Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

07/09/2022

Hội tự ngắm mình

Phạm Đình Trọng

Hội các ông tướng ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, chỉ là chuyện nhỏ và đã qua. Nhưng từ Hội tướng lạc lõng đó cần nhận ra điều không nhỏ đang đặt ra với xã hội.

hoi1

Hội các tướng lãnh huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh

Hội là tổ chức của những người có cùng mẫu số chung về một đặc thù nào đó trong cuộc đời và lập hội là quyền đương nhiên của công dân trong xã hội dân sự được bảo đảm trong Hiến pháp. Chỉ có điều cần nhìn nhận khi sử dụng quyền đó sao cho thỏa đáng. Hội chỉ cần thiết ra đời bởi nhu cầu chính đáng và thiết thực của thành viên và đóng góp thêm sinh hoạt lành mạnh cho đời sống xã hội.

Những người lính đang tại ngũ không được phép lập hội. Còn những người lính đã giải ngũ, đã về hưu thì đã có hội cựu chiến binh Việt Nam dung nạp mọi cấp hàm từ binh nhì đến đại tướng. Các tỉnh, huyện, xã, phường đều có chi hội cựu chiến binh. Đã có hội chung của mọi cựu chiến binh cả nước mà mỗi tỉnh, huyện lại lập hội cựu chiến binh của riêng tỉnh, huyện là không bình thường, không lành mạnh. Mỗi tỉnh, huyện lại lập hội cựu chiến binh theo cấp hàm, tướng lập hội tướng, tá lập hội tá, binh nhất, binh nhì lập hội lính tráng, càng nhỏ nhen, lạc lõng, càng không lành mạnh, không thể chấp nhận.

Từ đó để thấy hội của các ông tướng về hưu cùng quê huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh tuy không sai về lí, không trật về luật nhưng rất lạc lõng, nhảm nhí và phản cảm. Hội các ông tướng của một vùng đất nghèo khổ chỉ là hội công thần, thỏa mãn, hả hê trên sự khốn cùng của người dân.

Trong nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ đãi ngộ, hưởng thụ theo thang bậc xã hội có sự chênh lệch rất lớn. Sự chênh lệch đãi ngộ, hưởng thụ diễn ra ở mọi nhu cầu cuộc sống, từ tiêu chuẩn nhà ở, tiêu chuẩn chữa bệnh khi sống đến tiêu chuẩn lễ nghi, tiêu chuẩn chỗ chôn khi chết là sự bất bình đẳng xã hội khủng khiếp chỉ có ở nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước phong kiến thối nát nhất trong lịch sử xa xưa, nhà nước tư bản giãy chết tồi tệ nhất trong lịch sử đương đại cũng không có sự chênh lệch chế độ đãi ngộ, hưởng thụ giữa con người với con người lại bất công trắng trợn, lại miệt thị, khinh rẻ, tàn nhẫn với dân thường như ở nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Các ông tướng quân đội và công an nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ khi đương chức đến khi về hưu đều được hưởng quá nhiều tiêu chuẩn, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi và không ai, không tổ chức nào dám đụng đến những bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi đó. Những người đặc quyền, đặc lợi họp nhau hội hè thì chỉ để tự ngắm mình và nhấm nháp sự thỏa mãn mà thôi.

Trong mặt bằng đời sống người dân cả nước hiện nay, các ông tướng có đời sống rất cao. Hà Tĩnh là tỉnh nghèo. Người dân phải bỏ mảnh đất quê Hà Tĩnh sỏi đá gió lào cát trắng lang bạt kiếm sống khắp nước và khắp thế giới. Trong 39 người Việt chết ngày 23/10/2019 trong thùng xe container đông lạnh trên đường tha phương cầu thực vào nước Anh kiếm sống có tới 11 người, gần một phần ba là người quê Hà tĩnh.

Trên mảnh đất nghèo khổ Hà Tĩnh, đời sống các ông tướng với đời sống số đông người dân càng chênh lệch một trời một vực. Sự hội hè của các ông tướng hả hê thỏa mãn làm cho số đông người dân nghèo khó càng thấy ngậm ngùi, bất hạnh. Hội hè như vậy rõ ràng bộc lộ sự nhỏ nhen, lạc lõng của các ông tướng, càng khoét sâu hố ngăn cách giữa tầng lớp quan lại thống trị với người dân bị trị, càng đẩy xa khoảng cách đảng cầm quyền với người dân mất quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm cho xã hội càng đầy bất công, không lành mạnh.

