Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

24/11/2022

Tản mạn về nước Mỹ

Lê Mạnh Tường

Đế quốc - Quyền lực Tổng thống - We, the People…

1. Đế quốc

Có lẽ chưa có nước nào, từ trước tới nay, có thể gây ra cùng lúc một tình cảm, của cả thế giới, vừa nể phục vừa ghét bỏ như nước Mỹ. Nể phục vì sự thành công kì diệu nhanh chóng của một nước non trẻ ; ghét bỏ vì vị thế áp đảo, thậm chí thống trị của nước Mỹ lên phần còn lại của thế giới, có nghĩa là lên chính mình, đất nước mình.

my1

Nước Mỹ trở thành một đế quốc tựu chung cũng chỉ là những đẩy đưa của lịch sử chứ không phải ý chí của nước Mỹ.

Những bất đồng ý kiến về thành tích kì diệu của nước Mỹ, có lẽ không nhiều và không khác biệt bao nhiêu, nên không bàn tới ở đây. Do đó bài tản mạn này chỉ chú trọng tới phần ghét bỏ vị trí áp đảo, thống trị của nước Mỹ, về những ý kiến, cơ sở cũng có và hiểu lầm cũng nhiều, để tìm kiếm một cái nhìn chính xác hơn, đúng đắn hơn về nước Mỹ : bởi vì yêu hay ghét nước Mỹ thì sự ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng của nó lên đất nước mình không thay đổi. Nó là một thực trạng. Thay đổi, nếu có, chỉ là thái độ và cách "quản lí" của mình với thực trạng Mỹ này. Đó là phần một, phần hai sẽ bàn tới nguyên nhân tình trạng phân hóa xã hội – chính trị Mỹ hiện nay.

Xin trình bày một số lập trường phổ thông về nước Mỹ, mà theo tôi, đầy những hiểu lầm.

Hiểu lầm thứ nhất : Đế quốc quân sự

Vai trò "cảnh sát thế giới" đã khiến nước Mỹ trở thành một đế quốc tựu chung cũng chỉ là những đẩy đưa của lịch sử chứ không phải ý chí của nước Mỹ.

Ngay từ khi lập quốc khuynh hướng tự cô lập và trung lâp của họ đã thể hiện rõ ràng : không can dự vào chuyện của nước khác vì không muốn để cho bất cứ nước nào can dự vào chuyện của nước họ, của Châu Mỹ của họ, thậm chí không ngần ngại ra luật phong tỏa không cho tàu bè của Anh, Pháp được vào lãnh hải của họ ; ưu tiên của nước Mỹ là cuộc Tây tiến để mở mang đất đai canh tác, khai thác quặng mỏ chứ không ra đại dương : một điều kiện bắt buộc để trở thành đế quốc ở thời điểm đó ; mặc dầu đã trở thành một nền kinh tế, kĩ nghệ hàng đầu và với thỏa ước Entente họ vẫn một mực giữ thái độ trung lập trong cuộc Thế chiến thứ nhất cho tới khi Đức bắn chìm chiếc tàu Viligentila của họ rồi kí thỏa ước quân sự hứa hẹn giúp Mễ Tây Cơ lấy lại 3 tiểu bang Texas, New Mexico và Arizona mới làm cho họ cảm thấy bị đe dọa nên mới quyết định tham chiến ; nếu Nhật không tấn công quân cảng Pearl Harport, tàu ngầm Đức không bắn chìm tàu thương mại Mỹ thì Mỹ cũng sẽ không tham chiến trực tiếp bằng quân đội vào Thế chiến 2 ; trong suốt tiền bán thế kỉ XX Mỹ luôn làm áp lực lên Pháp vá Anh buộc họ phải trao trả độc lập cho các nước thuộc điạ : chống thuộc điạ thì không thể có mộng đế quốc.

Sau chiến thắng của hai cuộc thế chiến bằng sức mạnh quân sự cộng với sức mạnh kinh tế vượt trội đã biến nước Mỹ trở thành, một cách tự nhiên, lãnh đạo thế giới. Mỹ không chiếm cứ, cưỡng hiếp nước nào cả mà - cũng chẳng bị một ràng buộc nào - còn bỏ ra một số tiền khổng lồ giúp tái thiết các nước bị tàn phá trong Thế chiến 2 không phân biệt đồng minh hay thù địch.

Sau thế chiến thứ 2 tham vọng nhuộm đỏ thế giới, bắt đầu từ Châu Âu, của Liên bang Xô viết được thể hiện rất rõ qua thái độ, yêu sách, nắn gân Mỹ của Stalin trong những cuộc thương thuyết ; nước Mỹ đã thành lò sản xuất hàng hóa cho cả thế giới nên mới quyết định mở cửa, triển khai sự hiện diện quân đội trên khắp các cửa ngõ chiến lược quân sự cũng như thương mại nhằm bao vây URSS, bảo vệ an ninh và lợi ích của họ bằng các thỏa hiệp (mua hoặc thuê) với các nước liên quan chứ không chiếm đoạt.

