Trong những tuần gần đây, tôi thức dậy với tin tức về sự thiếu hụt nước nghiêm trọng của miền Tây Nam Việt Nam khiến nhiều địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp. Truyền thông chính thống cho biết đợt xâm nhập mặn này đã lan vào hàng trăm cây số, dẫn đến việc thiếu nước ngọt tại nhiều địa phương đặc biệt là hai tỉnh Bến Tre và Cà Mau. Số người bị ảnh hưởng trực tiếp có thể lên tới 50.000 người. Tin tức này đã dấy lên một mối lo ngại dành cho một thiểu số những nhà hoạt động môi trường tại Việt Nam, những chuyên gia môi trường, các nhà xã hội học về tình hình xấu đi của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long đang bị xâm nhập mặn và thiếu nước trầm trọng.
Tôi có trao đổi với một số người trong thiểu số đó, họ bày tỏ sự thất vọng khi những thông tin như vậy đã không gây ra một xúc động hay mối quan tâm lớn nào trong xã hội Việt Nam. Dường như người ta nhìn nó như một vấn đề của một địa phương cụ thể, hơn là một vấn đề của quốc gia, hoặc tệ hơn nữa là một sự thờ ơ.
Tôi hỏi nhiều người hoạt động và công tác trong môi trường "sinh thái học" là gì ? Sinh thái học (ecology) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp "oikos", nghĩa là "ngôi nhà". Chẳng hiểu trùng hợp hay ngẫu nhiên nhưng người Việt gọi "môi trường sống tập thể" của họ là "quốc gia" (tạm hiểu là "ngôi nhà chung"). Có lẽ vì vậy, một người có ý thức và quan tâm về môi sinh phải là một người yêu nước, sự thờ ơ về tình trạng kiệt quệ của Đồng bằng sông Cửu Long có lẽ là một biểu hiện của sự trống vắng lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của người Việt.
Nhưng sự lo lắng của một thiểu số đó cụ thể là gì ? Có lẽ vì dân tộc Việt Nam thiếu một hoạch định về tương lai, nên ngay cả một thiểu số có ý thức trong xã hội cũng không nhìn thấy được một nguy cơ to lớn, đó là sự sụp đổ của hệ sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long.
Khi chúng ta nghe về sự sụp đổ của hệ sinh thái, nhiều người thường liên tưởng đến những sự kiện được giới khoa học nhắc tới nhiều như sự biến mất hàng loạt của những loài động thực, vật quý hiếm trong môi trường tự nhiên, cụ thể bởi những yếu tố như biến đổi khí hậu, thay đổi tính chất của môi trường sống khiến cho nhiều loài vật trong tự nhiên, vốn có số lượng ít ỏi không thể tồn tại và trở nên tuyệt chủng. Sự biến mất này kéo theo sự sụp đổ của cả một hệ thống sinh thái mà chúng đã đóng vai trò như một trụ cột. Đó là cách hiểu theo một nghĩa hẹp của sự sụp đổ sinh thái của một môi trường trong tự nhiên.
Sự sụp đổ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long không có nghĩa là một sự biến mất của bất cứ loài vật quý hiếm nào, nó cũng không khiến môi trường sống hoàn toàn biến mất ngay lập tức. Nhưng nó là một sự thay đổi toàn diện của môi trường sống theo một hướng tiêu cực mà những nếp sống, phương thức sinh hoạt của những "cư dân" trong hệ sinh thái đó không còn duy trì được cùng với sự xuống cấp trầm trọng của điều kiện môi sinh. Đây có thể không chỉ là sự sụp đổ của tự nhiên khi xét đến Đồng bằng sông Cửu Long mà người ta còn nhắc tới một di sản, một chiều dài lịch sử và một hạt nhân kinh tế của đất nước Việt Nam.
Có lẽ Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu trở nên ổn định nhờ sự bồi đắp liên tục của dòng sông Mekong vào thế kỷ thứ 4, những quần thể của con người bắt đầu xuất hiện và phát triển thành một nhà nước mà chúng ta vẫn biết đến là vương quốc Phù Nam. Có lẽ lúc đó Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa đạt sự ổn định và sự trù phú, hoặc cũng có thể người Phù Nam không có kỹ nghệ nông nghiệp nhưng họ được biết đến là những người đóng thuyền, đánh cá, buôn bán thông qua đường hàng hải.
