Gần đây có một bạn nói với tôi về Osho với tâm thế thể hiện sự kính trọng về mặt tư tưởng. Tôi không có một thống kê cụ thể, nhưng các tác phẩm của Osho, Hành trình về phương Đông bán rất chạy ở Việt Nam, luôn nằm trong top đầu sách bán chạy trên các nền tảng thương mại điện tử. Sách của Osho được xuất bản rất nhiều ở Việt Nam và giới trẻ rất dễ tiếp cận.
Dù có thể gây mất lòng nhiều người, nhưng tôi thực sự không ấn tượng với nhân vật này. Lâu rồi, tình cờ tôi có xem một series phim tài liệu có cái tựa đề khá thú vị "Wild Wild Country" về một guru Ấn Độ tên là Rajneesh. Ông ta cùng với những tín đồ của mình mua một vùng đất ở sa mạc bang Oregon của Mỹ để tự xây dựng một công xã tự cung, tự cấp Utopian. Coi một lúc tôi mới thấy hóa ra Rajneesh và Osho chỉ là một. Sau khi đến nước Mỹ vào năm 1981 trên chiếc Rolls Royce, họ "quậy" tanh bành nước Mỹ và dấy lên một cuộc tranh luận rất gay gắt với cộng đồng người Mỹ da trắng Tin Lành bên đó. Thậm chí, đã có những cáo buộc có bằng chứng là những tín đồ của ông đã đầu độc cư dân, làm vài chục người bị ngộ độc thực phẩm. Vụ việc cuối cùng ra tòa, vài người bị bắt và ở tù, ông Rajneesh thì tranh cãi với Sheela - người thân tín nhất lo việc điều hành cho ông, sau đó bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Ông làm mới mình lại thành Osho và qua đời vài năm sau.
Hóa ra Rajneesh và Osho chỉ là một
Về tư tưởng của Osho thì tôi không thấy có gì đặc biệt. Ông ta chỉ là người tôn sùng Lão Tử, kêu gọi sex để tìm chân lý. Ảnh hưởng nặng bởi trường phái lãng mạn của J-J. Rousseau – Cha đẻ của chủ nghĩa đã gây ra một cơn điên của Thế giới trong thế kỷ 20.
Có lẽ chúng ta cũng cần liên hệ một chút đến giai đoạn khi ông ấy lần đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ. Vào thập niên 80-90s, kinh tế thế giới cũng như nước Mỹ bị suy thoái, một lực lượng đông đảo người trẻ muốn thực hành lối sống hippies, hay cảm thấy chán nản guồng quay hà khắc của công việc. Lúc này là giai đoạn cho "con người lý tưởng", con người vị kỷ và tự do tuyệt đối, viễn tưởng tuyệt đối mà Ayn Rand - tác giả nổi tiếng với hai quyển Suối Nguồn (The Fountainhead) và Vươn Mình (Atlas Shurgged Atlas), phác hoạ ra. Osho cũng nằm trong luồng tư tưởng như thế, nhưng nhuốm màu "huyền hoặc" hơn. Ông ấy giải thích rằng phương Tây chỉ biết có vật chất (materialism), còn phương Đông chỉ biết có duy tâm (spiritualism). Nghĩa là cả hai đều thiếu, nhưng tư tưởng của ông ấy là tư tưởng đông tây kết hợp, nghĩa là vừa có vật chất mà vẫn có thể có tinh thần. Chỉ nói đến đây là biết ông ấy đã ngộ nhận về những khái niệm căn bản. Vậy nếu chỉ hiểu căn bản những khái niệm triết đã thấy ông ta rất xằng bậy, hiểu sai materialism và idealism là gì.
Một cách vắn tắt, khái niệm duy vật (materialism) xuất hiện trong câu hỏi căn bản của môn tri thức học "cái gì có thực để làm khởi điểm cho sự chắc chắn của sự hiểu biết của chúng ta" ? Đồng thời nó cũng hiện diện trong cuộc tranh cãi về siêu hình học xem hồn hay xác quan trọng hơn. Có hai cách trả lời khác nhau. Trường phái duy tâm (idealism) cho rằng chỉ có ý kiến là có thực trong khi trường phái duy vật cho rằng chỉ có vật chất là có thực (1).
