Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

04/10/2022

Con người & Công dân

Lê Mạnh Tường

Con người & Công dân

Lê Mạnh Tường, 04/10/2022

Đây không phải là một tiểu luận về hai khái niệm Con người & Công dân mà chỉ là một bài phản biện nhân đọc bài viết của blogger Thái Hạo với tít "Công dân" (*) và đã làm một còm nhanh để phản biện lại những quan điểm, lập luận của tác giả. Nay xin viết lại bằng một bài cho gọn ghẽ và (tạm) đầy đủ hơn.

lamnguoi1

Với tư cách một người đấu tranh chính trị nên hai khái niệm trên sẽ được nhìn, phân tích dưới nhãn quan tư tưởng chính trị và trong môi trường chính trị Việt Nam.

Trước hết xin trình bày quan điểm cá nhân về ông Thái Hạo.

Theo quan niệm của chính ông và của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Thái Hạo là một công dân tốt, người dân tốt hay người dân bình thường của chế độ. Ngoài ra, theo những bài viết của ông, tôi đánh giá Thái Hạo là một người có phẩm chất tốt, biết phân biệt phải trái (về mặt xã hội) có nghĩa là một người lương thiện và có tâm hồn không như những trí thức công bộc của chế độ chỉ bất ngờ biết phân biệt (chút ít) phải trái và biểu tỏ tâm hồn ở giờ thứ 25 của đời mình. Trên bình diện này xin hân hạnh đứng cùng chiến tuyến với Thái Hạo. Ngược lại trên bình diện chính trị, có lẽ, chúng tôi không ở cùng chiến tuyến. Đây là một nhận định khách quan lấy từ những lập luận của bài ông viết, hy vọng thực tế không phải như vậy. Hy vọng này có thể thấy trong những nhận định kế tiếp về sự thiếu hụt kiến thức chính trị và những khái niệm triết lí chính trị của ông. Chỉ có thể là một trong hai.

Do đó những dòng phản biện sau đây, dù có mạnh mẽ, khắt khe và thẳng thắn của một người không cùng chiến tuyến (ý thức hệ) cũng không làm thuyên giảm sự kính trọng của tôi dành cho ông. Người ta có thể bất đồng chính kiến mà vẫn tôn trọng nhau một khi có mẫu số chung là sự lương thiện và ưu tư cho đất nước.

Trong bài viết người đọc cảm nhận rõ tâm hồn của ông với xã hội do đó, cũng như rất nhiều người, tôi hoàn toàn chia sẻ những bức xúc, ưu tư của ông nhưng lại không đồng ý với quan điểm của ông về những khái niệm "nô lệ", "công dân", "con người", "trách nhiệm", "tương quan con người/Nhà nước"...

Cũng thường tình thôi khi chúng tôi không cùng chiến tuyến ý thức hệ. Chẳng hạn : "Không bao giờ có chuyện làm người đúng nghĩa nếu anh chưa là dân đúng nghĩa, vì làm dân là biểu hiện của con người, một biểu hiện quan trọng nhất" đến thẳng từ Rousseau và Karl Marx : tính con người bị xóa bỏ để nhường chỗ cho công dân. Lập trường của tôi, ngược lại, coi cứu cánh của chính trị là Con người ; sự tối thượng là Con người chứ không phải tập thể.

Ngoài sự khác biệt quan điểm do ý thức hệ, mà theo tôi do quán tính hơn do chọn lựa của ông, ông Thái Hạo còn có nhiều lập luận rất mâu thuẫn như khi nói khi bị tước đoạt quyền của mình thì "đơn giản là đòi lại chứ chẳng đấu tranh gì sất". Đòi, chứ không phải đòi lại, cái bị cướp đoạt không phải là đấu tranh để lấy lại thì là cái gì ? Người ta chỉ có thể đòi lại cái người ta đã có. Một khi những điều mong muốn (quyền công dân và quyền con người) không hề có trong luật pháp Việt Nam thì "đòi lại" cái gì ? Do đó phải "đòi", đòi những điều mà từ đầu đã không được có và vẫn tiếp tục bị từ chối để được có thì đòi đồng nghĩa với đấu tranh. Muốn có thì phải đấu tranh để mà có. Chấm.

