Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

14/07/2024

Tôn giáo và Nhà nước

Hoàng Quốc Dũng

Có thể các bạn không thấy ?

Cách mạng Pháp đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực, sâu rộng, lâu dài cho nước Pháp và toàn thế giới. Nó đã xóa bỏ chế độ quân chủ ở Pháp, xóa bỏ các đặc quyền phong kiến, đặc quyền tôn giáo. Nó đã thiết lập nền Cộng hòa, tuyên bố các quyền cơ bản như Tự do, Bình đằng, Bác ái. Cách mạng Pháp cũng là nguồn cảm hứng cho các phong trào cách mạng trên toàn thế giới, cổ vũ cho các luồng tư tưởng dân chủ, quyền con người, và chủ quyền nhân dân. Nó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá mẫu hình Nhà nước phi tôn giáo, quyền công dân. Đó chính là cấu trúc của các xã hội hiện đại.

tongiaovanhanuoc1

Cách mạng Pháp 1789 : "Tự do dẫn dắt nhân dân" của Eugène Delacroix - Wikimedia Commons

Tôi đã viết nhiều về Cách mạng Pháp. Hôm nay, tôi chỉ nói về một khía cạnh : Nhà nước phi tôn giáo.

Xã hội loài người đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tôn giáo. Có thể nói là tôn giáo đã thống trị xã hội loài người từ buổi sơ khai. Những người lãnh đạo xã hội thường được xem như là các thánh thần hoặc đại diện của thánh thần. Chính vì vậy, các chế độ quân chủ thời đó được dịch ra tiếng Việt là quân chủ thần quyền (la monarchie religieuse, religious monarchy).

Thời Trung cổ (thế kỷ 5 đến thế kỷ 15) ở Châu Âu, nhà thờ Thiên chúa giáo là chúa tể, hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền. Tôn giáo là chính quyền luôn. Nói thế cho nó nhanh. Và chính quyền tôn giáo này bắt mọi người phải tin vào chúa, sẵn sàng giết chết các thần dân không tin vào chúa… Nói chung đây là một thời kỳ man rợ.

Nhưng đến thời kỳ Phục sinh (thế kỷ 14-17), bắt đầu xuất hiện những tư tưởng nhân bản, đặt lại vấn đề quyền lực của tôn giáo. Thế kỷ 16 còn xuất hiện cả đạo Tin Lành dám đối đầu với cả Giáo hội Thiên chúa giáo, từ đó đã gây ra nhiều cuộc chiến tranh tôn giáo ở Châu Âu. Đến đây, tư tưởng con người đã tiến lên một bước, dám chống đối lại cả quyền lực tối thượng của nhà thờ, mặc dù những sự trừng phạt thời bấy giờ rất khủng khiếp (Tin lành cũng là Thiên chúa giáo nhưng được cải tổ). Tất cả những khái niệm và các chi tiết về tôn giáo đều rất phức tạp và rất dài dòng. Tôi không muốn đề cập tới vì không phải chủ đề của bài.

Con người càng dốt, càng u mê thì càng tin vào tôn giáo. Rất may là con người ngày càng thông minh ra (không phải tất cả, có tộc rất "kiên định"). Các nghiên cứu khoa học ngày càng làm sáng tỏ nhiều vấn đề của thiên nhiên, con người bớt dần u mê, bớt dần sợ sệt thánh thần, bớt sợ lãnh đạo. Thế kỷ 17-18, kỷ nguyên của ánh sáng đã cổ súy ba điều : Lý trí, Khoa học và Quyền cá nhân con người. Các triết gia như Voltaire, Rousseau hay Locke đều biện minh cho việc tách nhà thờ ra khỏi công quyền.

Đến thời hiện đại, thế kỷ 19-20, nhiều nước phương tây đã tìm cách tách Nhà thờ ra khỏi Nhà nước, thiết lập hệ thống quản lý Nhà nước phi tôn giáo. Tuy nhiên tôn giáo vẫn được tôn trọng, mọi người vẫn được tự do hành đạo của mình.

Hoa Kỳ đã thiết lập sự tách biệt này trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp của họ năm 1791.

Tách Tôn giáo ra khỏi Nhà nước

Nước Pháp có lẽ gần gũi hơn với Việt Nam nên tôi muốn nói thêm một tý về vấn đề này của Pháp.

