Hơn 3 tháng kể từ khi ông tổng bí thư Tô Lâm đề cập đến "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" lần đầu tiên trong một bài viết chính thức vào ngày 13/08/2024, hàng loạt các bài viết tiếp theo nêu ra thông điệp về "đổi mới thể chế" như là giải pháp để tiến tới "kỷ nguyên mới" đã khiến không ít người xôn xao bàn luận, trong đó có cả tâm lý hy vọng về một sự thay đổi mang tính cách mạng.
Ngày 13/8, ông Tô Lâm, trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã họp cho ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội 14 năm 2026. Ảnh minh họa : Quang cảnh phiên họp - Ảnh : TTXVN
Kể từ khi chính thức nhậm chức tổng bí thư vào ngày 3/8/2024 cho đến nay, ông Tô Lâm đã có ít nhất 25 bài viết và bài phát biểu có thể xem là quan trọng, và trong số này có đến hơn 20 bài đề cập đến cụm từ "kỷ nguyên mới". Tần suất dày đặc của cụm từ này có trong các bài viết ở mọi chủ đề, có trong các bài phát biểu ở mọi hoàn cảnh và được phụ họa bởi cả một chính quyền, như là một cố gắng truyền thông tối đa về định hướng cho một thay đổi lớn của chế độ. Tuy vậy, bức tranh đằng sau đó trái ngược hoàn toàn với những gì dư luận thấy và kỳ vọng.
Có gì trong "kỷ nguyên mới" này ?
Nếu nhìn thoáng qua cách ông Tô Lâm đề cập đến cái gọi là ba điểm nghẽn cho sự phát triển của đất nước gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, cùng với cách nhận định rằng "điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế", nhiều người sẽ có cảm tưởng rằng ông ta muốn thay đổi thể chế chính trị theo nghĩa thay đổi chế độ chính trị. Dù mọi người vẫn tỏ ra dè dặt nhưng cảm tưởng này chỉ là sự ngộ nhận.
Trái với cách nghĩ của nhiều người, ông Tô Lâm dùng từ thể chế trong các bài phát biểu để nói về "bộ máy hành chính và hệ thống pháp luật". Điểm nghẽn trong thể chế được chỉ ra là bộ máy hành chính cồng kềnh, quy trình thực thi rườm rà và một số lượng công chức lớn nhưng không hiệu quả. Chính vì vậy mà họ đang phát động chiến dịch "tinh gọn bộ máy hành chính" và sửa đổi các điều khoản của pháp luật. Như vậy, những gì mà đảng cộng sản hiện nay đang hô hào chỉ đơn thuần là những điều chỉnh hoặc cải cách rất bình thường trong cách thức tổ chức của một chính quyền để hoạt động tốt hơn mà thôi.
Nhìn vào sự nghiệp công an của ông Tô Lâm và những gì ông ta đã làm (1), không khó để chúng ta thấy rằng không thể có chuyện ông Tô Lâm chủ trương hay dù chỉ là chỉ nghĩ đến vấn đề thay đổi chế độ chính trị. Trong bài viết chính thức đầu tiên kể từ sau ngày nhậm chức, một bài viết với ý nghĩa quan trọng để thể hiện quan điểm, ông Tô Lâm đã xác nhận điều trên khi khẳng định sẽ "kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin", khẳng định "vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản". Ông ta cũng không quên cảnh giác về mối nguy đối với chế độ như "chống thế lực thù địch, đối lập chính trị, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa", nghĩa là chống lại khuynh hướng dân chủ.
