Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tô Lâm có vẻ như đã thành công trong việc chuẩn bị để thâu tóm một nhiệm kỳ vào tháng 1/2026

tongbithu1

Các ủy viên Bộ Chính trị chúc mừng Tô Lâm, tân Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tại Hà Nội ngày 03/08/2024 – Trọng Hải

Việc Tô Lâm từ bỏ chức chủ tịch nước Việt Nam gần đây không phải là dấu hiệu của sự thất thế hay thách thức đối với khả năng lãnh đạo của ông. Đó là một bước đi hợp lý để tiến tới việc giành trọn một nhiệm kỳ Tổng bí thư Đảng cộng sản.

Trong một hệ thống vốn vẫn tự hào về cơ chế lãnh đạo tập thể, thì sự thâu tóm quyền lực nhanh chóng của Lâm trong năm qua đã khiến nhiều người trong Đảng cộng sản Việt Nam tỏ ra kinh ngạc. Từ tháng 8, Quốc hội đã phát tín hiệu rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra.

Đối với ông Tô Lâm, ghế Chủ tịch Nước chỉ là bước đệm.

Mặc dù có vẻ thích thú với chức năng ngoại giao và đã đi tới tám quốc gia trong nhiệm kỳ năm tháng ngắn ngủi của mình, và theo lẽ thường thì người đại diện của quốc gia cũng là người quyền lực nhất, thế nhưng ưu tiên hàng đầu của Tô Lâm nằm ở việc được bầu giữ trọn một nhiệm kỳ ở Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1 năm 2026.

Dù có là Tổng bí thư nhưng Tô Lâm vẫn cần sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương và ông cũng phải đối đầu với những trung tâm quyền lực khác.

So với mức độ kiểm soát mà ông Tập Cận Bình nắm đối với Đảng cộng sản Trung Quốc thì Tô Lâm vẫn còn thua xa.

Cài người vào Bộ Chính trị

Bộ Chính trị gồm 18 thành viên được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 1 năm 2021, có thời điểm đã tụt xuống mức thấp nhất là 12 thành viên. Và Tô Lâm đã tranh thủ lấp đầy các chỗ trống.

Kể từ tháng 5, đã có thêm năm ủy viên Bộ Chính trị mới được bầu, bao gồm cả Lương Tam Quang của Bộ Công an - người được Tô Lâm bảo trợ.

Trong những ngày cuối cùng trên ghế Chủ tịch Nước, Tô Lâm đã thăng hàm cho người đồng hương Hưng Yên, Lương Tam Quang, lên hàm đại tướng.

Còn Lê Minh Hưng, ủy viên mới của Bộ Chính trị, có bố là thủ trưởng cũ của Tô Lâm trong Bộ Công an, được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương chuyên trách việc bổ nhiệm các vị trí từ trung cho đến cao cấp trong Đảng.n

Mở rộng Bộ chính trị

Tô Lâm đang chuẩn bị cất nhắc thêm hai người nữa vào Bộ Chính trị, hiện đang có 15 ủy viên. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được cho là sẽ được thăng chức Phó thủ tướng tại Đại hội 14, hoặc có thể sẽ sớm hơn.

Ông Nghị thừa hưởng nền giáo dục Hoa Kỳ và là con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn dũng. Trước khi được bầu giữ chức Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã tới thành phố Hồ Chí Minh nơi ông có cuộc gặp với vị cựu Thủ tướng.

Phe miền Nam đang tỏ ra bất mãn bởi hiện tại họ thậm chí còn có ít đại diện trong Bộ Chính trị hơn bình thường, và Tô Lâm cần củng cố mối quan hệ với Nguyễn Tấn Dũng, bởi ông Dũng là một nhân vật nhiều ảnh hưởng của miền Nam.n

Người thứ hai có khả năng được bổ nhiệm là ông Trần Lưu Quang, hiện đang là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng. Ông Quang là ứng viên cho ghế Thủ tướng, nên việc bổ nhiệm này nhẽ ra phải được thực hiện từ trước.

Việc bổ nhiệm hai ông Nghị và Quang rõ ràng có lợi về mặt chính trị cho Tô Lâm, ngoài ra, động thái này còn có lý do chính đáng về mặt kinh tế, bởi Bộ Chính trị hiện thời đang thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Tô Lâm hiểu rõ tính chính danh của đảng cầm quyền phụ thuộc vào sự hiệu quả trong điều hành đất nước.

Ông ta đang không chỉ cài thêm người vào Bộ Chính trị, mà còn đưa những người thân tín, đặc biệt là những người đồng hương Hưng Yên của ông ta, vào các vị trí trọng yếu trong Đảng.

Tô Lâm đã bổ nhiệm một Thứ trưởng Bộ Công an khác là Nguyễn Duy Ngọc làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng, một ví trí hậu trường đầy quyền lực trong vấn đề nhân sự và nghị trình. Giờ đây Tô Lâm đã có tai mắt ở ngay tại trung tâm đầu não của Trung ương Đảng. Ông Ngọc còn là một trong 12 thành viên của Ban bí thư, với chức năng điều hành công việc hàng ngày của Đảng.

Cơ chế kiểm soát

Một thành viên mới khác của Ban bí thư là ông Lê Minh Trí - người đứng đầu Ban cán sự Đảng và là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Ông Lê Hoài Trung, cố vấn ngoại giao hàng đầu của Tô Lâm, người tháp tùng Tô Lâm trong mọi chuyến công du và gặp gỡ quan chức nước ngoài, cũng là thành viên của Ban bí thư.

Tô Lâm cũng đang có những động thái nhằm vô hiệu hóa sự chống đối. Ông ta đã đưa Vũ Hồng Văn, một Thiếu tướng Công an cùng quê Hưng Yên, sang làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Người đứng đầu ủy ban này là Trần Cẩm Tú, và cũng là người duy nhất trong Bộ Chính trị có khả năng tạo ra rắc rối cho ông Tô Lâm, bởi ông ta đứng đầu một cơ quan điều tra với quyền lực điều tra các cán bộ cấp cao nằm ngoài tầm kiểm soát của Tô Lâm.

Như một lời nhắc nhở rằng Tô Lâm vẫn chưa hoàn toàn nắm toàn bộ quyền lực, Bộ Chính trị đã bầu Trần Cẩm Tú làm Thường trực Ban bí thư vào ngày 25 tháng 10, thay vì Nguyễn Duy Ngọc, ứng viên mà ông Tô Lâm ủng hộ.

Một cơ chế kiểm soát khác là Quân đội Nhân dân

Trong khi ở các quốc gia Đông Nam Á khác thì quân đội có xu hướng chi phối chính trị, ở Việt Nam, quyền lực nằm ở bộ máy cảnh sát do nỗi lo Cách mạng Màu.

Ngoài Tô Lâm và Lương Tam Quang, Bộ Chính trị còn có thêm bốn thành viên gốc công an.

Nhiều người kỳ vọng quân đội đóng vai trò là cơ chế kiểm soát đối với Bộ Công an, đó cũng là lý do việc ông Lương Cường được bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 21/10 được coi là rất quan trọng.

Tướng Cường dành cả sự nghiệp trong vai trò chính ủy, trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 2016. Với tư cách đảng viên cao cấp nhất của quân đội, tướng Cường cũng giữ chức vụ trong Ban bí thư, và lên làm Thường trực Ban Bí thư sau khi bà Trương Thị Mai bị buộc thôi chức vào tháng năm vừa qua.

Ngoài ông Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cũng là ủy viên Bộ Chính trị.

Vun vén quan hệ với quân đội

Tổng bí thư Tô Lâm đang cố găng xây dựng quan hệ với bên quân đội.

