Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/02/2024

Chuẩn bị cho sự cáo chung của chế độ cộng sản

Nguyễn Gia Kiểng

Chúng ta không phải lo ngại rằng sự cáo chung của chế độ cộng sản sẽ đưa tới một giai đoạn hỗn loạn. Đặc tính chung của các đảng cộng sản là khi chế độ cáo chung chúng bốc hơi ngay tức khắc và hoàn toàn không gây ra xáo trộn nào. Đảng Cộng Sản Liên Xô với hơn 400.000 cơ sở và gần 20 triệu đảng viên đã tan biến hẳn trong vài ngày. Các đảng cộng sản Đông Âu khác cũng thế.

dcsvn1

Những thử thách chính trị đang đặt ra cho chế độ cộng sản rất khó vượt qua ngay cả nếu kinh tế không có vấn đề. Ảnh minh họa bích chương cổ động Đảng Cộng Sản Việt Nam

Nếu chỉ căn cứ vào những tuyên bố của các cấp lãnh đạo cộng sản và các dự đoán của Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì kinh tế Việt Nam đang rất khả quan. Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% đứng thứ nhì trong khu vực và bối cảnh 2024 cũng khá thuận lợi. Tình hình chính trị như vậy ổn vững. Vấn đề là tình hình kinh tế không lạc quan và các thử thách chính trị còn nguy ngập hơn.

Những thử thách trước mắt

Phải nói ngay rằng những thử thách chính trị đang đặt ra cho chế độ cộng sản rất khó vượt qua ngay cả nếu kinh tế không có vấn đề. Nhưng trước hết hãy nhìn qua tình hình kinh tế.

Con số tăng trưởng 5,05% chắc chắn là ngụy tạo như đã được trình bày trong một bài trước (1). Làm sao tăng trưởng năm 2023 có thể là 5,05% trong khi thuế lợi tức giảm 6%, ngành xây dựng chiếm 27% GDP đang tê liệt và trên bờ phá sản, xuất khẩu giảm 8% (riêng xuất khẩu sang Mỹ giảm 18%), nhập khẩu giảm 14% ? Theo báo chí trong nước, cuối năm 2023 các địa phương đã vội vã thi hành chỉ thị của chính phủ (sau hội nghị toàn quốc về tình hình kinh tế tháng 7/2023) là phải giải ngân các khoản đầu tư công dự trù và đã bơm vào sinh hoạt kinh tế hơn 1 triệu tỷ đồng (42 tỷ USD, hay13% GDP thực sự, 10% GDP chính thức). Như vậy GDP trong năm 2023 thực ra sút giảm khoảng 7% chứ không có tăng trưởng. Tình trạng đáng buồn này có thể nhìn thấy ngay trong cuộc sống hàng ngày. Không khí dịp Tết năm nay ảm đạm, số công nhân mất việc tiếp tục gia tăng, nhiều người không còn tiền để về quê với gia đình trong đêm giao thừa.

Một con số kinh khủng khác : tổng số nợ của các công ty phi tài chính –nghĩa là các công ty sản xuất hàng hóa và dịch vụ chiếm phần lớn hoạt động kinh tế- năm 2020 đã lên đến 237% tổng sản lượng nội địa (GDP), hiện nay tỷ lệ này ít nhất cũng phải trên 300%. Các kinh nghiệm đều cho thấy rằng ở một nước với mức độ phát triển như Việt Nam nợ của các công ty phi tài chính không được quá 60% GDP. Việt Nam đã vượt quá 5 lần mức độ báo động. Phải hiểu rằng các công ty Việt Nam đang rất nguy kịch và có thể phá sản bất cứ lúc nào, kéo theo sự phá sản của các ngân hàng cho họ vay tiền. Bối cảnh kinh tế Việt Nam không chỉ khó khăn mà còn nguy ngập.

Kinh tế nguy ngập trước hết là vấn đề của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng Sản không mấy quan tâm đến các vấn đề xã hội bởi vì họ duy trì quyền lực bằng đàn áp chứ không phải bằng hậu thuẫn quần chúng. Tuy vậy khủng hoảng kinh tế cũng có tác dụng giáng một đòn ơn huệ vào một chế độ vốn đã chao đảo và đó chính là trường hợp của chế độ cộng sản Việt Nam.

