Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

14/07/2024

Lãnh đạo toàn diện, thất bại toàn tập

Thiên Cầm

Sau 79 năm cướp chính quyền và thành lập nhà nước cộng sản ở miền Bắc và 49 năm cưỡng chiếm miền Nam và áp đặt chủ nghĩa toàn trị cộng sản lên toàn Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam đã phạm hết sai lầm này tới sai lầm khác. Mọi cuộc "đổi mới" đầy lúng túng chỉ để xả bớt áp lực của khát vọng dân chủ bên trong xã hội dân sự và thuyền thông quốc tế bên ngoài. Đảng cộng sản Việt Nam - một đảng phụ thuộc ngoại bang và không có bất kỳ một lý tưởng và dự án chính trị nào - đã bắt chước các mô hình tổ chức nhà nước đầy bệnh hoạn hết từ Liên Xô tới Trung Quốc với hi vọng sự thành công của các đàn anh xã hội chủ nghĩa cũng sẽ thành công ở Việt Nam.

Sau 38 năm bắt chước mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" của đàn anh Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam đã tạo nên một đất nước phiên bản lỗi và là một bản sao mờ nhạt của Trung Quốc. Cùng với những chính sách phản nhân quyền mới nhất của Trung Quốc nhằm kiểm soát và trấn áp các mầm mống phản kháng vì sự điều hành yếu kém trên mọi lĩnh vực của chính phủ nước này, trong khoảng thời gian gần đây, nhà nước Việt Nam tiếp tục có các động thái nhằm thu hẹp không gian cho xã hội dân sự và các phong trào chính trị ở Việt Nam. Các tiếng nói phản biện ngày càng bị bóp nghẹt với một môi trường kiểm soát truyền thông đầy bức bối và bí bách. Những tội ác và sai lầm của đảng cộng sản Việt Nam hòng ngăn chặn một tiến trình dân chủ không thể đảo ngược đáng phải bị lên án và bị thế hệ sau xét lại như là một đảng ký sinh vào vận mệnh đất nước.

Bài viết này điểm lại những sai lầm gần đây không thể cứu vãn của đảng cộng sản đối với đất nước trên một số lĩnh vực mà tác giả quan tâm như: Giáo dục, tôn giáo, kinh tế, nhân sự đảng, tham nhũng và ngoại giao. Những gì mà tác giả tìm hiểu có thể quá ít so với những tội lỗi mà đảng cộng sản gây ra, vì thế trước khi bước vào các phần chính của bài viết, tác giả xin trích lại một câu thơ trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi để nhận xét về đảng cộng sản Việt Nam :

"Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi

Lẽ nào trời đất dung tha

Ai bảo thần dân chịu được

?"

Phần 1 : Sự lựa chọn chủ nghĩa chính trị theo bản năng

Những tiếng thét vang trong rừng liên tục vang vọng khi những con vượn đực mới trưởng thành đang cố gắng thách thức địa vị lãnh đạo từ một con vượn già đầu đàn bằng vũ lực. Loài người sau khi tiến hóa từ loài vượn chỉ biết đến chủ nghĩa bộ lạc - một loại chủ nghĩa đề cao lòng trung thành với con đầu đàn, mọi quyết định của bộ lạc đều do con đầu đàn kiểm soát và đương nhiên những đặc quyền, lợi ích đều phải do con đầu đàn hưởng thụ trước rồi mới tới những con còn lại. Vì thế việc trở thành con đầu đàn có nghĩa là có tất cả đối với những con mới trưởng thành - đó là nguyên nhân hình thành mô hình tổ chức công xã bộ lạc. Mô hình tổ chức công xã bộ lạc ngoài việc dựa trên chủ nghĩa bộ lạc, nó còn dựa trên chủ nghĩa tập thể với ý tưởng là mọi phương tiện sản xuất, thành quả lao động đều thuộc về bộ lạc, nghĩa là toàn bộ con người trong bộ lạc đều vô sản. Và bằng việc vận dụng thêm chủ nghĩa bộ lạc, con đầu đàn có quyền chia chiến lợi phẩm cho từng thành viên còn lại của bộ lạc. Sau này khi các bộ lạc trở nên lớn mạnh và bắt đầu có những xung đột lãnh thổ với nhau, mô hình công xã bộ lạc trở nên lỗi thời và phải bị thay thế bằng một mô hình khác để giảm bớt khối lượng công việc cần quyết định của con đầu đàn nhưng vẫn giữ được vị thế thống trị của nó trong một cộng đồng bộ lạc, và đó là lúc chế độ quân chủ chuyên chế manh nha chào đời.