Sự hời hợt về nhận thức này đưa tác giả tới những nhận định hời hợt nhưng chắc nịch khác như "thấy sai thì nói sai" (sẽ nói ở đoạn sau).

Đặc biệt là đoạn cuối Thái Hạo lấy nước Mỹ làm thí dụ củng cố cho quan điểm để có một nước hùng mạnh không cần phải đấu tranh cũng chả cần cách mạng gì cả mà chỉ cần xây dựng lên nó. Về lập luận này không hiểu Thái Hạo do vụng về hay do mù tịt về lịch sử và xã hội Mỹ.

Mâu thuẫn thứ nhất là sự hùng mạnh của nước Mỹ là không cần đấu tranh trong khi nước Mỹ đã là nước Mỹ và hùng mạnh như ngày nay do đã bắt đầu bằng một nhận thức : cái mình đang có không thể chấp nhận và tiếp tục mà phải làm một cuộc đấu tranh cách mạng cho mình một đất nước như họ mong muốn phải có. Và từ một đất nước đúng nghĩa như họ mong muốn mới có điều kiện xây dựng lên một nước hùng mạnh như ngày nay.

Vậy một đất nước như người Mỹ mong muốn là gì ? Trả lời câu hỏi này phơi bày cái mâu thuẫn thứ hai của Thái Hạo, một mâu thuẫn quan trọng và khó hiểu trong cách lập luận và là một khác biệt nền tảng giữa Thái Hạo và những người người tranh đấu đòi tự do ở nơi tự do bị chà đạp, tước đoạt. Nói cách khác là những người không chấp nhận làm nô lệ.

Người Mỹ đã tranh đấu cho một cuộc cách mạng để khẳng định sự hiện hữu của Con người, một ý niệm chung (universel) về Con người phổ cập (của các triết gia Thế Kỷ Ánh Sáng) hoàn toàn độc lập với mọi pháp chế với những quyền tự nhiên phải có và bất khả xâm phạm ; cho chỗ đứng của con người trong tư cách Con người chung và với tư cách con người công dân trong xã hội ; cho khái niệm Quốc gia với đại diện của nó là Nhà nước ; cho khái niệm về tính chính danh của Nhà nước (quyền, hạn và nghĩa vụ) ; cho khái niệm về tương quan công dân/Nhà nước ; tương quan công dân/công dân…

Thêm nữa, trong Tu chính án thứ hai đã được lập tức thêm vào bản hiến pháp của họ quyền chống đối, kể cả bằng vũ lực, để chống lại một chính quyền bạo ngược trong tiến trình xây dựng đất nước họ. Ý niệm xây dựng đất nước, về một công dân bình thường, về một người bình thường trong xã hội của họ là như thế cho dù họ đã tranh đấu để tạo dựng được một Quốc gia tuyệt vời chưa từng có trong lịch sử nhân loại vào thời điểm đó.

Về khái niệm Con người chung (trừu tượng, universel), về tính chính danh của Nhà nước (mà đối tượng và lí do hiện hữu của nó là những công dân) hoàn toàn vắng bóng trong bài viết của Thái Hạo. Không nói tới Con người chung trong một bài viết về khái niệm công dân là điều dễ hiểu vì chủ nghĩa cộng sản từ chối và xóa bỏ nó ; nói về công dân mà không nói về Nhà nước là điều khó hiểu : không có Nhà nước thì không có công dân và ngược lại. Bàn về một vấn đề mà chỉ nhìn thấy nó một nửa thì lập luận, kết luận hời hợt và mâu thuẫn là tự nhiên.

Những khái niệm còn lại -kể trên của người Mỹ- hoàn toàn đối nghịch như nước với lửa, trắng với đen với những quan niệm bàng bạc trong bài viết của Thái Hạo.

"Trong một xã hội nhất định nào đó, như xã hội Việt Nam, làm dân đúng là đôi khi cũng cần một sự can đảm. Nhưng chúng ta cũng phải quên hai chữ can đảm đó đi, vì nó sẽ vấy bẩn lên mình, không sớm thì muộn. Chỉ cần mỗi người bình thản mà làm dân (và làm người) theo cái nghĩa giản dị nhất của từ này, thì xã hội, quốc gia sẽ thay da đổi thịt"

Hình như có một mâu thuẫn, dằn vặt nội tại nên khi vừa nói "với xã hội Việt Nam cũng cần chút can đảm" rồi lập tức khuyên hãy quên nó đi. Cần hay không cần ? Nếu cần can đảm mà lại quên nó đi thì làm sao có thể "bình thản làm dân, làm người có trách nhiệm với chính bản thân và trách nhiệm đối với quốc gia ?"