Sự sụp đổ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long không có nghĩa là một sự biến mất của bất cứ loài vật quý hiếm nào - Ảnh minh họa : Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng hiện có nhiều loài động vật quý hiếm
Chúng ta không có nhiều dữ kiện lịch sử để biết một cách rõ ràng về nền văn minh Ấn Độ hóa này, nhưng có lẽ đó là một nền văn hóa bạo lực và hiếu chiến, nó đã bị đế chế Khmer nổi lên và thôn tính vào thế kỷ thứ 6, để rồi khi đế chế Khmer sụp đổ thì nơi đây cũng rơi vào một tình trạng hỗn loạn và trống vắng của nhà nước. Trong nhiều thế kỷ tiếp xúc với đế chế Khmer và Champa, họ đứng trước một bước ngoặc diễn ra khi những người Hoa thuộc triều đại nhà Minh đặt chân đến đây để khai hoang và mang đến những văn minh đầu tiên. Nhiều thế kỷ ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ, mang ảnh hưởng và tương tác với Champa, rồi nằm trong đế chế Khmer, cuối cùng họ bị dừng lại ở thế kỷ 15 với sự sụp đổ của đế chế Khmer, cũng là thời đại mà các nền văn minh "tiểu Ấn" đều đi đến bờ vực sụp đổ.
Nhưng bước ngoặc thực sự thay đổi vào thế kỷ 17, khi vùng đất này được khai mở bởi người Hoa đến sau khi triều Minh sụp đổ và họ đã đưa văn minh trở lại. Sau đó, số phận lịch sử đã đặt Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một phần của đất nước Việt Nam. Cuộc di cư của người Việt vào Nam phần Việt Nam đã dừng lại ở Cà Mau và họ đã áp đặt được nhà nước ở đây. Ngày nay, Đồng bằng sông Cửu Long có đại đa số là người sắc tộc Kinh, một thiểu số người Khmer và người Hoa. Tuy nhiên, sẽ chẳng có Nam Phần Việt Nam ngày hôm nay nếu chúng ta loại bỏ bất cứ một sắc dân nào ra khỏi khối di sản đó. Những cư dân đầu tiên của vùng đất này hầu như không phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng Nam phần Việt Nam đã chứng tỏ nó là một tài sản quan trọng của quốc gia Việt Nam, với sự trù phú và nguồn lương thực dồi dào. Bằng cớ là nó đã là chỗ dựa khiến Nguyễn Ánh đánh bại vương triều Tây Sơn để rồi lần đầu tiên thống nhất Việt Nam về mặt địa lý với diện tích và lãnh thổ chúng ta biết như ngày hôm nay. Tôi không phải là một người có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, nhưng đó là một chuỗi sự kiện tôi tóm tắt lại để đưa ra một cái nhìn tổng quan về Đồng bằng sông Cửu Long như chúng ta biết cho tới nay.
Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp vào sự đa nguyên về văn hóa của dân tộc và nó là một động cơ thay đổi bộ mặt về địa lý và chính trị của đất nước Việt Nam. Giải Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ IV năm 2019 quy tụ khoảng 60 đội ghe từ các tỉnh, thành ĐBSCL đến tranh tài
Quần chúng Việt Nam không cảm thấy lo lắng và xúc động trước sự kiện trên vì họ hoàn toàn trống vắng một ý thức đầy đủ về quốc gia Việt Nam. Nếu ví Việt Nam là môt ngôi nhà chung, thì Đồng bằng sông Cửu Long đã là một không gian mới của dân tộc chúng ta, nó được khai phá như một gia tài của đất nước, đem đến của cải và vật chất mới. Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp vào sự đa nguyên về văn hóa của dân tộc và nó là một động cơ thay đổi bộ mặt về địa lý và chính trị của đất nước Việt Nam.
Có lẽ sự sụp đổ về hệ sinh thái lớn nhất thời kỳ hậu Liên Xô mà chúng ta biết tới là phân mảnh và biến mất của Aral Sea (một biển hồ nội lưu), một thảm họa của quản lý tài nguyên nước dưới chế độ toàn trị Liên Xô khi môi trường bị khai thác một cách quá mức cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Những con sông huyết mạch để duy trì lượng nước cho Aral Sea bị sửa đổi để dẫn nước vào những cánh đồng sản xuất bông. Sự sụp đổ đó đươc mô tả là "đột ngột", khi mặt biển trở nên khô cằn, nó khô cằn nhanh chóng để lại những bãi cát và những con thuyền bỏ hoang, những cơn bão cát mang theo vị mặn của muối và tình trạng kiệt quệ của 3,5 triệu người. Sự sụp đổ của hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra nhanh chóng và "đột ngột" hơn chúng ta vẫn nghĩ ?