Những lập luận phía trên có thể khiến nhiều người Marxist cảm thấy mâu thuẫn vì họ được dạy rằng hình thái tổ chức sơ khai nhất của con người là công xã nguyên thủy, trong đó mọi quyết định, công cụ lao động, thành quả lao động đều thuộc về bộ lạc và không có ai có quyền áp đặt quyết định cá nhân lên trên bộ lạc. Đây là một sự lừa dối trắng trợn của Marx đối với đóng góp cho triết học hiện đại, ông ta đã bỏ qua những quan sát khác ngoài nhãn quan kinh tế để phán xét mọi hình thái xã hội của loài người. Một phản đề đơn giản nhưng thừa sức đánh bại những lập luận của Marx về công xã nguyên thủy : Những con vật ngoài tự nhiên hoàn toàn được tổ chức theo hình thức bộ lạc hoặc đơn cá thể (hình thức đơn cá thể sẽ không được mang ra để bàn luận), ví dụ như sử tử thường đi săn theo bầy (biểu hiện của chủ nghĩa tập thể) và sau khi bắt được con mồi thì phải để con đực đầu đàn ăn trước rồi mới tới những con đực, con cái và con non còn lại, con đực đầu đàn cũng có quyền được giao phối với những con cái khác trong đàn và có nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ của đàn (chủ nghĩa bộ lạc).

Xã hội loài người khi mới thoát khỏi hình hài con vượn cũng không thể đủ tinh khôn để tự nghĩ ra những hình thái tổ chức xã hội mà ở đó quyền quyết định thuộc về tập thể (với lý tưởng tất cả phải đồng ý về một phương án), luôn có cấp bậc trong xã hội loài người, nếu không mọi quá trình ra quyết định sẽ bị tê liệt và không đủ nhanh để ứng phó những thiên tai và hiểm nguy thường trực ngoài tự nhiên. Việc sử dụng từ "công xã nguyên thủy" để miêu tả hình thái xã hội của loài người tinh khôn của Marx chỉ nhằm thể hiện chủ nghĩa tập thể sơ khai mà không thể hiện bản chất của tư duy tổ chức hình thái xã hội hoang dã của con người thời đó, từ chuẩn nên là "công xã bộ lạc" sẽ thể hiện cả hai loại chủ nghĩa trên (chủ nghĩa tập thể được thể hiện qua biểu hiện kinh tế là đi săn bắt hái lượm chung, chủ nghĩa bộ lạc thể hiện qua quyền quyết định của con đầu đàn và sự trung thành của cả đàn dành cho nó).

thatbai2

Ham muốn quyền lực là bản năng di truyền của con người tuy nhiên nó chỉ hoành hành ở các nước độc tài. Trong các thể chế văn minh và dân chủ nó bị kiểm soát rất chặt chẽ. Ảnh : Ông Hồ Chí Minh đọc diễn văn dưới bức chân dung lớn của chính mình.

