Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/01/2024

Phải rất cảnh giác trong năm nay

Nguyễn Gia Kiểng

Năm nay sẽ rất sôi động. Chế độ cộng sản đã tích lũy đủ mâu thuẫn để phải chấm dứt. Vấn đề chỉ là bao giờ và như thế nào và câu trả lời chủ yếu tùy thuộc những người dân chủ. Hơn lúc nào hết những người dân chủ Việt Nam phải rất cảnh giác để đất nước đừng lỡ thêm một cơ hội lịch sử.

canhgiac1

Hơn mọi dịp đầu năm, chúng ta cần cầu chúc đất nước thật nhiều may mắn.

Hơn mọi dịp đầu năm, chúng ta cần cầu chúc đất nước thật nhiều may mắn. Năm 2024 sẽ rất phức tạp, có thể sẽ là năm định hướng tương lai đất nước. "Khó lường" là hai tiếng thường được nghe trong những phát biểu gần đây của các lãnh đạo cộng sản. Nhưng dù khó tới đâu chúng ta cũng vẫn cần dự đoán, dĩ nhiên dựa trên những sự kiện chính xác. Khó lường không có nghĩa là cứ nhắm mắt đưa chân.

 

Chiến dịch đốt lò chống tham nhũng đã đạt kết quả nào ?

Trước hết hãy nhận diện vài vụ đại án đang gây sôi nổi nhất : vụ Việt Á, vụ các chuyến bay giải cứu, vụ tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết, vụ tập đoàn Vạn Thịnh Phát và vụ tập đoàn AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Tất cả đều là những vụ lừa đảo, gian lận với sự đồng lõa có chia chác của các quan chức cao cấp. Tất cả đều gây kinh ngạc về mức độ băng hoại của chế độ cộng sản.

Hai vụ Việt Á (gian lận và đội giá các kit test trong dịch Covid-19) và Chuyến Bay Giải Cứu (hồi hương đồng bào đang lâm nguy vì dịch Covid-19) cho thấy sự xuống cấp dễ sợ về đạo đức của xã hội Việt Nam sau một nửa thế kỷ dưới chế độ cộng sản. Chúng ta vẫn chưa có những doanh nhân chân chính mà đất nước phải có, gian thương và các quan chức câu kết với nhau để bóc lột ngay cả những người mắc nạn đang cần được cứu giúp. Vụ tập đoàn FLC của Trịnh Văn Quyết (gian lận trong giao dịch chứng khoán) phơi bày một tâm lý tệ hại mà nước ta cần trút bỏ nếu muốn vươn lên ; tất cả những can phạm, doanh nhân cũng như quan chức, đều mới chỉ có trình độ vỡ lòng về thị trường cổ phiếu nhưng đã tìm cách ăn gian. Vụ tập đoàn AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho thấy một mạng lưới quan chức tham nhũng trải rộng trên khắp lãnh thổ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã được thông báo để đào thoát khỏi Việt Nam trước khi bị truy tố.

Vụ Vạn Thịnh Phát gây kinh ngạc về mức độ nghiêm trọng của nó cũng như về các can phạm. Trương Mỹ Lan, chủ tập đoàn, là một phụ nữ người Việt gốc Hoa với một lý lịch không rõ rệt, có chồng người Hoa ở Hồng Kông và có lúc đã từng cùng cả gia đình xin bỏ quốc tịch Việt Nam. Tuy vậy Trương Mỹ Lan đã có thể thao túng môi trường kinh doanh Việt Nam trong ba thập niên, vận dụng hàng trăm quan chức nhà nước và hàng ngàn đồng lõa, gây thiệt hại hơn một triệu tỷ đồng Việt Nam (40 tỷ USD) -tương đương với 13% GDP thực sự của Việt Nam- trong khi đại đa số các công ty Việt Nam chỉ có doanh thu dưới 1 triệu USD mỗi năm. Riêng cá nhân Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt hơn 12 tỷ USD. Số tiền này chắc chắn đã được chuyển ra nước ngoài cho chồng. Bốn người, kể cả thượng tướng thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ, đã chết một cách bí ẩn khi bị phát giác là có liên lụy trong vụ này. Thật là khó tưởng tượng.

