Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/10/2024

Từ giải thưởng Nobel kinh tế, nghĩ đến Việt Nam Featured

Hoàng Quốc Dũng

"Tiền là Tiên là Phật". Chẳng ai phản đối câu nói dân dã này của người Việt Nam. Nói tóm lại kinh tế quyết định tất cả. Sự thành bại của một cá nhân, của một quốc gia phụ thuộc vào kinh tế.

nobel1

Giải Nobel Kinh tế năm 2024 đã được trao cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson vì những nghiên cứu của họ về tầm quan trọng của các thể chế đối với sự thịnh vượng của các quốc gia - Ảnh : Nobel Prize

Nhưng cái gì quyết định cho sự thành bại của kinh tế ?

Câu trả lời nằm trong giải Nobel Kinh tế 2024.

Giải Nobel Kinh tế năm 2024 đã được trao cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson vì những nghiên cứu của họ về tầm quan trọng của các thể chế đối với sự thịnh vượng của các quốc gia. Họ chỉ ra rằng các thể chế dân chủ, bảo vệ quyền sở hữu và hạn chế lạm dụng quyền lực, giúp thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế lâu dài. Ngược lại, các thể chế chiếm đoạt, tập trung quyền lực và tài sản vào một số người nào nào đó thường kìm hãm sự phát triển kinh tế. Những nghiên cứu của họ được thể hiện trong cuốn sách "The origins of Power, Prosperity, and Poverty : Why Nations Fail" (Những nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo khó : Vì sao các quốc gia thất bại).

nobel2

Tôi không muốn đi sâu vào các chi tiết của cuốn sách, chỉ biết rằng cuốn sách này đã được xuất bản từ năm 2012 được dịch ra hơn 30 thứ tiếng (kể cả tiếng Việt). Cuốn sách đã có một ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và phát triển.

Đã có biết bao nhiêu bài báo, sách vở chỉ trích chế độ độc tài, nguyên nhân của sự nghèo đói và kém phát triển. Nhưng cuốn sách này là một cuốn nghiên cứu sâu rộng, khoa học với các dẫn chứng cụ thể và nó đã xứng đáng đạt giải Nobel. Như vậy, giải Nobel cũng đã chính thức vạch mặt chỉ tên độc tài.

Sự sụp đổ không thể tránh khỏi của các chế độ độc tài

Các chế độ độc tài, dù có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài, cuối cùng cũng có xu hướng sụp đổ vì nhiều lý do mang tính cấu trúc.

Về bản chất, các chế độ này không ổn định, giống như một thứ cân bằng không bền, mà đã có lần tôi đã dùng đến trong một bài viết trước đây. (Người đi trên dây là một thí dụ cân bằng không bền. Quả lắc đồng hồ là một thí dụ về cân bằng bền). Lịch sử của nhân loại đã cho chúng ta nhiều thí dụ về tính không ổn định và sự sụp đổ không tránh khỏi của các chế độ độc tài.

Một cách ngắn gọn nhất, các chế độ độc tài sụp đổ vì :

1. Điểm yếu đầu tiên là nó thiếu tính chính danh từ nhân dân, tính chính danh dân chủ. Khác với các chế độ dân chủ, các chế độ độc tài thường cướp chính quyền và duy trì quyền lực bằng bạo lực và đàn áp. Đây là những nguyên nhân gây ra bất mãn và các phong trào phản kháng của nhân dân. Khi những bất mãn này đạt đến đỉnh điểm, chế độ sẽ sụp đổ dưới áp lực của các cuộc đấu tranh, biểu tình của nhân dân.

2. Điểm yếu thứ hai của chế độ độc tài là nó tập trung quyền lực vào tay của một cá nhân hay một nhóm người. Điều này dẫn đến lạm dụng quyền lực và tham nhũng tràn lan. Thiếu sự kiểm soát và đối trọng, các chế độ này trở nên mục nát từ bên trong vì không còn ai có thể kiểm soát được ai, cho đến một lúc nào đó không còn có thể nào cứu vãn được nữa.

3. Điểm yếu thứ ba chính là điều mà giải thưởng Nobel kinh tế 2024 đã nói đến : Kinh tế kém hiệu quả. Các chế độ độc tài không thể đảm bảo được sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Tự do cá nhân bị bóp nghẹt, tự do sáng tạo sẽ bị hạn chế. Tham nhũng làm bộ máy kinh tế không thể nào hoạt động một cách bình thường.

Sự phồn thịnh hay đói nghèo của một đất nước hay một dân tộc không phụ thuộc vào vị trí địa lý, chủng tộc, tôn giáo hay sự ngắn dài của lịch sử mà là kết quả của thể chế chính trị. Nước Mỹ chỉ có hơn 200 năm lịch sử, nước ta trên 4.000 năm… nhưng cả là hai phương trời cách biệt !

Kinh tế Việt Nam có thể cứu vãn được không ?

