"Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…"
Trần Hiếu Chân, RFA, 08/04/2024
Ngàn năm bia miệng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt : Đúc các tượng đài hoành tráng thực chất là để các "ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai".
Công nhân đang dựng các tấm biển quanh tượng Lê Nin ở Hà Nội nhân kỷ niêm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1917) hôm 3/11/2017 - AFP
----------------------------
Ngày 4/4, theo VnExpress, một trong những trang mạng có nhiều độc giả người Việt, nhân dịp kỷ niệm 154 năm ngày sinh của V.I. Lê Nin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình tượng Lê Nin tại thành phố Vinh vào giữa tháng 4/2024. Khuôn viên và bệ đặt tượng đã được hoàn thành từ tháng 6/2020, với diện tích 1.036,5 m2. Bệ đặt tượng giữa trung tâm Thành phố. cao ba mét, chất liệu bằng thép. Mặt trước khắc chữ bằng cả hai ngôn ngữ Nga lẫn Việt "V.I. LÊ-NIN, 1870 – 1924", mặt sau cũng dòng chữ bằng hai thứ tiếng ấy : "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nga" (1). "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nga" nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, suốt bốn lần đến thăm Việt Nam, cả bốn lần Tổng thống Putin, còn Phó của ông ta là Mevedev thì cả năm lần đều không đặt chân đến tượng đài Lê Nin ở Hà Nội (2). Từ đất nước Nga "vĩ đại", Tổ quốc của Vladimir Ilyich, chính đương kim Tổng thống Putin đã phê phán Lê Nin – người khai sinh Nhà nước Liên bang CHxã hội chủ nghĩa Xô viết – "không chỉ mắc sai lầm, mà còn tệ hại hơn cả một sai lầm" (3).
Thế mà "Nghệ An Xô viết vẫn là Nghệ An"… Một "cơn bão mạng" nổi lên khắp cả nước liên quan đến cái chủ trương "phản chính trị’, "phi kinh tế" này của tập thể lãnh đạo "tỉnh nhà" (4). Dòng trạng thái (status) của Lý Hồng Bảo viết : Yêu Lê Nin đến thế, "sao giờ đây dân xứ Nghệ không qua Nga xuất khẩu lao động, mà toàn tràn tới Nhật, Hàn, Úc khiến họ phải "cấm cửa" ; Hộ chiếu ghi quê "Nghê An" thì dứt khoát không được cấp visa, đành trốn qua Mexico vượt biên vào Mỹ ? Status Nguyen Ngoc Dien khẳng định : "Đúng là sự u mê của con người là không thể đo đếm được. Hay là... bọn họ chỉ muốn kiếm ăn tý thôi, chứ giờ này còn "lý tưởng" cái gì nữa !!!" Võ Văn Dũng đặt câu hỏi : "Đúng là tư duy của những kẻ phản quốc ! Việt Nam có biết bao nhiêu vị anh hùng và nhân tài đã đóng góp rất nhiều công sức vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Vậy sao Ban bí thư Trung ương và lãnh đạo Nghệ An lại dựng tượng đài của một kẻ ngoại bang ?" Thành Ngô Văn mỉa mai : "Nhờ Lê Nin mới có các vua lớn, vua bé (và cả vua choai choai nữa). Tỉnh nào các vua cũng có cả những biệt phủ, rồi còn mua biệt thự ở Mỹ và cho con cháu sang du học tại các xứ "giãy chết". Cho nên đặt tượng cụ Lê Nin là đúng rồi !"… Có thể trích dẫn rất – rất nhiều Stt chia sẻ trong cay đắng và tủi nhục của dân chúng như vừa nêu. "Yêu Lê Nin" kiểu ấy thì đúng là "yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau" (5).