Những người trong đạo tràng của ông ấy thoải mái thực hành bản năng của mình, quan hệ tình dục bừa bãi với nhau, hút cần sa… rồi hôm sau đi nghe thầy giảng bài để lấy lại tinh thần. Các bài giảng của Rajneesh dễ nghe và ông này có cái tài kể chuyện duyên dáng, hài hước. Dẫu vậy nó không có bề sâu tư tưởng nào, nó giống như những sách self-help để giúp an thần cho câu hỏi "mình đã sống như thế nào". Sự tự do mà Osho muốn hướng tới là sự tự do của con vật. Tự do trong sự mông muội và bản năng, chứ không phải tự do trong sự hiểu biết.
Tóm lại, xem hết series tôi cũng bắt đầu hiểu ra tại sao Việt Nam rất khuyến khích phát hành những đầu sách huyền hoặc như thế này. Cuộc đời chỉ là tương đối hóa, không có lẽ phải, đúng sai hay quy tắc… chỉ có cảm nhận. Những cái mà Osho và tín đồ của ông ấy nếu chỉ thực hiện trong công xã của mình thì cũng không ai để ý. Nhưng nếu những chủ nghĩa này thấm vào giới trẻ Việt Nam thì sẽ rất tai hại. Nó dễ thấm vì nó cũng có phần đúng khi chỉ ra những bó buộc, những quy định hà khắc cần phải xét lại trong những tôn giáo, khuôn mẫu xã hội… nhưng giải pháp của nó lại rất thiếu thận trọng, dễ dãi và độc hại. Tôi từng có một người bạn, xuất phát điểm là một người muốn tìm kiếm tư tưởng tự do, khai phóng để thoát khỏi những trói buộc của văn hóa Khổng giáo và làng xã Việt Nam. Người bạn tôi từng có xúc cảm nhất định khi tiếp cận với những giá trị cấp một, nhưng sau đó lần mò đến với cuốn Hành trình về phương Đông và Osho. Sau này thì mất phương hướng và không còn niềm tin vào những giá trị thiêng liêng cần bảo vệ trong đời sống của con người, của quốc gia, mà ngày càng lún sâu vào những thứ "tương đối", tâm linh…
Điều thú vị là những thứ này lại từng rất ăn khách trong xã hội phương Tây, nhất là Mỹ, dưới tên gọi Phong trào New Age, họ quảng bá những thứ về chủ nghĩa tương đối (relativism), chủ nghĩa hư vô (nihilism) và vô chính phủ (anarchism). Nói tới đây nhiều người có thể sẽ thắc mắc là có phải chúng tôi đang chống phương Tây ? Tại sao một trào lưu từng thịnh hành ở phương Tây, Mỹ, tức là những xã hội dân chủ, mà bây giờ chúng ta lại phải có thái độ cảnh giác khi giới trẻ ở Việt Nam muốn khám phá nó ?
Một trong những tác phẩm được sáng tác trong thời ký Phong trào New Age tại Mỹ
Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại.
Nước Mỹ vốn là xứ sở tự do, ở đó tự do tín ngưỡng tôn giáo là một trong những khởi đầu quan trọng nhất của thời lập quốc để rồi từ đó làm nền móng cho những quyền tự do về tư tưởng, ngôn luận và những thực hành khác. Nhưng mặt trái của nó là : Nhiều giáo phái với những tín điều và thực hành kỳ lạ đã xuất hiện và nở rộ như nấm, trong đó khởi điểm lại chính là những hệ phái xuất phát từ những câu chuyện của Ki-tô giáo. Những hệ phái này họ thường dùng cách thức là tiếp cận những người mà đã sẵn có niềm tin Ki-tô giáo hoặc được nuôi dạy trong môi trường Ki-tô giáo (vì những người này vốn đã có sẵn hiểu biết cơ bản về cốt truyện của kinh thánh), và cố gắng "cải đạo" những người này, bằng cách nói rằng "hàng của ông là hàng fake, tôi mới là hàng real", tất nhiên giai đoạn đó cũng có nhiều hệ phái tốt đã ra đời và tạo được những làn sóng "Đại Tỉnh Thức" (Great Awakenings) ở Mỹ, tức là những làn sóng mà người ta tin theo và gia nhập vào đạo, nhưng song song với nó luôn tồn tại những hệ phái và giáo phái huyền bí, vì con người luôn có nhu cầu khám phá cái mới, tò mò tìm hiểu những cái mà người xung quanh mình không biết, kinh thánh không nói tới.