Nước Mỹ đã tới Cao Ly cũng như Việt Nam cũng nằm trong lô gíc đó chứ không phải để xâm lăng như các vị trí thức ngôi sao của nước ta vẫn ưỡn ngực, trâng tráo, trơ trẽn khoe khoang, tự hào thành tích "chống Mỹ cứu nước" của họ một cách tội nghiệp cho tới hôm nay.
Nếu khuynh hướng tự cô lập, trung lập là DNA của định chế cốt lõi của chính trị Mỹ là Thượng viện cũng không tránh có lúc, trước bối cảnh thế giới, cảm thấy lợi ích bị đe dọa thì họ cũng có khả năng bật tung cửa ra bên ngoài cũng như khả năng đóng cửa lại cái rụp không cần đắn đo. Một vài Quốc gia đã không may mắn phải trải nghiệm cách ứng xử này của họ ; không có truyền thống tự cô lập trong định chế hành pháp mà tùy thuộc vào lập trường cá nhân của mỗi tổng thống. Một số Tổng thống cũng có khuynh hướng mở cửa nhưng đều phải được lưỡng viện cấp "giấy phép". Nói chung, nước Mỹ, tùy theo bối cảnh thế giới nhưng chủ yếu do bối cảnh chính trị quốc nội đôi khi đảm nhận tích cực, trọn vẹn vai trò cảnh sát quốc tế, đôi khi co cụm lại…

Hiểu lầm thứ hai : Đế quốc tiền tệ

Nhờ sức mạnh kinh tế, kĩ thuật và đặc biệt là quân sự vượt bậc đã khiến đồng đô la của họ -với vàng hay không- trở thành một đồng tiền ổn định nhất do đó tin cậy nhất để trao đổi, nước Mỹ là nhà băng chắc chắn nhất để gửi tiền vì không có nước nào có thể xâm chiếm hay đánh bại nó được.

Chính thế giới đã làm đồng đô la trở thành đồng tiền không có cạnh tranh với những hệ lụy tạo ra những qui luật bất công có lợi cho họ ; cũng vì không có cạnh tranh khiến một đối tác nào đó ở một thời điểm nào đó bị ở trong tư thế bất lợi vì sự không có cạnh tranh này bất mãn phê phán không tiếc lời một tình trạng do chính họ đóng góp tạo ra để… bảo vệ quyền lợi, tài sản của chính họ.

Nước Mỹ không kề súng vào cổ bất cứ một Quốc gia nào, một công ty nào hay một cá nhân nào ép họ sử dụng, mua đô la dự trữ hay mua trái phiếu của họ.
Cho dù với vị thế độc tôn của đô la Mỹ họ cũng không sử dụng nó để khuynh loát thế giới. Đương nhiên với vị trí thỏa mái, lợi lộc này họ tìm mọi cách để duy trì nó. Có ai làm khác họ ?

Những nước chỉ trích thường trực sự ưu thế áp đảo của đồng đô la Mỹ không phải vì nguyên tắc mà vì ganh tỵ muốn được ở vị thế của nước Mỹ. Như đã phân tích ở trên tính ưu thế của đô la do tự nhiên mà có chứ không phải do ý chí ; khối euro không chỉ trích cũng không có ý chí tranh dành vị thế của nước Mỹ nhưng dần dà nó cũng đã đạt được một nửa (thanh khoản, dự trữ…) sức mạnh mềm của đồng đô la Mỹ một cách tự nhiên ; những năm vừa qua, từ sau vụ khủng hoảng tài chánh 2008, thế giới đổ sô cho Đức và Pháp vay tiền với lãi xuất âm vì sự tin cậy về hai nền kinh tế này do ổn định tiền tệ và tiềm năng kích phát của nó chứ không phải vị thế hay ý chí đế quốc của EU ; đồng thời Trung Quốc và một vài nuớc khác chứng tỏ ý chí và làm tất cả để cạnh tranh với đồng đô la Mỹ nhưng chưa đạt được kết quả nào đáng kể ngoài sự giảm bớt phần nào sự lệ thuộc của họ mà thôi.

Sức quyến rũ hay uy thế của một đồng tiền là nhờ sự tin cậy của các đối tác chứ không phải do đòi hỏi hay ép buộc bằng sức mạnh quân sự.

Một phê bình rất phổ thông cho rằng Fed (Ngân hàng Trung ương hay Quỹ dự trữ liên bang) thường bị chính trị Mỹ khuynh loát cho lợi thế của nước họ với lập luận Chủ tịch Fed do Tổng thống Mỹ tiến cử và bãi nhiệm. Điều này cũng do hiểu lầm mà ra vì không hiểu cách tổ chức và vận hành của các Ngân hàng trung ương Mỹ, một định chế rất tản quyền và rất độc lập với chính quyền liên bang.

Nói tới Fed thì phải hiểu bản chất của nó. Tôn chỉ của Fed là ổn định & kích phát (stabylity & activity) được đặt ưu tiên ngang nhau khác với Ngân hàng trung ương EU đặt ưu tiên ổn định trước kích phát.

Định chế Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) gồm 1 Fed Liên bang và 12 Fed vùng, 12 Fed vùng này chỉ định 5 thống đốc Fed vùng đại diện trong một định chế tham vấn, Board of Governors, bên cạnh thống đốc và phó thống độc ngân hàng trung ương liên bang để thành lập một hội đồng lãnh đạo, FOMC (Federal Open Market Committee), tất cả là 7 người.

Mọi quyết định đều được bỏ phiếu bởi 7 thành viên này chứ không phải của một thống đốc ngân hàng trung ương liên bang. Do đó chuyện chính quyền liên bang (Tổng thống) khuynh loát Fed là một hoang tưởng.

Một khi Fed bị chính trị khuynh loát sẽ mất ổn định từ đó mất sự tin cậy của thế giới có nghĩa là mất hết những lợi lộc mà thế giới cho nó như "nước Mỹ vay nợ thế giới trả lãi". Họ đâu có ngu như thế.

