Chế độ cộng sản Việt Nam như một con tầu vừa mất la bàn vừa thiếu dầu và cần được cứu giúp và chỉ có thể mong đợi ở các nước dân chủ, trong khi nhu cầu tranh thủ Việt Nam không còn như trước nữa. Sự cứu giúp sẽ chỉ có được nếu đi đôi với những nhượng bộ thực sự quan trọng về dân chủ và nhân quyền.
Chế độ cộng sản Việt Nam như một con tầu vừa mất la bàn vừa thiếu dầu và cần được cứu giúp và chỉ có thể mong đợi ở các nước dân chủ
Dư luận Việt Nam đang xôn xao về cuộc viếng thăm vùa qua của tổng thống Mỹ Joe Biden. Trước ông đã có bốn tổng thống Mỹ -Clinton, George W. Bush, Obama và Trump- thăm viếng Việt Nam từ năm 2000. Cuộc viếng thăm không tưng bừng vì diễn ra trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn. Ông Biden cũng chỉ ở Hà Nội, và trong một thời gian ngắn. Dư luận sở dĩ xôn xao vì quan hệ Việt Mỹ được nâng lên tầm cao "đối tác chiến lược toàn diện" khiến người ta chờ đợi những thay đổi lớn.
Trước hết cần hiểu rằng việc nâng cao hai cấp quan hệ Việt Mỹ, từ "đối tác toàn diện" lên "đối tác chiến lược toàn diện"- là một thay đổi hoàn toàn đến từ chính quyền cộng sản Việt Nam vì Mỹ không bao giờ từ chối nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Lý do duy nhất khiến quan hệ Việt Mỹ cho tới nay chỉ ở cấp thứ ba, cấp đối tác toàn diện, là vì chính quyền cộng sản Việt Nam không muốn đi xa hơn. Họ chỉ muốn giới hạn quan hệ với Mỹ ở mức tối cần thiết.
Trong thập niên 1980 Mỹ đã ngỏ ý sẵn sàng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước nhưng Hà Nội đã từ chối, đã đặt điều kiện là Mỹ phải bồi thường chiến tranh nếu muốn "được bình thường hóa quan hệ với Việt Nam", để rồi sau khi Liên Xô sụp đổ phải rất vất vả mới thiết lập được quan hệ bình thường với Mỹ năm 1995. Sau đó Mỹ đề nghị Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) nhưng Hà Nội lại từ chối và chỉ gia nhập WTO năm 2007, sau Trung Quốc 6 năm. Năm 2021 phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới thăm Việt Nam nhưng Hà Nội cũng đã bỏ qua cơ hội này để nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Như vậy việc nâng cấp quan hệ Việt Mỹ là hoàn toàn do Hà Nội chủ động.
Một câu hỏi phải được đặt ra là tại sao Việt Nam ngần ngại xiết chặt quan hệ quan hệ với Mỹ ?
Câu trả lời chỉ giản dị là ít nhất cho tới nay Hà Nội cần đèn xanh của Bắc Kinh. Không ai ngoài các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam biết chính xác nội dung của thỏa hiệp Thành Đô năm 1990 nhưng người ta có thể suy luận mà không sợ sai lầm là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chấp nhận vai trò chư hầu đối với Trung Quốc. Bằng cớ là trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2013 của Trương Tấn Sang với tư cách chủ tịch nước thông cáo chung đã nhắc lại rằng hai bên cam kết sẽ trao đổi ý kiến -trên thực tế là Hà Nội phải nhận chỉ thị của Bắc Kinh- trong những quan hệ đối ngoại, kể cả tại Liên Hiệp Quốc và trong khối ASEAN. Người ta cũng có thể thấy là trước mỗi chuyến công du qua Mỹ các cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đều sang Bắc Kinh để biết những gì họ có thể nói và làm. Một thành tích lớn của Đảng Cộng Sản Việt Nam là đã hy sinh chủ quyền quốc gia. Lần này Hà Nội đã tự ý nâng cấp quan hệ với Mỹ hay đã chỉ hành động sau khi được Bắc Kinh cho phép ?
Một câu hỏi lớn khác là tại sao bây giờ Hà Nội lại thấy phải nâng cao quan hệ với Mỹ ?
