Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

24/12/2022

Một cuốn sách rất nên và cần đọc

Nguyễn Văn Huy - Mai Linh

Thông Luận hân hạnh giới thiệu và gửi tới quý độc giả và thân hữu một cuốn sách mới : Câu chuyện Việt Nam : ước vọng của cha.

mailinh1

Cuốn sách này không chỉ mới vì vừa được phổ biến mà còn mới về cách nhìn lịch sử, thực trạng và tương lai đất nước ta. Nó là cuốn sách của một ngưới trẻ viết cho thế hệ của mình và để tặng thế hệ cha anh.

Tác giả Mai Linh là một chuyên gia địa lý chính trị có tầm vóc quốc tế và đang hợp tác với một định chế lớn hiện diện trên khắp thế giới. Công việc nghề nghiệp đã cho Mai Linh nhiều cơ hội để thường xuyên quan sát và nghiên cứu nhiều nước Châu Á và dĩ nhiên là Việt Nam. Trong những lần làm việc tại Việt Nam, từ 2015 đến 2021, Mai Linh đã ghi chép những gì đã thấy, đã nghĩ và đã hiểu, sau đó đã dành gần một năm để tổng hợp những gì đã ghi nhận. Câu chuyện Việt Nam, ước vọng của cha là một công trình nghiên cứu khách quan và nghiêm chỉnh, một thành quả của lý trí và tình cảm.

Tuy sinh ra và lớn lên tại nước ngoài nhưng Mai Linh rất nặng lòng với đất nước của cha mẹ và đã liên tục học hỏi về Việt Nam từ lúc còn là sinh viên. Tuy rất thành công ở nước ngoài, ở mức mà nhiều người Âu Mỹ tốt nghiệp các trường danh giá nhất cũng chỉ mong muốn đạt được ở cuối đời, Mai Linh luôn luôn tự coi mình là người Việt Nam và có bổn phận với đất nước Việt Nam.

Độc giả sẽ thấy trong cuốn sách ngắn này, ngoài những dữ kiện về thế giới, Châu Á và Việt Nam chính xác và được phân tích một cách thấu đáo, một truyện thuyết về Việt Nam giải thích tại sao Việt Nam lại là Việt Nam ngày nay và có thể có tương lai nào, bằng lộ trình nào.

Giữa lúc mà mọi người đều lo lắng vì tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại mất căn cước Việt Nam quá nhanh chóng, độc giả sẽ ngạc nhiên một cách thú vị và chắc chắn sẽ không tiếc thời gian bỏ ra để đọc cuốn sách nhỏ này.

Ước mong mong của tác giả là cuốn sách này đến được với thật nhiều người Việt Nam, nhất là những người sinh sau năm 1980 như tác giả.

Thông Luận cảm ơn tác giả Mai Linh và mong độc giả và thân hữu tiếp tay phổ biến cuốn sách nhỏ này, một cuốn sách mà mọi người quan tâm tới đất nước nên đọc và cần đọc.

Mai_Linh_-_Câu_chuyện_Việt_Nam_ước_vọng_của_Cha.pdf

Nguyễn Văn Huy

(14/12/2022)

-------------------------------

Câu chuyện Việt Nam, ước vọng của cha

Mai Linh

cauchuyen0

 

Lời tựa

 

Những tù nhân của chiến tranh và nghèo đói

Đôi khi tôi mường tượng ra cảnh cha tôi trên chiếc máy bay đưa ông rời Sài Gòn đi Paris năm 1982. Qua khung cửa sổ máy bay, chắc hẳn ông đã cay đắng ngậm ngùi nhìn thành phố cứ xa dần. Từ đó đến nay, cha tôi chưa bao giờ trở lại đất nước này. Vậy là đã gần 40 năm, gần nửa cuộc đời cha tôi phải sống lưu vong xa Việt Nam. Còn với tôi, 10 năm trước đây, tôi lại đi con đường ngược lại. Hôm nay tôi viết cuốn "Câu chuyện Việt Nam" này chính là dành cho cha tôi, để miêu tả cho ông đất nước này, một đất nước mà ông chưa bao giờ đặt chân trở lại từ khi ông buộc phải dứt áo ra đi vội vã, và cũng là để chuẩn bị cho cha tôi một thời khắc hồi tưởng về quê cha đất tổ.

Cha tôi đi khỏi một đất nước bị giày xéo bởi nghèo đói cùng cực và chiến tranh. Việt Nam lúc đó là một đất nước đói ăn. Nhưng đối với Việt Nam của năm 2020, nạn đói có vẻ như chỉ còn là một quá khứ xa xôi, mặc dù cho đến giữa thập niên 1980, nó vẫn còn là chuyện thường ngày của người dân Việt Nam. Từ năm 1942, năm cha tôi sinh ra, đến năm 1982, khi ông rời bỏ quê hương, chỉ trong vòng 40 năm đó, Việt Nam có đến khoảng 10 nạn đói làm chết hàng triệu người. Cho đến tận gần đây, nạn đói vẫn là một mối nguy thường trực với một đất nước bị giam hãm trong đói nghèo cùng cực. Năm 1980, tức là cách đây 40 năm, thời tiết xấu và mất mùa đã gây ra một nạn đói lớn làm chết hàng ngàn người. Năm 1986, cách đây 34 năm, đất nước này đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và lương thực, lạm phát ở mức bốn con số, và bốn lần thiếu lương thực trên cả nước. Nạn đói cuối cùng là vào năm 1988 ở miền Bắc, tức là chỉ cách đây 32 năm. Đó là một năm vì quá thiếu lương thực, Việt Nam đã phải kêu gọi thế giới cứu trợ. Đất nước mà cha tôi đã rời đi đã từng là một đất nước bị nghèo đói cùng cực tàn phá, một đất nước bị ám ảnh bởi nỗi sợ thiếu ăn. Điều mà cha tôi không được thấy là chiến thắng vẻ vang của đất nước nhỏ bé này đối với nạn đói. Sau 40 năm, nước Việt Nam nghèo đói đã thoát khỏi quá khứ đen tối của mình. Khi tôi còn nhỏ, vào năm 1992, trong chuyến trở về nhà lần đầu tiên, tôi đã tận mắt trông thấy những dấu vết cuối cùng của nước Việt Nam nghèo đói của cha tôi. Tại nhà bà ngoại tôi ở Thủ Đức, cách trung tâm Sài Gòn vài cây số, người ta còn đi bắt những con rắn dám bò vào trong nhà dân. Vậy mà những ngôi nhà này bây giờ đã có nhà vệ sinh và hệ thống dẫn nước hiện đại, và bắt đầu có nước máy trong một thành phố đang dần dần thoát khỏi đói nghèo. Những chuyến trở về quê với mẹ tôi giống như những chuyến đi cứu trợ nhân đạo đến các vùng đói nghèo nhất và bị tàn phá nhất của thế giới. Hành lý của chúng tôi gồm có thuốc men, nhu yếu phẩm và một ít tiền mặt để cho mọi người phòng khi mùa màng lại bị thất thu.

Chiến tranh cũng đã là một tai họa khác của Việt Nam trong thế kỷ 20. Năm 1945, khi cha tôi còn là đứa trẻ lên ba, ông đã chứng kiến người Nhật và người Pháp tranh giành một nước Việt Nam ốm yếu, và kết quả là một nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam khiến hai triệu người miền Bắc chết đói. Sau đó ông lại chứng kiến cuộc chiến tranh giành độc lập trong suốt quãng đời tuổi thơ, để rồi năm 1954, khi ông 12 tuổi đã bị buộc phải di cư vào Nam. Đó là thời gian ông nội tôi phải chạy trốn cả người Pháp lẫn cộng sản. Vào những năm 1970, ở độ tuổi 30, cha tôi đã phải chứng kiến ở vị trí tiền đồn kết cục bi thảm của cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai. Cũng như bao nhiêu kẻ thua trận khác, ông đã trải qua những chuyện rùng rợn trong các nhà tù cải tạo. Và rồi vài năm sau khi đã may mắn thoát chết, ông lại phải chứng kiến hai cuộc chiến tranh khác năm 1979, cuộc chiến chống Khmer Đỏ ở miền Nam và cuộc xâm lược chớp nhoáng của Trung Quốc ở miền Bắc. Cho đến khi ông buộc phải ra đi, chiến tranh luôn là cơm bữa đối với một Việt Nam bất hạnh. Tuy nhiên, sự ra đi đó, so với mẹ tôi thì cha tôi đã phần nào may mắn hơn. Mẹ tôi đã phải lênh đênh trên biển như hàng triệu thuyền nhân khác chạy trốn cộng sản trên những con thuyền ọp ẹp. Đó cũng là thảm kịch lớn cuối cùng cho một đất nước đã kiệt sức. Người ta ước tính có khoảng 200.000 thuyền nhân đã thiệt mạng trên biển (đây là một con số ước tính rất thấp, theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về tị nạn, số nạn nhân có thể vào khoảng 400.000 người). Thật là những cái chết bi thương. Thêm vào con số đó còn phải kể đến năm triệu người, dân sự cũng như quân sự, đã bỏ mạng trong các cuộc xung đột xuyên suốt chiều dài lịch sử cận đại, từ cuộc chiến Đông Dương đến cuộc chiến chống Khmer Đỏ năm 1980. Lưu vong từ năm 1982, cha tôi đã không được biết đến 40 năm hòa bình sau đó ở Việt Nam, bởi vì ít lâu sau khi ông ra đi, Việt Nam đã có may mắn bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn yên bình nhất trong lịch sử đất nước.

Hòa bình và sự theo đuổi hạnh phúc

Một ngày nào đó qua khung cửa sổ máy bay, cha tôi sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy những tòa nhà chọc trời đứng ngạo nghễ trong một Sài Gòn mới. Ai cũng tranh nhau ở thật cao để có thể nhìn thấy rõ nhất đường chân trời của thành phố. Vào thời bình, những gì đáng được coi trọng đã trở nên đơn giản hơn và thực tiễn hơn. Giống như những đất nước khác, người Việt Nam bây giờ dường như đã trở thành một "con người kinh tế" tìm kiếm trước nhất tiện nghi vật chất để bù đắp cho nhiều năm thiếu thốn và nghèo khổ. Nước Việt Nam hiện đại đề cao quyền được tiêu dùng, được hưởng thụ, được làm giàu, được sống thoải mái hơn thế hệ cha anh trước đây. Đó là một sự chuyển biến đáng mừng từ thời chiến, đến thời đói kém, sang kỷ nguyên yên bình nhất trong lịch sử cận đại của đất nước. Đối với Việt Nam hiện tại, những người thuộc thế hệ của tôi đang là cầu nối cuối cùng của hai giai đoạn đó. Chúng tôi vẫn biết đến những năm tháng nghèo đói, chiến tranh và thiếu thốn, nhưng chúng tôi lại có cơ hội được sống trong một giai đoạn duy nhất, giai đoạn vượt qua chậm trễ và nắm bắt phát triển kinh tế. Trong đà tăng trưởng dồn dập này, khi quay đầu nhìn lại, các đất nước phát triển sẽ dần thấy một đất nước Việt Nam đang ngày càng tiến gần hơn đến mình. Sự pha trộn của cái cũ với cái mới, của truyền thống với siêu hiện đại chính là nét đẹp, sức mạnh và tài nguyên của Việt Nam ngày nay. Cơn gió hiện đại thổi mạnh, nhưng không làm bay đi hết tất cả những dấu vết của thế giới cũ. Trên đường Lê Duẩn, con phố chính của Sài Gòn, nhiều tòa nhà mới tinh và các trụ sở hành chính được dựng lên chỉ trong vòng vài năm. Từ các tòa nhà này, dân văn phòng của thành phố ra vào tấp nập. Và khi màn đêm buông xuống, nơi đây lại là chốn tụ tập, cũng của nhóm người này, trên các sân thượng sang trọng, ồn ào và náo nhiệt nhìn xuống thành phố. Trên những đại lộ như thế này, ban ngày người ta chạy đua làm giàu, ban đêm cùng nhau vui chơi kiểu mới. Thế nhưng dưới chân các tòa nhà lớn này, ta vẫn thấy trên vỉa hè đầy rẫy các gánh hàng rong nhỏ, những chiếc xe đẩy và mấy chiếc ghế nhựa, thấy bánh mì phô mai bò cười, phở bình dân hay những đĩa trứng cút với giá chưa đến nửa đô la, hay 10.000 đồng Việt Nam.

Thực ra không thể nào đoán được cha tôi sẽ nghĩ gì khi ông về lại Việt Nam sau này. Những người mà tôi biết trong thế hệ cha tôi có những cảm xúc lẫn lộn khi nhìn thấy sự pha trộn kỳ lạ giữa hiện đại và truyền thống. Tôi thấy sự lạc quan của một số người, khi họ cảm thấy được tính năng động chung của một đất nước đang sống theo nhịp tăng trưởng cao tốc. Tôi cũng thấy một số người khác cay đắng không nhận ra tổ quốc cao quý của họ nữa. Tôi cũng thấy có những người coi đó là sự sụp đổ về mặt đạo đức của thời hậu cộng sản Việt Nam. Hiểu rõ cha tôi, tôi dám chắc rằng ông sẽ lạc quan, mặc dù cha tôi chỉ có biết đến chiến tranh và đói nghèo vào cái thời ông ở Việt Nam.

Giã từ những huyền thoại

Khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam có vẻ như đã giã từ lịch sử. Ở thời bình, đất nước chỉ mê mải phát triển kinh tế, ít quan tâm tới những đấu đá tranh giành ngôi bá chủ toàn cầu hay ngã rẽ của lịch sử. Có lẽ đó chính là truyền thuyết mà những người cộng sản mới muốn truyền bá từ khi họ quyết định chấm dứt kinh tế mác xít và mở cửa ra thế giới vào năm 1986. Họ sai. Đối với Việt Nam có thể nói như Churchill, "đó không phải là sự kết thúc, ngay cả bắt đầu kết thúc, mà chỉ là hồi cuối của giai đoạn đầu". Đương nhiên là lịch sử chưa kết thúc đối với Việt Nam. Sự chấm dứt của chiến tranh và đói nghèo cùng lắm chỉ mở ra một kỷ nguyên mới. Có thể cha tôi cũng đã hiểu điều đó khi ngồi trên máy bay rời Việt Nam đi Pháp vào năm 1982. Cha tôi đã hiểu rằng lịch sử Việt Nam dù thế nào chăng cũng vẫn tiếp tục, ngay cả khi chủ nghĩa Mác Lênin đã kết thúc một cách không chính thức. Xây dựng một đất nước Việt Nam mới trong một kỷ nguyên mới luôn luôn là lý tưởng của ông trong những ngày lưu vong tại Pháp.

Tôi viết những dòng này chính là để kể cho cha tôi và tất cả những người sống lưu vong thuộc thế hệ của ông về những đảo lộn lớn của Việt Nam mà họ chưa có may mắn được biết đến. Những năm tháng tôi sống ở Pháp cùng với cộng đồng người Việt ở đó đã cho phép tôi khẳng định một điều chắc chắn : xa Việt Nam, cộng đồng người Việt ngày càng ít hiểu biết về một đất nước mà họ vẫn xem là quê cha đất tổ. Một nhận định chính xác là điều cần thiết đầu tiên cho những ai, như cha tôi, vẫn còn cảm thấy gắn bó với tương lai đất nước. Việc các thế hệ trước không còn có thể kể được câu chuyện Việt Nam cũng là nguyên nhân chính khiến các thế hệ sau sinh ra ở nước ngoài không còn quan tâm đến đất nước của cha anh.

Đối với các bạn trẻ thuộc thế hệ của tôi, thế hệ đầu tiên sinh ra ở nước ngoài, tôi cũng muốn kể cho họ nghe câu chuyện Việt Nam hiện đại, một đất nước phức hợp chắc chắn sẽ kích động sự tò mò của họ trong chuyến đi "trở về" sắp tới.

Để có một đánh giá đúng, chúng ta cần chấm dứt những câu chuyện thêu dệt về Việt Nam ở nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Việt, một người tị nạn tại Pháp, đã viết một cuốn sách rất chi tiết với tựa đề Việt Nam, Lịch sử một quốc gia (Vietnam, histoire d'une nation, cuốn sách mà tôi đã đọc khi viết ký sự này). Trong đó bà đã kết luận một cách thiếu thận trọng rằng ở đầu những năm 2000, Việt Nam không có một tương lai nào và sẽ bị giam cầm trong chậm tiến và đói nghèo. Bà là đại diện của một quan điểm mà tôi đã thường được nghe trong cộng đồng người Việt hải ngoại, rằng số phận hẩm hiu của Việt Nam đã được định đoạt trước hoặc bởi vì nó là một đất nước dưới sự lãnh đạo của những kẻ bán nước (cho Trung Quốc hay cho giới tư bản ngoại quốc), hoặc bởi vì nó là một đất nước suy đồi về đạo đức, đang bị phân rã và trên đà sụp đổ. Nghèo khổ và không có tương lai – đó là một diễn văn thiển cận và tất nhiên là sai. Tương lai chắc chắn là bửu bối duy nhất của nước Việt Nam mới. Việt Nam sẽ còn gây nhiều ngạc nhiên cho chính những người Việt đang chạy đua theo nhịp sống điên cuồng của một thị trường mới phát triển, cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam chính là một miền đất hứa về kinh tế. Thập niên 2010 đương nhiên đã phản bác những luận điểm của Nguyễn Thị Việt và những tiên đoán tồi tệ. Việt Nam của năm 2020 vẫn còn đấy những sai lầm và thiếu sót, nhưng việc khẳng định vội vàng rằng Việt Nam không có tương lai là một phán xét thiển cận và không xác đáng. Do đó, tôi viết ký sự này, phần nào đó, cũng vì mong muốn đem lại cho các bạn sống xa tổ quốc một cái nhìn khách quan hơn về thực trạng của Việt Nam.

Tất nhiên không phải chỉ ở hải ngoại mới lưu truyền những câu chuyện huyền thoại. Ngay cả ở trong nước, huyền thoại về sự kết thúc của lịch sử cũng cần được đánh đổ. Một luận điệu thường được nghe ở Việt Nam hay ở Trung Quốc, là dường như chúng ta đã đi đến đoạn cuối của tiến hóa chính trị, rằng từ nay trong giai đoạn cuối cùng của lịch sử này chỉ nên tập trung vào kinh tế và thành công cá nhân, gạt đi các vấn đề chính trị. Đảng cộng sản dĩ nhiên rất thích câu chuyện kết thúc của lịch sử này. Nó biện minh cho sự duy trì độc tài của Đảng. Theo câu chuyện này thì chế độ độc tài "đổi mới" hiện nay có thể thay thế cho cái từng được gọi là "chân trời mới không thể vượt quá" đối với Việt Nam. Rập khuôn theo Trung Quốc, dạng độc tài mới này tự coi là chọn lựa tối ưu để đưa đất nước đến thịnh vượng. Tuy nhiên, lịch sử đã không ngừng chứng minh sự dối trá của câu chuyện huyễn hoặc này. Trong mọi trường hợp, các chế độ độc tài không bao giờ là vĩnh cửu dù chẳng ai có thể tiên đoán được chúng sẽ sụp đổ vào lúc nào. Kinh nghiệm đế chế Xô Viết, các chế độ độc tài gia đình trị ở Tunisia, Ả Rập, Lybia, chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện cho thấy là các chế độ bạo ngược thường sụp đổ một cách đột ngột, bất ngờ. Ngày nay ở đầu thế kỷ 21, trên thế giới có hàng trăm nền dân chủ. Cách đây một thế kỷ, con số đó chỉ chưa đến 10. Câu chuyện huyền thoại về một nền độc tài vĩnh cửu ở Việt Nam hay ở đâu đó đã bị lịch sử bác bỏ. Thật may bởi vì nó sẽ không bao giờ cho phép Việt Nam ngừng tiến tới thịnh vượng. Nó chính là cái huyền thoại cuối cùng phải bác bỏ. Phải khẳng định : không có chế độ độc tài nào mang đến giàu có và thịnh vượng (trừ một số quốc gia độc tài giàu dầu mỏ). Năm 2020, đất nước Trung Quốc mà nhiều người thường lấy làm ví dụ phản bác vẫn chỉ là một nước nghèo, rất nghèo. Cuộc sống ở đó không thể so sánh được với các nước Phương Tây hay Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2020, Trung Quốc đứng hàng thứ 65 về GDP đầu người, sau các nước như Mexico, Ba Lan, Hy Lạp. Lịch sử hiện đại cho chúng ta thấy rõ là có thể có những nước dân chủ nghèo nhưng không có nước độc tài giàu, ngoại trừ một vài nước hiếm hoi xuất khẩu dầu lửa. Tiếc thay, thế hệ trẻ ở Việt Nam rất ít suy tư để phản bác luận điệu của chế độ độc tài cộng sản. Và cũng chính vì thế hệ trẻ mà tôi viết những dòng này, để sau này họ có thể so sánh đất nước mình hiện nay với các nước khác trong các thời kỳ khác, đồng thời cũng để cung cấp cho họ những cách nhìn khác để ngẫm về một Việt Nam của ngày mai. Dù các lời tiên tri điềm gở có nói gì chăng nữa, đất nước Việt Nam vẫn là một đất nước đầy hứa hẹn.

 

- 0 -

Chương 1

Lịch sử một địa lý : tuổi Sửu và tuổi Hợi

(tháng 12/2019)

 

mailinh3

 

Văn hóa và văn minh Việt Nam. Tuổi sửu. Tuổi hợi. Hoàng hôn của tuổi sửu, hoàng kim của tuổi hợi.

 

Văn hóa và văn minh Việt Nam

Một nền văn minh là gì ? Samuel Huntington trong cuốn Sự va chạm của các nền văn minh (Clash of Civilisations), Niall Ferguson trong cuốn Văn minh (Civilisation) hay Fernand Braudel trong cuốn Cú pháp của các nền văn minh (Grammaire des Civilisations), đều đồng ý với nhau về tính mờ ảo của khái niệm văn minh mà người ta có thể đoán, có thể hiểu nhưng rất khó định nghĩa. Đối với ba nhà sử học này thì khái niệm "văn minh" bao hàm tín ngưỡng và các giá trị đạo đức, và chúng đôi khi được cụ thể hóa trong các tổ chức chính trị, cấu trúc nhà nước hay các tổ chức xã hội. Có thể suy ra rằng một ít tín ngưỡng, đạo đức, xã hội, triết học, chính trị tạo nền tảng cho các nền văn minh. Một khi khái niệm văn minh được xác định (mặc dù có thể chưa được rõ ràng), ba nhà sử học đồng lòng chia thế giới thành các cụm văn minh. Braudel và Huntington phân chia thế giới thành các cụm văn minh có khuynh hướng đối chọi với nhau : Phương Tây, Hồi giáo, Ấn Độ, đạo Phật, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Châu Phi và Mỹ La Tinh. Ferguson vừa thông minh vừa thận trọng, cho rằng không thể phân chia thế giới một cách quá mơ hồ như vậy.

Vậy Việt Nam nằm trong cụm văn minh nào theo sự phân chia ở trên ? Để đơn giản hoá, chắc chắn Việt Nam nằm trong tầm ảnh hưởng văn minh Trung Quốc. Huntington nói rằng Cao Ly, Đài Loan, Việt Nam nằm trong tầm ảnh hưởng nền của văn minh Trung Quốc. Trên giấy, lập luận đó có vẻ chấp nhận được, đất nước nhỏ bé của chúng ta vay mượn rất nhiều từ đàn anh Trung Quốc. Cụ thể là nhiều khía cạnh giá trị đạo đức của người Việt Nam và Trung Quốc rất giống nhau. Đây là chuyện bình thường. Theo nghĩa gốc của từ văn minh, người Trung Quốc đã khai hóa người Việt Nam từ cách đây hơn 2.500 năm, áp đặt cho các bộ tộc đầu tiên ở Việt Nam các giá trị đạo đức, tín ngưỡng, cấu trúc chính trị của họ. Nhưng gán Việt Nam vào cụm văn minh Trung Quốc cũng hơi khiên cưỡng so với thực tế lịch sử, vì đất nước nhỏ bé của chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử được xây dựng nên qua các cuộc đấu tranh chống xâm lược và đặc biệt là xâm lược từ phương Bắc, đế chế Trung Hoa. Như thể là Việt Nam luôn luôn từ chối lệ thuộc phương Bắc và từ chối quan điểm của các học giả gán Việt Nam vào cụm văn minh Trung Hoa.

Ngoài ra, Huntington cũng gán cả Cao Ly vào nền văn minh Trung Hoa trong cuốn sách của ông. Nhận thức được rằng sự gán ghép này có phần nào khiên cưỡng, ông cũng tuyên bố rằng Cao Ly một ngày nào đó sẽ tự giải phóng khỏi các nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản, để có thể tạo ra một nền văn minh riêng, độc lập, có sức cạnh tranh được và cũng tỏa sáng tương tự. Đọc cuốn Sự va chạm giữa các nền văn minh (trong đó nước ta không được chú ý lắm), ta hiểu rằng thực ra Việt Nam nằm ở ngã tư nguy hiểm của nhiều nền văn minh. Đó là điều mà Huntington muốn nói về vị trí lãnh thổ của Việt Nam. Phải hiểu là sự giao thoa địa lý, văn hóa của nhiều nền văn minh đã luôn làm cho Việt Nam trở thành bãi chiến trường. Phía Đông thì có ảnh hưởng đạo Phật, phía Bắc thì Trung Quốc, rồi sau đó là ảnh hưởng của phương Tây với 100 năm Pháp thuộc. Rồi ngày nay thêm ảnh hưởng của hai nước đầu tư lớn nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng với cố gắng nối lại quan hệ với Mỹ và Châu Âu để cân bằng lại với người anh Trung Quốc bành trướng. Huntington cho chúng ta thấy rằng xung đột và chiến tranh là một thứ số phận của những vùng lãnh thổ giao nhau của các nền văn minh, bởi vì mọi nền văn minh đều muốn tự áp đặt bằng những cuộc chiến tranh diễn ra tại các vùng giao thoa. Ông đã nói đúng. Chiến tranh đã là một hằng số trong lịch sử của chúng ta qua các cuộc đụng độ giữa các vương quốc chịu ảnh hưởng Trung Quốc và các vương quốc thuộc ảnh hưởng Ấn giáo và Phật giáo ở phía Nam. Rồi sau đó là các cuộc chiến của các nền văn minh phương Tây, Trung Quốc, Nga, Nhật. Tất cả đã diễn ra tại Việt Nam. Rõ ràng là trong tất cả các sách sử mà tôi đã đọc được, Việt Nam chưa bao giờ được coi là xứng đáng đại diện cho một nền văn minh riêng. Cùng lắm Việt Nam vay mượn văn hóa và phong tục của đạo Phật và của đạo Khổng, tổ chức hành chính và giá trị đạo đức của Trung Quốc, chữ viết của Pháp và, ở vùng núi, những nghi thức và phong tục bắt chước văn minh Ấn Độ. Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam không được coi là xứng đáng đại diện một nền văn minh, mà luôn chịu lép vế nằm dưới ảnh hưởng của một nền văn minh lớn hơn, khác với Nhật Bản, Triều Tiên, những nước cũng bị ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo.

Ferguson cho rằng một nền văn minh được thể hiện bằng sự hùng vĩ của các thành phố và các công trình lớn, chúng có tác dụng như đèn pha, như những biểu tượng sức mạnh đập vào mắt con người. Nhưng Việt Nam có công trình nào đáng kể ? Chẳng có gì có thể nâng Việt Nam lên tầm văn minh. Có thể đây là một nét đặc thù của Việt Nam bé nhỏ, chưa bao giờ có tham vọng vươn lên. Có một số người nói rằng đó là một dân tộc ít cảm thấy tự hào. Tôi cho rằng đó là một dân tộc giản dị, hiền lành, không thích mạnh bạo. Việc Việt Nam chưa là một văn minh âu cũng có thể vì các nền văn minh thường được sinh ra bởi tham vọng thống trị, mở rộng và chinh phục. Về điểm này, Việt Nam chẳng bao giờ dám hy sinh hàng triệu nông dân để xây những ngôi chùa khổng lồ hay Vạn Lý Trường Thành, lăng tẩm, pháo đài, cũng chẳng có những cuộc chinh phạt lớn vì việc mở rộng bờ cõi xuống phía Nam chinh phục Champa và vương quốc Angkor trước đây đều không phải là những trận chiến đẫm máu, mà chẳng qua chỉ là sự sa sút ảnh hưởng của hai xứ đó. Do đó Việt Nam cứ gặm nhấm dần dần đất và đồng hóa người dân của hai xứ này. Vậy là không có đại chiến hay tận diệt khi đi xuống phía Nam, chỉ có các cuộc chiến phòng thủ, hoặc các cuộc chiến tranh của những nền văn minh nước ngoài mang đến lãnh thổ của chúng ta.

Vậy thì Việt Nam là gì nếu không phải là một nền văn minh ? Phải chăng Việt Nam chỉ là một nền văn hóa được tạo nên bởi nhiều sự vay mượn của các nền văn minh khác nhau, do đó có tính phối hợp và bao dung. Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi thành công trong việc dung hòa các yếu tố của nhiều nền văn minh láng giềng lớn. Như vậy là một nền văn hóa riêng biệt tạo nên bởi sự tiếp thu nhưng chưa bao giờ có tham vọng trở thành một nền văn minh, bởi vì trong suốt dòng lịch sử của mình, Việt Nam không bao giờ định xuất khẩu hay áp đặt văn hóa của mình sang các nước khác hay dân tộc khác. Hiện nay tại các vùng núi, công việc Việt Nam hóa các bộ tộc cũng được tiến hành một cách chậm chạp, không có bạo lực ngay cả trong các vùng còn nói một thổ âm riêng và chưa hiểu tiếng Việt. Để miêu tả văn hóa Việt Nam thì cần phải rất dài dòng (Hữu Ngọc đã viết một cuốn sách dài 1000 trang về văn hóa Việt Nam). Nhưng riêng tôi thì tôi thấy cần phải nhắc lại, nó là một văn hóa vay mượn, không kỳ thị, ôn hòa, không có ý định áp đặt cho người khác bằng sức mạnh. Ngoài ra, nếu muốn nói nhanh về văn hóa đặc thù của Việt Nam chắc cần nói đến hai con vật biểu tượng của chúng ta.

Tuổi sửu

Một câu châm ngôn rất phổ biến ở Việt Nam nói rằng chúng ta ăn tất cả con gì biết đi, biết bay trên trái đất này. Như vậy là cả chó, mèo bất chấp sự kêu la của Phương Tây cho rằng đây là một phong tục kinh tởm. Tuy nhiên theo tôi biết thì có một con vật thoát khỏi sự thèm thuồng của người Việt, đó là con trâu. Lệnh cấm ăn thịt trâu có từ thời vua Lý Nhân Tông vào năm 1123, gần như là những năm tháng đầu tiên của lịch sử nước ta, khoảng 100 năm sau khi độc lập. Con trâu, con vật không thể thiếu được trong việc trồng lúa cần được vinh danh và cảm ơn, và do đó ra đời đạo luật năm 1123 cấm ăn thịt trâu trên cả nước. Tuy nhiên cái đói nhiều khi thắng cả lệnh cấm. Một trong những người anh em nuôi của tôi ở Hà Tĩnh đã thú nhận với tôi là lúc bé đã từng ăn thịt trâu. Nhưng khi kể chuyện này, anh ta có cảm giác xấu hổ, ngượng ngùng và hối hận đã ăn thịt con vật đồng cam cộng khổ với mình trên ruộng đồng. Con trâu Châu Á là con vật được thuần dưỡng trên khắp nơi ở Đông Nam Á và Trung Quốc, nhưng chỉ có ở Việt Nam con trâu mới được coi như một thành viên chính thức của gia đình. Và đây cũng là một nét đặc thù của người Việt Nam, một dân tộc của ruộng đất và nông nghiệp. Một đất nước có hơn 3.000 km bờ biển với diện tích tương đối nhỏ nhìn ra biển cả bao la, nhưng Việt Nam lại nhanh chóng chọn gắn liền đời mình với đất, một dân tộc nông dân, không có truyền thống với biển cả, một đất nước cho đến nay vẫn sợ nước và biển rộng nguy hiểm, vẫn chỉ thiết tha với ruộng đồng, yêu đất và yêu trâu. Con trâu trở thành thiêng liêng, nó làm việc và cùng chịu nhọc nhằn với nông dân để trồng lúa, một công việc đầy gian khó, nặng nhọc.

Thầy giáo dạy tiếng Việt của tôi một hôm đã rất phẫn nộ khi thấy chẳng có một học sinh Việt Nam nào sinh ra ở Pháp biết về cách trồng lúa ở Việt Nam. Đối với thầy thì đây là một chuyện không bình thường bởi vì thế hệ mới này đã không còn kiến thức căn bản của một người Việt Nam. Người Việt Nam nào cũng đều biết trực tiếp một ai đó trong gia đình đã từng làm nghề trồng lúa. Cho đến tận 2020, 25% lãnh thổ của Việt Nam vẫn dùng để trồng lúa (tỉ lệ cao nhất thế giới) và khoảng 20 triệu người vẫn còn đang tiếp tục làm nghề trồng lúa khi đất nước đã và đang đi vào giai đoạn hậu nông nghiệp trong lịch sử của mình. Trong lịch sử của nhân loại, không có một dân tộc nào lại gắn bó mật thiết như thế với cây lúa. Ngoài Việt Nam ra thì cũng có nhiều nước khác trồng lúa, nhưng ở đó việc trồng lúa là việc của một vùng, một tầng lớp hay một tầng lớp xã hội. Còn ở Việt Nam thì mỗi nhà đều đã sống bằng nghề trồng lúa. Đằng sau sự thất vọng của người thầy giáo tiếng Việt, có thể là nỗi lo sợ rằng thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra ở Pháp và các bạn trẻ đang sống xa ruộng đồng đang mai một dần những giá trị của Việt Nam. Việc trồng lúa đã sản sinh ra phần lớn những giá trị cơ bản và riêng biệt của văn hóa chúng ta. Tôi đã học những kiến thức sơ đẳng của việc trồng lúa (lý thuyết thôi chứ thực tế thì không biết gì). Trồng lúa là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều, khác với tất cả các hình thức canh tác khác. Tôi cũng được biết là đối với lúa, việc tát nước là chìa khóa của thành công. Khác với các loại cây trồng khác, việc tưới nước cho cây lúa đòi hỏi một sự hợp tác giữa cá nhân người trồng và tập thể. Cái này khác với việc trồng các loại cây khác – ví dụ như cây lúa mì, loại cây chủ yếu chỉ dựa vào mưa hoặc tưới tự nhiên. Các nhà nhân chủng học đã chỉ ra rằng nghề trồng lúa này, mặc dầu đã được tổ tiên áp dụng từ ngàn xưa vẫn có thể có ảnh hưởng đến tư duy và các hệ thống giá trị của các thế hệ sau, các thế hệ từ nhiều đời đã không còn sống du mục. Giáo sư Luhrmann, một nhà xã hội học đại học Stanford đã so sánh các hậu duệ nông dân trồng lúa mì ở một bên sông Dương Tử với các hậu duệ của nông dân trồng lúa nước bên kia sông. Giáo sư đã đặt hai nhóm sinh viên này vào các điều kiện làm việc hợp tác theo nhóm. Kết quả rất đáng ngạc nhiên. Nhóm hậu duệ trồng lúa mì rất cá nhân và ít hợp tác hơn nhóm hậu duệ trồng lúa nước. Giáo sư kết luận là những hậu duệ trồng lúa nước được thừa hưởng những giá trị của sự hợp tác, xuất phát cụ thể từ hệ thống tưới nước phức tạp buộc phải có sự hợp tác. Logic hợp tác, ý thức tập thể dường như có vẻ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến cả hàng con cháu, ngay cả khi chúng sinh ra và lớn lên trong các đô thị với những mặt đường lát nhựa.