Từ hơn mười năm nay, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật quyền lực nhất, Đảng Cộng Sản đã tách biệt hẳn với nhân dân Việt Nam và hành xử như một lực lượng chiếm đóng. Trong các cơ quan nhà nước, các công ty quốc doanh, ngay cả trong các trường học và các bệnh viện, mọi chức vụ từ phó phòng trở lên đều chỉ dành cho các đảng viên cộng sản. Trong quân đội và công an, mọi cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên đều phải là đảng viên. Một ách thống trị ngoại bang –dù là Bắc thuộc trước đây hay Pháp thuộc gần đây- cũng không xấc xược đến như thế. Đảng Cộng Sản với Nguyễn Phú Trọng đứng đầu không coi dân tộc Việt Nam ra gì vì cậy có lực lượng công an hùng hậu và sẵn sàng đàn áp thẳng tay. Một phụ nữ yếu bệnh, Phạm Thị Đoan Trang, bị xử 9 năm tù chỉ vì viết hai cuốn sách nhỏ "Chính trị bình dân""Cẩm nang nuôi tù". Một trí thức doanh nhân, Trần Huỳnh Duy Thức, bị xử 16 năm tù chỉ vì có ý định thành lập một chính đảng dù chưa hề có hành động nào. Một giáo viên âm nhạc, Đặng Đăng Phước, bị 8 năm tù vì đã hát những bài nhạo báng chính quyền "làm giảm lòng tin của người dân vào chính quyền". Nhưng người dân còn lòng tin nào vào chính quyền cộng sản để làm giảm ? Sự tàn nhẫn đã vượt mọi tưởng tượng. Đảng Cộng Sản đã cậy có bạo lực để gạt đại bộ phận nhân dân Việt Nam ra ngoài lề xã hội ngay trên chính đất nước Việt Nam nhưng đó chỉ là một sai lầm ngu muội. Chính họ đã tự tách rời hẳn khỏi nhân dân Việt Nam để trở thành một thế lực thù địch. Tình trạng này không thể kéo dài vì Việt Nam đã mở cửa ra với thế giới, nhân dân Việt Nam ngày càng mạnh lên trong khi Đảng Cộng Sản ngày càng yếu đi ; nó có thể kết thúc một cách rất bi đát cho Đảng Cộng Sản.

dcsvn2

Đảng Cộng Sản đã tách biệt hẳn với nhân dân Việt Nam và hành xử như một lực lượng chiếm đóng.

Không chỉ bị cô lập với nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng Sản cũng đang mất phương hướng. Cho đến nay niềm tin nền tảng của những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam là chỉ cần lấy Trung Quốc làm mẫu mực, cứ rập khuôn theo Trung Quốc là đâu sẽ vào đó, tất cả cuối cùng đều sẽ êm suôi (2). Chính niềm tin đó đã khiến họ nghĩ rằng mình không cần giỏi và cũng không cần người giỏi và do đó cứ việc đàn áp thẳng tay những trí thức cứng đầu. Giờ đây sự phá sản của mô hình Trung Quốc đã rõ ràng và sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Đảng Cộng Sản sắp lâm vào tình trạng hoảng loạn vì không biết phải làm gì.

Không chỉ mất một mẫu mực để sao chép, chính quyền cộng sản Việt Nam còn mất luôn một chỗ dựa và một bửu bối để mặc cả với Mỹ và các đồng minh. Chỗ dựa là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về gia công, rồi dán nhãn Made in Vietnam và xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu kiếm lời, nói khác đi là làm trung gian xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc. Bửu bối là nhu cầu lôi kéo Việt Nam của Mỹ và đồng minh để Việt Nam đừng là đồng lõa của Trung Quốc trong chính sách bành trướng bá quyền, đặc biệt là tham vọng kiểm soát Biển Đông. Bửu bối đó đã khiến Việt Nam được nhiều ưu ái trong thời gian qua nhưng bây giờ tình thế đã thay đổi. Trung Quốc ngày càng chao đảo và không còn là một đe dọa nữa vì phải co cụm lại để giải quyết những mâu thuẫn nội bộ như mọi đế quốc đã từng có trên thế giới trong tiến trình suy thoái. Nhu cầu tranh thủ Việt Nam không còn như trước nữa. Mỹ và các nước dân chủ không còn cần phải nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền và tiếp tục dung túng vai trò trung gian xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc của Việt Nam nữa. Nếu không nhận ra kịp thời sự thay đổi này chế độ cộng sản Việt Nam sẽ gặp những khó khăn rất lớn.