Fed luôn ứng xử rất trách nhiệm với thế giới. Đừng quên độc lập với chính quyền, đặc biệt là chính quyền trung ương là cái gien chính tạo lên nước Mỹ, nó được thể hiện rõ nét nhất qua định chế Thượng Viện (đôi khi sự quá đáng của tinh thần độc lập này đã tạo nên những khó khăn lớn cho chính họ và đôi khi cũng có một vài Tổng thống tìm cách lũng đoạn Fed vì… không hiểu cơ cấu, cách vận hành và nhất là bản chất của nó).

Sự vận hành hài hòa của tiền tệ là điều kiện của sự điều hòa và sự tin cậy trong giao dịch, sự tin tưởng trong kinh tế, phát triển cũng như sự ổn định hay hòa bình xã hội.

Sự tương quan đập vào mắt mọi người từ khi đồng đô la đã trở thành đồng tiền ổn định, tin cậy cho cả thế giới với sự phát triển ngoạn mục của rất nhiều quốc gia, đặc biệt ở Châu Á ; thành phần trung lưu gia tăng ngoạn mục ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển, được hình thành ở những nước chưa có thành phần trung lưu ; số người sống trong điều kiện cùng khổ đã giảm hơn quá nửa trên thế giới ; sự phát triển giáo dục đại chúng, điều kiện cho một Quốc gia vươn lên ; đồng thời với sự thụt lùi mầu nhiệm về nạn chết đói, chết bệnh, đặc biệt của các nhi đồng và người già trên toàn thế giới.

Đồng thời với những tiến bộ về sự phát triển đã đóng góp tạo lên một làn sóng dân chủ trên thế giới. Các nước độc tài mỗi ngày mỗi ít đi, một số quốc gia khác, vì áp lực của dân chúng hay thế giới qua các hợp tác kinh tế, bớt đi tính độc tài của chúng bằng những nhượng bộ bắt buộc khiến một số các nước độc tài khác lo sợ và phản ứng mạnh mẽ như chúng ta đang chứng kiến.

Tất cả dữ liệu về những tiến bộ kể trên có thể kiểm chứng trên các định chế quốc tế tin cậy như Ngân hàng thế giới…

Ngay cả với một số hệ lụy tiêu cực thì những kết quả kể trên cũng đủ để cho người ta mừng rỡ hơn than khóc hay phản đối ; những con bệnh hệ lụy sẽ được chữa trị một khi giàu có, khi nghèo nàn thì chỉ có nước chờ chết bởi đủ mọi thứ bệnh mà thôi.

2. Quyền lực Tổng thống

my2

Nước Mỹ là nước áp dụng nguyên tắc phân quyền nghiêm ngặt nhất thế giới

Hiểu lầm thứ ba : Nước Mỹ không phải là một đế quốc với định nghĩa phổ thông : chiếm cứ đất đai, biển đảo và áp đặt hệ thống pháp luật, hành chánh lên những quốc gia bị chiếm đóng.

Dầu vậy nước Mỹ quả thật hội đủ điều kiện để là một đế quốc, một "đế quốc mềm". Nước Mỹ không xâm chiếm nước nào cả nhưng nó ảnh hưởng rất lớn lên các định chế quốc tế, lên luật pháp quốc tế và ảnh hưởng gián tiếp, trực tiếp ít nhiều lên rất nhiều Quốc gia. Mỗi cuộc khủng hoảng, tranh chấp con mắt thế giới đều nhìn chằm chặp về Tòa Nhà Trắng chờ đợi diễn văn của Tổng thống Mỹ. Tất cả những điều trên đã làm tổng thống Mỹ được nhìn, một cách sai lầm, như một Hoàng đế với mọi quyền lực của một Hoàng đế.

Thành ngữ "Tổng thống Mỹ là nhân vật quyền lực nhất trái đất", với một cách nhìn nào đó, không ngoa nhưng phải hiểu cụm từ quyền lực ở đây là sức mạnh, sự ảnh hưởng do trọng lượng của "đế quốc" Mỹ lên thế giới chứ không phải quyền hiến định của Tổng thống Mỹ với các định chế khác : Từ thực trạng Tổng thống Mỹ có quá nhiều ảnh hưởng quan trọng lên thế giới đưa tới kết luận định chế tổng thống cho tổng thống quá nhiều quyền lực do sự hiểu lầm này mà ra.

Sự yếu chế độ tổng thống không phải do Tổng thống (Mỹ) có quá nhiều quyền lực mà vì những lí do khác.

Hiến pháp Mỹ, bắt đầu từ Điều I. dành cho quyền hành Congress hơn nửa bản hiến pháp cộng thêm một vài khoản ở Điều IV & Điều V. (tổng cộng 2679/4688 chữ) và chỉ dành cho khoảng 1/5 (980 chữ) cho quyền hành Tổng thống ; Điều 10 của Bill of Rights khẳng định "tất cả những quyền không được ủy nhiệm cho Tổng thống thuộc về các tiểu bang và nhân dân" (đại diện dân chúng là Hạ viện, đại diện tiểu bang là Thượng viện) chứng tỏ ưu tư của các Người Cha lập quốc cho Congress có ưu thế hơn hẳn chính quyền trung ương.

Các quyết định của Tổng thống Mỹ không hẳn là của riêng Tổng thống Mỹ mà đúng hơn là những quyết định chung của Tổng thống và Thượng viện qua qui trình phê duyệt bắt buộc.