Trước Cách mạng Pháp, nhà thờ gần như là chúa tể, có rất nhiều ảnh hưởng đến Nhà nước. Đặc biệt là giới tu sĩ được hưởng rất nhiều quyền lợi. Nhà thờ là tác nhân chính trị cơ bản của Nhà nước.

Cách mạng Pháp 1789 là một bước ngoặt cơ bản. Cách mạng tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của nhà thờ và thiết lập Nhà nước phi tôn giáo. Bản hiến pháp dân sự 1790 đã tịch thu các tài sản của nhà thờ và đặt giới tăng lữ (tu sĩ) dưới quyền lực của Nhà nước. Nhưng Lịch sử Pháp đã không tiến đều, quá trình này bị khựng lại do sự phục hồi của chế độ quân chủ. Mãi đến năm 1905 mới có một sự đoạn tuyệt dứt khoát. Luật 1905 về việc tách Nhà thờ ra khỏi Nhà nước đã thiết lập Nhà nước phi tôn giáo, cấm Nhà nước suy tôn tôn giáo, cấm Nhà nước trợ cấp cho tôn giáo, khẳng định tự do tôn giáo và khẳng định tính trung gian của Nhà nước đối với tôn giáo (Các bạn nhớ kỹ câu này để so với Việt Nam).

Sau khi điểm qua rất ngắn gọi về quá trình rất cam go này của thế giới, tôi mạo muội nói về vấn đề này của Việt Nam thân yêu của chúng ta.

tongiaovanhanuoc2

Trong 43 năm qua (1981), Giáo hội Phật Giáo Việt Nam luôn giữ vững đường hướng hoạt động là "Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội", xứng đáng là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rõ sự liên hệ của tôn giáo với chính quyền. Chính quyền, tức là vua (con trời, Thiên tử)thường dựa vào sự chính đáng mang tính tôn giáo để củng cố quyền lực, nghĩa là có quyền thế thay Trời điều hành đất nước (thế Thiên hành đạo).

Từ ngày giành được "độc lập", trên nguyên tắc, Việt Nam là một nước cộng hòa nên không có sự dính dáng của tôn giáo với chính quyền. Thậm chí, chính quyền còn đối lập với tôn giáo, đàn áp tôn giáo. Đạo Phât là đạo chính thống ở nước ta nhưng cũng không được khuyến khích. Thanh niên chúng tôi mà cứ đi chùa thì sẽ bị "kết tội" mê tín, không được vào Đoàn (Thanh niên cộng sản)… Bạn nào biết chuyện này thì năm nay cũng ít nhất 60 tuổi. Còn đàn áp đạo Thiên chúa thì quá hiển nhiên. Tuy nhiên tất cả sự đàn áp đều được che đậy rất khéo léo. Nhiều người sống ở Việt Nam cũng không biết và đương nhiên một số kẻ thiếu hiểu biết sẽ nhẩy cẫng lên khi tôi nói như vậy. Cũng không sao. Tôi không viết cho họ.

Nói tóm lại, về bề ngoài, chúng ta thấy rõ là chế độ cộng sản không phải là một chế độ quân chủ thần quyền, nó tách tôn giáo truyền thống ra khỏi chính quyền và có khi còn đối lập với cả tôn giáo. Nếu không đối lập với tôn giáo truyền thống thì nó lại cấu kết với tôn giáo truyền thống để làm tiền (Chùa Ba Vàng, chùa Chân Dài, à quên Chân Quang…).

Nhìn kỹ lại chế độ cộng sản hiện nay ở Việt Nam, tôi thấy nó rất giống với chế độ quân chủ thần quyền ở Pháp trước Cách mạng. Thời đó ở Pháp, tôn giáo và chính quyền gần như là một. Giới tu sĩ được hưởng rất nhiều quyền lợi (tôi xin trình bày rất ngắn gọn và bằng ngôn ngữ đơn giản thời nay) : Hầu như không phải đóng thuế ; được thu thuế nông nghiệp cho mình (tiếng Pháp là dîme, ngày nay gọi cúng dường) ; vị thế xã hội cao, được phép làm đại diện nhân dân, được phép đóng góp vào các quyết định của Nhà nước ; được phép kiểm soát toàn bộ hệ thống giáo dục và chịu trách nhiệm truyền bá văn hóa, kiến thức ; được hưởng chế độ phán xét công tội qua hệ thống "tòa án" của nhà thờ ; được hưởng một số quyền miễn trừ. Nếu chúng ta cứ thay chữ đảng viên thành tu sĩ, đảng cộng sản bằng nhà chùa, thì chúng ta thấy rất rõ ràng là hiện nay xã hội của chúng ta giống gần 100% xã hội Pháp trước 1789.