Giữa lúc phải đương đầu với những khó khăn rất khó vượt qua đó mối nguy lớn nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam là nội bộ tan nát như chưa bao giờ thấy. Trong vòng một năm chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và hàng chục bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng bị thanh trừng, nhiều người bị bắt giam và truy tố. Về phía đảng là ba ủy viên bộ chính trị và hàng tá ủy viên trung ương, bí thư tỉnh ủy, v.v. Khủng hoảng rất lớn ! Tất cả bị buộc tội tham nhũng. Đúng, nhưng đó chỉ là lý cớ chứ không phải lý do vì tất cả mọi quan chức đều rất tham nhũng ; họ đều rất giầu trong khi lương rất thấp. Lý do thực sự là đấu đá phe phái. Trong một năm đã có bốn hội nghị trung ương, hai bình thường và hai bất thường. Tuy nhiên hai hội nghị trung ương bình thường cũng không "bình thường" chút nào. Hội nghị trung ương 7, tháng 5/2023, trên nguyên tắc rất quan trọng vì được coi là "đại hội giữa nhiệm kỳ" để chuẩn bị định hướng và nhân sự lãnh đạo –gồm ban chấp hành trung ương, bộ chính trị và ban bí thư- cho nhiệm kỳ sắp tới, đã hoàn toàn thất bại. Nó chỉ kéo dài hai ngày rưỡi rồi giải tán mà không lấy được một quyết định nào. Phải hiểu là các ủy viên ban chấp hành trung ương chỉ gặp nhau để cãi nhau. Hội nghị trung ương 8, tháng 10/2023, cũng vẫn bế tắc. Các nghị quyết chỉ được công bố hai tháng sau đó. Hội nghị trung ương 8 còn xác nhận sự chia rẽ trầm trọng trong ban chấp hành trung ương. Theo thông báo, một Ban Chỉ Đạo đã được trao quyền trực tiếp và tuyệt đối để quy định nhân sự lãnh đạo nhiệm kỳ tới. Nói cách khác, nhóm cầm quyền hiện nay tự ý chọn lựa các thuộc cấp sẽ thay thế họ. Vĩnh biệt nguyên tắc "dân chủ trong nội bộ đảng". Phải nói Đảng Cộng Sản đang rất phân hóa trong nội bộ, sở dĩ quần chúng không lưu ý chỉ vì giữa Đảng và nhân dân sự ly dị đã tuyệt đối.

Lặp lại kịch bản Liên Xô ?

Trong năm 2024 Đảng Cộng Sản sẽ bắt buộc phải giải quyết xong một vấn đề mà lẽ ra họ đã phải giải quyết trong năm 2023 là quy hoạch nhân sự lãnh đạo đảng cho nhiệm kỳ sắp tới, nhất là chọn lựa một người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong chức tổng bí thư. Không có gì bảo đảm là họ sẽ giải quyết ổn thỏa được, và như thế sẽ lâm vào khủng hoảng nội bộ lớn.

Nhưng tại sao họ không thể tìm được người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng ?