Trong chế độ quân chủ chuyên chế, tất cả thần dân phải trung thành với vua và mọi thần dân, đất đai, lãnh thổ, công cụ sản xuất, thành quả lao động đều thuộc sở hữu và dưới quyền định đoạt của vua (ý tưởng của chủ nghĩa bộ lạc). Tội khi quân (khinh thường vua) được xem là một tội nặng, có thể bị xử chém ba đời ; đây là một hình phạt nhằm chống lại những mầm mống có thể thách thức địa vị của con đầu đàn, được ẩn sau một diễn ngôn hoa mỹ là "giữ gìn sự hòa hợp của xã hội và những phép tắc, cương thường của nó". Chủ nghĩa tập thể lúc này được thể hiện ở một mức độ vi mô trong các làng xã, nơi mà mọi người quen mặt nhau. Nhưng dân chủ (không phải theo cách hiểu ngày nay, dân chủ trong thời mông muội ám chỉ việc ra quyết định dựa trên tập thể và đa số có quyền lực áp đảo thiểu số) đã không thể nảy nở ở những nơi mà các quyết định cá nhân của vua được thể hiện ở tầm vĩ mô và có trọng lượng hơn hẳn các quyết định của hội đồng làng, cộng thêm việc tổ chức các cuộc thi để tuyển chọn quan lại thân chính (quyền), vua có thể áp đặt ý chí của mình lên từng làng.

Nhưng đó chỉ là những chế độ quân chủ chuyên chế phương Đông (chỉ nói về các vùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc và trừ Nhật). Còn những chế độ quân chủ chuyên chế phương Tây (chỉ nói về các vùng Tây Âu) thay vì đề cao việc làm nông nghiệp và học tứ thư, ngũ kinh thì họ khuyến khích sự phát triển của thương nghiệp và cho các lãnh chúa có quyền tự quyết đối với những vùng đất mà họ cai quản miễn sao thuế được đóng đều đặn. Nhờ đề cao thương nghiệp mà kiến thức và sự hiểu biết được luân chuyển giữa dân chúng, trí thức và thương nhân. Từ đó, một hình thái tổ chức xã hội theo mô thức dân chủ dần ra đời trong xã hội dân sự - vốn tách rời khỏi sự kiểm soát tư tưởng của tầng lớp quý tộc.

Trái ngược với những nhận định cho rằng kinh tế phát triển dẫn đến dân chủ, những quan sát lịch sử cho thấy rằng các sinh hoạt kinh tế lành mạnh đã bắt rễ từ dân chủ - mà khá trớ trêu cho những quân vương phương Tây thời đó là họ đã vô tình tạo ra không gian dân sự cởi mở hơn so với các chế độ quân chủ phương Đông. Từ sự phát triển kinh tế, dân chủ mới có cơ hội được củng cố trong lòng xã hội dân sự và dần dần thách thức và loại bỏ quyền lực của giới quý tộc và hoàng gia. Dân chủ thời đó vẫn còn đang giai đoạn trưởng thành và đang mò mẫm để hoàn thiện nhà nước pháp trị. Có những chế độ dân chủ may mắn gặp những nhà cải cách ôn hòa nên đã tiến mạnh trong thế kỷ trước như Hà Lan, Anh Quốc và Hoa Kỳ dù có những giai đoạn phải trải qua bạo lực nhưng không quá nặng nề. Tuy nhiên cũng có những chế độ dân chủ đã gặp những kẻ dân túy và gây ra những tai họa không chỉ cho đất nước mà còn cả thế giới như Nhật Bản, Đức Quốc và Ý. May mắn thay, nhờ có sự giúp đỡ của các nước dân chủ trưởng thành mà các nước bại trận hoặc bị Liên Xô thôn tính trong đệ nhị thế chiến không gặp những cuộc thanh trừng và trả thù đẫm máu, thay vào đó là những sự giúp đỡ từ Tây Âu và Hoa Kỳ đã vực dậy họ trở thành những cường quốc như ngày nay.