"Có nhiều người nói rằng cứ làm người tốt là được. Xin thưa không bao giờ có chuyện làm người đúng nghĩa nếu anh chưa làm dân đúng nghĩa".

Sự khẳng định này thể hiện rõ nét : phẩm chất công dân định hình phẩm chất con người từ triết lí của Rousseau và K. Marx. Tính con người bị vô hiệu hóa hoặc giáng xuống hàng thứ yếu để nhường chỗ cho công dân, một thành viên của một tập thể có nhiệm vụ phải phục vụ tập thể đó bù lại sự bảo vệ của tập thể cho mọi công dân. Ngược lại cách mạng Mỹ (cũng như các nước dân chủ) thiết lập một Quốc gia đặt nền tảng trên Con người và cá nhân. Con người và mỗi cá nhân là cứu cánh của Quốc gia, Nhà nước.

Về mặt thuần lý thuyết thì Rousseau và Marx không vô lý mà còn có một sự lôi cuốn nào đó nhưng lịch sử đã chứng minh nó chỉ sản sinh ra những xã hội hại loạn man rợ. Những khái niệm hoa mỹ đầy quyến rũ với các nguyên tắc về tính tối thượng của chủ quyền nhân dân, một ảo tưởng "dân làm chủ" đã sinh sản ra hai con quái vật là "chuyên chính vô sản" và "Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước" là nguyên nhân của biết bao đau thương và chết chóc của nhân loại. Những ngoặc kép của những khái niệm trên phải vĩnh viễn cho vào ngoặc kép của lịch sử loài người.

Trước khi là một công dân thì phải là một con người ; một con người có thể không phải là một công dân của một pháp chế nào cả. Con người (phổ cập) độc lập với pháp chế (Nhà nước) trong khi công dân tùy thuộc vào nó, công dân không độc lập với Nhà nước ; chỉ có Con người phổ cập chứ không có công dân phổ cập có nghĩa là không thể có khái niệm công dân đúng nghĩa chung (phổ cập) mà tùy thuộc vào qui định của mỗi Nhà nước ; công dân đúng nghĩa của Nhà nước này có thể rất khác, thậm chí trái ngược, với công dân đúng nghĩa của Nhà nước khác.

Công dân của các nước dân chủ tiên tiến được hưởng tất cả những quyền Con người vì họ coi công dân trước hết là một con người để Nhà nước phục vụ, quyền lợi Nhà nước không được đi ngược lại với quyền lợi cá nhân trong khi ở các nước độc tài cộng sản, như Việt Nam, công dân chỉ là một công cụ phục vụ Nhà nước, quyền lợi Nhà nước trên quyền lợi cá nhân, do đó những quyền công dân chỉ được nó ban phát một cách hạn chế nhất và có nhiều tương phản với quyền Con người phổ cập. Ở Việt Nam đầy rẫy những bản án rất man rợ cho những công dân của nó chỉ vì họ tranh đấu đòi hỏi những quyền công dân, quyền con người cơ bản nhất với tội danh : "chống lại lợi ích Nhà nước", tệ hơn nữa là "làm xấu hình ảnh Nhà nước". Họ đơn giản chỉ là những người muốn được làm người tự do và từ chối làm một công dân đúng nghĩa của nước Việt Nam, có nghĩa là từ chối làm một nô lệ đúng nghĩa : một công dân không đúng nghĩa vẫn hoàn toàn có thể là một con người đúng nghĩa. Trong một số quốc gia, ngược lại, muốn làm một con người đúng nghĩa thì phải từ chối làm một công dân đúng nghĩa, như ở Việt Nam chẳng hạn.

