Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/01/2024

Sự độc hại trong bài viết "Dân tộc - Dân sinh - Dân đạo"

Lê Mạnh Tường

Blogger Huỳnh Thị Tố Nga, một phụ nữ trẻ trong nước, đăng một bài viết mang tít "Dân Tộc - Dân Sinh - Dân Đạo" ngày 22/12/2023 với một số ý kiến cho một "lực lượng tinh thần dân tộc" (xin đọc là sức mạnh tinh thần dân tộc) như một hành trang trên đường tương lai phải có cho đất nước.

dantoc1

Trước khi bàn về nội dung bài viết xin dành vài lời phi lộ về cá nhân tác giả.

Đất nước chúng ta đang ở trong một tình trạng bi đát chưa từng có từ trước đến nay : băng hoại về mọi mặt, lạc hậu trên mọi lĩnh vực trước sự thờ ơ của đại đa số dân chúng, đặc biệt là tinh thần đào nhiệm, vô trách nhiệm của thành phần trí thức, thì Huỳnh Thị Tố Nga, một phụ nữ trẻ, thể hiện một thái độ đáng ca ngợi : quan tâm tới tương lai của những thế hệ mai sau. Ưu tư và tinh thần này được thể hiện mạnh mẽ trong bài viết.

Đáng thán phục hơn nếu tác giả ý thức được rằng đấu tranh cho một vận mệnh chung có triển vọng thành công chỉ có thể là cuộc đấu tranh có tổ chức.

Xin được bày tỏ lòng kính mến, vâng, kính mến người phụ nữ trẻ này. Đó là về cá nhân tác giả.

Phần tiếp của bài viết này sẽ nói về những ý kiến của tác giả. Nó sẽ là những phê bình khắt khe, không khoan nhượng tương xứng với sự độc hại của những ý tưởng nó chuyên chở.

dantoc2

**************************

Dân tộc

Chúng ta đã chỉ tiếp cận với những khái niệm trừu tượng về bộ môn tư tưởng chính trị của Châu Âu như Quốc gia, Nhà nước, dân tộc, dân chủ từ khoảng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX do đó, một cách tự nhiên, chúng ta chỉ biết tới những khái niệm đó theo nhãn quan của hai chủ nghĩa áp đảo cuối thế kỉ XIX và tiền bán thế kỉ XX là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc của Đức, nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa nazism sau này. Các danh xưng Trung Hoa Dân Quốc, Cao Ly Dân Quốc, Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng đều có chung nguồn cảm hứng của chủ nghĩa dân tộc Đức (Quốc gia dân tộc, Nation-peuple). Thậm chí chúng ta có cả một lý thuyết, dù rất thô sơ, dân tộc sinh tồn lấy cảm hứng từ lý thuyết không gian sinh tồn của Đức Quốc xã.

Không chỉ những khái niệm mà cả những lý thuyết về các mô hình tổ chức chính trị chúng ta cũng chỉ biết đến chủ nghĩa cộng sản một bên và bên kia là những đảng phái quốc gia ảnh hưởng sâu đậm chủ nghĩa dân tộc ; cả hai bên vì thiếu hiểu biết nên đều nghĩ rằng nó là giải pháp duy nhất, đúng đắn nhất để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân sau đó xây dựng đất nước.

Trong gần cả thế kỉ XX nhân loại đã phải chịu những cuộc chiến đẫm máu nhất, kinh hoàng nhất do hai chủ nghĩa cộng sản và nazism gây ra với gần hai trăm (200) triệu người thiệt mạng. Một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

Đau lòng và hổ thẹn nhất là chúng ta, qua sự mù quáng và điên rồ của ông Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, đã đóng góp xương máu trực tiếp vào kỷ lục kinh hoàng đó.

Tại họa cộng sản, với những mâu thuẫn đã đạt tới điểm không thể đảo ngược đang lừng lững ngày càng tới gần bờ vực thẳm. Nhưng không có gì chắc chắn đất nước sẽ được thấy ánh sáng hé lộ ở cuối đường hầm mà có thể, nếu chúng ta thụ động, thiếu cảnh giác như cha anh chúng ta ở đầu thế kỉ trước, một tai họa khác có thể sẽ sập tới : tai họa chủ nghĩa dân tộc dựa trên nền tảng nguồn gốc chủng tộc, tinh thần tự tôn dân tộc mù quáng.
Cần nói thêm là hai chủ nghĩa cộng sản (+ với leninism) và chủ nghĩa dân tộc (+ với nazism) đều coi đối thủ là kẻ thù không đội trời chung cần phải tiêu diệt.