Là Tổng bí thư, ông Tô Lâm đồng thời là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, cơ quan tối cao trong việc ra quyết định về quốc phòng. Với tư cách đó, ông thường xuyên gặp gỡ các đơn vị và lãnh đạo quân đội khác nhau.

Tô Lâm cũng cố gắng cẩn thận tạo dấu ấn về mặt nhân sự trong quân đội. Ông thăng chức cho Trịnh văn Quyết, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị đương nhiệm, vào Ban bí thư.

Ba sĩ quan cao cấp khác của quân đội quê Hưng Yên cũng được thăng chức, trong đó bao gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1 giáp Trung Quốc.

Ngay cả khi các tướng lĩnh không hài lòng với việc một cảnh sát làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tô Lâm vẫn đang dần đưa người của mình vào các vị trí lãnh đạo.

Điều này rất quan trọng bởi vì quân đội là khối lớn nhất trong Trung ương Đảng, chiếm từ 11% đến 13% tổng số ủy viên.

Tô Lâm hiểu rằng việc đưa các đồng minh vào các vị trí chủ chốt sẽ khiến bản thân bất khả chiến bại, trong bối cảnh chỉ hơn một năm nữa thì Đại hội 14 sẽ diễn ra.

Thông qua Lương Tam Quang, Tô Lâm vẫn có thể tiếp tục điều tra các đối thủ. Còn các đồng minh khác thì phụ trách lựa chọn nhân sự, và soạn thảo các văn kiện quan trọng của Đảng.

Đảng cộng sản Việt Nam có văn hóa lãnh đạo tập thể, tuy nhiên truyền thống này đã bị ông Tô Lâm đã vi phạm trong một khoảng thời gian ngắn.

Bằng cách nhường chức Chủ tịch nước, đặc biệt là cho một người bên quân đội, Tô Lâm đã vô hiệu hóa một số chỉ trích nhắm vào mình, nhưng đồng thời không khiến quyền lực bị giảm sút.

Trong quá trình củng cố quyền lực, Tô Lâm đã hạ gục tám đối thủ khác nhau trong Bộ Chính trị kể từ tháng 12 năm 2022, tạo ra một thời kỳ chính trị hỗn loạn chưa từng có. Bất kỳ sự hỗn loạn nào nữa sẽ có thể phản tác dụng.

Tô Lâm dường như đã thành công trong việc sắp xếp các quân bài để đảm bảo bản thân được bầu giữ đủ nhiệm kỳ vào tháng 1 năm 2026. Vì vậy, thay vì coi việc từ bỏ chức vụ chủ tịch nước là một dấu hiệu của sự yếu kém, sẽ chính xác hơn nếu coi đó là một dấu hiệu của sự gia tăng sức mạnh chính trị.

Zachary Abuza

Nguồn : RFA, 10/11/2024

Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

Additional Info

  • Author Zachary Abuza
Published in Diễn đàn

Sau một vài tuyên bố bị các đồng chí cho đã "đi quá xa", có thể Tổng bí thư Tô Lâm buộc phải "lùi về giữ khung thành". Để các thế lực bảo thủ yên tâm trước ý chí "thép đã tôi thế đấy", tại bài giảng ở Trường Đảng, Tổng bí thư buộc đành phớt lờ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang rúng động toàn cầu.

tolam1

Tổng bí thư Tô Lâm trao đổi với các học viên cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh : Thống Nhất/TTXVN

_________________________

Donald Trump sẽ là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ trong những năm tới. Chiến thắng của Trump rúng động toàn cầu. Chiến thắng vang dội ấy sẽ có những hậu quả kinh tế đối với phần còn lại của thế giới, khả năng sẽ rất sâu sắc và khá cấp bách. Nếu Trump chỉ thực hiện một phần nhỏ trong những cam kết của mình – từ thuế quan thương mại cao hơn đến bãi bỏ quy định, khoan dầu nhiều hơn và đòi hỏi nhiều hơn đối với các đối tác NATO – thì áp lực đối với tài chính các chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách trên thế giới (1). Ngày 7/11, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chúc mừng Donald Trump về chiến thắng của ông và thúc giục cả hai quốc gia tìm ra "cách đúng đắn để hòa thuận", khi mức thuế quan sắp tới của Mỹ sẽ đưa họ trở lại thời kỳ chiến tranh thương mại nhiều năm trước (2). Gần như trong cùng ngày 7/11, Tổng bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã gửi điện chúc mừng Trump thắng cử. Lo ngại các biến động thương mại dưới thời Trump, các quan chức giấu tên cho biết, họ ưa chuộng chính sách thương mại ổn định từ một Tổng thống Dân chủ hơn là sự bất định của ông Trump (3).

Những ngày này, các loại điện mật – từ Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại và trước hết là từ Tổng Cục 2, Bộ Quốc phòng – đang như "bươm bướm" bay tới tấp về Văn phòng Tô Ân Xô để báo cáo cho Tô Lâm những phân tích mới nhất về cuộc bầu cử đầy kịch tính trên nước Mỹ. Nhưng lạ lùng thay, trong bài thuyết giảng được cho là "cuộc trao đổi" quan trọng trước đó (dài suýt soát 10.000 chữ) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư Tiến sĩ Tô Lâm lại tảng lờ, không đề cập một lời nào về sự kiện đang khiến hàng tỷ người trên thế giới quan tâm (4). Tuy nhiên, trước thời điểm Trump về đến đích, đã có ba, bốn tờ báo chính thống ở Việt Nam được phép đặt bảng thăm dò "Ai sẽ là người đắc cử Tổng thống Mỹ 2024 ?", cùng với đó là hàng ngàn bài viết khác nhau trên các trang mạng xã hội tiếng Việt "bình loạn" về các ứng cử viên cho chức vụ Tổng thống (5). Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ thấy dân Việt háo hức được hưởng một cuộc bầu cử tự do như thế nào ! Điều trớ trêu là trong khi báo Nhà nước cho phép biểu quyết "Ai sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ " thì đối với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nếu chỉ căn cứ bài giảng của ông tại Trường Đảng, chuyện ấy như xẩy ra trên Sao Hỏa, Sao Kim…

Cuộc "trao đổi" của Giáo sư Tiến sĩ Tô Lâm được các tờ báo Nhà nước quảng bá bao hàm nhiều nội dung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cuộc "trao đổi" ấy dành cho các học viên "Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV" (Lớp thứ ba). Đây là một lớp thuộc đội ngũ cốt cán, nhiều khả năng phần lớn các học viên của lớp này có khả năng được "cơ cấu" vào Trung ương tại Đại hội XIV sắp tới.

Bài giảng của Tô Lâm dài dòng nhưng lại thiếu chiều sâu về đột phá. Mặc dầu ông có nêu lên bảy định hướng chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình (6). Nhưng nếu cho phép làm một cuộc trắc nghiệm khách quan và công khai thì chính các đồng chí học viên trong lớp ấy cũng không thể nào thu hoạch nổi, đâu là những nội dung then chốt nhất, có ý nghĩa đột phá để minh họa cho nội hàm của "kỷ nguyên mới" là gì ? Bởi vì, tất cả bảy định hướng nêu trong bài chỉ là sự lặp lại gần như y chang đường lối của các Đại hội XI, XII và XIII, chứ chẳng có bất cứ một luận điểm đột phá hay bứt phá nào mà Tô Lâm từng kêu gọi lâu nay.