Nhà nước Việt Nam đã dùng mọi thủ thuật pháp luật để vô hiệu hóa những quyền công dân căn bản nhất như quyền tự do chống đối Nhà nước, quyền tự do ứng cử, bầu cử, quyền tự do kết hợp, tự do chính kiến, tự do tôn giáo, v.v. Những quyền công dân còn lại không bị Nhà nước tước đoạt thực ra không khác gì những quyền của súc vật như ăn, ngủ, kêu gào, tung tăng… như thế thì làm công dân đúng nghĩa ở Việt Nam là làm công dân-súc vật đúng nghĩa ! Vấn đề là chấp nhận hay không chấp nhận. Nếu không chấp nhập thì phải đấu tranh để thay đổi chứ không chỉ kêu gào (thấy sai nói sai) mà được. Không cần một mức độ thông minh nào cả mà chỉ cần nhìn nhanh ở xã hội Việt Nam, từ khi có phương tiện truyền thông internet, những tiếng nói bức xúc, yêu cầu sửa sai đã bùng lên một cách ngoạn mục nhưng những sai trái, thậm chí tội ác của chính quyền chẳng những không thuyên giảm mà còn tăng lên.
Thái độ từ chối đấu tranh mà chỉ "thấy sai nói sai" trước những điều nói trên có thể tiếp tục bảo lưu bởi một Con người đúng nghĩa, có nghĩa là một con người tự do ? Không dám can đảm đấu tranh làm người tự do là chấp nhận làm nô lệ.

Những người dám can đảm đấu tranh làm người tự do là những người "gồng mình để lừa mình", "là đao to búa lớn", "khoác chiến bào tưởng tượng" là "lên gân", là "thổi phồng" ?

"Phải biết mình có quyền gì, và khi nó bị xâm phạm thì đơn giản là đòi lại. Cái đó chính là trách nhiệm không phải chỉ với bản thân mà còn là trách nhiệm đối với quốc gia. Một thứ trách nhiệm tự nhiên như hơi thở, không cần gồng mình lên, không cần đao to búa lớn, bình thản mà sống với cái điạ vị làm dân ấy của mình. Hãy quên mấy chữ 'đấu tranh' kia đi".

Ngoài lời lẽ cường điệu (từ đầu tới cuối), vì thiếu kiến thức chính trị và những khái niệm triết lý chính trị, mà chỉ xét về tinh thần thôi thì đây là một thái độ đúng đắn đáng ca ngợi. Nhưng một tinh thần lành mạnh mà không có kiến thức sẽ rất dễ đưa chúng ta vào những sai lầm, đôi khi trầm trọng và nguy hiểm cho xã hội như trường hợp này. Nó sẽ cho kết quả ngược lại với mong muốn.

Đòi những quyền bị tước đoạt từ khởi thủy bởi Nhà nước là một hành động đấu tranh không hơn không kém. Sao cứ cố gượng ép nói ngược lại rồi đả phá nó ? Thôi đi vào ý chính.

Điều 4 hiến pháp Việt Nam khẳng định : "Đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo (vĩnh viễn) Nhà nước" có nghĩa là khẳng định rõ ràng bằng hiến pháp sự tước đoạt vĩnh viễn quyền chống đối, quyền tự quyết, quyền tự do tham gia chính trị của toàn dân trừ đảng viên cộng sản không được ông Thái Hạo nhìn như một sự xâm phạm trong khi nó còn trầm trọng hơn nhiều cả sự xâm phạm. Nó là một sự tước đoạt trắng trợn những quyền căn bản của Con người. Nó không đủ là lí do chính đáng để đấu tranh đòi lại ?

Trên thực tế người Việt Nam không có quyền tự do ứng cử và bầu cử mặc dầu nó là những quyền cốt lõi của công dân, đồng thời cũng là quyền chính trị được bổ sung trong bản Tuyên ngôn Quyền Con người Phổ Cập mà chính quyền cộng sản Việt Nam cam kết chấp nhận lồng vào bản Hiến pháp của mình không phải là một hành động xâm phạm, tước đoạt quyền công dân và quyền con người không xứng đáng để đấu tranh đòi lại ?

Có thể coi đoạn sau đây "không cần gồng mình lên, không cần đao to búa lớn, bình thản mà sống với cái địa vị làm dân ấy của mình. Hãy quên mấy chữ "đấu tranh" kia đi" là câu trả lời cho hai câu hỏi trên nên mới có thể "bình thản mà sống với cái địa vị làm dân ấy" ? Và với cái địa vị làm dân như thế có thể được coi như một người tự do không phải là nô lệ ? Vậy phải như thế nào mới được coi là một người nô lệ ?

