Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

24/12/2022

Chuyến thăm lịch sử của Zelensky đến Mỹ

Việt Hoàng

Cuộc chiến Ukraine - Nga vừa tròn 10 tháng và được đánh dấu bằng một sự kiện đặc biệt với chuyến thăm của tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky đến Mỹ hôm 22/12/2022. Cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi, chỉ 10 tiếng nhưng Zelensky đã gặt hái nhiều thành công. Mỹ tuyên bố cấp ngay một gói hỗ trợ gần 2 tỉ USD cho Ukraine trong đó có tổ hợp tên lửa hiện đại Patriot. Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết ‘yểm trợ của Mỹ dành cho Ukraine là không có giới hạn’. Quốc hội Mỹ đã chào đón nồng nhiệt Zelensky và đồng ý bổ sung một khoản viện trợ lên tới 45 tỉ USD dành cho Ukraine trong năm 2023.

Trước khi có chuyến thăm lịch sử đến Mỹ, Zelensky cũng đã đến thăm Bakhmut, nơi đang diễn ra các trận giao tranh khốc liệt giữa Ukraine và Nga. Ông đã gặp gỡ động viên những người lính nơi tuyến đầu và những người lính đó đã cùng nhau ký vào quốc kỳ Ukraine sau đó nhờ ông mang đến quốc hội Mỹ với lời nhắn ‘Ukraine sẽ chiến đấu đến cùng cho đến khi lấy lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm đóng’. Thông điệp của Zelensky tại quốc hội Mỹ rất đúng và thuyết phục khi ông nói rằng ‘tiền Mỹ viện trợ không phải là từ thiện mà là khoản đầu tư cho dân chủ và an ninh toàn cầu và chúng tôi sẽ xử lý một cách có trách nhiệm’.

UK10-1

Zelensky đã có chuyến thăm đến Bakhmut, khu vực đang diễn sự ác liệt giữa Ukraine và Nga trước khi thăm Mỹ.

Cuộc chiến Ukraine – Nga là một cuộc khủng hoảng chính trị chứ không phải kinh tế, tài chính hay xung đột cục bộ trong khu vực Liên Xô cũ. Đây là cuộc đối đầu giữa ý thức hệ độc tài và dân chủ. Cuộc chiến này đã lôi kéo cả thế giới vào cuộc. Nó gần như là một ‘tiểu thế chiến’ khi tất cả các nước dân chủ ủng hộ cho Ukraine và các nước độc tài ủng hộ cho Nga và Putin. Các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc đã buộc các quốc gia phải chọn phe.

Nhìn vào tương quan lực lượng giữa ‘hai phe’ độc tài và dân chủ thì ai cũng thấy được sự thất bại không thể tránh khỏi của Putin. Chỉ có vài nước ủng hộ Nga (trong đó có Việt Nam) trong khi gần như cả thế giới đứng về phía Ukraine. Các nước dân chủ đã công khai và ủng hộ Ukraine từ đầu đến cuối trong khi các nước độc tài chỉ dám ủng hộ miệng hoặc nếu có ủng hộ về vật chất hay vũ khí thì cũng phải dấu diếm. Trung Quốc là một đồng minh mạnh và lớn nhất của Nga nhưng không hề giúp đỡ gì cho Putin. Cả Bắc Triều Tiên và Iran đều phủ nhận cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga. Trong khi đó riêng năm 2023 Mỹ hứa cũng cấp cho Ukraine thêm 45 tỉ USD bao gồm các loại vũ khí hiện đại. Liên Hiệp Châu Âu (EU) và khối G7 hôm 22/12 đã công bố khoản hỗ trợ cho Ukraine lên tới 32 tỉ USD cho năm 2023 (riêng của EU là 18 tỉ EURO).

Không ai có thể biết khi nào cuộc chiến mới chấm dứt nhưng có lẽ ai cũng biết là nếu cuộc chiến càng kéo dài thì càng nhiều người phải chết và nước Nga sẽ gục ngã không thể đứng dậy được nữa. Trước đây cả ‘khối xã hội chủ nghĩa’ không bị ai đánh vẫn sụp đổ thì giờ đây một mình nước Nga với GDP sau cả Hàn Quốc thì làm sao đấu nổi với cả thế giới. Chính Putin cũng thừa nhận là Nga đang phải đương đầu với cả Mỹ và EU, nhưng vấn đề là do Putin tự ‘chui đầu vào rọ’ chứ có ai bắt Putin phải gây chiến đâu ?