Cũng dịp này, với một tinh thần cẩn trọng trên cả mức thông thường, nhà văn Tạ Duy Anh đã giới thiệu cuốn sách "Thư gửi nước Mỹ" của Hồ Chí Minh, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Cuốn sách được xuất bản nhân sự kiện Tổng thống Biden sang thăm Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vào tháng 9 năm 2023. Theo Tạ tiên sinh, 80 năm trước đây, ông Hồ Chí Minh đã thiết tha mong muốn được gửi 50 thanh niên sang Mỹ nhằm "một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết..., mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác" (Hồi bấy giờ chưa có công nghệ cao và semiconductor). Tổng bí thư Tô Lâm và các đồng chí của ông chắc hẳn biết rằng, ngay trong thời kỳ cách mạng Việt Nam còn trong trứng nước, Hồ Chí Minh vẫn hết lời ngợi ca những giá trị Mỹ, như Tự do – Dân chủ – Nhân quyền – Thượng tôn Công lý. Thậm chí, tại thư đề ngày 22/11/1945, ông Hồ không ngần ngại dùng từ "cầu xin" với Tổng thống Mỹ : "Vì thế tôi tha thiết cầu xin Ngài về bất cứ sự giúp đỡ nào có thể được" (7).

Còn giờ đây, tình hình Việt Nam hiển nhiên khác xa thuở tháng 9 năm 1945. "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" (Nguyễn Phú Trọng). Nhưng để có được cái cơ đồ ấy, ngay trên đất Mỹ, tháng 9 vừa qua, Tô Lâm đã dõng dạc tuyên bố : "Con đường phát triển (ấy) của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại…" Và Tổng bí thư, Chủ tịch nước (lúc bấy giờ) còn đi xa hơn, khi nhắc lại những ký ức lịch sử của cái thuở "bộ đội Mỹ là bạn ta…" Những "chiến sĩ phá băng" (8) ngày ấy từng là thượng khách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng bên cạnh Người, trên Lễ đài Ba Đình rực rỡ trong nắng chiều ngày 2/9/1945. Nhưng than ôi ! Ngay cả cái ký ức thiêng liêng và vĩ đại ấy, bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay vẫn không muốn cho người dân được biết. Tại buổi nói chuyện ở Đại học Columbia, cử tọa đinh ninh, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là người cởi mở, ủng hộ hòa giải và tự do học thuật ! (9). Nhưng chính đoạn phát biểu về "cái thuở ban đầu" của quan hệ Mỹ – Việt đã bị Ban Tuyên giáo thẳng tay đục bỏ. Vì vậy, phải chăng khi "trao đổi" với học viên Trường Đảng, Tô Lâm phải chọn lời lẽ khác so với lúc nói chuyện cùng sinh viên Trường Columbia ?

Cũng có quan điểm cho rằng, chưa hẳn vì Tổng bí thư Tô Lâm coi thường trình độ học viên tại "Lớp bồi dưỡng" đến mức không muốn mở rộng tìm nhìn cho họ. Nhưng sau một vài tuyên bố về "kỷ nguyên mới của dân tộc", Tô Lâm bị các thế lực bảo thủ trong Đảng cho là "đã đi quá xa", do đó ông buộc phải "ghìm mình" để bào toàn lực lượng. Trong thâm tâm, có thể Giáo sư Tiến sĩ Tô Lâm cũng muốn giảng cho học viên nghe về tầm quan trọng, cả cơ hội lẫn thách thức đối với Việt Nam, từ kết quả cuộc bầu cử, cho dù Cộng hòa hay Dân chủ thắng. Đến một chính khách như cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, cũng còn dám công khai phân tích lý do chiến thắng của Donald Trump trong bài viết được đăng trên Facebook chính thức ngay vào hôm 6/11 (10). Mà không riêng gì dân Campuchia, dân trên toàn cầu, mà trước hết là công dân nước Việt, cũng cần được biết những điều gì đang và sẽ xẩy ra trên thế giới, trong tương quan của cuộc cạnh tranh sống mái giữa các cường quốc, có liên đới đến thân phận Việt tộc trong năm mười năm tới. Chứ chẳng nhẽ cứ bắt người dân phải nhắm mắt, tuân theo "lời hẹn ước ban đầu" với Trung Quốc – theo Tuyên bố chung giữa hai Đảng – "đi lò dò, lom dom" (từ GS. Tô Lâm dùng mới đây (11) trên con đường bất định ?

Trong tinh thần hưởng ứng nhận định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu sáng 21/10/2024 trước Quốc hội khóa XV về thể chế, nhân sự và cơ sở hạ tầng, trong đó thể chế là "điểm nghẽn" trọng yếu cho sự phát triển, tám tổ chức xã hội dân sự trong Nam ngoài Bắc đã đồng ký thư kiến nghị gửi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần thứ hai về chính trị sau "Cải cách kinh tế" năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng (12). Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, vốn là một cựu tù Côn Đảo, đã nói với Đài RFA ngày 5/11 : "Lần Đổi Mới này không phải là ý muốn của ai cả, tình thế bắt buộc phải làm chứ không phải là ý muốn của ông A bà B. Không thay đổi là chết, tất nhiên dân chết thì Đảng cũng chết, không có cách gì khác !" (13) Nhắc lại thế để Tổng bí thư Tô Lâm vững tin, nếu ông dám hành động để cải cách thể chế cho đất nước cất cánh, thì ông có thể yên chí, hàng trăm chữ ký trong Bản kiến nghị đủ nói lên đấy là chỗ gặp nhau giữa ý Đảng và lòng Dân… Giáo sư Tiến sĩ Tô Lâm không có gì cần lảng tránh như từng phải phớt lờ, không giảng giải cho các đồng chí học viên Trường Đảng về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử vừa qua tại Hoa Kỳ.

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 08/11/2024

Tham khảo :

(1) https://www.reuters.com/markets/us/trump-victory-reverberate-through-global-economy-2024-11-06/
(2) https://www.cnbc.com/2024/11/07/china-congratulates-trump-says-it-respects-americas-choice.html
(3) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-doi-mat-bien-dong-thuong-mai-duoi-thoi-trump/7855062.html
(4 và 6) https://dangcongsan.vn/thoi-su/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-682050.html
(5) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnamese-actively-taking-about-us-election-shows-desire-for-self-determination-11052024055522.html
(7) https://vanviet.info/van-de-hom-nay/doc-xong-dau-don-v-tiec-nuoi/
(8) https://www.youtube.com/watch?v=8dq0Obp53Tk
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz04yg347e5o
(10) https://www.bbc.com/vietnamese/live/c3rxp0qz9gxt
(11) https://www.voatiengviet.com/a/to-lam-sot-ruot-viet-nam-lo-do-lom-dom-dan-chu-hoa-la-chia-khoa/7844295.html
(12) https://baotiengdan.com/2024/11/03/kien-nghi-khan-cap-ve-cai-cach-the-che/
(13) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/people-call-for-second-reform-to-settle-obstacles-11052024051651.html

Additional Info

  • Author Trần Hiếu Chân
Published in Quan điểm

Sau gần ba tháng ‘chấp chính’ tân Tổng bí thư Tô Lâm đã có khởi đầu ‘suôn sẻ’ và tuyên bố về "kỷ nguyên mới", "đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam", thể hiện mong muốn, mục tiêu và phương châm hành động cho thời kỳ cầm quyền của người đứng đầu Đảng. Nó khẳng định quan điểm ‘đảng trị’ nhưng sẽ đổi mới cách lãnh đạo.

tbt1

Tổng bí thư Tô Lâm tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2024 - Nhac Nguyen / AFP

Trong bối cảnh tham nhũng, suy thoái đạo đức lối sống của quan chức mang tính hệ thống và nghiêm trọng, chế độ toàn trị bởi độc Đảng cộng sản đang trải qua những biến cố thay đổi nhân sự ‘rung động’ chính trường. Trong chiến dịch ‘đốt lò’ đã có hàng chục nghìn lãnh đạo, đảng viên bị kỷ luật và bị bỏ tù. Từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến nay đã có bảy ủy viên Bộ Chính trị bị miễn nhiệm và có bốn lãnh đạo tuyên thệ chủ tịch nước! Ông Nguyễn Xuân Phúc (5/4/2021-18/1/2023); ông Võ Văn Thưởng (2/3/2023-21/3/2024); ông Tô Lâm (22/5/2024- 10/2024) và ông Lương Cường - Tân Chủ tịch nước (21/10/2024 -)…

Sự chuyển tiếp quyền lực tối cao diễn ra vào giữa nhiệm kỳ Đại hội 13 từ cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua đời ngày 19/7/2024 vì trọng bệnh, sang cho ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, người mà trước đó ‘ít ai nghĩ’ sẽ thừa kế. Ông Tô Lâm đã nhậm chức Chủ tịch nước ngày 22/5/2024 và, trở thành người ‘tạm quyền’, rồi ngay sau đó được Ban chấp hành Trung ương khóa 13 bầu làm tân Tổng bí thư ngày 3/8/2024.