Đến giữa thế kỷ 20, nhiều chuyển biến quan trọng về cấu trúc xã hội đã xuất hiện, những giá trị truyền thống Ki-tô giáo bị đặt lại một cách gắt gao và nghiêm trọng, điển hình của nó là cuộc cách mạng tình dục vào thập niên 1960. Khi đó sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, làm thay đổi bối cảnh và đe dọa một số tín điều truyền thống. Phụ nữ ở Mỹ vào thời điểm đó đã gia nhập thị trường lao động một cách rộng rãi, có được sự tự chủ tài chính lớn hơn và họ ngại sinh con hơn trước, đồng thời, viên thuốc ngừa thai, phá thai... đã ngày càng được sử dụng rộng rã. Trước đây, người ta dễ chấp nhận rằng "phá thai là sai ; bản chất của sex trước hết là để truyền sinh, để duy trì nòi giống", nhưng giờ đây, khoa học kỹ thuật cho phép con người can thiệp được vào quy trình tự nhiên đó, và vì thế nó bẻ cong quan niệm cũ. Giờ đây, người ta lại tách rời giữa tình dục và duy trì nòi giống, sex có thể chỉ đơn thuần là để giải trí, vui vẻ hoặc bày tỏ sự yêu thương gắn bó, việc dính bầu được nhìn nhận như một hệ quả không mong muốn và phải tránh. Và như thế, giáo huấn của Ki-tô giáo về tình dục bị người ta ruồng bỏ, và từ đó người ta dần bỏ luôn cả cái tôn giáo đó đi, thế rồi phong trào Hippies của thập niên 60 ra đời, nó đi đôi với cuộc cách mạng tình dục. Bản chất của phong trào Hippies là những thử nghiệm mang tính nổi loạn, thác loạn... của tuổi trẻ trên con đường tìm kiếm cái mới, khám phá lại bản thân và bản thể con người sau khi đã chối bỏ Ki-tô giáo.
Dần dần phong trào Hippes cũng lắng xuống, xã hội trở lại ổn định hơn. Osho và những tôn giáo kiểu New Age (đặc điểm của chúng là ít mang tính hệ thống và cấu trúc) xuất hiện vào những năm 80's để tiếp nối phong trào Hippies. Họ bẻ cong và chế nhạo nhiều tín điều của các tôn giáo truyền thống. Một thí dụ như thế này, Ki-tô giáo dạy rằng "Thiên Chúa là Tình Yêu". Câu "Thiên Chúa là Tình Yêu" phải được hiểu là : Thiên Chúa vẫn là Đấng có thật, nhưng Thiên Chúa được thể hiện một cách cao trọng và sâu xa nhất trong đời sống con người là thông qua tình yêu, tình thương, tình bác ái… nếu không có những tình cảm, tình yêu, tình bác ái ấy trong lòng thì mình dù có tự xưng là con chiên, cũng không thực sự có "Thánh linh" của Chúa dẫn dắt. Thế nhưng đến lượt Osho thì lại đảo ngược câu đó, ông ta dạy rằng "Tình yêu là Thiên Chúa". Ý của ông ta là : Không cần có một đấng tối cao "Thiên Chúa" nào có thật để mà thờ phụng đâu, hãy cứ yêu nhau (cái "tình yêu" ở đây là ở dạng cảm xúc dễ dãi) thì tức là mình được viên mãn nhất, có trải nghiệm tâm linh đầy đủ rồi, không cần phải mất công đi đặt ra những câu hỏi "Chúa có tồn tại không ?" làm gì. Thế cho nên không có gì bất ngờ khi những người đi theo Osho lại thường quan hệ bừa bãi như vậy.
