Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

21/03/2023

Công an Việt Nam cũng là "tù nhân lương tâm" ?

Quốc Bảo

Cụm từ "tù nhân lương tâm" chỉ những người đấu tranh chống lại sự bất công xã hội, hay phản đối thể chế chính trị hiện tại và bị tù đày. Ngành công an trong chế độ cộng sản cũng là những tù nhân lương tâm như thế. Những tù nhân lương tâm bị đánh cướp cuộc đời vì đã hành động theo lương tâm của họ, còn người công an cộng sản bị cầm tù trong chính lương tâm của mình. Hãy nhận diện họ.

Mặt thật

Lịch sử Việt Nam luôn là chiến tranh và nội chiến nên đã tạo ra trong con người Việt Nam phản xạ đặc biệt với bạo lực, khiến nó trở thành thước đo quan trọng để phân tầng và giải quyết vấn đề trong xã hội. Dù đề cao bạo lực cũng là phẩm chất chung của các dân tộc bán khai nhưng Việt Nam vẫn là đất nước xuyên suốt dòng lịch sử hơn 2.000 năm được hình thành và thấm đẫm bản năng sinh tồn bằng bạo lực. Văn hóa Khổng giáo dễ dàng chế ngự tâm hồn người Việt theo chiều hướng hợp pháp hóa sức mạnh vũ lực thành công cụ cai trị của thiên tử. Nếu thiên tử là hiện thân của Trời trong cai quản muôn dân thì lực lượng vũ trang, biểu trưng cho sức mạnh vũ lực là hiện thân của ý chí thiên tử trong đa phần các triều đại của dải đất hình chữ S này. Việt Nam chỉ có những chế độ chính trị cường quyền mà chế độ cộng sản không phải là ngoại lệ.

Khi trật tự xã hội vận hành theo vòng xoáy bạo lực thì đối thoại, hòa bình và hợp tác sẽ biến mất và tất yếu công lý sẽ không được thực thi. Dù hòa bình và thịnh vượng là các giá trị chung mà không quốc gia nào dám phủ nhận thì cường quyền thực tế vẫn tồn tại. Chế độ cộng sản được tinh chỉnh để nắm quyền lực cũng dựa trên lập trường chung là do dân và vì dân. Thực tế trái ngược hoàn toàn khi nhân dân không thể làm gì để phản biện và đấu tranh với Đảng cộng sản, đơn giản vì cái gốc của Đảng cộng sản là tổ chức khủng bố.

Trong các chế độ chuyên chế, lực lượng công an là quan trọng nhất, nó được cụ thể hóa bởi phân bổ ngân sách hoạt động, các đặc quyền trong xã hội, nắm giữ các vị trí trọng yếu ngầm ở những doanh nghiệp quốc doanh lớn và luôn được ưu tiên ở các vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng. Thậm chí Bộ Công an là ngành mà có thể xử lý sai phạm theo dạng "đóng cửa bảo nhau". Ở Việt Nam, công an cùng quân đội được gắn thêm hai từ "nhân dân" để tăng tính chính danh và để đánh lừa quần chúng rằng hai lực lượng này gắn bó với dân như cá với nước. Khi Đảng cộng sản độc tôn vai trò lãnh đạo đất nước, họ tuyệt đối hóa lực lượng công an thành khối thống nhất trong việc bảo vệ chế độ. Thay vì bảo vệ và thực thi công lý, công an trở thành công cụ bảo vệ công quyền.

congan1

Lực lượng công an vừa là công cụ bảo vệ chế độ vừa là nạn nhân của chế độ. Ảnh minh họa Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca một thời hét ra lửa nay đang vào lò

Rồi từ đây, bi kịch sau ngày thống nhất 30/4/1975 bắt đầu, khi công an trở thành kẻ nắm quyền sinh sát đối với đồng bào. Được dẫn dắt bởi tư duy "Còn Đảng còn mình", ngành công an thiết lập một vùng cấm, cũng là luật bất thành văn thời cộng sản : phạm tội gì cũng có thể thỏa thuận, giảm nhẹ hay chạy án nhưng chống đối chế độ thì phải xử. Vậy là những tù nhân lương tâm với đủ các thể loại ra đời, dù có những công dân chỉ giản dị phản đối một chính sách bất cập. Bất cứ lý do gì nhưng nếu động chạm tới uy tín của Đảng thì đều bị trừng phạt ngay lập tức.