Phần một

Khởi đầu ‘suôn sẻ’

Trên cương vị Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có khởi đầu ‘suôn sẻ’. Sự đồng thuận ở thượng tầng Đảng cộng sản phản ánh cách xử lý trong tình huống ‘bất thường’. Là vị tướng cầm đầu ngành an ninh, một thời gian dài được củng cố bởi chiến lược an ninh chế độ [1] ông Tô Lâm có điều kiện cần để bảo vệ chế độ và duy trì quyền lực Đảng.

Tuy nhiên, trong suốt gần 40 năm Đổi mới từ 1986 chức vụ tổng bí thư luôn được quyết định trong đại hội Đảng toàn quốc và, người kế vị thường là, theo thông lệ, một trong ‘tứ trụ’ của Đảng : Tổng bí thư (tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai), Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thường trực Ban bí thư. Tuy nhiên, sự chuyển tiếp quyền lực lần này được cho là ‘bất thường’. Việc một Bộ trưởng Công an lên nắm quyền là sự kiện ‘chưa từng có’. Bởi vậy, mọi động thái cá nhân của vị tân tổng bí thư, ê-kíp của ông ấy, cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách, nhân sự và thể chế… sẽ được chăm chú ‘theo dõi.’ Ông Tô Lâm có những quyết định thế nào? Chương trình nghị sự đảng trị ra sao? Và, liệu cách mà hệ thống chính trị và người dân sẽ ‘tâm phục khẩu phục’ thế nào?

Trong bước khởi đầu quyền lực phải được củng cố bởi các quyết định nhân sự đổng thời với một chương trình nghị sự đảng trị. Tân tổng bí thư Tô Lâm đã sử dụng quyền ‘tuyệt đối’ của chế độ Đảng tập quyền, đã có những quyết định nhân sự nhanh chóng, vượt qua rào cản thủ tục, để củng cố quyền lực. Ông Tô Lâm quyết đoán bố trí những nhân sự thân tín, đồng hương Hưng Yên và đồng nghiệp an ninh vào các vị trí then chốt như các trợ lý, chánh văn phòng trung ương Đảng, Bộ trưởng công an… Việc bổ sung các ủy viên Bộ chính trị cũng nhanh chóng hoàn tất. Ngoài ra, trong chế độ quyền lực tập trung việc triệu tập các Hội nghị trung ương hay Quốc hội bất thường cần thiết về thủ tục để thông qua các chức danh theo chế độ ‘đảng cử dân bầu’ cũng diễn ra đúng ‘ý Đảng.’ Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc ông Tô Lâm đã phải chia sẻ quyền lực với ‘phái quân đội’ (ông ấy không kiêm chức chủ tịch nước) là cần thiết để ổn định lãnh đạo…

Mặc dù là chế độ tập quyền theo mô hình cũ nhưng duy trì nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo thì việc định hình chương trình nghị sự đảng trị trong nội bộ Đảng là một nguồn quyền lực quan trọng để khẳng định vị trí, đặc biệt đối với ‘tân’ lãnh đạo như ông Tô Lâm. Sau khi ông Vương Đình Huệ ‘ngã ngựa’, ông Trần Thanh Mẫn, người phó được cho là không ‘sắc xảo’ lên thay, đồng thời một số đại biểu, lãnh đạo ban của Quốc hội thường có ý kiến ‘phản biện’ như Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội "bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" [2] thì việc Đảng ‘lãnh đạo’ Quốc hội đã ‘tạm ổn’. Một loạt nhân sự Chính phủ như bổ sung, luân chuyển, bổ nhiệm thêm các phó thủ tướng, Chánh án Tòa án, Viện kiểm sát, các bộ trưởng quan trọng như tài chính, tư pháp… Gần đây nhất, hôm 20/10/2024 Với tư cách Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã ký quyết định thăng hàm Đại tướng cho ông Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Tân Cương [3], một động thái quyết đoán trước kỳ họp thứ 8 Quốc Hội khóa 15 vào hôm sau, ngày 21/10, trong đó có nội dung bầu chủ tịch nước mới và nhân sự khác.

Sau khi công tác tổ chức ‘tạm ổn’ ông tân Tổng bí thư đã thiết lập một chương trình nghị sự ‘đối ngoại’ để khẳng định tính chính danh mà lễ nghi ngoại giao và các bản ghi nhớ, thậm chí ký kết chỉ là ‘phụ lục’. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay việc công nhận sự khác biệt chế độ chính trị vì tăng trưởng kinh tế quốc gia đã là ưu tiên nên các chuyên công du của vị chủ tịch nước kiêm tổng bí thư là cơ hội quảng bá. Trước hết, đó là những chuyến công du nước ngoài ‘đặc biệt’ dày đặc. Ngày 18/8/2024, ông đi Bắc Kinh và được tiếp kiến bởi Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngày 20/9/2024 ông đi New York dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, gặp Tổng thống Hoa Kỳ J. Biden bên lề và có một số hoạt động khác. Sau đó ông Tô Lâm đến Cuba vào ngày 28/9... Tiếp theo là chuyến công du Mông cổ, Cộng hòa Ireland và Pháp của ông Tô Lâm từ ngày 30/9 đến 7/10, trong đó dấu ấn là nâng cấp quan hệ với Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện… Trong đoàn tháp tùng Chủ tịch nước, ngoài e-kíp lãnh đạo mới được trình diện, còn có đông đảo các cựu lãnh đạo Đảng, Chính phủ như bà Tòng Thị Phóng, nguyên Trưởng ban Dân vận và ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh… Họ là những người lan toả ảnh hưởng của Tổng bí thư…

Chương trình nghị sự cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2026, có ý nghĩa quan trọng cho nhiệm kỳ công tác năm năm của ông tân Tổng bí thư Tô Lâm. Năm 2025 Đại hội Đảng các cấp ở địa phương tỉnh, thanh cũng như ở các cơ quan trung ương phải hoàn tất cùng với các nhân sự lãnh đạo mới. Các văn kiện, báo cáo chính trị, báo cáo phát triển kinh tế xã hội trình Đại hội và đề án tổng kết 40 năm đổi mới… Tất cả đều dưới sự chỉ đạo của cá nhân ông và tập thể lãnh đạo.

