Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

23/04/2023

Cơn nghiện Dopamine tăng trưởng

Thiên Cầm

Hôm nay chúng ta sẽ thảo luận đôi chút về một số vấn đề kinh tế vĩ mô và dùng nó vào việc giải thích phần nào và nêu ra giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam.

THAILAND-DEMO-IMF

Đại diện các nông dân Lào, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan biểu tình chống lại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới trước trụ sở của Ngân hàng Thái Lan tại Bangkok vào ngày 13/8/1999. (Ảnh minh họa : AFP / Pornchai Kittiwongsakul)

I. Khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 và bộ ba bất khả thi

Thái Lan là nơi khởi điểm của cuộc khủng hoảng này. Lúc đó ngân hàng trung ương Thái vẫn duy trì ba chính sách tiền tệ :

1. Chính sách tiền tệ độc lập (không có sự gắn kết chặt chẽ với các định chế tài chính trong khu vực) ;

2. Chế độ tỷ giá hối đoái cố định 1 USD (dollar Mỹ) = 25 THB (baht Thái) ;

3. Hội nhập tài chính hoàn toàn (dòng vốn được tự do dịch chuyển giữa nền kinh tế Thái và quốc tế) và nền kinh tế Thái tăng trưởng chủ yếu dựa vào bất động sản.

Bây giờ chúng ta thử phân tích căn bệnh của nền kinh tế Thái trước khi đi vào câu chuyện tấn công tiền tệ (hay còn gọi là tấn công đầu cơ). Nền kinh tế Thái tăng trưởng nhờ hai con đường chính là bất động sản và hoạt động đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Hoạt động đầu tư gián tiếp từ nước ngoài mang lại nguồn ngoại tệ dồi dào cho Thái còn bất động sản giống như người anh em song sinh của nó là chứng khoán tài chính, không tạo ra tài sản thực cho xã hội nhưng nó giúp làm đẹp bản cân đối quốc gia và tạo cảm giác rằng nền kinh tế đang phát triển tốt từ đó thu hút dòng vốn ngoại đổ vào nền kinh tế (trước cuộc khủng hoảng từ năm 1985 đến năm 1995, nền kinh tế Thái liên tục tăng trưởng bình quân 9% hàng năm, được xem là một con hổ của Đông Nam Á).

Đầu tiên, xin bàn đến căn bệnh dai dẳng, không có thuốc chữa của mọi nền kinh tế, đó là lạm phát. Lạm phát có thể đến từ nhiều nguyên nhân, ở trường hợp Thái Lan vào trước cuộc khủng hoảng diễn ra, lạm phát đến từ việc nước này cố gắng duy trì bộ ba chính sách bất khả thi với tỷ giá hối đoái 1 USD ăn 25 THB. Đây là một mức tỷ giá được coi là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bằng nguồn vốn gián tiếp (cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, các giấy tờ có giá khác được định giá bằng đồng baht) vào Thái Lan. Chính sách kinh tế lúc đó của Thái Lan là khuyến khích các nhà đầu tư tăng đầu tư vào nước họ, từ đó họ có thể tận dụng nguồn vốn nước ngoài để phát triển bất động sản (ngành dễ phát triển nhất nhưng lại vô dụng nhất) bằng cách nâng lãi suất cao hơn so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Châu Âu. Do chính sách tự do hóa tài chính mà dòng vốn ngoại đổ vào Thái Lan nhiều gây áp lực tăng giá đồng baht. Để bảo vệ chính sách tỷ giá cố định, Thái Lan đã thi hành chính sách can thiệp không vô hiệu hóa (unsterilized exchange interventions) bằng cách bán nội tệ và mua vào ngoại tệ. Sai lầm ngớ ngẩn nhất đó là họ đã không thi hành thêm chính sách thanh khoản đối ứng (chính sách này liên quan đến nghiệp vụ thị trường mở, khi gặp áp lực tăng giá nội tệ, ngân hàng sẽ bán giấy tờ có giá và thu vào nội tệ) để ngăn chặn nguy cơ lạm phát, một mình công cụ lãi suất cao cũng không thể ngăn chặn được nguy cơ này, thậm chí trong trường hợp của Thái Lan, lãi suất cao tương đối so với các nước phát triến còn "khuyến khích" dòng vốn ngoại đổ vào nhiều hơn và gây nguy cơ lạm phát cao hơn. Khi thị trường đẹp thì cái gì cũng là hoa hồng cả, chính phủ và ngân hàng trung ương thường "thả phanh" để nền kinh tế tăng trưởng bất chấp cả lạm phát, điều này được gọi là "tư duy nhiệm kỳ", kinh tế tăng trưởng tốt thì chính phủ lại được người dân tín nhiệm và bầu thêm một nhiệm kỳ mới.