Theo chúng tôi thì Putin gây chiến là để ‘tự vệ’. Nghe qua thì có vẻ hài hước vì Nga mạnh hơn Ukraine hàng chục lần nhưng sức mạnh của một dân tộc, một tổ chức chính trị không nằm ở chỗ nó có bao nhiêu vũ khí và tiền bạc mà là nó có đại diện cho một tương lai bắt buộc phải đến hay không. Nếu gọi Nga và Ukraine là hai ‘dân tộc anh em’ thì cũng không sai vì họ có cùng một lịch sử lập quốc và hiện tại một nửa nước Ukraine nói tiếng Nga. Tuy nhiên vì sống quá gần và quá hiểu Nga nên người dân Ukraine biết rằng muốn có tương lai thì phải thoát khỏi quĩ đạo Nga. Cách mạng Cam năm 2004 và Cách mạng Nhân phẩm (Euromaidan) năm 2014 diễn ra tại Ukraine là vì lý do đó. Hai cuộc cách mạng không chỉ làm đảo lộn nền chính trị Ukraine mà còn làm rung chuyển cả điện Kremli. Putin hốt hoảng và lo lắng vì sợ làn sóng dân chủ từ Ukraine sẽ tràn đến Moscow.

UK10-2

Cuộc chiến vệ quốc của Ukraine tiếp tục hành trình thoát khỏi quĩ đạo Nga sau Cách mạng Cam năm 2004 và Cách mạng Nhân phẩm (Euromaidan) năm 2014.

Ukraine có lẽ phải vì họ đang tự vệ trước một cuộc xâm lăng tàn bạo của nước Nga. Ukraine cũng đã nhận được sự ủng hộ to lớn của thế giới bởi vì làn sóng dân chủ thứ Tư đang trào dâng mạnh mẽ. Ukraine là lương tâm nhân loại, là tuyến đầu chống lại độc tài. Chiến thắng của Ukraine sẽ làm cho Liên bang Nga tan rã và có thể dẫn đến sự sụp đổ các chế độ độc tài trên toàn thế giới. Ukraine không thể thua trong trận này và các nước dân chủ sẽ làm tất cả để Ukraine chiến thắng. Không chỉ thế mà thế giới sẽ còn giúp Ukraine kiến thiết lại đất nước sau khi chiến tranh kết thúc.

Gói trừng phạt thứ 9 của Mỹ và EU vừa được áp đặt lên nước Nga. Mới nhất là việc áp giá trần cho dầu thô và khí đốt của Nga. Từ 5/12 dầu thô của Nga chỉ được bán với giá 60 USD/thùng và từ 19/12 giá khí đốt của Nga chỉ là 180 EURO/MWh. Đây là chuyện chưa từng xảy ra trong giao thương quốc tế vì nguyên tắc cơ bản của việc giao thương là ‘thuận mua vừa bán’. Điều này cho thấy sức mạnh áp đảo của Mỹ và EU đối với Nga. Họ đã tìm được nguồn cung mới nên không cần đến dầu và khí đốt của Nga nữa, không những thế họ còn không cho Nga bán ra thế giới nhằm cô lập hoàn toàn nước Nga. Một tin vui cho nhân loại đó là các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra một nguồn năng lượng mới, an toàn, sạch sẽ và gần như vô tận. Mặc dù mới chỉ ở trong phòng thí nghiệm nhưng chúng ta hy vọng nó sẽ sớm được ứng dụng vào thực tế. Kỷ nguyên của nhiên liệu hóa thạch chắc chắn phải qua đi để hành tinh của chúng ta không bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và tình trạng ấm lên của trái đất.