Nỗi đau của trí thức văn nghệ sĩ cũng không kém. Nhà văn Phạm Lưu Vũ viết : "Dùng hình ảnh lãnh tụ một cách bừa bãi, bất chấp thực tại khách quan để chứng tỏ lập trường… hòng kiếm chác vị trí, chức vụ trong chính trị. Sinh thời, chính V.I. Lê Nin rất ghét điều này…" Lê Nin càng e ngại, khi thấy trí thức cũng cơ hội chính trị. Đọc Goorki viết bài ca ngợi mình, Lê Nin "bật" ngay : "Trí thức là cục phân", khiến Goorki cụt hứng, không dám mơ đến chính trị nữa, phải chuồn sang Ý sống. Đến khi Stalin lên nắm quyền thì Trotsky cũng chuồn sang Nam Mỹ. Song vẫn bị Stalin sai sát thủ truy tận nơi giết cho bằng được. "Lê Nin chết 100 năm, 2/3 Nhân loại đã xếp ông và những những Stalin… vào hạng đại đồ tể, khắp thế giới, người ta đang giật đổ tượng các ông… Ở "dưới ấy", chắc Lên Nin không thể ngờ rằng, chủ nghĩa cơ hội chính trị bẩn thỉu vẫn còn lấn lướt. "Từ một xứ Nghệ xa xôi, dân nghèo đói, người ta vẫn dựng tượng ông, nặng tới 4 tấn rưỡi. Để làm gì nhỉ ? Để tích trữ đồng, phòng khi thiếu đồng làm nõ điếu cày chăng ?" (6)
Nghệ An khánh thành tượng Lê Nin, trong khi đó, ở thủ đô Hà Nội người dân lại muốn đạp đổ nó. Đúng là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" và "ý Đảng lòng dân" rõ ràng đang bị decoupling (chia tách). Theo tin của Đài RFA, Tòa án Hà Nội vừa tuyên án năm năm tù cho một cựu quân nhân đặt quả nổ tại tượng đài Lê Nin. Ông Nguyễn Chí Dũng được cho biết từng có thời gian đi "nghĩa vụ quân sự" ở một đơn vị rà phá bom mìn, nên biết cách chế quả nổ và ông đã đặt quả nổ tại chân tượng đài Lê Nin hồi tháng 8 năm ngoái. Việc ông Nguyễn Chí Dũng cho phát nổ gây nên tiếng động lớn và làm nứt phần chân đế tượng đài Lê Nin. Hai ngày sau khi thực hiện vụ nổ như vừa nêu, ông Nguyễn Chí Dũng bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an Hà Nội bắt giam (7). Khi nghe tin này, người dân Hà Nội lại hát "đồng giao" :
"Ông Lê Nin ở nước Nga
Cớ sao ông đến vườn hoa chốn này
Ông vỗ ngực, ông chỉ tay
Chủ nghĩa xã hội nước mày còn lâu"
(Hy vọng sẽ không bao giờ đến !)
Đúng là những đóa hoa nở rộ từ đêm đen của chế độ toàn trị ! (8)
Cách đây mấy năm, một trang mạng ở tỉnh Bình Thuận từng phản đối chuyện địa phương nào cũng đề nghị đúc tượng Hồ Chí Minh. Theo bài báo, trong khi các tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, dân ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, mà các địa phương vẫn xin xây tượng đài lãnh tụ vài ba trăm tỷ đồng. Rất nhiều người không tán thành với chủ truơng ấy, nhưng ngại nói ra, vì chuyện này khá "nhạy cảm". "Nhạy cảm" ở chỗ mỗi khi địa phương xây các tượng đài, thì lập tức câu thành ngữ quen thuộc "lại về". Vì chỉ có đúc tượng đài hoành tráng, mới có chuyện các "ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai". Bài báo kết thúc, dư luận hoan nghênh chủ trương tôn kính tiền nhân không nhất thiết phải xây nhiều tượng đài. Cái chính là phải tiết kiệm và phải biết lo cho dân, biết nghĩ đến cơm no, áo ấm, học hành của dân (9). May mà báo tỉnh lẻ nên chưa bị gỡ !