Những vụ án này, và hàng trăm vụ án gian lận và lừa đảo khác, chứng tỏ chính quyền cộng sản Việt Nam không chỉ rất tham nhũng mà phải nói là tham nhũng một cách toàn diện và tuyệt đối. Thực tế đã chứng tỏ rằng cái gọi là chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng hô hào từ hơn mười năm nay hoàn toàn thất bại. Tham nhũng chỉ tăng lên chứ không giảm đi.

Tại sao ? Lý do là vì Đảng Cộng Sản Việt Nam không thể chống tham nhũng. Trong tất cả các cơ quan nhà nước và các công ty quốc doanh, mọi chức vụ từ cấp phó phòng trở lên chỉ dành cho đảng viên cộng sản. Trong quân đội và công an mọi cấp bậc, từ hạ sỹ quan trở lên cũng phải là đảng viên cộng sản. Đảng Cộng Sản ở ngoài và ở trên pháp luật vì một đảng viên chỉ có thể bị giải tòa sau khi đã bị khai trừ khỏi đảng. Trên thực tế Đảng Cộng Sản đã chiếm đoạt đất nước Việt Nam làm của riêng. Một đảng đã cướp đoạt cả một đất nước của tuyệt đại đa số người Việt còn có tư cách nào để trừng trị những người đã cướp giật tài sản của một số công ty và cá nhân ? Vả lại kinh nghiệm của các quốc gia cũng đã cho thấy rằng khi tham nhũng đã đạt tới một mức độ nghiêm trọng nào đó thì chỉ còn một giải pháp duy nhất để chống tham nhũng là thay thế chính quyền tham nhũng bằng một chính quyền khác. Mức độ này đã bị vượt qua rất xa.

1937835844

Chiến dịch đốt lò chống tham nhũng đã đạt kết quả nào ?

Nội bộ rối bời giữa một giai đoạn nghiêm trọng

Quan trọng hơn nhiều, rất nhiều, là cuộc thanh trừng lớn trong đảng và nhà nước cộng sản, bộc lộ một tình trạng xáo trộn nội bộ rất nghiêm trọng. Chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và hàng loạt các bộ trưởng, thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng bị mất chức, nhiều người bị truy tố. Ba ủy viên bộ chính trị và nhiều ủy viên trung ương đảng bị kỷ luật hoặc khai trừ. Tất cả bị cáo buộc là đã tham nhũng hoặc đồng lõa tham nhũng. Cáo buộc này có thể đúng nhưng nếu tham nhũng và bất tài là lý do khiến họ bị thanh trừng thì hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các cấp lãnh đạo cộng sản đều xứng đáng bị sa thải và truy tố. Lương của các cấp lãnh đạo chưa tới 1.000 USD mỗi tháng nhưng có ai từ cấp vụ trưởng hay bí thư huyện ủy trở lên không phải là triệu phú đô la ? Có sai phạm thực nhưng đó không phải là lý do chính để bị thanh trừng. Lý do chính là đấu đá phe cánh trong nội bộ đảng và những người bị thanh trừng hoặc thuộc phe yếu hoặc đã quá vụng về. Người ta cũng có thể lưu ý là một số những nạn nhân cao cấp nhất của đợt thanh trừng này được coi là có khuynh hướng cởi mở hay ít nhất không giáo điều. Điều cũng cần được lưu ý là lần đầu tiên đã có một số "đại biểu quốc hội" biểu quyết chống lại quyết định truất phế chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Sự phân hóa trong nội bộ Đảng Cộng Sản cũng có thể được nhận thấy qua hai hội nghị Trung ương 7 và 8. Hội nghị trung ương 7 (tháng 5/2023) đáng lẽ phải là hội nghị trung ương quan trọng nhất, một thứ "đại hội giữa nhiệm kỳ" như thông lệ, để chỉ định các cấp lãnh đạo tương lai, nhưng đã chỉ diễn ra trong hai ngày rưỡi và không có một quyết định cụ thể nào. Hội nghị trung ương 8 (tháng 10/2023) kéo dài 7 ngày nhưng cũng không có được một kết quả nào ngoài việc thanh trừng thêm ba ủy viên trung ương. Các nghị quyết chỉ được đưa ra hai tháng sau đó. Trước đó đã có hai hội nghị trung ương bất thường, ngày 30/12/2022 và ngày 17/01/2023, để thanh trừng phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Hai hội nghị trung ương 7 và 8 này đáng lẽ đã phải hoàn tất việc quy hoạch các ủy viên trung ương đảng và những chức vụ quan trọng, nhất là chức tổng bí thư, cho khóa 14 sắp tới nhưng đã không thành công. Thay vào đó thông báo của hội nghị trung ương 8 cho biết là một "ban chỉ đạo", chủ yếu thuộc bộ chính trị, sẽ có quyền "trực tiếp và tuyệt đối" chỉ định các cấp lãnh đạo tương lai. Nói cách khác những người đang cầm quyền tùy nghi chọn lựa các thuộc cấp sẽ thay thế họ trong nhiệm kỳ tới. Còn gì là "dân chủ trong nội bộ đảng" ? Nội trong năm 2024 này, Đảng Cộng Sản sẽ phải "quy hoạch" xong cơ cấu lãnh đạo sắp tới nhưng không chắc đã làm được vì đang chia rẽ trầm trọng.