Trật tự thế giới mà chúng ta đang sống vẫn là trật tự dân chủ của Mỹ và EU chứ không phải của Nga và Trung Quốc. Tại hội nghị G20 (Bali - Indonexia) mới đây Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có ý định thay đổi trật tự thế giới hiện nay. Điều này thật là may mắn cho Ukraine nói riêng và thế giới nói chung. Nếu không có sự ủng hộ to lớn của thế giới thì Ukraine chưa chắc đã cầm cự được đến giờ. EU còn đi xa hơn nữa khi họ đang có kế hoạch thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử tội ác chiến tranh mà Putin và nước Nga đã gây ra tại Ukraine. Nên biết hơn 500 cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh của Ukraine đã bị Nga oanh kích trong mười tháng qua. Mới nhất là hôm 16/12 Nga đã bắn 76 tên lửa hành trình vào Ukraine khiến thủ đô Kyiv và 14 vùng bị mất điện và nước. Đây thực sự là tội ác chiến tranh. Putin hy vọng bằng sự leo thang và kéo dài cuộc chiến sẽ khiến cho người Ukraine mệt mỏi nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Trong lịch sử cận đại Ukraine đã 3 lần đứng dậy chống lại Nga. Các nước dân chủ cũng vậy, chưa bao giờ họ có được sự đồng thuận lớn như vậy trong việc ủng hộ Ukraine để đánh bại nước Nga.

UK10-3

Hành động khủng bố của Putin và nước Nga bằng cách tấn công các cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh không thể khuất phục được ý chí người dân Ukraine và sự đồng thuận của các nước dân chủ trong việc giúp đỡ Ukraine.

Không ít người Việt Nam có suy nghĩ rất hời hợt và thiển cận khi trách Ukraine không biết thân, biết phận, gây gỗ với Nga làm gì để rồi đất nước bị chiến tranh tàn phá…Nên nhớ Ukraine không hề gây gỗ với Nga mà họ chỉ muốn tách ra khỏi quĩ đạo của Nga để gia nhập vào đại gia đình EU. Đó là quyền của họ. Họ chỉ muốn đất nước Ukraine thật sự dân chủ, tự do và phát triển. Tấm gương Ba Lan và các nước cựu cộng sản đi theo EU có cuộc sống văn minh và phát triển, họ đều thấy và chứng kiến. Cuộc chiến vệ quốc này chỉ là phần tiếp theo của cuộc Cách mạng Cam và Cách mạng Nhân phẩm. Người Ukraine dũng cảm thay đổi nên họ xứng đáng với một tương lai khác.

Tại Việt Nam ai cũng thấy là Đảng cộng sản hoàn toàn thất bại và bất lực trong việc quản trị và điều hành đất nước, ai cũng hiểu và muốn Việt Nam thay đổi nhưng không ai dám thay đổi. Ai cũng sợ mất những gì mình đang có. Văn hóa và lối suy nghĩ ‘an phận thủ thường’ khiến nhiều người Việt Nam lo lắng và bất an khi chế độ thay đổi. Điều đó chỉ đúng nếu xảy ra các cuộc đảo chính quân sự hoặc cách mạng đường phố còn nếu diễn ra một cuộc chuyển hóa hòa bình về dân chủ thì không ai bị mất gì mà chỉ được thêm nhiều thứ như nhân phẩm và tự do.

Nên biết rằng mọi sự trì hoãn cho những gì bắt buộc phải đến chỉ càng làm cho kết quả thêm tồi tệ và nghiêm trọng hơn. Ví dụ, một người bị bệnh nhưng cố tình trì hoãn không đến bác sĩ để khám và chữa trị thì bệnh tình sẽ ngày càng nguy ngập và rồi cái gì đến nó cũng cứ đến. Không thể trì hoãn mãi những thay đổi bắt buộc phải đến. Càng để lâu càng nguy hiểm. Việc Đảng cộng sản Việt Nam cố tình trì hoãn tiến trình dân chủ hóa sẽ khiến cho đất nước lâm nguy. Người dân Việt Nam sẽ phải trả giá đắt vì cuộc sống và tương lai bị gắn liền với sự bảo thủ và cực đoan của một đảng độc tài. Không chỉ người dân Việt Nam phải trả giá đắt mà ngay cả các doanh nhân lớn và đảng viên cao cấp cũng đang phải trả giá bởi chế độ độc tài. Cho nên thay vì trách người dân Ukraine thì hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi khi nào thì mình mới được như họ.

Việt Hoàng

(24/12/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 907 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)