Thêm nữa, nhà văn Malcolm Gladwell, trong cuốn Những kẻ xuất chúng (Outliers) còn cho rằng trồng lúa nước là công việc đòi hỏi khắt khe nhất. Không giống như các công việc trồng cây khác, trồng lúa đòi hỏi lao động nặng nhọc và tỉ mỉ (lúc gieo cấy), và năng suất liên quan rất nhiều đến những nỗ lực ban đầu. Malcolm Gladwell cho chúng ta biết trồng lúa nước là nghề nông đòi hỏi khắt khe nhất đối với con người. Nó cũng là một dạng nông nghiệp đòi hỏi nhiều nhất trên phương diện nhận thức, có tương quan trực tiếp giữa nỗ lực và kết quả. Bạn thu về đúng những gì mà bạn đã bỏ ra trên ruộng đồng. Di sản thứ hai của nghề trồng lúa nước tác động đến các giá trị của văn hóa Việt Nam là ý nghĩa của sự cố gắng, nó ăn sâu vào tiềm thức và tư duy có làm thì mới có ăn, bởi vì trồng lúa dạy cho chúng ta biết rằng phần thưởng liên quan mật thiết với nỗ lực, hơn là tài năng. Cũng như con trâu, Việt Nam đã được tôi luyện qua công việc nặng nhọc trên đồng ruộng, một công việc đã tạo cho Việt Nam trong sâu thẳm của tiềm thức những giá trị của sự hợp tác và nỗ lực. Và đây cũng có thể là một đặc điểm hiếm có trên thế giới.

Tuổi hợi

Một con vật nhỏ bé nằm ở cuối bảng các con giáp, một con vật yếu đuối nhất, kém hào nhoáng nhất, nhưng lại là một con vật mang lại nhiều điều may mắn. Nhiều cha mẹ trẻ mong muốn có con tuổi hợi. Ở con lợn, bằng cách này hay cách khác, đã tổng kết nhiều nét văn hóa của Việt Nam. Ở Hy Lạp cổ đại, con vật này là kết tinh của sự đụng độ giữa hai trường phái triết học vĩ đại : Platon và Epicurus. Những người theo Platon mơ đến một thế giới khác, thế giới của tư tưởng cao siêu đối chọi lại thế giới trần tục. Và họ nghĩ rằng con người phải thoát khỏi thế giới trần tục để đạt đến thế giới của tư tưởng và tâm hồn cao quý. Ngược lại, những người theo Epicurus thì cho rằng ngoài cái thế giới thực này được tạo ra bởi nguyên tử, vật chất thì chẳng có gì đáng chiêm ngưỡng và ước mơ ; phải sống thực chính là ở đây thay vì mơ tưởng trên trời. Nhóm Platon coi nhóm Epicurus là đồ con lợn, bởi vì con lợn do cấu tạo hình thể, không biết ngẩng đầu lên trời, ngược lại nó bắt buộc nhìn xuống đất. Con lợn về cơ bản nó rất thực tiễn, nó không đi tìm những điều vô thực và cũng chẳng tìm những viển vông. Hạnh phúc của nó là ở đây và ở thực tại. Nhóm Epicurus, thay vì cảm thấy bị xúc phạm khi bị so sánh với lợn, lại vui vẻ ôm lấy nó. Họ sung sướng tự đặt mình vào tuổi hợi và còn nghĩ rằng như thế tốt cho cả hậu thế. Tuy rất xa với nước Hy Lạp cổ, nhưng người Việt Nam cũng thích con lợn. Giống như con lợn, người nông dân Việt Nam thích cái thế giới này, ở dưới mặt đất và rất ít mơ về những điều cao siêu viển vông. Chẳng có một tôn giáo lớn nào thực sự thu hút được quần chúng. Đạo Hồi, đạo Công giáo, đạo Phật đều không thực sự dẫn dắt được nhân dân Việt Nam, một dân tộc giỏi giang bằng cảm nhận thực tế, cụ thể chứ không phải bằng tâm linh. Con lợn thực ra là một con vật rất hiền chỉ quan tâm đời sống của mình, không để ý đến những cái không liên quan đến nó. Có lẽ người Việt Nam thích con lợn vì con lợn là biểu tượng cho những đặc điểm và giá trị của người Việt Nam, một dân tộc yêu cuộc sống và thực tại trên mặt đất, chẳng quan tâm đến những điều cao siêu quá là lý thuyết. Không mơ mộng, chẳng có chuyện viển vông, mà ngược lại chỉ có cảm nhận thực tế và cuộc sống thực tại ở đây, ngay bây giờ. Đó là những mặt tốt của con lợn, một con vật nhân từ tốt bụng, kiểu như một con vật tổ của Việt Nam.

Tiếc thay nó cũng có tật xấu. "Triết lý con lợn" là gì ? Trong một tác phẩm nổi tiếng của mình, Lưu Hiểu Ba đã nói đến khái niệm này như một đặc điểm của Trung Quốc hiện đại, ở đó người ta chấp nhận một thế giới theo chủ nghĩa hư vô, ham vật chất, vị kỷ và hoàn toàn không quan tâm đến chính trị. Bởi vì theo Lưu Hiểu Ba, con lợn thể hiện chính xác cái đáng sợ của đám quần chúng đã mất hết những mơ ước chính trị, hài lòng với một tý của cải và tiện nghi vật chất nhưng chấp nhận mất tự do. Con lợn là cái gì đối với Lưu Hiểu Ba ? Một con vật hoàn toàn không có niềm tự hào, chẳng có đủ kiêu hãnh để chiến đấu chống lại những kẻ cướp mất nhân phẩm của mình. Điều này cũng có ở Việt Nam ngày nay. Ở đây người ta chìm đắm vào một dạng chủ nghĩa hư vô hậu hiện đại, ở đây người ta lo đến cái tiện nghi vật chất, chẳng quan tâm gì đến vận mệnh đất nước. Ngẫm lại người Việt Nam có thể vẫn sống với cái triết lý con lợn ngay từ thuở sơ khai của mình, cái chuyện chính trị chẳng bao giờ là một mối bận tâm của người Việt Nam. Trong suốt dòng lịch sử, họ đã luôn chấp nhận chủ của mình, bất kể chủ đó ra sao. Chẳng có gì quan trọng, cũng giống như con vật tổ của mình, người Việt Nam chấp nhận phục tùng chủ dù luôn luôn ngờ ngợ, ít lắng nghe hơn so với các dân tộc khác khi chủ nhân rao giảng những truyền thuyết.

- 0 -

Chương 2

Địa lý của một lịch sử : câu chuyện con sư tử hai đầu

(tháng 07/2020)

mailinh4

 

Con sư tử hai đầu. Hà Nội truyền thống và Sài Gòn ngã tư quốc tế. Đằng sau hai cái đầu, nông thôn đối lập với thành thị là phân chia hiện đại thực sự.

 

Con sư tử hai đầu

Phần lớn các quốc gia trên thế giới được xây dựng xung quanh một thành phố trung tâm. Xuất phát từ đó, trong tiếng Pháp và Anh có từ "capital" (thủ đô) để chỉ thành phố đầu não lãnh đạo đất nước, Paris và Luân Đôn. Các đế quốc lớn như Nga và Trung Quốc cũng có thủ đô của họ để chư hầu hóa phần còn lại của đất nước và tập trung ở đó toàn bộ quyền lực chính trị. Ở các nước khác thì nhiều thành phố ngang quyền nhau hợp lại tạo thành một liên minh các thành phố để tạo ra một nhà nước liên bang. Chẳng hạn Thụy Sĩ, Đức, Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong những nước hiếm trên thế giới được tạo nên bởi hai đô thị khổng lồ, cùng cố gắng chung sống trên một lãnh thổ nhỏ bé, một sự cân bằng kỳ lạ ở đất nước của Sửu và Hợi, con trâu và con lợn. Từ khi Hà Nội được mở rộng (có thể là để ngang tầm Sài Gòn vì Sài Gòn lúc đấy vượt xa Hà Nội), hai thành phố này đua nhau tỏa sáng. Hà Nội với 8 triệu dân, tổng sản lượng (GDP) 730 ngàn tỷ (tương đương 32 tỷ đô la), tức là 120 triệu đồng/người (khoảng 5.100 đô la /người, gấp 2 lần so với trung bình của cả nước). Sài Gòn với 8,9 triệu dân, tổng GDP 1.400 ngàn tỷ (tương đương 61 tỷ đô la), tức là 160 triệu đồng/người (khoảng 6.900 đô la/người, gấp 2,5 lần bình quân cả nước).

Một cuộc đọ sức vẫn đang tiếp diễn ở Việt Nam giữa hào quang văn hóa và quyền lực chính trị đối chọi với phồn vinh kinh tế. Ít có nước nào như nước ta được xây dựng nên bởi hai cái đầu sư tử. Bởi vì lịch sử cho thấy hai thành phố kình địch trên một lãnh thổ (lại là một lãnh thổ bé) thì thường dẫn đến chiến tranh cho đến khi một thành phố phải khuất phục hoặc là sẽ dẫn đến sự chia rẽ vĩnh viễn. Thí dụ Athens – Sparta, Roma – Alba Longa, Rome – Carthage, Roma – Byzantium. Tất nhiên sự đụng độ cũng có xảy ra ở nước ta. Sự phát triển của thành phố lớn ở phía Nam kình địch với thủ đô lịch sử phía Bắc là kết quả của việc Hà Nội bất lực trong việc kiểm soát đất nước trong cuộc Nam tiến. Việc mất kiểm soát đã dẫn đến những cuộc nội chiến kéo dài. Từ đầu thế kỷ 18, khi lãnh thổ đã trải dài đến điểm cực Nam, Việt Nam đã sa lầy trong cuộc nội chiến giữa miền Bắc của chúa Trịnh (phần còn lại của triều Lê) và chúa Nguyễn ở miền Nam hơn 150 năm. Trong thời gian đó đã nổi lên một thành phố thương mại Sài Gòn (bị lấy hẳn ra ngoài vương quốc Khmer) để cạnh tranh với Hà Nội lịch sử. Nội chiến Trịnh - Nguyễn kéo dài từ 1627 cho đến lúc thống nhất dưới triều Nguyễn, triều đại hiểu được sự cần thiết giữ gìn hòa bình bằng cách chọn thủ đô ở miền Trung, cách đều hai phía để giám sát và thuần phục hai cái đầu sư tử. Hòa bình cũng vẫn mong manh khi hai siêu đô thị phải chung sống trên một lãnh thổ.

Sau khi được độc lập, Hà Nội và Sài Gòn, miền Bắc và miền Nam lại chơi bài phân chia và nội chiến. Ba mươi năm nội chiến giữa hai đầu sư tử chỉ kết thúc khi một bên toàn thắng. Từ đó hòa bình lại trở lại trên mảnh đất nhỏ bé nhưng bằng cái giá là việc áp đặt tuyệt đối của miền Bắc đối với miền Nam và Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn mất tên, bị thuần phục và đổi tên một cách ngang ngược thành Thành phố Hồ Chí Minh để nhắc nhở cho tất cả là cuộc chiến giữa hai cái đầu sư tử đã chấm dứt hẳn. Một cái may trong cái rủi là chưa bao giờ trong lịch sử ngắn ngủi của chúng ta, hai cái đầu được sống trong một hoàn cảnh có vẻ hòa bình như vậy. Cha tôi thích nhắc lại là lịch sử của Việt Nam là lịch sử của chiến tranh chống xâm lược hoặc đôi khi vừa nội chiến vừa chống xâm lược. Điềm gở gắn với địa lý của chúng ta là ngoại trừ năm 1975, sau một cuộc nội chiến đẫm máu, miền Bắc lịch sử chẳng bao giờ thành công trong việc khẳng định được quyền lực của mình trên toàn bộ lãnh thổ rất dài của Việt Nam. Đừng quên rằng giữa miền Bắc và miền Nam, giữa Hà Nội và Sài Gòn, chúng ta đã có 200 năm nội chiến trong vòng khoảng 400 năm lịch sử

Hà Nội truyền thống và Sài Gòn ngã tư quốc tế

Hai cái đầu sư tử có thể đã là điềm gở trong quá khứ, nhưng nó lại có thể là tài nguyên vô giá trong việc xây dựng Việt Nam trong tương lai. Ở chương cuối trong tác phẩm rất hay của mình với tựa đề The Empire of Political Correctness (Đế quốc chính trị phải dạo), Mathieu Bock-Côté nhắc nhở chúng ta là các quốc gia muốn tồn tại lâu dài phải vừa mở ra với thế giới, vừa bảo vệ truyền thống của mình. Các quốc gia sẽ bừng sáng khi chúng dung hợp được hai yếu tố này, không để cho yếu tố này lấn át yếu tố kia, không quá truyền thống, cũng không quá hướng ngoại để cho mọi văn hóa có thể phát triển. Theo Mathieu Bock-Côté : "Những thành quốc quá bảo thủ sẽ biến thành viện bảo tàng, ngược lại quá hướng ngoại sẽ bị hòa tan ; cần có sự chung sống của cả hai khuynh hướng để duy trì lâu dài văn hóa và sự tồn tại của các thành quốc". Một câu nói thật giá trị. Trong trường hợp của Việt Nam, Hà Nội đương nhiên là đại diện cho truyền thống. Cổ thành Thăng Long ngày nay vẫn còn lưu lại những vết tích và đã là thành phố thực sự đầu tiên, đặt nền tảng cho Việt Nam. Tại đây tinh thần Việt Nam đã được sinh ra và rèn đúc. Cũng tại đây đã sản sinh ra tâm hồn Việt Nam vào năm 1010, biểu hiện bằng sự đối đầu với người anh phương Bắc và các vương quốc phương Nam như Champa, Khmer. Văn Miếu tượng trưng cho tinh thần ngàn năm của thành phố, được xây dựng từ thế kỷ thứ 11 để làm trường đại học đầu tiên của Việt Nam khi vừa mới độc lập. Ngày nay Văn Miếu vẫn còn là nơi mà tất cả các sinh viên của thành phố viếng thăm khi mùa thi đến. Bên cạnh Văn Miếu vẫn có một khuôn viên của trường đại học danh tiếng, Đại học Quốc gia Việt Nam, như để tôn vinh truyền thống hiếu học của đất nước, một truyền thống có từ thế kỷ thứ 11 với một trường đại học đầu tiên. Người Việt Nam phản đối khi chính phủ định chặt bỏ một số cây trăm tuổi ở trung tâm thành phố, quận Hoàn Kiếm, vì đối với họ một phần linh hồn Việt Nam được giữ lại ở đây. Các thành lũy vẫn còn đó, nhắc nhở chúng ta rằng chính thành phố này đã lớn lên qua các chiến thắng chống lại những thế lực muốn khuất phục Hà Nội và qua đó làm sụp đổ đất nước Việt Nam.

Sài Gòn đương nhiên mở ra với thế giới, ngược lại với thành phố đối thủ phía Bắc. Sài Gòn là một thành phố mới, gần như không có liên quan gì đến thời gian, đến nay cũng chẳng có lịch sử, là đất nhập cư, được xây dựng và mở rộng bởi ảnh hưởng từ nước ngoài. Tại đây người Pháp, Mỹ đã cùng chung sống với người bản địa Việt Nam. Và ngay cả chính những người Việt Nam này cũng là những người tị nạn chiến tranh Trịnh-Nguyễn, họ sống hòa thuận với những người nông dân Khmer gốc Sài Gòn cũ (làng nhỏ Prey No Kor trước khi những người tị nạn Việt Nam đến đây vào đầu thế kỷ 17). Thành phố được tạo dựng nên bởi những người tiên phong đến từ nơi khác, họ cũng ít nhiều tự nhận là dân tứ xứ. Người nước ngoài thích sống ở Sài Gòn (được mạng liên quốc gia bầu là một trong ba thành phố trên thế giới đáng sống nhất cho người nước ngoài năm 2020) bởi vì ở đây người ta công nhận sự đóng góp của những người đến từ nơi khác. Sài Gòn một thành phố của thế giới, được quốc tế hóa, hướng ngoại, nó dường như đang phát triển ngang tầm với các thành phố đàn anh khác ở Đông Nam Á, với tất cả những hỗn loạn của giao thông, của các tòa nhà cao vút, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Điều bí mật mà ai cũng biết là người Hà Nội, những người rất tự hào về mình, cũng thích di cư vào Nam, vào Sài Gòn sống bởi vì ở đây, cũng như ở tất cả các thành phố hướng ngoại khác, người ta dễ dàng chấp nhận những giá trị cá nhân, tự do của thời hiện đại. Thất bại năm 1975 đã là một bước ngoặt. Nó đánh dấu sự kết thúc giấc mơ chính trị của một thành phố, thay bằng giấc mơ tiêu thụ điên cuồng và thụ hưởng. Truyền thống và sự mở cửa được thể hiện qua hai cái đầu sư tử ở Việt Nam. Sự phân đôi này đã, đang và sẽ tiếp tục là nền tảng của Việt Nam, một đất nước đã luôn vừa bảo thủ vừa hướng ngoại. Sự cân bằng của Việt Nam được biểu hiện bởi hai thành phố lớn, cái nôi lịch sử ở phía Bắc và miền đất tiếp cư sáp nhập sau này ở phía Nam.

Đằng sau hai cái đầu đó là nông thôn đối lại với thành thị, sự phân chia mới

Người ta thích tóm tắt Việt Nam ở hai thành phố đó. Tuy nhiên, đại bộ phận dân số lại sống ở xa hai cái đầu sư tử này. Cho đến năm 2020, đại đa số dân số vẫn sống ở vùng nông thôn (theo số liệu thống kê chính thức, 2/3 dân số Việt Nam còn sống ở nông thôn, trong khi hai thành phố lớn chỉ có 20 triệu dân, tức khoảng 20% dân số toàn quốc). Ngay cả tại các thành phố lớn, tổng cục thống kê cũng xác định một số nơi được gọi là vùng nông thôn. Trong số chín triệu dân Hà Nội, khoảng năm triệu vẫn ở các huyện nông thôn, với lối sống nông thôn chứ không phải đô thị. Việt Nam ở năm 2020 vẫn có đặc tính nông thôn hơn là hai thành thị. Đất nước vẫn chủ yếu là nông nghiệp, ít đô thị hóa. Ngược lại với các nước đang trên đà phát triển, ở Việt Nam phong trào di dân từ nông thôn ra thành thị vẫn còn ở một chừng mực giới hạn. Ngược lại với tất cả mong đợi, Việt Nam dù sao vẫn là nước nông nghiệp, mặc dù đã thoát khỏi đói nghèo. Cho đến 2020, 65% dân số Việt Nam vẫn là dân nông nghiệp (theo định nghĩa vùng nông nghiệp của chính phủ). Con số này của năm 1980 là 80%. Không kể hai nước ngoại lệ Campuchia và Lào thì trong số các nước của Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp nhất. Sau gần 40 năm ra sức phát triển kinh tế, mức độ đô thị hóa vẫn thấp một cách đáng ngạc nhiên. Việt Nam hơi ngược so với thế giới. Ở những nước khác, sự phát triển kéo theo sự di cư dồn dập từ nông thôn ra các thành phố. Trái lại, ở Việt Nam, sự di chuyển diễn ra một cách chậm chạp và gần như trong trật tự. Ở đây có sự đối lập lớn trong một đất nước. Một mặt Việt Nam cứ phát triển, mặt khác những thành phố lớn và vùng nông thôn có vẻ như vẫn xa cách nhau. Các thành phố với những tòa nhà cao tầng và những công trường xây dựng lớn, ngạo nghễ nhìn sang nông thôn lặng yên không thay đổi, tại đó thời gian ngừng trôi như trên các bưu thiếp.

Một bên ngốn gần như tất cả các chỉ số phát triển kinh tế. Chỉ số phát triển, sự thay đổi, sự giàu có chủ yếu nằm ở các thành phố lớn của đất nước, như một cái tủ kính bày ra để cho thế giới biết về một Việt Nam đang phát triển mạnh. Ở phía bên kia, lưu lượng kinh tế, hiệu quả của phát triển kinh tế còn rất kém vì ở nông thôn ngày nay, người ta vẫn còn sống với khoảng 100 đô la mỗi tháng mỗi người. Tuy đã thoát khỏi sự cùng cực nhưng khối quần chúng bị lãng quên do ở quá xa các tòa nhà cao tầng của các đô thị này vẫn còn rất nghèo. Dòng thời gian trôi điên loạn ở các thành phố, nhưng lại ngừng trôi trên các ruộng lúa ở nông thôn, các ruộng lúa này vẫn chiếm phần lớn lãnh thổ của chúng ta. Lịch sử của Việt Nam hiện đại là lịch sử của một sự phân cực khó tránh khỏi của một đất nước trước đây được xem là đồng điệu. Thành phố và nông thôn tách rời nhau. Từ nay các thành phố, kể cả Hà Nội, đều mở ra với thế giới, ôm lấy hiện đại. Trong khi đó, ở giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa Mác Lênin, nông thôn trở thành sân sau cung cấp cho các thành phố một nguồn nhân công kém chất lượng và gần như vô hạn. Khối công nhân này hoặc phải ở lại những vùng mà hiện đại bỏ quên, hoặc phải đến các thành phố để chấp nhận những việc làm trong các công xưởng hoặc các dịch vụ mà những người thành phố không đếm xỉa đến.

 

- 0 -

Chương 3

Phép màu kinh tế

(tháng 01/2019)

mailinh5

 Kinh tế mới hậu cộng sản tại Việt Nam. Vì sao Việt Nam đang phát triển và sẽ tiếp tục phát triển ít nhất là trong trung hạn. Việt Nam sẽ trở thành một nước thịnh vượng khi nào và như thế nào ? Giữa con hổ và con rồng.

 

Kinh tế mới hậu cộng sản tại Việt Nam

Lịch sử kinh tế hiện đại của Việt Nam là câu chuyện của một phép màu nhỏ bắt đầu từ năm 1986, tại đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam. Tình trạng kinh tế bấy giờ rất thảm hại. Việt Nam là một trong những nền kinh tế chậm tiến nhất thế giới và người dân Việt Nam lúc đấy vẫn sống trong nỗi lo sợ thiếu đói. Việt Nam lúc đấy đang trong năm thứ 11 của nền kinh tế cộng sản, năm thứ 11 của kế hoạch hóa hà khắc áp dụng cho một đất nước vừa mới được thống nhất, một đất nước bề ngoài đã hòa bình. Đối với Việt Nam, kinh nghiệm của nền kinh tế bị Xô Viết hóa là một thất bại rõ ràng. Công nghiệp không phát triển, năng suất trong nông nghiệp rớt xuống ở mức trước chiến tranh. Trong nỗi bất hạnh đó, Việt Nam vẫn là nước thoát hiểm kỳ diệu bởi vì đối với Việt Nam, nền kinh tế thuần túy cộng sản chỉ mới kéo dài hơn 10 năm. Bắt đầu từ năm 1986, một sự chuyển hóa dần tới một nền kinh tế cởi mở hơn (Đảng cộng sản Việt Nam dùng từ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Đến ngày hôm nay, tức là sau hơn 30 năm, chúng ta vẫn còn ở trong giai đoạn chuyển tiếp này. Để đưa ra một hình ảnh tổng hợp đơn giản, có thể nói rằng việc tạo ra của cải vật chất ngày nay được thực hiện tương đối cân bằng giữa một bên là doanh nghiệp nhà nước và bên còn lại là các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam và nước ngoài. Cái mà người ta gọi là "đổi mới 86" chính là việc nhà nước dần trả lại cho lĩnh vực tư nhân những mảng lớn của nền kinh tế. Bởi vì trước đó, nhà nước đã nắm toàn bộ các lĩnh vực kinh tế (qua các doanh nghiệp nhà nước) dù là cơ sở hạ tầng (điện, nước, dầu, khí), xây dựng (qua các CIENCO, dần được chia thành các xí nghiệp nhỏ), sữa (Vinamilk), dịch vụ tài chính, thương mại và phân phối (Coop Mart hoặc Satra), hay đánh cá và nông nghiệp, v.v.

Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn giữ những dấu vết cộng sản này vì đương nhiên các doanh nghiệp nhà nước không biến mất trong quá trình chuyển đổi. Một số biết hội nhập vào nền kinh tế tự do cạnh tranh, đôi khi đạt được những kết quả đáng kể (Vinamilk thường được nhắc đến như là một trong những doanh nghiệp thành công sau đổi mới). Nhưng phép màu của kinh tế Việt Nam phải nhờ đến hai trụ cột : các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài. Khác với các nước khác trong khối cộng sản, Việt Nam có cái may là chỉ bị một thập kỷ cuồng Mác xít (người ta có thể dẫn chứng rằng giai đoạn đó kéo dài nhiều thập kỷ ở miền Bắc ; đúng như vậy nhưng trong thời chiến, toàn bộ nền kinh tế thường do Nhà nước chỉ đạo, điều mà nhân dân các đất nước có chiến tranh có thể chấp nhận). Ở nước ta giai đoạn cuồng Mác xít đó ngắn, chưa đủ để phá vỡ bản năng buôn bán, làm thủ công và kinh doanh của người dân. Và ngay từ những ngày đầu của đổi mới, với chính sách cho phép nông dân tự làm vụ mùa ở nông thôn, cho phép làm thương mại ở thành phố, khu vực tư nhân đã hồi sinh nhanh chóng trong khuôn khổ địa phương và không chính thức. Sinh hoạt tư nhân này sau đó trở thành cột trụ đầu tiên của phép màu kinh tế Việt Nam.

Thế nhưng phép màu thực sự của Việt Nam chính là việc chuyển đổi thành công từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân mà không có nhiều đụng độ hoặc lạm dụng như ở các nước cộng sản cũ khác. Thí dụ điển hình trái ngược với Việt Nam là Nga. Ở Nga, tài sản của Nhà nước bị bán tháo rẻ mạt cho các nhóm đầu sỏ cơ hội, thường là nhóm người vô luân, ngoài vòng pháp luật. Đó là một quá trình tư nhân hóa và chuyển đổi kinh tế rất lộn xộn so với Việt Nam. Nước ta đương nhiên cũng có các đại gia rất dễ nhận ra trong sự bùng nổ điên rồ của lĩnh vực bất động sản. Nhưng ở nước ta, các biện pháp chuyển đổi không lộn xộn như ở Liên Xô. Như vậy phép màu nhỏ bé cũng là sự vươn lên nhẹ nhàng của khu vực tư nhân. Sự chuyển đổi tất nhiên đã làm cho một số kẻ ma giáo cơ hội giàu lên nhưng không đưa nước ta vào hỗn loạn như ở một số nước cộng sản cũ.

Đầu tư nước ngoài cũng tạo nên cột trụ thứ nhì của phép màu kinh tế Việt Nam. Đổi mới đã đưa Việt Nam vào con đường mở ra với thế giới, và đó là một thách thức khổng lồ đối với Việt Nam năm 1986. Đối với mọi chế độ cộng sản, việc hòa nhập vào bản hòa tấu chung của các quốc gia đều là một thách thức nguy hiểm. Chúng ta thường hay nghĩ đến các thí dụ điển hình của Triều Tiên hoặc những trường hợp ít thảm hại hơn nhưng cũng vẫn phức tạp như Cuba hay Campuchia, hoặc con đường vòng vèo của Trung Quốc. Trong 30 năm, Việt Nam cộng sản cũng làm nên một phép màu nhỏ bé bằng việc hội nhập một cách thành công, không đau đớn lắm, vào nền kinh tế thế giới, bởi vì hiện nay doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam là của Hàn Quốc, với cái tên Samsung. Công ty Hàn Quốc khổng lồ này đã dời nhà máy lắp ráp điện thoại đến đây từ năm 2014 và chiếm 25% xuất khẩu của Việt Nam. Theo gót Samsung, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản khác trong những năm gần đây đã đầu tư ào ạt vào Việt Nam. Việt Nam có nhiều thiếu sót dưới mắt các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nói chung theo thời gian thì đối với họ những yếu kém vốn có của Việt Nam đã trở nên có thể chấp nhận được so với lợi nhuận, và chính họ đã là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước những năm gần đây.

Năm ngoái Việt Nam đã có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm. Lần đầu tiên tỷ lệ tăng trưởng (+7,1%) cao hơn tăng trưởng của Trung Quốc (+6,6%). Tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc giảm là điều có lợi cho Việt Nam chúng ta. Năm 1986, một người Việt Nam trung lưu kiếm được dưới 10 triệu đồng mỗi năm ; 30 năm sau, con số này tăng gấp năm lần, khoảng 50 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên phép màu cũng vẫn còn quá nhỏ. Năm 2019, Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới (chỉ ở hạng thứ 130 trong bảng xếp hạng GDP/đầu người của Ngân hàng Thế giới). Phép màu thực ra chỉ cho phép nước Việt Nam thấp bé chuyển từ vị trí gần như bét lớp sang vị trí của một học sinh khiêm tốn chỉ ao ước được vào nhóm trung bình yếu. Dù sao nó cũng là một phép màu nhỏ cần phải nhắc đến khi nói đến kinh tế Việt Nam.

Vì sao Việt Nam phát triển và sẽ còn tiếp tục phát triển ít nhất là trong trung hạn ?

Chuyển đổi thành công từ kinh tế nhà nước sang kinh tế bán tư nhân đã là động cơ phát triển kinh tế Việt Nam trong 30 năm vừa qua. Phép màu nhỏ này đã cho phép đất nước thoát khỏi đói nghèo. Đó là một thành công cần được tán thưởng. Nhưng liệu rằng Việt Nam có thể tiếp tục phát triển nếu không có thay đổi chính trị không ? Tôi mạo muội nghĩ rằng Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển trong một thời gian nữa, vì lý do rất đơn giản là chúng ta vẫn là một nước nghèo, rất nghèo, quá nghèo. Các thành tố nền tảng của ta vẫn còn khá vững để giúp chúng ta ra khỏi sự nghèo khổ, mục tiêu ngắn hạn của chúng ta. Việt Nam hiện đại đã trở thành một nền kinh tế hướng ra thế giới nhờ phép màu của chính sách mở cửa. Việt Nam từ nay sống chết với nhịp điệu xuất khẩu nhiều loại sản phẩm từ điện tử đến may mặc sang dầu thô hoặc nông sản, v.v. Các nhà đầu tư nước ngoài dồn dập đến Việt Nam để thiết lập tại những cơ sở sản xuất mới cho thấy rằng họ tin tưởng vào tiềm năng của đất nước ; họ chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam rồi bán sản phẩm cho phần còn lại của thế giới. Dường như chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự thức tỉnh công nghiệp. Các khu công nghiệp ở gần bờ biển khắp nơi trên nước ta mới chỉ bắt đầu mọc lên và bên cạnh các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Đài Loan, sẽ có các công ty lớn của Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc.

Trong những năm tới Việt Nam chỉ đi theo vết chân của các nước khác trong vùng, không hơn không kém. Hôm nay gần 70% dân số đang sống ở vùng nông thôn nghèo, nhiều người chỉ kiếm được 2-3 triệu đồng mỗi tháng và chỉ sống cho qua ngày đoạn tháng. Đối với Việt Nam, phát triển là phát triển cho số dân nghèo đang chiếm đa số này, cho họ một đồng lương cao hơn qua những công việc trong các công xưởng mà các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục xây dựng. Mỗi một nhà máy mới, mỗi một khu công nghiệp mới sẽ thu hút thêm một số người lao động đến từ các vùng nông thôn nghèo. Trong trung hạn, Việt Nam sẽ là một trong những công xưởng của thế giới, giống như Hàn Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Trung Quốc hay Thái Lan trước đây. Chúng ta đã quá chậm trễ so với họ, đến mức không có rủi ro nào khi dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng của chúng ta, do hiệu ứng đuổi theo (catch-up effect). Một số người bi quan nhất chỉ trích nạn tham nhũng cố hữu là trở ngại lớn đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Đương nhiên là ở Việt Nam người ta thấy nhiều chuyện bất ngờ khó chịu thường thấy ở một nước nghèo đang trên đà phát triển. Môn bài, giấy phép, hải quan, thuế, v.v. luôn luôn là những cơ hội tham nhũng. Có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ biết sự thật về thảm họa Formosa, tập đoàn Đài Loan có thể đã được dung túng và làm ngơ bởi các chính trị gia cao cấp trong việc xử lý chất thải để đổi lấy một khoản tiền lớn trong số tiền đầu tư khổng lồ 230 ngàn tỷ đồng. Hiện nay chúng ta còn biết quá ít về vụ này, một vụ có thể làm rơi rụng một số quan chức Việt Nam. Formosa và tất cả những chuyện tham nhũng và biển thủ tiền chắc chắn là có, cản trở sự phát triển của đất nước và là một gánh nặng của nhân dân Việt Nam. Nhưng người Việt Nam, đặc biệt người Việt Nam ở nước ngoài, không cần thiết phải bôi bẩn thêm một bức tranh vốn dĩ đã chẳng đẹp đẽ gì.

Chắc chắn Việt Nam chưa phải là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Những vụ ăn cắp và biển thủ tiền ở Việt Nam chưa thể so sánh với các thảm họa ở Venezuela, Algeria, Ai Cập (thời Mubarak) hay gần hơn với chúng ta là Campuchia. So với Ấn Độ mà chúng ta nhiều khi hơi vội vàng cho là mẫu mực, các thủ tục hành chính của ta trong nhiều trường hợp còn minh bạch hơn. Trong số các nước nghèo đón nhận những nguồn đầu tư nước ngoài, Việt Nam có hạ tầng cơ sở tốt, nhân công rẻ, có kỷ luật, có chất lượng, đồng thời mức độ tham nhũng có thể chấp nhận được so với nhiều nước nghèo khác. Trong trung hạn Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phát triển. Cũng giống như những công xưởng trước đây như Hàn Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Trung Quốc hay Thái Lan, sẽ đến lúc Việt Nam phải biết tiến lên, nâng cao chuyên môn khi mà nhân công không còn rẻ. Sẽ đến lúc Việt Nam phải coi chừng cái "bẫy thu nhập trung bình" (middle income trap). Nhưng hiện giờ chưa phải lo vì Việt Nam còn đang chỉ ở giai đoạn đầu của phép màu kinh tế. Trước tiên ta hãy cố gắng lao vào cái bẫy thu nhập trung bình đã, trước khi nghĩ đến việc thoát ra. Ít ra đó là một cái đau nhẹ nhất so với tình trạng hiện tại của chúng ta.

Việt Nam sẽ trở thành một nước thịnh vượng như thế nào, vào lúc nào ?

Trong một tương lai không quá xa, Việt Nam sẽ thành công xóa nghèo và đuổi kịp các nước láng giềng giàu có hơn ở vùng Đông Nam Á. Có thể chỗ này tôi hơi quá lạc quan. Nhưng đối với một nước có nhiều ưu điểm như thế, việc trở thành một trong những nước cuối cùng trong lịch sử nhân loại thoát khỏi nghèo khó không phải là một thành tựu đáng tự hào. Thoát khỏi tình trạng cùng cực hiện nay thì đơn giản. Trở thành một nước thịnh vượng sẽ là một thách thức lớn hơn nhiều, bởi vì nếu trở thành một công xưởng của thế giới vẫn là con đường thoát nghèo dễ nhất thì đó không phải là giải pháp cho thịnh vượng. Sản xuất với giá thành thấp cho phép thoát khỏi nghèo đói nhưng không thể thịnh vượng được. Con đường tiến lên thịnh vượng có thể sẽ rất quanh co đối với Việt Nam. Có thể có rất nhiều định nghĩa về thịnh vượng. Tôi hiểu thịnh vượng là đất nước Việt Nam và người Việt Nam được sống sung túc như những nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nó sẽ thịnh vượng khi nó không còn là "miền đất hứa". Đây là một câu nói có vẻ hơi chế giễu của De Gaulle (khi ông nói về Brazil, nhưng câu nói này có thể ứng dụng cho Việt Nam). Việt Nam có thể vươn tới sự thịnh vượng này không, như nhiều nước láng giềng Châu Á đã làm được trong thế kỷ 20 ? Cần phải làm gì để Việt Nam trở thành một Hàn Quốc hay Đài Loan mới ? Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hai nước này và nhiều người (những người lạc quan nhất) mơ đến một tương lai Việt Nam giống như hai nước này trong thế kỷ 21. Đây sẽ là một phép màu có tầm cỡ hoàn toàn khác.