Vì trách nhiệm của ngành công an là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ nên tất cả các hoạt động an ninh còn lại đều có thể tùy biến theo thỏa thuận. Công an được trọng dụng làm kinh tế, tham gia chạy án, tham nhũng, vi phạm nhân quyền, triệt hạ nhau… miễn là không đụng tới "vùng cấm". Họ còn có thể tự do tuyển lựa nhân sự không theo tiêu chuẩn của lực lượng vũ trang hoặc không cần đào tạo miễn là tư tưởng của ứng viên phải biết còn Đảng thì mới còn mình. Một tiêu chuẩn căn bản trong việc thi vào các trường an ninh bậc đại học là thuộc thành phần "con nhà nòi", tức là có bố mẹ làm trong ngành công an.

Cấu trúc

Công thức mà cựu tổng bí thư Đảng cộng sản Romania, Nicolae Ceausescu từng đề ra trong bảo vệ an ninh chế độ là "bốn người dân thì có một công an". Tỉ lệ 4:1 là công thức mà các chế độ cộng sản đều mong muốn. Hãy thử hình dung vài hình thức tổ chức an ninh và số lượng cơ bản hiện nay :

- Ở Việt Nam, có khoảng 5 triệu đảng viên, chiếm 5% dân số nên cần một lực lượng đủ để bảo vệ 5% này. Nếu tùy chỉnh công thức Ceausescu cho phù hợp thực tế của Việt Nam ở mô hình 10 đảng viên có 1 công an thì cần 500.000 công an để bảo vệ các đảng viên. Đây là lực lượng chính quy. Nhưng như vậy là chưa đủ an toàn ở các cấp cơ sở.

- Ở cấp tự quản nhỏ nhất, nhưng vẫn có quy chế tổ chức là tổ dân phố, thường một tổ có khoảng 250-450 hộ, trung bình có 1.000 – 1.800 người/tổ. Lấy trung bình 350 hộ/tổ, một hộ 4 người dân, thì một tổ có 1.400 người và sẽ có chừng 71.000 tổ trên 100 triệu dân. Dân số trong độ tuổi lao động Việt Nam chừng 50 triệu dân, nếu lấy tiêu chí này nhằm loại ra trẻ em, người yếu già bệnh tật để "bảo vệ" số còn lại, thì ta có thể giảm 50% số công an phân bổ theo tổ. Như vậy, vẫn theo tỉ lệ 10:1 và giảm đi 50%, một tổ có thể có 70 công an. Giả sử số lượng chính quy chiếm 70%, thì vẫn còn 21 vị trí "chìm", tương đương 21*71.000 = 1.500.000 công an phân bổ theo tỉ lệ các tổ.

- Vậy tổng cộng có trên dưới 2.000.000 công an. (Tạm gọi là X. Vậy công thức Ceausescu có thể theo tỉ lệ 50:1, 50 người dân có 1 công an). Hiện nay, trừ quốc phòng và an ninh, tổng số công chức, viên chức ở Việt Nam gần 2 triệu.

- Tỉ lệ giả thuyết trên cũng không cách biệt nhiều với số liệu công khai mà Bộ công an dự trù sẽ có 1,5 -2 triệu người hoạt động trong lực lượng an ninh các cấp cơ sở.

- Mức lương trung bình ngành công an khoảng 84 triệu VNĐ/năm, vậy ngân sách phải chi ra X*84 triệu, tức 168 nghìn tỉ (10% ngân sách 2023), khoảng 7,2 tỉ USD cho quỹ lương hằng năm của lực lượng công an chính quy.

Con số này khả năng sẽ vượt quá ngân sách được phân bổ nên Đảng sẽ cơ cấu lại lực lượng chính quy và bán chuyên để giảm quỹ lương và bảo hiểm. Nếu thông tin chất vấn công khai trong kì họp Quốc hội là mỗi tỉnh có 3.000-4.000 công an chính quy, lấy trung bình 3.500 người, tổng là 220.500 người trên 63 tỉnh thành, thì ngân sách lương, bảo hiểm, phụ cấp cho khối chính quy này khoảng 20.000 nghìn tỷ. Khối trật tự cơ sở, số này sẽ lãnh phụ cấp, gọi là công an bán chuyên, khoảng 3.000.000 VNĐ/tháng, dự tính 450 tỉ/năm.