Là nhà cai trị không thể không chú ý đến triết lý quyền lực làm cho người khác sợ đã khó nhưng làm cho người ta phục, người ta tin còn khó hơn. Đây là giai đoạn thử thách lớn hơn đối với vị tân Tổng bí thư. Có những biểu hiện cho thấy là người lãnh đạo thực dụng, cứng rắn. Những người đồng chí lãnh đạo dưới quyền ông có thể ‘sợ’ ông vì những lý do khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh Đảng cam kết tiếp tục chống tham nhũng ‘không ngừng nghỉ’ và tăng trưởng luôn gặp rào cản thể chế và thủ tục hành chính còn dung dưỡng công quyền, đặt gánh nặng lên người dân. Nhưng nếu họ phục ông những phản ứng đối phó sẽ giảm đi, chức trách được thực hiện hiệu quả… Hơn thế, đối với người dân khi họ tin vào hệ thống chính trị với những chính sách phát triển đúng đắn không chỉ mang lại sự thụ hưởng vật chất mà còn để họ có nhiều quyền tự do hơn, nhiều nguồn lực hơn để quyết định số phận của chính họ.

***************************

tbt2

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Tổng bí thư Tô Lâm (phải) đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội hôm 21/10/2024 trước phiên khai mạc Quốc hội - Nhac Nguyen / AFP

Sau gần ba tháng ‘chấp chính’ tân Tổng bí thư Tô Lâm đã có khởi đầu ‘suôn sẻ’ và, tuyên bố về "kỷ nguyên mới" và "đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng)" thể hiện mong muốn, mục tiêu và phương châm hành động cho thời kỳ cầm quyền của người đứng đầu Đảng. Nó khẳng định quan điểm ‘đảng trị’ nhưng ‘đổi mới phương thức lãnh đạo’… để bước vào "kỷ nguyên mới"

Phần hai

‘Kỷ nguyên mới’

‘Kỷ nguyên mới’ được nhiều lần nhấn mạnh trên nhiều diễn đàn. Đây là phát biểu ‘chính sách’ trong chuyến công du mới đây tới Cộng hòa Ireland : "… Đối với Việt Nam, đây là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút để kiến tạo kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; hiện thực hóa các mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, và khát vọng xây dựng nước Việt Nam "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" của Chủ tịch Hồ Chí Minh" [4].

‘Kỷ nguyên mới’ cắt nghĩa cho việc tân Tổng bí thư Tô Lâm khởi đầu thời kỳ cầm quyền của mình thay vì một tuyên bố về quan điểm chính sách. Điều này lý giải cho một số ý kiến từ giới nghiên cứu và quan sát rằng không thấy đề cập về những nội hàm cần có trong ‘kỷ nguyên mới.’ Nó có thể coi như sự quyết tâm chính trị và lời kêu gọi chung, hướng tới các mục tiêu được phóng chiếu theo các mốc thời gian năm chẵn gắn với ngày ra đời của Đảng (1930) và thành lập Nước (1945) với những ‘khát vọng’ của các nhà sáng lập chế độ. Chẳng hạn, sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm nào đó trong tương lai.

Cách mô tả kỷ nguyên mới là "vươn mình" sẽ tập trung về tăng trưởng kinh tế. Đây là chỉ tiêu tổng quát và dễ nhận biết, có thể lượng hóa và có thể đạt được bằng nhiều cách kể cả việc huy động nguồn lực tối đa trong thời gian ngắn và xem nhẹ tính hiệu quả, tính bền vững. Ông thủ tướng Chính phủ được Đảng phân nhiệm điều hành lĩnh vực kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ ĐH 13 người ta thấy ông ấy ‘năng nổ’ như ‘tư lệnh mặt trận’ và, cùng với thường trực Chính phủ trung ương tháo gỡ ‘khó khăn, vướng mắc’ cho các công trình giao thông trọng điểm, như dự án đường dây 500kV mạch 3 (từ Quảng Bình đến Hưng Yên), sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai… và thúc đẩy các dự án đầu tư công, đặc biệt ở nhiều địa phương tỉnh... Ông ấy kêu gọi hãy "cùng nhau xây dựng các công trình tầm cỡ đánh dấu sự vươn mình của đất nước" [5]…

Hiện tại, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là ‘quyết tâm chính trị’ của Đảng, Bộ Chính trị, Ban chấp TƯ đã "nhất trí cao" và nay đưa ra kỳ họp 8, Quốc hội khóa 15 đã khai mạc ngày 21/10. Dự án này được Nhà nước tuyên truyền rầm rộ nhưng dây là dự án đang gây nhiều quan ngại, không chỉ về quy mô 70 tỷ đô-la Mỹ và đến năm 2035 mà chủ yếu về tính khả thi và tính hiệu quả. Mặc dù không gian mạng xã hội bị giới hạn nhưng đã có những ý kiến ‘phản biện’ mang tính xây dựng, chẳng hạn bài viết tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trên Facebook nhận được nhiều bình luận ủng hộ. Ngoài ra, 17 nhà chuyên môn, kỹ sư giao thông đường sắt đã có thư góp ý về đề án ‘khủng’ này, sau tham dự một hội thảo "Lấy ý kiến về dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam" vào ngày 7/11/2023 do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, nhưng không được công khai… Phần nào các ý kiến này đã phản ánh niềm tin giảm sút về thực trạng những gì đang diễn ra đối với những dự án đường sắt : dang dở, kéo dài và đội vốn nhiều lần. Ngoài ra, đã có một tiền lệ là Quốc hội khóa 12 dưới thời cố Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã ‘không thông qua’ đề xuất một dự án đường sắt Bắc – Nam vào năm 2010 [6]. Sau hơn 10 năm đề án mới ‘tham vọng’ hơn nhiều đang được thảo luận tại Quốc hội 15. Trong bối cảnh ‘thiếu vắng không gian phản biện và nhiều lãnh đạo ‘im lặng chờ thời’ liệu dự án này sẽ được thông qua ?

So sánh ‘hơn kém’ giữa nhiệm kỳ khác nhau dưới thời của các lãnh đạo khác nhau là điều cấm kỵ và, nếu có thể, sẽ là bí mật nội bộ Đảng. Tuy nhiên, sự cảm nhận của người dân và các nhà quan sát về thực trạng đất nước theo thời gian thực là một kênh quan trọng. ‘Kỷ nguyên mới’ được ngầm hiểu sự cam kết kế thừa nhưng sẽ làm tốt ‘hơn’ người tiền nhiệm. Sự khác biệt tạo ra sự hy vọng trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng ca ngợi là "nhà lý luận xuất sắc" [7], ông ấy từng muốn ‘lý luận’ trở thành một trong tiêu chuẩn cho cương vị tổng bí thư Đảng, nhưng đã không kịp ‘bồi dưỡng’ người kế nhiệm mình khi qua đời ở giữa nhiệm kỳ thứ ba cầm quyền. Giới nghiên cứu đã đặt vấn đề liệu di sản, được in thành sách theo các chủ đề như ‘mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam’, về chiến dịch ‘đốt lò’ hay ‘ngoại giao cây tre’…, nhưng vẫn ‘dở dang’ sẽ tiếp tục thực hiện thế nào ?

Gốc gác là viên tướng đầu ngành an ninh là cơ sở cho suy đoán rằng vị tân Tổng bí thư Đảng sẽ là người lãnh đạo ‘thực dụng’, ông Tô Lâm sẽ tiếp cận khác người tiền nhiệm đối với thực tế thay vì sa vào những vấn đề ‘lý luận’ mang tính thử nghiệm của học thuyết Mác, vận dụng cho mô hình Liên Xô trước đây và đã thất bại. Và hiện tại mô hình Trung Quốc đang thử nghiệm và Việt Nam học theo. Tạo sự khác biệt để thành công cần có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, liệu ông ấy tránh được ‘chông gai’ (giáo điều) trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào để xây dựng ‘kỷ nguyên mới’ ? Thứ hai, minh bạch và thể chế hóa mối quan hệ trong cơ chế "đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân là chủ" thế nào ?

