Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/09/2024

Bão Yagi gây tang thương và chết chóc cho Việt Nam

Nhiều nguồn tin

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thành kính chia buồn cùng những gia đình có người thân bị thiệt mạng và bị thương trong cơn bão số 3 (Yagi).

Xin được chia sẻ nỗi đau cùng với những gia đình bị cơn bão số 3 gây thiệt hại về tài sản và mùa màng, và kính mong sớm hồi phục.

Kính,

Thay mặt Ban biên tập Thông Luận,

Nguyễn Văn Huy

thanhkinh1

********************************

 

Hơn 140 người chết và mất tích, hàng trăm người bị thương

RFA, 10/09/2024

Bão Yagi (còn gọi là cơn bão số 3) vừa tràn qua các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào ngày 7/9 vừa qua gây lũ lụt, sạt lở đất và đã khiến ít nhất 146 người chết và mất tích, hàng trăm người khác bị thương, theo số liệu của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến 13h00 ngày 10/9.

yagi1

Một người đàn ông đang kiểm tra tàu bị hư hại sau bão Yagi ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hôm 8/9/2024 - Nhac Nguyen / AFP

Trong số này, có 82 người chết, 64 người mất tích. Các địa phương có nhiều người chết và mất tích nhất là Cao Bằng với 55 người, Lao Cai – 30 người, Yên Bái – 28 người.

Truyền thông Nhà nước cho biết, lũ lớn ở Thái Nguyên khiến hàng nghìn hộ dân mắc kẹt. Riêng tại tỉnh Cao Bằng, lũ cuốn và sạt lở đất đã khiến 18 người chết và 37 người mất tích.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào tối ngày 9/9 cho thấy bão, lũ đã khiến 746 người bị thương, trong đó Quảng Ninh có 536 người, Hải Phòng có 81 người và Hà Nội có 10 người.

Lũ tại những con sông lớn ở miền Bắc đã lên đến mức lịch sử hoặc cao hơn mức lịch sử, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Cụ thể là các sông Thao ở Lào Cai, Yên Bái ; sông Cầu tại Lục Nam.

Chính phủ cảnh báo, từ nay đến ngày 11/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ sẽ còn xuất hiện một đợt lũ và lưu ý đỉnh lũ ở các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động hai và báo động ba, có sông trên mức báo động ba là mức cao nhất gây ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Bão lũ cũng phá hủy hàng trăm ngàn ha lúa và hoa màu, cây ăn quả ở tỉnh Quảng Ninh, làm hư hỏng gần 90.000 căn nhà ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh và Lạng Sơn, theo báo cáo mới nhất của Chính phủ.

Báo cáo của Chính phủ vào sáng ngày 9/9 cũng cho thấy có trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương bị hư hỏng, cuốn trôi. Số gia cầm bị thiệt thại ở các tỉnh này được ước tính là trên 190.000 con.

Đây chỉ là những con số ước tính bước đầu vì ở một số nơi mất điện diện rộng ở Quảng Ninh và Hải Phòng, ảnh hưởng đến nuôi tôm và chưa ước tính được số thiệt hại.

Truyền thông Nhà nước vào ngày 10/9 đưa tin cho biết ngành du lịch Quảng Ninh đang điêu đứng vì bão Yagi khi các nhà hàng, khách sạn bị đánh sập, Vịnh Hạ Long chỉ có vài chục khách nước ngoài tham quan.

Báo Thanh Niên cho biết, tại Cảng tàu Tuần Châu, hơn 20 tàu du lịch bị sóng đánh chìm. Việc trục vớt, sửa chữa sẽ tốn hàng chục tỷ đồng mà chưa biết khi nào mới hoạt động trở lại ; hầu hết các điểm tham quan đều bị bão gây hư hại, đánh gãy cây cối, ước tính thiệt hại lên đến 20 tỷ đồng.

Nguồn : RFA, 10/09/2024

***************************

Tràn ngập lời kêu cứu trên mạng từ người dân mắc kẹt trong lũ

RFA, 10/09/2024

Các tỉnh miền núi phía Bắc đang hứng chịu trận lũ lịch sử sau khi cơn bão Yagi (còn gọi là cơn bão số 3) tràn qua đây vào cuối tuần qua. Người dân bị kẹt trong lũ khẩn thiết kêu cứu trên mạng xã hội trong khi chính quyền địa phương không đủ năng lực và vật lực cứu nạn.

yagi2

Bão Yagi tàn phá các tỉnh miền Bắc Việt Nam - AFP

"Em cần cứu hộ gia đình tám người, có bốn trẻ con và người không biết bơi. Gọi cứu hộ không được máy bận thuê bao mãi. Ở khu vực Tổ 5 Chùa Hang (Thái Nguyên) hiện tại nước đã dâng chạm nóc tầng 1 - Từ đêm qua cả nhà chưa ăn gì ngâm nước cả ngày hiện đang chờ cứu hộ. Mọi người giúp em với".