Việc ông Võ Văn Thưởng được chọn làm chủ tịch nước cũng là một bất ngờ lớn. Ông còn rất trẻ và gần như tất cả cuộc đời hoạt động chỉ giới hạn trong nội bộ Đảng Cộng Sản. Quá trình học tập và đào tạo của ông chủ yếu chỉ tập trung vào chủ nghĩa Mác - Lênin, một chủ nghĩa đã bị cả thế giới nhận diện như một sai lầm nhảm nhí và độc hại. Việc ông được chọn làm chủ tịch nước là một thách thức xấc xược đối với nhân dân Việt Nam, nó cũng chứng tỏ ông Trọng đã chọn ông Thưởng để thay thế mình trong chức vụ tổng bí thư đảng trong khóa 14 sắp tới. Ông có toại nguyện hay không là chuyện khác. Nội bộ Đảng Cộng Sản đang rất phân hóa và uy tín của ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang giảm dần cùng với tình trạng sức khỏe.

Chính trong bối cảnh đó mà chính quyền cộng sản đã đột ngột gia tăng trấn áp các trí thức dân chủ. Một số đã bị bắt giam và sắp bị truy tố ra tòa. Một số khác, trong đó có nhiều thân hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đang bị sách nhiễu từ hơn hai tháng nay, một người bị đánh tại đồn công an trong lúc thẩm vấn. Tất cả những người này đều chỉ phát biểu trên mạng xã hội những quan tâm của họ đối với đất nước. Họ tuyệt đối khước từ bạo lực và hoàn toàn không có ý định gây hỗn loạn. Chế độ cộng sản, vì nội bộ rối bời, đang sợ cả những người không có gì đáng sợ.

canhgiac3

Chế độ cộng sản, vì nội bộ rối bời, đang sợ cả những người không có gì đáng sợ.