Sự giáo điều chủ nghĩa xã hội ‘quá thái’ khiến nhiều cơ hội ‘vươn mình’ trong quá khứ bị bỏ lỡ, chuyển đổi kinh tế thị trường bị kìm hãm, siết chặt kiểm soát xã hội, cấm đoán quyền cơ bản của công dân được hiến định. Đức trị ‘quá thái’ khiến quan chức nhờn bỡn, luật pháp không nghiêm và bị lợi dụng, phân biệt đối xử giữa quan và dân… Hậu quả là động lực, nguồn lực vật chất và tinh thần đều không được phát huy. Ngoài ra, mối quan hệ ‘phức tạp’ giữa Đảng và Chính phủ dưới thời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nguyên nhân bất ổn chính trị, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là ‘một di sản nữa’ sẽ cũng là thách thức đối với người kế nhiệm.

Thừa nhận vấn đề là khởi đầu, nhưng lay chuyển ‘di sản’ để đổi mới là việc khó khăn. Tổng bí thư Tô Lâm kêu gọi "đổi mới phương thức lãnh đạo" của Đảng [8]. Thay vì ‘chờ’ tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết hay ra quyết định, ông Tô Lâm đã cá nhân hóa một số vấn đế bằng các bài viết của mình. Mới đây, hôm 20/10 ông có bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" [9] nhấn mạnh thượng tôn pháp luật tạo nên pháp luật. Và trước đó ông ấy viết về "Chống lãnh phí" [10] và v.v. Những bài viết này chứa đựng các thông điệp được ‘cá nhân hóa’ liệu có phản ánh sự khởi đầu cho "đổi mới phương thức lãnh đạo" của Đảng ?

Tổng bí thư Tô Lâm đang thể hiện là lãnh đạo ‘thực dụng’, trong bối cảnh duy trì đảng trị nhưng đã tỏ rõ sự cứng rắn, quyết đoán. Có ý kiến ông sẽ phải trở thành ‘độc đoán’ để cải cách và thúc đẩy hệ thống chính trị đang trì trệ và kém hiệu năng. "Kỷ nguyên mới" là mục đích và phương tiện là "phương thức lãnh đạo của Đảng" nhưng phải "đổi mới" – đây là việc quảng bá nhấn mạnh vào hành động thực tế nhưng không thể là triết lý lãnh đạo mới. Hãy tự an ủi : sau ‘độc đoán’ sẽ là ‘dân chủ’ như kiểu Hàn Quốc hay Đài Loan trước kia !

Huỳnh Trần

Nguồn : RFA, 21/10/2024

Tham khảo :

[1] https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-3-07052024114211.html;

[2] https://hanoimoi.vn/khoi-to-bat-tam-giam-ong-le-thanh-van-671696.html;

[3] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-trao-quyet-dinh-thang-quan-ham-3-dai-tuong-thuong-tuong-119241020161650801.htm.

[4] https://baochinhphu.vn/phat-bieu-chinh-sach-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-tai-truong-dai-hoc-trinity-dublin-102241003084004348.htm

[5] https://baochinhphu.vn/thu-tuong-cung-nhau-xay-dung-cac-cong-trinh-tam-co-danh-dau-su-vuon-minh-cua-dat-nuoc-102241003172224772.htm

[6] https://vnexpress.net/quoc-hoi-bac-du-an-duong-sat-cao-toc-2166401.html

[7] https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/945504/dong-chi-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong---nha-ly-luan-xuat-sac%2C-liem-chinh-cua-dang.aspx

[8] https://dangcongsan.vn/tieu-diem/tiep-tuc-doi-moi-manh-me-phuong-thuc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-yeu-cau-cap-bach-cua-giai-doan-cach-mang-moi-678046.html

[9] https://baochinhphu.vn/phat-huy-tinh-dang-trong-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-102241019142658209.htm

[10] https://tuoitre.vn/bai-viet-chong-lang-phi-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-20241013162205227.htm

Additional Info

  • Author Huỳnh Trần
Published in Diễn đàn

Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Trọng Thành, RFI, 08/10/2024

Hôm 07/10/2024, trong ngày thứ hai của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Quyết định nâng cấp quan hệ song phương được đưa ra trong chuyến thăm chính thức Pháp đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Việt Nam từ 22 năm nay.

viengtham1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm trong cuộc họp báo chung tại Điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. AFP – Terasa Suarez

Pháp trở thành nước thứ 8 và là nước đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.

Tuyên bố chung của lãnh đạo hai bên nhấn mạnh trước hết đến việc "làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế", cụ thể là thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên.

Trong phần "hợp tác chính trị", hai bên cam kết "duy trì trao đổi và tiếp xúc cấp cao thông qua tất cả các kênh giữa chính quyền Pháp với Đảng Cộng Sản, chính phủ, Quốc hội và chính quyền địa phương Việt Nam".

Hợp tác an ninh - quốc phòng là một trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Pháp. Hai bên cam kết sớm tổ chức "Đối thoại chiến lược an ninh - quốc phòng", "tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông qua nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu". "Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự của Pháp cập cảng Việt Nam…., nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước".

Về Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với khoảng 90% diện tích, Pháp và Việt Nam "phản đối mạnh mẽ mọi hình thức đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế", "tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", "tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển".

Hai bên cũng "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraina, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi "thành công ngoạn mục của Việt Nam (về kinh tế) mang lại các cơ hội mới cho nhiều dự án chung trong các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, y tế, quốc phòng, nông nghiệp và năng lượng".

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày hôm qua, trong buổi gặp chủ tịch Quốc hội Pháp, Yaël Braun-Pivet, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã đề nghị Quốc hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Âu (EVIPA), nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của hai nước cũng như của Liên Âu.

Trọng Thành

*****************************

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm thăm Pháp, bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ song phương

Chi Phương, RFI, 07/10/2024

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại phủ tổng thống vào chiều nay, 07/10/2024. Hai bên ký kết một số thỏa thuận về giáo dục, an ninh và quốc phòng. Lãnh đạo Việt Nam bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Pháp lên một tầm cao mới.

viengtham2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. © RFI/Chiphuong

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm được tiếp đón tại điện Élysée vào lúc 13 giờ 30, giờ địa phương. Trả lời trước báo giới, trong chuyến thăm đầu tiên tới Pháp với tư cách chủ tịch nước, tổng bí thư Tô Lâm khẳng định "Pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Việt Nam", và bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ giữa hai nước, hiện đang ở mức đối tác chiến lược. Các điều khoản cụ thể về khuôn khổ hợp tác sẽ được trao đổi vào chiều nay.

viengtham3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, trả lời báo giới, tại điện Élysée, ngayg 07/10/2024. © RFI

Về phần mình, tổng thống Pháp khẳng định rằng Việt Nam và Pháp đều "tuân thủ luật pháp quốc tế", khi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng hay xung đột, dù là xảy ra ở Trung Đông, Ukraine hay Biển Đông. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác song phương, về quốc phòng, đặc biệt là trao đổi chuyên môn về hải quân và hải cảnh.

Nguyên thủ Pháp cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là thị trường 100 triệu dân, tạo ra những cơ hội mới, xây dựng các dự án chung trong lĩnh vực hàng không, quốc phòng và y tế. Trong lĩnh vực năng lượng, ông Macron cho biết từ nay đến cuối năm, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) sắp tới sẽ làm việc với tập đoàn điện lực Việt Nam để hiện đại hóa hệ thống điện.

viengtham4

Lãnh đạo của Vietjet Air ký hợp đồng cung cấp động cơ và bảo dưỡng động cơ với các đối tác Pháp tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. © RFI

Hai bên cũng thực hiện nghi thức ký kết các văn bản hợp tác về giác dục, và đặc biệt là hợp đồng về hàng không, với sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, lãnh đạo của Vietjet Air, ký hợp đồng với các đối tác Pháp về cung cấp động cơ và bảo dưỡng động cơ cho 200 máy bay của công ty hàng không Việt Nam.