Tới đây xin mở một dấu ngoặc.

Sau Hiệp định Genève chia cắt đất nước, Miền Nam Việt Nam không chọn chủ nghĩa dân tộc kiểu Đức mà một nền Cộng Hòa.

Dân chủ dần dà, chậm rãi được thiết lập một cách tự nhiên trong xã hội và các sinh hoạt chính trị. Đặc biệt do áp lực của Mỹ lên các chính quyền mỗi ngày mỗi mạnh.
Những năm đầu của thập niên 60 đã có khá nhiều trí thức được đào tạo ở Mỹ và Châu Âu với những hiểu biết về tư tưởng chính trị của họ sâu rộng hơn nhiều thế hệ đàn anh. Họ đã mang về Miền Nam Việt Nam một sinh khí dân chủ của những nước họ du học. Nhưng phải nhìn nhận rằng hầu hết nhân sự lãnh đạo, trong tâm lý, tinh thần Quốc gia Dân tộc hẹp hòi vẫn còn áp đảo. Không thiếu những sách vở, bài báo và cả những tuyên bố công cộng ca tụng chủ nghĩa dân tộc Đức, thậm chí cả Hitler vẫn được hưởng ứng trong công luận. Đăc biệt là không có một tiếng nói phản kháng nào. Nhưng đó là những cá nhân chứ không phải bản chất của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Xin đưa một thí dụ về bản sắc dân chủ và nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa : trong một nước có chiến tranh, ngay cả ở các nước dân chủ, những người đứng lên chống chính quyền để bênh vực kẻ thù đều phải chịu tội tử hình. Việt Nam Cộng Hòa chỉ kết án tù cho họ mà thôi.
Đóng dấu ngoặc.

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng người viết bài này quá bi quan và phóng đại. Có nhiều chỉ dấu buộc chúng ta phải thật cảnh giác.

Một trong những chỉ dấu và cũng là động cơ cho bài viết này với nội dung rõ ràng cổ súy cho chủ nghĩa dân tộc nazism, rạch ròi nhất là phần mở đầu giải thích về khái niệm dân tộc dựa trên nền tảng chủng tộc đã được 830 lượt thích và 135 lượt chia sẻ.

Bao nhiêu người, đặc biệt trong giới trẻ, đã và sẽ bị đầu độc bởi chủ trương độc hại này ?

(trích) "Dân tộc, như đã nói, hình thành từ một cộng đồng trải qua bề dày lịch sử, có chung nguồn gốc chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết và tập trung ở một lãnh thổ nhất định, những cá thể sống trong cộng đồng đó gọi chung là dân tộc, từ đó cũng hình thành nên quốc gia" (hết trích).

dantoc03

Trước khi đi vào vấn đề xin mạn phép nhắc qua định nghĩa phổ cập về khái niệm Quốc gia : Một Quốc gia chỉ cần hội đủ ba yếu tố : một lãnh thổ, một cộng đồng dân cư và một chính quyền. Định nghĩa này có cùng định nghĩa của Nhà nước.

Sự khác biệt của hai khái niệm Quốc gia và Nhà nước nằm trong nội dung của yếu tố "cộng đồng dân cư".

Nhà nước vừa là một khái niệm trừu tượng với tính liên tục của nó và cũng vừa là một thực thể : thực thể pháp lý (tính pháp nhân) ; cộng đồng dân cư trong khái niệm Nhà nước là một thực thể pháp lý : mỗi thành viên được nhìn nhận trong tư cách một công dân.

Nội dung của yếu tố cộng đồng dân cư trong khái niệm Quốc gia là một trí tưởng tượng tập thể làm chất keo gắn bó, liên đới những thành viên trong cộng đồng đó với nhau trong một tình cảm chung : Quốc gia là một tình cảm được hình thành bởi những khái niệm trừu tượng.

Một Nhà nước có thể không có Quốc gia nhưng một Quốc gia không thể không có một Nhà nước. Có thể ví von Nhà nước là thể xác còn Quốc gia là tâm hồn.

