Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

14/07/2023

Lưu trữ thông tin : thách thức và giải pháp

Hoàng Quốc Dũng

Trước đây, tôi đã viết rất nhiều bài khác nhau về các lĩnh vực của cuộc sống và về tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

adn01

Toàn bộ dữ liệu của nhân loại ước tính khoảng 45 zetta-octets (Zo), tức là 45 tỷ tỷ kilo octets (Ko).

Từ ngày Nga mở chiến tranh xâm lược vào Ukraine, là người đã từng du học ở Ukraine, có cảm tình sâu nặng với đất nước này, tôi đã bị sốc nặng bởi tính phi nhân nghĩa của quân xâm lược. Từ đó đến nay, tôi hầu như chỉ còn viết về chiến tranh Nga Ukraine. Tôi hy vọng là các bài viết của tôi không làm các bạn thất vọng. Có một số bạn nhắn tin riêng hỏi sao dạo này không viết về các vấn đề khác. Hôm nay, nhân dịp Quốc khánh Pháp, tôi trở lại với vấn đề khoa học kỹ thuật với một phát minh của Pháp. Đây là một vấn đề kỹ thuật rất phức tạp liên quan đến sinh học. Tôi sẽ cố gắng giải thích một cách đơn giản nhất.

Một ngày có bao nhiêu email qua lại giữa chúng ta, giữa chúng ta và các nhà cung ứng bán hàng ? Hàng ngày có bao nhiêu sms và ảnh qua lại giữa điện thoại của chúng ta ? Hàng ngày chúng ta lên Facebook, Tweet, Telegram, Tiktok… post ảnh, viết, cãi, chửi nhau… Riêng các cá nhân chúng ta với nhau đã tạo ra một lượng thông tin khổng lồ cần phải lưu trữ.

Lượng thông tin cần phải lưu trữ càng ngày càng tăng đến mức chóng mặt vì nó liên quan tới : sự phát triển của internet, tin học lượng tử, xe tự động, phát triển của các ngành công nghiệp, trí tuệ nhân tạo và các hoạt động chuyển đổi sang kỹ thuật số…

Toàn bộ dữ liệu của nhân loại ước tính khoảng 45 zetta-octets (Zo), tức là 45 tỷ tỷ kilo octets (Ko). Nhưng chỉ ba năm tới con số này sẽ là 175 Zo, gần gấp 4 lần và tốc độ này nó cứ tăng lên. Dần dần, khả năng lưu trữ của chúng ta sẽ thấp hơn với khả năng chúng ta cần lưu trữ. Các phương tiện lưu trữ như đĩa cứng, băng từ, Blu-Ray vẫn còn không bền, cồng kềnh và đặc biệt là ăn nhiều điện, cứ sau 5 hay 7 năm lại phải thay thế. Các trung tâm dữ liệu ăn rất nhiều điện, khoảng 2% tiêu dùng điện của toàn thế giới. Việc lưu trữ các số liệu của nhân loại cần một cuộc cách mạng.

Cách mạng ADN/DNA

Từ hơn 4 tỷ năm, thiên nhiên của chúng ta đã có một dạng lưu trữ dữ liệu. Đó chính là ADN/DNA (Acide DesoxyriboNucleique) hay DNA (DeoxyriboNucleic Acid).

adn1

Công nghệ lưu trữ thông tin trên ADN/DNA nói tóm tắt là biến đổi các thông tin dạng nhị phân (0 hoặc 1) thành các chữ tương ứng của 4 đơn phân nêu trên (A,T,C,G)

ADN/DNA được cấu tạo theo nguyên tắc đa phân, nghĩa là nhiều phân tử con gọi là đơn phân. Để lưu trữ các thông tin di truyền, tất cả các cơ thể sống đều sử dụng ADN/DNA được cấu tạo bởi 4 đơn phân, các nucleotide : A (Adenin), T (Thinin), C (Cytosin), G (Guanin).

