Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

19/06/2024

Putin sang thăm Việt Nam, Việt Nam được quà gì ?

Hoàng Quốc Dũng

Putin sang Việt Nam. Về chuyện này, trên mạng và báo chí lề trái - phải có rất nhiều bài. Tôi sẽ nói riêng về một vấn đề.

donputin1

Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội nói chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho đoàn.

Như các bạn đã biết, để có được một số đặc lợi trong thương mại với các nước, Việt Nam ta cứ mòn mỏi yêu cầu các nước, đặc biệt là Mỹ, công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Xin mãi vẫn chưa được. Các doanh nghiệp hay nhân dân nói chung rất hy vọng một ngày nào đó sẽ được. Từ đó hàng của ta sẽ được hưởng chế độ thuế má ưu đãi hơn, sẽ bán được nhiều hơn, lãi hơn, mang lại nhiều công ăn việc làm hơn, có nhiều cơm hơn…

Nhưng việc công nhận kinh tế thị trường có những tiêu chí của nó, đòi hỏi chúng ta (ít nhiều) phải đáp ứng được. Đáp ứng được toàn diện thì khó quá nhưng nếu quan hệ tốt thì tất nhiên có thể được hưởng sự "châm chước".

Cụ thể có 6 tiêu chí thường được áp dụng như sau :

1. Tự do giá cả : Tức là giá hàng hóa và dịch vụ phải được xác định theo luật cung cầu của thị trường, không có sự can thiệp quá đáng của chính phủ. Doanh nghiệp được tự do quyết định giá cả.

2. Tự do thương mại : Các rào cản đối với thương mại như thuế hải quan, hạn chế xuất nhập khẩu phải được ở mức thấp nhất cho phép cạnh tranh lành mạnh và hội nhập thương mại quốc tế.

3. Bảo đảm quyền sở hữu : Quyền sở hữu phải được xác định và đảm bảo bằng luật pháp, kể cả quyền sở hữu và chuyển nhượng tài sản một cách an toàn.

4. Luật lệ phải công khai và có hiệu quả : Luật lệ phải rõ ràng, không tùy tiện và được áp dụng một cách thống nhất. Các doanh nghiệp có thể hoạt động mà không bị áp lực quá đáng của hệ thống quản lý quan liêu.

5. Hệ thống tài chính vững mạnh : Hệ thống tài chính ổn định và điều tiết tốt, cho phép cấp tài chính, đầu tư và quản lý các rủi ro một cách có hiệu quả.

6. Cơ chế cạnh tranh : Có một cơ chế cạnh tranh để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tránh độc quyền, cho phép các doanh nghiệp thâm nhập hoặc ra khỏi thị trường mà không bị cản trở bởi những hạn chế vô cớ.

Không biết các bạn nghĩ thế nào, chứ riêng tôi thì thấy rằng chỉ một tiêu chí là đã khó (thấy bà), huống chi cả 6 tiêu chí đối với Việt Nam thì cả là một chuyện "khoa học viễn tưởng". Như vậy chỉ còn trông chờ vào "châm chước".

Thời gian gần đây, sau nhiều cải thiện quan hệ với Mỹ như ký hiệp ước "Đối tác chiến lược toàn diện", Mỹ có hứa sẽ xem xét việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Phía Việt Nam rất mong mỏi, hồ hởi đón nhận thông tin này. Câu trả lời có thể sẽ được công bố vào tháng 7 này, khi thời hạn xem xét đã hết.

Nhưng cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine ngày càng tàn khốc, gây ra những tội ác tầy trời, bị cả thế giới văn minh phản đối. Việt Nam ta thì đương nhiên là không nằm trong thế giới văn minh rồi (cũng lại mong các bạn có khả năng chứng minh ngược lại).

Mồm ta nói không ủng hộ bên nào (cái lưỡi không xương như mọi khi mà, có thay đổi gì đâu) nhưng hành động cụ thể thì ta ủng hộ Nga. Bằng chứng rõ ràng là trong khi đồ tể Putin bị Tòa án hình sự quốc tế truy nã thì ta sẽ "gióng trống mở cờ" đón đại ca. Trong khi thế giới văn minh lên án tất cả các hình thức, nhân vật độc tài thì ta lại viết báo ca ngợi "ngài" ngồi ngai 25 năm và ngài là vị lãnh tụ tầm thế giới đưa nước Nga vĩ đại trở lại.

Liên Xô vĩ đại còn tạm nghe được vì có thời Liên Xô có thể ganh đua được với Mỹ, lúc đó Trung Quốc là thằng đàn em vớ vẩn. Hiện tại, ngược lại, Putin đang xin làm đệ của Tập Cận Bình (16/05). Tồi tệ hơn còn đi cầu cạnh chú Ủn (Kim Jong-un, 18/06) và nhân thể lượn qua Việt Nam.

donputin2

Dàn xe đặc chủng đón Tổng thống Nga Putin trên đường phố Hà Nội - Ảnh minh họa 

Kế hoạch thăm Việt Nam của ông Putin đã vấp phải chỉ trích từ Mỹ. Trả lời Reuters, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết :

"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình".

"Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế", người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết thêm, đề cập đến cuộc chiến tranh Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022 đến nay.

Và thế là "Thôi rồi Lượm ơi", đúng lúc này đã có tin rằng Mỹ sẽ không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Khỏi phải đợi đến tháng 7 nhé.

Tôi có cảm tưởng Việt Nam hoàn toàn không có nhất quán trong vấn đề quan hệ quốc tế, hoàn toàn không có mục tiêu nào cả. Tất cả chỉ để thỏa mãn mục đích riêng của lớp lãnh đạo. Putin là khách của họ, không phải khách của nhân dân. Putin làm bể nồi cơm của dân làm sao có thể là khách. Để xem nhân dân có đổ ra đường đón Putin không ?

Quan ngại.

Chắc các bạn quá quen với từ này. Mỗi khi có chuyện gì trên thế giới thì bộ ngoại giao của ta lại ra thông báo quan ngại sâu sắc về chuyện này chuyện kia. Tôi cũng dùng từ này để dịch một khái niệm tiếng Pháp : "Les pays particulièrement préoccupants" - Các nước đặc biệt đáng quan ngại - tiếng Anh là Countries of Particular Concern, viết tắt là CPC. Cũng có thể dịch là các nước đáng quan tâm đặc biệt, một kiểu danh sách đen hay sổ đen.

Nói tóm tắt đó là danh sách các nước vi phạm quyền con người, tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, các nước khủng bố… Nếu bị nằm trong danh sách này thì có thể sẽ bị áp chế trừng phạt. Có nhiều mức độ trừng phạt khác nhau.

Đứng đầu danh sách này đương nhiên là có Nga và Bắc Hàn… Nga hiện nay đang bị trừng phạt rất nặng.

Và cũng rất buồn thông báo với các bạn rằng Việt Nam chúng ta cũng đã xoèn xoẹt bị cho vào rồi lôi ra khỏi danh sách đen này rất nhiều lần. Cứ mỗi lần Việt Nam tăng cường đàn áp nói chung thì lại "được" vào. Khi có tiến bộ đôi chút thì lại được lôi ra.

Cụ thể là bị vào danh sách đen năm 2004 và lôi ra năm 2006.  Và mới ngay gần đây thôi, năm 2022 được vinh dự đưa vào thêm lần nữa, và năm 2023 lại được lôi ra.

Nhưng ngay sau đó, năm 2024, Việt Nam lại được đưa vào một danh sách khác mang tên "các nước bị theo dõi đặc biệt" (Special Watch List - SWL), tức là danh sách các nước sắp bị đưa vào danh sách đen - các nước đặc biệt đáng quan ngại (CPC). Khộ.

Vì Việt Nam đang nằm trong danh sách SWL nên rất có thể ông sư Minh Tuệ và tăng đoàn của ông đã được hưởng sự "nương tay" của chính quyền, chỉ bị hốt lên xe mang đi bỏ lung tung khắp nơi, chứ không bị thủ tiêu hoặc bắt hết vào tù.

Tôn giáo bị quấy nhiễu thì có rồi, đối lập bị bắt cũng có rồi, nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển mới bị bắt vì tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" cũng đã xong…

Cộng thêm vào các sự kiện trên, chuyến viếng thăm của đồ tể Putin, nhân vật Wanted số một của thế giới, có thể sẽ là "giọt nước tràn ly" đưa Việt Nam lên tầm cao mới. Mẹ nó, sợ gì ! theo cách nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 13/05/2022.

Chuyến viếng thăm này chỉ bôi thêm đen bộ mặt của Việt Nam, trực tiếp làm Việt Nam không được công nhận là kinh tế thị trường, giữ Việt Nam trong danh sách các nước bị theo dõi đặc biệt (SWL) và có thể đẩy Việt Nam vào danh sách các nước đặc biệt đáng quan ngại (CPC).

Phải chăng đó là món quà quý giá mà chúng ta đang chờ đợi. Cám ơn "Ngài" Putin "vĩ đại".

donputin3

Người dân cần tuân thủ sự phân luồng của lực lượng chức năng trong thời gian đón Tổng thống Nga Putin trên đường phố Hà Nội - Ảnh minh họa 

Trên đây chỉ là những gì thực tế đã diễn ra. Tôi chỉ là người tổng kết lại. Chúng ta không nên chỉ trích chuyến viếng thăm này và sự đón tiếp của Việt Nam. Đây chỉ là biểu hiện của sự đoàn kết tương trợ của các nước trong danh sách đen.

Hoàng Quốc Dũng

(19/06/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 811 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)