Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

30/06/2017

Chưa cần dân chủ vì dân trí còn thấp : một ngụy biện bịp bợm

Mai V. Pham

Một nhận xét khá phổ biến của nhiều người về tiến trình dân chủ của Việt Nam như sau : "Dân trí Việt Nam còn thấp, do đó, dân chủ không thích hợp với Việt Nam". Để phân tích sự đúng, sai của nhận định này, trước hết cần hiểu thế nào là "dân trí" ?

danchu1

Dân chủ mang lại niềm tin, sức sống và mở ra một chân trời mới

"Trí" chỉ khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy đoán... thuộc trí tuệ gắn liền với mỗi người. Dân trí là khái niệm chỉ về trình độ nhận thức, mặt bằng văn hóa chung của cộng đồng, hoặc là trình độ học vấn trung bình của người dân. Hiểu một cách rộng hơn, dân trí cũng là sự hiểu biết và ý thức về quyền và trách nhiệm của người dân.

Vậy dân trí của Việt Nam cao hay thấp ? Hãy cùng xét qua vài chỉ tiêu quan trọng sau đây :

- Tính đến năm 2016, Việt Nam có 412 trường Đại học và Cao đẳng ; nghĩa là bình quân mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường Đại học và Cao đẳng (1).

- Số giảng viên đại học là gần 92.000 người, trong đó có 4.155 giáo sư và phó giáo sư. Mỗi năm, có hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển (1).

- Chỉ số phát triển con người(Human Development Index - HDI) của Liên Hợp Quốc vào năm 2016, Việt Nam thuộc nhóm "Medium Human Development" (Phát triển trung bình), xếp hạng 115/188, cao hơn cả Ấn Độ, Myanmar và Phillipines (2).

Chỉ số phát triển con người(HDI) được đánh giá qua 3 tiêu chí :

1. Sức khỏe : đo bằng tuổi thọ trung bình ;

2. Tri thức : đo bằng tỉ lệ số người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học ở các cấp giáo dục.

Chỉ số tri thức (giáo dục), được biểu hiện qua 2 chỉ số chi tiết : tổng số năm đi học được kỳ vọng và tổng số năm đi học trung bình của mỗi người dân. Cả 2 chỉ số này của Việt Nam đã tăng một cách đáng kể so với nhiều nước trên thế giới.

3. Mức thu nhập : đo bằng GDP bình quân đầu người.

Rõ ràng, nếu đánh giá dân trí của Việt Nam dựa trên trình độ học vấn, giáo dục và chỉ số phát triển con người  (Human Development Index), thì dân trí của Việt Nam ở trên mức trung bình. Do đó, nhận định "dân trí Việt Nam còn thấp nên chế độ độc tài toàn trị là thích hợp" là một ngụy biện và nhận định sai lầm. 

Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam cần một nhà độc tài kiểu Park Chung-hee hay Lý Quang Diệu, bởi nhờ sự độc tài của họ mà Hàn Quốc và Singapore đã có thịnh vượn. Trong thực tế, "không thể có những chế độ độc tài sáng suốt bởi vì nền tảng của mọi chế độ độc tài là sự kiêu căng bệnh hoạn của một người hay một nhóm người tự nghĩ rằng họ đủ thông minh để suy nghĩ thay cho cả một dân tộc". Vì thế, một lần nữa phải khẳng định rằng, nhận định này là một ngụy biện, hoặc ít nhất cũng là sự ngộ nhận do thiếu hiểu biết.

Trong suốt hơn 5000 năm tồn tại, loài người đã sống và trải nghiệm mặt tốt và xấu của ít nhất 5 thể chế chính trị, hàng chục triệu người đã phải đổ máu… để có kết luận rằng dân chủ không phải là một thể chế chính trị tuyệt hảo, nhưng là một giải pháp chính trị ít tệ hại nhất. Dân chủ không phải là một phép màu kì diệu mang đến sự giàu có ngay lập tức, nhưng "dân chủ là một phong cách sinh hoạt cho phép đặt các vấn đề một cách đúng đắn và chọn lựa những người có trách nhiệm" (3).

"In a democracy, there will be more complaints but less crisis, in a dictatorship more silence but much more suffering".

"Ở một chế độ dân chủ, sẽ có nhiều than phiền, chỉ trích, nhưng ít khủng hoảng ; Ở một chế độ độc tài, sẽ có nhiều sự thinh lặng, nhưng lại rất nhiều đau khổ".

Chính vì thế, cho rằng "dân chủ không thích hợp với Việt Nam vì dân trí thấp" là một sự ngụy biện và nhận định sai lầm, bởi dân chủ không phải là một hệ quả của sự vận động xã hội mà dân chủ là một quyền cơ bản nhất của con người. Một nền dân chủ thực sự sẽ là nền tảng vững chắc mang đến cho người dân những giá trị cơ bản : công lý, tự do và nhân quyền. Nếu nói rằng một đất nước phải có dân trí cao thì dân chủ mới hình thành và phát triển được, như vậy phải giải thích như thế nào khi đế quốc La Mã có một nền dân chủ hơn hẳn Ai Cập, là nước đã phát triển trước họ cả ngàn năm ? Vì thế, không nên ngụy biện hay viện cớ ý thức dân chủ của người Việt Nam còn kém, lòng người còn chia rẻ… để cho rằng dân chủ là một xa xỉ phẩm đối với Việt Nam. 

"Chúng ta phải bẻ gẫy lập luận cho rằng dân chủ sẽ đưa tới hỗn loạn. Chúng ta cần chứng minh rằng dân chủ là điều kiện căn bản để bảo đảm không có hỗn loạn, là phương thức sinh hoạt cho phép xã hội tiến hóa và đổi mới không ngừng trong trật tự".