Điều liên quan đến bài viết này là yếu tố cộng đồng dân cư trong khái niệm Quốc gia (tôi không thích cụm từ dân tộc vì thấy không ổn mà nếu có dịp sẽ đóng góp ý kiến).

Sự tranh cãi về khái niệm Quốc gia cuối thế kỉ XIX giữa Pháp (chủ yếu) và Đức nằm ở quan niệm về cộng đồng dân cư trong một quốc gia.

- Hai cuộc cách mạng Pháp, Mỹ thừa hưởng tư tưởng các nhà tư tưởng của Thế kỷ Ánh sáng, cho rằng Quốc gia được xây dựng trên nền tảng một ý chí sống chung qua một khế ước (Pháp), dự án (Mỹ) của một cộng đồng dân cư không dựa trên yếu tố nguồn gốc, ngôn ngữ.

- Đức quan niệm quốc gia được xây dựng trên những yếu tố khách quan như ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa. Nhãn quan này đã đưa tới những hậu quả hại loạn khi Frederic List (1789-1846) thêm vào lý thuyết nguồn gốc chủng tộc Aryan thượng đẳng (tinh thần tự tôn dân tộc) được (Chúa) chọn với thiên mệnh khai hóa các nền văn hóa khác, nền tảng ý thức hệ Đức quốc xã ít năm sau đó.
Kết quả như mọi người đều biết nó đã là nguyên nhân của cuộc Thế chiến thứ hai với gần 60 triệu người đã phải bỏ mạng.

Hiện nay trên thế giới không có một Quốc gia nào chính thức quan niệm quốc gia đặt nền tảng trên chủng tộc cả. Tuyệt đại đa số các Quốc gia trên thế giới đều áp dụng mô hình Nhà nước-Quốc gia (État-Nation, Nation State), đối nghịch với Quốc gia-Chủng tộc nazism.

Cái gì đã làm Huỳnh Thị Tố Nga, một phụ nữ duyên dáng, trẻ trung, đi ngược với dòng chảy nhân loại để chủ xướng một khái niệm Quốc gia Dân tộc bệnh hoạn và độc hại đã bị thế giới kinh tởm vứt vào sọt rác lịch sử nhân loại từ tháng 8 năm 1945 ?

Dân sinh - Dân đạo

Chắc chắn sự chọn lựa chủ nghĩa dân tộc độc hại này không phải vô tình vì phần kế tiếp về Dân Sinh - Dân Đạo cũng tiềm tàng những lý thuyết nazi, chẳng hạn như nguồn gốc của luật…

Vì không hiểu những lý thuyết và đặc biệt những khái niệm liên quan đến chủ đề nên sử dụng từ ngữ một cách rất cẩu thả, bạt mạng và hoàn toàn mâu thuẫn với những khái niệm không hề có trong ngôn ngữ Việt và chắc chắn của cả nhân loại, vì đó là những khái niệm phổ cập có cùng ý nghĩa cho dù được viết bằng bất cứ một ngôn ngữ nào. Thí dụ "lực lượng tinh thần", "ý thức bẩm sinh", nguyên tắc bẩm sinh", "đạo lí bẩm sinh" là những cái gì ? Ai hãy thử dịch những cụm từ này sang những ngôn ngữ khác xem có được không ? Chúng không hề có trong từ điển tiếng Việt. Những khái niệm đó không hề hiện hữu vì chúng hoàn toàn vô nghĩa và mâu thuẫn về lô gíc.
Lực lượng cảnh sát, lực lượng doanh nhân nhưng với tinh thần phải viết là sức mạnh tinh thần. Ý thức cũng như đạo lý và nguyên tắc, một cách đơn giản, là thành quả của sự hiểu biết và trải nghiệm. Có nghĩa là những điều không thể có từ bẩm sinh. Ghép những khái niệm ý thức, đạo lý và nguyên tắc vơi bẩm sinh là loạn chữ.

Khi không biết thì chúng ta tra cứu những cuốn từ điển có uy tín (nên rất thận trọng với Google, wikipedia vì chúng không có "nghĩa vụ" tôn trọng tính khách quan) chứ không nên viết càn được. Bài viết này ngoài ý tưởng độc hại mà nó chuyên chở còn là một xúc phạm với tiếng Việt và kiến thức.

