị Trịnh Bá Khiêm - Cấn Thị Thêu, Yên Thủy, Hòa Bình.
Cũng năm 2019 nhưng cuối năm khi ngọn gió heo may xào xạc trên vòm sấu đầu phố Phan Đình Phùng, bên vườn hoa Hàng Đậu vô cùng thân thuộc với tôi, tôi lại có mặt ở Hà Nội. Biết tôi vừa ra Hà Nội, anh Nguyễn Đăng Quang gợi ý tôi nên về Đồng Tâm không khí đang ngột ngạt như trước trận bão dữ. Anh phôn cho lão làng Lê Đình Kình dặn dò việc đón tôi. Vì vậy khi tôi về Đồng Tâm, cụ Kình đã nhường cho tôi căn buồng của cụ. Tôi đã có hai đêm ngủ trên tấm nệm cụ Kình vẫn ngủ. Và bốn mươi ngày sau, rạng sáng ngày 9/1/2020 tấm nệm đó đã thấm đẫm máu cụ Kình, tường căn buồng găm đầy vết đạn công an xả súng giết cụ Kình.
Viết những dòng này tưởng nhớ anh Nguyễn Đăng Quang khi anh vừa rũ bỏ bụi trần về thế giới người Hiền sáng ngày 27 tháng bảy 2022, tôi lại da diết nhớ lão làng Lê Đình Kình và nhớ nhân cách Nguyễn Đăng Quang hai gương mặt đẹp ở một thời đau buồn và xấu xí. Hai gương mặt, hai tên tuổi sẽ đi vào lịch sử và còn mãi với lịch sử Việt Nam, còn mãi trong lòng mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Phạm Đình Trọng
(29/07/2022)
*************************
Thương tiếc Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Nguyễn Đình Ấm, VNTB, 29/07/2022
"Mọi ân huệ của chú, của anh và mọi quan chức, công chức, viên chức ăn lương nhà nước đều từ mồ hôi, nước mắt dân chứ Đảng, Chính quyền có gì !"
Di ảnh cố Đại tá Nguyễn Đăng Quang
Ngày 25/7/2022 tôi được người quen của gia đình bác Quang cho biết, bệnh viện đã trả bác về nhà do không còn hy vọng chạy chữa. Tôi rất lo lắng muốn đến thăm bác nhưng do thời tiết quá nóng, huyết áp tăng cao, tim liên tục bỏ nhịp không thể đi đâu một mình nên không đến thăm bác được. Hôm qua, 27/7 tin bác Quang đã không còn. Thế là không bao giờ được gặp bác nữa. Tôi được biết, bác Nguyễn Đăng Quang, đại tá an ninh, từng là trưởng bộ phận bảo vệ phái đoàn Việt Nam ở Liên Hợp Quốc, về hưu những năm 2000.
Tôi quen bác Quang từ năm 2014 khi về Văn Giang viết bài chống cướp đất. Gặp bác đang tư vấn cho dân "không nên quá khích mà mắc mưu bọn cướp, đấu tranh phải có bài bản theo pháp luật" tôi thấy lạ, sao một đại tá công an lại dám đi bênh vực người dân như thế này. Hôm bác sang nhà tôi chơi, trong bữa cơm, tôi đánh liều hỏi :
– Là đại tá công an, được hưởng nhiều ân huệ của đảng sao bác dám theo dân bảo vệ họ ?
Bác tỏ ra hơi khó chịu :
– Sao chú lại lại anh thế. Mọi ân huệ của chú, của anh và mọi quan chức, công chức, viên chức ăn lương nhà nước đều từ mồ hôi, nước mắt dân chứ đảng, chính quyền có gì. Nay bọn quan chức biến chất tham nhũng, hà hiếp, ăn cướp, hại nước, mọt dân thì mình phải đứng về phía đã nuôi nấng, đùm bọc mình chứ. Đấu tranh dù khó khăn nguy hiểm bị gán cho phản động nhưng dù thắng hay thua thì mình cũng không thể "giương mắt ếch" mà nhìn dân bị oan sai, cướp bóc được.
Từ đó tôi hoàn toàn tin tưởng theo bác đi một số nơi viết bài ủng hộ dân, đặc biệt là ở Đồng Tâm. Bác Quang nhiều lần về Đồng Tâm và dân ở đây coi bác như người ruột thịt. Bác phẫn nộ khi sĩ quan cục điều tra hình sự bộ quốc phòng, công an Hà Nội có hành vi hèn hạ lừa cụ Lê Đình Kình ra đồng đánh cụ thương tích nặng rồi bắt cóc cùng ba công dân Đồng Tâm đem ra nội thành tra khảo. Từ đây bác tìm hiểu và viết nhiều bài phân tích phải trái rất rõ ràng, mạch lạc.
Từ trái : Vũ Mạnh Hùng. Nguyễn Đăng Quang. Thái Kế Toại. Phạm Đình Trọng. Nguyễn Tiến Dân. Cấn Thị Thêu. Ở nhà anh chị Trịnh Bá Khiêm - Cấn Thị Thêu. Yên Thủy. Hòa Bình.
Qua các bài viết của bác cũng như nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng như giáo sư Hoàng Xuân Phú, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, nhà giáo Nguyễn Tiến Dân… có thể khẳng định : Nếu bọn tham nhũng không dùng luật rừng thì phần thắng hoàn toàn thuộc về dân Đồng Tâm. Tiếc một điều, thời gian cuộc đấu tranh của dân Đồng Tâm diễn ra gay go nhất thì bác Quang bị mổ não lần thứ hai, không còn tư vấn, giúp đỡ được cho dân Đồng Tâm nữa. Nay bác mất rồi là tổn thất tinh thần rất lớn của những người có lương tri, thương dân, đấu tranh bảo vệ dân và ít nhất khai dân trí cho những người bị hoạn nạn, cướp bóc.
Ở ta có biết bao đại tá, tướng soái công an nhưng dân ta biết về nhiều người chủ yếu vì cái xấu mà họ gây ra còn với bác NĐQ thiên hạ biết đến bác với một đại tá dám vứt bỏ mọi ưu ái để dấn thân bảo vệ nhân dân.
Thương tiếc đại tá Nguyễn Đăng Quang !
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 29/07/2022
*****
Cáo phó của gia đình
Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin : Chồng/Cha/Ông chúng tôi là : Nguyễn Đăng Quang sinh ngày 11 tháng 11 năm 1942.
Do tuổi cao sức yếu, bệnh nặng đã lâu mặc dù gia đình đã hết lòng cứu chữa và chăm sóc nhưng Chồng/Cha/ Ông chúng tôi đã không qua khỏi và từ trần vào hồi 10 giờ 06 phút, ngày 27/07/2022 tức ngày 29 tháng 6 âm lịch năm Nhâm Dần. Hưởng thọ 81 tuổi.
Lễ viếng : từ 08g00 – 09g00 ngày 30/07/2022 tức ngày mồng 2 tháng 7 âm lịch năm Nhâm Dần.
Lễ truy điệu : 9g00 ngày 30/07/2022.
Tại : Nhà Tang Lễ Cầu Giấy, số 1 Trần Vỹ, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
An táng tại Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, xóm Tân Lập, xã Mông Hóa, tỉnh Hòa Bình.
Bà quả phụ Trần Thị Ngân
Con trai Nguyễn Đăng Quế
Con gái Nguyễn Thị Quế Nga
Cùng các con cháu.
Kính báo !