"Nhà em ở tổ dân phố Đông, phường Đồng Bẩm, có mỗi ba mẹ con, một bé 3 tuổi, một bé mấy tháng tuổi. Điện thoại hết pin, không liên lạc được, có ai kết nối giúp em được không ?"

"Em xin cứu trợ xóm Trại Bầu - Gia Sàng. Mọi người hết pin điện thoại, đèn pin cũng hết pin, nước ngập cao cũng không có nước uống, cần hỗ trợ phao, lương thực, có nhà ngập hết tầng một ạ".

yagi3

Những lời kêu cứu như thế này xuất hiện ngập tràn trên các trang mạng xã hội suốt từ đêm ngày 9/9 - rạng sáng ngày 10/10, từ người dân ở các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái… hiện đang bị kẹt trong nước lũ. 

Ông M, nhà ở huyện Lục Yên, Yên Bái nói với RFA rằng ngày 9/9, mực nước lũ lên nhanh do mưa lớn, cộng với các đập thuỷ điện xả lũ người dân khiến bà con trở tay không kịp. Nhiều xã ở tỉnh này đã hoàn toàn bị cô lập. Người dân không kịp sơ tán đã bị kẹt lại giữa biển nước :

"Lượng mưa rất là nhiều. Nó tạo nên lũ, kết hợp với một số thủy điện xả lũ. Tình hình căng lắm, chưa bao giờ tôi thấy lũ lớn như bây giờ. Nhiều xã ở trong huyện đã mất điện, mất internet, không kết nối được. Họ không kêu ra bên ngoài được".

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số tỉnh Trung du và miền phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái… từ ngày 9/9, xuất hiện một đợt lũ. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các con sông nhỏ tại khu vực miền núi phía Bắc nước lên nhanh đến mức báo động 3, cộng với tình hình mưa to, có thể dẫn tới ngập sâu và sạt lở ở các tỉnh này.

Báo động 3 là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.

Truyền thông nhà nước cho biết, sáng 9/9, lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện tăng nhanh nên có tám hồ thủy điện đang mở tổng cộng 29 cửa xả lũ. Lũ tại hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái đã vượt mức lũ lịch sử năm 1968 và 2008.

Cảnh báo lũ sơ sài

Vào ngày 8/9, báo Chính phủ cho biết bão số 3 sau khi quét qua Hà Nội vào đêm 7 và rạng sáng ngày 8/9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ chỉ cảnh báo rằng các tỉnh Tây Bắc bộ có mưa to trong ngày 8/9 và cần đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. 

Theo ông M, sở dĩ người dân lên mạng kêu cứu hàng loạt như hiện giờ chính là do công tác cảnh báo lũ sau bão và hướng dẫn ứng phó lũ của chính quyền địa phương chưa chi tiết và đúng với mức độ nguy hiểm của đợt lũ này :

"Về công tác cảnh báo thì tôi thấy là nó cũng chung chung như những cái lần khác thôi. Tức là người ta cũng không dự báo được là mưa nghiêm trọng, thiệt hại, kinh khủng như vậy. 

Cái công tác cảnh báo như vậy thì đây là một sự thất bại. Nếu mà cảnh báo tốt thì không đến mức mà người dân người ta phải chạy bão, chạy lũ rồi kêu cứu như hiện nay".

Anh T, đang sinh sống ở Hà Nội, nhưng có gia đình ở Thái Nguyên, cho biết gia đình anh cũng không lường trước được mức độ nguy hiểm của lũ khủng khiếp như vậy. 

"Gia đình bảo là không được cảnh báo chi tiết, chỉ biết là sẽ mưa do ảnh hưởng của bão. Cũng may nhà tôi ở trên cao nên không ngập nặng, điện và internet vẫn còn".

Ngày 9/9, khi báo chí đăng tin cảnh báo sẽ xuất hiện một đợt lũ sau bão từ ngày 9 đến 11/9, cảnh báo về nguy cơ ngập sâu và sạt lở tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng lúc này bà con đã không còn kịp trở tay.