Osho cũng có tầm ảnh hưởng đến những quan niệm của giới "yêu môi trường", "yêu trạng thái tự nhiên", "cuồng tín khí hậu",… Osho thường lên án Ki-tô giáo/Do Thái Giáo đã quảng bá một niềm tin rằng Thiên Chúa đã giao cho loài người quyền hạn và trọng trách để quản trị, tể trị trên thiên nhiên, trên muôn loài... (Sáng Thế Ký). Theo Osho và những người ủng hộ ông, quan niệm này khiến con người (ở đây là người phương Tây) tự cho phép mình khai thác môi trường đến cạn kiệt và hủy diệt môi trường sống của muôn loài để phục vụ nhu cầu ích kỷ, tham lam và ngu dốt của mình. Osho nói là thiên nhiên của Ấn Độ ngày xưa rất là nhiều sư tử, nhưng rồi thực dân Anh đến và những kẻ săn bắn có niềm tin thượng đẳng đến từ Thiên Chúa giáo đã tự cho phép mình bắn giết sư tử và các loài thú quý trong rừng. Cho nên để đối chọi lại, Osho và những người ủng hộ mới quảng bá mấy cái thuyết là con người tự cho mình là thượng đẳng nên chuyên đi tàn hại thiên nhiên và muôn loài, con người đáng bị trừng phạt và phải bị hạ thấp về vị trí tương xứng, để nhường chỗ cho thiên nhiên được "hồi sinh". Điều đó nghe rất lãng mạn, kích hoạt cái mặc cảm tội lỗi có sẵn trong mỗi con người và có vẻ cũng đánh vào những bất mãn có sẵn về tình trạng khai thác thiên nhiên quá mức nhưng phân phối của cải không đều, bất bình đẳng xã hội gia tăng… nên nhiều người trí thức và có học dễ bị thuyết phục và lôi kéo đi trong cái mớ tư tưởng tù mù, bi quan và chủ bại đó. Tôi từng có một người bạn, trong cơn xúc động đã thốt lên : "Con người nên chết hết đi để Trái đất được hồi sinh". Cậu em tôi hỏi lại : "Con người là cứu cánh hay Trái đất là cứu cánh ?". Thế là chúng tôi chia tay. Người bạn này sau rơi vào Huyền học. Một câu chuyện buồn. Không thể phủ nhận những cố gắng cảnh tỉnh con người về khí hậu, sự xuống cấp của môi sinh. Nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta không cảnh tỉnh người trẻ Việt Nam vì những điều như vậy hoàn toàn mâu thuẫn với định hướng của một trí thức. Đất nước chúng ta đang trong một giai đoạn hiểm nguy. Và hơn lúc nào hết chúng ta cần những trí thức dấn thân.
Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên góp một phần vào câu trả lời cho các bạn "Chúng ta có thể làm được gì ?"
Nếu có một trọng lượng lớn nhất để hy vọng về việc mở ra kỷ nguyên thứ 2 cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên thực sự của tự do dân chủ đa nguyên thì lợi thế to lớn nhất của Việt Nam chính là tuổi trẻ. Đất nước đang trong một khúc quanh rất quan trọng, và người trẻ thường dễ ý thức điều này vì họ đang là lực lượng hòa mình vào xã hội và chịu tác động bởi những kìm kẹp của nó nhất. Thay vì mỗi người đơn độc, luồn lách, tuyệt vọng tìm kiếm câu trả lời cho bản thân "tôi có thể làm gì ?" thì dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên góp một phần vào câu trả lời cho các bạn "Chúng ta có thể làm được gì ?".
Việt Dân & Tin Cậy Mến