Đó là một thách thức lịch sử, bởi vì trong suốt dòng lịch sử của mình, Việt Nam chưa bao giờ nằm trong số các nước phát triển nhất của hành tinh này. Lịch sử hiện đại của Việt Nam có thể bắt đầu ở thế kỷ 10 khi Việt Nam thoát khỏi sự thống trị của nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Lúc đó nước Việt Nam là một nước nhỏ bé đang cố bắt chước Trung Quốc và cũng còn kém xa đế chế Khmer ở phía tây. Lịch sử Việt Nam bắt đầu như là nước lạc hậu nhất trong vùng. Nhiều thế kỷ sau, thế kỷ 19, khi người Pháp đến và biến Việt Nam thành thuộc địa, họ đã ngỡ ngàng về tình trạng nghèo đói cùng cực của đất nước ta, tương đương với thời trung cổ nghèo đói của Pháp thế kỷ 15 (đọc lịch sử Việt Nam của Nguyễn Khắc Viện và các chương dành cho Việt Nam trước thời kỳ thực dân). Chúng ta đã bỏ lỡ bước ngoặt đầu tiên, bước ngoặt công nghiệp hóa. Ở Châu Á chỉ có Nhật Bản thành công. Sau thế chiến thứ hai, khi Châu Á cuối cùng cũng giành được độc lập, chúng ta lại bỏ lỡ một bước ngoặt khác, bước ngoặt độc lập và dân chủ hóa. Hàn Quốc, Đài Loan rồi sau đó Mã Lai, Singapore và ngay cả Thái Lan cũng đã làm được việc đó, nhưng Việt Nam lại bỏ lỡ. Liên tục trong 11 thế kỷ của lịch sử hiện đại, Việt Nam dường như đã sống trong nghèo đói và luôn là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới. Việt Nam cần rất nhiều thứ để có thể bắt kịp con tàu thịnh vượng, để tạo ra "Cuộc vượt thoát vĩ đại", cách nói của Angus Deaton, giải thưởng Nobel kinh tế 2015, trong cuốn The Great Escape.

Hãy tập trung vào hai yếu tố mà tôi cho là cơ bản nhất : nhân lực và Nhà nước, dù tất nhiên không phải chỉ có hai yếu tố này. Nhân lực có vẻ là yếu tố lạc quan nhất cho đất nước. Thịnh vượng đòi hỏi có đạo quân lao động với khả năng tạo ra của cải có giá trị ít nhất từ 460 đến 700 triệu đồng, tương đương với từ 20.000 đến 30.000 USD/năm, nghĩa là hơn mười lần năng suất hiện nay. Thí dụ ở Pháp GDP/người đạt 40.000 € (950 triệu đồng/năm) và những người lao động trung bình có lương bình quân 30.000 € (700 triệu đồng/năm) (điều đó cho ta thấy về lý thuyết họ mang lại lợi ích cho chủ lao động hơn mức lương được trả). Muốn được như vậy phải đào tạo được nhiều người lao động có năng suất cao, phải cho họ học phổ thông, rồi đại học, với các chương trình đào tạo có chất lượng giúp họ sau này tạo ra của cải vật chất cho đất nước, mở đường tiến tới thịnh vượng. Đối với Việt Nam cũng như các nước Nho giáo khác trước đó, con đường này là con đường hiển nhiên nhất. Ở Việt Nam, ngược lại với đa số các nước nghèo khác, không cần phải thuyết phục các gia đình cho con đi học, cũng không cần phải giải thích cái lợi của việc học hành. Ngược lại mọi người có thể đọc sách của Esther Duflo, cũng được giải thưởng Nobel kinh tế, cuốn Economic of the Poors để thấy là ở Châu Phi, Ấn Độ, hay Indonesia, việc cho con đi học là một thách thức khổng lồ ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Nói như Lý Quang Diệu tại hội nghị năm 2002 về tương lai của Đông Nam Á, tiềm năng con người này khiến Việt Nam trở thành một nước có tiềm năng lớn nhất trong vùng.

Vẫn sẽ phải cần đến các cơ sở giáo dục (hiểu ở đây là các trường đại học, các trường sau phổ thông trung học hoặc các trường dạy nghề) có đủ khả năng đào tạo tốt cho hàng triệu người lao động Việt Nam tương lai và tạo ra một bối cảnh kinh tế cho phép sử dụng lực lượng lao động chất lượng cao này.

Bây giờ chúng ta nhìn sang yếu tố thứ hai, Nhà nước. Nhà nước vốn đã là một vấn đề nan giải hơn của Việt Nam trên con đường tiến tới thịnh vượng. Trước hết chúng ta cần bác bỏ một định kiến dai dẳng nơi nhiều người, nhất là người Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước Việt Nam dù kém nhưng không phải là nhà nước thối nát và tồi tệ nhất như người ta đôi khi mô tả một cách vội vàng. Chúng ta không phải là Venezuela hay một số nước Châu Phi. Điện vẫn hoạt động (không bị cắt thường xuyên như Miến Điện), các thủ tục hành chính không rườm rà như Ấn Độ. Trẻ em được đi học các trường công (tốt hơn Philippines hoặc Indonesia). Vả lại chúng ta cũng được thừa hưởng (một ít) cơ cấu nhà nước của Trung Quốc. Cơ cấu này được cải tiến thêm trong 100 năm thuộc Pháp. Tức là ở Việt Nam đã có (một ít) truyền thống nhà nước với một bộ máy hành chính có sứ mạng phục vụ.

Đối với Việt Nam thử thách lớn nhất trong những năm tới là tiến tới một nhà nước ngang tầm với các nước hiện đại. Bởi vì nếu chúng ta không phải là Venezuela hay Liberia, thì cũng chưa phải là Đan Mạch, Thụy Điển, Singapore hay Hàn Quốc, những nhà nước hiệu quả nhất trong thời hiện đại này. Mặc dù có tỷ lệ phát triển ngoạn mục, nhà nước nhỏ bé của chúng ta hàng năm vẫn chìm sâu vào thâm hụt (chúng ta có nguy cơ nhanh đạt tới mốc nợ công bằng 70% GDP) bởi vì nỗi lo lớn nhất của đất nước nhỏ bé này là chẳng có ai thực sự đóng thuế cả và cũng như ở nhiều nhà nước của các nước nghèo khác, tham nhũng gây cản trở cho việc nâng cao hiệu quả thu thuế trong khi thuế rất cần thiết để đầu tư công của Việt Nam đạt tới mức của các nước phát triển. Về điểm này tôi không lạc quan. Tôi có cảm giác là Nhà nước hiện nay chỉ có tính chính đáng rất thấp và dân chúng cũng thiếu trách nhiệm công dân nên chúng ta khó có thể đảo ngược được tình trạng này trong tương lai gần.

Cứ giả sử rằng, bằng một cách thần kỳ, Việt Nam có được một nhà nước hiện đại hiệu quả, chính đáng và công bằng. Singapore, hòn đảo nhỏ vùng Đông Nam Á, đã chứng tỏ là có thể tạo được một nhà nước như vậy một cách tương đối nhanh, chỉ một vài năm, sau khi được độc lập năm 1965. Sẽ ra sao nếu Việt Nam cũng có phép màu này ? Chúng ta mong đợi Nhà nước này có khả năng vạch ra hướng đi đúng đắn, những chính sách kinh tế tốt để đuổi kịp các nước phát triển. Muốn như vậy cần phải có các chính trị gia đủ tài để thực hiện sứ mệnh này. Nhưng ở đây phải xóa bỏ một bất hạnh khác là chúng ta chưa bao giờ có những người lãnh đạo xứng đáng. Ai ở ngoài Việt Nam biết tên một trong những cựu quốc trưởng gần đây ? Ai, dù mê sử, có thể nêu tên một lãnh đạo tài giỏi trong suốt lịch sử Việt Nam ? Nhưng đó lại là cái mà đất nước này còn thiếu để thực hiện phép màu cuối cùng và cho phép chúng ta thực hiện "bước vượt thoát vĩ đại". Thách thức to lớn để chiến thắng nỗi bất hạnh gần như bẩm sinh đã giam hãm chúng ta trong tình trạng chậm tiến.

Câu chuyện giữa hổ và rồng

Châu Á đã có những con rồng. Hàn Quốc, Singapore, Hongkong và Đài Loan đã là mẫu mực kinh tế cho các nước chậm phát triển bởi vì cho đến nay, họ vẫn là những nước duy nhất trong vài thập kỷ đã bắt kịp Phương Tây. Châu Á cũng đã có những con hổ nhỏ như Mã Lai, Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines (cũng có người liệt kê Việt Nam ở đây nhưng theo tôi thì không đúng). Và lên phía Bắc một tí, đã có rồng lớn Trung Quốc với một phương thức phát triển riêng.

Việt Nam sẽ là hổ hay rồng ? Chúng ta vay mượn được của ba hình mẫu – hổ, rồng, và rồng lớn – mỗi thứ một ít. Với những con rồng đầu tiên, chúng ta có gần gũi về văn hóa (tất cả đều là Châu Á Nho giáo, ăn bằng đũa và được rèn giũa bằng nghề trồng lúa). Tuy nhiên cũng có một số khác biệt đáng kể. Ở nước ta, các lãnh đạo đều tầm thường và dường như chúng ta không sinh sản ra được những người cha lập quốc để đủ tài năng đưa được nước ta vươn lên thành những con rồng. Người cha lập quốc đã là yếu tố cơ bản để sản sinh ra những con rồng đầu tiên. Những phép màu đã không thể có nếu không có những Lý Quang Diệu, Tưởng Giới Thạch, Park Chung Hy hoặc các Nhà toàn quyền Hong Kong người Anh cho đến năm 1997. Chúng ta hơi giống một hổ con (có thể vì vậy người ta đôi khi vội vàng xếp Việt Nam vào hàng những con hổ). Tuy nhiên, nhìn theo góc độ của nền văn minh, ít có gì thực sự tương đồng giữa chúng ta và các nước này. Lịch sử của chúng ta đã đi theo một con đường khác, các ảnh hưởng văn hóa đã vạch ra một biên giới rõ ràng giữa chúng ta và các đất nước đấy (chúng ta chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, các con hổ Mã Lai, Thái Lan và Indonesia thuộc văn hóa Ấn-Hồi). Nếu các mô hình kinh tế của chúng ta có những điểm tương đồng -tất cả dựa vào xuất khẩu để phát triển kinh tế- thì phần còn lại khá khác nhau để có thể có cùng một định mệnh. Các nước này, theo cấu trúc của họ, có nhiều bất bình đẳng (mức độ chênh lệch giàu nghèo trong quá khứ cũng như hiện tại lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam). Họ là các nước đa sắc tộc (với người Hoa chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh tế), tình trạng chính trị rất khác nhau (Việt Nam có chủ nghĩa cộng sản trên đà suy vong, trong khi đó ở các nước kia có dân chủ với khuynh hướng chuyên quyền và quân phiệt hoặc ngược lại). Điểm chung của các con hổ là chúng đều bị kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình. Có thể đây cũng sẽ là số phận của Việt Nam, cũng là một nền kinh tế xuất khẩu. Nhưng cũng như những con hổ này, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với thách thức từ giã những công việc có giá trị gia tăng thấp.

Trường hợp con rồng lớn Trung Quốc cũng có nhiều điểm tương đồng. Văn hóa giống nhau vì chúng ta thừa hưởng rất nhiều của nền văn minh Trung Hoa. Cùng có quá khứ cộng sản với cải cách cởi mở, Trung Quốc từ năm 1978 và Việt Nam từ 1986. Người ta hay thích nói một cách vội vã rằng chúng ta đi theo con đường của Trung Quốc, nhưng chậm hơn một thập kỷ. Theo tôi đây là một phân tích sai lầm, bởi vì tôi cảm thấy rằng lịch sử 20 năm cuối của hai nước khác biệt rõ ràng. Việt Nam đã chịu đựng quá trình toàn cầu hóa làm thay đổi sâu sắc con người và kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc đã cưỡng lại và vì thế cũng làm thay đổi con người và kinh tế. Một bên, Việt Nam, vì nhà nước yếu kém, khi mở cửa bị buộc phải chấp nhận những ảnh hưởng từ bên ngoài. Bên kia, Trung Quốc, nhà nước từ ngàn đời vẫn mạnh đã có thể chọn lọc khi mở cửa ra thế giới. Một thí dụ đơn giản : Facebook là một ứng dụng phổ biến nhất ở Việt Nam, nhưng bị cấm ở Trung Quốc. Ví dụ này, ảnh hưởng lên toàn bộ tư duy của một thế hệ, khiến tôi có cảm tưởng rằng hai nước tuy đã đi trên cùng một con đường cho đến năm 2000 nhưng từ đó rẽ ra hai hướng khác nhau. Dĩ nhiên chúng ta chia sẻ nhiều thách thức với Trung Quốc khi kinh tế ngày càng phát triển. Đến một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ phải giải quyết vấn đề các doanh nghiệp nhà nước, những công ty đang được nuôi sống bằng tiền đầu tư hoặc tín dụng dễ dãi của Nhà nước. Tuy nhiên tôi thấy là sự khác biệt dần dần đã lớn hơn sự tương đồng, lớn đến độ tôi nghĩ rằng trong tương lai đường đi của hai nước sẽ rất khác nhau.

Giữa hổ và rồng, số phận nào cho Việt Nam ? Nếu không có những thay đổi, với một chính quyền yếu nhưng vẫn chuyên quyền và tiếp tục giữ được chính quyền, chúng ta có xu hướng trở thành con hổ mơ ước thành rồng. Như những con hổ khác, chúng ta không bắt kịp thế giới phát triển, dù vẫn hơn các nước nghèo nhất. Trong trường hợp một phe thân Trung Quốc thắng thế, chúng ta sẽ có thể trở thành một con rắn nhỏ mơ thành rồng, nhưng mãi chỉ là chư hầu bất hạnh của Trung Quốc (xu hướng mới gần đây cho thấy phe theo Trung Quốc có vẻ yếu đi trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam). Dù vậy, viễn cảnh này ít có thể xảy ra. Khác với tại một số nước trong vùng, Trung Quốc không kiểm soát được nền kinh tế của nước ta ở mức đủ để biến chúng ta thành chư hầu, trái với sự lo âu của nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước. Và tất nhiên với sự xuất hiện của một giai cấp chính trị mới, xứng đáng lãnh đạo đất nước, giấc mơ duy nhất của chúng ta là giấc mơ trở thành một con rồng Châu Á mới. Cả ba số phận đều đang chờ Việt Nam. Vào lúc này số phận nào vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

- 0 -

Chương 4

Cuộc cách mạng xã hội âm thầm

(tháng 5/2019)

mailinh6

 

Mô hình gia đình truyền thống, chất keo của văn hóa Việt Nam, đang thay đổi. Sự nổi dậy của phụ nữ. Chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa tập thể ? Cuộc cách mạng xã hội này đang và sẽ mang lại những hậu quả gì cho đất nước chúng ta ?

 

Mô hình gia đình truyền thống, chất keo của văn hóa Việt Nam đang thay đổi

Emmanuel Todd có lẽ là một trong những trí thức Pháp xuất sắc nhất hiện nay. Ông thường được biết đến qua các tiên đoán độc đáo, giống nàng Cassandre. Tuy nhiên ông ít được biết đến hơn trong lĩnh vực nổi trội nhất của mình, là nghiên cứu nhân chủng học và cấu trúc gia đình. Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, ông đã vẽ được một bản đồ tuyệt vời, chi tiết, trên quy mô toàn thế giới về cấu trúc gia đình trong suốt dòng lịch sử. Emmanuel Todd đưa ra những luận điểm trong tác phẩm của mình là những cấu trúc gia đình này có ảnh hưởng quyết định đến tư duy của các dân tộc, cụ thể như cách thức mà họ chấp nhận bị chỉ đạo, chấp nhận các giá trị của khế ước xã hội. Kiến thức của ông về cấu trúc gia đình trên thế giới -ở mức độ chi tiết tuyệt vời- tạo nên các dự đoán làm nên tên tuổi của Todd.

Todd nói gì trong nghiên cứu của ông về Việt Nam ? Mô hình gia đình của chúng ta từ thời xa xưa là loại mô hình cộng đồng. Theo nghĩa là nhiều thế hệ chung sống chung dưới một mái nhà. Trong ngôi nhà này người lớn tuổi chi phối thế hệ trẻ, thế hệ sau phải tôn trọng và tôn kính thế hệ trước. Trong ngôi nhà này còn có một trục khác nữa là sự thống trị của đàn ông đối với phụ nữ ở tất cả các thế hệ. Khi có đám cưới, người phụ nữ phải rời khỏi nhà mình để đến sống ở nhà chồng. Mô hình gia đình của ta vì thế cũng được gọi là phụ hệ (ngược với mẫu hệ). Người phụ nữ phải rời bỏ gia đình mình để hội nhập vào một gia đình mới. Vả lại ở nước ta, cũng như ở Trung Quốc, gia đình nhà trai phải trả cho gia đình nhà gái một khoản tiền bởi vì nhà trai được thêm một nhân công.

Trần Ngọc Thêm trong cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam cho biết thêm về chi tiết cấu trúc xã hội và gia đình Việt Nam đã được hình thành từ thời kỳ độc lập đầu tiên của chúng ta, thế kỷ 10. Phong tục gia đình của chúng ta, được phỏng theo trật tự Khổng giáo quy định thứ bậc và sự hòa thuận qua nhiều loại tôn kính. Theo trật tự đó thì trong một gia đình con cái phải kính trọng cha mẹ, vợ phải kính trọng chồng. Mô hình này được hợp thức hóa và đưa vào bộ luật Việt Nam trong vòng gần 10 thế kỷ (bộ luật nhà Lý và nhà Lê). Ngày nay chúng ta vẫn thường bỏ qua sức nặng của bộ luật gia đình này và ảnh hưởng của nó đối với xã hội Việt Nam. Trong vòng 10 thế kỷ, bộ luật này quy định tỉ mỉ tổ chức các gia đình, các nghi thức hay cách vận hành của luật này. Có cả các phần nguyên tắc quản lý, kế thừa, công việc lãnh đạo gia đình. Trong 10 thế kỷ, chúng ta đã tôn trọng những nguyên tắc của nó liên quan đến tất cả chín thế hệ trong một gia đình trên cùng một mảnh đất. Người phụ nữ phải sinh sống ở nhà chồng, chấp nhận sự thống trị của một tộc trưởng mới, và trong hầu hết các trường hợp, tộc trưởng là một người đàn ông. Người tộc trưởng đại diện cho gia đình khi giao tế với bên ngoài. Nguyên tắc thừa kế là chia ruộng đất cân bằng cho các thành viên nam trong gia đình. Khi tộc trưởng mất, tất cả các thành viên trong gia đình đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Những cái đó tạo ra gần như là một đoàn thể xã hội, một đơn vị độc lập đối với nhà nước và chính quyền trung ương. Trong 10 thế kỷ đã qua, bộ luật này đã tạo nên văn hóa và bản sắc của chúng ta, nó tách biệt chúng ta một cách sâu rộng với các nước khác trong vùng và thế giới. Ở các nước khác, cấu trúc gia đình khác biệt nhiều so với nước ta. So sánh tương tự cho thấy xã hội phương Tây thường có tính chất hạt nhân (gia đình nhỏ, bố mẹ và con nhỏ sống chung trong một nhà, con lớn phải tự lập). Trong khi đó ở các nước Đông Nam Á khác, tổ chức xã hội có thể mang tính cộng đồng, Hồi Giáo đồng tộc tương hôn (phụ nữ lấy chồng cùng dòng họ, với các anh, em họ gần, xa) hoặc hạt nhân. Bộ luật của ta cũng thể hiện rõ trong ngôn ngữ của chúng ta, trong cùng một gia đình chúng ta có danh xưng như chú, bác, cô, dì, anh, em, cháu... tùy thuộc vào tuổi tác và thứ bậc, mỗi từ phải nêu rõ vị trí của mỗi người trong cấp bậc của đại gia đình. Nhiều danh xưng có khi chỉ dịch được sang một từ tiếng Anh (ví dụ như từ uncle).

Hệ thống gia đình là cái gốc của văn hóa của chúng ta. Trong 10 thế kỷ, các dòng họ của chúng ta đã sống như vậy theo nhóm, bộ lạc tự cung, tự cấp đối mặt với chính quyền. Trong suốt dòng lịch sử, chính quyền luôn khó khăn khi áp đặt quyền lực lên các dòng họ. Paul Doumer, toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố vào năm 1905 rằng phải chấp nhận để cho các gia đình ở nông thôn sống theo luật lệ của họ, chỉ cần thỉnh thoảng thu được một ít thuế là đủ. Như vậy trong một thời gian rất dài, là một người Việt có nghĩa là phải chấp nhận những giá trị của các cấu trúc này, chấp nhận tổ chức gia đình như thế.

Hệ thống này đã bắt đầu bị dao động dưới thời Pháp thuộc, rạn nứt mạnh hơn dưới thời cộng sản, nhưng vẫn còn tồn tại. Sự điên cuồng toàn trị của nước ta dường như ít sâu đậm hơn so với các nước khác. Nếu như luật lệ gia đình theo kiểu tổ tiên bị cộng sản bãi bỏ, thì phong tục của nó vẫn tiếp tục bám chặt linh hồn người Việt. Chính sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản giáo điều -năm 1986, với chính sách đổi mới- và việc mở cửa ra thế giới đã làm cho mô hình cũ của chúng ta sụp đổ gần như hoàn toàn. Chúng ta vẫn thấy ở các thành phố hoặc nông thôn, các gia đình nhiều thế hệ bố, mẹ, con cái, cháu chắt tiếp tục cùng chung sống và con cái chưa lấy vợ lấy chồng vẫn còn giữ lại một ít tôn ti trật tự và vâng lời bố mẹ. Nhưng mô hình cộng đồng của chúng ta đã thất bại trên mặt trận tâm lý. Nếu các con còn ở với bố mẹ, thì do chủ yếu là do nhu cầu, chứ trong thâm tâm chúng mơ tưởng có một gia đình hạt nhân nhỏ kiểu Phương Tây, trong đó mẹ và con cái ở nhà riêng, khác hẳn với những ngôi nhà chung nhiều thế hệ trước đây.

Những tòa nhà cao tầng mọc lên ở các thành phố lớn là minh chứng cho sự thay đổi của mô hình này đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Nhiều căn hộ trong những tòa nhà này vẫn còn bị bỏ trống trước sự ngán ngẩm của các doanh nhân bất động sản, những người có thể đã nhận định quá sớm sự sụp đổ của hệ thống gia đình trong cộng đồng của chúng ta. Dự đoán của họ cũng không sai, họ chỉ đã đi sớm so với thực tại. Bởi vì dù sao thì từ 1980 đến 2000 dường như một cái gì đó đã thay đổi tại Việt Nam. Cuộc cách mạng gia đình vẫn đang còn dang dở, nhưng chiến thắng của nó về mặt tư tưởng coi như đã xong. Nó thật ngoạn mục vì chỉ trong vài thập kỷ, gần 10 thế kỷ của truyền thống gia đình đã sụp đổ. Như thường lệ điện ảnh bộc lộ và đánh dấu sự thay đổi. Chúng ta hãy cùng nhau xem kỹ lại những thành công -tương đối- của ngành điện ảnh Việt Nam (Em chưa 18, Chàng vợ của em). Những gia đình trong phim giống hệt như những gì chúng ta thấy ở Phương Tây, chẳng liên quan gì đến kiểu gia đình truyền thống của chúng ta.

Vậy tại sao mô hình gia đình truyền thống sụp đổ ? Các nhà nhân chủng học trong tương lai, chắc chắn sẽ nghiên cứu chi tiết hơn để trả lời câu hỏi hiện còn ít được đặt ra này. Có thể có hai lý do : sự mở cửa ra thế giới và giáo dục quần chúng. Nguyên nhân thứ nhất đương nhiên là sự giải thích đơn giản, sự kết thúc của hệ thống gia đình truyền thống trùng hợp với giai đoạn mở cửa. Chấp nhận trao đổi với thế giới, Việt Nam cũng đã giao tiếp với các giá trị mới. Qua toàn cầu hóa, Phương Tây áp đặt những giá trị của họ và các giá trị này công phá hệ thống gia đình của chúng ta. Chẳng có gì lạ : vùng Đông Nam Á trong quá khứ phải hứng chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác, qua các thương nhân Ấn Độ và Hồi Giáo, các nhà thám hiểm Trung Quốc, các giáo sĩ Phương Tây, mỗi người đều để lại đóng góp văn hóa của họ. Toàn cầu hóa hiện đại cùng với quy mô của nó dường như đã lôi kéo Việt Nam đi theo. Nhưng giáo dục đại chúng có vẻ là yếu tố quyết định hơn có thể giải thích sự kết thúc của nếp sống gia đình truyền thống Việt Nam. Thế hệ hiện nay là thế hệ đầu tiên được học hành nhiều hơn cha mẹ của họ. Năm 1976, có 1,5% dân số có bằng đại học ; năm 2018 gần 30% dân số ở tuổi trưởng thành tốt nghiệp đại học. Sự nổi dậy chống lại hệ thống gia đình ở Việt Nam, cũng như ở các nước khác, là sự nổi dậy của thế hệ trẻ có học hành hơn cha mẹ chúng, và chúng dám chất vấn văn hóa cổ truyền. Có học hơn, thế hệ mới khó chấp nhận sự cứng nhắc của gia đình truyền thống. Cha mẹ ít hiểu biết hơn con cái, lần đầu tiên thấy uy quyền của họ lung lay. Để kết thúc luôn cho xong thay đổi này, thế hệ trẻ còn cần phải quyết tâm vượt rào, bỏ ra sống riêng sớm hơn, ngay cả khi chưa lập gia đình. Họ đang làm điều đó, chậm mà chắc. Các tòa nhà cao tầng còn nhiều căn hộ nhỏ bỏ trống nay mai sẽ có người ở.

Phụ nữ vùng lên

Tôi muốn nhắc lại là ngày nay ở Việt Nam có nhiều ca ly dị hơn ở Pháp. Việt Nam có hơn 147.000 ca năm 2014 và gần 200.000 ca năm 2019. Ở Pháp, trung bình có 130.000 ca/năm. Đương nhiên đây là một điều rất mới, là kết quả của thời hiện đại. Các số liệu thống kê cũ của giai đoạn đầu những năm 2000 cho thấy tỷ lệ ly hôn rất thấp, khoảng 7% (7% các cặp vợ chồng ly dị trên toàn đất nước Việt Nam), một tỷ lệ thấp nhất hành tinh. Trong những năm gần đây, các số liệu thống kê về ly hôn "mất tích" một cách bí ẩn, thế nhưng ai cũng có thể hiểu rằng họ đang sống ở một đất nước có tỷ lệ ly hôn rất cao và hàng loạt, giống hệt những gì ta có thể thấy ở các nước phương Tây. Một điều đáng quan ngại khác chính là tỷ lệ sinh đẻ hiện đang giảm xuống chỉ còn 1,9 trẻ cho mỗi phụ nữ từ năm 2016, một tỷ lệ tương đương như ở Pháp và các nước phát triển khác. Đây là một quả bom nổ chậm đối với một nước nghèo như Việt Nam. Tỷ lệ này từng ở mức 6 trẻ/phụ nữ vào năm 1975. Thế nhưng chỉ mới 40 năm, tỷ lệ sinh của chúng ta đã giảm từ mức độ của các nước chưa phát triển đến mức độ của các nước phát triển. Cũng trong những năm này, cùng với việc ly hôn hàng loạt và sút giảm tỷ lệ sinh đẻ, ta cũng thấy hiện tượng phá thai trở nên phổ biến và tình dục trở nên tự do hơn. Ngày nay, ở Việt Nam xuất hiện một thế hệ phụ nữ 30 tuổi nhưng vẫn thoải mái khi chưa lập gia đình, các bà mẹ đơn thân không còn cảm thấy xấu hổ, các phụ nữ sống độc thân, từ chối định mệnh lấy chồng sinh con.

Việt Nam vẫn còn đang sống dưới một chế độ độc tài khủng khiếp, người ta nói vậy. Nhưng người ta lại quên rằng thời kỳ hiện đại này của chúng ta đã giải phóng 50% dân số, một cuộc giải phóng chưa từng có trong lịch sử. Phụ nữ Việt Nam ngày nay không còn là nô lệ nữa. Những năm tháng gần đây của họ là sự khởi đầu chưa từng có của một cuộc giải phóng. Trong nhiều thế kỷ, theo truyền thống gia đình cổ xưa, họ tồn tại chỉ để phục vụ đàn ông. Trong đại gia đình nơi họ sinh ra, họ phải phục vụ những người chồng, sứ mệnh của họ (ghi rõ trên giấy trắng mực đen trong bộ luật gia đình thời Lý) là lấy chồng và đẻ con. Gia đình nhà chồng phải trả một khoản tiền hồi môn trước khi có thêm một lao động trong nhà. Tiền trả rồi thì phải làm để sinh lời, phải lao động cực nhọc, rồi đẻ thật nhiều con để có người làm ruộng. Hơn nữa những người mẹ chồng thường không né tránh bất kỳ ác ý nào để kiểm soát nàng dâu. Đôi khi không may, nàng dâu chỉ là vợ bé của một ông chồng đa thê. Tệ hơn nữa còn có thể bị chính người chồng của mình bạo hành. Cả đời mình, số mệnh người phụ nữ Việt Nam chỉ để phục vụ cha và các anh em của gia đình mình, rồi chồng, rồi con. Suốt mười thế kỷ qua, phụ nữ bị đối xử như một phương tiện sản xuất, như một thứ dân. Có người nói rằng ở các nước khác cũng như thế, vì vậy mới có sự nổi dậy của phụ nữ, giúp đưa từng quốc gia chuyển mình sang thời hiện đại. Có thể là như vậy thật, nhưng trong trường hợp của Việt Nam thì chúng ta cần phải ngẫm lại rằng từ trước đến nay, hệ thống gia đình vẫn cực kỳ tàn bạo đối với người phụ nữ, nó tạo ra một cộng đồng nhỏ với nhiều cấp bậc và vai trò của người phụ nữ so với những người đàn ông trong bộ tộc chỉ là mối quan hệ cấp dưới. Vai trò chính của người phụ nữ chỉ là một thứ công cụ để nuôi sống cái cộng đồng nhỏ qua các công việc đồng áng, nội trợ và sinh đẻ. Tôn ti trật tự này rất tàn bạo với phụ nữ, nhưng đã cho phép tạo nên Việt Nam và giúp nó sống sót đến ngày nay.

Hiện tượng ly dị hàng loạt, tỷ lệ sinh giảm và tự do tình dục, tất cả những cái mới đó đánh dấu sự nổi dậy của một thế hệ phụ nữ mới. Họ ngừng chấp nhận cái trật tự xã hội mà nền văn hóa nghìn năm áp đặt lên họ. Họ từ chối phục tùng ngay cả khi sự phục tùng mang lại sự an toàn cho họ vì họ thích tự do hơn, mặc dù có thể trả giá bằng sự bất ổn. Nếu người đàn ông đối xử tàn tệ với họ, họ sẽ bỏ đi hoặc ly dị vì đối với họ thà sống một mình còn hơn sống chung trong sự tồi tệ. Có cần phải lấy chồng sớm ? Họ có những mối quan hệ tự do, thậm chí đôi khi chẳng cần kéo dài và họ cũng không còn vội vã dấn thân. Một khi đã lấy chồng, họ không muốn chỉ là người giữ trẻ ; họ đẻ ít, rất ít, và ngày càng làm việc nhiều hơn. Mặc dù đã kết hôn, họ vẫn muốn đi ra thế giới bên ngoài. Qua công việc, họ trở nên độc lập hơn. Với cá tính độc lập mới này, họ đặt lại các vấn đề lễ nghi Nho giáo, về trật tự gia đình. 40 năm đã đủ để tạo ra cuộc cách mạng này, mặc dù chưa đạt đến mức cao trào như phong trào "Me Too". Một cách chậm nhưng chắc, chúng ta đang từ giã mô hình trọng nam khinh nữ cổ truyền. Đây là một thắng lợi rất đẹp mà thời hiện đại đã mang lại cho chúng ta.

Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể

Trong tác phẩm Nghiên cứu bản sắc văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm đã tóm tắt một cách xuất sắc sự khác biệt cơ bản giữa văn hóa Việt Nam và Phương Tây, qua một vài hình ảnh đối lập. Người Việt Nam xem mình như một phần của gia đình, với làng xóm, và sau đó như một phần của dân tộc. Nhìn chung, họ tôn sùng chính quyền và quyền lực nhà vua. Họ ít có khái niệm về cá nhân hay địa phương. Trái lại, ở các nước phương Tây, người ta thường nghĩ về bản thân trước, rồi mới đến nơi họ sinh sống -họ chấp nhận lệ thuộc, làm dân của một lãnh chúa trong vùng- nhưng lại ít nghĩ về gia đình chỉ cho đến gần đây. Người phương Tây thích cấu trúc hạt nhân và chủ nghĩa cá nhân hơn. Họ cũng ít nghĩ về quốc gia, khái niệm chỉ được hình thành sau này.

Người Việt Nam không thực sự coi mình là một cá thể độc lập với một bản chất riêng. Thay vào đó hầu như người Việt luôn xác định mình tương quan với hệ quy chiếu các mối quan hệ với các thành viên khác của gia đình (cộng đồng) hay của dòng họ. Tiếng Việt cũng cho ta thấy rõ sự khác biệt này. Không có từ "Tôi" phổ quát (như từ I trong tiếng Anh, hay Je trong tiếng Pháp) mà là một tập hợp phức tạp 60 từ để xác định ngôi thứ trong gia đình với một cấp bậc nào đó. Tôi là một khái niệm luôn luôn thay đổi. Người Việt Nam khi nói "Tôi", thì có thể là Em, Anh, Con, Bố, Chú…, tùy theo là nói với ai. Đây là một cơn ác mộng đối với người phương Tây muốn mạo hiểm học tiếng Việt.

Người Việt Nam nghĩ đến quê hương, đất nước nhiều hơn là chỉ nghĩ đến nơi họ sinh sống. Đối với họ, trật tự chính trị là một khái niệm vượt ngoài khuôn khổ thời gian, thế tục, và cụ thể vì nó thực sự xa vời. Người Việt Nam không cần nhìn thấy người nắm quyền lực cụ thể, và trong một thời gian dài, họ sẵn sàng phục tùng một vị vua – và sau này là một ông toàn quyền Pháp – mà họ chưa bao giờ nhìn thấy mặt. Người phương Tây thì khác, họ trao quyền cho một lãnh chúa địa phương mà họ đã từng giao tiếp và quen biết ; điều này hình thành một hệ quả là chỉ bằng những cuộc chiến tranh chinh phục và tập trung quyền lực thì mới có thể nâng tầm quốc gia ở vị thế trên cả các lãnh chúa. Trong suốt lịch sử Việt Nam chúng ta chưa bao giờ thực sự có các lãnh chúa như vậy. Thay vào đó, có những dòng họ lớn nhiều thế hệ, thống nhất phò tá cùng một vị vua. Lịch sử của Việt Nam đương nhiên cũng có các cuộc chiến giữa các triều đại trị vì một phần nào đó của lãnh thổ để tranh giành ngôi báu. Nhưng Việt Nam không có các lãnh chúa địa phương thực sự theo kiểu phương Tây. Không có các cuộc đấu tranh đòi tự trị giữa các tỉnh và trung ương, họa may chỉ có các cuộc nổi dậy của các gia đình nông dân chống lại Nhà nước (ngày nay thỉnh thoảng cũng có những cuộc nổi dậy như vậy). Tại Châu Âu, một Nhà nước tập quyền chỉ có thể được hình thành qua nhiều cuộc đấu tranh dai dẳng, vẫn in đậm dấu ấn trong lịch sử phát triển. Thế nhưng tại Việt Nam, quá trình đó đã diễn ra một cách rất tự nhiên ; người Việt Nam dễ dàng chấp nhận việc tập trung hóa quyền lực hơn, dù rằng người thực sự nắm giữ quyền lực tập trung này ở một nơi rất xa và họ chưa bao giờ gặp mặt.