Bên cạnh ngân sách cho những hoạt động an ninh đặc thù, mang tính kiểm soát trên nhiều lĩnh vực, kể cả lực lượng an ninh ngầm trong cộng đồng người Việt nước ngoài và vì luôn được ưu tiên đứng trên luật, ngân sách lương thường chiếm khoảng 20 - 25% ngân sách vận hành, vậy có thể ngành công an sẽ hoạt động với ngân sách từ Bộ và địa phương trên dưới 90.000 nghìn tỉ, khoảng 4 tỉ USD mỗi năm.

Chúng ta sẽ tạm neo lại con số đại cương đó. Ngành công an (Bộ và địa phương) không công khai ngân sách hoạt động vì nhiều lí do, nhưng chỉ riêng ngân sách hoạt động thường xuyên (lương, bảo hiểm, phụ cấp) của ngành này có thể lớn hơn tổng chi của một số bộ như Y tế, Tài nguyên môi trường, Tài chính. Và tổng chi ngân sách ngành công an có thể vượt qua tổng các khoản chi ngân sách trung ương trong các khoản chi về Y tế, dân số và gia đình, bảo vệ môi trường, truyền hình, đào tạo dạy nghề. (Theo số liệu công khai dự toán ngân sách 2022).

congan2

Công an là công cụ hành pháp, cũng là công cụ trừng trị người dân và trừng phạt lẫn nhau của các phe phái. Ảnh minh họa hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị hộ tống tới phòng xử án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ vào ngày 30 tháng 11 năm 2018

Thủ phạm kiêm nạn nhân

Khi tôn vinh sứ mệnh của ngành công an, Đảng cũng gieo hạt giống mà sớm muộn, chính người trong ngành sẽ phải gặt quả. "Không chơi với an ninh" là câu mà không ít thành phần trong nội bộ Đảng bảo nhau. Không chơi nhưng vẫn ám ảnh. Có lẽ trừ quân đội, mọi người, mọi nơi đều ngại công an. Người dân ngại trước bạo quyền, các đảng viên ngại trước thủ đoạn và công an ngại nhau vì cả hai điều đấy. Công an là công cụ hành pháp, cũng là công cụ trừng trị người dân và trừng phạt lẫn nhau của các phe phái. Niềm tin mà Đảng gieo vào tâm hồn lực lượng vũ trang cũng tước đoạt đi niềm tin vào công lý của những người bảo vệ công lý.

Công an ở mọi nơi, ở ngay cả trong các hoạt động tôn giáo, giải trí. Bạo lực len lỏi vào tận ngõ ngách trong tâm hồn người Việt và thể chế hóa thành bạo quyền. Công an là ngành tạo ra nhiều oán hận nhất từ sau năm 1975 với người dân và với nhau. Thể chế này biến công an thành tội phạm và cũng biến họ thành nạn nhân. Bi kịch ở mỗi thân phận an ninh là ở chỗ họ không thể bảo vệ chính bản thân mình và gia đình mình khi việc của họ là ưu tiên bảo vệ Đảng. Còn khi điều tra và chống tham nhũng, chính họ biết hơn ai hết, bắt thì phải bắt hết, chỉ là ai vắn số hay chưa.

Chiến dịch "đốt lò" của Đảng hiện nay đang tạo ra một thị phần mới cho ngành công an. Họ sẽ chiếm lĩnh các thành phần kinh tế và dân sự một cách công khai và lấy được vị thế trong chế độ công an trị. Những nhân sự lãnh đạo của Đảng sẽ quy chuẩn hóa thành những tướng lãnh công an xuất sắc nhất : có ý chí thép, có sự thông minh và bản lãnh, có khả năng chỉ huy và nhạy bén về dân sự và trên hết, có tham vọng về độc quyền đối thoại để đưa Việt Nam chuyển hóa về dân chủ.

Một ám ảnh kỳ lạ nhưng có thể hiểu được. Người an ninh cộng sản có bản năng sinh tồn mạnh, họ biết làn sóng dân chủ không thể đảo ngược, dù trá hình hay thực chất, sự chuyển hóa bắt buộc phải đến, vấn đề chỉ là ai sẽ là người giành công đưa đất nước đến đích đấy. Một tham vọng sâu kín nhưng rõ nét.

Trên hành trình và mục tiêu ấy, sẽ có những nạn nhân không nằm trong diện tham nhũng mà bị bắt, cũng không nằm trong diện trừ khử nhau mà nằm trong diện không đồng tình với tham vọng độc quyền chuyển hóa. Đây là một trong những phân hóa nội bộ Đảng và ngành công an rất sâu sắc. Đến đây, tù nhân lương tâm cấp cao trong ngành cũng sẽ xuất hiện. Không có thành trì nào là bất khả xâm phạm nữa.