Số liệu của Cục Quản lý đề điều và Phòng, chống thiên tại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính đến 22 giờ ngày 9/9, bão Yagi và hoàn lưu bão gây mưa, lũ, sạt lở đất ở miền Bắc đã khiến ít nhất 98 người chết và mất tích. Trong số này, có 72 người là do sạt lở đất và lũ quét, sáu người do lũ cuốn.

https://youtu.be/dwwackLvfLY

Cứu nạn lúng túng

Để đối phó với tình hình mưa bão, lũ và sạt lở đất ở nhiều tỉnh thành, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ vào ngày 9/9 đã có các phiên họp chỉ đạo việc cứu nạn. Báo nhà nước đưa tin, Thủ tướng chính phủ yêu cầu huy động công an và quân đội tham gia hỗ trợ. 

Ông M cho rằng việc cứu nạn cho người dân của chính quyền địa phương ở đâu ? nên nhắc lại chỗ ổng vì có chắc chỗ nào địa phương cũng vậy không ? vô cùng lúng túng :

"Rất nhiều người kêu cứu nhưng chính quyền địa phương không có phương tiện. Tôi không hiểu kiểu gì luôn. Năng lực kém cỏi, không có chuyên môn, dự báo yếu kém và tệ hại về mọi mặt mới dẫn tới tình trạng nguy cấp như bây giờ".

Trên các trang Facebook page, một số người kêu cứu cho biết họ bị kẹt cả ngày trời trên mái nhà bởi chính quyền địa phương không đủ phương tiện đường thuỷ như thuyền, cano hay áo phao để đưa người dân đến nơi an toàn.

Theo ông M, chính quyền các tỉnh ngập lụt nên liên hệ với các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc để có thể vận chuyển thuyền bè ở các tỉnh này sang Yên Bái, Thái Nguyên để ứng cứu người gặp nạn. Ngoài ra :

"Mà cũng không thấy huy động trực thăng tìm kiếm và cứu nạn người dân luôn, trong khi sân bay quân sự Yên Bái nằm ngay đó. Thật không hiểu nổi luôn".

Trưa ngày 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các lực lượng công an, quân đội tỉnh Yên Bái bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa bàn bị chia cắt, chủ động, sáng tạo tìm cách tiếp cận, trong đó có phương án sử dụng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

Nguồn : RFA, 10/09/2024

***************************

Hà Nội : nước sông Hồng lên cao, sơ tán dân, cấm các phương tiện qua cầu Long Biên, Chương Dương

RFA, 10/09/2024

Sau bão Yagi, nước sông Hồng ở Hà Nội đang dâng cao khiến nhiều nơi ở thủ đô bị ngập lụt, chính quyền phải tiến hành sơ tán khẩn cấp nhiều hộ dân trong đêm ngày 9/9 và tiếp tục di dời thêm các hộ dân vào ngày 10/9.

yagi4

Một người đàn ông đang đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống những căn nhà ngập trong nước ở Hà Nội hôm 10/9/2024. Nhac Nguyen / AFP

Truyền thông Nhà nước cho biết, vào sáng ngày 10/9, lãnh đạo Thành phố Hà Nội và các quận, huyện ven sông Hồng đã đi rà soát, đồng thời yêu cầu di dời nhiều hộ dân đến nơi an toàn.

Cụ thể, tại quận Hoàn Kiếm, có hai phường Chương Dương và Phúc Tân nằm gần sông Hồng bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính quyền thành phố trong ngày 10/9 đã yêu cầu di dời 130 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu.

Thông tin và hình ảnh từ truyền thông trong nước cũng cho biết nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị ngập lụt sau bão khiến người dân đi làm vào sáng ngày 10/9 "phải bất lực quay về".

Chính quyền Hà Nội vào ngày 10/9 cũng ra cảnh báo đối với những cây cầu lớn trong thành phố bắc qua sông Hồng bao gồm cầu Chương Dương và cầu Long Biên.

UBND Thành phố Hà Nội vào ngày 10/9 đã quyết định cấm toàn bộ các phương tiện qua cầu Long Biên từ 15 giờ cùng ngày để đảm bảo an toàn vào khi lũ sông Hồng lên mức báo động một (cấp thấp nhất trong ba mức báo động). Các phương tiện không thể đi qua cây cầu xây từ thời Pháp vào năm 1898 được yêu cầu chuyển sang các cây cầu khác.

Bắt đầu từ sáng ngày 10/9, chính quyền Hà Nội cũng bắt đầu hạn chế các phương tiện giao thông đi qua cầu Chương Dương do nước sông chảy xiết, theo truyền thông trong nước.

Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, ôtô du lịch trên chín chỗ, ôtô tải trên 0,5 tấn chạy trên cầu Chương Dương qua sông Hồng từ 8h30 do lo ngại mất an toàn.

Vào ngày 9/9, Ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát các cầu vượt sông, nghiêm cấm phương tiện đi qua các cầu yếu.