Ta có thể nói rằng với truyền thống tôn trọng cá nhân, Châu Âu đã sản sinh ra chủ nghĩa tự do và quyền con người, chuẩn mực xã hội của từng vùng lãnh thổ, và tạo ra sau này một hệ thống dân chủ tản quyền. Từ đó suy ra rằng đối với đất nước Việt Nam nhỏ bé này, hai giá trị đó –nhân quyền và dân chủ tản quyền- khó để xây dựng hơn. Todd cũng lập luận rằng có sự tương quan giữa gia đình, cộng đồng và sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Theo ông, chính truyền thống đại gia đình đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa cộng sản phát triển ở các đất nước tưởng chừng như rất khác nhau như Liên Xô, Trung Quốc, Cuba và Việt Nam. Sự khác biệt về mô hình gia đình này giúp hình thành những quan niệm khác nhau về khái niệm quốc gia và sự gắn kết với đất nước. Người phương Tây gắn bó với tỉnh, vùng, thái ấp của mình. Họ gắn kết với một vùng miền nhất định thông qua một sợi dây liên kết với hàng xóm láng giềng, những người chia sẻ cùng một văn hóa, một lịch sử, phục tùng cùng một lãnh chúa ; ngoài ra, sự cạnh tranh với những khu vực lân cận cũng giúp thắt chặt hơn sợi dây liên kết này. Thứ tình cảm này không có ở người Việt Nam. Đối với người Việt Nam, không gì quan trọng hơn gia đình, thị tộc của mình. Nếu thị tộc của họ di cư đến miền đất khác, họ vẫn thấy vùng đất mới này là nhà và không tiếc bỏ lại phía sau nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bị loại khỏi thị tộc còn đau đớn hơn là phải rời bỏ quê hương. Người Việt Nam chúng ta di cư theo nhóm, lập lại các gia tộc nhỏ ở nơi khác. Đối với người phương Tây, quốc gia là biểu hiện của bản sắc, có thể đẫm máu, nhưng vẫn là niềm tự hào. Đối với người Việt Nam tinh thần quốc gia chỉ được tiếp nhận và chấp nhận một cách thụ động nhưng vẫn hài hòa, như một nền nếp gần như bẩm sinh chẳng có lý do gì để thắc mắc. Nếu người phương Tây không ngừng suy nghĩ về nó, cố định nghĩa nó, thì người Việt Nam lại sẵn sàng tuân thủ.

Liệu cuộc cách mạng xã hội đang diễn ra có cho phép Việt Nam và Phương Tây xích lại gần nhau hay không, bất kể những khác biệt ? Có lẽ phần nào. Ở Việt Nam hiện đại, chắc chắn chủ nghĩa cá nhân đang dần phổ biến hơn. Thế nhưng cuộc cách mạng này e rằng mang tính phá hủy nhiều hơn là xây dựng. Nó làm suy yếu mối quan hệ gia đình cổ xưa, nhưng không vì thế thúc đẩy sự xuất hiện của các cá nhân khát khao được nhìn nhận, được có tự do như ở phương Tây. Nó bào mòn tinh thần quốc gia bởi vì các cá nhân mới này thường rất khao khát bỏ đất nước ra đi bằng bất cứ giá nào. Việc rời bỏ quốc gia ở đây không đem đến tinh thần gắn kết vùng miền, ngược lại, nó làm gia tăng chủ nghĩa toàn cầu mà chính Việt Nam cũng chịu hậu quả, với việc các nhân tài chỉ biết có thế giới, chứ không còn quan tâm đến đất nước mình. Có vẻ cuối cùng, cuộc cách mạng này chưa thực sự mang lại điều gì tích cực cho đất nước Việt Nam.

Cuộc cách mạng xã hội này đã và sẽ mang lại hậu quả gì cho đất nước ta ?

Việt Nam phải xử lý như thế nào việc xóa bỏ trật tự xã hội có từ ngàn năm trước, một nền tảng tạo ra bản sắc Việt Nam ? Có lẽ chúng ta cần phải đón nhận cuộc cách mạng này với cảm giác vừa lo âu vừa hy vọng. Không nên thương tiếc một trật tự xã hội đã phần nào là nguyên nhân của nghèo đói và chậm tiến của chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử. Nó cũng giải thích tại sao chúng ta là một trong số 63 miền đất trong suốt dòng lịch sử không biết đến khái niệm dân chủ thực sự nghĩa là việc có thể tự do lựa chọn người lãnh đạo, không biết đến chủ nghĩa tự do với các quyền con người cơ bản, không biết đến nền cộng hòa như là một liên minh tự do của các công dân cùng nhau lãnh đạo đất nước. Có lẽ vì vậy cần phải tiến hành trước cuộc cách mạng xã hội mà ít nhất là Đảng cộng sản đã không bóp chết được từ trong trứng nước. Vả lại dù có muốn, hoặc đã biết nó đang diễn ra, họ cũng không thể ngăn cản được cuộc cách mạng này.

Dẹp bỏ trật tự cũ là một chuyện, biết tạo ra những giá trị mới thay vào đó lại là một chuyện khác. Điều mà triết gia Michel Onfray gọi là chủ nghĩa hư vô, chỉ mới xuất hiện ở xã hội Việt Nam, một xã hội không còn biết rõ quá khứ của mình, không còn biết các giá trị của mình – vì họ chỉ vừa mới triệt hạ chúng – và lại không biết cùng nhau thiết kế một trang sử mới. Theo đó, từ nay cuộc sống chỉ đơn thuần là tùy ở mỗi người ; mối liên hệ gia đình đã suy yếu, nhưng những liên kết mới chưa xuất hiện. Quốc gia có vẻ không đạt được gì từ cuộc cách mạng này. Cuộc cách mạng xã hội này hình như còn làm yếu đi tình cảm quốc gia vốn chưa thực sự kiên cố. Vì thế, người nước ngoài đến đây thường thấy một đất nước bị cuốn theo làn sóng hiện đại mà không biết tương lai sẽ ra sao. Các thế hệ Việt Nam mới được hưởng những tự do mới, cũng giống như thế hệ trẻ ở các nước phát triển. Họ ăn nhậu, tiêu dùng, vui đùa, cười nói, tận hưởng. Không có tự do chính trị, thế hệ trẻ có vẻ hài lòng với tự do xã hội và tự do kinh tế, dù tự do kinh tế chỉ là tương đối khi đất nước còn nghèo. Ta thấy thế hệ trẻ mới đang vượt ra khỏi vòng tay quản lý của bố mẹ và chẳng lo nghĩ gì ; nhưng ta cũng ngờ vực khả năng của họ trong việc tận dụng tự do mới giành được này.

Một số người cho rằng cuộc cách mạng xã hội này sẽ mở đường cho một cuộc cách mạng chính trị. Thực tế ta có thể nghĩ rằng một khi đã nếm trải các giá trị tự do phương Tây, tuổi trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục cuộc tranh đấu để đánh đổ trật tự cộng sản, như là một cao trào của cách mạng giành lấy tự do, đánh đổ hết các trật tự cũ. Sau khi phản ứng với uy quyền của cha mẹ đối với con cái, uy quyền của chồng đối với vợ, người Việt Nam sẽ phản ứng với uy quyền của lãnh đạo chính trị. Cá nhân tôi không chia sẻ sự lạc quan này. Lịch sử cho chúng ta thấy rõ đấu tranh chính trị thường đi trước cuộc cách mạng về luân lý, hoặc ít ra thì chúng đi song song với nhau. Cách mạng chính trị ở Pháp diễn ra vào thế kỷ 18, tuy nhiên cuộc cách mạng xã hội chỉ kết thúc vào tháng 5/1968. Việt Nam cũng đang có một cuộc cách mạng tương đồng nhưng chậm hơn 50 năm so với Pháp. Các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Mã Lai đã có cách mạng xã hội trước chúng ta (tỷ lệ sinh đẻ ở hai nước Singapore và Thái Lan giảm trước Việt Nam một chút, Mã Lai thì giảm cùng thời với Việt Nam ; tỷ lệ giáo dục đại học tăng mạnh trong những năm 50-60) nhưng vẫn chưa có những biến động chính trị thực sự đáng kể.

Di chuyển lên phía Bắc, ta thấy ở Trung Quốc một cảnh tượng gần như là rùng rợn về một xã hội đập phá các giá trị Khổng giáo, nhưng lại củng cố một chế độ độc tài tương tự và chìm đắm, hoặc vào chủ nghĩa hư vô, hoặc vào chủ nghĩa quốc gia, nhưng hoàn toàn không có viễn cảnh dân chủ trong tương lai. Dù sao thì giải phóng về mặt chính trị cần là một hành động tự nguyện có ý thức. Chẳng ai thực sự muốn cuộc cách mạng xã hội ở Việt Nam. Đơn giản là nó tự xảy ra như một sự ngẫu nhiên may mắn của lịch sử. Để cho một cuộc cách mạng chính trị nổ ra, sẽ cần phải xuất hiện tầng lớp trí thức chính trị có trách nhiệm, dám đấu tranh chính trị, và giành được sự ủng hộ của quần chúng. Chúng ta đã nói đến vai trò của giáo dục quần chúng trong cuộc cách mạng xã hội. Thành phần mới có trình độ đại học này có thể sẽ là động lực của một cuộc thay đổi chính trị, đặc biệt nếu như trong số họ có nhiều người bất mãn, kiếm tìm công lý. Cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập đã nổ ra như vậy và đã nảy sinh ra nhiều hy vọng cho một Mùa Xuân Việt Nam. Tôi không thực sự tin rằng tự do xã hội mới ở Việt Nam có thể giúp xây dựng đất nước ; thay vào đó, nó làm xói mòn nền tảng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn đã chật vật để khẳng định mình trước cuộc cách mạng xã hội.

Hậu quả thấy rõ trước được của cuộc cách mạng xã hội này là vấn đề dân số, nó cũng đặt ra một câu hỏi cho tương lai trung hạn của nước ta. Trước đây, người trẻ chăm sóc người già ở ngay trong gia đình, anh chị em giúp đỡ lẫn nhau. Mối liên hệ này giải thích tại sao không có hoặc ít có những viện dưỡng lão và cũng ít có người vô gia cư ở Việt Nam so với các nước khác (tương phản rõ rệt giữa Sài Gòn và Manila). Trước đây rất dễ có được một người anh em tận tụy để chăm sóc cha mẹ già trong một gia đình năm anh em. Bây giờ việc này trở nên khó khăn hơn nhiều khi trong nhà chỉ có một người con có thể đã không sống cùng cha mẹ từ năm 18 tuổi. Phương Tây không cần hệ thống tương trợ này vì họ ít nhiều có khả năng tài chính hỗ trợ người già. Đối với Việt Nam, vấn đề đặt ra là liệu những hình thức tương trợ mới, thuộc nhà nước hoặc tư nhân, có hình thành đủ để nhanh chóng thay thế các hình thức tương trợ trước đây hay không. Nhân dân Việt Nam đang già đi rất nhanh và đang sống gấp trong một cuộc cách mạng xã hội chưa từng có. Đây có thể là trái bom nổ chậm của đất nước ta.

- 0 -

Chương 5

Tầng lớp trung lưu

(tháng 6/2019)

mailinh7

 

Huyền thoại và thực trạng của tầng lớp trung lưu Việt Nam. Tầng lớp trung lưu, tài sản và bất bình đẳng. Tầng lớp này làm thay đổi những gì ? Tại sao tầng lớp trung lưu có ít ảnh hưởng chính trị ?

Huyền thoại và thực trạng của tầng lớp trung lưu Việt Nam : một nhóm nhỏ

Tầng lớp trung lưu mà nhiều người cho rằng đang trỗi dậy ở Việt Nam là những ai ? Nói một cách đơn giản đó là những người có thu nhập thừa ăn, có một ít tiền để giải trí và hưởng thụ và bắt đầu có được một tài sản nhỏ. Những thu nhập này có thể có từ việc làm, hoặc từ vốn (vì người ta có thể coi tầng lớp trung lưu là những tầng lớp đầu tiên có thu nhập từ tài sản). Tất nhiên là không có giới hạn rõ ràng để xác định thu nhập của tầng lớp trung lưu. Nhưng chúng ta có thể nói kiếm được 25-50 triệu đồng/tháng (1000 - 2000 USD) mỗi người hay 100 triệu/tháng (4000 USD) cho một hộ gia đình bốn người là có thể nằm trong tầng lớp trung lưu. Bởi vì với mức thu nhập này thì ở Việt Nam, người ta có thể có mức sống so sánh được với mức của tầng lớp trung lưu ở các nước khác. Mã Lai và Trung Quốc có GDP/đầu người gần 250 triệu đồng/năm (10.000 đô la mỹ/năm), được xếp vào các nước có thu nhập trung bình (hai nước này còn có một tầng lớp mới đang xuất hiện với thu nhập 5000 USD cho mỗi hộ gia đình hay 125 triệu/tháng).

Tầng lớp trung lưu này hiện nay chưa có hoặc rất ít ở Việt Nam, bởi vì hiện nay rất ít người có mức lương như vậy. Thu nhập bình quân vẫn rất thấp, quá thấp ngay cả khi đôi lúc chúng ta bị đánh lừa bởi sự phát triển nhanh chóng của các thành phố lớn. Năm 2019, thu nhập bình quân mỗi tháng vẫn ở khoảng 5 triệu đồng (200 USD) trên toàn quốc, ở nông thôn thì chỉ nhỉnh hơn 2,5 triệu đồng, ở các thành phố lớn hơn thì có thể tầm 10 triệu đồng. Đương nhiên có người kiếm được nhiều hơn (và bất hạnh thay có người ít hơn) bởi vì đây chỉ là bình quân. Nhưng con số này cho ta ý tưởng về khoảng cách giữa Việt Nam và một nước thu nhập trung bình vào năm 2019.

Các con số ước tính cho thấy thu nhập ở Sài Gòn cũng khiêm tốn, chưa tới 20% dân Sài Gòn kiếm được hơn 25 triệu đồng (1000 USD) mỗi tháng. Ở Hà Nội, con số này còn ít hơn và tính trên cả nước thì tỷ lệ này chỉ từ 5 đến 10%. Các số liệu thống kê có thể thay đổi đôi chút tùy theo nguồn, nhưng đó là các số liệu đã được các viện nghiên cứu – như Nielson, Fitch hay Euromonitor – ước tính cho Việt Nam. Tất nhiên là tỷ lệ này có thể sẽ tăng nhanh trong những năm tới vì việc làm có mức lương cao sẽ có nhiều hơn trong một nền kinh tế cần đến các cán bộ, kỹ thuật viên hay kỹ sư. Mức lương cao hơn sẽ giúp phạm vi lương của chúng ta dần dần tiếp cận mức lương của các nước phát triển hơn. Ở các nước đó, so với nước ta, tầng lớp trung lưu (thu nhập hơn 25 triệu đồng/tháng/người) chiếm 15-20% ở Thái Lan, 30% ở Trung Quốc, 40% ở Mã Lai.

Vẫn theo các con số ước tính, ở Việt Nam, tầng lớp này có thể đạt 10-20% dân số vào năm 2025 và biết đâu có thể vượt 25% vào năm 2030. Mười năm nữa, Việt Nam sẽ có triển vọng nằm trong số các nước có thu nhập trung bình, với khoảng trên dưới 30 triệu người lọt vào tầng lớp trung lưu, có thể bắt đầu cuộc sống thoải mái, có tiền để dành, để giải trí, ngoài những chi phí ăn uống hàng ngày. Đó là một bước tiến hoàn toàn tự nhiên đối với Việt Nam, nếu đất nước vẫn đảm bảo được tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm trong vòng 10 năm tới. Một câu hỏi đáng đặt ra là tỷ lệ những lớp người có thu nhập thấp, trung bình và cao là sẽ như thế nào ? Nói cách khác, kết quả của tăng trưởng sẽ được phân chia ra sao ?

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam và tài sản

Trước hết cần nhắc lại vài điều về sự phân chia tài sản ở Việt Nam. Hiện tại tôi không có cơ sở hay nguồn số liệu hoặc một nghiên cứu nào có thể cho biết hiện trạng tài sản ở Việt Nam. Có thể là vì ở đây chưa có số liệu minh bạch về bất động sản và vẫn chưa có quyền sở hữu đất để có thể đánh giá được tài sản cá nhân. Dù sao đi nữa đây cũng là một bài toán khó ngay cả đối với các nền kinh tế phát triển hơn, như Thomas Piketty đã nhắc tới trong tác phẩm đồ sộ của ông, tác phẩm "Tài sản trong thế kỷ 21" (Capital in the 21st century), đồ sộ theo nghĩa đen vì cuốn sách này hơn 1000 trang. Piketty dù sao cũng đưa ra một vài nguyên tắc mà tôi đề nghị áp dụng cho Việt Nam vì không có chỉ tiêu nào tốt hơn. Chỉ tiêu thứ nhất là toàn bộ tài sản của một đất nước, kể cả nhà nước và tư nhân tương đương với khoảng 6 hoặc 7 lần lượng của cải vật chất, dịch vụ được tạo ra trong một năm của nước đó. Nói tóm lại là tổng tài sản bằng từ 6 tới 7 lần GDP. Con số này có thể hơi thấp hơn đối với các nền kinh tế trẻ hoặc nghèo như trường hợp của Hoa Kỳ ở thế kỷ 19 hoặc Châu Âu sau khi bị Thế Chiến 2 tàn phá. Nó có thể hơi cao hơn đối với các nước mà ở đó các tầng lớp xã hội được hình thành từ lâu đời hơn (trường hợp Pháp, Anh cuối thế kỷ 19). Mọi người có thể đọc các phần đầu của cuốn "Tài sản trong thế kỷ 21" để biết thêm chi tiết về vấn đề này. Sử dụng cách tính này ta có thể kết luận rằng trung bình mỗi người Việt Nam có tài sản khoảng 300 đến 400 triệu đồng vì GDP/người của Việt Nam hiện nay là 50-60 triệu đồng. Chúng ta liên hệ con số này vào hộ gia đình Việt Nam, cứ cho rằng mỗi hộ có bốn người, chúng ta có con số tài sản trung bình mỗi hộ là khoảng 1.400 triệu đồng. Vẫn theo Piketty và công trình nghiên cứu của ông, 20% tài sản này là thuộc về tài sản công. Như vậy để có số tài sản ròng của một hộ tư nhân thì phải trừ đi 20%. Kết quả chúng ta có con số là khoảng một tỷ đồng. Cho đến nay tôi vẫn chưa có một con số ước tính nào tốt hơn cách tính khó khăn và cơ bản này.

Rõ ràng đây là trung bình số học không chính xác vì tài sản được phân phối rất không đồng đều (đây cũng là trọng tâm của công trình nghiên cứu của Piketty). Chúng ta phải dùng nhiều phỏng đoán và giả thiết vì thiếu dữ liệu đáng tin cậy để lý luận đúng hơn. Ở nước Pháp ngày nay, phân bổ về sở hữu tài sản là như sau (vẫn theo Piketty, nhà kinh tế học duy nhất đã nghiên cứu sâu vấn đề này qua các số liệu thống kê dài hạn) : 10% những người giàu nhất chiếm giữ khoảng 50% tài sản, tầng lớp trung lưu chiếm 40% dân số giữ 40% tài sản, trong khi 50% dân số còn lại chỉ giữ 10% tài sản. Nói một cách cụ thể hơn, điều đó có nghĩa là nhóm giàu nhất (10% hộ gia đình giàu nhất) chiếm giữ một lượng tài sản lớn, dưới nhiều dạng khác nhau, các tích sản mang lại nhiều tiền lãi hàng tháng và các khoản thu nhập từ vốn. Tầng lớp trung lưu cao chiếm giữ tài sản nhỏ hơn thường dưới dạng mua bất động sản trả dần đến giữa hoặc cuối đời. Cuối cùng là tầng lớp gọi là bình dân 50% bên dưới, chỉ có những tài sản nhỏ (xe ô tô, đồ dùng gia đình, vật dụng và gia sản nhỏ khác), chẳng đủ để có thể gọi là thực sự có một tài sản. Sự phân chia tài sản rất khác nhau. Nước Pháp hiện nay và từ nửa thế kỷ 20 là một trong những dân tộc bình đẳng nhất của nhân loại. Nhưng Piketty cũng nhắc lại cho chúng ta biết là nước Pháp đã không có bình đẳng cho đến cuối thế kỷ 19. Bất chấp những gì mà người ta có thể tin, nước Pháp lúc đó còn bất bình đẳng hơn cả thời trước cách mạng. Ở nước Pháp lúc đó, cũng như ở nhiều nước nghèo khác, đại đa số quần chúng chẳng có gì hết, chỉ có một nhóm người 10% giàu nhất, gồm quý tộc, quan chức, tư sản, vương hầu mới có tài sản.

Tài sản được phân chia như thế nào ở Việt Nam năm 2019 ? Người ta có thể dựa vào các số liệu thống kê của Pháp thế kỷ 19 để đưa ra một số giả thuyết. Chắc chắn là ở Việt Nam chưa có tầng lớp trung lưu lớn mạnh (theo nghĩa của 40% chiếm giữ một số tài sản). Ở Việt Nam hiện nay khoảng 10% những người giàu nhất chiếm 80-90% tài sản và phần lớn (90% dân còn lại) chiếm giữ dưới 20% tổng tài sản. Theo giả thuyết này, nhóm giàu của Việt Nam (10% các hộ giàu nhất tức là khoảng 2 hoặc 2,5 triệu hộ) có khoảng 8-10 tỷ đồng (350.000 – 400.000 USD), trong khi tài sản của số 90% còn lại (gần 20 triệu hộ) chỉ dưới 10.000 USD (nhà nhỏ ở quê, một phần nhà của nhiều thế hệ trên một mảnh đất được thừa kế, xe máy, xe đạp, tivi và máy móc gia đình). Tất nhiên sự phân định như vậy chỉ có tính minh họa ; trong những nhóm khác nhau, có thể phân bổ nhỏ hơn nữa (Piketty nói rằng cần phải phân nhóm giàu thành hai nhóm siêu giàu 1% và nhóm còn lại 9%). Có thể là ở Việt Nam hiện nay hiện trạng thực tế cũng gần với tình trạng được mô tả trên đây về một thiểu số 2,5 triệu hộ chiếm gần như toàn bộ tài sản tư hữu, đại đa số còn lại chỉ có những tài sản vụn vặt. Tình trạng này rất giống với tình trạng của nhiều nước đang trên đà phát triển, ở đó tầng lớp trung lưu còn rất nhỏ.

Theo tôi có hai yếu tố cơ bản khi nghĩ về vấn đề tài sản ở Việt Nam.

Yếu tố thứ nhất có thể gây rất ngạc nhiên, đặc biệt là ở trong hoàn cảnh hậu cộng sản. Việt Nam là một đất nước về bản chất là ít bất bình đẳng, ít nhất là so với các nước khác trong vùng. Không thấy có mức độ bất bình đẳng như ở các nước như Philippines, hay Thái Lan. Điều này một phần do bản sắc của đất nước từ xưa đã khá đồng nhất và bình đẳng.

Yếu tố thứ hai làm thay đổi nhận xét đầu tiên này. Nước Việt Nam hiện đại được hình thành sau cuộc nội chiến. Piketty nhắc nhở chúng ta rằng đặc điểm của chiến tranh là nó tạo ra một sự tái phân phối tài sản ở quy mô khổng lồ, nó phá hủy một phần và phân phối lại một phần. Trường hợp của Việt Nam là một cuộc nội chiến. Chiến tranh kết thúc, bên thắng cuộc chiếm một phần tài sản của bên thua cuộc. Cái rõ nhất là sự cưỡng đoạt tài sản, nhà cửa, phương tiện sản xuất -nhà máy hoặc các tài sản công nghiệp- của các chủ sở hữu cũ ở miền Nam và giành nó cho các gia đình miền Bắc. Tất nhiên là không thể biết chính xác chiến tranh đã phân phối lại tài sản như thế nào và cũng chẳng biết được là chiến tranh đã tập trung được bao nhiêu tài sản vào tay bao nhiêu người. Tội ác ban đầu này vả lại cũng sẽ không bị trừng trị. Lý do chính là kho báu chiến tranh này được chuyển cho thế hệ sau của các gia đình đó và người ta không thể truy tố thế hệ thứ hai này vì những tội mà thế hệ đầu đã phạm. Để sang trang và tiến lên cần phải chấp nhận sự phân phối lại tài sản sau cuộc chiến này như một sự đã rồi. Hãy nhớ những gì Rousseau đã nói là sở hữu tư nhân, trong bản chất, đã bắt đầu cùng với sự bất công.

Tầng lớp trung lưu, tài sản và bất bình đẳng

Câu hỏi thực sự sẽ là câu hỏi ngày mai, của cải vật chất sẽ được phân bổ như thế nào cho các gia đình Việt Nam ? Nếu hôm nay tài sản đó ở mức khoảng một tỷ đồng thì con số đó sẽ được nhân đôi trong 10 năm tới, để có thể đạt tới hai tỷ đồng (giả thiết là tài sản tăng nhanh hơn kinh tế và người Việt Nam có lương cao hơn sẽ tiết kiệm nhiều hơn trước đây). Ngày mai ai sẽ giàu hơn ? Đại đa số dân nghèo sẽ giàu hơn hay là nhóm giàu nhất lại càng giàu thêm ? Một tầng lớp trung lưu thực sự sẽ ra đời, khi xuất hiện một nhóm mới nằm giữa nhóm 10% giàu nhất và phần còn lại, vượt lên từ nhóm 90% với thu nhập đủ cao để tích lũy một tài sản.

Ta có thể nghĩ đến những kịch bản nào cho Việt Nam 10 năm tới với giả thiết tăng trưởng kinh tế tiếp tục là 6-7%/năm cho đến năm 2030 ? Trước tiên cần ghi nhận là ngay cả trong trường hợp được phân bổ đều nhất, khó có thể có trường hợp tài sản của nhóm giàu nhất tăng chậm hơn kinh tế Việt Nam. Nói chung (vẫn theo luận điểm trọng tâm của Piketty), tài sản bất động sản và tài chính thông thường ít nhất cũng tăng nhanh bằng kinh tế thực.

Theo một kịch bản ít bình đẳng hơn, người ta có thể tưởng tượng ra rằng tầng lớp giàu nhất sẽ chiếm hết phần lớn tài sản mới và những tầng lớp còn lại chỉ được hưởng những miếng vụn của tăng trưởng. Ở hai thái cực đó, chúng ta sẽ có hai kịch bản như sau cho Việt Nam vào năm 2030. Trong trường hợp có sự phân phối tối ưu, tầng lớp giàu nhất 10% dân số ngày nay có 350.000 USD/hộ sẽ có 700.000 USD vào năm 2030 ; trong số 90% dân số còn lại sẽ xuất hiện một tầng lớp trung lưu, 30% dân số, có 60.000 USD tài sản mỗi hộ. Đối với nhóm này, tài sản có thể là bất động sản nhỏ mua trả dần hoặc các khoản tiết kiệm (các sản phẩm tài chính, tiết kiệm ăn lãi). Rõ ràng đây là một con số trung bình không có gì chính xác bởi vì trong nhóm này một số hộ sẽ có lượng tài sản nhiều hơn, khoảng 100.000 USD, những người khác ít hơn. Điều quan trọng là ở đây chúng ta có một nhóm thành đạt nhờ vào công việc đã tạo ra được một khoản tài sản đáng kể. Đối với nhóm này, những người mà tài sản hôm nay gần như không có gì, kịch bản này giúp họ kiếm được đủ tiền để có thể để dành dụm được trung bình 60.000 USD, nghĩa là 6.000 USD mỗi năm. Khối 60% dân số còn lại sẽ có mức lương chấp nhận được, đời sống có thể được cải thiện nhưng tài sản vẫn chỉ là một mơ ước. Đây là kịch bản tốt nhất.

Thái cực khác, một thái cực của sự phân chia không cân bằng, sẽ như sau : nhóm 10% giàu nhất sẽ hưởng gần như toàn bộ kết quả của tăng trưởng. Như vậy có thể xuất hiện nhóm 10% kế tiếp (vì dù sao nền kinh tế Việt Nam vẫn cần nhân công chất lượng cao, do đó làm gia tăng số người thuộc nhóm giàu nhất). Sẽ không có gì thay đổi về tài sản của phần dân số còn lại. Kịch bản năm 2030 này sẽ như sau : tài sản của nhóm 10% giàu nhất sẽ vào khoảng trung bình 700.000 USD/hộ, nhóm 10% tiếp theo là từ 80.000 USD đến 100.000 USD/hộ. Phần còn lại (80% dân số) tài sản không thay đổi, vẫn khoảng 9.000 USD.

Theo kịch bản số một thì bên cạnh nhóm giàu nhất xuất hiện một tầng lớp trung lưu có tài sản ; theo kịch bản thứ hai thì hầu như toàn bộ dân số (80%) chẳng có gì. Gần như toàn bộ tài sản tư nhân tập trung trong tay một nhóm thiểu số đặc quyền đặc lợi. Tất nhiên đối với Việt Nam, chúng ta mong muốn kịch bản số một hơn vì nó công bằng hơn kịch bản số hai. Kịch bản này cũng có nhiều khả năng xảy ra nếu nhìn vào cơ cấu kinh tế hiện nay của nước ta với một phần quan trọng của tăng trưởng kinh tế đến từ các nguồn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Để cung cấp nhân lực cho những lĩnh vực này, cần phải đào tạo ra nhiều nhân lực có chất lượng cao đủ sức thúc đẩy các ngành công nghiệp và họ là những ứng viên cho tầng lớp trung lưu 30%. Ngược lại, nếu nền kinh tế của ta quá phụ thuộc vào tài nguyên -thí dụ khai thác mỏ hoặc dầu khí- hay là một nền kinh tế du lịch thì dự báo của tôi rất không lạc quan. Trong trường hợp kinh tế du lịch, tài sản sẽ tập trung ở những chủ bất động sản hoặc các chủ thầu xây dựng, những người này không cần nhiều lao động chất lượng cao. Chỉ có một nhóm nhỏ được hưởng trọn vẹn sự tăng trưởng. Một ví dụ là Thái Lan, về mặt kinh tế họ giàu hơn Việt Nam, đi trước Việt Nam 10 đến 15 năm, nhưng vì nền kinh tế Thái lan quá lệ thuộc vào du lịch nên đã trở nên cực kì bất bình đẳng.

Tầng lớp trung lưu này sẽ thay đổi Việt Nam như thế nào ?

Xin khởi đầu từ giả thuyết lạc quan là 10 năm nữa sẽ có tầng lớp trung lưu trong số 30% dân số có thu nhập khoảng từ 25 đến 50 triệu đồng (1000 tới 2000 USD) mỗi tháng và bắt đầu có tài sản tích lũy. Họ là tầng lớp mới bắt nguồn từ thành phần nhóm đông nghèo khó hiện nay. Tôi cũng giả sử một cách lạc quan là một phần con cái của giai cấp bình dân ở các tỉnh nghèo khác của Việt Nam mai đây sẽ tới sát tầng lớp trung lưu của thế giới hơn. Dù biết rằng có hơi liều lĩnh, tôi đánh cược vào dự đoán này. Việt Nam đang đứng trước những khúc quanh lớn và tôi hy vọng kịch bản lạc quan nhất sẽ mở ra cho chúng ta. Con số 30% dân số, tức là khoảng 30 triệu người, mà tôi đánh cược rằng sẽ từ khối người nghèo khó ngày hôm nay tiến vào kỷ nguyên tiêu thụ tập thể. Nếu dự đoán này thành hiện thực thì quả thực đó sẽ là một cuộc cách mạng chưa từng có ở Việt Nam vì trước đây chưa bao giờ có một tầng lớp đông đảo như thế có được một mức sống như thế. Đối với thế hệ sinh ra trong thập niên 1980, thế hệ của chính tôi, cuộc sống tựa như một tranh hoạt họa rất nhanh về tăng trưởng kinh tế. Sinh ra trước đổi mới, tuổi thơ của họ đi đôi với nỗi lo sợ đói ăn và suy dinh dưỡng. Dáng người nhỏ bé của chúng ta là một trong những dấu vết của tuổi thơ gian khổ. Việt Nam được giải phóng một ít từ năm 1986. Ở nông thôn, những đứa trẻ của thế hệ 80 là những đứa trẻ đầu tiên chiến thắng cái đói (cuối những năm 90 các tổ chức phi chính phủ chống nghèo đói cùng cực mới rời khỏi Việt Nam). Những người trẻ này cũng là thế hệ đầu tiên được học hành nhiều hơn ở Việt Nam, đối với họ phổ thông trung học và sau đó đại học đã gần như trở thành chuẩn mực. Họ là những người trẻ đầu tiên có học thức hơn hẳn cha mẹ.

Đến tuổi trưởng thành, thế hệ này lại làm một cuộc cách mạng khác. Không còn chuyện tiếp tục làm việc ở nông thôn và bắt buộc phải tiếp tục công việc nặng nhọc của cha mẹ như một định mệnh. Lần đầu tiên hàng triệu việc làm mới được tạo ra. Các khu công nghiệp mọc lên khắp nơi, chủ nhân tiềm năng sẽ cần đến nhân lực giá rẻ nhưng cũng sẽ cần cả các kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Đối với họ tiền lương sẽ ở mức giai cấp trung lưu của thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, trong những năm tới, Việt Nam có thể đuổi kịp các dân tộc khác trên thế giới với sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu mới. Giai cấp mới này dường như có thể đưa Việt Nam vững chắc tiến vào thời hiện đại. Tôi đã nói về cách mạng xã hội hiện tại ở Việt Nam, cuộc cách mạng này chủ yếu được thúc đẩy bởi giới trẻ thành thị. Khối 30% này sẽ là một tiếp viện quyết định làm thay đổi hẳn văn hóa truyền thống.

Lớp trung lưu mới này chỉ có ít ảnh hưởng chính trị

Đáng buồn là tôi lại tin rằng sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu này không dẫn đến thay đổi chính trị mong muốn. Cũng có thể có trường hợp ngược lại, sự hình thành tầng lớp trung lưu bị ngăn chặn và chính sự ngăn chặn này tạo ra biến động chính trị. Lịch sử đã dạy cho chúng ta biết rằng tầng lớp trung lưu mới này, đột ngột xuất hiện trong vòng một thế hệ, đã mệt mỏi với quá nhiều đảo lộn để còn muốn dấn thân vào đấu tranh chính trị. Tầng lớp trung lưu mới này dù sao cũng là những người hưởng lợi nhiều nhất nên không có lý do để bất mãn. Dù vẫn sáng suốt và phê phán chế độ, họ ý thức rằng mình có thể mất đi những gì vừa có được. Người ta thường nói là giai cấp trung lưu ủng hộ cho các đảng chủ trương trật tự. Việt Nam có thể giống như các con rồng nhỏ Châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, với chế độ rất ổn định ở các giai đoạn tăng trưởng), hoặc các con hổ con (thường ổn định chính trị trong các giai đoạn tăng trưởng mạnh và xuất hiện tầng lớp trung lưu), hoặc như Trung Quốc. Trường hợp ngược lại, các cuộc cách mạng Ả Rập hoặc ở Liên Xô cũ cho thấy rằng các cuộc nổi dậy xảy ra khi mà tầng lớp trung lưu bị cản trở xuất hiện, khi mà đội quân có bằng cấp cao không thoát khỏi sự nghèo khổ hay nói một cách khái quát hơn là khi mà hệ thống kinh tế thiếu sự tái phân phối.