Nhưng không cần phải chờ đến quá trình phân hóa này. Tự thân người an ninh cộng sản nào cũng mang trong mình tâm tính của người Việt, cũng duy tình, cũng có sự liên đới tình cảm xung quanh như bất kỳ ai. Cấu trúc xã hội Việt Nam vẫn duy trì những nếp sống chung 3 thế hệ. Vô hình trung sẽ tạo ra sự ràng buộc tình cảm trong ứng xử, và càng đúng hơn khi bố trí quân lực ngầm ở các cấp cũng là cách đồng hóa lẫn nhau trong hành vi và tư tưởng. Một điều có lẽ là lợi bất cập hại trong hình dung của các lãnh đạo ngành và lãnh đạo cộng sản. Đặc quyền trở thành gánh nặng, cả ngân sách lẫn điều phối tư tưởng, khi ngân sách cũng cạn và tư tưởng thì không còn.

Chúng ta vẫn là một dân tộc chưa tìm được phương thức để giải quyết vấn đề ngoài bạo lực. Sự đổi thay với tốc độ quá lớn mang tính thời đại của tư tưởng tự do, kinh tế, cấu trúc xã hội đã tác động đáng kể tới suy nghĩ từng người trong ngành công an. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của lực lượng vũ trang, bảo vệ họ trước tiền bạc, trước tự diễn biến. Nhưng dù áp dụng kỉ luật khắc nghiệt và với đãi ngộ đặc biệt, trong thâm tâm từng người, sẽ không ai muốn làm điều trái với lương tâm của chính mình, nhất là khi tự tay mình đi bắt đồng đội, bắt cấp trên hay đi bắt người mà mình quen biết. Còn những lúc công an bị dân phản kháng bằng bạo lực, gia đình họ sẽ nghĩ sao khi người con của họ hy sinh. Vì công lý hay công quyền ? Tính duy tình của chúng ta đặt chữ tình trên lý. Tự thân đặc tính đó mâu thuẫn với lí tưởng ngành an ninh mà người Việt hiểu hơn ai hết : khi vi phạm pháp luật, dù dân sự hay hình sự, ai cũng sẽ tìm cách "quen" trong ngành để được xử lý vi phạm theo cấp độ quen biết. Người chiến sĩ công an trong chế độ cộng sản, cũng bị cầm tù trong chính lương tâm của mình.

Công lý ở đâu ?

"Bài học lớn nhất của lịch sử thế giới là một dân tộc muốn vươn lên chỉ cần ba yếu tố : một xã hội tự do, những con người cần mẫn và đồng thuận dân tộc. Chúng ta là một dân tộc cần mẫn đã có đồng thuận dân tộc và sắp có tự do. Chúng ta sẽ vươn lên. Chúng ta có quyền lạc quan trong cuộc hành trình về tương lai". Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên  đã đề cập như thế. Ngành công an phải trở thành một lực lượng bảo vệ công lý và các giá trị tự do. Về thể chế, đây là ngành phải phi chính trị hóa, độc lập với mọi chính đảng và phục tùng mọi chính quyền dân cử. Trong giai đoạn chuyển tiếp, phần lớn cơ quan công an tình báo, bảo vệ chính trị sẽ chuẩn hóa thành lực lượng gìn giữ trật tự và môi trường. Tệ nạn xã hội sẽ giảm khi không được bao che và ngân sách sẽ tiết kiệm bởi sự hoạch định đúng đắn vai trò lực lượng vũ trang thành những cơ cấu vận hành có tính chuyên nghiệp cao, được huấn luyện và trang bị chu đáo cùng đãi ngộ xứng đáng.

Chúng ta cũng có một vũ khí chuyển hóa rất đặc biệt là tình cảm. Người viết từng chứng kiến khát khao công lý thực sự trong những người chiến sĩ khi thực hiện các chuyên án lớn. Và cũng cảm nhận được tình người của họ. Hãy tin rằng phần lớn họ sẽ đồng thuận khi thấy chúng ta cũng hiểu họ, sự ngang ngược sẽ dần trở thành chính trực, ngụy tạo sẽ trở thành chân chính và công lý sẽ được thực thi.

Quốc Bảo

(22/03/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Bảo
Read 7311 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)