Lý do không phải là vì ông Trọng là người tài đức xuất chúng không ai bì kịp. Cũng không phải vì ông đã có những thành tích ngoạn mục. Trái lại ông đã thất bại trên mọi mặt. Chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng của ông đã không làm tham nhũng giảm đi mà còn tăng lên. Các vụ tham nhũng vang động nhất, như Việt Á, Chuyến Bay Giải Cứu, FLC – Trịnh Văn Quyết, AIC – Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan, đều đã nổi cộm ngay trong thời gian ông đang đốt lò. Riêng vụ Vạn Thịnh Phát đáng lẽ phải khiến chính quyền cộng sản và ông Trọng rất xấu hổ. Trương Mỹ Lan, một phụ nữ người Việt gốc Hoa với lý lịch không rõ ràng, đã từng cùng gia đình đòi bỏ quốc tịch Việt Nam, mà vẫn thao túng được rất nhiều quan chức, gây thiệt hại trên một triệu tỷ đồng (42 tỷ USD), tương đương với 4 tháng thu nhập của mỗi gia đình Việt Nam. Mục tiêu xây dựng Đảng của ông đã chỉ khiến Đảng Cộng Sản tan nát hơn trong nội bộ. Chính sách "ngoại giao cây tre" chẳng tranh thủ được ai và ngày càng trở thành trơ trẽn. Kế hoạch kinh tế mười năm 2011 -2021 dự trù vào năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập trung bình nhưng tới nay, năm 2024, công nghiệp Việt Nam chỉ mới là 11% GDP và chủ yếu là gia công và lắp ráp. GDP trên mỗi đầu người của Việt Nam, xấp xỉ 3.000 USD, mới chỉ bằng 1/4 mức trung bình thế giới, tuy vậy Nguyễn Phú Trọng không hề hổ thẹn mà còn tự hào rằng "đất nước chưa bao giờ có được cơ ngơi như bây giờ" ! Thành tích quan trọng nhất của ông Nguyễn Phú Trọng là đã dành mọi chức vụ thuộc bộ máy nhà nước cho riêng các đảng viên cộng sản và biến Đảng Cộng Sản thành một lực lượng chiếm đóng.

Lý do thực sự khiến ông Trọng khó có thể thay thế có lẽ là vì ông Trọng là "người cộng sản chân chính" cuối cùng. Tôi có một người bạn thân, anh Trần Bắc Quỳ, tức nhà văn Trần Hoài Dương, từng là cấp trên của ông Nguyễn Phú Trọng trong Tạp Chí Học Tập, sau đổi tên thành Tạp Chí Cộng Sản. Theo anh Trần Hoài Dương, ông Trọng là một người chân thật và tận tụy. Trong các buổi họp của ban chính trị do anh Trần Hoài Dương điều khiển, ông Trọng thường được giao trách nhiệm lập biên bản, ông luôn luôn ghi chép đầy đủ và trung thực phát biểu của mỗi người. Ông cũng ít có những ý kiến gây tranh cãi nên không xung đột với ai. Anh Trần Hoài Dương nhận định Nguyễn Phú Trọng là một người tốt và tương đối hiền lành nhưng hạn hẹp về kiến thức và tầm nhìn ; kiến thức của ông chủ yếu là những gì ông đã học được trong Đảng. Đó cũng là nhận xét của tôi sau một thời gian quan sát ông Trọng. Chính vì thế mà Nguyễn Phú Trọng khó thay thế. Tìm đâu ra một người chân thật trong Đảng Cộng Sản ? Tìm đâu ra một người còn dám nói mà không biết ngượng rằng chủ nghĩa Mác – Lênin là đúng, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là cao siêu ? Bộ máy sàng lọc của Đảng Cộng Sản tuy đã loại bỏ hết những người có trí tuệ và nhân cách nhưng mọi cấp lãnh đạo, dù chỉ bỏ một chút thời giờ để học hỏi và theo dõi các thông tin, cũng đều phải biết rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã chết, tư tưởng Hồ Chí Minh không có gì và đạo đức Hồ Chí Minh rất thấp.

Việc thay thế Nguyễn Phú Trọng thực ra đã được thỏa thuận trong Đại Hội 13 vì đại hội này đã biểu quyết không thay đổi bản điều lệ đảng theo đó tổng bí thư chỉ giữ chức hai nhiệm kỳ. Rồi hôm sau họ lại phải bất chấp bản điều lệ đảng giữ ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba vì không thể đồng ý trên một người thay thế, dù lúc đó ông đã rất yếu mệt sau khi bị nhồi máu tim.