Cần giải thích tại sao cần chính sách thanh khoản đối ứng một chút. Khi ngân hàng trung ương thực hiện chính sách can thiệp không vô hiệu hóa trên thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn áp lực tăng giá đồng nội tệ. Đầu tiên ngân hàng nhà nước đã chuyển lượng nội tệ dự trữ ra nước ngoài thông qua thị trường giao dịch ngoại hối và thu về lượng ngoại tệ đã mua được. Sau đó hoạt động xuất khẩu của quốc gia mang lại nguồn ngoại tệ mới và các doanh nghiệp có nhu cầu đổi ngoại tệ sang nội tệ để tái đầu tư (họ đâu được dùng ngoại tệ để giao dịch trong nước vì đồng tiền còn thể hiện chủ quyền quốc gia). Con đường thứ hai là các nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán nội địa tại Thái được định giá bằng đồng baht cũng có nhu cầu lớn về nội tệ Thái. Hai điều này làm tăng áp lực lạm phát khi thị trường nội địa không kịp phát triển để hấp thụ lượng nội tệ được bơm vào quá nhiều. Vì thế ngân hàng trung ương mới cần nghiệp vụ thị trường mở để hấp thụ giúp thị trường nội địa lượng nội tệ dư thừa trong thị trường. Ở trường hợp của Thái Lan trước khủng hoảng, tỷ giá của Thái được neo ở mức tỷ giá cao, không phù hợp nhiều cho hoạt động xuất khẩu, nó phù hợp với hoạt động đầu tư gián tiếp từ nước ngoài hơn, đó cũng là điểm bất hợp lý mà các nhà đầu cơ đã nắp thóp nền kinh tế để chuẩn bị cho cuộc tấn công tiền tệ.

Vừa rồi chúng ta đã phân tích căn bệnh lạm phát có thể trở nên trầm trọng khi ngân hàng trung ương cố gắng giữ vững bộ ba bất khả thi, tôi sẽ minh định lại để quý đọc giả hiểu hơn trước khi chúng ta qua căn bệnh thứ hai. Đầu tiên, việc duy trì một mức tỷ giá cao của Thái nhằm ấn định đồng baht được làm cao giá, từ đó thu hút nguồn vốn nước ngoài. Tiếp theo, chính sách tiền tệ độc lập, không phụ thuộc vào một liên minh tiền tệ nào đã làm Thái điều chỉnh chính sách kinh tế thuận chu kỳ với lãi suất thấp (tuy nó vẫn cao hơn các nước phát triển khác dẫn đến dòng vốn nước ngoài đổ vào nhiều, lãi suất thấp còn khuyến khích các doanh nghiệp đi vay, từ đó làm tăng áp lực lạm phát) và chính sách không vô hiệu hóa. Thứ ba, hội nhập tài chính hoàn toàn (còn gọi là tự do hóa dòng vốn) làm cho chi phí giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài thấp, các rào cản tài chính không đáng kể đã thúc đẩy dòng vốn nước ngoài đổ vào Thái Lan quá nhiều (nhưng không bền vững vì bản chất của dòng vốn này là đầu tư gián tiếp qua các loại giấy tờ có giá).

Căn bệnh thứ hai của Thái là nền kinh tế yếu kém và phụ thuộc quá nhiều vào một ngành nhất định. Cũng như căn bệnh Hà Lan (mời xem lại bài viết "Gấu Nga trong cuộc thư hùng kinh tế), việc nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản sẽ gây ra những hậu quả vĩ mô :

