Chính sánh bành trướng của Putin đã làm cho nhiều nước thức tỉnh, đặc biệt là Ba Lan, một trong những nạn nhân chính của Nga trong quá khứ.
Ba Lan vừa chuyển giao 6 chiếc MiG-29 cho Ukraine
Từ khi Nga xâm lược Ukraine, Ba Lan, một nước nhỏ trong Nato, đã tỏ ra là một nước tích cực nhất trong việc ủng hộ Ukraine. Sự giúp đỡ quý báu của Ba Lan đã là một nguồn động viên lớn cho nhân dân Ukraine. Ba Lan thực sự là một hậu phương khổng lồ của Ukraine. Đa số người tỵ nạn Ukraine đã chạy sang Ba Lan, được sự giúp đỡ tận tình của Ba lan để sống ở tại đó hoặc đi sang các nước thứ 3. Ba Lan cũng đã viện trợ tài chính và rất nhiều súng đạn, phương tiện chiến tranh lớn cho Ukraine, 200 xe tăng…
Ba Lan mới đây đã đột ngột tăng cường sức mạnh quốc phòng đến mức gây sự sững sờ trong giới quân sự của thế giới. Ngày 27/7/2022, Ba Lan thông báo đã ký một hợp đồng khổng lồ chưa từng có (so với tất cả các nước Đông Âu đã từng ở trong khối xã hội chủ nghĩa) với Nam Triều Tiên. Nếu hợp đồng này hoàn tất thì quân đội Ba Lan sẽ trở thành quân đội hàng đầu của lục địa Châu Âu này. Tổng cộng, Ba Lan đã đặt mua 980 xe tăng K2, 672 đại bác tự hành K9 155 mm, 48 máy bay tiêm kích FA-50. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 15 tỷ USD, ngang bằng ngân sách quốc phòng Ba Lan. Chính phủ Ba Lan đã nhanh chóng ra quyết định này là do Nga đã tiến hành xâm lược Ukraine. Bộ trưởng quốc phòng Ba lan, Mariusz Blanszczak nói : Chúng tôi rút ra bài học từ Ukraine, chúng tôi không thể chờ đợi được, phải trang bị gấp cho quân đội. Ông cũng cho biết là từ thực tế chiến trường Ukraine cho thấy phải tập trung vào bộ binh đặc biệt là các đơn vị thiết giáp và pháo binh.
Chưa hết, hợp đồng khổng lồ này là hợp đồng bổ sung cho hợp đồng đã ký với Mỹ năm ngoái : 32 máy bay F-35, 20 tổ hợp pháo bắn tên lửa Himars, 250 xe tăng Abrams… Ba Lan muốn nổi trội trong khối NATO, không muốn chỉ là một quân đội hạng hai. Ba Lan cũng muốn tiến hành ngay, mua vũ khí đã bày bán sẵn. 180 xe tăng K2, 48 đại bác K9 sẽ được giao ngay vào cuối năm nay. Các máy bay FA-50 sẽ được giao vào giữa năm sau.
Không còn nghi ngờ gì nữa, đế quốc Nga, kẻ xâm lược Ukraine, đã khơi lại ngọn lửa chiến tranh nóng-lạnh, hâm nóng cuộc chạy đua vũ trang mà thế giới đã muốn quên đi và tưởng chừng nó không còn quay lại nữa. Tất cả các nước khác ở Châu Âu đều phải tăng cường quốc phòng trước cuộc xâm lược trắng trợn của Nga. Nước Pháp sau nhiều năm cắt giảm ngân sách quốc phòng, sẽ lại phải dốc hầu bao vào chuyện này. Nhiều tướng của Pháp đã kêu ầm lên là Pháp không thể chịu nổi một cuộc chiến tranh với cường độ lớn, ý nói chỉ bắn mấy hôm là hết đạn. Trước nguy cơ này, Pháp chẳng có cách nào khác là bỏ thêm tiền ra để sản xuất và mua vũ khí, trong khi ngân sách đang rất cần cho những việc khác. Đúng là đại họa.
Thủ đô của Ba Lan là Warsaw, và cũng là tên của Hiệp ước hỗ tương của khối cộng sản cũ ký năm 1955. Bây giờ Warsaw lại là thành viên nhiệt thành nhất chống ông tổ của hiệp ước Warsaw, tức Nga.
Theo báo trong nước, ngày 6/9 vừa qua Putin vừa phê duyệt học thuyết chính sách ngoại giao mới dựa trên khái niệm "Thế giới Nga" (Russian World), được các nhà bảo thủ sử dụng để biện minh cho hành động can thiệp của Nga ở nước ngoài. Mỉa mai thay chính sách này được Putin gọi là một chính sách nhân đạo. Kẻ giết người, đi xâm lược trắng trợn nước khác lại biện minh là nhân đạo.
Từ ngày có chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc sống của hàng tỷ người trên hành tinh bị ảnh hưởng do súng đạn, chết chóc tang thương, do vật giá lên cao… và không biết chiến tranh sẽ còn leo thang đến mức nào. Học thuyết Thế giới Nga chủ yếu là để Nga mượn cớ mang quân đi đánh các nước có người nói tiếng Nga, bảo vệ người Nga.
Hãy cứ ủng hộ Putin đi các bộ óc "thông thái" ở Đông Lào. Hình như ở nước ta không có người nói tiếng Tầu ?
Hoàng Quốc Dũng
(07/09/2022)