Nghịch lý của tầng lớp trung lưu là khi không có tiến bộ kinh tế thì sẽ phát sinh ra bất bình và làm thức tỉnh ý thức chính trị của họ. Khi họ được hưởng (dù ít) thành quả của sự tăng trưởng, thì cuộc sống bận bịu thường ngày làm họ quên đi hoặc họ xa rời các bất mãn chính trị. Cuộc chạy đua trên con đường làm giàu chiếm hết nỗ lực của họ. Vận mệnh của họ trở thành cá nhân hơn, ít có tính quốc gia và cộng đồng. Họ giống như những con ngựa bị bịt mắt, chỉ nhìn thấy phía trước và lao vào một cuộc đua mà không chắc họ nắm bắt được ý nghĩa.

Cách đây vài năm tôi đã đọc một bài báo gây ấn tượng của một bạn trẻ Trung Quốc 30 tuổi trên báo The Economist, một nhân chứng của tầng lớp trung lưu. Anh ta kể về nỗi sầu của anh ta khi bị cuốn hút vào trong cuộc đua làm giàu, một nghĩa vụ của anh ta đối với cha mẹ, những người đã không có cơ hội được đua. Trong cuộc đua này, hạnh phúc gia đình, tiêu dùng, tiện nghi vật chất và tài sản đã chiếm trọn các mối bận tâm của anh ta. Và ở tuổi gần 40, anh ta có vẻ tiếc nuối. Giống như các bạn của mình, anh ta đã bị mất phương hướng trong một cuộc sống không có lý tưởng. Những cá nhân mới này ở Trung Quốc là những con người đơn độc, giàu có nhưng mất phương hướng. Anh ta đã kết luận một cách cay đắng như vậy mặc dù đã được sống trong giai đoạn phát triển mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc. Một định mệnh tương tự cũng có thể, xin nhấn mạnh là chỉ có thể thôi, đang chờ đón giai cấp trung lưu mới của Việt Nam. Sự tăng trưởng quá nhanh sẽ chiếm hết thời gian và cố gắng của họ. Bởi vì họ luôn bị yêu cầu làm việc nhiều hơn. Họ chẳng suy nghĩ gì nhiều, cứ làm việc nhiều hơn, ngày càng nhiều hơn để leo cao hơn trong cuộc đua leo thang xã hội điên dại. Trong cuộc sống bận rộn đó đâu còn thời gian dành cho người đồng bào, tổ quốc. Làm việc và làm giàu là mục tiêu duy nhất.

Đương nhiên là chúng ta muốn cho tầng lớp này xuất hiện. Nhưng nghịch lý thay, sự ra đời của nó lại có thể kìm hãm sự nổi dậy chính trị. Không có tầng lớp này thì một đội quân có bằng đại học sẽ không có viễn cảnh làm việc và làm giàu dù phải vất vả lắm mới tốt nghiệp đại học. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sự nổi loạn. Lịch sử hiện đại đã chỉ ra rằng những người mới được đào tạo này thường hài lòng với một giới hạn tự do chính trị với điều kiện là họ được hưởng một tiện nghi vật chất nhất định. Khế ước xã hội này có vẻ đứng vững nếu chính quyền thực hiện được một chính sách tái phân phối. Tại Trung Quốc, với sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu vùng duyên hải, chủ nghĩa cộng sản đã sống sót hơn 30 năm, kể từ 1989 sau vụ Thiên An Môn. Bắc Phi bất bình đẳng hơn nên chỉ một tia lửa nhỏ đã có thể gây ra bạo loạn (một thanh niên bán hàng rong tự thiêu tại Tunisia năm 2010 đã làm nổ ra cách mạng Mùa Xuân Ả Rập). Cách mạng có thể xảy ra ở Việt Nam, nhưng có lẽ không đến từ tầng lớp trung lưu, nếu họ có thể làm giàu.

- 0 -

Chương 6

Hậu cộng sản, chế độ đặc quyền và chế độ độc tài

(tháng 02/2020)

 

mailinh8

Cái chết của chủ nghĩa cộng sản. Sự ra đời của chế độ đặc quyền. Từ chuyên chính vô sản đến chuyên chính tư sản đỏ. Bóng ma Trung Quốc, Nga và Đông Âu.

Về cái chết của chủ nghĩa cộng sản

Chủ nghĩa cộng sản đã chết ở Việt Nam khi nào ? Không ai biết. Khó có thể xác định ngày mà ý thức hệ cộng sản đã phân hoại tại Việt Nam. Một số người lập luận rằng ngày nay nó vẫn còn sống bởi vì bề ngoài nó vẫn đang lãnh đạo đất nước. Có thể họ có lý (ít ra đây cũng có thể là chủ đề để tranh luận), nhưng chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam cũng giống như một tộc trưởng rất già, ốm yếu liệt giường, trên hình thức thì vẫn lãnh đạo một cách chính thức, nhưng trên thực tế thì đã không còn quản lý được gì từ lâu. Sự kiện này ai cũng biết nhưng không nói ra. Sự trị vì của nó ngắn ngủi : nó đã mất hơn 30 năm chiến tranh (từ 1945 khi bắt đầu chiến tranh Đông Dương chống Pháp đến 1975 khi miền Bắc đánh bại hoàn toàn miền Nam) để ngự trị trên toàn lãnh thổ, nhưng rồi không cần nhiều thời gian, nó nhanh chóng đi vào giai đoạn phân hủy không thể tránh khỏi. Đối với Việt Nam, cái chết của chủ nghĩa cộng sản có ý nghĩa gì ? Đương nhiên không phải là sự kết thúc của chế độ độc tài mà chủ yếu là sự kết thúc của một ý thức hệ. Trong thời gian chiến tranh lạnh, người Việt Nam không phải là những nhà cách mạng nhiệt thành nhất và những ý tưởng cộng sản thuần túy chưa bao giờ ngự trị ở đây như là tại một số đất nước khác. Có thể điều này giải thích cái chết nhanh chóng của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Người ta đã hết tin vào những huyền thoại Mác Lê-nin ngay từ 1986, chỉ 11 năm sau ngày thống nhất đất nước. Các trại cải tạo may mắn nhờ đó đã được đóng cửa gần hết từ đầu những năm 1990. Đương nhiên vẫn còn nhiều người đối lập bị bỏ tù nhưng những tội ác ghê rợn trong những trại tù cải tạo, kể cả những vụ hành quyết, may mắn thay không còn nữa. Huyền thoại "xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa" đã tiêu tan, dù có lúc nó đã từng tồn tại tại Việt Nam.

Ai giết chết ý thức hệ cộng sản ở Việt Nam ? Có lẽ là cả nước Việt Nam, cả Bắc lẫn Nam, cùng với những người lãnh đạo không còn lý do nào để tiếp tục một huyền thoại đã sụp đổ trong lòng người. Sau chiến thắng, cả quân và dân miền Bắc phát hiện ra rằng họ đã bị mắc lừa. Họ đã chiến đấu không phải để giải phóng những kẻ chết đói miền Nam, ngược lại sự giàu có của Sài Gòn lại chứng tỏ chính họ mới là kẻ chết đói, là những kẻ bị lừa bịp và bị hy sinh bởi những lời dối trá. Hãy đọc Bảo Ninh, Huy Đức hay Bùi Tín để thấu hiểu cái chết của chủ nghĩa cộng sản trong chính những con người đã cầm súng chiến đấu dũng cảm vì nó trong chiến tranh. Sau thất bại, đương nhiên là miền Nam bị khuất phục, nhưng Sài Gòn, sau năm 1986, đã nhanh chóng lấy lại nhịp sống trước năm 75. Ngày nay chỉ còn viện bảo tàng chiến tranh và cái tên thành phố - cái tên đã bị thay đổi một cách ghê sợ - làm người ta nhớ lại rằng dân chúng đã trải qua một thời cộng sản ngắn ngủi. Chủ nghĩa cộng sản ở miền Nam cũng mờ nhạt như ảnh ông Hồ mà dân miền Nam bị buộc phải treo trong nhà sau chiến tranh. Được treo lên một cách miễn cưỡng, ảnh Bác Hồ bị âm thầm gỡ bỏ từ đầu những năm 90. Tôi vẫn còn nhớ đã nhìn thấy những tấm ảnh kỳ cục này ở nhà bà ngoại tôi trong lần đầu về nước năm 92. Ảnh được treo lên dù không ai muốn. Đến lần thứ hai tôi về vào năm 94, nó đã được bỏ đi không biết từ lúc nào và vất đi đâu. Ngày nay ngoài người Việt Nam, còn ai biết đến tên tuổi các nhà lãnh đạo Việt Nam từ khi Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn chết ? Hình như chẳng có ai. Tôi chưa gặp được ai biết tên các vị này, ngoại trừ một vài trường hợp họa hiếm cộng đồng Việt Nam tại Pháp. Lý do là vì sau chiến tranh các lãnh đạo chỉ là những con người không tầm vóc, những apparatchik. Họ cam chịu hay mong muốn cái chết của ý thức hệ cộng sản ? Có lẽ cả hai. Những con người của bộ máy này chẳng còn hơi sức nào để nuôi sống cái ý thức hệ đã trở thành nhàm chán trong lòng quần chúng.

Cái chết của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam thể hiện điều gì vào năm 2020 ? Đó là một chính quyền vẫn tự xưng là cộng sản, độc quyền cai trị đất nước, nhưng lại mất hết chất liệu ý thức hệ hoặc nhiệt tình cách mạng trước đây, cái đã đưa họ lên nắm chính quyền và giúp họ chiến thắng hai cuộc chiến liên tiếp (bốn nếu tính cả cuộc chiến cuối cùng năm 79 ở Campuchia và chống Trung Quốc tấn công Việt Nam năm đó). Đó là từ nay họ độc quyền cai trị một đất nước đang trên đà phát triển mạnh mà không có tư tưởng chính trị. Phương hướng nào, mục tiêu nào, tầm nhìn nào dẫn dắt các nhà chính trị này ? Thật khó nói bởi vì từ khi lãnh tụ chết, những người kế vị dường như chỉ lái tàu bằng mắt thường. Ông Hồ đã chết, từ đó Việt Nam không còn cha già dân tộc nữa, chỉ còn những "quan nhiếp chính" mờ nhạt nối tiếp nhau. Dân đen từ nay phải tự trưởng thành không còn bóng dáng phù hộ của lãnh tụ kính yêu nào.

Sự ra đời của hệ thống đặc quyền

Sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản ảnh hưởng gì đến nước ta ? Trước tiên là phải tư nhân hóa một phần những gì của nhà nước. Cái chết của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam -cũng như ở những nước khác- đi liền với một chương trình giải tư rộng lớn, chương trình này đã được bắt đầu từ năm 1986 và vẫn được tiếp tục hiện nay, năm 2020 (chính phủ có một kế hoạch chi tiết về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước). Đây là lúc xuất hiện những đám kền kền chực chờ chộp lấy các thương vụ giải tư béo bở trên đất cộng sản. Ở Việt Nam, nguyên liệu, năng lượng, dầu hỏa và khí đốt vẫn còn được bảo vệ và nằm ngoài tầm của đám kền kền. Đó thực sự là điều may mắn. Ngược lại, đất là chiến lợi phẩm mà đám kền kền tranh nhau chia chác.

Đất ở Việt Nam trên danh nghĩa là của toàn dân, nghĩa là của Nhà nước và cũng nghĩa là chẳng của ai. Đất nước phát triển cần nhiều dự án xây dựng bất động sản mới ở các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại. Ở Việt Nam, chính quyền trung ương và địa phương quyết định việc sử dụng đất. Vậy muốn có tiền là phải giành được những đất nông nghiệp giá sắp tăng vọt vì sắp trở thành các khu công nghiệp, đô thị hoặc thương nghiệp. Chẳng khó khăn gì để thấy được lợi nhuận từ những mảnh đất này đối với các nhà đầu tư bất động sản. Nó đã làm nên tài sản kếch xù cho các đại gia bất động sản Vingroup, Sungroup, FLC hoặc Novaland, những tập đoàn đang chiến đấu để giành giật các lô đất. Ở Việt Nam cũng như ở các nước hậu cộng sản, quá trình tư nhân hóa đã sản sinh ra một thế hệ đầu sỏ kinh tế, những người làm giàu vô trách nhiệm, thiếu danh dự, đạo đức và cả sự minh bạch. Sự xuất hiện những nhà tư bản đỏ này đánh dấu cái chết của ý thức hệ cộng sản, mở màn cho một kỷ nguyên đục nước béo cò của những phe cánh lợi ích. Chủ nghĩa ưu đãi có nghĩa gì theo phiên bản Việt Nam ? Nó có nghĩa là vừa từ bỏ kinh tế cộng sản, người ta đột ngột nhảy sang chủ nghĩa tư bản hoang dại, ở đó tư nhân hóa tạo ra một nền kinh tế rất lộn xộn, ở đó người ta gây dựng mạng lưới móc ngoặc, tạo quan hệ và buôn bán ảnh hưởng. Như giành giật một mảnh đất mới đang là đất nông nghiệp để làm một khu bất động sản mới. Tài năng ở đây là có nhiều quan hệ hoặc mạng lưới hối lộ, hối mại quyền thế để luồn lách xin giấy phép cho các dự án. Quy trình cấp giấy phép những dự án bất động sản thường vòng vèo, tốn kém sức lực và thời gian, thiếu minh bạch và đầy tham nhũng (Transparency International xếp hạng Việt Nam vào cuối bảng, từ 100 đến 120, theo thứ tự tham nhũng từ ít tới nhiều). Lính mới không thể nào chen chân vào những thị trường "nước đục" này. Bất động sản chỉ là bề nổi, bộ mặt thấy rõ nhất của thứ chủ nghĩa tư bản gian manh này, và việc cấp giấy phép doanh nghiệp đồng nghĩa với việc chia chác ân sủng giữa những người trong cuộc. Một vài ví dụ : trong lĩnh vực ngân hàng, hơn 30 giấy phép đã được chia chác như vậy cho các doanh nhân giàu có chủ yếu ở miền Bắc. Trong vận tải hàng không cũng vậy, nhiều giấy phép đã được cấp một cách bí ẩn, đầu tiên cho Vietjet, rồi Bamboo Airways, cả hai đều là những tập đoàn gia đình khổng lồ kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhờ có mạng lưới quan hệ mạnh.

Trò chơi mờ ám về giấy phép gần như là dành riêng cho các tập đoàn lớn do một ngẫu nhiên kỳ lạ đều được thành lập bởi những đại gia miền Bắc thân thuộc của Đảng, khởi nghiệp tại Đông Âu. Các sáng lập viên của các tập đoàn bất động sản hoặc các lãnh đạo tập đoàn công nghiệp lớn mới giàu lên đều thuộc giới quý tộc này. Họ thường cùng thế hệ, cùng dính dáng tới Đảng, cùng một lộ trình và đều kiếm được những triệu đô la đầu tiên một cách mờ ám. Người thì làm giàu bằng mì gói, nói một cách chính thức, nhưng thực tế thì buôn lậu vũ khí, mua với giá rẻ rồi về bán với giá đắt như vàng cho chính quyền Việt Nam. Kẻ thì buôn bán máy vi tính, máy fax và máy in ở Đông Âu để kiếm bạc triệu trước khi về nước và được các giấy phép kinh doanh trong các lãnh vực ngân hàng, bất động sản hay hàng không. Tư doanh đã được chấp nhận ở Việt Nam nhưng vẫn chỉ là một vùng săn bắn đặc quyền của vài người có diễm phúc trong những giờ đầu của kinh tế tư bản sơ sinh.

Daron Acemoglu mở đầu cuốn "Vì sao nhiều quốc gia đã bại vong ?" (Why nations fails ?), bằng cách mô tả rất sinh động về số phận của hai thành phố cùng tên Loganes ở bang Arizona của Mỹ và ở tỉnh Sonova của Mexico. Tại một thành phố làm ăn kinh doanh có luật lệ rõ ràng, tài năng của doanh nhân quyết định thành công. Thông thường các chủ doanh nghiệp thành công ở Hoa Kỳ cũng có thể mở rộng hoạt động ra nước ngoài, tài kinh doanh của họ không có biên giới. Ở thành phố bên kia biên giới thì tài năng là không đủ, thậm chí chỉ là yếu tố phụ, là trò cười, bởi vì các hối mại quyền thế mới là thiết yếu. Ví dụ nổi bật nhất là Carlos Slim, đại gia cực giàu đứng đầu công ty truyền thông lớn nhất Mexico -có lúc đã từng là người giàu nhất thế giới- đã không thể xuất khẩu "tài năng" của mình sang bên kia biên giới, sang Hoa Kỳ bởi vì bên đó, Slim không có quan hệ quyền lực như ở Mexico. Những đầu sỏ mới của Việt Nam cũng không xuất khẩu được "tài năng" của họ ra nước ngoài, nơi mà giấy phép kinh doanh không khó như ở Việt Nam nhưng quan hệ của họ lại không nhiều. Ngoài bất động sản, Vingroup đều thất bại thảm hại trên mọi ngành, ô tô, siêu thị, hàng tiêu dùng, giáo dục, bệnh viện, đều lỗ. Cho đến nay không tập đoàn nào thành công ngoài lãnh khổ đất nước Việt Nam.

Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa nhược tiểu và chủ nghĩa hư vô

Lịch sử cận đại của Việt Nam là lịch sử của cuộc di chuyển từ khối các nước cộng sản với tất cả những khuyết tật và đặc tính của nó sang khối các nước nhược tiểu –hay thế giới thứ ba- truyền thống hơn với các khuyết tật và đặc tính khác. Vậy thân phận nhược tiểu của Việt Nam là gì ?

Rất đơn giản là Việt Nam trở thành một nước độc tài nghèo như các nước độc tài khác với cùng những truc trặc, hy vọng và thất bại. Bất hạnh thay, các nước thuộc thế giới thứ ba có chung một số khó khăn khiến họ không theo kịp thế giới phát triển. Rất may cũng có một vài nước thành công và mỗi trường hợp như vậy là một hy vọng cho các nước nhược tiểu khác. Đa số bị sa lầy gần như vô phương cứu chữa, trở thành những đất nước bệnh hoạn, tham nhũng, yếu kém và không thực hiện được ngay cả những sứ mạng cơ bản của một nhà nước. Dù là dân chủ không hiệu quả (Brazil, Ấn Độ, Philippines), hay những chế độ độc tài bạo ngược, sự kiện không có được một nhà nước của chung tất cả, phục vụ toàn dân là tật nguyền chung của thế giới thứ ba. Nhà nước trong thế giới thứ ba phục vụ cho một nhóm nhỏ thống trị toàn bộ dân chúng và chiếm đoạt mọi tài nguyên của đất nước. Tham nhũng ngự trị, có luật pháp nhưng không có bình đẳng trước pháp luật, dù chẳng có chế độ độc tài nào trên thế giới dám ghi rõ trong văn bản rằng vai trò của nhà nước là để cướp bóc.

Việt Nam cũng không tránh khỏi tật nguyền này. Một thiểu số giàu có soán đoạt mọi phương tiện của một nhà nước trung ương trong một đất nước có lịch sử ngàn năm. Tham nhũng trong thuế má (tất cả các doanh nghiệp đều có nhiều hệ thống kế toán để trốn thuế và lúc nào cũng có thể móc ngoặc với thanh tra thuế), tại trường học (học thêm và trả tiền cho thầy để chắc chắn có bằng), tại bệnh viện công (phải trả tiền cho bác sĩ và nhân viên), đó chỉ là một vài ví dụ. Không còn lý tưởng nào từ khi chủ nghĩa cộng sản chết, đất nước rơi vào một dạng của chủ nghĩa hư vô để cho các đặc quyền và tham nhũng mặc sức hoành hành trong đời sống hàng ngày.

Cần phải đọc đi đọc lại Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình và nhà bất đồng chính kiến không may của Trung Quốc hậu cộng sản. Những tác phẩm của ông là biên niên sử Trung Quốc hiện đại. "Triết lý con lợn và các tiểu luận khác" là tuyển tập các tác phẩm mới nhất của ông. Đọc để hiểu được cái chủ nghĩa hư vô hiện đại của các nước hậu cộng sản sau khi mất lý tưởng và trở thành những nước nghèo.

Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất Trung Quốc nói gì với chúng ta ? Rằng Trung Quốc của ông, sau khi Mao chết, chuyển từ thời lý tưởng sang thời quyền lợi cá nhân. Từ triều đại hoàng đế đỏ chói sang thời các tiểu vương công, tân triệu phú hồng nhạt. Rằng các cá nhân, không trừ một ai, từ cao xuống thấp, từ lớn đến bé đều tận dụng quyền lực, quyền hạn và ảnh hưởng của mình cho tư lợi. Triết lý con lợn mới lên ngôi. Lưu Hiểu Ba buồn vì con người sống qua ngày như con lợn chẳng biết đến thế giới bên ngoài, đồng bào, đất nước. Làm giàu, vỗ béo là mục tiêu tối thượng của các cá nhân trong một thể chế độc tài không còn lý tưởng. Đúng là cái vòng luẩn quẩn. Chủ nghĩa vị kỷ cuồng dại ngày càng gặm nhấm tinh thần quốc gia và ý thức cộng đồng cần thiết để ra khỏi sự nghèo khổ của thế giới thứ ba.

Đằng xa kia, bóng ma Trung Quốc, Nga và Đông Âu

Cái chết của chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc (người anh đáng ghét), ở Nga (người anh tạm thời cần có để chống lại Trung Quốc) và ở Đông Âu (nơi nhiều lãnh đạo của đảng đã du học) cho ta một vài kịch bản có thể xảy ra. Giai đoạn cuối của chủ nghĩa cộng sản ở nước Nga dường như là một phiên bản phóng đại và cực đoan đối với Việt Nam hiện đại. Vào năm 1992 dưới thời Yeltsin, giai đoạn cuối của chiến tranh lạnh, nước Nga đã tư nhân hóa một cách hỗn loạn nền kinh tế nhà nước. Cuộc giải tư này đã tạo ra những tài sản kếch xù cho những tên đầu sỏ và một nhóm thiểu số, bỏ lại đa số dân chúng trong cảnh nghèo đói. Tuổi thọ bình quân giảm, lạm phát không thể kiểm soát, bất ổn kinh tế và xã hội đã tạo ra cảm giác một nước Nga đang trên đà phân rã tuyệt vọng sau thời cộng sản. Để biết chi tiết về giai đoạn này, hãy nghe phần trình bày của nhà báo Anh Bridget Kendall, đặc phái viên BBC tại Đông Âu. Nhà báo này đã mô tả sự phá sản khủng khiếp của nước Nga và kéo theo đó là một loạt nước cộng sản láng giềng. Sau thời Yeltsin đến thời Putin. Putin đã tái lập lại một nhà nước mạnh, sẵn sàng đàn áp một số đầu sỏ và lập lại một ít trật tự trong ngôi nhà Nga. Nhưng trong chiều sâu, nước Nga vẫn không đổi. Putin đã lập lại trật tự nhưng không vì thế mà chấm dứt việc cướp bóc tài nguyên, tài sản quốc gia do một nhóm thiểu số thực hiện. Putin đã tái cấu trúc và tiêu chuẩn hóa một số phương thức. Hiện nay dân Nga có vẻ thích nghi hơn một chút với chế độ tài phiệt này, thay thế cho Liên Bang Xô Viết. Putin đương nhiên được hưởng lợi từ sự tăng giá của dầu mỏ và khí đốt để cải thiện tình trạng tài chính của Nga. Bầu cử tự do về nguyên tắc đang diễn ra, nhưng nếu nước Nga đã lấy lại được một ít trật tự thì nước Nga năm 2020 vẫn chưa thành công trong việc chuyển tiếp sang nền dân chủ kiểu phương Tây. Nước Nga vẫn là một trong những nước bất bình đẳng nhất thế giới, khi mà đại đa số vẫn còn nghèo, sức mua ít được cải thiện. Đến năm 2020, sự sống còn của nước Nga vẫn tùy thuộc sự lên xuống của giá nhiên liệu ; kinh tế vẫn bấp bênh và phục vụ cho đám đầu sỏ nắm quyền. Nước Nga hậu Putin sẽ ra sao ? Không thể biết, nhưng nguy cơ xuất hiện một Yeltsin thứ hai không phải không có. Tóm lại nước Nga đã chuyển từ một nước cộng sản sang một đế quốc độc tài, vẫn nghèo, sống nhờ xuất khẩu tài nguyên.

Trung Quốc lại đi một con đường hơi khác, ít xáo trộn hơn trong thời hậu cộng sản. Ở đó người ta vẫn làm đẹp cái xác chết và mỗi người vẫn tiếp tục ra vẻ tin rằng chủ nghĩa cộng sản vẫn sống. Tại Trung Quốc đảng cộng sản đã sống sót, không phải nhờ vào tư tưởng cộng sản, mà bằng cách thay vào đó một chủ nghĩa phát xít mới hợp thời. Nhà nước vẫn kiểm soát chặt chẽ nhân dân. Trung Quốc đã thiết lập một cấu trúc giám sát, theo dõi chưa từng có trong thời cách mạng kỹ thuật số. Họ tiếp nhận hoàn toàn các tiêu chuẩn kinh tế tư bản khi các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các doanh nhân cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ quốc tế trên thị trường thế giới. Nhờ có khu vực tư nhân rất sáng tạo, nhờ có các doanh nhân rất táo bạo, nhờ có một nhà nước coi ngành trí tuệ nhân tạo như một con ngựa chiến, khả năng cạnh tranh trong ngành trí tuệ nhân tạo với người khổng lồ Mỹ chứng tỏ rằng Trung Quốc của thế kỷ 21 là một cường quốc kinh tế hoàn toàn đoạn tuyệt với giai đoạn cộng sản Mao-ít. Điểm chung với nước Nga hậu cộng sản là xuất hiện một giai cấp cực giàu và các tỷ phú mới, một sự lên ngôi khó tưởng tượng được trong một xã hội bất công. Cái khác cơ bản với nước Nga láng giềng là từ thời Đặng Tiểu Bình và từ thời chủ nghĩa cộng sản chết, đảng vẫn kiểm soát sự phát triển của đất nước, vẫn độc quyền quản lý vận mệnh của quốc gia. Từ khi Trung Quốc trở thành cường quốc trên thế giới dưới bóng của đảng cộng sản, chủ nghĩa quốc gia bành trướng đã tái sinh. Một thứ chủ nghĩa quốc gia không có quốc gia như Lưu Hiểu Ba nói : "ở Trung Quốc hiện đại, người ta thích ca ngợi tính ưu việt của nền văn minh nghìn năm Trung Hoa, của mô hình Trung Quốc, của đảng cộng sản, nhưng người ta lại chạy sang Mỹ sống ngay khi có cơ hội". Nói tóm lại, dường như Trung Quốc chuyển trực tiếp từ chủ nghĩa cộng sản sang chủ nghĩa tân phát xít hiện đại.

Còn các nước Đông Âu ? Hãy thử nhìn trường hợp các nước Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Cộng hòa Slovakia. Vận mệnh bốn nước này đương nhiên khác nhau nhưng có một số điểm chung cần phải nói đến. Trước tiên các nước này chẳng bao giờ thực sự là cộng sản. Tại đây chủ nghĩa cộng sản bị nước Nga áp đặt và thường bị nhân dân phản đối (Mùa Xuân Praha hay những cuộc nổi dậy năm 1956 ở Hungary). Ở các nước này, sự chuyển tiếp sang nền dân chủ kiểu phương Tây chỉ diễn ra trong vài năm, cứ như là giai đoạn cộng sản chưa từng tồn tại. Nền kinh tế của họ được hưởng lợi từ hiệu ứng lôi kéo từ các nước Châu Âu láng giềng sẵn sàng tiếp đón họ vào Liên Hiệp Châu Âu. Tăng trưởng kinh tế hậu cộng sản của họ phần lớn do đầu tư của các nước Tây Âu và sự di chuyển nhà máy sản xuất sang đây, chủ yếu từ Đức. Nhờ vậy, các nước này đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển một cách ngoạn mục. GDP trên mỗi đầu người của họ vượt khá xa Trung Quốc, từ 13.000 đến 20.000 USD. Con số này đã ổn định từ những năm 2000, tăng trưởng chậm dần, như các nước đã phát triển. Và họ cũng có nhiều chỉ số phát triển tích cực, ít chênh lệch giàu nghèo hơn. Sự di chuyển từ thế giới cộng sản sang thế giới phát triển không gây xáo động.

Số mệnh nào chờ đợi Việt Nam thời hậu cộng sản ? Đó sẽ là sự pha trộn cả ba lộ trình trên. Văn hóa Việt Nam và cái chết không khai báo của chủ nghĩa cộng sản sẽ đưa Việt Nam vào con đường tương tự như đàn anh Trung Quốc. Sự lộn xộn hay hệ thống đặc quyền hậu cộng sản ở Việt Nam gợi nhớ một chút đến nước Nga, cũng may là không đến nỗi hỗn độn như Nga. Thật ra, cũng như một số nước Đông Âu, Việt Nam dường như cũng chưa bao giờ tin thật sự vào chủ nghĩa cộng sản. Khác với Trung Quốc và Nga, giai đoạn cộng sản ngắn ngủi dường như hoàn toàn không để lại dấu ấn của nó. Quần chúng Việt Nam, một cách đáng ngạc nhiên, không hợp với kinh thánh cộng sản. Tôi không tin là Việt Nam sẽ như Trung Quốc. Lịch sử như có vẻ khẳng định rằng thời hậu cộng sản là thời điểm để hai nước chọn hai định mệnh hoàn toàn khác. Trong những năm 2000, Trung Quốc đã thiết lập một mạng lưới kỹ thuật số độc nhất để kiểm soát chặt chẽ từng người dân, cốt lõi của chế độ tân phát xít. Việt Nam cho đến nay không như vậy. Tôi nghĩ dù muốn Đảng cộng sản Việt Nam cũng không thể dùng kỹ thuật hiện đại để thiết lập một nền độc tài tân phát xít như Trung Quốc. Còn Nga ? Có nhiều điểm chung, thí dụ chuyện tư nhân hóa đã làm xuất hiện một lớp đầu sỏ đáng ghét. Nhưng Việt Nam không có hiện tượng vĩ cuồng như ở Nga, mức độ lộn xộn nhỏ hơn. Nguy cơ sa vào chủ nghĩa hư vô là có, nhưng tôi không thấy mầm mống của mối nguy rơi vào kịch bản Nga thời Yeltsin. Tôi hy vọng là tương lai sẽ không bác bỏ dự đoán này. Sự khác biệt cơ bản là Việt Nam là một nước nhỏ, không như hai đế quốc Nga và Trung Quốc. Ở hai nước này, họ phải tạo ra độc tài hậu cộng sản để hai đế quốc đó tồn tại được vì đối với họ, dân chủ sẽ dẫn đến phân mảnh lãnh thổ và làm sụp đổ đế quốc. Không nên quên rằng giai đoạn chuyển tiếp hậu cộng sản của hai đế chế này có cái logic riêng của nó, việc so sánh nó với Việt Nam có một số giới hạn.

Còn lại là các nước Đông Âu. Truyền thống văn hóa và dân chủ tạo nên những khác biệt cơ bản và lớn khiến chúng ta phải thận trọng khi so sánh các nước này với Việt Nam. Chúng ta có thể nói ngay với một ít hy vọng rằng con đường của họ là con đường mà chúng ta mong muốn và có thể thực hiện được cho Việt Nam. Một trong những động lực chính của phát triển kinh tế của họ là nguồn đầu tư của các nước láng giềng phát triển như Đức, Hà Lan, Bắc Âu hoặc Pháp. Cũng như Việt Nam, đầu tư nước ngoài trực tiếp (Tây Âu đối với họ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong trường hợp chúng ta) đã làm kinh tế tăng trưởng mạnh sau nhiều năm trì trệ dưới thời bao cấp. Chỉ cần 15 năm chuyển đổi, các nước Đông Âu này đã bắt kịp mức độ văn minh của các nước phát triển bậc nhất thế giới. Một phần Đông Âu đã lìa xa thế giới thứ ba. Chìa khóa thành công của giai đoạn chuyển đổi ở các nước này là có được một tầng lớp chính trị gia thông minh và yêu nước. Họ hiểu rằng trong giai đoạn bản lề này phải xây dựng được những nền tảng của một nhà nước hiện đại, hiệu quả và dân chủ. Walesa ở Ba Lan, Havel ở Tiệp Khắc đã là những anh hùng dân tộc vào thời điểm trọng đại của lịch sử. Những nước này đã chỉ ra con đường chuyển đổi thành công, con đường để vươn lên. Đây cũng là con đường duy nhất cho Việt Nam giữa khúc quanh lịch sử.

- 0 -

Chương 7

Dân chủ cho Việt Nam

(tháng 4/2020)

mailinh9

 

Lỡ hẹn với lịch sử. Lý do thất bại : di sản Khổng giáo. Những nguyên nhân thất bại : chết chìm trong chủ nghĩa hư vô. Con đường chuyển đổi quá dài.

Lỡ hẹn với lịch sử

Đã có một thời dân chủ là một ngoại lệ và một điều bất thường của lịch sử. Thời đó đã qua rồi vào lúc này, năm 2020. Phần lớn các nước trên thế giới hiện nay thực hiện, ít nhất về mặt lý thuyết, một dạng bầu cử trực tiếp hoặc gián tiếp các nhà lãnh đạo dựa trên cơ sở phổ thông đầu phiếu. Theo nghiên cứu của đại học Oxford hoặc của Our World Data, vào đầu năm 2020, trên thế giới có gần 100 nước dân chủ và 80 nước độc tài. Fukuyama trong cuốn Sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng cho biết vào đầu thế kỷ 20, chỉ có khoảng 10 nước dân chủ. Như vậy đến năm 2020 thế giới đã tiến xa trong cuộc hành trình về dân chủ. Vẫn còn một vài thành trì ngoan cố, trong đó đương nhiên phải kể Trung Quốc và Việt Nam, hai nước vẫn nhắm mắt chống lại làn sóng dân chủ. Năm 2020 Việt Nam vẫn là một trong những nền độc tài lớn nhất hành tinh. Lịch sử của Việt Nam, bất hạnh thay, có thể tóm gọn trong câu chuyện của những lần lỡ hẹn với dân chủ.