Sinh thời, Hồ Chí Minh cũng chẳng "kết" lắm với chuyện "quần thần" đề nghị đúc tượng ông. Tố Hữu "đọc được" ý ấy nên để ca ngợi lãnh tụ, thi sĩ viết nên câu thơ : "Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn" (10). Sỡ dĩ câu thơ sống bền, chủ yếu vì cái hàm ý đả kích tinh vi của nó. Thời ấy, Tuyên huấn giải thích, lãnh tụ ta hơn lãnh tụ Trung Quốc ở chỗ ta không có tệ sùng bái cá nhân. "Hơn tượng đồng phơi những lối mòn" là hàm ý đả kích việc Trung Quốc dựng tượng Mao Trạch Đông nhan nhản khắp trên đất Tàu. Thậm chí cả ở "những lối mòn" cũng dựng ! Động từ "phơi" đã giết chết các bức tượng Mao. Tiếng Việt nói "phơi thây, phơi xác", chứ không ai viết "phơi tượng" giữa "những lối mòn". Chửi thế kể cũng ác thật ! Vậy mà Trung Quốc vẫn phải nín nhịn !
Trần Hiếu Chân
Nguồn : RFA, 08/04/2024
Trần Hiếu Chân là một blogger, đồng thời cũng là nhà báo độc lập tích cực tham gia vào mạng lưới xã hội đấu tranh vì tự do báo chí, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Blogger này cũng là một trong những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và đường lối ngoại giao của Việt Nam và các nước ASEAN.
Tham khảo
(1) https://vnexpress.net/dat-tuong-le-nin-tai-tp-vinh-4730627.html
(2) https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/04/nguyen-ngoc-chu-nhung-con-so-biet-noi.html
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/world-60480436
(6) https://thuymyrfi.blogspot.com/2024/04/pham-luu-vu-chu-nghia-co-hoi-chinh-tri.html
(8) https://thntsaigon.forumvi.com/t1496-topic
(9) https://baobinhthuan.com.vn/mong-manh-ao-vai-hon-muon-truong-611.html
(10) https://dantri.com.vn/blog/hon-tuong-dong-phoi-nhung-loi-mon-20150816060827298.htm
**************************
Nghệ An vẫn "dựng" tượng Lenin dù dư luận phản ứng !
RFA, 08/04/2024
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An mới đây cho truyền thông hay, tỉnh này và tỉnh Ulyanovsk – Nga sẽ tổ chức lễ khánh thành công trình tượng Lenin bằng đồng nguyên chất nặng 4,5 tấn, tại thành phố Vinh vào giữa tháng 4 năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 154 năm ngày sinh của Lenin.
Reuters
Người dân nói gì ?
Một người dân Nghệ An không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 8/4/2024 cho RFA biết ý kiến về việc này :
"Việc tỉnh Nghệ An dựng bức tượng Lênin ở trung tâm thành phố đã gây ra sự bất bình trong dư luận. Bởi vì chúng ta đều biết Lênin là một nhân vật chính trị gây tranh cãi, bản thân học thuyết của ông cũng như chế độ chính trị do ông dựng lên ở Liên Xô đã bị lịch sự đào thải… Việc dựng bức tượng của một nhân vật mà nhiều nơi trên thế giới đã lật đổ tượng, thì rõ ràng khiến dư luận bất bình.
Việc dựng tượng theo người dân này không chỉ đơn thuần là dựng một bức tượng cho mọi người ngắm nhìn… mà nó còn là việc tiêu tốn ngân sách, đồng thời còn tạo ra những "dấu ấn chuẩn mực không đúng đắn" về nhận thức chính trị trong dân chúng. Do đó ông cho rằng :
"Bản thân tôi phản đối việc chính quyền tỉnh Nghệ An dựng bức tượng Lenin ở ngay trung tâm thành phố".