Người ta chỉ có thể bình thản làm một người bình thường, một công dân bình thường trong một xã hội bình thường ; trong một xã hội bất bình thường mà sự vô lí đã chồng chất đến độ không thể vô lí hơn được nữa thì tuyệt đối không thể bình thản làm người bình thường, làm công dân bình thường cho một người "có lương tâm và trách nhiệm với xã hội" như ông mong muốn và đang làm.

Hơn nữa vấn đề không chỉ là "lương tâm" vì nó là vấn đề cá nhân và cho mình, cho một sự thoải mái nào đó cho chính mình ; vấn đề ở mệnh đề "trách nhiệm với xã hội" (đều có trong hai phạm trù Công dân và con người). Khi nói tới trách nhiệm là nói tới một thành quả nào đó phải hướng tới ; khi đã biết, qua trải nghiệm, thành quả hướng tới không thể đạt được mà còn đang vuột khỏi tầm tay mà vẫn lì lợm, ngoan cố tiếp tục là một thái độ vô trách nhiệm không hơn không kém (dù không muốn).

"Thấy sai thì nói sai" hàm ý nó vốn dĩ đúng, bản chất của nó đúng. Thật là sai lầm ! Thật là hời hợt ! Sự hời hợt này có tác dụng rất tiêu cực với xã hội vì nó mặc nhiên nhìn nhận sự tiếm đoạt Quốc gia làm của riêng (khi Quốc gia là của riêng thì tài sản Quốc gia đương nhiên là của riêng), sự tước đoạt các quyền con người, quyền công dân cơ bản nhất của người Việt Nam bởi đảng cộng sản Việt Nam là đúng. Có tai hại nào bằng !

Không ! Chế độ này đã sai từ bản chất, "sai te tua từ đầu từ đại hội Tua". Và vẫn tiếp tục lì lợm sai. Phải thay nó !

Người ta chỉ có thể "thấy đúng thì nói đúng, thấy sai thì nói sai" trong một xã hội lành mạnh, một Nhà nước đúng nghĩa theo tiêu chuẩn văn minh thời đại, có nghĩa là những quyền Con người và quyền công dân được bảo đảm trọn vẹn, khi nó làm những sai trái bởi "tai nạn" chứ không phải vô số những sai trái liên tục và nghiêm trọng đến từ bản chất của nó. Đã sai từ bản chất thì không thể yêu cầu sửa sai mà phải tranh đấu để thay đổi cái bản chất ấy của nó. Tranh đấu là một bắt buộc ! Mà chỉ tranh đấu để thay đổi nó bằng một cái xấu khác thì quả thật như Thái Hạo nói : "Hãy quên nó đi !"

Với tình trạng đất nước vô cùng bi đát như hôm nay và một tương lai u tối mà ai cũng có thể nhìn thấy được thì chúng ta còn cần một cuộc cách mạng. Bắt đầu bằng một cuộc cách mạng về tư tưởng. Chúng ta cần thảo luận để tìm đồng thuận cho những tư tưởng chính trị tiến bộ, những giá trị đạo đức xã hội, những khái niệm trong sáng về Chính trị, Quốc gia, Nhà nước, Con Người, tự do, liên đới,… để làm hành trang cho một Quốc gia tương lai, cho mỗi người và mọi người Việt Nam. Không khoác chiến bào và cũng không đao to búa lớn, nó đơn giản là một mệnh lệnh của lương tâm cho thế hệ chúng ta hôm nay vì con cháu chúng ta mai sau.

Lê Mạnh Tường

04/10/2022

***************************

(*) Công dân

Thái Hạo, 30/09/2022

Một người bạn cũ đã nhiều năm không gặp, hôm rồi ghé chơi. Hắn buồn buồn nói, "Bất công và bức xúc lắm nhưng muốn đấu tranh, muốn làm cách mạng thì phải không có vợ con, gia đình". Không nhịn được, tôi cười phá lên.

lamnguoi02

Chỉ cần mỗi người bình thản mà làm dân (và làm người) theo cái nghĩa giản dị nhất của từ này, thì xã hội, quốc gia sẽ thay da đổi thịt. Ảnh minh họa 

Tôi nói với hắn, đừng nghĩ là đấu tranh, càng đừng nghĩ là làm cách mạng, những sự lên tiếng hay hành xử phải quấy, nó chỉ đơn thuần là sự phản ứng của lương tâm, lương tri nơi một con người bình thường, khi nó chưa mất hết tính người. Thấy đúng thì nói đúng, thấy sai thì bảo sai, có gì mà đấu tranh với chả cách mạng !