Ngoại giao cây tre làm xấu mặt mình và không lừa được ai

Việc tấn phong Võ Văn Thưởng cũng nhắc lại cho chúng ta rằng từ hai năm nay hai tiếng "thoát Trung" rất thời thượng cách đây không lâu không còn được nghe thấy nữa. Phe thủ cựu trong Đảng Cộng Sản, qua ông Nguyễn Phú Trọng, đã trở lại chọn lựa "thuộc Trung" và rập khuôn theo Trung Quốc. Cũng như ông Trọng, ông Thưởng là một người thuộc loại tuyên giáo có nhiệm vụ bảo vệ chủ nghĩa cộng sản, tương tự bên Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rồi Tập Cận Bình trước khi trở thành tổng bí thư đảng và chủ tịch nước đều đã phụ trách tuyên giáo. Lập trường nền tảng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là phải kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin nếu không muốn chế độ cộng sản sụp đổ như tại Liên Xô trước đây. Rõ ràng là khi chọn Võ Văn Thưởng làm người kế vị mình Nguyễn Phú Trọng đã chọn con đường Trung Quốc, đã chọn thuộc Trung thay vì thoát Trung. Chọn lựa này có được toàn bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam ủng hộ hay không còn là một dấu hỏi.

Khuynh hướng đồng minh với Trung Quốc đã lộ diện rõ rệt qua chuyến thăm viếng Việt Nam của ông Tập Cận Bình trong hai ngày 12 và 13 tháng 12/2023. Hai bên đã ký một Tuyên Bố Chung phá mọi kỷ lục về chiều dài với hơn 8.000 chữ và 36 văn kiện hợp tác trên tất cả các địa hạt, đề cập đến cả những chi tiết như thịt lợn, dưa hấu, v.v.

Theo các thỏa hiệp này thì Trung Quốc và Việt Nam nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" (trong bản tuyên bố chung bằng tiếng Trung Hoa bên Trung Quốc vẫn dùng cụm từ "Cộng đồng chung vận mệnh" hay "Trung-Việt mệnh vận cộng đồng thể" mà nhiều người Việt Nam dị ứng). Cụ thể là các bộ của hai nước sẽ hợp tác ở mọi cấp bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng. Hai nước cam kết hợp tác trong quan hệ đối ngoại, trên thực tế phải hiểu rằng Việt Nam phải được sự đồng ý của Trung Quốc trong các lập trường đối ngoại, thí dụ như những biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc.

Đi xa hơn nữa, hai bên trao đổi những thông tin tình báo, kể cả những tin tức mà mỗi bên thu thập được do các cơ quan ngoại giao tại các nước khác. Tuyên bố chung xác nhận hai bên nhất trí tăng cường "giao lưu không định kỳ giữa Cơ quan đại diện thường trú tại hai nước, cũng như Phái đoàn/Văn phòng đại diện của hai nước thường trú tại nước thứ ba hoặc tổ chức quốc tế". Các nước dân chủ, nhất là Mỹ, chắc sẽ rất lưu ý sự hợp tác này.

Quan trọng hơn nữa là hai bên liên kết với nhau để chống dân chủ và nhân quyền. Tuyên bố chung viết :

(…) Tăng cường giao lưu tình báo giữa hai bên và phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly khai, phòng chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu" của các thế lực thù địch, phản động (…) ;

và :

(…) không chính trị hóa vấn đề nhân quyền, không dùng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Nhân quyền hoàn toàn không cần được chính trị hóa vì nó đã là vấn đề chính trị nền tảng nhất của thế giới từ hai thế kỷ nay, nhất là từ ngày thành lập Liên Hiệp Quốc với bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập. Những người này - những người cầm đầu hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam - đầu thai lầm thế kỷ ?

Nói chung qua những thỏa hiệp được ký kết trong chuyến thăm này -nhưng chắc chắn đã được chuẩn bị từ lâu- Trung Quốc và Việt Nam gần như "tuy hai mà một". Trung Quốc có dân số lớn gấp 14 lần và có kinh tế mạnh gấp 40 lần Việt Nam, kết hợp như vậy nếu tiếp tục sẽ không khác gì sáp nhập.

Một cách kỳ cục, từ gần mười năm nay ông Nguyễn Phú Trọng hãnh diện gọi chính sách đối ngoại của chế độ cộng sản Việt Nam là "ngoại giao cây tre". Trong Hội nghị Ngoại giao thứ 32 ngay sau chuyến thăm của Tập Cận Bình ông nhắc tới chính sách "ngoại giao cây tre" ba lần và ca tụng nó như là một sáng kiến thiên tài, "một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo".