Tựu trung lại, phải nhìn nhận rằng mọi chế độ dân chủ đã hình thành nên tinh thần quốc gia trong mọi công dân, được thể hiện qua chủ nghĩa dân tộc/quốc gia (nationalism). Chủ nghĩa dân tộc đã giúp người dân cảm thấy đất nước là của họ chứ không phải là của vua chúa và những chế độ dân chủ đã khai sinh chủ nghĩa này đã có tính chính đáng hơn nhiều so với các chế độ quân chủ vì nó dựa trên hai nguyên tắc : (1) các thành viên của một đất nước - một nhóm các công dân bình đẳng, trải qua một quá khứ chung và cùng hướng về cùng một tương lai - nên lãnh đạo đất nước và (2) những người lãnh đạo đó phải vì lợi ích đất nước... Bản thân chữ "nationalism" cũng có một lịch sử không được đẹp lắm khi các nhà lãnh đạo dân túy trong một số chế độ dân chủ - mà những người này có xu hướng độc tài - đã lợi dụng tinh thần quốc gia của từng công dân để đồng nhất hai khái niệm công dân và quốc gia, từ đó sử dụng diễn ngôn trung thành hòng tranh thủ mọi nguồn lực của tất cả công dân đổ dồn vào những cuộc chiến phi nghĩa.

nga5

Quốc gia ngày nay phải được hiểu là một không gian liên đới chung với một nhóm các công dân cùng chia sẻ tình cảm, đồng thuận và một dự án tương lai chung… Ảnh : Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã định nghĩa lại hoàn toàn về những khái niệm như dân chủ, nhân quyền, chính trị, quốc gia, tổ quốc...

Hiện nay, quốc gia đã được quan niệm khác, nó không phải chỉ bó hẹp trong dân tộc, sắc tộc, chủng tộc, huyết thống, nguồn gốc, nền văn hóa (lâu đời), ngôn ngữ - những thứ vốn là thành phần mà các loại chủ nghĩa dân tộc cực đoan ưa chuộng. Quốc gia ngày nay phải được hiểu là một không gian liên đới chung với một nhóm các công dân cùng chia sẻ tình cảm, đồng thuận và một dự án tương lai chung - đây là một định nghĩa mở, nó cho phép quốc gia trở nên cởi mở hơn và thân thiện hơn trước những xu hướng thay đổi và sự đa dạng của xã hội dân sự và tình hình quốc tế. Những nước dân chủ thành công ngày nay là những nước đã thay đổi ý niệm quốc gia của họ, sự thay đổi này đã dẫn đến nhãn quan chính trị của họ trở nên ôn hòa và đúng đắn hơn, họ đã vận dụng chủ nghĩa dân tộc/quốc gia để thể hiện căn tính và hình ảnh quốc gia hơn là một công cụ để kích động quần chúng và tạo ra những kẻ thù ngoài biên giới hòng chuyển sự chú ý của dân chúng từ các vấn đề nội bộ ra bên ngoài.

Một chủ nghĩa khác đã đi song hành với chủ nghĩa dân tộc trong giai đoạn thoái trào của các chế độ quân chủ là chủ nghĩa phóng khoáng cổ điển (classical liberalism). Chủ nghĩa phóng khoáng cổ điển có ý tưởng chung là đề cao các quyền tự do và quyền tự nhiên của từng cá nhân, nhà nước và các định chế có liên quan có nghĩa vụ đảm bảo và mở rộng sự tiếp cận các quyền đó cho nhiều công dân nhất có thể, cũng như nhiệm vụ giảm bất bình đẳng xã hội và thúc đẩy phúc lợi xã hội. Sau này những người theo chủ nghĩa phóng khoảng (liberalism) đã kế thừa hầu hết các quan điểm của chủ nghĩa phóng khoáng cổ điển nhưng tập trung hơn vào các quyền tự do và quyền tự nhiên của con người sau khi chứng kiến những người cộng sản đã lạm dụng quyền lực với diễn ngôn đề cao những quyền công dân (quyền có điều kiện giữa công dân và nhà nước) hơn quyền con người (quyền tự nhiên vốn có của con người, được thừa nhận trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát).