Anh là một công dân, tức người dân của một đất nước, chứ không phải bề tôi, không phải thần dân. Công dân nghĩa là anh là chủ của cái xã hội này, anh có sự liên đới với hết thảy mọi sự trong cái cộng đồng mà anh sống. Hôm nay, có người chịu đè nén bất công, anh lên tiếng, đừng nghĩ rằng lên tiếng cho kẻ đó, mà là đang lên tiếng cho chính mình. Vì nếu không làm thế, ngày mai, thậm chí ngay lúc này đây anh đang phải gánh chịu bất công. Nó chẳng phải là tranh đấu gì sất, anh chỉ đang làm một người dân, một người dân theo đúng cái nghĩa thông thường nhất và bình thường nhất. Đừng tự khoác cho mình chiếc chiến bào tưởng tượng khi thực tế anh chỉ đang mặc bộ đồ làm vườn. Đừng lên gân, đừng thổi phồng, hãy làm một người dân bình thường, nghĩa là thấy chính quyền sai thì trách mắng, thì phê phán, thì đòi hỏi, yêu cầu họ phải làm đúng lại, có gì mà đấu tranh với chả cách mạng !

Có nhiều người nói rằng, cứ làm người tốt là được. Xin thưa không bao giờ có chuyện làm người đúng nghĩa nếu anh chưa làm dân đúng nghĩa, vì làm dân là biểu hiện của làm người, một biểu hiện quan trọng nhất. Để biết làm dân thì ngoài lợi ích, tiên quyết là anh phải biết được quyền của mình. Anh phải biết mình có quyền gì, và khi nó bị xâm phảm thì đơn giản là đòi lại. Cái đó chính là trách nhiệm không những đối với bản thân mà còn là trách nhiệm đối với quốc gia. Một thứ trách nhiệm tự nhiên như hơi thở, không cần gồng mình lên, không cần đao to búa lớn, bình thản mà sống với cái địa vị làm dân ấy của mình. Hãy quên mấy chữ "đấu tranh" kia đi.

Bất cứ ai còn coi việc làm người và làm dân là một cái gì bất thường, ghê gớm ; bất cứ ai còn thấy việc lên tiếng trước bất công sai trái là đang xả thân cho người khác và đòi được báo đáp, ân huệ, kẻ đó không những đáng thương mà còn bất hạnh.

Trong một xã hội nhất định nào đó, như xã hội Việt Nam, làm dân đúng là đôi khi cũng cần chút can đảm. Nhưng chúng ta cũng phải quên hai cái chữ "can đảm" đó đi, vì nó sẽ vấy bẩn lên mình, không sớm thì muộn. Chỉ cần mỗi người bình thản mà làm dân (và làm người) theo cái nghĩa giản dị nhất của từ này, thì xã hội, quốc gia sẽ thay da đổi thịt.

Làm một công dân bình thường nghĩa là như khi chạm tay phải lửa, rất tự nhiên là kêu lên và rụt tay lại. Thế thôi. Chỉ có những kẻ đã bại liệt hệ thống thần kinh cảm giác thì mới không còn cái phản ứng ấy. Đừng tự khoác lên và đánh lừa bản thân bằng những danh từ và tính từ to tát nữa. Vui vẻ mà làm người, bình thường mà làm dân.

Người Mỹ có câu "Chúng ta không phát hiện ra nước Mỹ hùng mạnh mà chúng ta xây dựng nên nó". Họ xây dựng nên nước Mỹ chỉ bằng một cách đơn giản, là làm dân, không có gì ghê gớm và thần bí cả.

Những ai không dám làm dân và làm người, thì chỉ còn một lựa chọn duy nhất, làm nô lệ.

Thái Hạo

Nguồn : Facebook.Thái Hạo, 30/09/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Tường, Thái Hạo
Read 789 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)