Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

14/10/2024

Tô Lâm và Phạm Minh Chính giảm nhẹ vụ ngư dân Quảng Ngãi bị hành hung ?

Trần Hiếu Chân

Có phải Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi bấy giờ có thái độ kiên quyết và mạnh mẽ hơn so với Tô Lâm và Phạm Minh Chính hiện nay, trước những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam ?

xoadiu1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường dự cuộc họp với Tổng bí thư - Chủ tịch Tô Lâm tại Hà Nội hôm 12/10/2024 – Luong Thai Linh / EPA POOL / AFP

--------------------------------

Tối 12/10/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng (Hà Nội), Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường (1).

Trước đấy một hôm, ngày 11/10/2024, tại Bắc Kinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Lương Cường cũng hội kiến Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (2).

Chưa bao giờ các chuyến thăm cấp cao lại nối tiếp nhau như hai chuyến thăm vừa diễn ra. Theo logic và thông lệ ngoại giao, hiếm có nguyên nhân hợp lý nào cho sự chồng lấn này. Điều khiến dư luận có phần còn bất ngờ hơn, tại cả hai cuộc hội kiến cấp cao nói trên, ít nhất là trên báo chí công khai, dường như không thấy bên nào nhắc đến thái độ bất bình trước đó của Hà Nội về những hành động của Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền và quyền lợi của ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua (3). 

Chỉ trong cuộc hội đàm với Bí thư Ban bí thư Thái Kỳ, Thường trực Ban bí thư Lương Cường mới đề nghị hai bên kiểm soát và giải quyết tốt các vấn đề khác biệt trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, hữu nghị, tập trung giữ ổn định tình hình trên biển, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS-1982) (4).

Tại các cuộc hội kiến cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cả hai bên, bao gồm Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính, dường như đã giảm nhẹ sự cố trên biển thuộc chủ quyền Việt Nam có thể xuất phát từ những lý do phức tạp và chiến lược. Trong các chuyến thăm của "hai ông Cường" – tức Thủ tướng Lý Cường và Thường trực Ban bí thư Lương Cường – diễn ra sau khi Việt Nam đã công khai lên án hành vi tấn công ngư dân Quảng Ngãi, Bắc Kinh đã thể hiện rõ thái độ "vừa đấm vừa xoa" (5).

Điều đáng chú ý là báo chí Việt Nam đã không đưa tin rộng rãi về chuyến công du của Bí thư Lương Cường tới Trung Quốc, cho thấy có thể có một số động thái ngoại giao kín đáo và nhạy cảm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trong cuộc hội đàm giữa ông Lương Cường và ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa như điểm tương đồng cốt lõi giữa hai quốc gia. Ông Tập cũng kêu gọi việc tăng cường trao đổi tư tưởng, hợp tác trong việc "định hướng dư luận", nhằm củng cố sự ủng hộ từ phía người dân (6). Tuyên bố này không chỉ phản ánh mục tiêu củng cố quyền lực nội bộ của Đảng cộng sản Trung Quốc mà còn thể hiện sự mong muốn ổn định quan hệ song phương từ phía Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh căng thẳng đang âm ỉ ở Biển Đông.

Hiếm khi Tổng bí thư - Chủ tịch nước Đảng cộng sản Trung Quốc lại chú trọng đến "định hướng dư luận" và "sự ủng hộ của người dân" trong mối quan hệ Trung – Việt. Chắc hẳn, ông Tập hiểu rất rõ sự phẫn nộ của hàng triệu người dân Việt Nam trước những hành động tấn công tàn bạo của lực lượng chấp pháp Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam. Vụ việc lực lượng Trung Quốc, từ hai tàu lớn thả xuống ba ca nô, đã rượt đuổi và tấn công các tàu cá ngư dân Quảng Ngãi ngay tại quần đảo Hoàng Sa khiến 10 ngư dân bị thương, là minh chứng cho sự cố ý leo thang căng thẳng từ phía Trung Quốc.

Bắc Kinh thừa biết, nếu sự phẫn nộ của người dân Việt Nam đối với lực lượng chấp pháp Trung Quốc lan rộng và chuyển hướng chỉ trích về phía chính quyền Hà Nội, thì các khẩu hiệu như "bốn tốt", "mười sáu chữ", "6 hơn" hay "tương lai cùng chia sẻ" sẽ trở nên rỗng tuếch và mất giá trị trong lòng người dân. Chính quyền Hà Nội sẽ đứng trước áp lực lớn khi phải lựa chọn giữa việc duy trì quan hệ với Trung Quốc để đảm bảo lợi ích kinh tế và ngoại giao, hoặc phải đối mặt với sự bất mãn của công chúng ngày càng dâng cao. Những vụ việc như tấn công ngư dân không chỉ làm tổn thương lòng tự hào dân tộc mà còn có thể tạo ra nguy cơ bất ổn trong lòng xã hội Việt Nam. Liệu Hà Nội có thể tiếp tục "đối thoại hòa bình" mà không đánh mất lòng tin của người dân ?