Nước Mỹ là một nước dân chủ tiên tiến hàng đầu của thế giới ; là nước áp dụng nguyên tắc phân quyền nghiêm ngặt nhất ; Tổng thống Mỹ là lãnh đạo hành pháp bị kiểm soát (đúng hơn là ngăn cản) nghiêm ngặt nhất bởi hai định chế quyền lực ngang quyền nhau là Hạ viện và Thượng viện cùng lúc (nước Mỹ là nước duy nhất Thượng viện và Hạ viện bình đẳng về mặt lập pháp nhưng Thượng viện có quyền lực hơn vì nó đảm nhiệm hai tư cách : 1, lập pháp và 2, đại diện Tiểu bang, không kể nước Ý vì nước Ý rất kì cục nên không thể đối chiếu) ; Tổng thống Mỹ không có đa số Quốc hội bắt buộc kèm theo nhiệm kì tổng thống để hậu thuẫn việc thực hiện dự án chính trị của mình trong khi các nước đại nghị đều bắt buộc phải có đa số Quốc hội cùng nhiệm kì với chính phủ để hậu thuẫn các chính sách của chính phủ : không có hậu thuẫn của Congress thì quyền lực của Tổng thống Mỹ chỉ là quyền lực của một "con vịt què" như người Mỹ thường ví von.

Trong trường hợp Tổng thống được sự hậu thuẫn của cả lưỡng viện thì quyền lực của Tổng thống Mỹ mới thực sự. Ngay cả tình trạng thuận lợi này cũng không thể khẳng định quyền lực của Tổng thống Mỹ quá lớn mà cần được nhìn một cách tương đối qua một số điểm đã được trình bày ở đoạn nói về Bản hiến pháp và những điểm sau đây :

a) Tổng thống mỹ do nó được bầu qua cách phổ thông đầu phiếu trên toàn quốc khiến Tổng thống có tính chính danh rất lớn với hệ luận Tổng thống có quá nhiều quyền lực là một hiểu lầm.

Điều này đúng về tính chính danh nhưng tính chính danh không phải là quyền lực hợp pháp (pouvoir légale, legal power) mà chỉ là một uy tín, một tình cảm chính trị. Quyền lực hợp pháp của tổng thống, ít hay nhiều, là do những qui định trong Bản hiến pháp của mỗi Quốc gia. Mỗi Quốc gia có Bản hiến pháp đặc thù của nó, không cái nào giống cái nào. Thí dụ các Tổng thống của các nước Pháp, Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan, Áo, Phần Lan…đều được bầu bởi phổ thông đầu phiếu trực tiếp nhưng quyền lực của họ rất hạn chế, tương đương với các Vua của các nước Quân chủ hiến định. Nước Pháp khá đặc biệt cần một bài viết riêng.

Nhưng cũng phải nhìn nhận là với uy tín này Tổng thống Mỹ có thể sử dụng dư luận làm hậu thuẫn cho mình chống cự lại Lập pháp và Tư pháp đưa tới hiện tượng cá nhân hóa quyền lực (hay định chế) vốn đã tiềm tàng trong cách thức bầu cử lẫn sự kiêm nhiệm lãnh tụ Quốc gia và lãnh tụ chính phủ bởi Tổng thống, nhất là trong thời đại internet.

Và yếu tố mới mẻ này quả thực là một vấn đề, không hề nhỏ, phải được suy nghĩ ở các chế độ tổng thống.

b) Quyền lực của Tổng thống Mỹ được gọi là các quyền tòng thuộc (pouvoir subordonnée, subordinate power), trừ một vài trường hợp được dễ dãi (giảm 75% phiếu thuận xuống còn >50%...) liên quan đến ngoại giao, an ninh quốc gia thì cũng là những quyền executive agreements, do đó những quyết định của Tổng thống Mỹ thực ra là những quyết định tập thể (décision collégiale, collegial decision) với Congress.

Sự tòng thuộc này còn là một trở ngại rất lớn cho việc thực hiện các chính sách khi Tổng thống không có đa số ở một viện nào cả ; chỉ có đa số thấp thì cũng như không có đa số vì các Nghị sĩ và dân biểu Mỹ không có nguyên tắc bỏ phiếu kỉ luật (bắt buộc bỏ phiếu cho đảng mình) nên họ có thể bỏ phiếu chống chính phủ dù cùng phe. Trường hợp này đôi khi dẫn đến tình trạng làm tê liệt sinh hoạt Nhà nước.

Ngoài hai lực đối kháng, ngăn cản của Congress còn phải kể thêm Tòa án tối cao.

c) Tòa án tối cao trên nguyên tắc phải trung lập chính trị nhưng trên thực tế từ thời Tổng thống Reagan sau đó bởi G.W. Busch và D. Trump do ảnh hưởng và ý chí của phong trào Tân bảo thủ, Tối cao pháp viện đã bắt đầu trở thành một định chế chính trị phe phái, thiên về đảng Cộng hòa, mất hẳn tính trung lập phải có. Do đó Tổng thống đảng Dân chủ sẽ luôn ở trong tình trạng bất lợi, một thời gian rất lâu nữa, để có thể làm làm những dự luật cho chính sách của mình khi chúng bị đưa ra Tối cao pháp viện.