Công nghệ lưu trữ thông tin trên ADN/DNA nói tóm tắt là biến đổi các thông tin dạng nhị phân (0 hoặc 1) thành các chữ tương ứng của 4 đơn phân nêu trên (A,T,C,G), rồi đưa vào các đoạn của ADN. Các ADN/DNA này có thể được bảo quản trên giấy, trong một cái ống (tube) hoặc trong một viên, dạng viên con nhộng nhưng bằng kim loại. Thông tin được lưu trữ như vậy, khi cần sẽ được giải mã bằng một máy đọc đặc biệt, giống như các máy đọc mã gen trong sinh học.

Cái lợi của việc lưu trữ thông tin trên ADN/DNA là có thể được bảo quản hàng trăm nghìn năm mà không cần dùng đến năng lượng. Cứ có nước, không khí và ánh sáng là được. Lưu trữ bằng cách này gọn nhẹ gấp một triệu lần so với các phương tiện hiện nay. Toàn bộ các dữ liệu của nhân loại có thể chứa trong một vật thể to bằng một phong sô cô la.

Ý tưởng sử dụng ADN/DNA để lưu trữ thông tin đã được nhà vật lý Mỹ, giải thưởng Nobel vật lý 1965, Richard Feyman đưa ra từ năm 1959.

Thực nghiệm đầu tiên được George Church tiến hành ở Havard năm 2012 nhưng chỉ với các đoạn ADN/DNA rất nhỏ, trên một nhánh của ADN/DNA thôi.

Mới đây thôi, hai nhà khoa học Pháp Stephane Lemaire và Pierre Crozet đã thành công trong việc lưu trữ các số liệu trên ADN/DNA lớn và trên cả hai nhánh của ADN. Các đoạn ADN/DNA đó có thể thao túng được, tức là có thể cấy vào các vi khuẩn và chính các con vi khuẩn đó có thể tạo ra được hàng tỷ bản sao với một chi phí vô cùng thấp.

Để biểu diễn, họ đã thành công trong việc mã hóa trên ADN/DNA hai tài liệu có tính lịch sử của tiến bộ nhân loại. Đố các bạn biết hai tài liệu đó là gì ?

1. Bản tuyên ngôn quyền con người và công dân năm 1789

2. Bản tuyên ngôn quyền của phụ nữ năm 1791.

adn02

Hai nhà khoa học Pháp Stéphane Lemaire và Pierre Crozet đã thành công trong mã hóa trên ADN/DNA hai tài liệu có tính lịch sử của tiến bộ nhân loại.

Cơ quan lưu trữ quốc gia Pháp đã chính thức ghi nhận hai bản lưu trữ này trên ADN. Đây là lần đầu tiên trên thế giới một cơ quan nhà nước ghi nhận một dạng văn bản như vậy. Có lẽ đây cũng là kỷ lục Guiness, không biết là có hơn cái kỷ lục áo dài 350 m của Việt Nam ?

Mình thực sự lo lắng, các bạn ạ. Những phát minh khoa học kỹ thuật khủng khiếp nó cứ diễn ra ở Mỹ, ở Pháp và các nước phương Tây phát triển. Mà tại sao nó không ở nước ta, hay nước Nga. Tại sao tôi nói Nga ? Vì ở ta có rất rất nhiều người đang ủng hộ Nga, mơ về nước Nga. Đúng là ngu thật, mơ cũng không biết đường mà mơ.

Đã thế với cái phát minh nêu trên, thiếu gì văn bản để làm mẫu trên ADN/DNA mà họ lại chọn hai văn bản đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn chúng nó nhạo báng chúng ta. Đang tức về chuyện này, hàng ngày vào đọc báo chính lề trên Net, thấy dân ta toàn làm những chuyện nhảm nhí, còn các quan thì cứ thi nhau vào tù.

Hôm nay, trên internet, còn thấy một ông giáo sư toán nào đó học ở Liên Xô về còn tuyên bố (liên quan đến vụ giải cứu) : "Dân thì ngu, quan thì tham. Không biết chúng ta sẽ đi về đâu".

Mượn lời một nô bút khen vụ giải cứu để kết thúc bài này : "Việt Nam, chỉ có thể là Việt Nam", "Dân thì ngu, quan thì tham". Cái này là tôi không có nói nhé. Tôi chỉ nhắc lại thôi.

Hoàng Quốc Dũng

(14/07/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 621 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)