Đó là vì Việt Nam cần được Mỹ và các đồng minh ưu đãi hơn nữa trong lúc này. Việt Nam lệ thuộc một cách bệnh hoạn vào ngoại thương, xuất nhập khẩu lớn gấp hai lần GDP và đang sút giảm nghiêm trọng dù là với Trung Quốc hay Mỹ và Châu Âu. Trong 5 tháng đầu năm 2023 xuất nhập khẩu với Trung Quốc giảm 12,5% so với cùng thời kỳ năm trước. Trong 8 tháng đầu năm xuất nhập khẩu với Mỹ giảm 11,2%, riêng xuất khẩu giảm 19,1%, so với 8 tháng đầu năm 2022. Lý do của tình trạng nguy ngập này là Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng Trung Quốc về gia công rồi dán nhãn hiệu Made in Vietnam và xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu kiếm lời. Nói chung Việt Nam là trung gian xuất khẩu sản phẩm Trung Quốc trên nhiều mặt hàng. Khó khăn đã đến bởi vì Trung Quốc đang khủng hoảng rất nặng, hoạt động sản xuất sút giảm mạnh nên không còn hàng để cung cấp đầy đủ cho Việt Nam trong khi các thị trường Mỹ và Châu Âu khựng lại do bối cảnh kinh tế không lạc quan và họ cũng có thêm nhiều nguồn cung cấp khác từ Mexico, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ, v.v. Thêm vào đó một số sản phẩm của Việt Nam, như may mặc, cũng bị đánh giá là không đáp ứng đủ những tiêu chuẩn về môi trường. Mặt khác thái độ rập khuôn theo Trung Quốc của Việt Nam trong các biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc về cuộc xâm lăng Ukraine của Nga cũng gây thất vọng. Việt Nam đang vất vả và cần thay đổi để được những điều kiện thuận lợi hơn. Nâng cấp quan hệ với Mỹ trước hết là một nhượng bộ và một thú nhận yếu kém. Nó cũng nhìn nhận rằng cuộc chiến tranh "chống Mỹ cứu nước" mà Đảng Cộng Sản Việt Nam thường tự hào chỉ là một sự mê muội.
Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hàng Trung Quốc về gia công rồi dán nhãn hiệu Made in Vietnam và xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu kiếm lời.
Việt Nam sẽ được lợi thêm gì sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ ?
Câu trả lời giản dị là không có gì chắc chắn. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho phép hai bên hợp tác triệt để, kể cả giúp đỡ nhau, trong tất cả mọi địa hạt nhưng có thể là một chuyện, có làm hay không là một chuyện khác. Cánh của tuy mở nhưng người ta có thể vẫn không vào vì thấy trong nhà không đẹp. Tất cả tùy thuộc vào thái độ và cách hành xử của chính quyền Hà Nội. Nếu vẫn ngoan cố phuc tùng Bắc Kinh, vẫn từ chối không lên án cuộc xâm lăng Ukraine, vẫn đàn áp hung bạo mọi tiếng nói đối lập, vẫn "kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh" thì hợp tác với Mỹ chỉ có thể tiếp tục xấu đi mặc dù quan hệ đã được nâng lên cấp cao nhất.
Cho đến nay chính quyền cộng sản Việt Nam đã được một thời gian ân huệ lớn. Vì Trung Quốc trỗi dậy và tỏ ra hung hăng bành trướng nên Mỹ và các nước dân chủ đã nhìn thấy một mối nguy cho hòa bình thế giới và trật tự dân chủ. Họ có nhu cầu tranh thủ để Việt Nam tách ra khỏi ảnh hưởng Trung Quốc hay ít nhất đừng trở thành đồng lõa của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhu cầu đó đang ngày càng giảm đi. Trung Quốc đang khủng hoảng rất nặng. Kinh tế đang lâm nguy, sản xuất và ngoại ngoại thương đều đang tụt dốc, thất nghiệp lên cao đến độ Bắc Kinh không còn dám công bố những con số nữa. Nhiều ước lượng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ có thể cao hơn 40%, khối nợ có thể đã cao hơn 5 lần GDP, tất cả các chính quyền địa phương đều trong tình trạng phá sản không thể trả nợ và cũng không còn vay nợ được nữa. Ngành xây dựng chiếm 30% GDP đang phá sản, ngành đường sắt cao tốc có lúc chiếm 15% GDP đã tê liệt, ngành đóng tàu cũng đã phá sản trên thực tế, ngành sản xuất quạt điện gió và và panô điện nắng đang rất chao đảo. Vấn đề lớn của Trung Quốc trong lúc này là ngành sản xuất xe ô tô điện; hơn 400 trong số khoảng 500 công ty xản xuất xe ô tô điện đã phá sản, hàng trăm nghìn, có thể hàng triệu, xe ô tô điện không thể bán được đang choán những bãi đậu lớn và chờ được hủy bỏ. Nguy hiểm hơn nữa là sự hủy hoại môi trường; nước vừa rất thiếu vừa nhiễm độc, không khí đã ô nhiễm ở mức không chịu đựng được. Dân số đang sút giảm đi và già đi nhanh chóng. Mô hình tăng trưởng bất chấp con người và môi trường đã thực sự phá sản. Giấc mơ Trung Quốc vĩ đại mà Tập Cận Bình hứa hẹn đang trở thành cơn ác mộng. Trung Quốc hiện nay và từ nay không khác một bệnh nhân trên giường bệnh không còn giúp được ai và cũng không còn đe dọa được ai.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 người ta đã ghi nhận được ít nhất 742 cuộc biểu tình phản kháng. Cuối tháng 7 vừa qua Tập Cận Bình đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc về tình hình kinh tế xã hội. Cuộc họp này không đưa ra được một giải pháp nào ngoài nhận định rằng Trung Quốc đang gặp những khó khăn và thử thách rất nghiêm trọng trong một bối cảnh thế giới bất lợi. Phải hiểu rằng Trung Quốc không có lối thoát. Mỹ và các đồng minh không cần phải tấn công Trung Quốc mà chỉ cần không tiếp tay cho Trung Quốc là đủ để Trung Quốc sụp đổ.