Về hưu, rung đùi tự ngắm sự hơn người của mình rồi tụ tập nhau lập hội của sự thỏa mãn chỉ để nhân sự thỏa mãn lên, chỉ để tạo thêm chỗ tự ngắm mình, nhấm nháp sự thỏa mãn của mình mà thôi. Chỉ biết tự ngắm mình, chỉ biết nhấm nháp sự thỏa mãn của mình cho thấy tâm hồn trống rỗng, nhân cách thấp kém của các ông tướng trong hội tướng vênh váo Đức Thọ.

Thời kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến còn có sự chính đáng, chính nghĩa, lực lượng cầm súng kháng chiến từ du kích tới quân chủ lực, cả triệu quân chỉ có hơn chục tướng. Hơn trăm ngàn lính mới có một tướng. Những ông tướng đáng mặt tướng đó đều đã về cát bụi.

Nay chỉ một huyện Đức Thọ cũng có tới hơn năm chục ông tướng. Hơn năm chục ông tướng huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh xênh xang mũ áo tướng, hí hửng lon tướng vàng choé tụ họp với nhau chỉ là tướng của cuộc nội chiến đau thương người Việt giết người Việt. Cuộc nội chiến tàn phá đất nước. Anh em, cha con giết nhau. Giống nòi li tán. Dân tộc suy yếu. Kẻ thù truyền kiếp Đại Hán nhân cơ hội nhảy vào cướp mất cả quần đảo Hoàng Sa của tổ tiên.

Không biết đau nỗi đau của giống nòi, của lịch sử Việt Nam phải trải qua cuộc nội chiến đẫm máu suốt mười lăm năm, 1960 – 1975. Không biết đau nỗi đau của lương tâm con người khi đất nước hòa bình xây dựng nửa thế kỉ rồi mà từ mấy chục năm qua, năm nào cũng có hàng ngàn cô gái hơ hớ tuổi xuân phải mang thân gái đi làm nô lệ tình dục xứ người kiếm tiền gửi về nước nuôi bố mẹ già. Chỉ biết có lon tướng có được từ máu người Việt thì đám tướng đó có còn lương tâm con người, có còn hồn Việt Nam ?

Trong đám hội tướng của một huyện ở Hà Tĩnh, hẳn có nhiều tướng quân đội có lon tướng thời tướng tham nhũng Phùng Quang Thanh có quyền kí phong tướng. Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi là một sĩ quan cấp tá về hưu và nhiều người viết báo Người Cao Tuổi cũng là những sĩ quan cả cuộc đời lao động, chiến đấu trong quân ngũ. Sự hiểu biết đời sống thực tế quân đội đã cho báo Người Cao Tuổi có phóng sự nhiều kì viết về quyền lực tham những bằng chữ kí phong hàm trong quân đội. Phóng sự Thị Trường Sao Và Vạch (*) của báo Người Cao Tuổi đã phơi bày một hiện thực lạm phát tướng đáng xấu hổ của quân đội thời Phùng Quang Thanh đúng đầu Bộ Quốc phòng.

Lạm phát tướng đến mức quân đội chỉ có hơn bốn trăm ngàn lính mà có đến 489 tướng. Chưa đến một ngàn lính đã có một tướng. Một ngàn lính là quân số đủ của một trung đoàn. Tướng chỉ huy trung đoàn thì tướng đó thực tế chỉ tương đương trung tá.

Lúa mẩy thì hạt nặng. Bông lúa mẩy bao giờ cũng ngả rạp xuống thấp. Chỉ bông lúa lép, hạt rỗng tuếch, nhẹ tênh mới ngỏng lên cao. Chỉ hạng tướng đi đêm, hạng tướng cướp đất sân bay của nước làm sân golf kinh doanh kiếm lời riêng, hạng tướng của quân đội bám bờ, người dân bám biển làm bia chủ quyền sống giữ biển, chỉ hạng tướng như vậy mới hả hê thỏa mãn với cái lon tướng. Hạng tướng tâm hồn trống rỗng, nhân cách thấp kém, mới tụ tập lập hội để tự ngắm mình, nhấm nháp sự thỏa mãn !