1. Nguồn lao động đổ dồn vào một ngành có khả năng sinh lợi cao làm tăng tiền lương cho người lao động và gây áp lực tăng lạm phát và lãi suất. Lý do tiền lương tăng đồng nghĩa sức mua tăng, sức mua tăng nhưng nền kinh tế chỉ chú trọng vào ngành không tạo ra tài sản thực như bất động sản thì phải tăng cường tiêu dùng hàng hóa nước ngoài, cộng thêm chính sách tỷ giá cố định, ngân hàng trung ương sẽ mau chóng cạn dự trữ ngoại hối vì nhu cầu ngoại tệ của các nhà nhập khẩu tăng, ngoại tệ hết thì hàng hóa khan hiếm và lạm phát tăng. Lạm phát tăng thì lãi suất danh nghĩa phải tăng để bù vào sự mất giá của đồng tiền dẫn tới hậu quả một đất nước có lãi suất cao (không kích thích doanh nghiệp đi vay để phục hồi nền kinh tế) và đình lạm (lạm phát và thất nghiệp đều cao khi ngành chủ lực đổ vỡ).

2. Quá trình phi công nghiệp hóa dẫn tới hậu quả ngành công nghiệp sản xuất bị đình trệ, xuất khẩu dần đóng góp ít hơn cho GDP quốc gia, hàng hóa nội địa dần trở nên khan hiếm, cuối cùng là tăng nhập khẩu. Nhập khẩu tăng làm cho thâm hụt tài khoản vãng lai dẫn tới một đầu nguồn thu nhập ngoại tệ bị tắc, chỉ còn một đầu là từ dòng vốn đổ vào nước ngoài. Quốc gia nào có đầu thu nhập ngoại tệ từ xuất khẩu bị tắc thực sự gặp rủi ro lớn trong ngắn hạn vì dòng vốn đầu tư gián tiếp rất nhạy cảm, nó có thể rút khỏi đất nước bất cứ lúc nào (trừ khi nước đó có ít nhất một trung tâm tài chính quốc tế lớn) trong khi thu nhập ngoại tệ đến từ xuất khẩu tuy có thể bị ảnh hưởng từ tình hình kinh tế thế giới trong dài hạn nhưng ít nhất không đe dọa nền kinh tế nội địa trong ngắn hạn nhiều như dòng vốn gián tiếp.

Từ đây cơn ác mộng bắt đầu, các nhà đầu cơ đã nhìn thấy nền kinh tế Thái tăng trưởng quá nóng vì phụ thuộc nhiều vào bất động sản, họ âm thầm chuẩn bị tạo một lực bán lớn (tấn công tiền tệ).

Với những nhà đầu cơ bình thường, họ sẽ đến ngân hàng trung ương Thái đổi 25 THB (25 baht này có thể đến từ vốn tự có của họ hoặc họ đi vay ngân hàng) thành 1 USD và chờ đợi.

Những nhà đầu cơ chuyên nghiệp thì sẽ sử dụng hợp đồng phái sinh, họ vay ngân hàng trung ương Thái 25 THB và ký với ngân hàng trung ương Thái một (hay nhiều) hợp đồng kỳ hạn với điều khoản trong tương lai họ có quyền bán 25 THB và thu về 1 USD.

Có nhà đầu cơ nào sử dụng hợp đồng quyền chọn không ? Đương nhiên là có, họ phải thiết lập vị thế mua với kỳ vọng rằng trong tương lai đồng baht sẽ giảm giá (dẫn đến USD tăng giá tương đối so với THB). Hành động mà họ làm lúc này là đầu cơ triệt để tức là thiết lập vị thế đầu cơ giá lên bằng cả hai cách bán quyền bán và mua quyền mua. Họ vay ngân hàng 25 baht, sau đó dùng nó để gom quyền mua lại với quy định trong hợp đồng là người nắm giữ sau này có quyền đổi 25 baht lấy 1 USD. Song song với đó, họ tạo hợp đồng quyền chọn bán và bán nó càng nhiều càng tốt để thu hồi và nắm giữ 25 baht (thường phí quyền chọn rất rẻ, chỉ bằng 10% so với tài sản thực, như vậy họ chỉ cần bán hết 10 quyền bán là có vốn để thực hiện quyền mua trong tương lai).

Những nhà đầu cơ khác liên tục bán khống theo phương thức vay nợ để vét sạch các tài sản được định giá bằng THB và liên tục đặt lệnh bán trên thị trường với kỳ vọng trong tương lai đồng THB giảm giá thì họ sẽ thu được một khoản lời lớn.