Nhưng đặc sắc và độc đáo ở chỗ nào ? Cây tre có đặc tính là mềm mại, ngả theo chiều gió để không bị gẫy, nhưng cây tre Việt Nam đã bị cột chặt vào cây cột Trung Quốc thì còn ngả nghiêng gì được ? Các nước dân chủ đều đã hiểu Việt Nam đã chọn phe nào và kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu những hậu quả tai hại. Các nước dân chủ không còn lý do để ưu đãi Việt Nam và các công ty đa quốc cũng không rời Trung Quốc để đến một nước chư hầu của Trung Quốc. Hơn nữa ông Trọng và nhóm của ông đã quá nông cạn đến nỗi không thấy được rằng cây cột Trung Quốc đang lung lay. Trung Quốc đang rất nguy ngập, kinh tế, chính trị, môi trường và dân số đều khủng hoảng không có lối thoát. Tập Cận Bình không tới Việt Nam trong thế mạnh, Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã nhượng bộ chỉ vì họ vừa thiển cận vừa cố bám lấy quyền lực bằng mọi giá.

Biểu tượng cây tre cũng đáng nói. Cây tre có vẻ đẹp của riêng nó nhưng cũng chỉ đẹp khi trời yên gió lặng để có thể đứng thẳng với thân hình mảnh mai và lá xanh dài, nhưng khi gặp gió bão thì thật là khổ sở. Trong môn thực vật học cây tre thuộc loài cỏ, nghĩa là không có hoa cũng chẳng có trái, thấp bé, rễ không sâu, thân không cứng và không cao, gió chiều nào ngả theo chiều đó. Ngoại giao cây tre là ngoại giao nhỏ mọn và vụ lợi, không có nguyên tắc và lập trường, nay theo bên này, mai theo bên kia, chỉ đáng khinh chứ không đáng tin cậy. Nếu ai đó bảo rằng chính sách đối ngoại của mình là "ngoại giao cây tre" thì phải coi đó là một sự xúc phạm và phải phản ứng với sự phẫn nộ. Đàng này chính mình lại khoe khoang là theo "ngoại giao cây tre". Đúng là tự mình bôi nhọ mình mà không biết ngượng.

canhgiac4

Trung-Việt mệnh vận cộng đồng thể : Ngoại giao cây tre Việt Nam bị cột chặt vào trụ nhà Trung Quốc có gì hãnh diện - Ảnh minh họa

Kinh tế đã ra khỏi hay sắp đi sâu hơn vào khó khăn ?

Báo chí trong nước, phụ họa theo chính quyền, đang nói là kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn để tiến về một tương lai thuận lợi. Họ nhắc lại những con số của chính quyền : kinh tế đã tăng trưởng 5,05% trong năm 2023, chỉ sau Philippines trong khu vực, trong khi kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 2,4%, Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dự đoán mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 sẽ là 5,5% (WB) hay 5,8% (IMF), chính phủ Việt Nam dự trù 6%. Tuy vậy các chuyên gia Việt Nam tỏ ra dè dặt, có lẽ vì không tiện phản bác.

Cần nói dứt khoát một lần cho tất cả là không thể tin những dự đoán của WB và IMF về kinh tế của các nước độc tài. Các chuyên gia của WB và IMF có thể giỏi nhưng họ làm việc trên những số liệu sai vì đây là những định chế quốc tế và phải sử dụng những số liệu do các quốc gia thành viên cung cấp trong khi những số liệu của các chế độ độc tài rất sai. Gần đây Quốc hội Mỹ có thành lập một ủy ban chuyên gia để nghiên cứu về kinh tế của các chế độ độc tài. Kết luận của ban chuyên gia này là các con số về sản lượng nội địa (GDP) và tăng trưởng của các chế độ độc tài đều được thổi phồng ít nhất 35%. Trong trường hợp Việt Nam có lẽ chúng còn được thổi phồng nhiều hơn. Làm sao tăng trưởng năm 2023 có thể là 5,05% trong khi thuế lợi tức giảm 6%, ngành xây dựng chiếm 27% GDP đang tê liệt và trên bờ phá sản, xuất khẩu giảm 8% (riêng xuất khẩu sang Mỹ giảm 18%), nhập khẩu giảm 14% ?