Sáng nay, lễ nghi đón tiếp chuyến thăm chính thức nước Pháp của chủ tịch nước Tô Lâm đã được tổ chức tại điện Invalides, dưới sự chủ trì của bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu. Theo lịch trình, tổng thư đảng cộng sản, chủ tịch nước Việt Nam gặp chủ tịch Quốc hội Pháp, chủ tịch Thượng Viện và bí thư toàn quốc đảng cộng sản Pháp

Trả lời báo chí trong nước, đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng, khẳng định hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để "tăng cường quan hệ". Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Olivier Brochet, trả lời RFI Việt Ngữ, cũng khẳng định rằng đây là dịp để hai bên thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược từ 11 năm nay".

Pháp là đối tác thương mại Châu Âu thứ năm của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2024, đạt gần 3 tỷ đô la.

Chi Phương

******************************

Macron-Tô Lâm hội đàm, hướng tới nâng cấp quan hệ Pháp-Việt

VOA, 07/10/2024

Tại Điện Élysée vào ngày 7/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp và hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, người nói trước báo giới rằng ông muốn nâng cấp quan hệ Pháp-Việt ‘lên tầm cao mới’, theo ghi nhận của VOA.

v

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh TTXVN)

Pháp hiện là một trong những nước Việt Nam có quan hệ ở mức ‘đối tác chiến lược’, thấp hơn một cấp so với mức ‘đối tác chiến lược toàn diện’ mà Hà Nội hiện đang có với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Úc.

‘Cần nâng cấp quan hệ’

Thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm về các chủ đề quốc phòng và an ninh.

Tại buổi họp báo trước khi bước vào hội đàm, ông Macron nói rằng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, Pháp và Việt Nam cùng theo đuổi kim chỉ nam chung là luật pháp quốc tế, cho dù đó là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khủng hoảng Trung Đông hay tranh chấp trên Biển Đông.

Về phần mình, ông Tô Lâm nói rằng Việt Nam quan ngại về tình hình Ukraine, Trung Đông cũng như Biển Đông và nói rằng Hà Nội sẵn sàng làm việc cùng với Paris để tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột này ở cấp độ khu vực cũng như quốc tế.

Ông Macron nói rằng trong lúc Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng, kể từ giờ cho đến cuối năm, Cơ quan Phát triển Pháp sẽ phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam để hiện đại hóa lưới điện của nước này.

Về kinh tế, ông Macron đánh giá hai nước có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, cơ sở hạ tầng, nông nnghiệp và năng lượng. "Chúng tôi cũng muốn cùng nhau tăng cường năng lực sáng tạo bằng cách tạo ra sự liên kết giữa hai hệ sinh thái của chúng ta", ông Macron nói tại buổi họp báo.

Ông Tô Lâm cho rằng sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm trở thành đối tác chiến lược, quan hệ Việt-Pháp đã chứng kiến những bước tiến quan trọng trong nhiều lĩnh vực. "Nước Pháp luôn là lựa chọn ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam", ông nói.

Để đáp ứng nhu cầu mối quan hệ đang phát triển cũng như để phản ứng trước những thách thức khu vực và toàn cầu, ‘hơn lúc nào hết hai nước cần phải nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới’, ông Tô Lâm nói trước báo giới và cho biết ông cùng ông Macron sẽ bàn về vấn đề này tại cuộc hội đàm.

Các lĩnh vực mà hai nước sẽ tăng cường hợp tác, theo ông Lâm, sẽ là quốc phòng và an ninh, kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…

Ký kết hợp tác

Tại buổi họp báo, hai vị nguyên thủ cũng đã chứng kiến các văn kiện hợp tác giữa Bộ giáo dục hai nước và hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay giữa VietJet Air của Việt Nam và các tập đoàn CFM, Safran của Pháp.

Trước khi đến Điện Élysée, ông Lâm đã được nước chủ nhà tổ chức lễ đón chính thức tại Điện Invalides, nơi tổ chức những nghi thức quan trọng của Nhà nước Pháp, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Sau lễ đón, ông Lâm đã đến chào Chủ tịch Quốc hội Pháp, tức Hạ viện, bà Yael Braun-Pivet, tiếp Bí thư toàn quốc Đảng cộng sản Pháp Fabien Roussel, tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt Nguyễn Hải Nam.

Ngoài ra, theo lịch làm việc, ông Tô Lâm cũng hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và đến thăm trụ sở UNESCO ở Paris.

Sau Paris, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã đến thăm thành phố cảng Le Havre nằm trên bờ biển Manche, một trong những cửa ngõ quan trọng trong thương mại đường biển thế giới, và đã được Thị trưởng Edouard Philippe, vốn từng là thủ tướng Pháp, tiếp đón.

Ông Edouard Philippe, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội cảng biển quốc tế, hứa sẽ hỗ trợ kết nối cảng Việt Nam với hệ thống cảng thế giới, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Nhân dịp này, hai ông Lâm và Philippe đã nhấn mạnh Biển Đông là huyết mạch vận tải hàng hoá của thế giới và tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở vùng biển này, cũng theo hãng tin nhà nước Việt Nam.

Bên lề chuyến thăm, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Philippe Orliange đã nói với Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thắng rằng Pháp với kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết.

Nhân dịp đến thăm Pháp để dự hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã hội kiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Cũng giống như chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam hồi cuối tháng trước, có khoảng 100 người gốc Việt từ nhiều quốc gia ở Châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan…đã đến Paris để biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tô Lâm, theo tìm hiểu của VOA. Tới tối ngày 7/10, phía Việt Nam chưa lên tiếng về các cuộc biểu tình này.

Nguồn : VOA, 07/10/2024

*****************************

Ông Tô Lâm thăm Mông Cổ : nhìn lại hành trình khác nhau của hai quốc gia

RFA, 07/10/2024

Hôm 1/10/2024, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Mông Cổ, tiếp tục lên đường thăm Ireland và hiện thăm chính thức nước Pháp. Đây là chuyến công du dài ngày, diễn ra ngay sau một chuyến công du dài ngày khác vừa kết thúc của ông Tô Lâm tới Liên Hiệp quốc, Hoa Kỳ và Cuba từ 22 đến 27/9. 

viengtham6

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đón Tổng bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại Thủ đô Ulaanbaatar ngày 30/9/2024 - Chính phủ Việt Nam

Mông Cổ là nước có vị trí địa chiến lược khá đặc biệt : nằm giữa sa mạc, bốn phía bị bao bao quanh bởi hai cường quốc độc tài lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nga nhưng quốc gia nhỏ bé này đã có những bước đi dân chủ hóa một cách mạnh mẽ và quyết đoán. 

Về mặt địa lý, Mông Cổ chỉ có hai láng giềng là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, nước này đã xây dựng chương trình "đối tác láng giềng thứ ba" (the Strategic Third Neighbor Partnership) với Hoa Kỳ dù Hoa Kỳ ở phía bên kia địa cầu. Sự hợp tác này nhấn mạnh vào ba trụ cột : phát triển kinh tế, phát triển hệ thống dân chủ và phát triển hợp tác quân sự, an ninh. 