Cuộc "bòn rút" ngoại tệ và bán tháo tài sản được định giá THB của các nhà đầu cơ đã diễn ra khi họ nhìn thấy những điểm yếu chết người từ nền kinh tế Thái từ chính sách kinh tế vĩ mô không bền vững cho đến thông tin bất cân xứng đã khuyến khích các nhà đầu cơ tích trữ trong hoàn cảnh bất ổn. Điều gì đến cũng sẽ đến, vào ngày 14/5/1997, nền kinh tế Thái bị tấn công đầu cơ với quy mô lớn.

Ngày 30/6/1997, thủ tướng Chavalit Yongchaiyudh tuyên bố sẽ không phá giá baht. Lời tuyên bố này đã "giúp" ngân hàng Thái nhanh chóng cạn dự trữ ngoại hối đến mức "hòm chiến tranh" (khoản dự trữ ngoại tệ dự trù cho những trường hợp bất trắc xảy ra) đứng trước nguy cơ bị vét sạch. Ngân hàng trung ương Thái thật sự khủng hoảng, họ phải cùng các ngân hàng khác trong khối ASEAN và một số ngân hàng thuộc các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, HongKong tổ chức Hội nghị cấp cao Đông Á Thái Bình Dương EMEAP nhằm dàn xếp một khoản vay ngoại tệ khẩn cấp, tuy nhiên kết quả thất bại và ai về nhà lo thân người đó. Ngân hàng Thái hết cách, phải tăng lãi suất hòng nâng giá khoản vay với hy vọng khoản vay đắt hơn sẽ khiến các nhà đầu cơ nhụt chí trong cuộc tấn công. Nhưng các thật tiếc cho ngân hàng Thái, các nhà đầu cơ là những người tuy hành động có tính bầy đàn nhưng những người dẫn đầu cuộc chiến lại duy lý, họ đã hiểu ngay rằng việc một ngân hàng phải nâng lãi suất trong một hoàn cảnh kinh tế bi đát chỉ có thể gợi ý một điều : lãi suất là vũ khí cuối cùng mà ngân hàng đó có. Lực bán lúc đó không những giảm mà còn tăng mạnh thêm.

Cuối cùng, không thể chịu nổi cuộc tấn công này, Thái Lan phải thả nổi đồng baht khiến giá đồng baht mất giá gần 50%, lúc đó 1 USD = 50 THB và nhà đầu cơ thắng lớn. Đa số sẽ có doanh thu ở mức 50 baht và lời dưới mức 25 baht vì họ đã nắm giữ 1 dollar cho đến khi đồng baht mất giá 50%, sau đó họ đổi 1 USD lấy 50 THB, trừ đi 25 baht đã đi vay và chi phí lãi suất, cuối cùng họ gom tiền và đổi về sang dollar và rút khỏi thị trường. Trong khi đó người thắng nhiều nhất là những nhà đầu cơ đã sử dụng quyền chọn, Lúc họ sử dụng các công cụ đòn bẩy để bán 25 baht (từ việc họ mua quyền mua), thực chất lực bán của họ lúc đó là 100% tức là phí họ bỏ ra 10%, 90% lực bán là họ mượn từ thị trường (từ việc họ bán quyền bán), như vậy khi họ đi vay nợ 25 baht để bán 25 baht đó trong tương lai, họ thực chất đã lời 250 baht vào thời điểm đó.

Khi đồng baht mất giá, 1 USD ăn 50 baht, họ lời đến tận 500 baht. Lý do họ lời như vậy là khi họ mua quyền mua, họ có quyền yêu cầu ngân hàng đổi 1 USD lấy 50 baht, chi phí mua 1 quyền chọn mua là 2,5 baht, vậy có 10 quyền chọn được mua (vì họ vay 25 baht lúc ban đầu) vậy là họ lời 500 baht. Còn khi họ bán quyền bán thì lúc đó đồng baht đã giảm giá quá nhiều nên ngân hàng sẽ từ chối thực hiện quyền chọn và họ bảo toàn phí quyền chọn mà họ đã kiếm được, với 10 quyền chọn như vậy, họ đã lời 25 baht. Sau đó họ chỉ việc trả lại 25 baht đã vay cùng với phí sinh ra từ lãi suất của ngân hàng, cuối cùng đổi số baht còn lại sang USD và rút, để lại một thị trường Thái hoang tàn đổ nát từ bất động sản cho đến thị trường chứng khoán.