Gần đây, trong hội nghị chính phủ tháng 7/2023, chính quyền cộng sản đã nhìn nhận kinh tế trong hai quý đầu năm 2023 đã chỉ ở mức 3% so với cùng thời kỳ năm trước, một ước lượng đã được thổi phồng, nhưng vẫn "quyết tâm" giữ mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Trong một cuộc tọa đàm trên truyền hình Việt Nam, các các chuyên gia đều cho rằng mục tiêu này rất khó thực hiện. Có lẽ vì an ninh cá nhân họ không nói thẳng rằng đây chỉ là một quyết tâm vớ vẩn. Không chỉ vớ vẩn mà còn tai hại vì để thực hiện nó chính phủ ra lệnh cho các tỉnh phải giải ngân ngay những khoản đầu tư công đã được dự trù. Đây là một quyết định rất tệ hại vì người ta chỉ đầu tư nếu thấy có lợi chứ không ai đầu tư để tăng con số GDP. Kết quả chắc chắn sẽ là khiến các tỉnh cạn kiệt ngân quỹ và bất lực trong năm 2024.

Không ai mong Việt Nam lâm vào khủng hoảng kinh tế bởi vì các nạn nhân sẽ là quần chúng Việt Nam chứ không phải là các quan chức và khủng hoảng cũng chỉ làm phức tạp thêm cuộc chuyển hóa về dân chủ, nhưng phải hiểu rằng kinh tế Việt Nam sẽ rất khó khăn trong năm nay. Chúng ta cũng chưa thể dự đoán hết hậu quả tai hại của chọn lựa xây dựng "cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung có ý nghĩa chiến lược" của nhóm ông Nguyễn Phú Trọng.

Điều chắc chắn là triển vọng kinh tế của chúng ta đã sút giảm nhiều. Vào năm 2019 tất cả các viện nghiên cứu độc lập và vô vụ lợi đều đánh giá Việt Nam là nước có cơ hội kinh tế thuận lợi nhất vì là điểm đến tự nhiên của các công ty đa quốc đang dồn dập rời Trung Quốc. Bây giờ chỉ còn nghe nói các công ty này đầu tư vào Ấn Độ, Malaysia, Bangladesh, Mexico, v.v. Đảng Cộng Sản đã làm đất nước mất một cơ hội lớn khó tìm lại. Lý do chỉ giản dị là các công ty không rời Trung Quốc để đến một nước chư hầu của Trung Quốc.

canhgiac5

Làm sao tăng trưởng năm 2023 có thể là 5,05% trong khi thuế lợi tức giảm 6%, ngành xây dựng chiếm 27% GDP đang tê liệt và trên bờ phá sản, xuất khẩu giảm 8% (riêng xuất khẩu sang Mỹ giảm 18%), nhập khẩu giảm 14% ?

Cảnh giác trong một năm quyết định tương lai đất nước

Năm 2024 đã bắt đầu với một số nhận định căn bản mà mọi người Việt Nam đều có thể đồng ý.

Trước hết là chiến dịch đốt lò chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng đã phát động rầm rộ từ hơn mười năm qua đã hoàn toàn thất bại. Tham nhũng không giảm đi mà còn tăng lên và tăng lên nhiều. Tất cả những vụ tai tiếng nhất được nhắc lại ở đầu bài này đều đã xảy ra ngay trong thời gian ông Trọng "đốt lò". Điều này xác nhận lại một lần nữa một sự thực đáng lẽ đã phải được ý hiểu từ lâu là một chế độ cộng sản không thể chống tham nhũng bởi vì nó có cùng bản chất với tham nhũng. Như vậy nếu chúng ta hiểu rằng đẩy lùi tham nhũng là điều kiện cần để đất nước có tương lai thì chúng ta cũng phải hiểu rằng đất nước không thể có một tương lai đáng mong muốn nào nếu chế độ cộng sản này tiếp tục.