Qua hội tự ngắm mình của các ông tướng huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh càng có thêm dịp nhận ra tầm vóc, tâm hồn và nhân cách của các ông tướng Việt Nam thời lạm phát tướng. Cũng là dịp để thấy năng lực quản lí của ông quan đầu tỉnh kí giấy cho phép mấy ông tướng huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh lập hội tướng. Năng lực của ông quan đầu tỉnh Hà Tĩnh cũng là năng lực các quan cả nước hiện nay. Quan như vậy làm sao đất nước không trì trệ, làm sao dân không khốn khó!

Phạm Đình Trọng

(07/09/2022)

(*) Đọc thêm :

Các bài 'sai phạm' trên Người cao tuổi

BBC, 09/02/2015

Chính quyền ở Việt Nam khởi tố vụ án liên quan báo Người cao tuổi theo điều 258 Bộ Luật Hình sự về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.

hoi2

Báo Người cao tuổi từng phải đăng cải chính về chuyện bài vở

Trang web vốn do Hội Người cao tuổi chủ quản, cũng bị đóng và khi tìm vào địa chỉ này thì bạn đọc được thông báo :

"Tên miền nguoicaotuoi.org.vn đã hết hạn sử dụng, đang bị tạm ngừng".

Báo này đã đăng nhiều bài điều tra cáo buộc tình trạng tham nhũng trong quan chức hoặc nêu ra các vấn đề khác nhau liên quan đến công an và quân đội ở Việt Nam.

Tuy thế, một luật sư từ trong nước nói với BBC tiếng Việt rằng việc công an truy tố tờ báo này là ‘hoàn toàn đúng đắn’ và ‘không phải nhằm để trấn áp tờ báo dám lên tiếng về tham nhũng’.

Tờ Tuổi Trẻ vào chiều 9/2 đưa tin từ trụ sở báo Người cao tuổi rằng tại đây có đại diện cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an đến làm việc.

Sáng cùng ngày, Bộ Thông tin và truyền thông đã tổ chức cuộc họp báo sau khi kết thúc thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi.

Tại họp báo, Bộ Thông tin và truyền thông đã thông báo việc đề nghị cách chức Tổng Biên tập báo Người cao tuổi Kim Quốc Hoa, chuyển hồ sơ sang Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an điều tra, xử lý đối với hành vi đăng 11 bài viết có dấu hiệu tội phạm.

Theo hai tác giả Minh Chi và Việt Hải trên trang ANTV thì :

"Báo Người cao tuổi cũng đăng một số bài viết khác có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức công dân đã được Bộ Thông tin và truyền thông thông báo tại Kết luận thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi số 17/TB-BTTTT, ngày 09/02, như bài viết : Chống tham nhũng khi trao "vũ khí" cho bọn biến chất, đăng ngày 03/5/2013 ; Bàn về "Thị trường sao và vạch," đăng ngày 01/4/2013 ; Sự thật về "Công tử" Hà Thành ra Trường Sa, đăng ngày 09/7/2014".

Hôm 25/04/2012, báo này có bài 'Huyện Văn Giang quyết định thực hiện cưỡng chế trái luật' nói về vụ cưỡng chế theo lệnh của quan chức huyện hôm 23/4 năm đó liên quan đến công trình Ecopark.

Bàn về thị trường 'sao và vạch'

Tác giả Lê Quang Tạo viết :

"Những năm sau 2000, việc phong tướng cứ đều đều hằng năm, mỗi lần vài chục tướng, có năm 2 lần phong tướng ; trần quân hàm tướng nới rộng, thậm chí giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp cũng mang hàm tướng khi mà đất nước hòa bình, ổn định ?

Tướng đã nhiều thì tá càng nhiều hơn. Tôi nhớ rất rõ : Những năm 60, 70 (thế kỉ XX) khi chiến tranh chống Mỹ cả hai miền nóng bỏng thì Huyện đội trưởng mới mang hàm Thượng úy (thậm chí Trung úy), Tỉnh đội trưởng là Thiếu tá, Trung tá. Có một số sĩ quan thiếu tá, trung tá là sư đoàn trưởng trong chiến trường đánh đâu thắng đó, ở đâu cũng được nhân dân giúp đỡ. Bây giờ thời bình thì Phó Chỉ huy Quân sự huyện đều là Thượng tá, Chỉ huy trưởng : Đại tá. Có Tiểu đoàn trưởng cũng Đại tá (!). Việc xây dựng "biểu biên chế tổ chức lực lượng" hằng năm do Tổng Tham mưu trưởng kí ban hành (Cục Quân lực làm tham mưu), đi kèm là trần quân hàm cho các cấp… Từ đó đẻ ra chuyện "chạy trần quân hàm" rồi "mượn" trần cũng xảy ra không thiếu !".