Chủ nghĩa cộng sản thực sự là một thứ tôn giáo, đặc biệt lại là một thứ tôn giáo tồi tệ đã bị thực tế kiểm chứng và thế giới ruồng bỏ. Nó chỉ còn tồn tại ở một vài nước lạc hậu về tư tưởng.

Nhìn vào hình thức tổ chức Nhà nước của chúng ta hiện nay lại càng thấy rõ sự cấu kết, chồng chéo của tôn giáo với Nhà nước, sự lấn át của tôn giáo vào 100% các công việc của Nhà nước. Nhà nước thực sự không tồn tại mà chỉ có tôn giáo tồn tại, mặc dù trong ngôn ngữ vẫn có từ bên đảng - bên chính quyền. Đúng là có cả 2 bên, nhưng bên đảng quyết hết và người bên chính quyền cũng là người của đảng.

Điều 4 của hHiến pháp Việt Nam cũng khẳng định chuyện này : Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đảm bảo các điều kiện để đảng cộng sản hoạt động và phát triển.

Nếu chúng ta so những điểm cơ bản này của hiến pháp Việt Nam với những luật hay tu chính án hiến pháp của các nước khác thì chúng ta thấy rõ ràng hiến pháp của Việt Nam là một bước lùi khổng lồ hàng trăm năm về mặt tổ chức nhà nước. Chúng ta cũng thấy rõ rằng chúng ta lạc hậu với thế giới văn minh ít nhất 2 thế kỷ.

Việt Nam là một thí dụ tồi tệ khủng khiếp của việc tách Tôn giáo ra khỏi Nhà nước. Và đó chính là nguyên nhân của tất cả vấn đề. Nó cũng thể hiện một hình thức tổ chức hủ lậu, nghèo nàn, trói buộc nhau đúng như hình ảnh "nhùng nhà nhùng nhằn hai thằng một khố".

Để biện minh cho chế độ độc tài, ông giáo sư Phan Văn Trường có nói : "Không cho phép các bạn (nước ngoài) đo chúng tôi bằng tiêu chuẩn của các bạn… Chúng ta không nhất thiết phải chọn những tiêu chuẩn của những nước tự gọi là văn minh. Hãy chọn những tiêu chuẩn của các nước hạnh phúc". Một ông giáo sư về già ăn nói lẩm cẩm như vậy mà không ít người lại tưởng đó là chân lý. Nói về chuyện này lại phải cần ít nhất 2 trang. Xin chỉ nói ngắn gọn thế này. Hạnh phúc là một trạng thái của một đời sống viên mãn, luôn luôn hài lòng, nó được thể hiện bởi những cảm xúc tích cực, những thành công trong cuộc sống và sự cân bằng trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nếu không có tự do, các bạn sẽ không có bất cứ cái gì trong khái niệm về hạnh phúc.

Hơn nữa, chúng ta, một nước nghèo nàn lạc hậu, cổ hủ, chúng ta đang hội nhập vào thế giới hay thế giới phải hội nhập vào với ta ? Chúng ta không lấy tiêu chuẩn của các nước văn minh thì lấy tiêu chuẩn của mấy nước lạc hậu để hội nhập ?

Muốn nói gì thì nói, một đất nước văn minh phải là một đất nước có Nhà nước phi tôn giáo, mọi người được hưởng tự do nói chung, tự do tôn giáo nói riêng, mọi người bình đẳng trước pháp luật, không ai được phép ép ai phải tin vào bất cứ điều gì và tất cả những điều đó phải được thể hiện rõ trong hiến pháp, luật pháp cũng như trong thực tế. Không có những quyền lợi này thì rất khó sống, nhưng vẫn phải sống để chiến đấu, để tin vào ngày mai tươi sáng nhất định sẽ đến. Không biết những quyền lợi này, lại còn biện minh cho những chế độ độc tài thì đúng là không đáng sống.

Phi tôn giáo muôn năm !

Vive la laïcité !

Long Live Secularism !

Hoàng Quốc Dũng

(14/07/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 602 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)