Thông tin này được đưa ra sau khi cầu Phong Châu ở Phú Thọ vào sáng ngày 9/9 đã bị sập sau bão Yagi khiến 13 người bị rơi xuống sông.

Nguồn : RFA, 10/09/2024

****************************

Vụ sập cầu Phong Châu : 'Cứ nghĩ là mình chết rồi'

BBC, 10/09/2024

"Nếu rơi xuống nước thì chắc là chết rồi vì mình không biết bơi. Nghĩ tới đó là rùng mình, không biết hai đứa con nhỏ sẽ sống thế nào", anh Nguyễn Minh Hải kể.

yagi5

Anh Nguyễn Minh Hải rơi xuống trụ cầu Phong Châu

Gần cuối buổi sáng ngày 9/9, anh Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, vừa đi làm lại mái tôn cho mấy trường học bên huyện Lâm Thao.

Trên đường về nhà, anh chạy xe qua cầu Phong Châu. Đấy là lần thứ tư trong ngày hôm đó anh đi qua cây cầu này.

Thế rồi, trong khoảnh khắc không ngờ nhất, biến cố đã xảy ra.

yagi6

Phương tiện anh Hải đang điều khiển chỉ cách đoạn cầu không sập khoảng 1-2 mét thì tai nạn xảy đến

Nếu cầu Phong Châu sập muộn hơn chỉ khoảng 3 giây thôi, có lẽ anh Hải đã không rơi xuống. Còn nếu cầu sập sớm hơn vài giây, thì...

Anh Hải không dám hình dung điều gì sẽ xảy đến nếu anh đi chậm hơn, hoặc cầu sập sớm hơn, vài giây.

Lúc bấy giờ anh đang chở đồng nghiệp là anh Bùi Quý Trọng, 32 tuổi, trên đường từ nơi làm tại huyện Lâm Thao về lại nhà ở huyện Tam Nông.

Họ chạy xe chầm chậm qua cầu. Và rồi, khoảnh khắc sinh tử đã xảy đến vào lúc 10 giờ 2 phút buổi sáng ngày 9/9.

"Đi đến gần hết cầu thì có một xe tải lớn đi theo hướng ngược lại. Tôi nghe tiếng rầm rầm lại nghĩ là tiếng xe tải phanh. Nhưng chỉ chốc lát sau, cây cầu sập xuống".

"Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi không thể phản xạ kịp".

Anh Hải, anh Trọng cùng xe máy rơi xuống. Cùng với họ là 8 người khác đang lưu thông trên cầu vào thời điểm ấy.

Rất may, anh Hải cùng anh Trọng rơi trúng trụ cầu bên dưới.

"Rơi xuống, mình vẫn còn ngơ ngác, vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Định thần lại, mình mới biết là mình vẫn còn sống. Quay lại nhìn đoạn cầu thì thấy tất cả đã bị dòng nước cuốn trôi. Không còn gì nữa rồi", anh Hải nhớ lại.

Trong khi anh Hải đang loay hoay, anh Trọng phía sau hét :

"Mày ngồi gọn vào, [lỡ] có xe ở trên rơi xuống lại đè vào mình đấy".

yagi7

Cầu Phong Châu sập vào khoảng 10 giờ 2 phút sáng ngày 9/9

Đi trước xe của anh Hải một đoạn là chiếc taxi của anh Ngô Tuấn Hùng, trong xe khi đó còn có vợ anh. Anh Hùng may mắn hơn anh Hải khi đã qua khỏi cầu.

"Mình ngồi trong xe hơi nên không nghe thấy gì. Chỉ thấy hai bên đường xôn xao nên mình quay lại thôi. [Lúc ấy] dân đổ ra đông lắm. Mình cũng hú hồn, may mà thoát nạn", anh Hùng nhớ lại sự kiện ngày 9/9.

Quay lại, anh Hùng thấy người dân tập trung lại, người thì giục nhau gọi lực lượng chức năng, người thì hô hào tìm cách cứu những người bị rơi xuống dưới.

"[Mọi người] kêu ầm lên bảo cứu người. Nhưng mà nói thật là dòng nước như thế chỉ lực lượng chức năng mới dám thôi. Nước nó [xiết] như thế cơ mà", anh Hùng nói với BBC News Tiếng Việt vào sáng 10/9.

Theo anh Hùng, chỉ khoảng vài phút sau thì lực lượng chức năng xuất hiện yêu cầu mọi người tránh xa khỏi khu vực cầu Phong Châu.

May mắn thoát nạn, nhưng cả anh Hùng và vợ vẫn một phen hú vía. Vợ anh "vã hết mồ hôi, đến hôm nay mới hoàn hồn".