"Dư luận âm ỉ chuyện "Tướng chạy" là có thật. Bạn tôi tâm sự rằng : "Lúc ấy mình cũng ráng hết sức để đầu tư lên tướng… nhưng rồi hụt hơi, thua "thầu" nên chấp nhận lỗ nặng, còn tay ấy đủ lực và lên tướng nên chỉ sau 1, 2 năm thu hồi đủ vốn rồi lãi… được cả danh, cả kinh tế ! Vốn là bao nhiêu cũng tuỳ vị trí !".

"Cách đây hơn 50 năm, sau khi Quân đội xây dựng chế độ quân hàm, thì Công an cũng chính quy hóa. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn mang hàm Thiếu tướng, các Thứ trưởng như Lê Quốc Thân cũng có hàm Thiếu tướng (thời kì làm Bộ trưởng là Trung tướng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị). Bây giờ Lực lượng Công an có hàng trăm tướng, có cả nữ tướng, ngành quản lí trại giam có hàm đến Trung tướng. Cứ mở ti-vi chương trình ANTV là thấy đỏ rực quân hàm tướng. Thực tế ấy có cần không ? Càng nhiều Tổng Cục ắt càng nhiều tướng".

"Bây giờ đất nước yên bình mà Phó trưởng Công an huyện cũng hàm Đại tá… Trưởng Công an các phường ở Thành phố lớn hầu hết là Đại tá, có Giám đốc Công an thành phố hàm Trung tướng. Trong một địa bàn thành phố có Giám đốc Công an lại có Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy. Tổ chức lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thì to ra, sẽ có thêm nhiều tướng, nhiều tá, nhưng hiệu quả nhiều vụ chữa cháy lớn ở các chợ, cây xăng lại bị kêu làb: chậm trễ, thiếu nước, kém hiệu quả…".

"Đầu tư cho người lính, lực lượng trực tiếp mới là xây dựng lực lượng hiệu quả. Tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp yêu cầu nhiệm vụ là chuyện đương nhiên, nhưng từ các Cục, Vụ mà đẩy lên thành các Tổng Cục hàng loạt, quá nhiều… thực chất là thêm ghế tướng mà thôi".

"Nhắc lại chuyện bán quân hàm, tôi mạnh dạn nói thật : "Thị trường" này bây giờ khá lộ liễu nếu không nói là nhức nhối. Tất nhiên việc rao giá không bao giờ thành văn mà là thỏa thuận ngầm, càng không dễ gì giao dịch thành công vì đối tác phải rất kín để an toàn".

Sự thật về 'công tử Hà Thành' ra Trường Sa

Bài của Vũ Hà Phong viết về binh nhì Nguyễn Quốc Đức, thuộc Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải Quân, người được coi là "công tử Hà thành", một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, tình yêu tổ quốc, nhiều tờ báo đang ca ngợi rằng : "Tổ quốc cần lắm những con người như thế !".

Nhưng theo bài báo thì :

"Việc ra Trường Sa này không phải là "xung phong", "thuyết phục gia đình" mà phải có sự tác động, được sự đồng ý của Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu là những cơ quan chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng đồng ý. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một thanh niên lêu lổng, chơi bời như thế, vừa học tập và sinh sống ở nước ngoài về, trước đó lại chơi bời làm bố mẹ buồn phiền nhiều như chính cậu ta thú nhận với báo chí, vì sao lại được "tuyển lẻ" vào một đơn vị đặc biệt như vậy và nhanh như vậy ? Lữ đoàn 146 Quân chủng Hải quân có thực hiện "ba gặp, bốn biết" để tìm hiểu kĩ về thân nhân chiến sĩ này không ?

"Binh nhì Nguyễn Quốc Đức say rượu rủ đồng đội uống rượu tây, không coi kỷ luật đơn vị ra gì : "Gần đây, "cậy" gia đình lắm tiền nhiều của, có nhiều "hỗ trợ" cho đơn vị, cậu ta chẳng những không chịu rèn luyện sửa mình như đã nói trên báo chí mà còn uống rượu say, quậy phá, cất giấu rượu. Trong khi với bộ đội Trường Sa, nhất là trong giai đoạn tình hình biển đảo đang nóng, yêu cầu trực sẵn sàng chiến đấu rất cao, việc sử dụng bia rượu bị cấm tuyệt đối. Vậy mà cậu ta đã vi phạm như vậy. Một chỉ huy khác cũng cho biết : Đơn vị vừa có hình thức kỉ luật với cả Phân đội trưởng và chiến sĩ Đức do việc này".