Những làn sóng dân chủ đã đi qua mà Việt Nam vẫn chưa bao giờ chọn đúng con tàu. Một cơ hội nhỏ đã hé mở ở nửa đầu thế kỷ 20 khi thời Pháp thuộc chấm dứt. Giới trí thức Việt Nam lúc đó cho rằng độc lập là chắc chắn, vấn đề chỉ là thời gian chủ nghĩa thực dân không thể tiếp tục. Người ta cũng hiểu là cần phải suy nghĩ đến sự chuyển tiếp chính trị cho Việt Nam sau giai đoạn thuộc địa hay quân chủ. Sau đó người ta biết đến ba khuôn mặt trí thức Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh. Phan Châu Trinh tìm thấy ở Tây Âu nguồn cảm hứng chính trị chính, cụ thích triết học khai sáng, thích các chế độ dân chủ mà theo cụ đó là những trụ cột của thịnh vượng, trụ cột của tiến bộ đi trước về văn hóa, về kỹ thuật so với Việt Nam. Ông đã có thể là một Tôn Dật Tiên của Việt Nam, theo bước chân của người đã xóa bỏ chế độ quân chủ để thiết lập nền cộng hòa đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1911. Người thứ hai là Phan Bội Châu, lại nhìn về phía đông. Ông say mê mô hình Nhật Bản, coi thường người da trắng và năm mươi năm đã biến một đất nước từng bị hải quân Mỹ làm nhục thành một cường quốc kinh tế, quân sự hiện đại dám đối đầu các nước lớn. Phan Bội Châu tỏ ra không tin vào nền dân chủ phương Tây. Mô hình Nhật Bản với một chính phủ mạnh, độc tài, phát xít lôi kéo ông hơn. Từ đó ông chủ trương dùng chiêu bài da vàng Nhật chống lại da trắng Pháp để giải phóng Việt Nam. Người cuối cùng là Hồ Chí Minh, trẻ hơn 15 tuổi, người đã đi vào lịch sử. Từ Pháp sang Nga, ông Hồ trở về với tư tưởng xã hội cộng sản và ấn định cho đất nước một số mệnh đỏ khi giành được độc lập. Vậy là đương nhiên không có Tôn Dật Tiên Việt Nam, không có nền cộng hòa, không có chuyển đổi sang dân chủ, chẳng có độc lập. "Dân Việt Nam chưa sẵn sàng rẽ vào ngã dân chủ phương Tây" - Phan Châu Trinh đã than phiền như vậy trong bức thư cuối cùng viết trước khi qua đời năm 1926. Ông nhận thấy rõ sự đơn độc của mình trong lĩnh vực tư tưởng, cũng thấy rõ tình trạng đất nước không sẵn sàng ở thế kỷ 20 để lao vào dân chủ. Phía sau ba con người này là cuộc đấu tranh tư tưởng được lặp lại trong suốt chiều dài lịch sử hiện đại của Việt Nam, đó là cuộc chiến giữa ba con đường : Dân chủ, Quân phiệt, Cộng sản. Phe dân chủ đã không trỗi lên được để chín muồi ở Việt Nam. Bước ngoặt đầu tiên ở thế kỷ 20 vì thế đã bị bỏ lỡ để tiến vào kỷ nguyên mới trong khi ở phía Bắc, Trung Quốc đã có được nền cộng hòa đầu tiên trong một giai đoạn dân chủ ngắn với di sản còn lại là hòn đảo Đài Loan.

Bước ngoặt thứ hai cũng bị bỏ lỡ sau đó vài thập niên. Lịch sử của các nước được tạo nên ở những thời điểm mang tính quyết định. Đối với Việt Nam những năm cuối của chế độ thực dân đã có thể làm thay đổi lịch sử của chúng ta. Lịch sử ghi lại chiến thắng gian nan đối đầu thực dân Pháp năm 1954. Tuy nhiên lịch sử lại giấu nhẹm một cuộc chiến đẫm máu khác, cuộc nội chiến giữa các phe đấu tranh vì độc lập. Sách sử ngày nay ghi rằng Việt Minh là lực lượng duy nhất tập hợp được tất cả các lực lượng đấu tranh độc lập. Tuy nhiên, điều thiếu sót là đồng thời với cuộc chiến chống thực dân Pháp, Đảng cộng sản đã tiêu diệt một cách lạnh lùng và có bài bản tất cả những người đối lập. Trong cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản (The Black Book of Communism : Crimes, Terror, Repression), người ta ước tính rằng đảng cộng sản đã thủ tiêu khoảng 50 đến 100 nghìn người quốc gia, chủ yếu là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, đảng đấu giành độc lập dân tộc đầu tiên, hay đảng viên Đảng Đại Việt, một đảng chống Pháp khác. Ngay sau đó cũng đã có đợt Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc với số nạn nhân bị coi là địa chủ và bị giết, kiểm kê được là 172.008 người (theo nghiên cứu của giáo sư Đặng Phong trong cuốn "Lịch sử Kinh tế Việt Nam" xuất bản tại Hà Nội). Tội ác này là một vết nhơ không thể rửa sạch của Đảng cộng sản. Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của họ, Việt Nam chưa bao giờ có hòa giải và đoàn kết dân tộc, cũng chẳng bao giờ có phân chia quyền lực một cách hòa bình. Giành chính quyền bằng bạo lực rồi giữ chính quyền cũng bằng bạo lực. Tóm lại, sau Thế Chiến 2, Việt Nam lại sai lầm trong một khúc quanh lịch sử khác. Trong khi Ấn Độ, Mã Lai và Indonesia đã rũ bỏ ách thực dân để tiến tới dân chủ.

Tuy nhiên sau đó, sau khi có độc lập, chúng ta vẫn chưa mất tất cả : các cuộc đàm phán đã dẫn đến tình trạng đất nước bị chia thành hai miền. Trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, các lực lượng chống cộng mặc dù ít và chia rẽ -các phe phái Bảo Hoàng, thân Pháp, quốc gia, giáo phái vũ trang cùng chung sống lộn xộn trong một liên minh chống cộng- vẫn giữ được một miền. Ở miền Bắc có chế độ cộng sản, ở miền Nam có một cơ may duy nhất để xây dựng một nền cộng hòa độc lập và dân chủ đầu tiên trong lịch sử. Như chúng ta đã biết hy vọng đó đã không thành. Ngày 30/04/75 miền Nam cuối cùng thua trận và nước Việt Nam được thống nhất dưới cờ cộng sản. Câu chuyện về một thất bại đáng tiếc mặc dù có thể đoán trước những gì đã xảy ra : từ 1954 đến 1975, miền Nam đã có ba lần thay đổi chế độ, hàng chục chính phủ, bốn cuộc đảo chính (theo liệt kê của Nguyễn Thị Việt trong cuốn Việt Nam lịch sử một quốc gia). Rõ ràng là không có một chính phủ nào được người dân ủng hộ. Trước khi bị đảo chính và bị ám sát, ông Diệm đã nhồi nhét các phiếu bầu vào các thùng phiếu trong cuộc bầu cử đầu tiên năm 1955 (98% phiếu bầu bỏ chế độ quân chủ và bầu ông làm tổng thống đầu tiên ; số phiếu cao hơn số cử tri ở đơn vị bầu cử Sài Gòn). Trong thời gian cầm quyền, ông Diệm vẫn tiếp tục săn lùng những người sống sót của Quốc Dân Đảng. Tội của họ chỉ là không phục tùng ông. Các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã bị săn lùng bởi chính quyền Pháp, cộng sản và chính quyền đầu tiên của miền Nam. Bị lật đổ và sát hại, chính quyền Ngô Đình Diệm đã nhường chỗ cho các chính quyền quân nhân nối tiếp nhau sau đó. Chính quyền cuối cùng và ổn định nhất được thành lập năm 67 dưới thời Nguyễn Văn Thiệu. Tướng Thiệu, một ông tướng tầm thường, bất tài có lẽ sẽ là một trong những người lãnh đạo hiếm hoi bỏ chạy khi đất nước lâm nguy. Vài ngày trước sự sụp đổ hoàn toàn của miền Nam (21/04/75, một tuần trước khi Sài Gòn thất thủ), Thiệu bỏ chạy sang Đài Loan. Mấy ngày trước đó ông còn nói trên truyền hình quốc gia "tôi từ chức, nhưng tôi không đào ngũ". Kissinger, một trong những nhân vật hàng đầu của cuộc xung đột này đã kết luận một cách cay đắng và ghê tởm trong tạp chí Diplomacy rằng "đằng nào thì người Việt Nam cũng chưa thể có dân chủ". Đây là lần thứ ba Việt Nam lại lỡ khúc quanh dẫn tới hiện đại. Ở phía Bắc, Hàn Quốc và Đài Loan, hai đất nước anh em họ của Việt Nam, cũng phải chống lại cộng sản, nhưng đã giành được một phần đất cho dân chủ.

Chủ nghĩa cộng sản chiến thắng năm 75 rồi cũng sụp đổ vài năm sau đó. Năm 91, Liên Xô sụp đổ kéo theo phần lớn khối cộng sản. Toàn Đông Âu chuyển hóa về dân chủ. Trung Quốc cố gắng chống lại làn sóng này bằng cách đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, chỉ cởi mở kinh tế mà thôi. Điều này kéo theo hiệu ứng domino, nghĩa là Việt Nam theo con đường Trung Quốc, vẫn độc tài đảng trị và chỉ đổi mới về kinh tế. Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu giai đoạn hậu cộng sản, độc tài nhưng không còn bản chất toàn trị. Có thể là hơi sớm với Việt Nam vì mới vừa chiến thắng trên toàn quốc. Việt Nam thành đồng minh bất đắc dĩ của Trung Quốc, vì sợ chết đói chứ chưa thực sự quan tâm đến dân chủ và tự do. Người ta hài lòng với sự cáo chung của chủ nghĩa Mác kinh điển, với sự nới lỏng kinh tế và được ăn no. Dân chủ đợi đó. Bước ngoặt thứ tư năm 1989 cũng lại lỡ. Chỉ có Đông Âu làm tang lễ cho chủ nghĩa cộng sản và đánh dấu sự lên ngôi của dân chủ.

Việt Nam ra sao trong thời hiện đại này, gần nửa thế kỷ sau khi chiến tranh kết thúc ? Một làn sóng dân chủ mới lại dâng lên trên thế giới từ những năm 2010, qua các cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, cách mạng Xà Rông ở Miến Điện. Việt Nam chỉ có những gợn sóng lăn tăn, như sau vụ bê bối Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016. Nhưng đó là những động đậy khiêm tốn, rất không đủ để đạt tới điều mà mọi người mong đợi, nghĩa là dân chủ. Lại một bước ngoặt quyết định bị bỏ lỡ. Tại Đông Nam Á, từ khi Miến Điện thử nghiệm dân chủ, Việt Nam là nước lớn duy nhất vẫn công khai duy trì chế độ độc tài.

Nguyên nhân thất bại : di sản tư tưởng và chính trị Trung Hoa

Tại sao Việt Nam đến năm 2020 vẫn còn là một trong những nền độc tài cuối cùng trên thế giới ? Tại sao chúng ta lại lỡ hẹn nhiều như vậy trong khi mà xung quanh ta các nước khác đã chuyển hóa một cách dứt khoát về dân chủ ? Người ta có thể lập một danh sách dài những lý do khiến dân chủ thất bại tại Việt Nam ; tuy nhiên, theo tôi, có một lý do lại gói gọn gần như tất cả những ly do khác. Chắc chắn phải nhìn sang người anh Trung Quốc, một thành trì chống dân chủ trên thế giới. Có hai di sản Trung Hoa có thể giải thích phần lớn thất bại liên tục của dân chủ ở Việt Nam.

Triết học và chính trị truyền thống của Trung Quốc dựa trên hai học thuyết lớn đã định hình nên hệ thống chuyên chính ngàn đời của họ. Thứ nhất là Nho giáo với Khổng Tử làm biểu tượng từ thế kỷ thứ năm trước công nguyên, thời mà ở Trung Quốc các lãnh chúa và vương quốc đánh giết lẫn nhau trong các cuộc chiến không hồi kết. Khổng Tử dạy gì ? Theo Khổng Tử thì cần phải phân biệt những gì thuộc về đạo đức cá nhân, cái gì có thể áp dụng vào chính trị và nghệ thuật lãnh đạo. Về mặt đạo đức cá nhân, Khổng tử dạy những bài học về sự khôn ngoan, về chuẩn mực, trật tự, kỷ luật -những giá trị được phương Tây gộp vào nhãn hiệu Khổng giáo- dạy cho con người sống chân thật tôn trọng bề trên và đặc biệt tôn trọng vua và cha mẹ. Theo các giá trị của Khổng giáo thì sự hiếu thảo là phẩm chất lớn nhất của một người con. Về mặt đạo đức cá nhân thì đạo Khổng đáng được khen ngợi. Do vậy một số nhà tư tưởng phương Tây thường nói về sự thông thái của Khổng Tử. Tuy nhiên đáng buồn là còn có mảng chính trị rất lớn và cũng là nền tảng của tư duy Khổng giáo, hơn cả quan hệ cha con. Khổng Tử đã dạy như vậy trong Luận Ngữ. Vấn đề cơ bản của Khổng giáo là học thuyết này ra đời từ thế kỷ thứ năm trước công nguyên và trong đó toàn bộ lý thuyết chính trị chỉ xoay quanh ý tưởng duy nhất là lòng hiếu thảo. Khổng tử kêu gọi vua phải luôn hành động nhân từ với dân như cha với con, đồng thời con phải tuyệt đối thuần phục quyền lực của cha. Không màng tới chính trị, đó là sân chơi riêng của các vua chúa, tương tự như một đứa trẻ không bao giờ được phản đối cha. Khổng Tử đã nói toạc ra như vậy trong cuốn Luận Ngữ. Hàng ngàn năm sau đó, nhiều đồ đệ của Khổng Tử đã xây dựng một lý thuyết chính trị hoàn chỉnh hơn xung quanh tiền đề trung - hiếu - thảo để hạ thấp cả một dân tộc xuống hàng con, dưới uy quyền nghiêm khắc của vua - cha.

Và như vậy để đặt nền dựng cột cho chế độ chuyên quyền phải xây dựng một nhà nước đàn áp. Song song với Khổng giáo, Trung Quốc cổ đại còn đưa ra lý thuyết Pháp trị như với Thương Ưởng, người gợi hứng cho vị hoàng đế vĩ đại nhưng tàn bạo Tần Thủy Hoàng vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Thương Ưởng đã xây dựng một lý thuyết chính trị về một nhà nước mạnh, có thể gây chiến bên ngoài đồng thời áp đặt uy quyền kiểm soát dân chúng bên trong. Thương Ưởng hiểu rằng để áp đặt được quyền lực của quân chủ thì cần phải phá vỡ các mối quan hệ giữa các bộ tộc và lòng trung thành với hệ thống phong kiến trước đó, đặt lại quyền lực trung ương lên trên hết. Để phá vỡ cấu trúc bộ tộc và gia đình cộng đồng, Thương Ưởng bắt buộc mỗi gia đình đều phải có các tôi tớ và lính trung thành với hoàng đế. Để phá vỡ các mối liên hệ phong kiến, ông ta đề xuất cắt giảm quyền lực các lãnh chúa, thiết lập hệ thống quan lại của vua, do vua chỉ định thông qua thi cử. Các quan lại này trung thành với hoàng đế và có quyền hơn các lãnh chúa địa phương. Đó là lý thuyết. Trên thực tế, chủ nghĩa Pháp trị trước hết là sự áp đặt nghiêm ngặt trên toàn đế quốc các luật lệ của trung ương, trên cả những luật lệ của bộ tộc hay lãnh chúa. Người ta vẫn còn nhớ tính tàn bạo và độc đoán của Tần Thủy Hoàng, vị đại đế đầu tiên của Trung Hoa thống nhất. Để khẳng định quyền uy tuyệt đối của mình trên một lãnh thổ rộng lớn, ông ta không bao giờ do dự hành quyết tất cả những ai chống đối hoặc phạm luật. Một đất nước, một hoàng đế, một luật lệ và như vậy là có một bộ máy chính quyền để đảm bảo tầm kiểm soát và quyền lực của vua. Có một thời các đệ tử của Pháp gia và Khổng Tử xung đột với nhau, nhưng dưới thời Tần Thủy Hoàng thì phe Pháp gia đã hành quyết đám học trò của Khổng Tử. Cuối cùng bọn họ bắt tay với nhau trong một cuộc hôn nhân lý trí dưới thời nhà Hán. Lúc này chúng ta đang ở thế kỷ thứ hai trước công nguyên, khi mà lý thuyết Khổng giáo và chủ nghĩa Pháp trị trở thành nền tảng cho hệ thống chuyên quyền và bộ máy quan liêu của chính quyền, cả hai liên hợp lại với nhau cùng hoạt động. Sự tổng hợp này cực kỳ có hiệu quả để buộc cả một dân tộc phục tùng một chế độ chuyên chính, nó được xuất khẩu thành cộng sảng các nước khác, như Nhật Bản, Cao Ly và tất nhiên là ở Việt Nam nữa.

Ở Việt Nam cũng như là ở các nước khác vùng Viễn Đông, lý thuyết Pháp trị và Khổng giáo Trung Quốc được pha trộn với nhau để áp đặt một truyền thống chuyên chế. Kẻ chuyên chế ở đây, cũng như ở các nơi khác đã dành thời gian để tạo một bộ máy nhà nước đàn áp cho phép khuất phục cả một dân tộc. Ở Việt Nam cũng như ở nơi khác, nhà vua nhanh chóng tạo dựng một bộ máy nhà nước lớn gồm các quan lại mà nhân dân phải phục tùng như là một lẽ tự nhiên. Đôi lúc người ta nói rằng bộ máy đàn áp cộng sản với bốn triệu người thừa hành và đảng viên là đủ để duy trì quyền lực độc tài, nếu cần bằng bàn tay sắt. Đương nhiên đó là sự thật, nhưng người ta quên giải thích nguồn gốc của việc nhân dân đồng tình cúi đầu trước bộ máy thống trị đó. Ở Việt Nam, mảnh đất của Khổng giáo, con người đã được thừa kế một nền văn hóa ngàn năm cúi đầu trước kẻ cầm quyền, bất kể đó là ai. Ngay từ khi Việt Nam độc lập mới ra đời vào đầu thế kỷ 10, chúng ta đã đặc biệt được thừa hưởng một bộ máy đàn áp, tàn bạo nếu cần. Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ nơi nào thuộc đất Khổng giáo, nhân dân kính sợ cái bộ máy chuyên quyền đó, và chẳng bao giờ thực sự dám chống lại nó. Thật buồn là định mệnh lịch sử đã là lý do chính giải thích tại sao dân chủ khó bắt rễ vào Việt Nam. Vào lúc có sự giằng co giữa hai phái Khổng Tử và Pháp gia thì ở phía bên kia thế giới, bên Châu Âu, triết học cổ đại Hy Lạp đã định hình một lý thuyết chính trị hoàn toàn khác. Trong đó đã có các khái niệm công dân và nước cộng hòa. Trong cuốn Politics và cuốn Nicomachean Ethics, Aristotle đều nói đến mối liên hệ uy quyền gia đình và ông nói rằng có ba kiểu lãnh đạo. Chế độ quân chủ (cả chế độ chuyên chế phương đông) là kiểu người cha lãnh đạo các con ; chế độ quý tộc là kiểu người chồng lãnh đạo vợ (vào thời đó làm gì có nam nữ bình quyền !) ; còn dân chủ là chế độ của những người anh em bình quyền. Ông có nói rõ cả ba đều có những giá trị của nó nhưng ông thích dân chủ hơn vì về mặt cơ bản nó ít nguy hiểm hơn khi điều hành chính trị của thành quốc. Ngay từ đầu đã có sự khác nhau về bản chất giữa nền văn minh Trung Hoa Khổng giáo và nền văn minh phương Tây theo truyền thống triết học Hy Lạp - La Mã. Một bên thì sau vài thế kỷ đã sản sinh ra dân chủ, bên kia thì trở thành thánh địa của các chế độ chuyên chế, một vài chế độ thậm chí còn sống sót tới ngày nay.

Cái họa nhà quan

Bi kịch của Việt Nam với hai di sản Khổng giáo và Pháp gia không chỉ đơn giản là nó tạo ra sự phục tùng của người dân, nó còn làm nảy sinh một quy trình đặc biệt đào tạo giới tinh hoa chính trị. Chính quy trình này cũng là một trong những tai họa của Việt Nam hiện đại. Trước đây người ta đào tạo các quan như thế nào ? Giới tinh hoa chính trị là các quan văn, quan võ cả đời làm việc trong bộ máy chính quyền. Mộng ước của đời người là vào được bộ máy chính quyền và làm quan. Đó là đỉnh cao của cuộc đời, một địa vị đặc biệt tương đương với một quý tộc ở Châu Âu. Ở Việt Nam làm thế nào để làm quan ? Bằng hai con đường : vào thời chiến thì lập chiến công hoặc dùng vũ lực ; thời bình thì qua con đường thi cử. Lên làm quan chẳng đòi hỏi hiểu biết gì về lý thuyết chính trị hay nghệ thuật lãnh đạo, vậy giới tinh hoa này phát triển và thăng tiến thế nào ? Trong thời chiến thì bằng bạo lực, quyết tâm cao, sức mạnh hay sự tàn bạo, vào thời bình thì bằng khả năng làm vừa lòng cấp trên, vua, và sau cùng là thực dân Pháp, bởi vì cấp trên quyết định mọi sự thăng quan tiến chức. Chúng ta thấy rằng trong hệ thống Khổng giáo - Pháp gia, người ta ban phát bổng lộc cho những con người của bộ máy chính quyền, những con người có khả năng làm cho bộ máy tồn tại được lâu nhất, giúp cho bộ máy chống chọi được với những đe dọa từ bên trong cũng như bên ngoài. Không có chế độ nào của Việt Nam sau thời quân chủ -dù là thực dân Pháp, cộng sản hay miền Nam Việt Nam- thoát khỏi logic này. Dưới thời Pháp thuộc, có một tầng lớp tinh hoa bản địa phục vụ người da trắng ; bị số đông còn lại coi thường, tầng lớp này hài lòng hưởng đặc quyền, vị trí xã hội của họ là ở khoảng giữa người Việt Nam bình thường và người da trắng. Vào thời cộng sản, quyền lực và quyền lợi được trao cho những kẻ thậm chí còn độc ác và đáng sợ hơn, sẵn sàng hành quyết một cách lạnh lùng những người đối lập ở trong cũng như ngoài đảng. Sau năm 75, sau "đổi mới", phần thưởng dành cho những kẻ ngoan ngoãn không gây ồn ào. Người ta vẫn còn nhớ trước năm 75, tên tuổi các lãnh đạo cộng sản đã đi vào lịch sử với bàn tay ít nhiều vấy máu đối thủ. Sau chiến tranh, vào thời bình, các cấp lãnh đạo nhà nước cộng sản lộ rõ mặt thật của những quan chức mờ nhạt, kém cỏi. Từ khi đổi mới, nối tiếp nhau là những tổng bí thư và những bộ trưởng thiếu chiều sâu, chẳng có sức lôi cuốn, mờ nhạt như sự nghiệp bí ẩn của họ trong bộ máy đảng.

Còn về nền Cộng hòa ngắn ngủi ở miền Nam ? Theo tôi nó là sự lắp ráp sai lệch của nhiều cựu quan lại ; người thì là quan chức cũ trong bộ máy cai trị Pháp, người thì là thành viên hoàng gia, là các nhà ngoại giao hoặc các nhà quân sự thân Mỹ ; đa số đã lập nghiệp như vậy ở thời điểm cần tạo dựng một quốc gia. Việt Nam còn dở hơn các nước Khổng giáo khác là không bao giờ có thể đào tạo được lớp tinh hoa chính trị mà chỉ có những quân nhân, công chức. Không có các nhà tư tưởng chính trị, cũng chẳng có các triết gia trong giới tinh hoa của chúng ta. Chẳng mấy ai suy nghĩ về vận mệnh chính trị của đất nước và phản lý thuyết phục tùng của Khổng Tử đã có từ ngàn năm. Chẳng mấy ai nghĩ đến việc xây dựng một chế độ dân chủ. Năm 2020, có lẽ chúng ta là một trong những nước lớn trên thế giới, trong suốt dòng lịch sử, không có một triết gia lớn nào cũng như không có một nhà tư tưởng chính trị lớn nào. Phan Bội Châu hoặc Phan Châu Trinh được tôn vinh vì đã là những người duy nhất trong suốt dòng lịch sử Việt Nam đã từng đặt ra những câu hỏi nền tảng về một thể chế chính trị tốt nhất cho Việt Nam.

Lý do thất bại : thời điểm của chủ nghĩa hư vô

Tôi cũng muốn thêm vào một lời giải thích và cũng để thêm một cái nhìn đương thời vào yếu tố Khổng giáo. Năm 2007, bắt đầu cuộc cách mạng mà người ta gọi là cuộc cách mạng Xà Rông ở Miến Điện. Trong tháng 8 và tháng 9, hầu như ngày nào cũng có các cuộc biểu tình khổng lồ ở khắp nơi tại Miến Điện. Các cuộc biểu tình này quy tụ xã hội dân sự, các tăng ni Phật giáo và những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi để đòi dân chủ. Đây là sự nối tiếp của nhiều chuyển động dân chủ diễn ra trong hai thập niên, như cuộc biểu tình bị đàn áp dã man năm 1988, việc bà Aung San Suu Kyi được giải thưởng Nobel năm 1991, việc hủy bỏ kết quả các cuộc bầu cử năm 1990 rồi năm 2003. Nhiều thập niên đấu tranh cho dân chủ chưa mang lại kết quả. Lịch sử có vẻ sắp lặp lại một lần nữa trong hai tháng của cuộc cách mạng Xà Rông. Áp lực quốc tế tăng mạnh lên nước Miến Điện nhỏ bé, nhưng giới tướng lãnh vẫn đàn áp đẫm máu. Nhưng rồi cuối cùng, một cách không ngờ, chính họ lại tự nguyện thực hiện chuyển tiếp chính trị vào năm 2010, có thể do đã mệt mỏi và đoán trước được điều phải đến. Vậy là năm 2010, sau hơn 40 năm ngoan cố, tập đoàn quân phiệt chấp nhận để Miến Điện gia nhập câu lạc bộ các nước dân chủ.

Miến Điện và Việt Nam khác nhau thế nào ? Có thể kể ra sự hiện diện của một khuôn mặt biểu tượng cho dân chủ, vai trò của các tu sĩ Phật giáo Nam Tông, áp lực quốc tế, hay sự xuất hiện các nhân vật mới trong nhóm tướng lãnh. Tất cả các nguyên nhân trên đều có phần đúng nhưng đó không phải là khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và Miến Điện. Tập đoàn quân phiệt chỉ là một ngoặc đơn lịch sử. Kết thúc của câu chuyện Miến Điện là sự trở lại của một nền dân chủ bị cướp đoạt từ năm 1962, sau cuộc đảo chính của một nhóm quân phiệt chưa bao giờ tự nhận mình có chính nghĩa mà chỉ tự coi như một bước đệm tạm thời trước khi dân chủ trở lại vào một ngày nào đó. Hướng đi lịch sử tại đây là dân chủ. Thanh niên, sư sãi, các tổ chức quốc tế đều cùng nhau thúc đẩy cuộc đấu tranh bởi vì tất cả đều cảm thấy ngọn gió lịch sử đang nâng đỡ họ. Bất hạnh thay, câu chuyện Việt Nam lại rất khác. Lịch sử Việt Nam đã ngừng lại vào năm 75 như một tai nạn. Ngọn gió lịch sử đã thúc đẩy Việt Nam trong suốt lịch sử cận đại là cuộc tranh đấu vì độc lập và sau đó là thống nhất đất nước. Nó trở thành truyền thuyết cộng sản và lý tưởng đỏ. Sau năm 75, lịch sử bất ngờ dừng lại, và với sự thống nhất đất nước, chúng ta đã đi đến cuối truyền thuyết với chiến thắng cộng sản trên toàn lãnh thổ.

Svetlana Alexievich, giải Nobel văn chương 2015, qua cuốn Những người đỏ cuối cùng (The Last of the Soviets) đã kể lại sự bẽ bàng hậu cộng sản qua các cuộc trò chuyện năm 1990 trong một gia đình tại Moskva thời hậu Xô Viết. Người ông ngoại rất tự hào về thời Stalin, kể lại một cách tiếc nuối những chiến tích của hồng quân, trong đó có ông. Có đói khổ thật nhưng vinh quang vì đã góp phần viết nên lịch sử. Cũng tại bàn ăn này, người con gái nay đã có con, lại vỡ giấc mộng cuối cùng vì lịch sử đã chẳng mang lại thịnh vượng và hạnh phúc hứa hẹn, thậm chí còn ngược lại. Ở cuối bàn đứa cháu gái thở dài mỗi khi ông ngoại lẩm cẩm kể lại những chiến công của hồng quân. Đối với đứa trẻ mới lớn thì những chuyện cũ của ông ngoại chẳng có gì thú vị. Nó mơ đến các siêu thị kiểu Mỹ hơn, ở đó nó có thể mua sắm tại các gian hàng đầy ắp hàng hóa, sạch sẽ và hiện đại. Ông già thì than phiền về sự suy đồi của thế hệ mới. Cháu gái cũng chả muốn nghe, còn đang lạc vào giấc mơ tiêu dùng. Trên cùng một bàn, ông ngoại đã làm ra lịch sử, con gái chỉ thấy lịch sử này nguy hại, đứa cháu gái không muốn nghe.

Câu chuyện của gia đình Moskva này năm 90 nói cho chúng ta biết điều gì ? Đó là trong các nước hậu cộng sản, sự kết thúc của lịch sử đã đem đến thất vọng. Ông ngoại và cả người mẹ có thể đã có một thời mơ làm nên lịch sử để rồi chỉ thấy lịch sử đó vô lý, ngược hẳn với cuộc giải phóng vĩ đại mà lý tưởng cộng sản đã hứa hẹn. Đó là vì cái lịch sử nghịch lý ấy trở nên hoàn toàn vô nghĩa dưới mắt thế hệ trẻ đắm chìm trong chủ nghĩa hư vô. Hướng đi của lịch sử đó không chỉ ra một tiến bộ nào cả đối với thế hệ trẻ đã vỡ mộng. Không cần phải làm nên lịch sử như thế hệ cha anh nữa, không cần lý tưởng, chỉ còn những ước muốn cá nhân. Trong sự vô nghĩa của lịch sử, đứa cháu gái không còn mơ màng như ông ngoại. Đối với nó, hạnh phúc là hạnh phúc cá nhân, khát khao tiêu dùng là tất cả.

Có một câu chuyện cũng tương tự như vậy nhưng gần chúng ta hơn, ở Trung Quốc hậu cộng sản. Cũng là một sự chán chường được kể lại bởi Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình 2010 và nhà đối lập chính trị nổi tiếng nhất cho đến khi ông qua đời. Ông đặt tên cho một trong những bài luận nổi tiếng nhất của ông là "Triết lý con lợn" để mô tả chủ nghĩa hư vô chính trị ở Trung Quốc hậu cộng sản, sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Triết lý con lợn là gì ? Thiên nhiên sinh ra con lợn phải nhìn xuống đất, không ngẩng đầu lên trời được, chẳng có mơ ước, chẳng có lý tưởng gì ngoài cái cụ thể. Ăn, ngủ, tỉnh dậy, tiếp tục lại như vậy. Trong cái vòng lặp đơn điệu này, không có chỗ cho những tư duy triết học, cũng chẳng có chỗ cho tư duy chính trị. Ông cay đắng ngậm ngùi cho tương lai của một Trung Quốc mới sau Mao. Bọn trẻ giống như con lợn, chỉ lao vào thực dụng, và sau thất bại Thiên An Môn, chúng cũng mất luôn cái nhìn chính trị. Lưu Hiểu Ba vẫn mơ làm nên lịch sử, nhưng qua bài luận "Triết lý con lợn" ông hiểu rằng từ nay đất nước của ông không còn được thúc đẩy bởi ngọn gió lịch sử nữa, lịch sử của Trung Quốc, cũng như lịch sử nước Nga của Alexichev, đã rẽ vào một khúc quanh bi thảm. Sau khi xuất khẩu sang Việt Nam, Khổng giáo và Pháp trị, bây giờ Trung Quốc lại xuất khẩu thêm cả triết lý con lợn.

Bất hạnh thay đây chính là sự khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và Miến Điện. Giới trẻ bây giờ đã thay những giấc mơ chính trị bằng triết lý con lợn và tìm kiếm sự an ủi vật chất. Ở đây, lịch sử không nâng đỡ cho ước vọng dân chủ ; nó tắt ngấm với sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản. Ở Việt Nam cũng như ở Nga hay Trung Quốc, người ta chẳng còn tin vào sự lên ngôi của con người mới xã hội chủ nghĩa, chẳng tin vào ý nghĩa của lịch sử, chỉ còn lo kiếm tiền và thỏa mãn những tiện nghi vật chất. Đương nhiên là Đảng cộng sản hài lòng với chủ nghĩa hư vô. Đảng hiểu rằng việc bọn trẻ không có giấc mơ chính trị bảo vệ quyền lực độc quyền của Đảng, miễn là Đảng phân phối lại được cho họ một ít thành quả của tăng trưởng kinh tế. Đảng tự nguyện ký bản khế ước xã hội mới hậu cộng sản, và hứa hẹn tăng trưởng kinh tế đổi lấy sự chấp nhận nền độc tài này. Giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức nhất có thể hơi thất vọng, nhưng trong lúc này họ có vẻ đã chấp nhận bản khế ước xã hội này.

Con đường dài của sự chuyển tiếp

Vậy phải chăng hy vọng để một ngày nào đó, mô hình dân chủ phương Tây sẽ thành công tại Việt Nam là rất mong manh ? Hoàn toàn không. Cho đến nay, cần phải lưu ý rằng một trong những bài học từ Mùa Xuân Ả Rập và các cuộc cách mạng màu là những đảo lộn chính trị, và các cuộc chuyển giao dân chủ đều có bản chất bất ngờ và không được dự liệu trước. Người ta có thể lục lại tất cả các phân tích chính trị ngay trước Mùa Xuân Ả Rập của các lãnh đạo chính trị và các nhà nghiên cứu chính trị hay chuyên gia về Trung Đông để thấy không ai dự báo trước một bước ngoặt lịch sử sẽ lật đổ các đế chế độc tài lâu đời tại Tunisia, Ai Cập hay Lybia. Chẳng có ai cả, và chắc chắn không phải bà bộ trưởng ngoại giao Pháp, người đã đề xuất giúp Tunisia lập lại trật tự vài ngày trước khi Ben Ali bị đánh đổ. Obama cũng im lặng, thận trọng và ngạc nhiên ; năm 2009 ông còn long trọng đón tiếp Mubarak. Cũng không phải tổng thống Pháp Sarkozy năm 2007, người còn cho Gaddafi cắm lều trại ở vườn phủ tổng thống Elysées, rồi dội bom Gaddafi vào năm 2011 sau Mùa Xuân Ả Rập. Tất cả các nguyên thủ quốc gia phương Tây đều đi ngoài lề lịch sử mặc dù nó đang diễn ra. Mùa Xuân Ả Rập hay Cách mạng Xà Rông nhắc nhở chúng ta phải thận trọng trong nghệ thuật dự đoán sự kết thúc một số nền độc tài, hoặc ít nhất phải thận trọng để đừng vội vã khẳng định rằng một số nền độc tài sẽ đứng vững mãi mãi. Ít nhất là không nên vội vã cười chế nhạo Fukuyama. Trong cuốn Kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and The Last Man", ông đã báo trước không phải là sự kết thúc của lịch sử như một số người tưởng chỉ vì mới đọc tên sách. Điều ông dự báo trước là chiến thắng của dân chủ chắc chắn sẽ đến với mọi dân tộc vì dân chủ là chế độ chính trị hiệu quả nhất, nhưng cần nhiều thời gian.