Trong thực tế, một số đặc điểm riêng của Việt Nam (văn hóa, lịch sử, xã hội…) đã làm cho chế độ cộng sản có thể bám rễ lâu hơn so với các chế độ độc tài khác. Tôi mạo muội đưa ra một số đặc điểm sau :

1. Chế độ cộng sản không coi trọng cá nhân (trong nhân dân) và luôn luôn đề cao tính tập thể. Đặc điểm này có vẻ như hợp với người Việt Nam. Từ ngàn đời, người Việt Nam ta có truyền thống sống trong các làng xã nhỏ bé, nơi mà mọi người biết rõ nhau, thậm chí có quan hệ huyết thống với nhau và cùng hỗ trợ nhau để tồn tại. Sự đoàn kết chặt chẽ này giúp hình thành tinh thần tập thể mạnh mẽ và dễ đồng nhất với tư tưởng cộng sản, vốn coi trọng tập thể và cộng đồng hơn cá nhân. Chế độ cộng sản đã khéo léo khai thác đặc tính này, sử dụng nó như một công cụ để duy trì sự thống nhất và kiểm soát xã hội.

2. Tinh thần yêu nước và chống ngoại xâm. Người Việt Nam có truyền thống yêu nước, có lịch sử lâu dài chống lại thành công các cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Chính quyền cộng sản đã rất thành công trong việc động viên, kích động nhân dân trong các cuộc chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ. Họ khéo léo gắn kết những thành công đó với tư tưởng cộng sản, khiến nhiều người dân tin rằng Đảng với tư tưởng cộng sản là lực lượng duy nhất có thể bảo vệ đất nước trước sự đe dọa của ngoại bang. Yêu nước trở thành yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam tự nhiên trở thành một yếu tố quan trọng củng cố tính chính danh của chế độ, hóa giải được điểm yếu chí mạng của một chế độ độc tài (xem Yếu tố số 1 nêu trên).

3. Chấp nhận quyền lực từ trên xuống dưới. Nước ta là một nước nông nghiệp, phong kiến lạc hậu. Người Việt Nam quen với việc chấp nhận quyền lực từ trên xuống dưới. Ngày xưa có vua, bây giờ thì có đảng. Trong cấu trúc xã hội Việt Nam, sự tuân thủ và tôn trọng quyền lực đã trở thành một phần của văn hóa. Chính quyền cộng sản đã kế thừa và khai thác mô hình quyền lực này, áp đặt quyền lực mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Điều này khiến cho người dân có xu hướng dễ chấp nhận và ít chống đối sự cai trị từ trên.

4. Tính linh hoạt, khôn lỏi và thích nghi với hoàn cảnh. Trên đây là tôi tạm thời liệt kê một vài yếu tố có tính chất xã hội, cộng đồng, nói chung. Còn về cá nhân, người Việt có tính khôn lỏi rất cao để thích nghi với hoàn cảnh. Họ có thể chấp nhận điều chỉnh cuộc sống của mình dưới bất kỳ chế độ nào, luồn lách, tìm cái lợi riêng trong một thể chế chung tồi tệ. Người ta có thể nhắm mắt làm ngơ trước những bất công của xã hội, miễn là mình còn có lợi. Hơn nữa, trong xã hội Việt Nam, gia đình là một yếu tố hạch nhân trung tâm rất quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân. Nhiều người tìm cách sống khôn lỏi, an phận để bảo vệ an toàn cho mình và gia đình. Chế độ cộng sản cũng khéo léo lợi dụng yếu tố này để duy trì sự ổn định, thậm chí khuyến khích việc giám sát lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội.

5. Tính kiên nhẫn và sức chịu đựng. Chắc chắn chúng ta là một dân tộc có tính kiên nhẫn và chịu đựng rất cao. Nói một cách dân dã "thà đói khổ nằm nhà còn hơn là đi đấu tranh đòi hỏi một cái gì đó chống lại chính quyền".

nobel3

Bức tường Berlin, bểu tượng của độc tài và chuyên chính, sụp đổ ngày 9/11/1989 - Ảnh minh họa

6. Dân trí. Dưới đây là một đoạn trích trong báo Tiền Phong, Cơ quan trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh : "Tản Đà đã chỉ ra một vấn nạn vô cùng nặng nề và dai dẳng của dân tộc : ấy là mối quan hệ giữa dân trí với nạn quan lại tham nhũng :

Thật có hay là mắc tiếng oan

Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn !

Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn

Mặt sắt còn bia miệng thề gian

Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn

Cho nên quân nó dễ làm quan

Đào mà đào được nên đào mãi

Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An ?

(Tản Đà gợi ý cho Ngô Tiếp là nhân viên của tòa soạn "An Nam tạp chí" viết lại truyện này lấy tên là "Tờ chúc thư")

Rõ ràng dân trí của chúng ta vẫn đang là một vấn nạn khổng lồ của ngày hôm nay. Xã hội chỉ thay đổi được trước những đòi hỏi mãnh liệt của quần chúng nhân dân.

Chúng ta đã bước sang thế kỷ 21, nhưng dân trí của ta có thể vẫn ở mức độ cách đây vài trăm năm của Châu Âu.

Chế độ độc tài nào rồi cũng phải sụp đổ nhưng nếu dân trí không khá hơn thì chúng ta vẫn tiếp tục "xứng đáng được hưởng" những "thành quả" của chủ nghĩa xã hội và tiếp tục tiến tới chủ nghĩa cộng sản thiên đường.

Giải thưởng Nobel là giải thưởng quốc tế danh giá nhất dành cho những công trình nghiên cứu có những đóng góp lớn lao trong việc làm cho xã hội loài người tốt hơn. Phủ nhận các giải thưởng Nobel đồng nghĩa với phủ nhận sự tiến bộ của nhân loại.

Hoàng Quốc Dũng

(16/10/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Quốc Dũng
Read 102 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)