Cần nói thêm là những quyết định của Tòa án tối cao trong những tranh chấp qua quyền giải thích hiến pháp, đúng ra là làm những chọn lựa ; chọn lựa là một hành động chính trị. Nói cách khác là chọn lựa của những Thẩm phán đương nhiên chịu ảnh hưởng bởi triết lí chính trị của chính họ. Nhưng nó phải là những chọn lựa không thể mang tính phe phái mà phải do thâm tín chính trị của họ, những điều họ coi là đúng với tất cả sự lương thiện trí tuệ và độc lập với những áp lực dư luận qua trung gian các đại diện chính trị.

d) Một nguyên tắc hiến pháp của chế độ tổng thống là Tổng thống không có quyền bãi nhiệm lập pháp (trong trường hợp lưỡng viện bình quyền đòi hỏi tổng thống phải có quyền bãi nhiệm cả lưỡng viện mới có ý nghĩa) khiến quyền lực của lãnh đạo hành pháp Mỹ bị hạn chế rất nhiều so với các nước Châu Âu, đôi khi rất cần thiết cho sự ổn định chính phủ dù có vẻ không mấy dân chủ. Về điều này thì Mỹ chọn nghiêng về sự cứng rắn nguyên tắc còn Châu Âu nghiêng về sự khôn ngoan : các nguyên tắc được đặt ra để thực hiện cho một mục đích chứ nó không phải là mục đích. Ngược lại Congress có quyền bãi nhiệm Tổng thống. Đây là hệ luận của lí thuyết chế độ Tổng thống.

e) Sự cứng rắn nguyên tắc này tạo ra một hệ luận không mấy dân chủ là Tổng thống bắt buộc phải điều hành Nhà nước, thực thi dự án chính trị (vừa được dân chúng đồng ý ủy nhiệm qua cuộc bầu cử toàn quốc) bằng những sắc lệnh dẫn tới ít nhất hai hệ lụy một là, dân chủ bị mất phẩm giá và hai là, sự căng thẳng phe phái chính trị. Sự căng thẳng phe phái chính trị khiến tinh thần đối lập trở thành đối nghịch, đối đầu là phân bón cho dân túy sinh sôi nảy nở, lợi dụng, khai thác để đầu cơ chính trị khi điều kiện thuận lợi như khó khăn kinh tế, công ăn việc làm chẳng hạn.

f) Quyền phủ quyết (luật) : Tổng thống Mỹ có quyền phủ quyết các đạo luật của Congress thường được coi như một quyền quá lớn là một hiểu lầm khác nữa. Các nhà lập quốc Mỹ đã cho Congress quyền rất lớn, như độc quyền soạn luật, trên tổng thống nên để bù đắp lại cho tổng thống quyền phủ quyết với ưu tư quân bình quyền lực chứ không phải cho Tổng thống hơn quyền. Ở các nước đại nghị lãnh đạo chính phủ được quyền soạn luật như Quốc hội thậm chí chính phủ gần như độc quyền soạn luật như ở Anh.

Quyền phủ quyết luật bởi vì không được quyền soạn luật là một phương tiện hiến pháp với mục đích quân bình quyền lực.

g) Executive order : cũng không ngoại lệ vì thường bị lên án như một thực hành thiếu dân chủ (đúng) vì quyền quá đáng cho Tổng thống là một hiểu lầm.

Tổng thống được sự ủy nhiệm của toàn dân (bầu trực tiếp hay gián tiếp) để thi hành những chính sách hứa hẹn của mình. Muốn thực hiện những chính sách một cách dân chủ đòi hỏi phải được quyền soạn luật áp dụng nó ; vì không được quyền làm luật lại không có đa số tự động ở Quốc hội hậu thuẫn như những nước đại nghị Tổng thống Mỹ bắt buộc phải sử dụng executive order là một cách đi cửa sau, nhảy rào. Một điều rất vô lí.

Bắt buộc phải đi cửa sau hay nhảy rào để làm nhiệm vụ toàn dân giao phó thể hiện hùng hồn sự lép vế quyền lực của Tổng thống trước Congress chứ không phải ngược lại.

h) Song song với sự căng thẳng chính trị do sự phân chia quyền lực Nhà nước quá nghiêm ngặt, cứng rắn còn có hai nguyên nhân khác nữa :

1) kĩ thuật : chế độ lưỡng đảng với thể thức bầu cử đơn danh một vòng của chế độ tổng thống với hệ luận sớm muộn sẽ bắt buộc đi tới sự phân cực và đối kháng chính trị, một hình thức cạnh tranh chính trị xấu nhất, không lành mạnh ; những dụng cụ hiến pháp, kĩ thuật cho phép đa nguyên chính trị bị hao mòn bởi sự cạnh tranh không lành mạnh này khiến Nhà nước chỉ còn một dụng cụ tinh thần là thỏa hiệp. Nhưng tinh thần thỏa hiệp đòi hỏi một nhân sự chính trị văn minh, gentlemen's agreements, nhưng điều này lại đòi hỏi phải có một sự cạnh tranh chính trị lành mạnh : bế tắc !

Cạnh tranh chính trị lành mạnh đời hỏi nhân sự chính trị văn minh, có phẩm chất. Nhưng có gì bảo đảm hai điều kiện này khi luật pháp cho phép một hội đoàn (núp bóng tài phiệt) cho tiền tranh cử không bị giới hạn lại có quyền dấu tên ?

Tinh thần thỏa hiệp, từ ngày lập quốc, là triết lí điều hành quốc gia, là căn cước, là chìa khóa thành công của nước Mỹ đang bị bào mòn nhanh chóng từ vài thập niên bởi nước Mỹ không còn khả năng đối thoại do đó không thể có thoả hiệp.