Cuối cùng, hình thái cao nhất là chủ nghĩa phóng khoáng cá nhân (libertarianism), chủ nghĩa này kế thừa những ý tướng của chủ nghĩa phóng khoáng và chủ nghĩa cá nhân, vì thế nó nhấn mạnh các quyền tự do cá nhân, căn tính và sự độc lập cá nhân nên được ưu tiên, những người theo chủ nghĩa này cho rằng chỉ có chính phủ và quy định tối thiểu, ít can thiệp vào thị trường và xã hội mới giải phóng con người thật sự. Cần phải phân biệt các loại chủ nghĩa phóng khoáng kể trên với tân chủ nghĩa phóng khoáng (neo-liberalism). Tân chủ nghĩa phóng khoáng không phải là một chủ nghĩa trong các trường phái triết học chính trị, nó chỉ thuần về trường phái triết học kinh tế. Những người ủng hộ tân chủ nghĩa phóng khoáng đề cao thị trường tự do, vai trò tối thiếu của nhà nước, và tai hại nhất là chống cả quyền con người và quyền công dân. Điều này giải thích tại sao xu hướng tận dụng các sản phẩm giá rẻ nổi lên một thời tại các nước phương Tây sau khi Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1979. Xu hướng này thoái trào dần dần sau khi Trung Quốc đã hành xử vô trách nhiệm và tàn bạo đối với các vấn đề nhân quyền từ vụ Thiên An Môn đến cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ và học viên Pháp Luân Công. Nhưng phải đến khi đòn giáng nặng nhất vào tân chủ nghĩa phóng khoáng là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 diễn ra thì chủ nghĩa này đã bị đa số các nước chối bỏ và chỉ còn số ít vận dụng (đó là các nước độc tài, đương nhiên).

Chủ nghĩa cá nhân (individualism) đã được khai sinh từ chủ nghĩa phóng khoáng từ sau đệ nhị thế chiến. Chủ nghĩa cá nhân có ý tưởng chung là đề cao phẩm giá và quyền tự do cá nhân của từng con người, quốc gia không còn là cứu cánh để hi sinh cá nhân, quốc gia là phương tiện của cá nhân để đạt được hạnh phúc. Chủ nghĩa cá nhân đã là một điểm đột phá, nó góp phần thay đổi hoàn toàn tư duy chính trị của những nhà nước đặt trên nền tảng quốc gia. Từ đây, quốc gia phải phụng sự cá nhân nếu không muốn tan rã vì một quốc gia được cấu thành từ những cá nhân có căn tính chính trị thuộc về quốc gia đó, nếu tất cả cá nhân đều từ chối căn tính chính trị gắn liền với quốc gia thì quốc gia đó chắc chắn sẽ tan vỡ và có thể dẫn đến những hậu quả rất xấu như nội chiến, bị xâm lược hay thậm chí nhà nước được thành lập dựa trên quốc gia đó sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới. Chủ nghĩa cá nhân là đối trọng mạnh nhất để chống lại các chế độ toàn trị, chuyên quyền dựa trên nền tảng các loại chủ nghĩa dân tộc cực đoan của những bạo chúa - những kẻ luôn lợi dụng diễn ngôn quốc gia để đòi hỏi lòng trung thành của các công dân và phục vụ nó trong các hành động chính trị vị kỷ. Từ chối chủ nghĩa cá nhân nghĩa là từ chối quyền làm người và quyền được sống như một con người.