Liên quan việc dựng tượng Lenin ở Nghệ An, trên mạng xã hội những ngày qua có nhiều người đưa ra nhiều bình luận khác nhau. Trong đó có Nhà báo – Blogger Dương Quốc Chính trên trang cá nhân cũng đã dí dỏm cho rằng : "Về việc dựng tượng Lenin, thì nên tìm cách mua lại tượng cũ từ Ukraine, Đông Âu, kiểu như nhập khẩu hàng bãi của Nhật, quần áo Sida... chắc chắn rẻ hơn đúc mới nhiều, mà giá rổ tù mù cũng dễ abc này nọ… trong khi tổng giá vẫn rẻ. Thế là ích nước lợi nhà ! Ủng hộ dùng vật liệu đồng, vì dễ tái chế. Chứ vật liệu bê tông, đá...thì không tái chế được, sẽ ảnh hưởng môi trường".
Bệ đặt tượng Lenin cao ba mét, chất liệu bằng thép, mặt trước khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt "V.I.LÊ-NIN, 1870-1924", mặt sau khắc dòng chữ bằng tiếng Nga và tiếng Việt "Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nga".
Anh Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 8/4/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :
"Trong khi các quốc gia khởi thuỷ của cộng sản ở Đông Âu và ngay cả những nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine đều coi Lenin là một tội đồ và giật sập tượng của người lãnh đạo độc tài này. Thì chuyện Việt Nam xây tượng Lenin cũng giống như mang kẻ cướp nhà người ta về nhà mình thờ vậy. Làm kiểu đó thì thế giới nhìn vào người ta chỉ khinh bỉ thôi, nhưng nhà nước mình thì tự hào, chứng tỏ quan chức Nhà nước mình cũng dốt và không chịu tìm hiểu trước khi thờ cúng ai đó.
Ngoài ra, nếu dựng tượng mà dân giàu nước mạnh thì không nói. Nhưng với những tượng đài trăm tỷ ngàn tỷ như tượng đài Hồ Chí Minh, tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh, tượng đài Phan Đăng Lưu..., Nghệ An vẫn là tỉnh thường xuyên nằm trong những tỉnh phải xin gạo cứu đói".
Chân dung Lê Nin chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.
Xây tượng đài có lợi cho ai ?
Theo anh Trần Anh Quân, có thể thấy việc xây tượng đài có lợi cho cán bộ nhưng có hại cho dân. Người dân đói khát nhưng vẫn phải góp cơm, góp gạo, góp tiền đóng thuế. Còn quan chức thì dùng chuyện này làm cái cớ xin kinh phí, moi tiền thuế của dân làm giàu cho mình.
Điều đáng nói là trong khi tỉnh này tiêu tốn tiền ngân sách cho công trình dựng tượng Lenin mà theo truyền thông loan vào năm 2020 thì Nghệ An chi khoảng tám tỷ chỉ để xây quảng trường và dựng tượng đài, thì năm ngoái, Nghệ An có mặt trong danh sách 15 tỉnh, thành phố đã đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt vào tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Trao đổi với RFA hôm 8/4/2024, PGS. Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu văn hóa - ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định :
"Chuyện tiền tuy cũng là vấn đề, nhưng không phải là chuyện lớn lắm. Theo thông tin của tỉnh Nghệ An công bố, tượng Lenin là của bên Nga tặng Việt Nam, chỉ việc xây đài để tượng lên. Thông tin đó có nhiều người nghĩ không thật, giả sử nó không đúng đi nữa thì số tiền bỏ ra tuy lớn nhưng vấn đề quan trọng hơn tiền bạc là người ta không hiểu ông Lenin bị chính nước Nga từ chối, chính nước Nga phản ứng…"
Ngay ở nước Nga theo ông Dũng, nhiều sự thật về Lenin sau này được công bố làm cho người Nga hờ hững về Lenin. Ông Dũng nói tiếp :
"Không chỉ người dân Nga mà chính quyền Nga cũng vậy. Theo thống kê của ông Nguyễn Ngọc Chu, từ năm 1990 trở lại đây, những chức sắc người Nga từ Thủ tướng đến Tổng Thống, cho đến Chủ tịch đảng cầm quyền khi qua thăm Việt Nam chưa bao giờ tới thăm tượng Lenin ở Hà Nội. Trong điều kiện như vậy mà mình lại dựng tượng không Lenin thì thật là không hợp thời. Đó là chưa kể biết bao nhiêu anh hùng của Nghệ An ai cũng kính trọng như cụ Phan Bội Châu sao không dựng tượng, mà dựng tượng một ông nước ngoài ngay trung tâm Nghệ An như vậy thì thật là thất nhân tâm".