Trong hơn 20 bài viết tiếp theo cũng vậy, để tiến tới "kỷ nguyên mới" đó, ông Tô Lâm luôn nhấn mạnh phải kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, không ít lần xem các tiếng nói đòi dân chủ là "thế lực thù địch" và cho rằng nguyện vọng dân chủ đa nguyên là "âm mưu thâm độc". Ông Tô Lâm có một sự hằn học và thù ghét đặc biệt đối với khát vọng dân chủ đa nguyên của dân tộc. Chúng ta cũng đừng nên quên là từ khi ông ta làm bộ trưởng Bộ Công an và cho đến bây giờ là tổng bí thư, số lượng người ủng hộ dân chủ bị bắt nhiều nhất và cũng chịu những bản án nặng nề hơn các giai đoạn trước đó.
Đằng sau "kỷ nguyên mới" của Tô Lâm
Xuyên suốt lịch sử hình thành và tồn tại, từ trong bản chất và hành động, đảng cộng sản luôn cư xử như một lực lượng chiếm đóng đối với dân tộc. Trong tất cả các cơ quan nhà nước và thậm chí là ở các xí nghiệp quốc doanh, mọi chức vụ từ cấp phó phòng trở lên phải do đảng viên cộng sản đảm nhiệm. Trong các lực lượng vũ trang như quân đội và công an thì mọi cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên đều phải là đảng viên cộng sản. Đảng cộng sản dành mọi chức vụ và quyền lợi cho một số ít những đảng viên trung thành và gạt ra bên lề phần còn lại của khối dân tộc hơn 95 triệu người.
Đằng sau "kỷ nguyên mới" của Tô Lâm là nơi lạnh lẽo nhất : nhà tù. Ảnh minh họa Trại giam số 6 thanh Chương, Nghệ An, nơi giam giữ những tù nhân lương tâm, người con ưu tú nhất của đất nước
Vì vậy, nhìn vào những hành động của đảng cộng sản, chúng ta chỉ cần nhìn kỹ vào mục đích mà họ hướng đến để hiểu những gì họ làm. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trọng tâm trong những gì mà chế độ này đang tuyên truyền và hành động là nhằm hướng về Đại hội 14 vào năm 2026, cũng là khởi điểm cho "kỷ nguyên mới" của ông Tô Lâm. Quả thật khi nhìn vào những gì mà chế độ này đang làm thì đúng là không có một nội dung nào đáng để xem là tạo ra được một thay đổi mang tính cách mạng. Nhưng nếu nhìn vào tình trạng của chế độ hiện nay và thời điểm Đại hội 14 diễn ra thì chúng ta có thể có câu trả lời.
Năm 2026 diễn ra Đại hội 14 của đảng cộng sản cũng là thời điểm đánh dấu tròn 40 năm kể từ năm 1986, năm mà họ thực hiện chính sách gọi là Đổi Mới. Thời điểm năm 1986, nội bộ đảng cộng sản phân hóa nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi làn sóng dân chủ thứ ba đang trào dâng trên khắp thế giới, làn sóng này đã làm sụp đổ các chế độ cộng sản ở Đông Âu. Lúc đó tình hình trong nước cũng trở nên nguy ngập sau những chính sách sai lầm làm tan nát đất nước về mọi mặt, với hậu quả là đã đẩy hàng chục triệu người vào cảnh đói khổ và khiến không ít người đã chết vì thiếu ăn và thuốc men. Đảng cộng sản lúc đó đã phải thực hiện "chính sách đổi mới", cách gọi này như tất cả chúng ta đã biết, chỉ để làm giảm nhẹ đi trách nhiệm của chính họ và biến sự kiện này thành một giải pháp thoát hiểm cho chế độ.