thatbai4

Chủ nghĩa cá nhân có ý tưởng chung là đề cao phẩm giá và quyền tự do cá nhân của từng con người, quốc gia không còn là cứu cánh để hi sinh cá nhân, quốc gia là phương tiện của cá nhân để đạt được hạnh phúc. Ảnh : Bản Tuyên ngôn Phổ cập về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Ở đây cần lưu ý là chủ nghĩa cá nhân khác xa chủ nghĩa vị kỷ và nó không mâu thuẫn với chủ nghĩa vị tha. Chủ nghĩa vị kỷ có một đặc điểm rất dễ nhận diện để so sánh với chủ nghĩa cá nhân đó là tâm lý coi bản thân là thượng đẳng so với những người khác (trong khi chủ nghĩa cá nhân nhấn mạnh tất cả cá nhân đều bình đẳng), người theo đuổi loại chủ nghĩa này cho rằng hắn hơn hẳn mọi người vì một hay nhiều đặc điểm nào đó, và rằng hắn xứng đáng được hưởng thụ tất cả những gì mà mọi người đã cung phụng cho hắn. Những bạo chúa trong lịch sử luôn mang trong mình tư duy của loại chủ nghĩa này và luôn tìm cách diễn giải để biện minh cho các hành vi phản nhân quyền tệ hại của chúng. Nếu là chế độ thần quyền thì bạo chúa sẽ diễn giải hắn được trời giao cho trọng trách nào đó (thuyết thiên mệnh), ví dụ, làm cho dân tộc Hán trở nên vĩ đại, đưa Trung Nguyên trở thành vùng đất trung tâm quyền lực và văn hóa của cả thế giới. Nếu là chế độ thế tục thì bạo chúa sẽ diễn giải hắn được lịch sử giao cho nhiệm vụ nào đó (thuyết lịch sử tất định), ví dụ, giải phóng giai cấp công nhân, kiến tạo một thế giới đại đồng. Chủ nghĩa vị tha có ý tưởng chung là cá nhân hành động vì lợi ích của người khác hay của tập thể, trước khi nghĩ đến lợi ích của bản thân. Chủ nghĩa cá nhân cũng có tinh thần vị tha, nó cho rằng vì mọi cá nhân đều bình đẳng nên quyền lợi của một cá nhân không thể và không được phép xâm phạm đến quyền lợi của một cá nhân khác bất kể lý do phản nhân quyền nào (ví dụ đối xử phân biệt và phương hại quyền của người khác vì họ thuộc địa vị xã hội thấp hơn, màu da khác biệt, xu hướng tính dục khác biệt) và mọi cá nhân phải tôn trọng quyền lợi của người khác. Những người theo chủ nghĩa cá nhân quan niệm rằng sự xâm phạm vào quyền lợi của một cá nhân hôm nay có thể là mối đe dọa với họ trong tương lai, vì thế họ có thể cùng hành động để bảo vệ quyền lợi của người bị xâm phạm quyền lợi nhằm tránh khỏi mối đe dọa bị hành xử tương tự. Đó là lý do những tổ chức nhân quyền tiến bộ nhất trên thế giới không nằm ở các nước vẫn còn tư duy của chủ nghĩa tập thể như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ mà lại tọa lạc ở những nước có chủ nghĩa cá nhân mạnh như Hoa Kỳ (Human Rights Watch), Anh Quốc (International Amnesty), New Zealand (Human Rights Measurement Initiative).