Ông Dũng cho rằng, việc dựng tượng Lenin dù là lỗi hay tính toán không kỹ lưỡng, hay chính quyền bất chấp dư luận lòng dân thì không phải chỉ lỗi của chính quyền… mà theo báo Tuổi Trẻ, việc dựng tượng Lenin là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, tức là cấp rất cao của đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý chuyện dựng tượng.
Ông Nguyễn Ngọc Chu, người mà PGS. Tiến sĩ Hoàng Dũng vừa nhắc là một người gốc Nghệ An hiện sinh sống tại Hà Nội. Trên trang cá nhân ông Chu cho biết thông tin, Tổng thống Nga Putin đã bốn lần sang thăm Việt Nam (2001, 2006, 2013, 2017). Nhưng ông Putin chưa một lần đến thăm tượng đài Lenin ở vườn hoa Chi Lăng Hà Nội. Hay ông Medvedev cũng đã năm lần sang thăm Việt Nam. Một lần với tư cách tổng thống Nga vào năm 2010. Ba lần với tư cách thủ tướng Nga vào các năm 2012, 2015, 2018. Một lần với tư cách chủ tịch đảng nước Nga thống nhất vào năm 2023. Trong cả năm lần thăm Việt Nam, ông Medvedev không một lần đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.
Ngoài ra cũng theo ông Nguyễn Ngọc Chu, từ năm 1992 đến gần đây, chưa một lần đại sứ và đại sứ quán Nga ở Hà Nội đến thăm tượng đài Lenin tại Hà Nội.
Nguồn : RFA, 08/04/2024
***********************
Đọc chơi cho biết :
Lênin đó sống mãi trong tâm hồn người cộng sản Việt Nam
Với Lê-nin
Nhà Lê-nin, ở Goóc-ky
Khi tôi đến
Lê-nin như vừa đi
Người rất bận :
Ngày ngày
Vô tận
Nguời người nối bước trước Krem-lin
Mong gặp Lê-nin
Trong một phút giây im lặng.
Lê-nin đi vắng
Nhưng trong vườn sên đầy nắng
Chiếc ghế sơn xanh còn ấm hơi Người
Ba mươi bốn năm xưa
Ngồi dưới mặt trời
Viết những dòng
Ánh sáng.
*
Bâng khuâng nghe năm tháng
Đẹp như người con gái nước Nga
Hôm nay đưa tôi qua những căn nhà
Kẻ lại từng chương sử đỏ.
Cách mạng tháng Mười
Đảng Cộng sản Liên Xô từ đó
Với Lê-nin, làm lại loài người
Với Lê-nin, làm thế kỷ hai mươi
Trong đêm tối, mở chân trời hừng hực.
Mẹ ơi, đẻ con ra trong khổ cực
Mẹ chưa hay từ đó có Liên Xô
Có Lê-nin hằng che chở con thơ
Người nhắm mắt khi con vừa bốn tuổi.