"Hôm qua, hai vợ chồng đứng thất thần mãi rồi mới chạy xe về", anh Hùng chia sẻ.

yagi8

Lực lượng công an tham gia cứu hộ cứu nạn tại cầu Phong Châu, ảnh chụp ngày 9/9 - Công an tỉnh Phú Thọ

Sau khi rơi xuống chân trụ cầu, anh Hải và anh Trọng mất một lúc mới lấy lại được sự bình tĩnh.

"[Lúc ấy] người dân người ta ra rồi họ bảo là ‘ô, ở đây vẫn còn người', rồi người ta kéo lên. Người dân kéo lên thì mới lên được chứ mình không tự lên được, vì khoảng cách tới chừng 3 mét".

Không có dụng cụ cứu hộ, anh Hải bám vào trụ cầu, cố gắng leo lên rồi đưa tay và được người dân kéo lên.

Lên được bên trên rồi, anh Hải quyết định chưa gọi cho gia đình vì không muốn mọi người lo lắng. Ngồi vài phút, xe cứu thương đưa anh Hải vào Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.

"Mình vào bệnh viện rửa vết thương rồi mới gọi cho gia đình bảo là mình ổn, không có gì đáng ngại".

Anh Hải và anh Trọng đều chỉ bị xây xát và bầm ở một vài chỗ.

"Gặp lại gia đình mình nghĩ là cuộc sống vô thường quá. Còn sống còn thở thì phải yêu thương nhau, chứ đừng đến lúc chết rồi mới thương tiếc. Sống nay chết mai, như cái sự cố sập cầu này, ai mà nghĩ ra được", anh Hải chia sẻ cảm giác khi cuối cùng cũng gặp lại gia đình.

Vào thời điểm chia sẻ câu chuyện với BBC, anh Hải và anh Trọng vẫn đang ở trong bệnh viện. Dù không bị thương nặng về mặt thể chất, sự việc có thể gây ra những tổn thương về tinh thần. Anh Hải nói rằng sau sự việc thì anh cảm thấy sợ khi nghĩ tới chuyện đi qua cầu.

"Chắc chắn là sợ đấy. Vì gần như là mình từ cõi chết trở về rồi. Cái tâm lý của mình cũng ghê ấy. Thoát được cái cửa tử. Nghĩ là chết rồi mình lại được sống".

Một nạn nhân khác của vụ sập cầu cũng đang được tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông là ông Phan Trường Sơn (50 tuổi).

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Sơn bị rơi hẳn xuống sông, bị nước lũ cuốn trôi 3 – 4km, rồi thoát nạn sau khi bám được vào một cây chuối và được người dân cứu lên.

"Chỉ khi đến bệnh viện tôi mới biết mình còn sống, thật sự là quá may mắn", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Sơn.

Sự cố cầu Phong Châu xảy ra vào khoảng 10 giờ 2 phút ngày 9/9.

Ngoài anh Hải, anh Sơn và anh Trọng, công an tỉnh Phú Thọ xác định còn 8 nạn nhân khác đang mất tích sau tai nạn sập cầu.

Trong số các nạn nhân có 7 người dân địa phương và 1 người ở tỉnh Đắk Nông.

Các nạn nhân gồm :

- Hà Quốc Chí (38 tuổi, trú Khu 5, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) ; phương tiện : xe xe hơi đầu kéo biển số 19H-024.19.

- Nguyễn Thị Yến (45 tuổi, trú Khu 17, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi SYM Angel biển số 19S1-086.82

- Nguyễn Hà Chi (19 tuổi, trú xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông) ; phương tiện : xe mxe hơi Honda Vision đỏ biển số 19L1-274.86

- Nguyễn Thị Lan (19 tuổi, trú Khu 18, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi Honda Vision đỏ biển số 19L1-274.86

- Dương Công Chiến (43 tuổi, trú xã Đang Phượng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) ; phương tiện : xe xe hơi đầu kéo biển số 19H - 042.12.

- Lương Xuân Thành (56 tuổi, trú Khu 1, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi mang biển 19L1-107.49

- Nguyễn Thị Hường (48 tuổi, trú Khu 1, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi biển số 19L1-107.49

- Nguyễn Thị Bích Hằng (36 tuổi, trú xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) ; phương tiện : xe mxe hơi biển số 19N1-310.61

Vụ sập cầu Phong Châu cũng đã gây gián đoạn giao thông tại tỉnh Phú Thọ.

Theo báo Thanh Niên, sáng ngày 10/9, Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2, và đại diện các đơn vị đã tới khảo sát vị trí lắp cầu phao tại khu vực gần cầu Phong Châu.