Trong khi phương Tây ngả hẳn về chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa phóng khoáng - những chủ nghĩa nền tảng đã định hình Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát và cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự thăng tiến dân chủ và thành công của nhiều nước, các nước phương Đông có vẻ không được may mắn vì ít nhiều chịu ảnh hưởng từ văn hóa Khổng giáo độc hại của Trung Quốc. Tuy chủ nghĩa dân tộc/quốc gia ít nhiều đã nảy mầm ở các nước phương Đông từng là thuộc địa của các nước phương Tây khi họ được chính những kẻ thực dân giáo dục và truyền bá tư tưởng, những trí thức phương Đông mà điển hình là Trung Quốc và Việt Nam lại tìm thấy sức hấp dẫn và lãng mạn nằm ở tiếng thét đấu tranh giai cấp hơn là tinh thần yêu nước. Chủ nghĩa cộng sản - với chủ trương xóa bỏ giai cấp, quốc gia, sự khác biệt chính trị, nền kinh tế thị trường và thiết lập trật tự bình đẳng trên tất cả các vấn đề xã hội - được đặt trên bảy chủ nghĩa nền tảng là chủ nghĩa duy vật (niềm tin cho rằng những hiện tượng vật lý là có thật còn những niềm tin cho rằng thế giới duy tâm có thật là vô nghĩa; chủ nghĩa này cũng không coi trọng những giá trị đạo đức, niềm tin của con người), chủ nghĩa xã hội (ý tưởng chung là nhà nước nên được mở rộng để đảm bảo mọi công dân được phân phối thành quả lao động bình đẳng và nhà nước nên kiểm soát nền kinh tế của quốc gia thông qua khu vực công), chủ nghĩa cộng đồng (chủ nghĩa cộng đồng chủ trương cộng đồng có quyền áp đặt suy nghĩ, giáo huấn tư duy, và cải tạo tư tưởng lên từng cá nhân và ép các cá nhân phải theo khuôn mẫu của cộng đồng dù cá nhân đó có những điểm khác biệt so với cộng đồng), chủ nghĩa tập thể (chủ nghĩa này được vận dụng trong việc ra quyết định nội bộ của các đảng cộng sản nhưng dần suy thoái trước cá nhân nắm quyền lực tuyệt đối, chủ nghĩa này cũng được vận dụng trong sinh hoạt kinh tế), chủ nghĩa dân túy (đề ra và/hoặc nêu những giải pháp đơn giản nhưng sai bản chất để thuyết phục dân chúng rằng những giải pháp đó có thể giải quyết những vấn đề phức tạp và sau đó là kích động dân chúng đi theo phong trào chính trị dân túy), chủ nghĩa bộ lạc (thiết lập một nhà nước chuyên chính vô sản với một cá nhân nắm quyền lực tuyệt đối để giải quyết mọi vấn đề xã hội trước khi tiến lên hình thái vô chính phủ), và chủ nghĩa khủng bố (tìm diệt và tích cực đấu tố những người, giai cấp bất đồng chính kiến hay bị đảng cộng sản nghi ngờ lòng trung thành, luôn tạo không khí sợ hãi và yếm thế trong quần chúng).

Trái ngược với những gì người Marxist thường tuyên truyền, chủ nghĩa cộng sản không phải là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội cũng không đảm bảo việc tiến lên chủ nghĩa cộng sản thành công vì làm sao một loại chủ nghĩa chủ trương chính phủ mở rộng lại tiến hóa (một cách đột ngột) thành một loại chủ nghĩa chủ trương chính phủ tiêu biến ? Một xã hội đã quen với sự sắp đặt của chính phủ sẽ trở nên hỗn loạn khi chính phủ của xã hội đó không còn. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là một sản phẩm chắp vá của Marx (lấy ý kiến từ chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa xã hội) và Lenin (vận dụng các ý tưởng từ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bộ lạc và chủ nghĩa khủng bố). Marx đóng góp tư tưởng bạo động cho phong trào vô sản quốc tế còn Lenin đóng góp cách thức cướp chính quyền, xây dựng và bảo vệ một nhà nước khủng bố để các nước cộng sản noi theo. Mặt khác, chủ nghĩa cộng sản cũng có thể được xem là một loại chủ nghĩa có tính chất tôn giáo vì nó có :

1) thuyết mạt thế về viễn cảnh lý tưởng không giai cấp, không bóc lột và lời hứa cứu rỗi giải phóng con người khỏi những khổ đau ;

2) thánh kinh của chủ nghĩa cộng sản là "tuyên ngôn cộng sản" và "tư bản luận" đóng vai trò hướng dẫn tín đồ cộng sản hành động ;

3) ba vị thánh là Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin được các tín đồ ngưỡng mộ và tôn sùng ;

4) hệ thống truyền đạo là các cơ quan tuyên giáo của các đảng cộng sản ;

5) các tổ chức xã hội là cánh tay nối dài của đảng cộng sản, đảm bảo các cộng đồng tín đồ phải ngoan đạo và được lập ra nhằm khỏa lấp các nhu cầu xã hội của tín đồ, tránh tín đồ gia nhập các tổ chức xã hội, chính trị khác ;

6) các tín đồ tin vào thực hành "kinh bang tế thế, cứu độ chúng sanh" để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho dân chúng dù chỉ là ảo tưởng ;