Dòng sông Mekong vốn mang theo nguồn phù sa bồi đắp vùng đất này gần như đã kiệt quệ vì hàng chục đập thủy điện lớn nhỏ trên thượng nguồn xuất phát từ miền Nam Trung Quốc, Lào và Cambodia. Có thể nó sẽ chính thức bị khai tử nếu dự án kênh nhân tạo Phù Nam của Cambodia được khởi công. Điều trớ trêu thay cái nôi của vương quốc Phù Nam có thể bức tử bởi một dự án cùng tên. Khi dòng sông Mekong không còn khả năng bồi tụ thì không gian sống của Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở nên thu hẹp, bởi xâm nhập mặn, bởi tình trạng khô hạn và sụt lún diễn ra. Nó được gia tốc bởi một hiện tượng toàn cầu mang tên biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển tăng và sẽ nhấn chìm nhiều phần của Nam phần Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp thường nói về việc "chống chịu và ứng phó" với biến đổi khí hậu, bằng cách thay đổi nuôi trồng thủy sản nước ngọt bằng những giống có thể sống trong môi trường nước lợ có độ pH cao hơn, hay thay đổi những loại cây trồng có khả năng chịu hạn. Chúng được coi là những "giải pháp bền vững" trong nền nông nghiệp. Họ làm nhiều người lầm tưởng rằng những thay đổi đó sẽ vẫn đem lại một sư trù phú và mức sống tương tự trước những thay đổi của môi trường. Nhưng rất có thể sẽ chẳng có một giải pháp nông nghiêp bền vững nào khi hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long sụp đổ khiến môi sinh nơi đây không còn thích hợp để sản xuất nữa. Chúng ta không bi quan nhưng cũng không có gì đảm bảo điều đó đến nhanh hơn chúng ta tưởng. Những thiệt hại vừa rồi sẽ không bao giờ phục hồi được, cũng như chẳng có cách nào để trả lại phần diện tích bị xâm nhập mặn về hiện trạng nguyên vẹn.
Cũng chẳng có một nhân vật nào tại các cuộc họp thượng đỉnh Ủy hội sông Mekong đại diện cho dòng sông Mekong và người dân, di sản, sinh kế gắn liền với nó. Đa số các chính quyền góp mặt là những lực lượng độc tài toàn trị. Việt Nam là một nạn nhân chính nhưng cũng là chế độ đã để tình trạng phá rừng làm thủy điện, xây đập ngăn sông chặn dòng xảy ra ồ ạt ở khắp nơi trên chính quốc gia của mình. Những chính quyền đó có tư cách gì để đưa ra những giải pháp lớn hay đại diện cho đồng bào và quốc gia của họ ? Vấn đề của dòng sông Mekong là vấn đề thuộc thể chế độc tài, phi dân chủ với triết lý nhân danh nhà nước và "lợi ích chung" hủy hoại môi sinh và quyền sống của con người, hơn là một vấn đề môi trường thuần túy. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng đã từng phát triển điện than ồ ạt trong khi đó một phần của quốc gia Việt Nam sẽ là nạn nhân của tình trạng nước biển dâng và nóng lên toàn cầu.
Bản đồ nguy cơ ngập ứng với mực nước biển dâng 100 cm, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn : Bộ Tài nguyên và môi trường)
Trở lại câu hỏi sẽ ra sao nếu thực sự hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long sụp đổ ? Những người dân vốn dựa vào nguồn lực tự nhiên của khu vực sẽ vĩnh viễn mất đi sinh kế của mình và trở thành gánh nặng khổng lồ cho nền kinh tế, có thể sẽ là hàng triệu người. Nhưng trầm trọng hơn cả, có lẽ đó là sự xóa sổ của một bề dày lịch sử, văn hóa, những giá trị đã cấu thành nhà nước Việt Nam hiện đại. Chúng ta đang đứng trước một nguy cơ đổ vỡ về quốc gia, như dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích : "Đất nước trước hết là đất và nước, nếu đất nước cằn cỗi và ô nhiễm đến độ không còn sinh sống được nữa thì chúng ta cũng chẳng còn gì để nói với nhau".