Tinh thần dân tộc và tinh thần tôn trọng các "cương thường" (quy tắc) của dân tộc phải được thể hiện trước hết và trên hết là tinh thần tôn trọng ngôn ngữ của quốc gia mình. Vì qua sự đồng nhất của ngôn ngữ cho phép một dân tộc hiểu nhau và gắn bó với nhau. Sử dụng tiếng Việt bất chấp quy tắc, tiêu chuẩn chung là một hành động coi thường tinh thần dân tộc, coi thường những cương thường của dân tộc. Quá mâu thuẫn với những gì bài viết kêu gọi. Đó là về tiếng Việt. Sau đây là những bất cập về kiến thức luật pháp.

Bài viết giải thích về khái niệm cương thường là một tổng hợp của ý thức, nguyên tắc và đạo lí bẩm sinh (sic) và là nguồn gốc của luật pháp của người văn minh sau này. Cương thường theo giải thích trong bài viết là cương thường của Nho giáo chứ còn gì nữa mà nói là không phải. Nếu có điều không phải là một cái là của người Trung Hoa và cái kia là của người Đức mà thôi.
"Cương", theo từ điển Hán Việt là giềng mối, "thường" là những quy tắc đã được xã hội chấp nhận như những điều thường tình. Cương thường là những giá trị, quy tắc về luân lí, đạo đức xã hội : "phải như thế" hoặc "nên như thế" đã được chọn lọc và áp đặt cho toàn xã hội. Nói cách khác là những chọn lựa chủ quan và áp đặt của con người chứ không hiện hữu từ bẩm sinh. Trong luật pháp hiện đại cương thường nằm trong - chứ không tương đương vì thô sơ, hạn hẹp hơn hẳn về mặt tri thức - trường phái luật hiện định (droit positif, positivism) là trường phái đối nghịch với trường phái luật tự nhiên (droit naturel, jusnaturalisme, nguồn gốc của Bản Tuyên Ngôn Quyền Con Người Phổ Cập).

Hai quan niệm đối nghịch về nguồn gốc luật pháp là luật hiện định (droit positif) cho rằng luật chỉ có thể có nguồn gốc duy nhất từ con người ; luật tự nhiên (droit naturel) nhìn nhận luật hiện định nhưng cho rằng những luật đó phải phù hợp với luật tự nhiên mà con người được có từ khi chào đời. Có nghĩa là định vị luật hiện định đứng dưới luật tự nhiên nên không được mâu thuẫn với luật tự nhiên.

Sự khác biệt quan điểm này đã gây tranh cãi rất gay gắt ở nước Đức cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX với đầy hậu ý chính trị của phe luật hiện định để chuẩn bị ý thức tập thể cho ý thức hệ Đức Quốc Xã dựa trên lý thuyết chủ nghĩa dân tộc của Frederic List đã nói ở trên.

Luật của dân tộc thượng đẳng được (Chúa) Chọn không thể đứng dưới một luật pháp nào cả.

Cổ xúy cùng lúc cho cả hai quan niệm hoàn toàn đối nghịch nhau như vậy là điều hoàn toàn không thể hiểu được.

Điều ngạc nhiên là giải thích về nhân quyền là giải thích khá chuẩn trong bài viết nhưng lại hoàn toàn mâu thuẫn với những giải thích về nguồn gốc cương thường của luật pháp : "luật cương thường" phủ nhận luật tự nhiên có nghĩa là phủ nhận nhân quyền. Linh tinh quá sức tưởng tượng.

Nhân quyền được coi là những quyền tự nhiên của con người ; cái tự nhiên đó không phải do bẩm sinh mà có từ lý trí (raison) về cái Đúng, Lẽ Phải được con người khẳng định như những quyền của "Thượng đế" ban cho Con người mà không ai, đặc biệt là chính quyền, có quyền xâm phạm. Có nghĩa là từ ý thức của con người.

Khái niệm quyền tự nhiên chủ yếu để khẳng định sự khác biệt với quyền hiện định do chính quyền làm ra nên những quyền được coi (ý thức) là căn bản của nhân loại hiện hữu hay không tùy thuộc vào quan điểm chính trị của chính quyền đó.

dantoc4

Hòa giải dân tộc (réconciliation nationale, national reconciliation)

Những khái niệm không hề có của nhân loại được khẳng định như đinh đóng cột trong khi đó phần cuối lại phủ nhận một khái niệm phổ cập trong bộ môn chính trị học được sử dụng rất phổ biến để rồi khẳng định "khái niệm hòa giải dân tộc không hề có" với lập luận là một quốc gia chỉ có một dân tộc thì hòa giải với dân tộc nào. Xin nhắc lại là tác giả quan niệm dân tộc có chung một nguồn gốc chủng tộc, có nghĩa là chỉ có một chủng tộc ở phần mở đầu bài viết. Điều này sai hoàn toàn.

