Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

27/06/2017

‘Nâng cấp’ phong trào dân chủ Việt Nam

Việt Hoàng

Câu thoại bất hủ "chúng ta đã sống qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, để rồi bước sang thời… đồ đểu" của cố nhà văn, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ trong vở kịch "Ông không phải là bố tôi" ra mắt khán giả năm 1988 đến nay đã được gần 30 năm nhưng chúng ta vẫn cảm tưởng như ông vừa mới viết… hôm qua.

danchu1

Những người dân chủ phải là tác nhân của lịch sử thay vì là nạn nhân của lịch sử.

Sự xuống cấp đạo đức của người Việt đã được Lưu Quang Vũ phát hiện ra từ rất sớm và dư luận cho rằng vì khả năng đặc biệt đó mà ông phải trả giá bằng chính cuộc đời mình. Cái chết của ông cùng người vợ, nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ có thể là một tai nạn ngẫu nhiên nhưng cũng có thể là một bí ẩn của lịch sử.

Không ai có một chút lương tâm mà không thấy rằng xã hội Việt Nam ngày hôm nay đang bị đảo lộn mọi giá trị. Cái xấu, cái ác, cái vô cảm đang lên ngôi còn cái đẹp, cái thiện, cái mỹ thì đang phải rút vào… hoạt động bí mật.

Chúng ta có lẽ không cần quanh co và ngụy biện để có thể chỉ thẳng mặt một trong những nguyên nhân chính gây ra những đổ vỡ kinh khủng mà dân tộc đang phải gánh chịu đó là sự lãnh đạo độc quyền và tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam suốt 72 năm qua. Những gì mà đảng cộng sản đã gây ra cho dân tộc và đất nước này là quá lớn và nó vượt qua mọi sự tưởng tượng của con người. Rồi hậu thế và lịch sử sẽ phán xét họ.

Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là trách nhiệm của chúng ta, những người được xem là ‘trí thức’, là ‘tinh hoa’ của dân tộc. Nhưng ‘chúng ta’ là ai? Chúng ta là những người không cùng chia sẻ lý tưởng cộng sản, là những người không ‘chung mâm chung thuyền’ đảng cộng sản, là những người muốn thay đổi hiện thực của ngày hôm nay, chúng ta chính là ‘phong trào dân chủ Việt Nam’.

Chúng ta đã làm gì và có thể làm gì ? Đâu là nhiệm vụ của chúng ta ?

Thành thật và thẳng thắn để nói với nhau rằng chúng ta chưa hoàn thành trách nhiệm cần gánh vác. Phong trào dân chủ Việt Nam vẫn đang dậm chân tại chổ và đúng như dư luận nước ngoài nhìn nhận phong trào dân chủ Việt Nam chỉ là những ‘tiếng nói của lương tâm’, là ‘những người bất đồng chính kiến’. Chúng ta vẫn chưa thực sự trở thành ‘đối lập dân chủ’. Đã đến lúc chúng ta cần ‘nâng cấp’ phong trào dân chủ Việt Nam lên một vị thế mới, vị thế của những ‘tổ chức đối lập dân chủ’ thực sự.

Chỉ trích và tố giác những điều sai trái, xấu xa của đảng cộng sản không làm họ thay đổi. Họ chỉ thay đổi khi buộc phải thay đổi. Họ chỉ thay đổi khi trước mắt họ xuất hiện một tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh có khả năng hiệu triệu quần chúng đứng dậy làm cách mạng. Khi có một tổ chức như vậy thì muốn hay không đảng cộng sản cũng phải thay đổi và tìm cách ‘đối thoại’ với chúng ta. Xin xem thêm bài ‘Đừng quấy phá cộng sản, hãy là đối trọng của cộng sản’ (1).

Sự kiện Đồng Tâm được hâm nóng và gây bức xúc trở lại khi cơ quan điều tra Hà Nội quyết định khởi tố vụ án. Cụ Lê Đình Kình, một nạn nhân của vụ án đồng thời là một biểu tượng tinh thần của người dân Đồng Tâm đã nói rằng dù bị khởi tố nhưng cụ vẫn tin vào đảng, vào chính quyền ?! Chúng tôi cho rằng cụ Kình nói thật lòng vì không tin đảng thì tin ai ? Ai có thể giúp người dân Đồng Tâm giữa được đất của mình? Rõ ràng là không có ai.