Đại Hội 13 đã phải vi phạm nội quy của đảng để giữ lại một tổng bí thư đã mất gần hết khả năng là vì Đảng Cộng Sản đã thay đổi bản chất khiến việc chọn một tổng bí thư trở thành quá khó khăn. Một cách đều đặn và nhanh chóng quyền lực trong đảng đã tập trung vào một người, chế độ đã dần dần tự chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Sự chuyển hóa này không phải do ông Trọng, ông không phải là người tham quyền cố vị và hơn nữa lại đã quá yếu mệt, nó chỉ là hậu quả tất yếu của sự mất lý tưởng của Đảng Cộng Sản. Sự thực giản dị là chỉ có một lý tưởng đẹp và đúng mới có thể đoàn kết được một số đông người. Quyền lợi cá nhân chỉ chia rẽ chứ không gắn kết, càng gây chia rẽ nếu lại là quyền lợi bất chính. Đó là lý do khiến các đảng cướp và mafia chỉ quy tụ được vài chục người. Đảng Cộng Sản đã mất lý tưởng, chủ nghĩa Mác – Lênin đã chết hẳn rồi và không những thế còn để lại một ký ức đầy những dối trá và tội ác. Ngày nay tại Việt Nam, cũng như tại Trung Quốc, Triều Tiên và Cuba, các đảng cộng sản đã rõ rệt là những đảng hung bạo của người giầu để thống trị và bóc lột người nghèo ; người ta chỉ vào đảng cộng sản vì quyền lợi cá nhân bất chính hay để đừng bị chèn ép mà thôi -và trong đáy lòng có lẽ cũng phải xấu hổ- chứ không còn ai vào đảng vì lẽ phải và lòng yêu nước hay tình người nữa. Người ta không có lý do gì để kính trọng các đồng đảng, vì họ chỉ là đồng đảng chứ không phải là đồng chí. Một đảng như vậy làm sao có thể lấy được những quyết định chung ? Tập trung quyền lực vào tay một người là bắt buộc để đảng có thể tiếp tục cai trị.

Chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân như vậy là một giai đoạn tự nhiên trong tiến trình đào thải của các chế độ cộng sản sau khi không còn lý tưởng chung, nhưng tập trung vào tay ai là cả một vấn đề lớn vì người đó sẽ có toàn quyền trên số phận của những người khác. Càng khó vì sau một thời gian dưới chế độ độc tài cá nhân và chịu đựng bế tắc về ý thức hệ và lý luận, tất cả các cộng sự viên thân cận của nhà độc tài đều gần như ngang nhau không ai nổi trội hơn hẳn để đươc coi là người kế vị tự nhiên. Cho tới nay các chế độ độc tài cộng sản chuyển hóa thành độc tài cá nhân chưa bao giờ giải quyết được ổn thỏa vấn đề kế vị người lãnh tụ. Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt buộc phải ra đi sau Đại Hội 14 đầu năm 2026, cũng có thể sớm hơn vì lý do sức khỏe, Đảng Cộng Sản phải giải quyết ngay trong năm nay vấn đề kế vị nếu không sẽ lâm vào nội chiến trong đảng. Tuy vậy không có dấu hiệu nào là họ sẽ giải quyết được. Hỗn loạn và đổ vỡ có xác suất cao hơn.

Người ta có thể ngờ vực nhận định này dựa trên kinh nghiệm Stalin và Mao. Hai bạo chúa này đã chết mà chế độ không lâm vào hỗn loạn dù sự kế tiếp đã có gây xung đột. Lý do là vì lúc đó chủ nghĩa cộng sản chưa mất hết sức quyến rũ và còn có thể được sử dụng như một lý tưởng để kết hợp một số đáng kể các đảng viên cộng sản, đủ để trấn áp những người đã mất lòng tin. Đó hoàn toàn không phải là trường hợp của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay. Tranh chấp nội bộ chắc chắn sẽ khốc liệt.

