Thường lệ, bữa cơm đầu năm mùng 1 ở nhà tôi sẽ là buổi tụ tập, gặp gỡ của các gia đình. Nhà tôi là chuẩn của một gia đình gốc Bắc - bữa cơm nhanh chóng trở nên sôi nổi và ồn ào khi cánh đàn ông nói về chuyện đảng cộng sản và nạn tham nhũng ở Việt Nam.
Mâm ngũ quả và mâm cơm ngày Tết được chuẩn bị dâng lên ban thờ tổ tiên. Ảnh minh họa
Mỗi người đều nói ra ý kiến của mình cốt để tranh cãi và khẳng định quan điểm của mình. Mọi người đều khẳng định mình đúng và dù cương quyết hay mềm dẻo, cũng đều cố gắng thuyết phục người khác tin vào quan điểm của mình và phủ quyết quan điểm của người khác. Ồn ào bởi âm lượng giọng nói và hỗn loạn bởi những trường ý kiến - đó là cách mà tôi chọn để tóm tắt về buổi "tranh luận" ở nhà tôi. Khoảng lặng duy nhất đến từ tôi. Tôi là một mảng màu im lặng vì nhìn những điều này, tôi liên tưởng đến chính đất nước chúng ta.
Dân tộc chúng ta cũng như vậy. Chúng ta ồn ào, hỗn loạn, không có một trật tự. Chúng ta tuy đông nhưng sức mạnh và giá trị lại khiêm tốn trên thế giới. Một người Việt Nam làm việc bằng ba người Nhật, nhưng ba người Việt Nam mới bằng một người Nhật. Chúng ta thoải mái vứt rác, tàn hại môi trường. Chúng ta vô tư sử dụng "đất nước". Ý niệm gắn bó với đất nước rất thiếu vắng trong tâm hồn người Việt. Người Việt chúng ta không có một ưu tư nào với việc sinh hoạt và sống trong một hệ thống, tổ chức.
Có lẽ vì thế mà khi bất đồng, chúng ta cứ mãi hỗn loạn và ồn ào - ở quy mô vừa thì tranh cãi mạt sát và ở một quy mô lớn hơn, khi ngôn từ không còn là công cụ có thể giải quyết, chúng ta không còn cần nhu cầu cùng sống chung nữa. Kết quả là ai cũng thấy, cuộc huynh đệ tương tàn hai miền Nam Bắc đã giết chết hơn 2 triệu người Việt Nam. Chúng ta trở thành quân cờ trong tay những dân tộc "có văn hóa tổ chức". Rồi thì, chúng ta tụt hậu ở phía sau.
Chúng ta tuy đông nhưng sức mạnh và giá trị lại khiêm tốn trên thế giới. Ảnh minh họa
Tại sao Việt Nam lại là Việt Nam của hôm nay ?
Câu hỏi này thật khó trả lời. Chính tôi cũng đau đáu với điều này. Đáp án cho một câu hỏi phức tạp chắc chắn là một đáp án không hề giản dị. Nó là một phương trình phải chứa nhiều ẩn.
Một trong những điều "ẩn" đó mà tôi đưa ra với các bạn hôm nay là, chúng ta không có một văn hóa tổ chức. Đảng cộng sản đã giành được quyền lực trong cuộc chiến quyền lực bởi vì họ là tổ chức duy nhất thật sự có tổ chức - dù là lý tưởng của họ là lý tưởng lỗi thời và sai lầm. Việt Nam Cộng Hòa văn minh cũng đã thất thủ trước một đảng cộng sản Việt Nam "cộc kệch, bần nông" nhưng rất có tổ chức.
Văn hóa tổ chức cũng là một cách gọi khác của khả năng cùng chung sống và mộng ước về một tương lai chung. Nỗ lực để sống cùng nhau và tạo nên một tương lai chung sẽ là một sự cố gắng - một nỗ lực to lớn nhất mà chúng ta sẽ phải làm nó nếu chúng ta còn muốn Việt Nam là một điều gì đó đáng kể trên thế giới.
Một bản nhạc hay không phải nằm ở những nốt nhạc bay cao ồn ào mà nằm ở những khoảng lặng. Những khoảng lặng đó cần thiết để mỗi nốt nhạc trầm ngâm trong sự suy xét để rồi tất cả chúng sẽ cùng làm nên một bản nhạc đầy màu sắc, nơi mà mỗi nốt nhạc dù cao hay thấp thì cũng đều được khẳng định rõ vai trò của nó : là một phần không thể thiếu đối với bản nhạc và bản nhạc tuyệt hảo thì cũng không thể thiếu chúng.
Nỗ lực để sống cùng nhau và tạo nên một tương lai chung sẽ là một sự cố gắng - Ảnh minh họa
Điều mà tôi nói hôm nay không hề mới. Đảng cộng sản đã vô tình hàm ý đến trong các khẩu hiệu "đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết - thành công thành công đại thành công". Có thể có nhiều điều để ngẫm nghĩ, nhưng đó cũng là một trong những lý tưởng mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi theo đuổi: một đất nước Việt Nam mới nơi mà mọi phẩm giá của con người được tôn trọng, mọi mâu thuẫn được hòa giải, mọi khác biệt đều có thể chung sống và tương lai của mỗi cá nhân cũng là một khuôn mặt của tương lai đất nước.
Thanh Chân
(11/02/2024)