Là những người đang tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ, chúng tôi thực sự cảm thấy có lỗi và bất lực. Chúng tôi không giúp gì được cho cụ và người dân Đồng Tâm ngoài việc lên tiếng đánh động dư luận và tố cáo việc thu hồi đất khuất tất của chính quyền Hà Nội. Chúng tôi phẫn nộ khi một phụ nữ trẻ có con thơ bị kết án 12 tháng tù chỉ vì làm sứt cái mép bàn trong quán karaoke, dù rằng sau đó đã bồi thường gấp đôi số tiền của cả cái bàn. Những bất công như vậy diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước Việt Nam. Những điều kinh khủng và vô lý nhất đều trở thành bình thường ở Việt Nam. Chính quyền thì càng ngày càng không coi ai ra gì, họ thích là họ làm, tất cả đều đúng qui trình. Ai tố cáo họ thì họ tìm cách gài bẫy để tống vào tù.

Làm chính trị là chấp nhận sự cô đơn, cô đơn trong suy nghĩ, cô đơn trong đời thực. Những ‘người làm chính trị’ đều ‘không bình thường’ khi cố gắng thay đổi xã hội và tranh đấu cho những điều tốt đẹp, cho tất cả mọi người để đổi lại sự thờ ơ và thậm chí là nghi ngờ của một số người kém hiểu biết và kém thiện chí.

Phong trào dân chủ Việt Nam vẫn chưa thực sự tin vào chiến thắng vì thế không ai tranh đấu để chiến thắng. Đa số tranh đấu vì lương tâm, vì sự bức xúc trước sự nhiễu nhương của thời cuộc, vì không chấp nhận cái sai, cái xấu của chính quyền. Phong trào dân chủ Việt Nam vì thế vẫn rời rạc, manh mún và chia rẽ. Càng chia rẽ thì lại càng cô đơn. Càng cô đơn thì càng suy yếu và thực sự là phong trào dân chủ Việt Nam chưa tác động được gì nhiều lên chính quyền Việt Nam.

Trí thức Việt Nam vẫn mang trên mình gánh nặng của văn hóa Khổng giáo, một trong nhiều biểu hiện của thứ văn hóa độc hại đó là không dám ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập vì ‘tôi trung không thờ hai vua’. Rất nhiều trí thức Việt Nam hiểu rõ sự thối nát và vô lý của đảng cộng sản nhưng họ vẫn mong và hy vọng đảng sẽ thay đổi cho tốt lên thay vì ủng hộ cho các tổ chức chính trị dân chủ đối lập non trẻ. Họ ngụy biện rằng, các tổ chức này có thành tích gì đâu mà ‘đòi cầm quyền’ nhưng sự thực có ai đòi cầm quyền đâu ? Một số người thì khẳng định như đinh đóng cột rằng ‘đa đảng sẽ loạn’ trong khi đó cả thế giới ‘đa đảng’ mà đâu có loạn? Hơn nữa làm sao có thể khẳng định chắc nịch một điều mà mình chưa biết, chưa trải qua ?

Cơ hội và luôn lách để sống và tồn tại không chỉ là phương châm sống của người dân mà còn là của trí thức Việt Nam. Người dân nhìn thấy vậy nên cũng đành luồn lách theo và cuộc sống cứ thế trôi dần về bế tắc. Chính quyền bế tắc, phong trào dân chủ bế tắc và tương lai của Việt Nam cũng chỉ có thể là bế tắc.

Càng ngày người dân càng thất vọng và chán nản về đất nước. Ai cũng tìm cách bỏ nước ra đi. Những người không đi được thì buông tay, phó mặc cho số phận, sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng và tìm vui nơi chén rượi cuối ngày.