Một đặc tính khác của các chế độ cộng sản trong giai đoạn cuối là tầm quan trọng ngày càng lớn của hai thế lực tuyên giáo thủ cựu và công an tình báo. Lý tưởng cộng sản càng bị phản bác thì lực hai lượng này càng được tăng cường. Tuyên giáo để cố giữ độc quyền ngôn luận và cố thuyết phục đảng viên và quần chúng rằng chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn còn giá trị. Công an để đàn áp những phần tử cứng đầu không thể thuyết phục. Hai thế lực này trở thành kình địch khi phải thay thế tổng bí thư vì giành được chức tổng bí thư là được tất cả.

Trường hợp Liên Xô trong thập niên 1980 là một thí dụ. Brezhnev đã cầm quyền rất lâu, từ 1966 đến 1982, mặc dù sức khỏe rất suy sụp trong những năm chót, dù không đến nỗi như Nguyễn Phú Trọng. Trước khi qua đời Brezhnev đã chỉ định Chernenko để kế vị ông, cũng giống như Nguyễn Phú Trọng đã chọn Võ Văn Thưởng. Tuy vậy ngay sau khi Brezhnev chết phe công an đã làm một cuộc đảo chính cung đình để loại Chernenko và đưa Andropov, trùm tổng cục tình báo KGB, lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch Liên Bang Xô Viết. Sau đó it lâu Andropov cũng chết và Chernenko, lúc đó đã rất yếu mệt, được đưa lên làm tổng bí thư bù nhìn để giảm bớt căng thẳng. Chernenko chết không đầy một năm sau đó và Gorbachev, đệ tử ruột của Andropov, chính thức lên thay thế.

Phe công an tình báo đã thắng chỉ để tiếp thu một Đảng Cộng Sản Liên Xô đã hết sức sống và một Liên Bang Xô Viết đầy rẫy bất mãn và mâu thuẫn. Phe công an tình báo thắng chỉ để nhận ra rằng mình không thể lãnh đạo Đảng và nhà nước Liên Xô. Cả hai phe đều thiếu hậu thuẫn cả trong nhân dân lẫn trong đảng. Phe tuyên giáo bị khinh và ghét vì trong nhiều năm chỉ biết nói lấy được, lặp đi lặp lại những luận điệu sai và chán ngấy. Phe công an bị thù ghét vì đã đàn áp hung bạo và gây ra quá nhiều nạn nhân.

Gorbachev không còn chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận những nhượng bộ quan trọng về dân chủ và nhân quyền, để chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ trong hòa bình thay vì trong bạo loạn và máu lửa.

Nhìn vào chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay người ta có thể thấy trong bốn nhân vật quyền lực nhất thì hai người, Nguyễn Phú Trọng và Võ Văn Thưởng, thuộc phe tuyên giáo trong khi hai người kia, Phạm Minh Chính và Tô Lâm, thuộc phe công an. Hình như một kịch bản Liên Xô, cũng tương tự như phần lớn các kịch bản tại các nước Đông Âu, đang được lặp lại tại Việt Nam. Tuy vậy sự so sánh chỉ tương đối. So với Liên Xô trong thập niên 1980 chế độ cộng sản Việt Nam đang bị đặt trước những thử thách khó khăn và nghiêm trọng hơn nhiều. Sự cáo chung là chắc chắn và có thể rất sớm. Vấn đề chỉ là thay đổi sẽ đến như thế nào.

dcsvn3

2023 là năm quy hoạch nhân sự lãnh đạo đảng cho nhiệm kỳ sắp tới, nhất là chọn lựa một người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong chức tổng bí thư. Ảnh minh họa Bộ Tứ + 1

Chuẩn bị cho một trang sử mới

Điều chắc chắn là mọi người Việt Nam không cần lo âu vì sự cáo chung của chế độ cộng sản.