Một trong những phép màu hiện nay là sự chuyển hóa của một phần thế giới Khổng giáo sang dân chủ vào nửa sau thế kỷ 20. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là các nền dân chủ vững chắc và lâu bền. Các nước này đã chỉ cần một vài thập kỷ để thiết lập một chế độ dân chủ vững chắc theo mô hình phương Tây. Họ đã chứng tỏ rằng có thể chuyển hóa thành công về dân chủ từ di sản Khổng giáo và Pháp trị. Dân chủ đã thành công như thế nào ở các nước này ? Trong cả ba quốc gia, dù do áp lực từ bên ngoài hay do quyết định từ chính quyền, động cơ chính luôn luôn bắt nguồn từ một lớp tinh hoa muốn tiến tới tự do. Do di sản Khổng giáo, những thay đổi chính trị thường xuất phát từ thượng tầng, không qua cách mạng quần chúng, như một cuộc chuyển hóa phù hợp với đòi hỏi của giới tinh hoa và được sự hỗ trợ của bối cảnh quốc tế hay áp lực từ bên ngoài. Phải chăng đây là con đường cho Việt Nam tiến tới dân chủ ? Cũng có thể. Nhưng điều mà tôi không cảm thấy tại nước ta là sức mạnh quần chúng đã làm nên Mùa Xuân Ả Rập hay Cách mạng Xà Rông. Dĩ nhiên cũng có những cuộc nổi dậy, nhưng không có cách mạng hay phong trào phản kháng đồng bộ của xã hội dân sự, hay đối lập chính trị đúng nghĩa. Phải chăng sẽ như Đài Loan hay Hàn Quốc, nghĩa là chuyển hóa từ trong chính quyền bởi những người sáng suốt trong giới lãnh đạo ? Bất hạnh thay sự tương đồng giữa Việt Nam và hai nước này lại dừng ở đây. Tại Việt Nam, hy vọng những cải cách dân chủ hóa xuất phát từ đảng cầm quyền là rất viển vông. Sự khác biệt với Đài Loan và Hàn Quốc là quá lớn. Một bên là cộng sản, bên kia là độc tài quân phiệt. Các chế độ độc tài quân phiệt đã dần dần dân chủ hóa vào cuối năm 80 nhưng chế độ cộng sản thì khác, như khác biệt giữa Bắc và Nam Cao Ly. Đảng cộng sản là một bộ máy đáng sợ. Nó tạo ra một áp đặt, một chuẩn mực riêng, đào tạo ra những đảng viên trung kiên từng luồn lách nhiều năm trong bộ máy, không biết ngượng nhưng biết ngậm miệng mình và bịt miệng người khác để leo cao hơn. Về bản chất, bộ máy cộng sản là như thế nên nó giúp chính quyền kéo dài. Vả lại, có rất ít những khuôn mặt có thể được coi là cải cách. Chỉ có những cán bộ mờ nhạt, những quan chức gương mẫu như nhau, không tầm vóc, không viễn kiến, hung dữ nhưng không bướng bỉnh, khôn lỏi mà không thông minh. Họ nối tiếp nhau nắm quyền một cách gần như liền mạch.

Để dân chủ có thể được chuyển tiếp tại Việt Nam, có lẽ sau này cần phải khuấy động trên tất cả các mặt trận : liên kết các phong trào phản kháng để có phối hợp ; tiếp tục thức tỉnh tư duy chính trị của quần chúng và tầng lớp tinh hoa vì chúng ta rất thiếu suy tư về vận mệnh chính trị của đất nước ; gạt bỏ chủ nghĩa hư vô đang khiến dân ta rời xa con đường dân chủ hóa, nắm bắt cơ hội mở cửa ra thế giới vì ngày nay dân chủ đã trở thành chuẩn mực của thế giới ; thảo luận với tất cả mọi người kể cả với đảng cộng sản, bởi vì khó có thể có cải cách nếu không có sự hưởng ứng của ít nhất một phần đảng viên cộng sản. Phải kiên trì vì đất nước đang thay đổi nhanh hơn là chúng ta tưởng. Một trong những cánh cửa hy vọng là những năm gần đây, Việt Nam rất mong muốn hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Trong trò chơi liên minh, Việt Nam muốn dùng con bài Hoa Kỳ và phương Tây chống lại Trung Quốc. Chúng ta đều biết vào tháng 5/2020, đúng vào lúc đại dịch Covid, các nhà lãnh đạo Việt Nam (trong đó có Nguyễn Xuân Phúc) đã hội đàm với các đồng cấp Hoa Kỳ (trong đó có cả Trump) để thảo luận về các thỏa ước song phương và về quan hệ tương lai giữa hai nước. Mặt khác, vẫn trong tháng 5/2020, Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu trong đó có những quy định về công đoàn và luật lao động. Tất nhiên đây chỉ là những bước tiến khiêm tốn chưa mang lại tiến bộ cụ thể nào cho dân chủ. Nhưng trên con đường ngoằn ngoèo dẫn đến dân chủ, chúng ta phải hài lòng với từng bước tiến nhỏ. Trong cuộc hành trình cam go tiến tới dân chủ của dân tộc ta hình như đang ló dạng một khúc quanh mới đầy hứa hẹn mà, lần này, chúng ta không được bỏ lỡ.

- 0 -

Chương 8

Sự vắng mặt của ý niệm Quốc Gia

(tháng 5/2020)

mailinh10

 

Mô hình nước Đức và sự thuần chủng. Mô hình Pháp và sự đồng hóa. Một văn hóa và một nhà nước phi quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc. Đã đến lúc phải khẩn cấp hình thành một quốc gia.

Mô hình Đức : Chủng tộc và ngôn ngữ

"Cháu là người nước ngoài hay người Việt Nam ?". Dì tôi tò mò xét hỏi tôi khi tôi mới về Việt Nam. Tôi cũng hiểu câu hỏi này : tôi ở ranh giới giữa Việt Nam và phương Tây, tôi là người Pháp theo văn hóa và quốc tịch nhưng lại có dòng máu gốc Việt. Giống như dì tôi, nhiều người khác cũng hỏi tôi tương tự, nhưng có ít người có thể giúp tôi trả lời câu hỏi này. Có thể là khi đặt câu hỏi này cho tôi, chính người Việt Nam cũng muốn biết ý nghĩa sâu xa "thế nào là người Việt Nam ?". Câu hỏi không đơn giản như người ta tưởng. Để trả lời câu hỏi này, nó đòi hỏi phải định nghĩa quốc gia Việt Nam. Ít có học giả Việt Nam nào đã đào sâu vào câu hỏi này. Ở Việt Nam, từ dân tộc được ngầm hiểu, được giả định ; người ta hiểu nó rất mơ hồ mà chẳng bao giờ định nghĩa hoặc suy tư về nó. Việt Nam là một đất nước may mắn với một vùng đất gần như chỉ có một sắc tộc duy nhất (người Kinh chiếm 85% dân số) và một ngôn ngữ duy nhất. Trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, cả đất nước đều nói tiếng Việt, tất nhiên có nhiều âm điệu và một ít phương ngữ khác nhau tùy theo vùng. Đối với những đất nước may mắn như vậy, quốc gia có thể rất gần với cái mà người Đức gọi là "hiện thân của tinh thần đoàn kết xung quanh một văn hóa và một ngôn ngữ". Đây là câu nói của triết gia Fichte đầu thế kỷ 18, trong bài diễn văn "Nói với dân tộc Đức". Vào lúc đó, năm 1807 lúc Fichte đọc bài diễn văn nổi tiếng này, nước Đức đang là một vùng đất của nhiều vương quốc và không có lãnh đạo thống nhất, bị nhục mạ bởi đại quân của Napoleon. Quốc gia, theo tư duy của người Đức, phải cho phép những người cùng chung ngôn ngữ và văn hóa tập hợp và đoàn kết lại dưới một ngọn cờ duy nhất, bao gồm tất cả các vương quốc còn chưa được thống nhất, Fichte đã nói như vậy để chống lại kẻ thù Pháp đa số theo đạo Công giáo và không nói tiếng Đức. Hậu duệ của các sắc dân Đức đã luôn từ chối quyền lực đến từ đế quốc La Mã hay giáo hoàng. Ý niệm quốc gia đó chính là cái đã đoàn kết và buộc tất cả người Đức phải đoàn kết, làm cho họ khác hoàn toàn với kẻ thù láng giềng là người Pháp. Có thể trong tâm thức của nhiều người Việt Nam ngày nay, khái niệm Việt Nam bao gồm những gì Fichte đã nói, nghĩa là dòng máu, ngôn ngữ và văn hóa.

Đó ít nhất là điều mà người ta nhận thấy qua chính sách thị thực và nhập tịch của Việt Nam, chính sách dành đặc quyền cho những người được xác định có gốc gác Việt Nam. Với họ, họ có thể được miễn thị thực hoặc xin quốc tịch Việt Nam, tùy theo trường hợp có thể có hai quốc tịch (thông thường cấm ở Việt Nam). Ai có thể xin quốc tịch Việt Nam ? Trong số các trường hợp ưu tiên, luật có kể đến trẻ em, con nuôi gốc Việt Nam, trẻ em có bố mẹ là người Việt Nam, hoặc có gốc Việt Nam hoặc các Việt Kiều, những người trước đây đã bỏ Việt Nam đi, đã bỏ quốc tịch khi sống lưu vong. Văn bản luật quy định phải chứng minh được nguồn gốc Việt (bằng tên của mình hay tên cha mẹ, ông bà…), phải biết nói tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt Nam. Dòng máu, ngôn ngữ và văn hóa. Tóm lại là người Việt Nam dường như đồng nghĩa với một phần của chủng tộc Kinh, và chấp nhận sống theo phong tục tập quán người Kinh. Dì tôi, một người đỏng đảnh và hay đùa, đã tự kết luận với câu hỏi của dì là tôi kém hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ của đất nước để tự nhận mình là người Việt Nam. Dì đã tự cho phép mình đùa như vậy, bởi vì đối với dì, cũng như đối với nhiều người khác, không giống lông cũng giống cánh, tôi thực sự và mãi mãi là một thành viên của quốc gia Việt Nam, đó là một cái quyền mà tôi đã có được từ khi tôi sinh ra, từ gia đình của tôi và từ dòng máu chảy trong tôi.

Mô hình Pháp : Đồng hóa và pha trộn

Một ông bộ trưởng Đức gốc Việt giúp chúng ta khởi động lại cuộc tranh luận, đó chính là Philippe Rosler, một phó thủ tướng trẻ tuổi kiêm bộ trưởng kinh tế Đức năm 2011. Rosler là người gốc Việt, ông được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi lúc mới được chín tháng tuổi ở Sóc Trăng, miền Nam Việt Nam, trong lúc chiến tranh vẫn còn ác liệt năm 1974. Ông là một chính trị gia trẻ tuổi và tài năng của nước Đức (giữ chức phó thủ tướng kiêm bộ trưởng khi chưa đến 40 tuổi). Người Việt Nam trên toàn thế giới đều vui mừng thấy một "người nhà mình" tỏa sáng như vậy ở một trong những đất nước thịnh vượng nhất thế giới. Nhầm to ! Philippe Rosler đã tuyên bố rằng tổ quốc của ông chính là nước Đức và Việt Nam chỉ là một phần rất nhỏ xa xôi của đời ông, mà ông không có một kỷ niệm nào (phỏng vấn đăng trên Der Spiegel năm 2012, bằng tiếng Đức). Không giống lông cũng giống cánh, nhưng có vẻ "lông và cánh" vẫn chưa đủ, Rosler sinh ra ở Việt Nam, bố mẹ là người Việt Nam, nhưng một mực khẳng định mình là người Đức và từ chối liên hệ huyết thống với một cội nguồn xa xôi.

Như vậy suy nghĩ lại ta thấy Việt Nam đã nhầm khi coi chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ là nền tảng của dân tộc Việt Nam. Những người nghĩ như vậy, hay khẳng định như vậy thì quả là họ còn chưa biết rõ lịch sử của chính mình. Người Việt Nam được tạo nên bởi sự pha trộn từ các sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc khác nhau. Ở giai đoạn đầu của lịch sử nước ta, ở phía Bắc, Việt Nam được sinh ra từ cuộc gặp gỡ giữa các bộ tộc miền Nam Trung Quốc, từ Vân Nam với các sắc dân bản địa ở phía Bắc, các bộ tộc thời Đông Sơn và các sắc tộc miền núi lân cận. Lúc chúng ta đang ở năm số 0 Công Nguyên và Việt Nam đang là một tỉnh của Trung Quốc, trên vùng đất của chúng ta có những người dân gốc gác pha trộn mà người ta cũng không biết được là người Hán hay người Vân Nam (ngay cả người Vân Nam cũng có lẫn lộn cả Hán và không phải Hán), hay là người Nam Đảo (Austronesian) hay là người Nam Á (Austroasiatic). Vì tất cả các chủng loại được pha trộn, kết hợp nên không thể nói chúng ta thuộc dòng máu nào. Từ lúc độc lập cho đến ngày nay, sự đồng hóa những sắc dân còn lại vẫn còn tiếp tục. Trong công cuộc mở rộng bờ cõi xuống phía Nam, sự đụng độ với người Chàm đã không kết thúc bằng một cuộc diệt chủng (mặc dù có nhiều trận chiến, lưu đày, nhiều tội ác hay hành quyết người Chàm), mà bằng một sự đồng hóa đại trà liên tục trên phương diện dòng giống, ngôn ngữ và văn hóa. Cha tôi rất thích nói rằng giọng nói đặc trưng ở miền Trung là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc đồng hóa người Chàm. Sau đó, trào lưu đồng hóa tiếp tục tràn xuống phía giữa các bộ tộc và làng bản người Khmer, khối người đến từ miền Bắc và với những người Hoa mà một số đông định cư ở Chợ Lớn. Sau này phương Tây lại đến và La Tinh hóa ngôn ngữ của chúng ta. Tiếng Việt trở thành ngôn ngữ duy nhất trong khu vực kết hợp nguồn gốc và cấu trúc Châu Á với bảng chữ cái La Tinh. Đối với Việt Nam, lịch sử dường như được tóm gọn trong câu nói nổi tiếng của nhà sử học pháp Braudel. Ông giải thích (để mô tả tiến trình đồng hóa tại Pháp) rằng mỗi nền văn hóa mới khi gặp một nền văn hóa khác trội hơn, nó bị đồng hóa một cách tự nhiên, đồng thời cũng đóng góp thêm một số sắc thái. Hoàn toàn không có thuần túy chủng tộc hay thuần túy văn hóa. Dân tộc Việt Nam là thành quả của một tiến trình đồng hóa tiệm tiến liên tục. Đó chính là những gì đã tạo nên văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa tự thay đổi, tự giàu có thêm và tự biến đổi khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác. Có cần phải có sự thuần khiết về ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc (dòng máu) để định nghĩa dân tộc Việt Nam ? Chắc chắn là không thể được đối với một đất nước được hình thành bởi những làn sóng hòa trộn từ các nền văn minh khác nhau. Huyết thống không đủ để định nghĩa thế nào là người Việt Nam.

Nước Pháp và các nhà tư tưởng Pháp đã có công là những người đầu tiên cung cấp định nghĩa quốc gia vẫn còn dùng cho đến ngày nay. Bởi vì cũng giống chúng ta, nước Pháp đã là xứ sở của hàng nghìn bộ tộc, hàng nghìn ngôn ngữ và thậm chí có lúc đã bị chia rẽ vì tôn giáo. Cũng như chúng ta, nước Pháp cũng đã là một đất nước của những cuộc nội chiến ghi dấu ấn trong lịch sử. Cũng như chúng ta, sự thuần nhất văn hóa chủng tộc không thể dùng để định nghĩa khái niệm đất nước. Người Pháp hiểu rằng khái niệm này phải vượt qua những giới hạn chật hẹp của văn hóa, ngôn ngữ và chủng tộc. Đối với nước Pháp, chính thất bại đau đớn năm 1871 trước người Đức, một đất nước đã có thời gian để hồi sinh sau những thất bại với Napoleon, đã làm cho Pháp nghĩ lại về vấn đề quốc gia. Bại trận, Pháp phải nhượng lại vùng Alsace và Lorraine. Hai vùng này lúc đó thuộc văn hóa Đức, nói tiếng Đức và có nhiều dân đạo Tin Lành. Đối với người Đức thắng trận và đi duyệt binh ở Paris, họ chẳng nghi ngờ gì nữa, rằng hai vùng này sẽ trở về với đế chế Đức. Các trí thức Pháp, tuy nhiên, đã không chịu hạ vũ khí. Thua trên mặt trận quân sự, nhưng nước Pháp hài lòng với sự thịnh vượng, hài lòng với chiến thắng trí tuệ trước địch thủ Đức. Renan trong một bài diễn văn đã làm cho ông nổi tiếng đã được đọc trước trường College de France, ông nói quốc gia không phải dòng máu và ngôn ngữ. Quốc gia là khát vọng chung sống, khát vọng xây dựng một tương lai chung dựa trên một quá khứ lịch sử chung. Renan còn tinh quái nói thêm "hãy hỏi người Alsace hay Lorraine xem họ cảm thấy mình là người Pháp hay là người Đức để giải quyết vấn đề". Câu hỏi có tính hùng biện, cũng như tất cả mọi người, Renan biết tỏng là người Alsace và Lorraine, mặc dù nói tiếng Đức giỏi hơn tiếng Pháp, vẫn thích thiết kế tương lai của họ với Pháp hơn. Lịch sử nhớ mãi định nghĩa của Renan để mà từ đó xác định quốc gia là gì. Trả lời cho câu hỏi ban đầu của dì tôi bây giờ quá dễ ! Tất cả những người có liên hệ với lịch sử của Việt Nam, chấp nhận những người Việt Nam khác như những người anh em và đặc biệt mong muốn xây dựng và chia sẻ với họ một tương lai chung đều được coi là người Việt Nam.

Một chính quyền, một văn hóa, còn thiếu quốc gia

Định nghĩa có vẻ đơn giản, vậy mà không ai ở đây có thể cung cấp cho tôi một định nghĩa tương đối gần như thế. Có thể là do Việt Nam lại bất hạnh ngay với chính di sản của mình. Văn hóa và chính quyền đã được áp đặt mà hầu như không gặp sự phản kháng nào của người dân và người dân cũng chẳng có nhu cầu đặt ra vấn đề ý niệm quốc gia. Những suy tư về ý niệm quốc gia thường được người dân cùng một văn hóa đặt ra nhưng chưa có một nhà nước thống nhất như trường hợp của Đức trước Bismarck, hay trường hợp ngược lại, các nhà nước trung ương ngự trị trên một không gian phức hợp như trường hợp của Pháp đến thế kỷ 18. Nước Việt Nam không bao giờ thiếu hai yếu tố này cả. Văn hóa chính của Việt Nam luôn luôn đồng hóa một cách tự nhiên bởi những văn hóa khác xung quanh để tránh những cuộc đụng độ, đối đầu giữa các nền văn minh. Trải qua thời ảnh hưởng của Khổng giáo, cho tới thời Pháp thuộc, Việt Nam luôn có một bộ máy nhà nước mạnh, thường là người chủ duy nhất của đất nước. Không có nhu cầu thống nhất lại văn hóa dưới một nhà nước, người Việt Nam vì thế cũng không thấy cần phải suy nghĩ về ý niệm quốc gia. Nhưng sự thiếu vắng ý niệm quốc gia hình như đang để cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi thắng thế.

Nhưng chủ nghĩa dân tộc gì ? Trước hết cần lưu ý là hai cụm từ "chủ nghĩa dân tộc" và "chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi" thường được coi là tương đương vì chủ nghĩa dân tộc (nationalism) tự nó mang tính quá khích và hẹp hòi. Nhà văn Romain Gary đã có một câu nói ngắn : "chủ nghĩa yêu nước là yêu đồng bào mình, chủ nghĩa dân tộc là căm thù người khác". Hơi quá đơn giản, nhưng câu nói này cũng giúp ta nắm được cốt lõi của sự đối kháng giữa tinh thần quốc gia và chủ nghĩa dân tộc. Tôi thích cách mô tả của Lưu Hiểu Ba hơn. Ông đã mô tả chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trong một chuyên đề về chủ nghĩa Hán tộc mới sau thời Mao, một thứ cảm giác hận thù, sẵn sàng gây hấn và vơ vào, nhưng lại hoàn toàn ảo tưởng. Ông cay đắng cho rằng, tuổi trẻ Trung Quốc rất thích diễu võ dương oai, khoe khoang rằng Trung Quốc đã có một nền văn minh lớn trên thế giới, nhưng lại dễ đoạn tuyệt với đất nước, di cư hẳn sang Mỹ hoặc Châu Âu ngay khi có cơ hội. Chủ nghĩa dân tộc hình dung quốc gia không có tình đồng bào. Người ta bấu víu vào vỏ ngoài, vào những dấu hiệu phô trương quyền lực hay sức mạnh mà bỏ qua yếu tố thầm kín, nhưng không thể thiếu là sự liên đới giữa các thành viên khác của quốc gia. Đó là một thứ tình cảm quốc gia rẻ tiền mà người ta làm như trân trọng để tỏ ra mình là người tốt nhưng cũng sẵn sàng gạt đi khi phải chọn lựa giữa quốc gia và quyền lợi cá nhân.

Trong một bài nghị luận ngắn viết vào giũa năm 2000 Lưu Hiểu Ba tỏ ra ngạc nhiên về sự ra đi dồn dập của giới trẻ Trung Quốc đầy tự hào dân tộc. Hiện tượng này dường như cũng đã đến Việt Nam, chỉ muộn hơn một chút. Chủ nghĩa dân tộc rẻ tiền cũng thấy rõ, tuổi trẻ nói là yêu đất nước, nhưng cũng bỏ nước ra đi như bên Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc ở đây là căm thù Trung Quốc một cách quá khích để thay thế cho tình anh em đối với đồng bào mình. Có thể là vì, do di sản lịch sử, chống Trung Quốc đã từ lâu ăn sâu vào tâm thức Việt Nam. Nhưng thay vì một suy tư sâu xa và khó khăn về quốc gia, người ta chọn đoàn kết trong một thái độ bài Hoa phi lý. Mối hận thù đôi lúc chuyển sang dạng thuyết âm mưu. Có nhiều tin đồn hồ đồ rằng người Trung Quốc đã kiểm soát gần như tất cả, một phần bộ chính trị làm theo lệnh của Bắc Kinh, đất đai Việt Nam cũng do Bắc Kinh kiểm soát và có nhiều vùng đã bị người Hoa chiếm đoạt. Tôi đã nghe được ở Việt Nam cũng như ở trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài nhiều tin đồn vô căn cứ như thế. Ít ai lưu ý rằng Trung Quốc chỉ mới bắt đầu đầu tư vào Việt Nam và những đầu tư này còn rất nhỏ so với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai nước từ lâu đã đầu tư rất nhiều vào những lĩnh vực chiến lược của ta, dù là cơ sở hạ tầng, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước hay các nhãn hiệu tiêu dùng lớn. Cũng ít người để ý rằng chính phủ Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ khiếu nại chống Trung Quốc, nghĩa là ít ra không hoàn toàn vâng lệnh. Những thuyết âm mưu này uốn nắn sự thực đang buồn là tinh thần bài Hoa sơ đẳng hầu như được mọi người Việt Nam chia sẻ, từ Bắc chí Nam, trong nước cũng như ngoài nước. (Tất nhiên Trung Quốc có những ảnh hưởng chính trị đối với Việt Nam, chuyện này đã bị ngay cả một số lãnh đạo cao cấp trong Đảng cộng sản tố cáo. Theo tôi là ảnh hưởng Trung Quốc có thực nhưng người Việt thường có xu hướng thổi phồng lên do có tâm lý bài Hoa bệnh hoạn).

Sự thù ghét Trung Quốc đang lên cao. Trong một vòng luẩn quẩn, dường như Đảng cộng sản cũng lợi dụng chủ nghĩa dân tộc và tinh thần bài Hoa để hướng dẫn những bất bình của dân chúng sang một kẻ thù chung bên ngoài. Ngày hôm nay, dường như chỉ có lòng hận thù Trung Quốc mới tạo ra được các cuộc biểu tình lớn trên đường phố, trong đó phải có bàn tay của chế độ. Trong danh sách các cuộc biểu tình dưới chiêu bài chống Trung Quốc gần đây có thể kể : chống Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông, chung quanh Trường Sa và Hoàng Sa (sự cố năm 2014, các công dân Trung Quốc bị đánh hội đồng và sau đó một lần nữa vào năm 2018) ; chống các đặc khu kinh tế bị cho là dựng lên để người Trung Quốc đến mua đất hàng loạt (2018) ; có thể sau Covid sẽ có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm Biển Đông, chống các cơ sở Trung Quốc. Ngay cả sau sự cố nhà máy thép Formosa 2016 (gây ra nhiều cuộc biểu tình dữ dội kéo dài nhiều tuần), người ta cũng kết tội Trung Quốc ngấm ngầm kiểm soát công ty này, mà thực tế công ty này là của Đài Loan. Danh sách không đầy đủ này cho thấy chỉ cần "cái bóng nhỏ" của Trung Quốc là có thể tạo ra tia lửa. Những cuộc biểu tình này nói chung đều chính đáng, nhưng điều này không quan trọng lắm, điều cần lưu ý hơn là chỉ có chủ nghĩa dân tộc bài Hoa là có khả năng định hướng dư luận trẻ tuổi và đám đông. Ngoài ra chẳng có một biến cố nào có thể làm được việc này, trừ bóng đá. Cũng chỉ có chủ nghĩa dân tộc bài Hoa, ngoài bóng đá, mới được chính quyền dung túng. Hay đúng hơn là chính quyền thích dương lên ngọn đuốc chống Trung Quốc để người dân mắc bẫy.

Tuy nhiên, như trong lời tiên tri của Lưu Hiểu Ba, chủ nghĩa dân tộc càng mạnh bao nhiêu thì đồng thời các cuộc trốn chạy ra nước ngoài càng tăng lên bấy nhiêu. Điều này có vẻ nghịch lý, vào lúc kinh tế phát triển thì giới trẻ vàng son của đất nước ta, rất có học, lại tìm cách vĩnh biệt nước mình để đến những miền đất hứa Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, đôi khi là cả Trung Quốc hoặc đất thánh phương Tây, Châu Âu, Úc, Hoa Kỳ. Tất cả giới trẻ thành đạt, giàu có, học cao đều mơ ước một định mệnh bên ngoài đất nước trong khi đất nước đang rất cần họ, một lực lượng mới có trình độ cao. Có tương lai rộng mở ở đất nước mình, họ lại mơ ước gia nhập một dân tộc khác. Lưu Hiểu Ba đã có lý, những ảo tưởng về chủ nghĩa dân tộc che đậy một sự thiếu vắng tư duy sâu sắc về quốc gia và khi lựa chọn miền đất cho tương lai, đa số vẫn chạy theo những cám dỗ từ bên ngoài, dù đã từng la hét chống Trung Quốc nhân danh dân tộc đó là vì lòng căm thù chung đối với nước ngoài không đủ để xây dưng một quốc gia bền vững.

Phải khẩn cấp tạo nên một quốc gia

Đặc điểm chung của các nước phát triển trên thế giới này là gì ? Không có ngoại lệ nào cả ngoại trừ các thiên đường trốn thuế nhỏ, các tiểu quốc hay các đế chế dầu mỏ ; tất cả các nước này đều được đánh giá là có một quốc gia. Phải hiểu quốc gia không đơn thuần chỉ là tổng số của những cá nhân đơn lẻ, mà là một thực thể cao hơn, được cấu thành bởi sự đồng thuận của tất cả mọi người, nó gắn bó tất cả mọi người trong một tương lai chung, và tạo ra sự thịnh vượng chung. Các quốc gia này thông thường là các nước dân chủ, nhưng những người coi dân chủ là nguyên nhân của phát triển cũng lẫn lộn giữa nguyên nhân và hậu quả. Ở thời đại của chúng ta có đầy các nền dân chủ nghèo nàn, khốn khổ và sa lầy trong chậm tiến. Những người này quên rằng dân chủ cũng mong manh, yếu kém và chỉ có thể tồn tại ở những nước có một ý niệm quốc gia vững chắc. Đủ vững chắc để khi 49% dân số thua trong một cuộc bầu cử vẫn chấp nhận thất bại một cách nhẹ nhàng và tiếp tục xây dựng một tương lai chung mà không ly khai với 51% thắng cuộc. Đủ vững chắc để giới lãnh đạo sử dụng quyền lực nhà nước phục vụ nhân dân thay vì lợi ích của mình. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng một số nền dân chủ ở Châu Phi, Brazil, Philippines… đã không đạt được, thậm chí sau nhiều thập kỷ có chế độ dân chủ.

Tại sao quốc gia lại cho phép một số nước đạt tới sự thịnh vượng như chúng ta đã thấy ? Người ta kết hợp khái niệm quốc gia với khái niệm chủ quyền, trong những nhà nước quốc gia, những nation state mà nhiều học giả Việt Nam hay dịch sai thành "quốc gia dân tộc". Đây là một khái niệm phức tạp tóm tắt tất cả : nhân dân là chủ và cùng chấp nhận đoàn kết trong một quốc gia để cùng xây dựng trong tình anh em một tương lai chung. Đằng sau ý niệm quốc gia, chính là ý niệm làm chủ vận mệnh của chính mình. Điều cốt lõi là cùng với ý niệm quốc gia, người dân phải tự giải phóng. Quốc gia là điều kiện bắt buộc để dân chủ thành công. Chỉ trong một quốc gia, nhà nước mới là một bộ máy phục vụ nhân dân, thay vì là một bộ máy đàn áp và cướp đoạt. Trong cuốn sách Hành lang hẹp (The Narrow Corridor), Acemoglu và Robinson đã thảo luận về những lý do thành công của một số nước trên thế giới. Theo họ cần có sự cân bằng phức tạp và hài hòa giữa ba yếu tố : nhân dân, tầng lớp quyền thế và các cấu trúc nhà nước. Nghèo đói là do thiếu cân bằng giữa các yếu tố này. Đôi lúc nhân dân chỉ biết tự do cá nhân, từ chối giám sát tập thể và quyền lực nhà nước. Trường hợp hợp điển hình là Somalia, khi nước này bị phân rã bởi những nhóm dân quân thù địch đánh nhau ngay tại thủ đô Mogadishu. Ví dụ khác là trường hợp của các lãnh thổ gồm nhiều bộ lạc kình địch, trong đó mỗi một cá nhân và mỗi bộ lạc nhất định không chịu nhượng bộ dù chỉ một chút tự do cá nhân với kết quả là số phận bi đát chung. Đôi lúc nhà nước quá trấn lột (Acemoglu và Robinson dùng khái niệm này để chỉ các nhà nước có mục đích hàng đầu là sử dụng vũ lực để ăn cắp tài nguyên). Đó là những trường hợp của các nền văn minh phù sa trước đây, của Ai Cập thời kỳ Pharaon hoặc các đế chế Inca trước khi sụp đổ. Đó là các nền văn minh với những bạo quyền chỉ biết đàn áp. Trung Quốc hiện nay (năm 2020, vẫn nghèo) là một thí dụ khác, một nhà nước chuyên quyền tận dụng toàn bộ tài nguyên khổng lồ của đất nước để làm lợi cho một nhóm thiểu số.

Phép màu của thời đại mới là bắt đầu có sự cân bằng giữa một bên là những cá nhân bình thường ít muốn hợp tác và một bên là nhà nước bình thường dễ có khuynh hướng độc tài, nhất là khi nó có quá nhiều quyền lực. Đó chính là cái hành lang hẹp mà theo Acemoglu và Robinson là phép màu hiếm có trong lịch sử nhân loại. Tại Châu Âu, đặc biệt là Pháp, đã phải có văn hóa tự do bất khuất của các bộ lạc Celtic và Germanic cùng với một giác quan chính quyền nhờ văn hóa La Mã mới đến được hành lang hẹp này. Hành lang hẹp này chính là cái mà người ta có thể định nghĩa như là quốc gia, một bàn tay vô hình kết hợp tất cả các yếu tố phân kỳ trong cùng một đất nước.

Quốc gia là hợp tác. Trong tình đồng bào, người ta chấp nhận logic hòa hợp, huynh đệ và tương tín vượt lên trên các logic cá nhân, gia đình hay bộ tộc. Quốc gia cũng là chủ quyền, nhân dân cùng nhau làm chủ tương lai mình. Ngay sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản, các bạn Nhật của tôi đã nói họ phải tiếp tay giúp quốc gia của họ hồi sinh. Họ đã tuyên bố như vậy ngay cả khi nước họ đang có nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân (bây giờ thì chúng ta biết là họ đã làm chủ được tình thế, nhưng khi mới xảy ra sự cố, chưa ai biết điều gì sẽ xảy ra). Chạy trốn và di cư đối với họ không bao giờ là một giải pháp. Họ nghe thấy lời kêu gọi của tổ quốc lâm nguy.

Việt Nam hôm nay vẫn chưa hẳn là một quốc gia. Để ra khỏi tình trạng chậm tiến đã kéo dài quá lâu chúng ta cần cấp bách xây dựng một tình cảm quốc gia – thay vì một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi - để một quốc gia Việt Nam đúng nghĩa ra đời.

Đã đến lúc trả lời câu hỏi của dì tôi, cũng là câu hỏi của nhiều người Việt Nam : Thế nào là người Việt Nam ? Phải coi người Việt Nam là tất cả những người chấp nhận mối quan hệ anh em với những người Việt khác, phải nhìn nhận tư cách người Việt Nam cho tất cả những ai gắn bó tương lai của mình với những người anh em trong quốc gia Việt Nam. Dì ơi, có lẽ dì phải mường tượng rằng vẫn có những người là người Việt Nam mặc dù họ không nói thạo tiếng Việt. Ngược lại, rất tiếc là có nhiều người rất thành thạo tiếng Việt nhưng lại từ chối hội nhập vào quốc gia Việt Nam non trẻ.

- 0 -

Chương 9

Bài học từ Covid

(tháng 9/2020)

mailinh11

 

Về phép mầu Việt Nam. Đàng sau mặt tiền. Kho báu ẩn.

Về phép màu Việt Nam

Thường bị các kênh truyền thông quốc tế lãng quên, đất nước Việt Nam nhỏ bé đã trở thành tâm điểm chú ý trong đại dịch. Trước tiên là Việt Nam rất gần với Trung Quốc, lại có biên giới trực tiếp với Trung Quốc, có nhiều người lao động di cư (một phần trong các nhà máy ở Vũ Hán). Với tất cả các yếu tố trên, người ta đã lo sợ một thảm họa sẽ đến với Việt Nam, một trong những nước nghèo nhất có biên giới chung với đế quốc Trung Hoa. Chúng ta đang ở thời điểm cuối tháng 2/2020 và mọi người lúc đó đều lo sợ về một thảm kịch y tế, khi mà cơ sở hạ tầng không đủ để chống lại dịch bệnh. Nhìn từ bên ngoài và từ xa, phương Tây lo cho Việt Nam ; họ cho rằng Việt Nam sẽ là một nạn nhân trực tiếp và không thể tránh khỏi của cơn khủng hoảng này. Nhưng rồi mọi dự đoán đã nhanh chóng bị đảo ngược, vào tháng 7/2020, tức là sau vài tháng, cơn khủng hoảng dịch bệnh lại chuyển sang phương Tây, tràn ngập các bệnh viện và vài tháng sau đẩy các nước vào cơn khủng hoảng kinh tế - tài chính trầm trọng chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Ở Việt Nam, thảm họa mà người ta lo sợ lại biến thành kỳ tích. Cho tới tháng 7/2020 không một người chết, tổng số ca nhiễm chỉ là 325, chủ yếu đến từ nước ngoài. Các ca nhiễm này đã được cách ly ngay khi nhập cảnh, đã được điều trị và vẫn còn khoảng 30 trường hợp đang được điều trị, số còn lại được coi là đã khỏi bệnh. Phong tỏa ở đây rất nhẹ nhàng, trong vòng vài tuần và từ tháng 5, cuộc sống dần dần trở lại bình thường. Làn sóng thứ hai – để nói một cách đơn giản dù một số nhà khoa học có thể không đồng ý- chỉ có một số người chết vào giai đoạn đầu và khoảng 30 ca nhiễm mỗi ngày. Con số này không ảnh hưởng gì nhiều đến việc phòng chống và quản lý dịch bệnh. Đương nhiên là các phương tiện truyền thông nước ngoài không ngớt lời ca ngợi kỳ tích Việt Nam, tương phản với thảm họa ở phương Tây. Như vậy, nhờ có kỳ tích này, Covid cuối cùng cũng ít có ảnh hưởng tới đất nước, cho đến lúc này. Từ khi có Covid, Việt Nam được thế giới khen ngợi rất nhiều -điều hiếm hoi trong lịch sử gần đây. Một vài ví dụ : chúng ta có thể trích dẫn bài báo "Hỗn loạn dân chủ và kỷ luật Khổng giáo", tháng 5/2020, của ông cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam thể hiện sự kính trọng của ông đối với một đất nước nghèo nàn nhưng biết cách động viên cả bộ máy chính quyền và người dân trong một cuộc đấu tranh hài hòa, cho đến lúc đó và chiến thắng được virus. Lãnh đạo chính xác và thận trọng, nhân dân kỷ luật và hợp tác được giải thích là lý do dẫn đến thắng lợi chung. Thêm vào đó còn có rất nhiều lời khen của những người đã ở trong các trại cách ly ; họ khen ngợi tính chuyên nghiệp, lòng tốt của các nhân viên, những cái đó đã cho phép ngăn chặn được sự lây lan của virus từ nước ngoài vào. Đỉnh điểm của những vụ này là một phi công người Anh bị mắc Covid, bệnh nhân số 179 ; ông rơi vào trạng thái hôn mê, phải dùng máy thở ICU và nằm nhiều tuần ở khu cấp cứu với cái chết cận kề. Cuối cùng ông ta đã hồi phục và đã khỏi bệnh. Ông đã tuyên bố rằng ông ta chắc chắn đã chết nếu đã ở bất cứ nước nào, cụ thể là ở Anh Quốc, và cám ơn rất nhiều đất nước nơi ông đã sống nhiều năm vì đã quản lý rất tốt dịch bệnh và đã chăm sóc ông. Đến nay, tháng 7/2020, tuy nguy cơ bùng phát một đợt Covid mới với những hậu quả nghiêm trọng vẫn còn rất lớn nhưng có thể nói là Việt Nam đã có một phép màu.