‘Dự án chính trị’ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2 có nhìn nhận về khó khăn và thách thức này : "Dân chủ hóa đất nước là mục tiêu hiển nhiên nhưng cũng đầy trở ngại. Đảng cộng sản đã chứng tỏ họ có thể làm tất cả để duy trì độc quyền chính trị trong khi đa số người Việt Nam không còn quan tâm tới đất nước nữa, sự thất vọng kéo dài quá lâu đối với một chính quyền tham bạo đã biến thành sự chán nản với chính đất nước. Như vậy những người đấu tranh cho dân chủ phải chống lại cùng một lúc sự ngoan cố của Đảng cộng sản và tâm lý bỏ cuộc của quần chúng. Cuộc vận động dân chủ cũng đồng thời phải là nỗ lực phục hồi lòng yêu nước đã bị thương tổn trầm trọng; nó sẽ đòi hỏi rất nhiều quyết tâm, dũng cảm và kiên trì. Nhưng nó là cuộc đấu tranh bắt buộc".

Vậy phong trào dân chủ Việt Nam phải làm gì ? Đề nghị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên suốt bao năm qua vẫn thế, chúng ta cần làm tác nhân của lịch sử thay vì là nạn nhân của lịch sử. Chúng ta phải có giải pháp để chiến thắng. Chúng ta phải ‘nâng cấp’ và ‘nâng tầm’ tranh đấu lên một tầm cao mới. Phải có một tổ chức đối lập hùng mạnh với một dự án chính trị khả thi mới có thể dân chủ hóa được đất nước. Đấu tranh chính trị là đấu tranh giữa các tổ chức chứ không phải giữa các cá nhân. Trí thức Việt Nam phải lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập dân chủ để các tổ chức đó lớn mạnh và trở thành một đối trọng, một tiếng nói nặng ký để buộc đảng cộng sản thay đổi về hướng dân chủ.

Đã đến lúc tất cả đều phải thay đổi. Đảng cộng sản thì cần chấp nhận ‘luật chơi dân chủ’, nên xem đối lập dân chủ là đồng minh của chính quyền chứ không phải kẻ thù. Một mình đảng cộng sản không thể nào quản trị được đất nước, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Chính quyền và đối lập là hai mặt của một vấn đề, cả hai sẽ bổ xung cho nhau, hỗ trợ cho nhau, kẻ tung người hứng trong mối quan hệ quốc tế phức tạp và nhạy cảm. Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ của Mỹ là ‘đồng minh’ chứ đâu phải kẻ thù ?

Phong trào dân chủ Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy, từ ‘tiếng nói của lương tâm’ và ‘bất đồng chính kiến’ thành một giải pháp cho vấn đề dân chủ hóa đất nước. Nếu phong trào dân chủ không có tổ chức và không lớn mạnh thì dù đảng cộng sản có muốn thay đổi cũng không được vì sẽ bị các nhóm bảo thủ trong đảng ngăn cản.

Người dân Việt Nam cũng cần thay đổi bằng cách lên tiếng ủng hộ cho các tổ chức dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến. Không có cạnh tranh chính trị thì sẽ không có bất cứ sự lựa chọn nào cho người dân. Đảng cộng sản đang ‘độc quyền lãnh đạo’ nên họ sẽ không bao giờ thay đổi.

Chừng nào người Việt Nam thôi hỏi những câu vô duyên đại loại như "làm gì có tổ chức nào để mà ủng hộ’ thì chừng đó mới có hy vọng cho tương lai. Không thể có chuyện dân chủ và tự do từ trên trời rơi xuống theo kiểu ăn ngay như mì ăn liền mà phải có sự ủng hộ, sự chăm sóc và nuôi nấng của người dân nhất là những người có hiểu biết.

Cây dân chủ chỉ có thể đơm hoa và cho trái ngọt nếu được mọi người chăm bón. Không làm gì thì sẽ không có gì và khi đó đừng có kêu trời hay oán trách số phận vì ‘rau nào, sâu ấy’.

Việt Hoàng

(27/06/2017)

(1). http://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/ung-quay-pha-cong-san-hay-la-oi-trong.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 10013 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)