Dân tộc Việt Nam là một chủng tộc thuần nhất ? Không có một quốc gia nào trên thế giới hiện nay hiện hữu một dân tộc được cấu thành bởi một chủng tộc thuần nhất. Sự hoang tưởng (chủ ý) của Đức với Nhật gây ra những hậu quả mà mọi người đều đã biết.

Hòa giải dân tộc (*) là sự hòa giải giữa các thành viên của dân tộc (hiểu theo nghĩa cộng đồng) đó với nhau chứ không phải giữa các dân tộc. Cũng như khái niệm đoàn kết quốc gia là sự đoàn kết của các công dân trong một quốc gia với nhau chứ không phải sự đoàn kết của quốc gia này với những quốc gia khác.

Khái niệm hòa giải dân tộc là một khái niệm phổ cập vì là một trong những giá trị nền tảng của những xã hội văn minh được thực hành bởi những người văn minh. Nói cách khác nó là một chỉ dấu của văn minh.

Khái niệm hòa giải chắc chắn là một trong những khái niệm lâu đời nhất của nhân loại từ khi loài người có văn minh. Có nghĩa là biết tụ tập sống chung và có tổ chức. Thậm chí hòa giải còn là một đặc tính của loài người và nhờ đó nó đã phát triển về cả số lượng lẫn phẩm chất vượt rất xa các loài động vật khác.

Thành tố nhỏ nhất của một cộng đồng sống chung là gia đình với sự gần gũi thắm thiết về huyết thống và tình cảm cũng đều có nhu cầu hòa giải vì trong suốt quá trình sống chung không thể không xảy ra những bất đồng, xung khắc vì một lí do nào đó. Nếu không biết hòa giải thì gia đình đó chắc chắn sẽ tan vỡ. Chúng ta có thể quan sát trên mọi nền văn minh của nhân loại đều có một điểm chung là sự đoàn kết của gia đình và lấy đó làm khuôn thước, nền tảng cho cả xã hội. Một cách nào đó nó là thành quả của ý thức hòa giải.

Một Quốc gia với sự cấu tạo đa dạng và phức tạp, không có yếu tố huyết thống, ruột thịt như gia đình với những mục đích, lợi ích, niềm tin… khác nhau thậm chí đối nghịch thì sự bất đồng, xung khắc là một tự nhiên : nhu cầu hòa giải còn cần thiết hơn hẳn.

Một gia đình dù tan vỡ các thành viên vẫn còn có thể nương tựa vào một tập thể khác để sống ; một quốc gia tan vỡ thì sẽ không còn đất sống cho một ai cả trong tư cách công dân của xứ sở đó.

Không có một rạn nứt nhân tố xã hội nào sâu đậm và dai dẳng bằng sự rạn nứt do nội chiến để lại. Một dân tộc mà nhân tố xã hội bị hủy diệt không khác gì một cơ thể bị ung thư máu. Hàn gắn những rạn nứt nhân tố xã hội là một mệnh lệnh của lương tâm và trí tuệ chứ không phải chỉ là lòng quảng đại, vị tha hay chính trị ; hàn gắn những rạn nứt nhân tố xã hội chỉ có thể bắt đầu bằng hòa giải với nhau.

Từ mấy trăm năm nay chúng ta đã phải trải qua hết cuộc nội chiến này tới cuộc nội chiến khác. Cuộc nội chiến Quốc - Cộng vừa qua cũng chỉ chấm dứt trên chiến trường nhưng vẫn còn tiếp tục trong lòng người mà Đảng cộng sản Việt Nam là nguyên nhân và luôn tìm mọi cách khai thác bằng đủ cách, ngay cả bằng cách kêu gọi hòa giải bịp bợm để tạo nghi kị hay thành kiến xấu, với mục đích nuôi dưỡng sự đố kị tiếp tục tồn tại với thâm ý không cho phép dân tộc Việt Nam thực hiện hòa giải với nhau. Điều này rất dễ hiểu vì một khi dân tộc Việt Nam không còn chia rẽ thì Đảng cộng sản sẽ bị cô lập. Họ chỉ mạnh khi chúng ta chia rẽ ; mỗi người Việt Nam riêng lẻ sẽ không là gì cả trước cả bộ máy chính quyền ngay cả khi nó không còn thực lực.