2) Hiến pháp : vai trò của Tổng thống trong chế độ tổng thống khác với chế độ đại nghị là nó kiêm nhiệm cả vai trò lãnh đạo Quốc gia, vai trò lãnh đạo chính phủ và vai trò lãnh đạo chính đảng (lãnh đạo biểu tượng do hệ thống đảng phái chính trị đặc biệt của Mỹ).

Lãnh đạo Quốc gia là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc do đó nó phải đứng ngoài mọi tranh chấp chính trị, đứng ngoài mọi quyết định chính sách của chính phủ ; lãnh đạo chính phủ thường hoặc bắt buộc cũng là lãnh đạo một chính đảng có nghĩa là người ở trong và chủ động cạnh tranh chính trị. Sự mâu thuẫn này không có giải đáp ổn thỏa nào cả do đó nó luôn là nguyên nhân, ít hay nhiều tùy bối cảnh, của phân hóa chính trị, xã hội.

Hai lí do này mới chính là những nguyên nhân khiến chế độ tổng thống yếu kém hơn chế độ đại nghị. Nói rõ hơn là hai vấn đề này cộng với không được quyền giải tán Quốc hội và không có đa số Quốc hội tự động cùng nhiệm kì Tổng thống là do thể chế Tổng thống mà ra.

Những vấn đề khác vừa trình bày trên không có nguyên nhân thể chế mà do hiến pháp. Thí dụ vấn đề Tổng thống và Congress không cùng nhiệm kì có thể sửa đổi lịch bầu cử và nhiệm kì Hạ viện trùng hợp với nhiệm kì Tổng thống, v.v.

i) Chế độ tổng thống bầu Tổng thống vì một cá nhân thay vì một chương trình chính trị như chế độ đại nghị cũng là một hiểu lầm. Điều này không có liên hệ gì vời lí thuyết chế độ tổng thống cả. Nó do hiến pháp hay luật pháp về hệ thống tổ chức chính trị như ở Mỹ (vì hiến pháp Mỹ không dự trù).

Mỗi cuộc bầu cử tổng thống mỗi Hội đồng quốc gia đề cử một Chủ tịch một hội đồng điều hành cuộc tranh cử Quốc gia, hội đồng này bầu ra 4 ban với trách nhiệm khác nhau : 1, lo về tổ chức 2, lo về thể thức, điều lệ 3, lo về kiểm soát quyền hành (credentials) của các đại biểu và 4, ban soạn thảo chương trình chính trị (platform) ; các ứng cử viên đều phải chấp nhận chương trình chính trị của đảng mới được tuyển chọn để tranh cử vòng sơ bộ.

Một ngộ nhận cần được xóa bỏ là sự khẳng định mô hình tổng thống độc hại là một sự phóng đại quá đáng. Sự thành công của nền dân chủ Mỹ từ hai trăm năm nay, của Nam Cao Ly và Đài Loan từ vài thập kỉ nay là những phản biện đúng đắn nhất, thuyết phục nhất cho sự hiểu lầm này. Cũng cần kể thêm hai cường quốc dân chủ lớn ở Châu Âu đậm mầu tổng thống trong hiến pháp của họ là Pháp và Wesminster của Anh.

Kém cỏi chứ không phải độc hại. Kém cỏi vì nó, đang được chứng minh qua quan sát nước Mỹ, không còn phù hợp với thời đại đa cực, đa nguyên chính trị.

Cuộc khủng hoảng chính trị của Mỹ hiện nay không do tai nạn hay chu kì mà là khủng hoảng cơ cấu ; khủng hoảng cơ cấu đòi hỏi một cải tổ cơ cấu ; cải tổ cơ cấu đòi hỏi một cải tổ hiến pháp trong chiều sâu.

Đối với nước Mỹ ngày nay cải tổ hiến pháp là chuyện còn khó hơn chuyện đội đá vá trời.

3. We, the People...

tanman1

Hiểu lầm thứ bốn chủ yếu là của người Mỹ với đất nước họ hiện nay.

Hiểu lầm thứ tư : Nếu hai hiểu lầm đầu là của thế giới với nước Mỹ, hiểu lầm thứ ba là của cả thế giới lẫn chính người Mỹ thì hiểu lầm thứ bốn chủ yếu là của người Mỹ với đất nước họ hiện nay.

We, the People of the United States… được long trọng mở đầu Bản hiến pháp Mỹ là một bước tiến vĩ đại không chỉ cho người Mỹ mà cả nhân loại, được bổ túc bằng Bản hiến pháp và 10 Tu chính án, Bill of Rights, khẳng định chủ quyền nhân dân với một Nhà nước không thuộc sở hữu của một người, một triều đại mà của mọi người và của mỗi người ; quyền tự định đoạt số phận của mỗi người và mọi người trong một dự án chung : tự do và mưu cầu hạnh phúc ; Nhà nước là một Nhà nước khế ước bảo đảm và cho phép mỗi người và mọi người thực hiện giấc mơ của mình bằng một hệ thống luật pháp đặt nền tảng trên cá nhân, cho phép ra đời một nền dân chủ thực sự đầu tiên của nhân loại, biến vùng đất của những con người nô lệ thành đất nước của những con người tư do là nguyên nhân cho sự vươn dậy kì diệu chưa từng có trong lịch sử nhân loại với một thời gian kỉ lục ; đã từng (và vẫn còn) là mẫu mực cho cả thế giới ; đã giúp các nước Châu Âu vẫn ngụp lặn trong những cuộc chiến triền miên trở thành những nước dân chủ thực sự từ sau Thế chiến 2 và phồn vinh như chúng ta thấy ngày nay. Một trong những chìa khóa quyết định của tiến trình dân chủ hóa của Châu Âu là cho mình một Bản hiến pháp và một cơ chế Tòa án tối cao hay Hội đồng Hiến pháp kiểu Mỹ. Các nước khác trên thế giới cũng lấy cảm hứng nhưng với mức độ thành công rất khác nhau (Đài Loan, Cao Ly và những nước khác).