Theo BBC, cổng thông tin điện tử của chính quyền Bắc Kinh dẫn lời ông Tập Cận Bình rằng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng trong thế kỷ qua, Trung Quốc và Việt Nam cần duy trì định hướng chính trị chung và kiên quyết nắm bắt quan hệ Trung – Việt từ góc độ chiến lược để bảo đảm quan hệ song phương phát triển đúng hướng (7). Điều này cho thấy, Bắc Kinh đòi hỏi Hà Nội phải duy trì mối quan hệ hữu nghị, bảo đảm các lợi ích của Trung Quốc tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chung, và phải công khai chính sách này nhằm làm yên lòng chính quyền Trung Quốc. Từ góc độ ấy, có thể hiểu rằng Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm có phần muốn làm dịu đi sự việc hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc tấn công vào ngày 29/9. Hoàn cảnh lần này có khác với vụ Giàn khoan 981. Khi đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì về tính nghiêm trọng và những tác động tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến quan hệ song phương Việt – Trung và tình hình khu vực (8). 

Phải chăng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thời điểm ấy có lập trường kiên quyết và mạnh mẽ hơn so với cách tiếp cận của Tô Lâm hiện nay trước những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với Việt Nam ?

Không chỉ Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, mà ngay cả Thủ tướng Phạm Minh Chính trong hội đàm với Thủ tướng Lý Cường vào sáng ngày 13/10 tại Hà Nội cũng không đề cập đến sự cố liên quan đến ngư dân Quảng Ngãi. Trong buổi hội đàm, Phạm Minh Chính và Lý Cường đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa hai nước. Đáng chú ý, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 10 thỏa thuận, trong đó có những văn kiện liên quan đến kết nối đường sắt, nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, và triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR. Cũng trong buổi hội đàm, hai bên tuyên bố chính thức đưa vào vận hành khu cảnh quan thác Bản Giốc – Đức Thiên từ ngày 15/10 (9). Điều này khiến dư luận trong nước đặt câu hỏi về lập trường của các nhà lãnh đạo Việt Nam trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Việc cả Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính không lên tiếng công khai về sự cố Trung Quốc tấn công ngư dân Quảng Ngãi có thể xuất phát từ những toan tính ngoại giao phức tạp trong bối cảnh hiện nay. Với Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, việc giữ quan hệ ổn định và tránh xung đột leo thang có thể là một ưu tiên.

xoadiu0

Việc cả Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính không lên tiếng công khai về sự cố Trung Quốc tấn công ngư dân Quảng Ngãi có thể xuất phát từ những toan tính ngoại giao phức tạp trong bối cảnh hiện nay.

Theo các nguồn tin nội chính, nhà chức trách Việt Nam có thể nhận định, khi Trung Quốc đã cử Thủ tướng Lý Cường sang Hà Nội với thái độ "vừa đấm vừa xoa", thì Việt Nam cũng cần biết cách "rửa mặt" cho Bắc Kinh. Sau khi Hà Nội đã có thái độ cứng rắn, công khai lên án các hành vi của Bắc Kinh, và đã khơi dậy được dư luận khu vực cũng như quốc tế ủng hộ ngư dân Việt Nam, việc "xoa dịu" thay vì tiếp tục "đấm" của Trung Quốc là cần thiết.

Đặc biệt trong bối cảnh, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm vừa kết thúc "chiến dịch đối ngoại" dài ngày, trong đó khẳng định quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang tiến triển với nhiều dấu ấn đặc biệt, đồng thời nâng cấp quan hệ với Pháp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Với các bước đi này, việc duy trì mối quan hệ ổn định và cân bằng với Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn, để không làm Bắc Kinh "nóng mặt" trong bối cảnh đầy nhạy cảm về địa-chính trị. Nhất là, Việt Nam đang tăng cường mạnh mẽ về hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ, dự kiến sắp đạt được một thỏa thuận quân sự lớn nhất kể từ cuối năm 2022 (10), việc Hà Nội "đi nhẹ nói khẽ" trước Bắc Kinh là một lựa chọn chiến lược. Đây không chỉ là cách để tránh gây căng thẳng thêm với Trung Quốc, mà còn để giữ vững vị thế trong tam giác bất cân xứng Việt – Mỹ – Trung.

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 14/10/2024

Tham khảo :

(1) https://baotintuc.vn/thoi-su/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-hoi-kien-thu-tuong-quoc-vu-vien-trung-quoc-ly-cuong-20241012195445401.htm

(2) https://vtv.vn/chinh-tri/thuong-truc-ban-bi-thu-luong-cuong-hoi-kien-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tap-can-binh-20241011191126043.htm

(3) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/village-chief-disclosed-there-chinese-boats-with-30-crew-personnel-had-attacked-a-vietnamese-fishing-boat-in-the-paracels-10012024094525.html

 (4) https://tuoitre.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-luong-cuong-hoi-kien-ong-tap-can-binh-20241011205203093.htm

(5) https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-tq-tham-vn-la-vua-dam-vua-xoa-sau-khi-bi-len-an-ve-hanh-hung-ngu-dan-/7819587.html

(6 và 7) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cp8mp70r7m7o

(8) https://dangcongsan.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tiep-uy-vien-quoc-vu-trung-quoc-duong-khiet-tri-336223.html

(9) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-china-sign-10-deals-li-qiang-10132024083717.html

(10) https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/3932706/us-vietnam-deepening-defense-cooperation/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hiếu Chân
Read 297 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)