Đương nhiên có nhiều cách khác để kiếm lời từ hoạt động đầu cơ, nhưng trong phạm vi bài viết tôi sẽ không giới thiệu thêm vì nó khá khó với trình độ đại chúng và tôi cũng không muốn công cụ này rơi vào tay những người có đạo đức kém, họ sẽ dùng nó để phá hoại nền kinh tế non trẻ của Việt Nam.

tangtruong2

Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Việt Nam không hoàn toàn độc lập khỏi quyết định của chính phủ nhưng lại hoàn toàn độc lập với các định chế tài chính khác trong khu vực

II. Kinh nghiệm nào cho Việt Nam ?

Hiện tại thị trường Việt Nam không có các cơ chế khuyến khích hoạt động đầu cơ và bán khống, trong khi đó chính sách tiền tệ của Việt Nam có những đặc điểm như sau :

1. Chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương không hoàn toàn độc lập khỏi quyết định của chính phủ nhưng lại hoàn toàn độc lập với các định chế tài chính khác trong khu vực ;

2. Chế độ tỷ giá hối đoái là thả nổi có quản lý với biên độ hẹp, gần với họ tỷ giá cố định,

3. Hội nhập tài chính không hoàn toàn vì có nhiều rào cản gây khó khăn cho đầu tư gián tiếp.

Như chúng ta có thể thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam là một dạng chính sách lưng chừng, giao động giữa ba đỉnh của một tam giác nên nó không thể phát huy hoàn toàn cũng như không gây rủi ro quá lớn cho nền kinh tế. Nhưng nó lại không phải là một chính sách tốt cho dài hạn.

Thứ nhất về chính sách tỷ giá hối đoái, việc liên tục một tỷ giá thấp có biên độ ổn định tuy có lợi thế về ngoại thương, đầu tư trực tiếp và ít có nguy cơ bị tấn công đầu cơ (tấn công đầu cơ chỉ xảy ra tại những nước neo đồng tiền với tỷ giá hối đoái cao một cách giả tạo so với năng lực thật sự của nền kinh tế) nhưng nó khiến nền kinh tế vĩ mô dễ bị lây lan hai căn bệnh của nền kinh tế là lạm phát và thất nghiệp.

Căn bệnh 1 : lạm phát. Giả sử lạm phát tại Mỹ cao hơn lạm phát tại Việt Nam, điều này dẫn tới giá hàng hóa Mỹ đắt một cách tương đối so với giá hàng hóa tại Việt Nam. Hệ quả là người dân Mỹ tăng cường tiêu dùng hàng hóa Việt Nam từ đó tăng nhập khẩu hàng Việt. Nếu ngân hàng trung ương không can thiệp, tỷ giá hối đoái sẽ làm công việc của nó thông qua hoạt động ngoại thương. Khi Mỹ tăng nhập khẩu hàng hóa Việt Nam thì Việt Nam có nguồn thu nhập dollar dồi dào và điều này làm cho tỷ giá hối đoái bị giảm dẫn tới đồng dollar bị yếu đi và đồng VNĐ mạnh lên, điều này làm giá hàng hóa của Việt Nam nhập vào Mỹ trở nên đắt hơn giá hàng hóa Mỹ. Nhưng nếu ngân hàng trung ương can thiệp bằng cách mua vào lượng dollar mới thu được từ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thì điều này sẽ khiến tỷ giá luôn được giữ vững, nhu cầu hàng hóa Việt Nam của người Mỹ vẫn cao dẫn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu hơn là phục vụ nhu cầu nội địa, hệ quả là giá hàng hóa nội địa Việt Nam trở nên đắt hơn và dẫn tới lạm phát do khả năng sản xuất không theo kịp tốc độ thu nhập quốc gia.

Căn bệnh 2 : thất nghiệp. Giả sử tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cao hơn tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam. Điều này dẫn đến thu nhập quốc dân tại Mỹ giảm, người dân thắt chặt nhu cầu chi tiêu và hạn chế nhập khẩu hàng hóa Việt Nam. Việt Nam không xuất khẩu hàng hóa dược qua Mỹ thì không thu được ngoại tệ dẫn tới tỷ giá hối đoái tăng làm đồng dollar mạnh hơn đồng VNĐ. Khi đồng VNĐ yếu hơn đồng dollar thì Mỹ sẽ lại nhập khẩu hàng Việt Nam để phục vụ nhu cầu mua hàng giá rẻ của quốc dân. Nhưng nếu ngân hàng trung ương Việt Nam vẫn duy trì tỷ giá hối đoái cố định thì sao ? Lúc này, không có sự can thiệp của tỷ giá, việc nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Mỹ ngày càng giảm dẫn tới một lượng lớn nhân công tại Việt Nam trở nên thừa mứa và bị sa thải, như vậy căn bệnh thất nghiệp đã lây lan từ Mỹ sang Việt Nam. Cuối năm 2022, chúng ta đã có dịp chứng kiến các đơn hàng nước ngoài ngày càng ít đi trong khi công nhân Việt Nam lũ lượt về quê cũng là vì nguyên nhân này.