We, the People of the United States… khẳng định sự hiện hữu một cộng đồng, cho phép sự hiện hữu một Nhà nước, từ sự hiện hữu của một Nhà nước cho phép sự hiện hữu một Quốc gia.

Do đó phẩm chất Quốc gia tùy thuộc vào phẩm chất của Nhà nước, có nghĩa là một Nhà nước có sức mạnh lẫn khả năng đảm bảo quyền công dân, con người của những thành viên ở trong nước cũng như ở ngoài ; phẩm chất của Nhà nước tùy thuộc vào phẩm chất của cộng đồng có nghĩa là một tập hợp những cá nhân tự do trong một liên hệ pháp lí để thực hiện những mục đích riêng tư mà Nhà nước là phương tiện ; Quốc gia là chất kích thích, một tình cảm liên hệ, gắn bó chia sẽ một định mệnh chung.

Nhưng thiên nhiên có qui luật riêng của nó mà loài người, dù mạnh thế nào, đều không thể chống cự : thời gian !

Cho hành pháp quyền lực như Hamilton viết "Uy quyền của hành pháp là điều kiện cốt lõi cho một chính phủ tốt. Trong những yếu tố để bảo đảm điều này là sự thống nhất". Do đó một khi sự thống nhất không có, hay không còn, thì một chính phủ tốt khó có thể được bảo đảm.

Hơn nữa khái niệm một "chính phủ tốt", từ ba, bốn thập kỉ qua chỉ còn được đánh giá trên những thành tựu kinh tế, chỉ số của Wall Street mà bỏ qua "điều kiện cốt lõi", như cảnh giác của Hamilton, là sự đoàn kết hay liên đới quốc gia.

Một thực trạng xã hội Mỹ rất điển hình là sự xuống cấp tinh thần tinh thần liên đới, phục vụ xã hội, đã từng là nền móng cho sự thành công kì diệu của họ, được kiểm chứng qua số thành viên của các xã hội dân sự đã giảm quá nửa từ thập niên 1980 tới nay. Chủ nghĩa tự do cá nhân lên ngôi tối thượng. Nhìn trên lăng kính xã hội lí tưởng tự do này có tên gọi bình dân và chính xác là thân ai nấy lo, mạng ai nấy giữ. Chất keo gắn kết nhân tố xã hội đã dần dà tan loãng, hệ lụy của tư tưởng trường phái Chicago : "Hãy hỏi Nhà nước đã làm gì cho bạn chứ không phải bạn đã làm gì cho Nhà nước" ; "Nhà nước là vấn đề chứ không phải là giải pháp cho bạn".

Nhà nước Mỹ cho tới lúc nó bắt đầu bị thách thức, bằng lí thuyết tân phóng khoáng từ thập niên 60 và bắt đầu thực hiện chục năm sau đó bởi chính phủ Reagan, kết hợp một cách rất tốt những điều kiện được trình bày ở trên cho nên sự thách thức đó không vì lí do Nhà nước đã không hoàn thành chức năng của mình mà vì chủ thuyết tân phóng khoáng chủ trương chức năng điều hành xã hội của chính trị phải nhường chỗ cho kinh tế, tài chánh. Kinh tế, tài chánh là trung tâm thay thế chính trị.

Như đã trình bày sự tương quan mật thiết của ba yếu tố nhân dân, Quốc gia và Nhà nước cho thấy cách tổ chức xã hội, của mọi Quốc gia, đặt nền móng trên hệ thống chính trị có nghĩa là tất cả các hệ thống khác vận hành chung quanh chính trị đã được suy nghĩ, nhào nặn gọt dũa không ngừng nghỉ từ mấy ngàn năm qua. Thay đổi cách tổ chức này đòi hỏi phải thay đổi lại tất cả từ A tới Z và phải một thời gian rất dài.

Trên nguyên tắc lí thuyết thay thế cách tổ chức xã hội hiện hành là khả thi trong đó hệ thống chính trị chỉ là một hệ thống bên cạnh những hệ thống khác (kinh tế, văn hóa, xã hội…) chứ không phải hệ thống kinh tế tài chánh thay thế hệ thống chính trị.

Cuộc đổi đời này bắt buộc phải là một sản phảm trí tuệ vô cùng lớn lao trên mọi lãnh vực của những khối óc kiệt xuất chứ không phải của một vài kinh tế gia dù có xuất sắc như thế nào cũng chỉ là những giọt nước trong biển cả.

Thay đổi một cách đột ngột như một cuộc đảo chánh không có một sự chuẩn bị nào ngoài sự chuẩn bị cho lợi nhuận tối đa, sản xuất tối thiểu có nghĩa chủ yếu là tài chánh trên kinh tế thì sự khủng hoảng xã hội chính trị không thể tránh khỏi.