"Chúng ta phải bẻ gẫy lập luận cho rằng xã hội phương Đông khác với xã hội phương Tây, và do đó không thể chấp nhận những giá trị của phương Tây như tự do cá nhân, dân chủ và nhân quyền. Tự do, dân chủ và nhân quyền là những giá trị phổ cập của cả loài người, không riêng gì của phương Tây. Các giá trị đó có mặt trong mọi nền văn minh, kể cả tại Việt Nam
" (3).

Đất nước và dân tộc Việt Nam đang bị đặt dưới ách cai trị độc tài toàn trị của chế độ cộng sản. Để duy trì ách độc tài, đảng cộng sản đã tận dụng chính sách ngu dân, mị dân trong khi nhân dân mới chính là sức mạnh và tiềm năng của một quốc gia. Do đó, sự lụn bại ở mọi góc cạnh của đất nước từ văn hóa, giáo dục, xã hội, môi trường đến dân trí, tình cảm, đạo đức… đều là hệ quả của chế độ độc tài toàn trị.

"Ách độc tài toàn trị và bị từ chối những quyền con người cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng cử, kể cả quyền sở hữu đất. Hàng triệu dân oan bị cướp đoạt đất sống lây lất trong uất hận. Đồng thời tài nguyên quý nhất của quốc gia là con người cũng bị xuống cấp một cách thê thảm. Sức khỏe của nhân dân suy nhược vì thiếu dinh dưỡng, thuốc men và chăm sóc. Các chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lan tràn một cách báo động mà không có biện pháp ngăn chặn. Thanh thiếu niên bỏ học hàng loạt. Trí tuệ dân tộc suy giảm nặng với sự xuống cấp bi đát của hệ thống giáo dục. Tệ nghiện hút, mại dâm, trộm cướp ngày càng gia tăng. Cuộc sống khó khan trong một xã hội băng hoại làm con người càng ngày càng rời xa các giá trị căn bản phải có của mọi quốc gia : đạo đức, lương thiện, thật thà, cần cù, kỷ luật, v.v. Dối trá, lừa đảo, thô lỗ trở thành thông thường trong quan hệ xã hội" (3).

Khai Sáng Kỉ Nguyên Thứ Hai - Chương 1 : Nhiệm Vụ Lịch Sử

Chế độ độc tài toàn trị đã khiến cho đất Mẹ Việt Nam ngày càng hoang tàn, đổ nát, và phần lớn con dân phải sống trong cơ cực. Bản chất của người Việt vốn cần cù, dễ tiếp thu, và chịu khó. Sự thành công của nhiều người Việt hải ngoại là một minh chứng về khả năng thích nghi và thông minh vốn có của người Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đau buồn là, trong khi 3/4 dân tộc trên thế giới đã có dân chủ, thì chúng ta vẫn phải cam go yêu sách đòi dân chủ. Chính vì thế, ngụy biện đầy bịp bợm rằng "dân trí còn thấp nên dân chủ không thích hợp ở Việt Nam" cần phải bị lên án và loại bỏ. 

Dân chủ không phải là một "chiếc đũa thần kì" có thể ngay lập tức biến một nước nghèo khổ thành phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, dân Chủ và cụ thể là dân chủ đa nguyên, là một phương thức tổ chức xã hội hiệu quả nhất. Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia cường thịnh và tôn trọng nhân quyền nếu lấy dân chủ đa nguyên làm nền tảng, để rồi tổng động viên mọi trái tim, mọi khối óc và mọi bàn tay trong sự nghiệp xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, sung túc và thanh bình. 

Có thể nói, mức độ dân chủ quyết định sự cường thịnh của một quốc gia. Dân chủ càng cao, người dân càng có nhiều cơ hội sống trong công bằng, bao dung, tự do và nhân quyền, đặc biệt là quyền phát huy ý kiến và sáng kiến.

"Bài học lớn nhất của lịch sử thế giới là một dân tộc muốn vươn lên chỉ cần ba yếu tố : một xã hội tự do, những con người cần mẫn và đồng thuận dân tộc. Chúng ta là một dân tộc cần mẫn đã có đồng thuận dân tộc và sắp có tự do. Chúng ta sẽ vươn lên. Chúng ta có quyền lạc quan trong cuộc hành trình về tương lai" (3).

Sẽ không có một giải pháp nào tốt đẹp hơn cho dân tộc Việt Nam nếu chế độ độc tài cộng sản còn tồn tại. Chỉ có loại bỏ chế độ độc tài cộng sản bất nhân và hung bạo để chào đón dân chủ đa nguyên, dân tộc Việt Nam mới có cơ hội tiếp cận thật sự với tự do, công bằng và nhân quyền.

"Thử thách trước mặt chúng ta tuy rất lớn, nhưng hy vọng thôi thúc chúng ta còn lớn hơn bởi vì cuộc chiến đấu này không chỉ xứng đáng và vinh quang mà còn tất thắng. Chúng ta được chuyên chở và thúc đẩy bởi cả một làn sóng dân chủ toàn cầu và bởi nguyện ước chung của một dân tộc đã dần dần hồi phục sau những thương tích. Chúng ta đang được tiếp viện của cả một thế hệ mới đã tự khai phóng và quyết tâm làm những con người tự do. Đằng sau những trở ngại là cả một tương lai rực sáng" (3).

Mai V. Pham

Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

(30/06/2017)

Nguồn :

(1) http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/225000-cu-nhan-thac-si-that-nghiep-he-qua-cua-mo-truong-dai-hoc-o-at-20160531074206426.htm

(2) http://hdr.undp.org/en/composite/HDI

(3) https://www.thongluan-rdp.org/thdcdn/item/602-khai-sang-k-nguyen-th-hai

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 3042 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)