Chế độ cộng sản Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trước hết là họ lấy Trung Quốc làm mẫu mực. Niềm tin nền tảng của những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam là chỉ cần rập khuôn theo Trung Quốc là xong. Niềm tin đó đã khiến họ yên tâm nghĩ rằng mình không cần giỏi và cũng không cần người giỏi, cứ việc đàn áp thẳng tay những trí thức hỗn láo dám nói những điều mà mình không muốn nghe. Họ cũng rất thỏa mãn trong vai trò gia công cho công nghiệp Trung Quốc và không hề xấu hổ, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn khoe khoang là "đất nước chưa bao giờ có cơ ngơi như ngày nay". Nhưng bây giờ mô hình Trung Quốc đã phá sản và phơi bày sự sai lầm, công nghiệp Trung Quốc cũng lâm nguy và không thể cung cấp đủ hàng hóa để Việt Nam gia công nữa. Chế độ cộng sản Việt Nam như một con tầu vừa mất la bàn vừa thiếu dầu và cần được cứu giúp và chỉ có thể mong đợi ở các nước dân chủ, trong khi nhu cầu tranh thủ Việt Nam không còn như trước nữa. Sự cứu giúp sẽ chỉ có được nếu đi đôi với những nhượng bộ thực sự quan trọng về dân chủ và nhân quyền.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đứng trước một chọn lựa sống còn. Nhượng bộ thì chế độ không thể tiếp tục tồn tại như hiện nay và phải tự diễn biến tự chuyển hóa về dân chủ, điều mà họ rất sợ. Không nhượng bộ thì khủng hoảng kinh tế xã hội sẽ gia tăng nhanh chóng, phản kháng và phẫn nộ sẽ bùng lên cả trong xã hội lẫn ngay trong nội bộ đảng và chế độ sẽ sụp đổ trong bạo loạn. Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ phải chọn lựa hoặc tham gia để làm tác nhân hoặc ngoan cố chống lại để làm nạn nhân của tiến trình dân chủ hóa đàng nào cũng phải đến và đang đến. Giữa kịch bản Ba Lan hay kịch bản Romania. Lịch sử sắp sang trang.
Chúng ta phải tìm đến và kết hợp với nhau để cuộc chuyển hóa về dân chủ diễn ra trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc
Cuộc thăm viếng của Joe Biden đánh dấu một cột mốc quan trọng dù tự nó không quan trọng. Joe Biden không đòi hỏi gì ở Đảng Cộng Sản, ông chấp nhận chế độ độc tài này và hầu như không đặt vấn đề nhân quyền trong các cuộc thảo luận. Điều quan trọng là thế giới đã thay đổi. Mỹ cũng như các nước dân chủ ngày càng nhận ra là họ không còn cần Việt Nam đến độ phải chiều chuộng chế độ cộng sản một cách vô điều kiện như trước nữa.
Đất nước lại sắp có một cơ hội lớn tương tự như cơ hội Cách Mạng Tháng 8-1945 mà chúng ta vừa kỷ niệm, một cơ hội đã biến thành một thảm họa. Đây là lúc mà những người mong muốn một tương lai dân chủ cho Việt Nam, dù ở trong hay ngoài bộ máy chính quyền, cần tâm đắc một sự thực nền tảng. Đó là một cơ hội chỉ là một cơ hội cho những ai đã chuẩn bị sẵn sàng để chờ đợi nó. Trong cố gắng chuẩn bị để đúng hẹn với lịch sử đó ngoài đồng thuận cần thiết về một dự án chính trị điều quan trọng nhất cần được nhắc lại là trong lịch sử nước ta, cũng như mọi nước khác, những thay đổi chế độ chưa bao giờ đến từ các nhân sĩ phân tán. Lối đấu tranh nhân sĩ phải được dứt khoát loại bỏ. Đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức.
Chúng ta phải tìm đến và kết hợp với nhau để cuộc chuyển hóa về dân chủ diễn ra trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, để mở ra cho đất nước một kỷ nguyên mới và một tương lai mới.
Nguyễn Gia Kiểng
(13/09/2023)