Một trong những nạn nhân của cuộc đảo chánh tư tưởng này chính là nước Mỹ đặc biệt là hệ thống chính trị của Mỹ.

Ý thức được sự không thể thay đổi hệ thống chính trị bằng hệ thống tài chánh những tín đồ Tân phóng khoáng dùng chiến lược khuynh loát nhân sự chính trị làm con tin song song với mặt trận tư tưởng đánh phá định chế Nhà nước và họ đã thành công : 1, bằng luật pháp cho phép một hội đoàn ẩn danh tính (các) thành viên và không hạn chế số tiền hội đoàn này giúp những ứng cử viên các chức vụ quan trọng trong chính quyền cho tới tổng thống. Có nghĩa là các nhà tài phiệt được tự do hoàn toàn tìm chọn con rối chính trị để phục vụ lợi ích riêng tư của họ ; một con rối không cần trình độ, hiểu biết lẫn phẩm chất đạo đức chính trị mà chỉ biết nghe lời ông chủ. 2, Lập pháp ban hành một đạo luật cấp Lập pháp ra những bộ luật kiểm can thiệp vào những vấn đề tài chánh (đã điều chỉnh lại sau khủng hoảng tiền tệ 2008). Chính trị của một nền dân chủ đã bị khống chế bởi định chế tài phiệt, một định chế không do dân bầu ra.

Sự hiện hữu các tổ chức áp lực rất nhiều và rất mạnh ở Mỹ có thể không phải là xấu với điều kiện nó phải RẤT minh bạch và phải được kiểm soát như những định chế quyền lực Nhà nước. Nước Mỹ không có cả hai điều kiện này !

Chính quyền Mỹ có còn của dân, do dân và vì dân như đã được A. Linhcon định nghĩa một cách tuyệt vời về nền dân chủ Mỹ, đã trở thành tôn chỉ của một nước dân chủ tiên tiến hàng đầu của thế giới ?

Hệ lụy của sự kiện này đập vào tai, vào mắt của cả thế giới trong những lúc tranh cử (Tổng thống, Congress) vừa qua. Có không ít ứng cử viên phát biểu vừa dốt nát vừa vô giáo dục một cách không thể tưởng tượng họ là những công dân Mỹ, tệ hơn là còn muốn nắm những vai trò quan trọng hàng đầu để điều hành Quốc gia.

Khó có thể tiếp tục phủ nhận là hiện nay, ngày 18 tháng 11 năm 2022, sự phân hóa chính trị, xã hội Mỹ đã tới tình trạng đáng lo ngại so với những qui chiếu thông thường của một cái được gọi là xã hội.

Hai cực chính trị của nước Mỹ không còn khả năng nhìn nhau như những đồng bào mà là kẻ thù ; mọi đối thoại, thỏa hiệp đều bế tắc ngay từ trứng nước ; các đại biểu tương lai dõng dạc tuyên bố bất chấp đạo lí thường tình nhất của một con người : "sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử nếu không thắng cử", v.v. ; đối thủ cạnh tranh không còn được coi là con người bình thường để đối xử bằng đạo lí bình thường của những con người với nhau thì làm sao có thể nhìn nhau như những đồng bào ?

Không có tình đồng bào, liên đới xã hội thì không thể tồn tại một dân tộc ; không có một dân tộc thì không thể có một Quốc gia vì chúng là hai điều kiện bên cạnh điều kiện thứ ba là lãnh thổ. Quốc gia Mỹ chỉ còn một điều kiện lãnh thổ. Với tình trạng này Quốc gia Mỹ đã tan rã trên phương diện tinh thần.

Sự đe dọa an ninh Quốc gia bởi một thế lực thù địch ngoại quốc thường là lí do để kích thích tinh thần Quốc gia và đoàn kết dân tộc cũng không còn hiệu nghiệm ở nước Mỹ nữa mà còn ngược lại. Một "nửa" nước Mỹ chỉ mặt nửa phần còn lại là những kẻ bán nước cho kẻ thù Trung Quốc được khẳng định trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua bằng số phiếu ngang ngửa thể hiện rõ ràng màu sắc, hơi hướm một cuộc nội chiến ; ít nhất trong tâm lí.

Một điều cần lưu ý là "thế lực thù địch ngoại quốc" này đang mỗi ngày mỗi mạnh và không hề giấu giếm giấc mơ thay thế vị trí của nước Mỹ hiện nay. Nếu những ngày sắp tới người Mỹ vẫn tiếp tục nhìn nhau, đối xử với nhau như hiện nay thì một điều chắc chắn là nước Mỹ sẽ không còn đủ nội lực và khả năng kháng cự.
Chúng ta đang chứng kiến một siêu cường quân sự nguyên tử, Nga, một thời ngang ngửa với Mỹ, đang bị một nước nhỏ hơn nhiều, Ukraine, làm nhục trên chiến trường đợi ngày đầu hàng chỉ vì nó đã không còn được nuôi dưỡng bởi một lí tưởng chung và chia sẻ một tình cảm chung.

Không còn sức mạnh tinh thần thì không có một sức mạnh cơ bắp nào có thể tồn tại ; sự hiểu lầm của người khác về mình không gây ra những tai hại, đôi khi chết người, bằng sự hiểu lầm của mình với chính mình.

Những nhận định, phân tích về xã hội Mỹ ở trên có phần phóng đại và bi quan ? Có thể. Nhưng chắc cũng không bao nhiêu.

Lê Mạnh Tường

(24/11/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Tường
Read 1249 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)