Tới 17 giờ chiều cùng ngày, chưa có thông tin về việc cầu phao đã được lắp đặt.

Sau sự cố sập cầu Phong Châu, một số cây cầu khác đã bị hạn chế hoặc cấm lưu thông.

Vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 10/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có thông báo về việc tổ chức lại giao thông, trong đó có cấm nhiều loại phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương.

Các loại phương tiện bị cấm gồm : xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ, xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn. Riêng xe buýt được phép hoạt động theo chiều Long Biên đi Hoàn Kiếm, hướng ngược lại không được phép.

Những xe bị cấm lưu thông có thể chuyển sang các cầu : Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long để qua sông Hồng.

Tới 15 giờ cùng ngày, chính quyền ra lệnh cấm toàn bộ người và phương tiện đi qua cầu Long Biên (Hà Nội).

Một số cầu khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh trong vùng lũ cũng bị hạn chế hoặc cấm.

Nguồn : BBC, 10/09/2024

*****************************

Người dân miền Bắc Việt Nam : "Bão Yagi mạnh chưa từng thấy"

VOA, 10/09/2024

Người dân khắp các miền bắc Việt Nam kể với VOA về sức mạnh ‘chưa từng thấy’ của bão Yagi sau khi bão và mưa lớn đã để lại khung cảnh tan hoang ở các thành thị đồng bằng, gây sạt lở, ngập lụt ở các tỉnh miền núi, trung du và thậm chí một cây cầu đã sập, theo tìm hiểu của VOA.

yagi9

Một vùng của tỉnh Bắc Giang bị nước lũ nhấn chìm do hậu quả của bão Yagi

Bão Yagi, mà Việt Nam gọi là bão số 3, đã đổ bộ vịnh Bắc Bộ và miền bắc Việt Nam vào thứ Bảy ngày 7/9 với sức gió lên đến gần 150km/h ở vùng tâm bão là Hải Phòng-Quảng Ninh và đạt trên 100km/h khi đến thủ đô Hà Nội, theo các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Thiệt hại lớn

Gió bão đã quật đổ nhiều cây xanh lớn, thậm chí có cả cây cổ thụ ở các đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long… làm tốc mái, bay mái tôn, vỡ cửa kính hàng trăm ngàn ngôi nhà. Trong khi đó, mưa lớn làm ngập lụt nhiều tuyến đường, khiến nước sông dâng cao tràn bờ nhấn chìm các khu dân cư. Ở một số tỉnh miền núi, sạt lở đất do mưa lớn đã chôn vùi người dân trong khi có người bị nước lũ cuốn trôi, theo tường thuật của truyền thông trong nước.

Đến sáng ngày 9/9, nước lũ cuồn cuộn trên sông Hồng đã kéo đổ một trụ cầu làm sập hai nhịp chính cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ. Khi cầu sập, trên cầu có một số xe hơi và xe máy đang lưu thông, theo Tuổi Trẻ.

Tại thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Thái Nguyên, nhiều phường, xã ven sông Cầu bị ngập sâu và bị cô lập, người dân phải leo lên mái nhà chờ cứu hộ, theo trang mạng VnExpress.

Tính đến 17g ngày 9/9 con số thương vong là 71 người chết và mất tích, theo thống kê của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai được báo Lao Động dẫn lại. Đó là chưa kể 8 người mất tích trên cầu Phong Châu và 16 người trên một chiếc xe khách bị cuốn trôi ở tỉnh Lào Cai, cũng theo tờ báo này.

Các nạn nhân tử vong và mất tích do bão, bị lũ cuốn hay do bị sạt lở đất chôn vùi, trải dài khắp các tỉnh thành từ ven biển cho đến trung du và miền núi, bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang…

Về thiệt hại vật chất, đã có 1 triệu hectare rừng bị gãy đổ, trong đó Hạ Long bị gãy đổ 90% còn Hà Nội là 10%, toàn bộ nhà thấp tầng ở các địa phương bão quét qua bị tốc mái, 100.000 hectare lúa bị ngập trong đó có đến 30.000 hectare bị mất trắng, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Hồng Hiệp, thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết tại cuộc họp sáng 9/9 với các tổ chức cứu trợ quốc tế và đại sứ quán các nước. Đó là còn chưa kể đến số lượng gia súc, hoa màu, cây ăn quả và lồng bè nuôi thủy sản bị mất trong bão.

Chiều ngày 9/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chủ trì họp Bộ Chính trị để bàn cách khắc phục thiệt hại của cơn bão, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ cho biết, trong lúc chính quyền Việt Nam cũng đã kêu gọi quốc tế cứu trợ.