Ông Tô Lâm đã bỏ qua bối cảnh tồi tệ lúc đó và cả hiện nay, khi đem sự kiện "đổi mới" cách đây gần 40 năm để đánh dấu cột mốc cho một thay đổi lớn, từ đó khoác lên cụm từ "kỷ nguyên mới" một hình ảnh mang tính bước ngoặt như sự kiện năm 1986. Ông tổng bí thư cần tạo ra cảm tưởng về một bước ngoặt dù cho nội dung của "kỷ nguyên mới" không mang một sự đột phá nào, lý do là chế độ đang ở trong tình trạng tuyệt vọng bởi tình hình kinh tế đang trở nên nguy ngập và chính nội bộ đảng cộng sản cũng đang mất đồng thuận vì chia rẽ. Như vậy, "kỷ nguyên mới" của ông Tô Lâm thật ra là một giai đoạn mới dành riêng cho đảng cộng sản trong mong muốn tiếp tục duy trì sự tồn tại và lãnh đạo độc tôn của mình ; hoàn toàn không phải là "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" như họ gắn thêm vào để che đậy. Có thể gọi đúng hơn kỷ nguyên mới của ông Tô Lâm là "giai đoạn thoát hiểm mới" của đảng cộng sản.
Nhưng sẽ không có lối thoát
Những biến cố dồn tập từ năm 2020 đến nay, từ đại dịch Covid-19 cho đến cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đã đưa thế giới bước vào một khúc quanh lịch sử lớn, trong đó khối các nước dân chủ -cũng đồng thời là khối áp đảo cả về kinh tế lẫn quân sự- đẩy mạnh khuynh hướng cô lập các chế độ độc tài toàn trị, trong đó có chế độ cộng sản Việt Nam. Với một nền kinh tế bị lệ thuộc bởi ngoại thương với trọng lượng hơn 200% GDP, Việt Nam nhanh chóng rơi vào khủng hoảng bởi tác động của những biến cố và khuynh hướng trên. Tần suất ngoại giao cao đột biến trong hai năm 2023 và 2024, cùng những lời phát biểu có cánh mang cảm tưởng dân chủ của ông Tô Lâm như "Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại", chỉ là cố gắng lấy lòng các nước dân chủ như Mỹ nhằm nuôi hy vọng duy trì hợp tác về mặt kinh tế. Nhưng đây là một cố gắng tuyệt vọng vì các nước dân chủ không còn nhu cầu tranh thủ Việt Nam bằng mọi giá nữa nên họ vẫn có thể giao thiệp nhưng không mặn mà. Chế độ cộng sản Việt Nam cũng như các chế độ độc tài còn lại hiện nay, đang phải đối mặt với sức ép từ làn sóng dân chủ thứ tư. Làn sóng dân chủ này vẫn đang tiến tới, bất chấp những khuynh hướng co cụm ở nhiều nước vì giờ đây, dân chủ đã là đồng thuận chung của cả loài người.
Nếu chỉ đơn thuần nhìn nhận những thay đổi mà chế độ hiện nay đang hướng đến dưới góc nhìn cải cách để tốt hơn thì đây là những gì đáng ra phải làm từ lâu. Tuy vậy, những thay đổi này chỉ là những điều mà chế độ này đã phải thực hiện chỉ vì bị hoàn cảnh ép phải thực hiện. Chế độ đang đối diện với sự bế tắc -họ gọi là điểm nghẽn- với nguyên nhân cũng chính họ thừa nhận là "do chính ta", nghĩa là do chính đảng cộng sản gây ra. Sự bế tắc của chế độ cộng sản là hiển nhiên vì bản thân nó đã tích lũy quá nhiều sự mâu thuẫn đối với sự tồn tại của chính nó.
Hệ quả của tình trạng mất lý tưởng đối với chủ nghĩa Mác-Lênin trong một thời gian dài đã khiến nhóm lãnh đạo cao cấp nhất của đảng cộng sản hiện nay chỉ gồm những con người gắn bó với đảng vì lợi ích, và giờ đây chính mâu thuẫn lợi ích đã khiến những con người đó chống đối nhau. Không thể có bất kỳ một thay đổi tích cực nào, dù là nhỏ nhất, đến từ một đội ngũ không những không có khả năng mà còn đang phải lao vào một cuộc đấu đá nội bộ sống còn. Giai đoạn thoát hiểm mới mà ông Tô Lâm muốn dành riêng cho đảng cộng sản vì vậy, cũng không thể có trong tình trạng hiện nay. Nhưng đất nước và dân tộc Việt Nam thì khác.