7) chủ nghĩa cộng sản có nhiều trưởng phái đa dạng từ chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Trotsky cho đến tư tưởng chủ tịch Mao, tư tưởng chủ tịch Hồ Chí Minh ;

8) căm ghét đối lập như căm ghét các loại quỷ ma bàng môn tà đạo, và gọi đối lập là "thế lực thù địch", cũng như phê phán các tôn giáo khác giống như thực hành thường thấy ở các tín đồ tôn giáo ;

9) với chủ trương cải tạo xã hội và con người, chủ nghĩa cộng sản tác động sâu rộng trong đời sống hàng ngày của tín đồ, định hình cách tư duy và hành động của tín đồ ;

10) các tín đồ thường tổ chức các nghi lễ duyệt binh, diễu hành, kỷ niệm, biểu tượng là búa liềm, xây dựng tượng đài của các vị thánh cộng sản với mục đích thu hút nhiều tín đồ tiềm năng khác.

Với một loại chủ nghĩa độc hại và bạo lực, thật xấu hổ khi ông Hồ Chí Minh đã thể hiện những cảm xúc sau khi đọc luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa như sau : "Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo : 'Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta !'". Có thể ông Hồ Chí Minh ban đầu chỉ muốn giải phóng dân tộc, nhưng sau khi đảng của ông cướp và nắm được chính quyền, ông thể hiện bản thân là một kẻ thèm khát quyền lực và khao khát được tôn sùng. Ông đã ra lệnh cấp dưới tìm diệt các đảng phái quốc gia ngay khi Việt Minh nắm quyền, đã cố gắng xóa bỏ dấu vết về việc bản thân từng tham gia Hội Tam Điểm, đã cướp bóc vàng bạc của dân chúng thông qua "tuần lễ vàng", đã tiến hành cải cách ruộng đất miền Bắc với những hậu quả không thể vãn hồi, đã cố gắng bịt miệng những phụ nữ đã sinh con cho ông, đã gieo hạt giống đỏ lên các thiếu nhi cả hai miền Việt Nam.

Những tội ác của Hồ Chí Minh không thể kinh tởm hơn trong mắt người có một chút lương tri và đạo đức. Ấy thế mà khi đảng của ông kích động lên những tiếng gào thét đấu tranh giai cấp, giết những người đồng bào trong cùng một nước, các trí thức Việt Nam thời đó lại hăng hái ủng hộ và ủng hộ một cách cuồng nhiệt như những tín đồ mất khả năng nhận thức trong một giáo phái tôn giáo. Điều đó còn đáng xẩu hổ hơn việc ông Hồ Chí Minh khóc lên vì sung sướng sau khi đọc xong luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Nó cho thấy trí thức Việt Nam thời đó không những thiếu kiến thức mà còn thiếu cả đạo đức, lương tri và tinh thần quốc gia. Tội du nhập chủ nghĩa cộng sản vào nước Việt Nam của ông Hồ Chí Minh là một thì tội của các trí thức đã ủng hộ nó là mười, họ đã không chuẩn bị tư tưởng chính trị cho một sự thay đổi lớn của đất nước, họ đã ngủ quên trong các áng văn chương, thơ tình ướt át, họ đã đồng lõa đối với vô số tội ác của đảng cộng sản và khiếp hồn vì sợ hãi những tội ác ấy. Họ đã góp phần giúp đảng cộng sản tồn tại và tiếp tục cai trị bằng sự vô lý lên đầu những người dân thấp cổ bé họng. Lịch sử mà hậu thế được biết sẽ không khoan nhượng cho họ vì họ đã góp phần lựa chọn một chủ nghĩa sai lầm, phản văn minh cho Việt Nam cho dù họ có biện luận loanh quanh rằng sự lựa chọn chủ nghĩa "đã sai te tua từ đại hội Tours".

(Còn tiếp)

Thiên Cầm

(14/7/2024)

Quay lại trang chủ
Read 1739 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)