Thứ hai, chính sách tiền tệ không độc lập với chính phủ của ngân hàng trung ương Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ và sẽ có xu hướng ra những chính sách thuận chu kỳ nền kinh tế khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng rồi lại mất thời gian rất lâu để phục hồi. Vào những năm 2019 - 2022, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng quá nóng của bất động sản để rồi bây giờ rơi vào tình trạng đóng băng khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Việc độc lập khỏi các định chế tài chính khác trong khu vực có thể khiến ngân hàng trung ương Việt Nam "bơ vơ" và thiếu sự giúp đỡ kịp thời nếu gặp vấn đề tài chính.

Thứ ba, hội nhập tài chính không hoàn toàn thì đây là một chính sách đúng vì bản chất của các dòng vốn gián tiếp là cơ hội, nó luôn tìm cơ hội để kinh doanh chênh lệch giá giữa các quốc gia để kiếm lời, những nước có nền tảng kinh tế yếu kém nếu bị tấn công tiền tệ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng phá sản.

Chính vì lẽ đó, việc tưởng tượng Việt Nam sau này phát triển (phát triển đồng nghĩa đồng nội tệ trở nên mạnh hơn) có vài cái đảo như Singapore không được khả thi lắm vì chính bản thân nền kinh tế không mạnh thì không thể tận dụng lợi thế để trở thành trung tâm tài chính lại dễ bị tấn công tiền tệ. Nhưng nếu muốn như thế chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia như Mỹ, Anh Quốc.

1. Vùng lãnh thổ được coi là trung tâm tài chính thì các ngân hàng ở vùng đó nên là nơi tập trung các ngân hàng quốc tế và các ngân hàng nội địa chuyên phục vụ các giao dịch quốc tế, điều này ngăn chặn rủi ro có thể lây lan sang hệ thống ngân hàng nằm trong nội địa. Đương nhiên nó có khả năng cao được thực hiện bằng cách thiết lập hệ thống hành chính liên bang.

2. Hạn chế can thiệp ngoại hối và dành nguồn lực để ưu tiên làm những công việc khác như phát triển nền kinh tế nội địa mạnh, tăng cường dự trữ "hòm chiến tranh" phòng trường hợp bất trắc (không lo sợ bị tấn công tiền tệ thì cũng nên lo sợ dòng vốn tháo chạy khỏi đất nước khi tình hình nền kinh tế bất ổn như lúc FED tăng lãi suất, ngân hàng Việt Nam vì có dự trữ ngoại tệ thấp nên không thể "khô máu" trong cuộc chiến tăng lãi suất, cuối cùng phải ngậm ngùi chạy theo các ngân hàng lớn trên thế giới). Điều này chỉ có thể đạt được trong một thể chế dân chủ, trong đó những khoản chi mờ ám được giảm đi, doanh nghiệp có cơ hội phát triển và ngân hàng không phải lo gồng gánh để giữ cho mức tỷ giá thấp để phục vụ cho xuất khẩu.

Tóm lại, kinh nghiệm kinh tế cho chúng ta một câu trả lời duy nhất trước khi muốn nền kinh tế Việt Nam thật sự phát triển là phải dân chủ hóa đất nước và thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên. Hi vọng chúng ta sẽ không phải ngán ngẩm "ăn mừng" ngày 30/4 ngớ ngẩn này thêm chút nào nữa. Kinh tế lẹt đẹt, u ám như thế này thì chỉ có cạp đất mà ăn chứ tiền đâu mà đi chơi lễ. Thân ái, chào quyết thắng đến với các bạn, chúc người Việt Nam sớm "giác ngộ" và tham gia vào phong trào dân chủ hóa vẻ vang của quốc gia.

Thiên Cầm

(22/04/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thiên Cầm
Read 1120 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)