Tôi có một vài người bạn hoạt động trong lĩnh vực môi trường, họ là những người có khả năng đọc hiểu các kiến thức khoa học và có nhiều lý do để quan ngại về sự sụp đổ hệ thống của các hệ sinh thái trên quy mô toàn cầu. Khi nói đến Đồng bằng sông Cửu Long, họ lo lắng và cho rằng tình trạng đã "xấu đi nhiều", nhưng họ không dám kết luận một cách thẳng thắn đây là một sự bắt đầu cho một sự sụp đổ của một hệ thống sinh thái, với những nét văn hóa, di sản, giá trị kinh tế và những sinh kế gắn liền với nó. Có lẽ vì người Việt đang thiếu vắng một ý thức về tương lai chung, nếu chúng ta thấy cần phải hành động vì một tương lai chúng tốt đẹp hơn cho dân tôc Việt Nam, thì chúng ta phải có dũng khí để nhìn nhận sẽ có những hậu quả to lớn nào nếu chúng ta không hành động vì một tương lai đó.
Có lẽ điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là cùng nhau đưa đất nước ra khỏi chế độ độc tài, toàn trị hiện tại. Họ là một phần của những vấn đề hiện nay và tất nhiên không có khả năng để đất nước ra khỏi những thảm kịch chung của dân tộc. Đã có nhiều dự án mà chế độ bàn tới như dẫn nước từ sông Đồng Nai xuống Cà Mau. Nhưng với một bộ máy đã kiệt quệ và bất lực vì tình trạng tham nhũng, những dự án trên chỉ là ý tưởng sáo rỗng hơn là kế hoạch được quy hoạch và nghiên cứu về tính khả thi. Những người đấu tranh cho môi trường có lẽ không hoàn toàn ý thức được cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường thực tế trước tiên phải là một cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam. Một người đấu tranh cho môi trường chân chính chắc chắn phải là một người đấu tranh cho dân chủ. Tại sao ? Tại vì dưới chế độ dân chủ, những người đấu tranh cho môi trường mới được tự do hoạt động và có điều kiện để thực hiện những ước vọng.
Theo ý kiến cá nhân, tôi không đủ tự tin để khẳng định rằng chế độ dân chủ sẽ kịp cứu vãn sự sụp đổ của hệ sinh thái về mặt tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như sự mất mát vĩnh viễn khả năng canh tác nông nghiệp và vị thế của Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lương thực của đất nước Việt Nam. Để giải quyết vấn đề sông Mekong, chúng ta cần có một không gian dân chủ rộng hơn tầm quy mô quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia cùng chia sẻ chung nguồn nước và lưu vực sông Mekong. Ngay cả vấn đề sông Mekong nếu được giải quyết cũng không có gì đảm bảo với thế giới rằng chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu giảm phát thải nhà kính. Ngay cả với cam kết của hiệp ước COP25 Paris về biến đổi khí hậu, nước biển có thể vẫn sẽ dâng lên 1 m vào năm 2300. Tuy vậy điều mà chế độ dân chủ có thể làm được là bảo vệ những cộng đồng dân cư sinh sống trên Đồng bằng sông Cửu Long khỏi sự sụp đổ về cấu trúc kinh tế, văn hóa và xã hội. Những kế sách dân chủ kế tiếp sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long đạt được những bước tiến đáng kể về kinh tế và xã hội, ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo nhất. Có thể là những công trình nhà ở trên mặt nước, những con kinh và con đập nhỏ để bảo vệ những khu dân cư… Với những chính sách phục hồi lại sinh hoạt kinh tế và cấu trúc sinh thái xây dựng quanh các khu dân cư, chế độ dân chủ tương lai tích cực góp phần đáng kể trong chức năng khắc phục tình trạng khô hạn và nhiễm mạn trên Đồng bằng sông Cửu Long. Với những cố gắng cải tạo lại không gian sinh tồn và gắn kết quốc gia, với những chính sách phúc lợi xã hội bao dung, quyền con người được tôn trọng… đó là những cam kết mà chính quyền dân chủ đa nguyên tương lai sẽ thực hiện.
Sẽ không có tình trạng kiệt quệ của hàng triệu con người như những gì xảy ra sau thời kỳ hậu Liên Xô hay những gì có thể xảy ra trên quy mô lớn trên nhiều tỉnh thành lớn tại Trung Quốc trong những năm sắp tới. Dưới chế độ dân chủ đa nguyên, những nhà hoạt động cho dân chủ và môi trường sẽ không cô đơn, họ không những được khuyến khích trong công tác nghiên cứu và dẫn đường bảo vệ môi sinh mà còn được hỗ trợ một ngân sách thích hợp để có thể sinh hoạt lâu dài.
Đối với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đấu tranh để bảo vệ môi sinh và môi trường cũng là bảo vệ đất nước với ước mong để lại cho mai sau một tài sản mà những người đấu tranh cho tự do, dân chủ và môi trường ngày hôm nay có thể tự hào.
Viễn Dương
(3/5/2024)