"Coi thường quân lệnh : "Thông tư số 167/2010/TT-BQP ngày 19/11/2000 của Bộ Quốc phòng vẫn do ông Phùng Quang Thanh kí có quy định rõ : "Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kinh dị, kì quái, kích động, bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ, tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống) ; chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào Quân đội". Vậy mà qua phóng sự của VTV, chiến sĩ Nguyễn Quốc Đức có rất nhiều hình xăm lớn trên cơ thể vẫn được gọi nhập ngũ".

"Một chiến sĩ trên đảo cho biết, nhân vật kể rằng gia đình có người quen là lãnh đạo cấp cao nên việc đi học này đã được 'lập trình' ?"

hoi3

Trang báo nói về binh nhì 'Nguyễn Quốc Đức' ở Trường Sa

"Có tin cho rằng, những năm gần đây, ở quần đảo Trường Sa, vẫn tồn tại hiện tượng một số quân nhân nghiện ma túy nhưng vì gia đình có quan hệ nên vẫn được ra Trường Sa, lợi dụng danh nghĩa công tác để cai nghiện, rèn luyện".

Vẫn theo trang ANTV nói về các 'sai phạm' của báo Người Cao Tuổi thì :

"Bài viết : "Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội thu quỹ chồng quỹ nhiều năm, nhà trường đổ cho phụ huynh tự nguyện" đăng ngày 29/5/2013 [03-PL1], trong đó có đoạn : "Điều đáng nói, những sai phạm đó lại được Thanh tra Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hà Nội bao che". Bài viết đăng thông tin suy diễn, không có cơ sở".

"Bài "Chuyện lạ ở Đảng bộ phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh : Năm "kỷ lục" tiền lệ xấu" đăng ngày 27/02/2014 [36-PL1] có nội dung thông tin sai sự thật, đã bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính tại Quyết định số 109/QĐ-XPVPHC ngày 19/8/2014 với mức phạt 4 triệu đồng".

Còn theo báo Thanh Niên ngày 9/2/2015, "Tổng biên tập báo Người cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa bị điều tra vì đã chỉ đạo cho đăng tải, xuất bản một số tin, bài trực tiếp trên mạng thông tin điện tử tổng hợp (là hoạt động điện tử không có giấy phép, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 19 Luật báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí)".

"Ngoài ra, Báo Người cao tuổi còn đăng một số nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và bình luận suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến thông tin sai sự thật, vi phạm Luật báo chí ; đăng tải một số bài viết có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân. Đặc biệt, báo này còn đăng tải một số thông tin có dấu hiệu làm tiết lộ bí mật Nhà nước".

"Theo kết luận thanh tra, Báo Người cao tuổi cũng đăng tải nội dung cải chính không đúng quy định của pháp luật cùng một số vi phạm về quảng cáo...".

Thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa, người viết bài ký tên là Vũ Hà Phong, đã bị thu hồi.

Cũng trong chiều 9/2, trang Người Lao Động đăng tin "Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Cù Thị Hậu cho biết Hội đã tiếp nhận thông tin liên quan đến ông Kim Quốc Hoa và việc cách chức Tổng biên tập Báo Người cao tuổi với ông Hoa phải thông qua Thường vụ Trung ương Hội".

Các báo Việt Nam cho hay :

"Ông Kim Quốc Hoa sinh năm 1945. Ông từng làm phóng viên tờ "Chiến sĩ hậu cần" năm 1971. Năm 1990, ông Hoa được bổ nhiệm làm Tổng biên tập báo Tuổi trẻ thủ đô, sau đó làm Tổng biên tập các báo Lao động Xã hội, Xây dựng… Từ năm 2008, ông làm Tổng biên tập báo Người cao tuổi".

Cả hai bài 'Bàn về thị trường 'sao và vạch', và 'Sự thật về 'công tử Hà Thành' ra Trường Sa' đều đã bị xóa trên trang mạng những vẫn còn ở các trang chia sẻ nội dung mạng xã hội.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 09/05/2015

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đình Trọng
Read 614 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)