‘Sau bão vất vả’

Từ Hải Phòng, chủ một quán ăn ở phường Đông Hải, quận Hải An, cho biết gia đình ông đang tất bật dọn dẹp, lau chùi lại quán sau bão để có thể mở cửa trở lại.

Ông cho biết quán của ông trong bão đã bị tốc mái ‘theo từng mảng’ và ‘bay từ nhà nọ sang nhà kia’ khiến ông ‘muốn thót tim’.

"Mái nhà tốc hết. Xung quanh hàng xóm đều bị tốc hết", người chủ quán Lá chỉ nêu tên là Long nói với VOA và cho biết chi phí sửa chữa quán của ông có thể lên đến ‘cả trăm triệu’.

Theo lời ông Long thì đây là trận bão ‘lịch sử’ mà ông mô tả là ‘to nhất từ trước đến giờ’. Ông cho biết cây cối trong thành phố ‘100% ngã đổ hết, trong đó có cả cổ thụ mấy chục năm như xà cừ’.

Khi được hỏi về tình hình cuộc sống sau bão, ông trả lời : "Vất vả lắm. Điện nước đã mất 3, 4 ngày nay rồi. Đường phố cây cối đổ đầy, ngồn ngang. Nói chung cuộc sống vất vả lắm".

Hiện giờ một số công sở bị tốc mái, bị hư hại vẫn đang sửa chữa và một số trường học vẫn đang dọn dẹp nên công nhân viên vẫn chưa đi làm và học sinh vẫn chưa đi học trở lại, cũng theo lời người chủ quán ăn này. Trong khi đó, hàng hóa nhu yếu phẩm ‘khan hiếm hơn’ và ‘một tuần nữa mới trở lại bình thường’.

"Bây giờ sinh hoạt cả thành phố xe hơi đâu cũng tắc, người ta gọi xe suốt ngày đêm", ông cho biết.

Từ thành phố Thái Nguyên, ông Chiến, chủ tiệm sửa xe gắn máy Văn Chiến trên đường Hoàng Văn Thụ, nói với VOA chỉ trong hai ngày từ ngày 8/9 đến nay nước sông Cầu đã ‘dâng rất cao, nhiều vùng ngập lụt rất sâu’.

"Mưa thì gần như không có mưa, không đáng kể. Nhưng toàn nước miền ngược chảy về nhiều", ông Chiến nói và cho biết lần đầu tiên ông thấy nước sông Cầu dâng cao vượt các mốc lịch sử vào các năm 1986 và 2001.

Theo lời ông thì người dân trong vùng ngập đã bị cắt hoàn toàn điện nước trong khi nhiều người bị mắc kẹt không ra khỏi vùng lũ được. Về đi lại thì từ Thái Nguyên đi về xuôi xuống các tỉnh đồng bằng ‘thì vẫn được’, nhưng đi ngược lên các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Bắc Cạn thì ‘bị tắc không đi được’.

Ông kể bên ngoài ‘hối hả đi cứu trợ’ và ‘tàu, thuyền, ca nô đi cứu trợ rất nhiều để đưa lương thực, thực phẩm đến cho người dân bị mắc kẹt’.

Hiện giờ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, học sinh dù vừa mới khai giảng năm học mới đã nghỉ học còn công nhân viên chức cũng nghỉ làm, cũng theo lời người chủ tiệm sửa xe này.

Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chủ tiệm bánh mì Thắng Lợi ở phường Hà Tu cho VOA biết nhà ông chỉ một hư hại nhẹ do mái tôn bị tốc trong cơn bão mà ông mô tả là ‘to nhất mà tôi chứng kiến từ bé đến giờ’.

Bên cạnh cây cối ngã đổ vẫn còn chưa đốn xong, người chủ tiệm bánh mì không cho biết danh tính này nói bão còn quật đổ rất nhiều cột điện mà ‘không biết bao giờ mới khắc phục được’.

"Chưa có điện thì chưa làm được gì cả. Tất cả đều ngưng hoạt động. Mất điện là chịu chết", ông nói. (9 :30)

Còn tại Hà Nội, người dân ở đây cũng cho biết trong ký ức của họ, họ chưa từng thấy có cơn bão nào mạnh như bão Yagi.

Bà Nguyễn Thị Chiên, chủ cửa hàng hoa quả ở số 46 Hàng Gai ngay giữa phố cổ, cho VOA biết nhà bà nằm trong một dãy 4 căn nhà bị gió bão làm nghiêng sang một bên, bây giờ đã bị chính quyền niêm phong không cho ra vào vì sợ nguy sập đổ.