Người đã sống đến giây phút cuối :
Chiếc gậy cầm tay còn gác cạnh bàn
Bậc thang nhà còn ấm những lan can
Và tấm lịch đứng lại ngày 21
Vẫn tươi sáng một con người : Sê-khốp
Ôi Lê-nin
Có thể nào tin
Thời đại ta đã mất
Một Con Người đẹp nhất ?
Vĩnh viễn Lê-nin sống giữa loài người
Vầng trán mênh mông đôi mắt yêu đời
Như trái đất vui mùa xuân mới dậy.
*
Tôi đã đi
Giữa mùa hè chín mẩy
Xi-bê-ri hay Tbi-li-xi
Đâu đâu tôi cũng thấy
Lê-nin
Mỗi công trường xưởng máy
Lê-nin, ấy là lò thép chảy
Thành những óc tim, lửa cháy bừng bừng
Trên thảo nguyên, đồng nội, núi rừng
Lê-nin, ấy là nguồn điện lực
Với xô-viết, làm thiên đường sáng rực !
Khắp những nẻo đường náo nức tôi đi
Hiển hiện Lê-nin phơi phới diệu kỳ
Nhịp sống lớn trên dáng đi bay nhảy
Những ánh mắt của thiên tài thức dậy...
Rất tự do, nên rất tự hào
Mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao !
*
Lê-nin đó
Muôn triệu lần nảy nở
Giữa loài ta
Muôn triệu lần rạng rỡ
Như mặt trời chói giữa biển bao la
Lê-nin đó
Ngời ngời chân lý.
Như những ngày xưa
Người là đồng chí
Hồn nhiên giản dị
Giữa công nông ngồi chật quanh Người
Rất yêu thương, đôi mắt nheo cười.
Như những ngày xưa
Người là chiến sĩ
Không sợ gian nguy, không giờ phút nghỉ
Ghét mọi quân thù, ghét mọi nước sơn
Suốt đời mang tấm áo dạ sờn
Đôi dày ống gót mòn sỏi đá.
*
Đám tang ai
Đi trong tuyết giá
Mạc-tư-khoa trắng lạnh
Muôn nghìn kim
Đau buốt trái tim !
Tôi vẫn thấy Lê-nin
Bình thường khỏe mạnh
Giữa mùa đông nước Nga
Cùng công nhân đi vác gỗ xây nhà.
Và chiều nay trước phút vội đi xa
Người còn nghe
thánh thót
Krup-skai-a
Tố Hữu (1961)
*********************
Chân lý vẫn xanh tươi
Không nỗi đau nào riêng của ai
Xi-mô-nốp, nếu còn anh trên đời này nóng bỏng
Có lẽ anh sẽ ca một bài ca "Hy vọng"
Như ngày xưa, anh hát "Đợi anh về"
Giữa mùa đông băng giá tái tê
Tôi lại nhớ Lê-nin
Sắp ra đi, vẫn thanh thản niềm tin
Con Người thắng, vì "Tình yêu cuộc sống"
Thật vậy ư ? Như trong cơn ác mộng
Chuông nhà thơ rung cùng tiếng cầu kinh
Mấy kẻ đốt đền, quỳ gối cầu xin
Thiên đường máu, từ tay bầy quỷ dữ.
Cả đàn sói chồm lên, cắn vào lịch sử
Cào chiến công, xé cả xác anh hùng
Ôi ! nỗi đau này là nỗi đau chung
Lương tâm hỡi, lẽ nào ta tự sát ?
Lũ phản bội, điên cuồng, hèn nhát
Và cả bay quân cướp nước, giết người
Chớ vội cười ! Chân lý vẫn xanh tươi
Cách mạng Tháng Mười vẫn mở đường đi tới.
Từ đổ nát, ta lại xây dựng mới
Rũ bùn dơ, mặt đất sẽ thanh tân
Không sức nào ngăn nổi sức nhân dân
Ngày mai sẽ là ngày mai cộng sản !
Tố Hữu (7/11/1991)