Vẫn có giải pháp để mở ra một kỷ nguyên mới thật sự
Tình trạng nguy ngập của đất nước trong bối cảnh thế giới đầy biến động đang đặt ra những thử thách vô cùng lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp đúng đắn và những con người có đủ khả năng để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu và bế tắc. Giải pháp này, tất nhiên, không thể đến từ đảng cộng sản mà chỉ có thể đến từ ngoài đảng cộng sản.
Trần Khắc Đức trong một buổi chấp cung tại trụ sở công an Sài Gòn
Giải pháp thật ra không ở đâu xa mà còn rất gần. Đảng cộng sản vừa đưa giải pháp đó đến gần với họ hơn bao giờ hết nhưng không phải bằng cách đón nhận mà đã đưa vào nơi lạnh lẽo nhất : nhà tù. Ngày 20/09 vừa qua, công an của chế độ đã bắt giam anh Trần Khắc Đức, một người yêu nước chân chính, lý do là vì anh Đức đang mang trong mình một giải pháp cho tương lai đất nước. Trái ngược với đảng cộng sản, một đảng chỉ đại diện cho quyền lợi của riêng mình và đưa đất nước rơi tình trạng bế tắc, anh Trần Khắc Đức là một trí thức yêu nước chỉ biết đến quyền lợi dân tộc và ấp ủ một giấc mơ đưa đất nước tiến lên. Giải pháp mà anh Trần Khắc Đức theo đuổi là một đất nước Việt Nam dân chủ đa nguyên, được làm lại trong tình thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để huy động mọi con tim và khối óc, cùng nhau mở ra một kỷ nguyên mới thật sự cho tất cả mọi người Việt Nam.
Chúng ta không nên và cũng không thể trông đợi gì ở một chế độ mà tự thân nó đang là một ngoặc đơn đang khép lại. Điều chúng ta cần hướng đến là một tương lai hoàn toàn mới đang mở ra dưới chân dung của những trí thức trẻ yêu nước như anh Trần Khắc Đức, đó là một tương lai mà chúng ta nên và có thể tiến đến. Những người như anh Đức là hiện thân của một thế hệ thanh niên Việt Nam mới mà đất nước cần, một thế hệ hiểu biết những vấn đề đặt ra cho đất nước và có đủ khả năng cùng tinh thần trách nhiệm để đưa dân tộc hướng về một tương lai chung tốt đẹp hơn (2).
Tương lai đó xứng đáng cho mọi người đóng góp và cũng là tương lai cần có cho mỗi người. Và tương lai chung đó đang đến rất gần. Để góp phần thúc đẩy, mỗi chúng ta có thể hành động ngay từ bây giờ bằng cách cùng nhau lên tiếng để yêu cầu chế độ trả tự do cho anh Trần Khắc Đức, một người con ưu tú hiếm hoi đại diện cho ý chí và tình cảm còn lại dân tộc (3). Đất nước chỉ có thể bắt đầu thay da đổi thịt, dân tộc Việt Nam chỉ có thể khởi hành về một tương lai tốt đẹp hơn khi chúng ta trân trọng và hướng về những người lỗi lạc và dũng cảm như anh Trần Khắc Đức.
Kỷ Nguyên
(05/12/2024)
(1). Nguyễn Gia Kiểng :
- "Tô Lâm và những gì thật sự quan trọng", Thông Luận, 29/05/2024
- "Hiện tượng Tô Lâm và những gì cần biết", Thông Luận, 17/08/2024
(2). Trần Khánh Ân, "Em chính là ngọn lửa ấy, hiện thân của một thế hệ thanh niên Việt Nam mới", Thông Luận, 16/11/2024
(3). Việt Dân, "Trần Khắc Đức : biểu tượng của ý chí và tình cảm còn lại của dân tộc", Thông Luận, 28/11/2024.