"Chắc là phải xây lại thôi chứ không thể khắc phục được", bà Chiên nói và cho biết hậu quả lớn nhất của bão ở Hà Nội là ‘mất cây xanh’.

"Tôi từ bé đến lớn, những người già tính đến nay đã 70 tuổi người ta bảo là chưa thấy trận bão nào để lại hậu quả mà cây xanh của Hà Nội, những cây sưa, những cây đa cổ thụ của ngày xưa gần như bị bật gốc siêu nhiều", bà nói.

Về cuộc sống tại Hà Nội, bà cho biết giữa phố cổ không hề có chuyện khan hiếm nhu yếu phẩm và chính quyền đã tranh thủ ngày chủ nhật để dọn dẹp lại sau bão nên đến thứ hai ‘mọi thứ gần như đã trở lại bình thường’.

"Hôm qua di chuyển còn khó khăn, nhưng đến hôm nào phường nào phường nấy đã huy động tất cả mọi người từ công an, bộ đội, sinh viên tình nguyện, dân thường để dọn dẹp cho xong".

Nguồn : VOA, 10/09/2024

***************************

Bão Yagi suy yếu sau khi làm hàng chục người chết ở Việt Nam, Trung Quốc và Philippines

Reuters, VOA, 09/09/2024

Bão Yagi, cơn bão mạnh nhất Châu Á trong năm nay, đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hôm 8/9, sau khi tàn phá miền bắc Việt Nam, đảo Hải Nam của Trung Quốc và Philippines, cướp đi sinh mạng của hàng chục người, theo các báo cáo sơ bộ.

yagi10

Một bến tàu tại Quảng Ninh tan hoang sau bão số 3. Ảnh : Thu Báu (Lao Động)

Cơ quan khí tượng của Việt Nam hôm 8/9 thông báo rằng cơn bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn cảnh báo về nguy cơ lũ lụt và lở đất tiếp diễn trong khi cơn bão, được coi là mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong nhiều thập kỷ, di chuyển về phía tây.

Hôm 7/9, Yagi đã gây mất điện và gián đoạn viễn thông tại thủ đô Hà Nội, gây ra lũ lụt trên diện rộng, khiến hàng nghìn cây xanh bị đổ và phá hủy nhà cửa.

Chính phủ thông báo rằng cơn bão đã khiến ít nhất ba người thiệt mạng tại Hà Nội, một thành phố có 8,5 triệu dân. Tuy nhiên, đây chỉ là con số sơ bộ.

Theo các báo cáo, cho đến nay đã có 14 người tử vong ở Việt Nam, bao gồm bốn người tử vong do lở đất ở tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 100 km về phía nam.

Một người đi xe máy 53 tuổi đã tử vong sau khi bị cây đổ đè ở tỉnh Hải Dương, truyền thông nhà nước đưa tin. Ít nhất một thi thể được tìm thấy trên biển gần thành phố ven biển Hạ Long, nơi có hàng chục người mất tích trên biển, và các hoạt động cứu hộ dự kiến sẽ bắt đầu hôm 8/9 khi điều kiện thời tiết cho phép.

Sau khi đổ bộ vào Việt Nam vào chiều 7/9, Yagi gây ra những con sóng cao tới 4 mét ở các tỉnh ven biển, dẫn đến tình trạng mất điện và viễn thông kéo dài, khiến việc đánh giá thiệt hại trở nên phức tạp, chính phủ cho biết.

Cơ quan khí tượng cảnh báo về "nguy cơ lũ quét tiếp tục xảy ra gần các con sông và suối nhỏ, và lở đất trên các sườn dốc ở nhiều nơi ở vùng núi phía bắc" và tỉnh ven biển Thanh Hóa.

Sự bình yên tương đối đã trở lại sáng 8/9 tại Hà Nội, nơi chính quyền đã nhanh chóng dọn dẹp các con phố bị chặn vì cây đổ nằm rải rác khắp trung tâm thành phố và các khu phố khác.

Sân bay quốc tế Nội Bài của Hà Nội, sân bay bận rộn nhất miền Bắc Việt Nam, đã mở cửa trở lại hôm 8/9 sau khi đóng cửa vào sáng 7/9.

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ chính quyền địa phương, Yagi đã cướp đi sinh mạng của bốn người trên đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc.

Văn phòng phòng vệ dân sự tại Philippines, quốc gia đầu tiên mà Yagi đổ bộ sau khi hình thành vào tuần trước, đã nâng số người chết tại đó lên 20 hôm 8/9 từ 16 và cho biết vẫn còn 22 người mất tích.

Nguồn : VOA, 09/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, BBC, VOA
Read 1361 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)