Sau đó là chính sách phục tùng Trung Quốc và rập khuôn theo Trung Quốc nhưng vẫn lợi dụng các nước dân chủ, ngụy trang dưới nhãn hiệu "ngoại giao cây tre", không còn che mắt được ai và đang là một mối nguy cho kinh tế Việt Nam và đời sống của nhân dân Việt Nam. Việt Nam cũng không còn là điểm đến tự nhiên của các công ty đa quốc rời Trung Quốc. Đảng Cộng Sản đã làm mất đi một cơ hội lớn và đang có nguy cơ làm mất dần sự hợp tác của các nước dân chủ với trọng lượng hơn 60% kinh tế thế giới.

Năm 2024 cũng là năm mà Đảng Cộng Sản phải giải quyết xong một vấn đề mà đang lẽ họ đã phải giải quyết xong rồi, đó là quy hoạch ban chấp hành trung ương và các cấp lãnh đạo đảng cho khóa 14 sắp tới. Nhưng như đã trình bày ở phần trên không có gì bảo đảm là họ sẽ giải quyết được vì nội bộ đang rối bời. Hiện nay chúng ta đang thấy xuất hiện hai phe kình địch trong đảng. Trong số bốn nhận vật quyền lực nhất hai người -Nguyễn Phú Trọng và Võ Văn Thưởng- thuộc phe tuyên giáo bảo thủ, hai người kia -Phạm Minh Chính và Tô Lâm- thuộc phe công an tình báo. Hình như đang lặp lại một kịch bản Liên Xô trong thập niên 1980. Ông Breznev đã chọn ông Tchernenko thuộc phe giáo điều bảo thủ để kế vị mình, tương tự như Nguyễn Phú Trọng đã chọn Võ Văn Thưởng, nhưng rồi phe công an tình báo đã đảo chính cung đình và áp đặt Andropov, thủ lãnh cơ quan trung ương tình báo KGB. Cuộc tranh chấp giữa hai phe cuối cùng đã làm sụp đổ chế độ cộng sản và Liên Xô.

Năm nay sẽ rất sôi động. Chế độ cộng sản đã tích lũy đủ mâu thuẫn để phải chấm dứt. Vấn đề chỉ là bao giờ và như thế nào và câu trả lời chủ yếu thuộc về những người dân chủ. Hơn lúc nào hết những người dân chủ Việt Nam phải rất cảnh giác để đất nước đừng lỡ thêm một cơ hội lịch sử.

canhgiac6

Chúng ta phải có sức mạnh. Những người mong ước một đất nước Việt Nam dân chủ dù ở trong hay ngoài bộ máy đảng và nhà nước cộng sản, dù thuộc quá khứ chính trị nào, dù ở trong hay ngoài nước, phải tìm đến với nhau, nhìn nhau là anh em và cùng nắm tay nhau trong quyết tâm xây dựng và chia sẻ một tương lai Việt Nam chung, một tương lai dân chủ đa nguyên với tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau cho tất cả mọi người, trong đó luật pháp thể hiện lẽ phải trong xã hội chứ không phải là dụng cụ thống trị của kẻ cầm quyền.

Không chỉ là một cuộc đấu tranh thiết lập dân chủ, cuộc đấu tranh của chúng ta cũng là cuộc đấu tranh để giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi một ách thống trị của một lực lượng chiếm đóng bản xứ, để trả lại đất nước Việt Nam cho mọi người Việt Nam thay vì là của riêng Đảng Cộng Sản.

Đó cũng là cuộc đấu tranh vì lẽ phải, để thay thế luật của sức mạnh bằng sức mạnh của luật.

Nguyễn Gia Kiểng

(16/01/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 4717 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)