Không một người Việt Nam nào, kể cả các đảng viên cộng sản, có lý do chính đáng nào để tiếc chế độ này. Trước Thế Chiến II chúng ta là nước phát triển nhất vùng Đông Nam Á, Sài Gòn là viên ngọc của Viễn Đông và Hà Nội là thủ đô văn hóa của Đông Dương. Nếu không có Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam thì giờ này nếu không hơn được Hàn Quốc và Đài Loan chúng ta cũng gần bằng họ, nghĩa là ít nhất cũng phồn vinh gấp mười lần hiện nay. Cuộc nội chiến 30 năm và những tội ác như tàn sát những người yêu nước không cộng sản ngay sau Cách Mạng Tháng 8, Cải Cách Ruộng Đất, tập trung cải tạo, đánh tư sản, vượt biên bán chính thức sau ngày 30/04/1975, v.v. cùng với những thiệt hại kinh khủng về nhân mạng đã khiến đất nước tổn thương rất nặng về tiềm năng, trí tuệ và tinh thần dân tộc. Mộng ước của đa số người Việt hiện nay là được rời Việt Nam để làm công dân một nước khác. Nhắc lại những sự thực đau lòng này là để chúng ta rút ra những bài học cho tương lai chứ không phải để kích thích hận thù ; chúng ta đã có quá nhiều những vết thương cần được hàn gắn và những hận thù cần được xóa bỏ để vươn lên và xây dựng tương lai chung.

Chúng ta cũng tuyệt đối không phải lo ngại rằng sự cáo chung của chế độ cộng sản sẽ đưa tới một giai đoạn hỗn loạn. Đặc tính chung của các đảng cộng sản là khi chế độ cáo chung chúng bốc hơi ngay tức khắc và hoàn toàn không gây ra xáo trộn nào. Đảng Cộng Sản Liên Xô với hơn 400.000 cơ sở và gần 20 triệu đảng viên đã tan biến hẳn trong vài ngày. Các đảng cộng sản Đông Âu khác cũng thế. Lý do là vì trong những năm cuối chúng được duy trì một cách giả tạo trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lênin, một chủ nghĩa đã bị nhận diện là vừa sai lầm vừa độc hại, điều mà ngay cả những người lãnh đạo dùng quyền lực để tiếp tục ép buộc các đảng viên phải tôn sùng nó cũng thừa biết. Cho nên ngay khi chế độ cộng sản chấm dứt và sự ép buộc không còn nữa thì đảng cũng tan ngay.

Điều mà chúng ta phải lo âu là một khoảng trống chính trị như trường hợp Liên Xô. Chế độ cộng sản đã sụp đổ mà không có một lực lượng dân chủ nào. Gorbachev đã nhường chỗ cho Yeltsin, một người có uy tín nhưng không có cả dự án chính trị lẫn tổ chức hậu thuẫn. Kết quả là một giai đoạn lộng hành của đám doanh nhân trục lợi. Sau đó Yeltsin đã đưa Putin lên thay mình để bắt đầu một giai đoạn độc tài kiểu mafia và Liên Bang Nga bỏ lỡ cơ hội dân chủ hóa.

Để thành công giai đoạn hậu cộng sản chúng ta cần, ít nhất, một dự án chính trị đúng đắn và khả thi và một đội ngũ gồm những con người gắn bó với nhau trong cố gắng thực hiện dự án đó. Dự án chính trị đó sẽ phải đủ quảng đại để động viên mọi người Việt Nam dù thuộc quá khứ chính trị hay khuynh hướng chính trị nào xóa bỏ mọi hận thù để cùng nhau xây dựng một tương lai Việt Nam chung dân chủ và đa nguyên, bảo đảm chỗ đứng, tiếng nói và cơ hội đồng đều cho mọi người. Đội ngũ đó phải là đội ngũ của những người lấy lẽ phải, nhân quyền và tham vọng xây dựng một nước Việt Nam dân chủ và phồn vinh làm lý tưởng của đời mình.

Cố gắng rất lớn và rất khó nhưng tin vui là chúng ta không bắt đầu từ số không.

Nguyễn Gia Kiểng

(16/02/2024)

(1) Phải rất cảnh giác trong năm nay

(2) Bí quyết sống còn của Đảng Cộng Sản Việt Nam

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 5962 times

1 comment

  • Comment Link nguyen mhan jeudi, 22 février 2024 03:09 posted by nguyen mhan

    bai viet xuat sac

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)