Thái độ phản bác tinh thần hòa giải dân tộc cũng rất lô gíc với chủ nghĩa dân tộc mà bài viết cổ súy như đã được trình bày ở phần đầu : triệt tiêu đối thủ ! Do đó nhu cầu hòa giải dân tộc là cả một sự vô lý. Các chế độ độc tài không có nhu cầu hòa giải vì mọi khác biệt đều được giải quyết bằng bạo lực. Cả hai chủ thuyết cộng sản và chủ thuyết dân tộc có chung một kẻ thù : dân chủ. Trong khi những giá trị như hòa bình, hòa giải, đối thoại, hợp tác, thỏa hiệp, tự do, công bằng… là những thuộc tính của dân chủ mà không có nó mô hình dân chủ bị tước hết sức sống.

Cũng đừng quên rằng cứu cánh của các mô hình chính trị đơn giản là một cách sống.

Mô hình dân chủ đặt nền tảng trên những cá nhân ; cách sống của các nền dân chủ dựa trên những giá trị (kể trên) đã được tích lũy, sàng lọc, bổ sung theo thời gian bằng lý trí ; các quyền tự do ngôn luận, bầu cử, kết hợp chỉ là những điều kiện và hiến pháp, luật pháp, Nhà nước pháp trị chỉ là những phương tiện để bảo đảm phong cách sống với những giá trị đó được chu toàn nhất có thể.

Từ chối hòa giải dân tộc và xiển dương chủ nghĩa dân tộc dựa trên chủng tộc là một hành động vừa chống dân chủ vừa vô tình tiếp tay cho sự trường tồn của Đảng cộng sản.

Lê Mạnh Tường

(15/01/2024)

(*) Réconciliation nationale, national reconciliation, theo tôi, nên dịch là "hòa giải quốc gia" đúng hơn là "hòa giải dân tộc".

Ngay cả dân cư (population) của một Quốc gia dịch là "dân tộc" cũng không đúng mà nên dùng chữ "nhân dân" chính xác và hay hơn nhiều : "nhân" là yếu tố con người và "dân" là yếu tố công dân ; từ này còn chuẩn hơn những nước Tây Phương vì nó bao gồm hai khái niệm chính trị khác nhau trong cùng một con người.
Nhưng đây lại đụng chạm tới một vấn đề… nhạy cảm.

*************************

DÂN TỘC – DÂN SINH – DÂN ĐẠO

Dân tộc, như đã nói, hình thành từ một cộng đồng trải qua bề dày lịch sử, có chung nguồn gốc chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết và tập trung ở một lãnh thổ nhất định, những cá thể sống trong cộng đồng đó gọi chung là dân tộc, từ đó cũng hình thành nên quốc gia.

dantoc5

Trước khi con người có khái niệm về luật pháp, về bộ máy sử dụng luật pháp để duy trì ổn định xã hội thì con người dùng cái gì để duy trì trật tự xã hội ?

Con người sinh ra đều có bản tính và ý thức bẩm sinh. Bản tính bẩm sinh là sự kết hợp nam nữ để duy trì nòi giống, kết nối với nhau thành cộng đồng, cùng nhau tìm ra sinh kế để duy trì sự sống. Ý thức bẩm sinh là nguyên tắc, đạo lý dựa vào sự hòa hợp với tự nhiên và trong quá trình sống. Luật tắc và đạo lý cơ bản này được con người nhìn nhận và dùng nó áp dụng vào cộng đồng để duy trì sự ổn định về sinh kế và phát triển nòi giống, ta gọi đó là cương thường, là cái gốc của cái gọi là luật pháp của người văn minh sau này. Nói như vậy để thấy rằng, luật pháp là cái ngọn của cương thường, một dân tộc và nói chung là thế giới loài người, muốn duy trì một hệ thống luật pháp có hiệu quả và để bảo vệ được sự sống con người thì phải hiểu cương thường là gì, cái gốc của luật pháp dựa vào đặc định gì và tại sao phải duy trì luật pháp. (Cương thường ở đây không phải tam cương, ngũ thường của Nho giáo, mà nó là cái gốc nguyên tắc tự nhiên của loài người).