Phép màu y tế đi đôi với kinh tế. Trong thời đại dịch này, những dự báo cho biết Việt Nam có mức độ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất năm 2020. Trong khi thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế, người ta dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 hoặc 3% trong năm 2020 theo số liệu dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (WB). Các lĩnh vực du lịch, khách sạn hay tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, nhưng do không bị phong tỏa toàn bộ nên đã tránh được sự sụp đổ của nhiều hoạt động, tình trạng xảy ra ở nhiều nước khác. Covid cũng có thể sẽ làm tăng cường xu hướng chuyển dịch đầu tư phương Tây từ Trung Quốc sang các vùng công nghiệp mới ở Việt Nam. Trong ngắn hạn, Việt Nam dường như là nước hưởng lợi lớn từ cuộc khủng hoảng này. Lần đầu tiên Việt Nam được ca tụng trên truyền thông. Người ta không nói đến chiến tranh, đàn áp người bất đồng chính kiến, thảm hoạ môi trường. Dịch Covid đã làm chú hổ con lớn thêm và xác nhận những hứa hẹn từ nhiều nơi trong những năm gần đây.

Đàng sau mặt tiền

Dù sao cũng cần phải rất thận trọng với các lời khen ngợi Việt Nam. Trước tiên là làn sóng thứ hai cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn chặn được, vẫn còn rủi ro dịch bệnh sẽ bùng nổ trong tháng 8. Cũng nên nhắc lại là người ta còn biết quá ít về chủng virus này ; một số nghiên cứu đã cho thấy, không như Châu Âu, khí hậu nóng như tại các nước Campuchia, Lào, Thái Lan hay Miến Điện đã giúp quản lý tốt và làm chủ được bệnh dịch. Như vậy cũng nên tương đối hóa phép màu Việt Nam. Một điều quan trọng nữa là, trong lĩnh vực kinh tế, người ta không thể nuôi dân chúng chỉ với sự gia tăng GDP. Nói quá nhiều về tăng trưởng GDP làm cho nó méo mó đi. Đằng sau sự tăng trưởng của năm nay, dù rất vui mừng và phấn khởi, chúng ta không được quên thực tế là Việt Nam vẫn là một nước nghèo, rất nghèo và Covid sẽ còn gây nhiều tổn hại và khó khăn lớn. Việt Nam là một nước xuất khẩu rất nhiều, giá trị xuất khẩu hàng năm hơn 100% GDP, nhập khẩu cũng tương đương, tổng số xuất nhập khẩu là hơn 200% GDP. Năm 2020 Việt Nam là một trong những nước trên thế giới có nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào trao đổi thương mại. Nói một cách cụ thể hơn, phần lớn ngoại tệ chảy vào Việt Nam là từ xuất khẩu hoặc từ đầu tư của nước ngoài chủ yếu để xây dựng các khu công nghiệp và các nhà máy phục vụ xuất khẩu. Hàng xuất khẩu của chúng ta như dệt, quần áo may sẵn, điện tử, nông sản chủ yếu xuất sang các nước giàu (Hoa Kỳ, Nhật bản, Châu Âu chiếm 65%). Vậy mà con virus Covid đã tàn phá các nước này. Theo hiệu ứng domino thì sự trì trệ của các nền kinh tế này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tiểu hổ Việt Nam, một phần thu nhập chắc chắn sẽ mất đi.

Một cách cụ thể, đằng sau những con số, tình trạng trì trệ kinh tế này là gì ? Hàng triệu người lao động trong các ngành công nghiệp chế biến, dệt may sẽ bị thất nghiệp một phần hay toàn phần mà không có một sự hỗ trợ nào bù lại phần lương bị mất đi. Tổ chức lao động thế giới đã ước tính trong báo cáo tháng 04/2020 khoảng hơn 10 triệu người lao động đã mất một phần hay toàn bộ lương do cuộc khủng hoảng này. Trong báo cáo tháng 09/2020, chính Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng nói đến 32 triệu người lao động (tức là 2/3 dân số ở tuổi lao động) đã bị ảnh hưởng vì Covid, hoặc bị cắt lương, hoặc bị mất luôn việc làm (Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận 14% dân số ở tuổi lao động đã mất việc làm vì Covid). Đối với tất cả những người này, những ngày tháng Covid dài dằng dặc là những ngày tháng ngột ngạt không thu nhập, nhất là ngay trước Covid họ cũng chỉ kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng nên không thể dành dụm. Nhưng ngoài những người này ra, còn có hàng triệu người khác thực sự là vô sản, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát. Họ là những người làm việc không có hợp đồng, những người làm công từng ngày ở nông thôn, những người công nhân làm việc chui, những người giúp việc trong các hộ gia đình, v.v. Họ đương nhiên là những nạn nhân đầu tiên của người chủ lao động hoặc khách hàng muốn tiết kiệm tiền trước hoàn cảnh bấp bênh trong những ngày tháng tới. Đối với tất cả những người này, số tiền tiết kiệm ít ỏi đã bay sạch ; Covid là cỗ máy khủng khiếp đi ngược thời gian đưa hàng triệu người vừa mới thoát khỏi đói nghèo trở về nhiều năm trước. Cơn khủng hoảng này có thể sẽ rất kinh hoàng. Hoạt động kinh tế trở lại bình thường sẽ là sự cứu trợ cho hàng triệu người.

Đằng sau bức màn, Covid cũng nhắc nhở cho ta thấy nghèo khổ là gì. Rằng tình trạng bấp bênh đáng sợ nhất là không có bảo hiểm xã hội như ở các nước phát triển. Rằng hợp đồng lao động, một thứ bắt buộc tại các nước phát triển, là một điều xa xỉ đối với hàng triệu người thực sự vô sản và buộc phải chấp nhận những điều kiện làm việc rất bất lợi ; về mặt này, Việt Nam vào năm 2020 vẫn còn là một nước nghèo dù có phép màu Covid. Thêm một ngày ở trong tình trạng kém phát triển là thêm một thất bại và một bi kịch. Covid cuối cùng lại làm mất thêm thời gian để đất nước thoát hẳn cảnh nghèo khổ. Tệ hơn nữa, Covid còn có thể đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo trên đất nước này. Người giàu thoát nạn gần như an toàn trong khi người nghèo kiệt quệ. Và than ôi, những người vô sản đang kiệt sức đó có thể sẽ lại trở thành nguồn lao động bị bóc lột thả cửa bởi những người giàu đang nắm giữ tài sản của đất nước này.

Có lẽ một trong những hậu quả không ngờ của cơn khủng hoảng Covid này là nó sẽ làm trầm trọng thêm và bình thường hóa tình trạng bất bình đẳng sẵn có. Nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng một chút vào năm 2020, thì những người được hưởng lợi trước hết sẽ là những người giàu và các quan chức, cán bộ mà thu nhập gần như không bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Năm nay, tệ hơn những năm trước, mức tăng trưởng trung bình của đất nước sẽ vừa thấp vừa sai, bởi vì nó không phản ánh thực trạng là một thiểu số vẫn tiếp tục giàu lên như bình thường, trong khi mãi lực của đại bộ phận dân chúng giảm nhiều. Nói một cách khác thu nhập từ vốn (bất động sản hay tài chính) có thể vẫn tiếp tục tăng một chút mặc dù có khủng hoảng, tăng trưởng chậm lai chủ yếu ảnh hưởng lên lương bổng của giới công nhân. Giữa cơn khủng hoảng, công ty bất động sản JLL đã thông báo sự gia tăng kỷ lục của giá bất động sản Sài Gòn trong quý hai (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng vẫn cao nhất thế giới (hơn 7% vào tháng 08/2020 ở một số ngân hàng với kỳ hạn 12 tháng). Đại đa số người Việt sống bằng đồng lương và đều chật vật trong năm nay và cười chua chát mỗi khi có thông báo của chính phủ về tăng trưởng kinh tế trong mùa dịch, trừ một số nhỏ rất may mắn như những cán bộ trong các công ty nước ngoài có chính sách bảo vệ nhân viên tốt. Đối với hàng triệu người lao động chân tay có đời sống bấp bênh, dịch Covid lại vô sản hóa họ một lần nữa sau khi đời sống vừa được cải thiện đôi chút. Đối với họ sự tăng trưởng GDP chẳng có ý nghĩa gì so với số lương mà họ đã mất trong năm Covid này.

Kho tàng ẩn

Tại sao những người vô sản này không trở thành những người vô gia cư, quậy phá trong những khu ổ chuột, hay đi lang thang ở các làng quê hay trên đường phố ? Một câu hỏi đáng suy ngẫm đồng thời cũng gợi mở ý nghĩ tương đối hóa cái nghèo thực sự và ảnh hưởng của cơn khủng hoảng đối với hàng triệu người lao động chân tay, đời sống bấp bênh. Những người vô sản này kiếm được vài triệu đồng một tháng, sống không có bảo hiểm và không có tiết kiệm. Đằng sau câu hỏi này có thể là phép màu Việt Nam thực sự đã được tiết lộ qua cơn khủng hoảng Covid.

Làm sao mà những người lao động chỉ có vài triệu đồng/tháng, phần lớn đã chi tiêu hết cho những nhu cầu tối thiểu lại có thể sống sót sau nhiều tháng bị cắt lương ? Trong cơn khủng hoảng vẫn phải tiếp tục trả tiền ăn, tiền thuê nhà (nếu có), quần áo, thuốc men, điện nước ; phần lớn là những khoản chi bắt buộc. Ở các nước khác, như Ấn Độ hay Philippines, cuộc khủng hoảng có thể làm bùng nổ thảm kịch đói khổ cùng cực. Tại Manila thủ đô Philippines, trước Covid đã có kỷ lục thế giới về số người vô gia cư, những tháng phong tỏa đã đẩy thêm rất nhiều gia đình nữa ra sống ở vỉa hè với phương tiện sống chính là đi ăn xin (thí dụ như trường hợp các Jeepner, những người lái xe bus nhỏ, phải nghỉ việc và bị rơi vào tình trạng vô cùng bấp bênh). Tại Ấn Độ, cuộc khủng hoảng Covid gây ra mối sợ là sẽ tạo ra hàng trăm triệu người nghèo khổ cùng cực, sống với dưới 2 USD mỗi ngày. Ngay cả chính phủ Ấn Độ cũng nhìn nhận là tình hình đã trở nên không thể kiểm soát. Đối với các nước vừa ra khỏi nghèo đói thì Covid là một thử thách khủng khiếp lại đi cùng với hàng loạt những khủng hoảng xã hội. Việt Nam đã không như vậy, tại đây, cơn khủng hoảng chủ yếu là khủng hoảng kinh tế. Nước Việt Nam nhỏ bé dường như cho đến lúc này vẫn tránh được các thảm họa xã hội của các nước vừa mới thoát khỏi tình trạng nghèo khổ cùng cực.

Đó là bởi vì, rất may mắn, ở Việt Nam vẫn còn có những mối liên hệ tương trợ và gắn kết, đặc biệt là quan hệ gia đình. Tất cả những mối quan hệ này dường như cho phép các cá nhân không cô đơn trong cơn khủng hoảng. Trong hệ thống liên kết này, người Việt Nam đã chia sẻ, tương trợ lẫn nhau dù không có nhà nước phúc lợi kiểu Châu Âu, không có chính sách tái phân phối, không có lương tự động tối thiểu, các cá nhân và các cộng đồng đã biết thay thế nhà nước để giúp cho đại đa số dân chúng không bị rơi vào tình trạng cùng khổ. Trái ngược với chúng ta, Ấn Độ, Philippines, Brazil hay các nước nghèo như ta, Covid đã bần cùng hóa rất nhiều người, làm gia tăng đáng sợ số tội phạm và số người cơ nhỡ lang thang bị bỏ rơi trong cảnh nghèo đói. Chúng ta có quyền hãnh diện là Việt Nam đã có một lối đi khác đàng hoàng hơn nhiều. Những đức tính của nông dân và sự rắn chắc của con trâu vẫn còn ở trong mỗi con người Việt và trong khó khăn (trong khủng hoảng Covid) điều đáng chú ý là người Việt Nam ở mọi mức độ cá nhân, gia đình và cộng đồng đã biết kích hoạt tính liên đới truyền thống vẫn còn ăn sâu cắm rễ trong văn hóa Việt Nam.

Nhiều người muốn nói đến vai trò của chính quyền trong cuộc khủng hoảng này, như là một chính quyền vừa thận trọng và độ lượng. Tất nhiên cần phải nhìn nhận chính quyền đã nhanh chóng nhận thức được sự nguy hiểm của con virus, trái ngược với các nước phương Tây. Chính quyền cũng đã biết tiến hành một chiến dịch có hiệu quả để truy tìm virus, có thể là một trong những cách có hiệu quả nhất với những phương tiện khiêm tốn. Nhưng dù sao nhà nước ở Việt Nam vẫn là một nhà nước độc tài, do vậy, mỗi người đều chỉ có thể thấy những gì mà chính quyền muốn họ thấy.

Mặt tích cực ở đây có thể thấy là nhà nước có ít phương tiện nhưng quản lý dịch bệnh khá tốt, có khả năng áp đặt những chính sách quốc gia lớn và có hiệu quả trong việc chống virus. Hơn cả chính sách tốt là sự kiện nhà nước biết tận dụng sự hợp tác tích cực của toàn dân vào cuộc chiến đấu với virus. Chắc chắn là trong câu chuyện này thành tích chủ yếu là của nhân dân, nhân dân đã đoàn kết cùng nhau thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị từ bên trên.

Mặt tiêu cực là một vài vết đen và một vài câu hỏi không có câu trả lời khiến dư luận nghi ngờ về sự buông lỏng quản lý của nhà nước vì trong làn sóng thứ hai, sự gia tăng mạnh mẽ các ca nhiễm ở Đà Nẵng có thể là kết quả của việc nhập cảnh lậu những người đến từ Trung Quốc. Ngoài ra còn một số trường hợp khác gọi là lây nhiễm cộng đồng ở Sài Gòn, Hà Nội. Rồi cũng có một số vụ lây nhiễm do tiêu cực (một quán bar ở Sài Gòn được cho là đã hối lộ công an để mở cửa bất chấp lệnh giới nghiêm). Tại Hà Nội, một bệnh nhân đã trốn khỏi nơi giam giữ đối với những hành khách từ nước ngoài bằng một khoản hối lộ nhỏ ; một vài nhân viên ở đâu đó ăn hối lộ có thể làm hỏng nỗ lực của cả nước. Đằng nào thì đối với những người phản biện thất bại đã được biết trước, người ta không thể nào xóa bỏ được nạn tham nhũng kinh niên trong vòng vài tháng. Trong vô số những vấn đề dưới một chế độ "nửa nạc nửa mỡ" này, tham nhũng luôn luôn ám ảnh thường ngày.

- 0 -

Kết luận

mailinh12

 Ký ức, xây dựng, hòa giải dân tộc

Nghĩa vụ cần thiết của ký ức

Hồ sơ đen về chủ nghĩa cộng sản (Le dossier noir du communisme) của Michel Tauriac là một trong những cuốn sách cuối cùng mà tôi đã đọc để viết Câu chuyện Việt Nam này. Trước đây lúc còn nhỏ, tôi đã gặp tác giả cuốn sách đó. Ông ta là bạn của cha tôi và họ đã cùng nhau đi khắp nơi để cố gắng thu thập những bằng chứng từ những người Việt Nam bất hạnh, những nạn nhân của chế độ cộng sản. Ông là một ký giả lớn, cuối đời trở thành nhà văn lớn. Tôi nhớ mãi phong thái cao quý và kiêu hãnh của ông, đặc trưng cho giới người Pháp theo đảng De Gaulle mà ông tự nhận là thành viên. Ông đã trở thành một người đam mê và sành sỏi về Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn đen tối sau năm 75. Cho đến khi qua đời, ông luôn là người đồng hành quý giá của cha tôi trong cuộc đấu tranh vì một Việt Nam tốt hơn.

Cuốn sách của ông có tầm nghiên cứu rất sâu sắc, nó trao cho chúng ta một nghĩa vụ phải ghi nhớ. Michel Tauriac phục hồi lại nhân phẩm cho biết bao nạn nhân bị lãng quên sau năm 75. Năm mươi năm sau, ở một nước Việt Nam thay đổi từng ngày, người ta có xu hướng lãng quên những giai đoạn đen tối trong lịch sử đất nước. Dưới ngòi bút của Tauriac, trong giai đoạn đen tối này, chồng chất những sự kiện, hàng triệu người miền Nam bị đẩy vào trại tập trung cải tạo. Những trại tập trung này chỉ được bãi bỏ vào những năm 90, tức là 20 năm sau khi kết thúc chiến tranh. Trong khoảng thời gian đó, ước tính có ít nhất 100.000 người đã chết trong những trại cải tạo. Đây là một thời kỳ đen tối của một đất nước Việt Nam nghèo đói tách biệt khỏi thế giới, một vũ trụ mờ ám với những khoản thu nhập do đặc quyền, tham nhũng, biển thủ cứu trợ quốc tế, cướp đất, cướp tài sản, cướp nhà máy tại miền Nam. Một vùng đất của riêng giới tư bản đỏ lưu manh, nơi đó kẻ thắng trận và con cái của họ cướp bóc một miền Nam đã kiệt quệ. Một thời kỳ đen tối, hàng triệu người Việt Nam thà đối mặt với cái chết trên những con tàu ọp ẹp chứ không chịu sống thêm một ngày nữa dưới chế độ cộng sản sau năm 75. Hơn hai triệu người đã chạy trốn khỏi Việt Nam và ước tính khoảng 200.000 người đã bỏ mạng trong thảm kịch kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước. Cuốn sách của Michel Tauriac là một kiệt tác lịch sử tối cần thiết cho những nạn nhân nói trên để nhắc lại những sự thật đã bị lãng quên quá lâu. Tauriac đã ước lượng Đảng cộng sản Việt Nam đã làm thiệt mạng trên ba triệu người. Tác giả của cuốn sách đen này cũng nhắc chúng ta không nên quên cuộc Cải Cách Ruộng Đất của Đảng cộng sản, một cuộc cải cách đẫm máu (hàng trăm nghìn người chết tại các tỉnh miền Bắc năm 1954, khi chính quyền cộng sản tàn sát địa chủ), cũng không nên quên những trại tập trung, những vụ thanh trừng những người chống cộng. cộng sản Việt Nam cũng chẳng khác gì với cộng sản ở các nước anh em nổi tiếng khác như Nga, Cuba, Trung Quốc hay Campuchia.

Sau năm 75, những người cộng sản đã không phải những kẻ chiến thắng với tinh thần cao thượng và văn minh. Ngày nay họ cố viết lại lịch sử để làm quên đi những thập kỷ lỗi lầm và tội ác. Một điều nguy hiểm là khi những năm tháng chiến tranh xa dần, người ta quên dần đi những nạn nhân bị tế thần trên bàn thờ của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam. Người ta thường nói lịch sử được viết nên bởi những kẻ chiến thắng. Chính vì vậy phải có những người như Michel Tauriac, với vai trò căn bản không thể thiếu, vai trò của con người, vai trò của sử gia cố gắng nhắc lại, không né tránh những sự thật khó chịu đã bị lãng quên quá nhanh.

Một câu chuyện nước

Tháng 10/2020 đã xảy ra một trận lụt kinh hoàng ở miền Trung Việt Nam. Người dân ở đây kể rằng họ chưa thấy trận lụt nào lớn như vậy từ 20 năm nay. Vào giữa tháng 10, đã có hàng trăm người chết và 90.000 người mất nhà cửa do nước cuốn trôi hoặc đất sạt lở. Tất cả các chuyên gia về khí hậu và địa lý đã cảnh báo rằng đây sẽ là một thách thức cho Việt Nam trong tương lai. Đứng đầu thách thức này là Sài Gòn, trung tâm kinh tế, đô thị chính, nơi có 10 triệu dân (có thể hơn nếu tính thêm vào đó những người lao động đến từ các vùng và tỉnh nông thôn lân cận). Nguy cơ có thực : những dự báo mới nhất cho biết đến khoảng năm 2050, nguy cơ lụt lội sẽ nghiêm trọng gấp từ 5 đến 10 lần hiện nay (báo cáo của viện McKinsey Global tháng 05/2020, báo cáo này nêu rõ kịch bản ngập lụt khá chi tiết cho thành phố). Tất nhiên, lụt lội sẽ gây tốn kém lớn cho kinh tế cũng như xã hội, để xây dựng lại cơ sở hạ tầng, các nhà ở, các cao ốc. Phải làm gì để tránh thảm họa đã được báo trước này ? Để cứu nguy Việt Nam và nhất là Sài Gòn, ai cũng đồng ý về tầm quan trọng của một chính sách quy hoạch đô thị dài hạn trong đó phải nghĩ lại cấu trúc hạ tầng (cống, đê, hệ thống quản lý và thoát nước), tránh xây dựng quá nhiều các tòa nhà chọc trời khổng lồ và các khu nhà ở mới, bởi vì ngoài việc nó làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt của thành phố, nó sẽ bê tông hóa thêm mặt đất, ngăn cản mức độ thấm nước, nhất là các công trình xây dựng này lại thường được làm ở ngay những nơi có nguy cơ ngập lụt.

Sài Gòn phải làm gì trước những thách thức đã thấy rõ và đã được nghiên cứu từ lâu này ? Đã có một kế hoạch xây dựng và làm lại cơ sở hạ tầng. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã đề xuất một loạt các kế hoạch chống ngập trong tương lai. Vấn đề là những kế hoạch này có vẻ như chẳng là gì trước những dự án bất động sản khổng lồ, phần lớn là nhà ở tại các quận 2, 7, 9, cũng là các quận có nguy cơ bị ngập lụt cao nhất. Ở những khu vực này, nhiều công trường xây dựng mới được thực hiện trước khi cơ sở hạ tầng được xét lại, với hậu quả là những người nghèo nhất phải chịu khổ nhất vì lụt lội. Dù vậy, xây dựng vẫn tiếp tục, làm giàu thêm cho những ông trùm bất động sản hoặc những hộ gia đình giàu có đầu cơ trên chính các căn hộ mới này. Thực sự thì khó có thể đổ lỗi cho những người này vì họ chỉ bảo vệ quyền lợi của họ. Ở đây chúng ta thấy rõ những mối nguy hiểm khi Việt Nam hiện đại hóa chuyển sang chủ nghĩa hư vô, chỉ chạy theo thành công cá nhân. Trong cuộc chạy đua làm giàu cá nhân này, hiện tại và trước mắt được ưu tiên hơn tương lai, lợi nhuận cá nhân quan trọng hơn quy hoạch đô thị dài hạn. Và ở Sài Gòn, người ta muốn tận dụng một vài năm tới, khi thành phố còn chưa bị ngập lắm, để vội vã tìm kiếm lợi nhuận mà chẳng thèm nghĩ đến tương lai chung của thành phố.

Trước nguy cơ này, chính phủ cũng đã có một kế hoạch và một chính sách chung. Nói rằng nhà nước không làm gì là sai. Trong số các dự án trong kế hoạch chung này có một dự án lớn, hơn 400 triệu đô la Mỹ (10 nghìn tỷ đồng), để xây dựng một loạt các trạm bơm thoát nước ở các quận 1, 2, 4, 7 và Nhà Bè. Dự án được khởi công năm 2016, nhưng chỉ được bàn giao một phần vào tháng 8/2020, chậm gần hai năm so với kế hoạch ban đầu. Lý do là vì Nhà nước đã ngừng trả tiền cho các nhà thầu sau khi phát giác những sai sót trong thiết kế, những thủ tục hành chính rườm rà, nhiều bê bối trong việc sử dụng thép rẻ tiền của Trung Quốc không phù hợp với hợp đồng kỹ thuật ban đầu, v.v. Kết quả là dự án rất cần thiết này đã bị băng hoại. Dù sao, trong cái yếu kém của nó, dự án này còn không đến nỗi bi đát như dự án tàu điện ngầm nổi tiếng ở Sài Gòn đến nay vẫn chưa xong, chậm ba năm so với kế hoạch ban đầu. Một lần nữa Nhà nước chứng tỏ sự thiếu khả năng. Quan liêu, tham nhũng vặt, thanh toán nội bộ luôn làm hỏng những dự án công cộng lớn. Câu chuyện này nhắc lại cho chúng ta rằng ở nước Việt Nam thời này, Nhà nước chẳng có lỗi gì, các nhà lãnh đạo, những nhà quản lý chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm với nhân dân. Người dân chỉ còn biết chịu đựng một cách bất lực tất cả những chậm trễ và tình trạng tồi tệ của cơ sở hạ tầng.

Và ngày mai, khi nước đã rút xuống ở Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, sẽ là lúc tổng kết những thiệt hại ở miền Trung nghèo khó này. Khi nước rút, người dân ở đây phải sẽ bỏ tiền ra để làm lại nhà, mua đồ đạc bị nước làm hư hỏng, xây lại các trường học, bệnh viện, đường xá. Đối với họ, những người đã bị ảnh hưởng quá nhiều trong những tuần phong tỏa vì dịch Covid, thì năm 2020 là một năm của ác mộng, đại đa số bị kéo trở lại với sự nghèo khổ. Bài học tối hậu của "câu chuyện nước" này cho thấy Việt Nam của năm 2020 vẫn là một nước quá nghèo. Nghèo đói ở đây cũng có nghĩa là người dân phải chịu đựng tính thất thường của thiên nhiên chứ không được bảo trợ, dù là bởi nhà nước hay cộng đồng.

Hòa giải và tái thiết

Có liên hệ gì giữa câu chuyện nước vừa rồi và Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản ? Chuyện lụt lội nhắc nhở chúng ta về những việc cấp bách tối cần thiết cho Việt Nam hiện đại. Theo thứ tự, ta cần phải tạo dựng một quốc gia, xây dựng một nhà nước phục vụ công dân và chấm dứt nghèo đói. Không có cái kiềng ba chân này thì các tòa nhà sẽ cứ mọc lên chẳng thèm đếm xỉa gì đến lợi ích chung, các dự án cơ sở hạ tầng cứ tiếp tục bị trì hoãn cùng với những phí phạm ngân sách, và những người nghèo vẫn tiếp tục run rẩy trước những mối nguy hiểm bất thường của khí hậu. Tiến trình này tương đối đơn giản và những kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, cho thấy rằng nó có thể thực hiện được. Thách thức của chúng ta thật khổng lồ. Phải coi dự án xây dựng quốc gia, làm lại đất nước như là nền móng của tòa nhà tương lai đòi hỏi chúng ta chung sức chung lòng.

Để tạo dựng quốc gia, cần phải đi ngược lại truyền thống lịch sử. Đó là điều mà Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản đã nhắc lại. Đất nước ta được xây dựng qua hàng loạt các cuộc nội chiến từ thế kỷ 18, nội chiến nhiều hơn hòa bình. Trong cơn cuồng phong lịch sử này, chủ nghĩa cộng sản chỉ là hồi cuối đẫm máu nhất trong hàng loạt những cuộc tương tàn nội bộ dai dẳng. Làm thế nào để tạo nên một quốc gia khi mà trong quá khứ đã liên tiếp có các cuộc chiến tranh và xung đột giữa người Việt với nhau ? Tạo dựng một quốc gia đòi hỏi phải có tình anh em và những liên hệ hợp tác đặc biệt cho phép các thành viên của quốc gia cùng nhau thiết kế một tương lai chung. Quá khứ của chúng ta đầy nội chiến, hận thù và chia rẽ. Những bất hạnh đó tàn phá thay vì củng cố quan hệ hợp tác, điều kiện căn bản để tạo dựng một quốc gia. Đặc biệt cần phải hàn gắn những vết thương khủng khiếp trong thế kỷ 20, thế kỷ người Việt Nam không ngừng giết nhau. Đảng cộng sản, người thắng cuộc, đã viết lại lịch sử, để chỉ kể những huyền thoại về chiến tranh chống ngoại xâm Pháp, Mỹ. Đương nhiên là họ nhầm, cuộc chiến tranh chống thực dân là lý do cho mưu đồ chinh phục quyền lực. Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã nhắc rằng đó là một công cuộc chinh phục quyền lực bằng máu của người Việt Nam. Cuộc chiến gọi là chống Mỹ trước hết là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, giữa người Việt Nam với nhau. Có lẽ đối mặt với lịch sử tạo nên từ những bi kịch liên tiếp, chủ nghĩa hư vô còn ít độc hại hơn. Phải chấm dứt những câu chuyện lịch sử huyền thoại đó vì, than ôi, trong trường hợp của Việt Nam, nó luôn đẫm máu bởi những tội ác khủng khiếp. Ngày nay người ta chỉ mơ ước về thành công và hạnh phúc cho cá nhân mình, vì trong suốt dòng lịch sử những cuộc phiêu lưu chính trị tập thể đã chỉ mang lại khổ đau và bất hạnh cho người Việt.

Để hòa giải cần phải chấp nhận thực tế lịch sử đau buồn mà Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã dũng cảm nhắc lại, cần phải tha thứ cho nhau và gạt sang một bên những đắng cay của quá khứ để có thể bắt đầu thực sự công cuộc tái kiến thiết đất nước trong hòa bình. Đó cũng là một dự án đầy tham vọng của cuốn "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai", một trong những cuốn sách mà tôi đã đọc và vì thế viết cuốn sách này. Tất cả những ai còn muốn tin tưởng vào tương lai Việt Nam cần đọc "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai". Trong dự án đầy tham vọng này, có đầy đủ tất cả, một kế hoạch dài hạn, một lộ trình để tạo dựng một quốc gia, để xây dựng một khế ước xã hội, để xây dựng một nhà nước hiện đại và có hiệu quả, để đưa đất nước vĩnh viễn ra khỏi nghèo đói. Đó là một dự án lớn lao, một thánh đường vĩ đại cần được xây dựng một cách có phương pháp ở từng viên gạch.

Cha tôi đã không quên tầm quan trọng của nghĩa vụ tưởng nhớ, điều đó cũng chứng tỏ tình bạn sâu sắc của cha tôi với Michel Tauriac. Từ ngày phải sống lưu vong, cha tôi liên tục đóng góp cho đường lối bao dung và hòa giải. Đó chính là những viên gạch đầu tiên để xây dựng một dự án tương lai cho dân tộc. Nhiều người Việt Nam vì quen không được quyền có ý kiến chính trị có thể cho rằng xây dựng một dự án quốc gia là chuyện kỳ quặc. Điều này cần phải chấm dứt để trong tương lai lịch sử xây dựng quốc gia Việt Nam không còn đồng nghĩa với những thảm kịch đã đày đọa đất nước nhỏ bé này.

Mai_Linh_-_Câu_chuyện_Việt_Nam_ước_vọng_của_Cha.pdf

 

Mai Linh

Tháng 12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy, Mai Linh
Read 2874 times

4 comments

  • Comment Link Bắc kỳ 54 lundi, 26 décembre 2022 21:51 posted by Bắc kỳ 54

    Đọc xong phần Lời Đầu. Những tù nhân chiến tranh và nghèo đói.
    Cảm giác của tôi là thất vọng, những tưởng là sẽ đọc được những phân tích chia sẻ xâu sắc và thông cảm với những đổ vỡ mất mát mà thế hệ đi trước đã phải gánh chịu về mặt kinh tế và quan trọng hơn là sự đổ vỡ niền tin, thất vọng cùng sự tủi nhục của kiếp người tha hương ở chính quê hương mình. Tác giả đã chỉ chú trọng đến kinh tế và sự sung túc của thế hệ trẻ hiện tại để ngụ ý rằng cha mình và cộng đồng hải ngoại đã tự bị mắt bưng tai để nghĩ sai về quê cha đất tổ.
    Sự thật là. Tôi không ra đi vì đói khổ mà vì không thể chịu đựng sự phí nhân của bọn CS.

  • Comment Link Long Tac Bui dimanche, 25 décembre 2022 12:29 posted by Long Tac Bui

    Tac gia nay rat giong ong Nguyen gia Kieng o cho thieu CAN BAN triet Viet. Cho nen, tac gia hay co nhan xet LECH LAC ve VAN MINH VIET-NAM. KINH TUONG.

  • Comment Link Nguyễn Văn Huy jeudi, 22 décembre 2022 21:43 posted by Nguyễn Văn Huy

    Anh Trần Đình Sơn kính mến,
    Trước hết xin cảm ơn anh đã không trách cứ việc mạo muội đăng lại những bài viết có giá trị của anh mà không xin phép trước. Lần này chúng tôi rất vinh dự được anh co,phép đăng tài quyển sách vừa mới phát hành của anh, "Hiện trạng Đảng cộng sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa mới".
    Một lần nữa cảm ơn cảm tình anh đã dành choThông Luận.
    Kính mến,
    Nguyễn Văn Huy

  • Comment Link Trần Đình Sơn (Đan Tâm) jeudi, 22 décembre 2022 20:06 posted by Trần Đình Sơn (Đan Tâm)

    Thưa anh Nguyễn Văn Huy,
    Tôi đã viết 25 bái báo liên tiếp đăng trên Việt Nam Thời Báo và đã có may mắn được Thông Luận trích đăng ngay sau đó 8 kỳ báo, ở đây:
    https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19204-d-ng-c-ng-s-n-vi-t-nam-nh-ng-nguy-co-n-i-t-i
    https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19249-d-ng-c-ng-s-n-vi-t-nam-nh-ng-nguy-co-n-i-t-i-2
    https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19274-d-ng-c-ng-s-n-vi-t-nam-nh-ng-nguy-co-n-i-t-i-3
    https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19341-nh-ng-nguy-co-de-d-a-s-t-n-t-i-c-a-d-ng-c-ng-s-n-vi-t-nam-4
    ....
    https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/19537-nh-ng-nguy-co-de-d-a-s-t-n-t-i-c-a-d-ng-c-ng-s-n-vi-t-nam-8
    Bây giờ tất cả 25 bái báo nói trên đã được edit lại thành sách và đã xuất bản ONLINE miễn phí tại Mỹ, do nhóm văn hữu TV&BH thực hiện. Tôi xin gởi Link vào đây để anh Huy xem qua cho vui:
    https://t-van.net/dan-tam-tran-dinh-son-hien-trang-dang-csvn-khao-luan/
    Điều mong ước của tôi là nếu anh không nệ hà gì, thì xin anh viết cho một bái giới thiệu sách nầy đăng vào Thông Luận, như bài báo mà anh đã viết trên kia.
    Xin chân thành cảm ơn anh & BBT Thông Luận.
    Kính thư,
    Trần Đình Sơn (bút hiệu Đan Tâm).

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)