Dân sinh, là các điều kiện dùng để phát triển sự sống và duy trì ổn định nòi giống con người, bao gồm lãnh thổ quốc gia được phân định rạch ròi và được quốc tế công nhận. Các điều kiện về kinh tế, giáo dục, điều kiện về tự nhiên và tất nhiên thành phần quan trọng nhất là công dân trong quốc gia với trí tuệ và nhận thức cùng nhau phát triển đất nước.

Dân đạo, là đạo lý được con người thấu hiểu từ cương thường, từ sự giáo dục nhân cách, con người đi dần từng bước trong nhận thức, từ sự nhìn nhận sơ khai, đến sửa chữa, chuyển hóa dần rồi thẩm thấu được đạo lý dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc từ đó có ý thức rõ ràng về dân tộc và mong muốn giữ gìn nó.

Nhân quyền là sự thấu hiểu từ đạo lý. Hiểu được tính đặc định bẩm sinh của loài người, từ đó mới hiểu được nhân quyền là đạo lý của con người đối với chính mình, của người đối với người và của con người đối với vạn vật. Nếu không hiểu được rõ ràng, thì nhân quyền chỉ được nói và thực thi trên vỏ bọc khi nó đã không còn đạo lý, luật tắc tự nhiên.

Một quốc gia với chủ nghĩa chân chính sẽ làm nền tảng cho một thế giới chân chính và sáng suốt, ngược lại, một thế giới với hệ thống luật tắc chân chính sẽ làm nền tảng cho các quốc gia phát triển bền vững.

Khi quốc gia khống chế luật tắc quốc tế thì xảy ra chiến tranh xâm lược. Trong một quốc gia, khi giai cấp khống chế quốc gia thì xảy ra tình trạng giai cấp thống trị, khi gia tộc khống chế quốc gia thì trở thành chế độ quân chủ, khi đảng phái khống chế quốc gia thì trở thành độc tài, đảng trị. Tất cả các vấn nạn này đều do bất chấp đạo lý và luật tắc mà gây nên vậy.

Dân tộc, dân sinh, dân đạo sẽ như một vòng tròn kết nối, cùng sinh, cùng diệt với nhau. Thiếu một trong ba yếu tố này, sẽ không còn quốc gia. Dân tộc là tinh thần, dân sinh, dân đạo là "khí", là năng lượng cung cấp cho lực lượng tinh thần đó duy trì và phát triển, và quan trọng là phát triển theo con đường chân chính sáng suốt, không chỉ cho quốc gia, mà cũng là nền tảng phát triển của loài người nói chung.

Ngày nay, có khái niệm "hòa giải dân tộc", xin thưa rằng, không có khái niệm đó, vì dân tộc vốn đã cùng một thể của một quốc gia mà sinh ra, vậy thì trong một quốc gia, lấy dân tộc nào hòa giải với dân tộc nào ? Nói cho chính xác, chỉ có chăng là có khái niệm "hòa giải giữa các đảng phái" hoặc giữa "nhân dân và bộ máy cầm quyền" chứ không nên dùng từ dân tộc, nó sai về bản chất. Dân tộc là quốc gia, không có đảng phái nào có thể nhân danh cả dân tộc để gây bất hòa hay hòa giải cả, đó là điên rồ, là phá hoại trật tự kỷ cương của quốc gia. Mà đã là khái niệm đảng phái, thì cũng không gọi là hòa giải, đảng phái nào không làm được việc cho đất nước thì sẽ bị giải thể, thay thế và cạnh tranh với đảng phái khác mà thôi, đó là tính đa nguyên trong bộ máy vận hành đất nước.

Thiện và ác, chiến tranh hay hòa bình cũng chỉ là thuộc tính của vòng tròn Dân tộc – Dân sinh – Dân đạo mà ra. Việc thông hiểu và điều hướng cái gốc này vô cùng quan trọng cho sự phát triển của quốc gia và con người.

Huỳnh Thị Tố Nga

Nguồn : Facebook Huỳnh Thị Tố Nga, 22/12/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Mạnh Tường, Huỳnh Thị Tố Nga
Read 1790 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)