Nhiều nhà quan sát đặt ra câu hỏi tại sao Mông Cổ lại là nước được lãnh đạo Việt Nam chọn thăm ngay sau khi thăm Hoa Kỳ, Cuba. Các nhà quan sát đưa ra nhiều giải thích về mặt địa chiến lược và hai con đường trái ngược của Việt Nam và Mông Cổ sau khi Liên Xổ sụp đổ. 

Mông Cổ xích lại gần Hoa Kỳ quyết đoán hơn Việt Nam 

Năm 2019, Mông Cổ nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên "đối tác chiến lược". Bốn năm sau, năm 2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng "đối tác chiến lược toàn diện", tức là cao hơn mối quan hệ Hoa Kỳ - Mông Cổ một bậc. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, mối quan hệ Mông Cổ - Hoa Kỳ mới thực sự "toàn diện" và đi sâu vào phát triển các vấn đề có tính "chiến lược" hơn mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra điểm lại các bước đi của Mông Cổ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, so sánh với Việt Nam, và khẳng định rằng Mông Cổ đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này một cách quyết đoán hơn Việt Nam. Các nguồn lực của Mông Cổ không thể so sánh với Việt Nam : dân số chưa tới 3,5 triệu người, GDP chưa đầy 22 tỷ USD, không có biển, nằm giữa sa mạc và bị bao quanh bởi Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 100 triệu dân, GDP gấp hai mươi lần Mông Cổ, giáp với Biển Đông và nằm ở trung tâm Đông Nam Á về mặt địa lý. Theo Giáo sư Carl Thayer, Mông Cổ "không có chính sách quốc phòng bốn không" như Việt Nam. Và quan trọng hơn, "quân đội Mông Cổ đã đến Afghanistan với Hoa Kỳ !"

Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, đồng tình với nhận định của Giáo sư Carl Thayer và đồng thời cho rằng sự quyết đoán của Mông Cổ đã bắt đầu từ giai đoạn cuối cùng của Liên Xô chứ không phải đợi đến những năm gần đây. 

Năm 1911, Trung Hoa Dân Quốc sau khi lật đổ nhà Mãn Thanh đã chiếm đóng Mông Cổ. Đến năm tháng 1 năm 1921, lực lượng Bạch Vệ Nga đã đẩy lùi quân Trung Quốc và giành quyền thống trị Mông Cổ. Đến tháng 6 cùng năm, lực lượng cộng sản Nga tiến vào Mông Cổ, đánh bại Bạch Vệ Nga và dựng lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Mông Cổ từ đó đến năm 1991. Điểm lại lịch sử hiện đại nói trên của Mông Cổ, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đó là bối cảnh dẫn đến sự khác biệt giữa Mông Cổ và Việt Nam khi Liên Xô bắt đầu sụp đổ. Ông nói tiếp : 

"Tháng 12/1986, khi Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội 6 để đổi mới, thì tháng 1 năm 1987, Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Mông Cổ, đến tháng 6, họ thành lập đại sứ quán tại thủ đô Mông Cổ Ulaanbaatar. Tức là khi Liên Xô đã tan ra và Việt Nam biết là không thể bám vào Liên Xô thì Mông Cổ đã đi xa hơn Việt Nam rồi. Năm 1991 lại là một dịp đặc biệt khác. Trước khi Liên Xô sụp đổ vào tháng 12 thì Mông Cổ đã làm một cuộc cách mạng dân chủ một cách hòa bình, xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản ở Mông Cổ".

Với những bước đi như vậy, Luật sư Vũ Đức Khanh đồng tình với Giáo sư Carl Thayer rằng Mông Cổ đã có những bước đi quyết đoán hơn Việt Nam trong quan hệ với Mỹ. Theo Luật sư Khanh, Việt Nam chỉ loay hoay với chính sách đu dây, còn Mông Cổ dứt khoát hơn. Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng chúng ta có thể nhìn từ quán tính lịch sử. Trước khi Liên xô sụp đổ, Mông Cổ đã ngả về phía Mỹ và sau khi Liên Xô sụp đổ thì lập tức dân chủ hoá, còn Việt Nam lập tức tới Thành Đô bắt tay với Trung Quốc. Việt Nam bắt tay với Mỹ chậm 8 năm. Theo Luật sư Khanh, điều này có thể được giải thích từ quán tính lịch sử : một bên từng bị Trung Hoa thống trị trong đêm dài "ngàn năm Bắc thuộc", còn bên kia từng thống trị Trung Hoa trong suốt triều đại nhà Nguyên thế kỷ 13 và 14. 

Việt Nam - Mông Cổ trong cạnh tranh Mỹ Trung 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng sự cạnh tranh toàn cầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều chiều hướng, bao gồm cả việc quốc gia nào đưa ra mô hình phát triển tốt nhất. Chính quyền Biden lập luận rằng sự lựa chọn của các nước khác không phải là chọn phe mà là giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ. Trong bối cảnh đó, Mông Cổ là một ví dụ về một quốc gia đã chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Mông Cổ cũng tìm cách duy trì nền độc lập của mình khỏi Trung Quốc và Nga bằng cách thúc đẩy chính sách "Láng giềng thứ ba" bằng cách thiết lập quan hệ với các quốc gia bên ngoài khu vực lân cận của mình. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược thứ năm của Mông Cổ vào năm 2019. Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ được cung cấp để giải quyết nạn tham nhũng tràn lan và thúc đẩy quản trị tốt. Ngày nay, Mông Cổ là một trong hai mươi mốt quốc gia tham gia Quan hệ đối tác dân chủ của Hạ viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, kể từ năm 2002, Mông Cổ cũng đã đóng góp hơn 18.000 nhân sự cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên toàn thế giới. Từ năm 2003, Mông Cổ và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (trước đây là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ) đã đồng tổ chức Khaan Quest, một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực ở Đông Bắc Á.

Theo Giáo sư Carl Thayer, Mông Cổ đóng góp vào an ninh ở Châu Á bằng cách trở thành một ví dụ thành công về một quốc gia đã chuyển đổi thành công sang nền dân chủ với sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mông Cổ từ đó cũng trở thành quốc gia đóng góp đáng kể cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Trong khi đó, cả Giáo sư Carl Thayer và Luật sư Vũ Đức Khanh đều chỉ ra sự khác biệt của Việt Nam so với Mông Cổ là Việt Nam kiên trì chính sách ngoại giao quốc phòng "bốn không". Ngoài ra, Mông Cổ nhấn mạnh cả ba trụ cột là kinh tế, phát triển hệ thống dân chủ và quân sự, an ninh với Hòa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam né tránh hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề phát huy dân chủ, nhân quyền, chỉ muốn hợp tác quốc phòng và kinh tế.

Nguồn : RFA, 07/10/2024

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Chi Phương, VOA, RFA
Published in Diễn đàn

Rendez-vous Pháp – Việt : Hoài niệm để tiến về phía trước

Đinh Hoàng Thắng, VOA, 08/10/2024

Lần đầu tiên sau 22 năm, một Nguyên thủ Việt Nam đến Paris thì điều này không đơn thuần là sự kiện ngoại giao. Đấy là sự cùng tiến về phía trước với chất lượng vượt trội trong các mối liên hệ lịch sử, kinh tế và văn hóa giữa hai quốc gia từng có nhiều duyên nợ với nhau.

macron1

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, chào đón Tổng bí thư - Chủ Tịch Nước Việt Nam, Tô Lâm, tại Thượng đỉnh Pháp thoại lần thứ 19, tại lâu đài Villers-Cotterets, Pháp, ngàu 4/10/2024.

Theo thông báo của Điện Élysée, chiều 7/10/2024 [giờ Paris] Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại Phủ Tổng thống.

Nâng cấp quan hệ với Paris lên CSP

Tổng bí thư – Chủ tịch nước nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp gỡ báo chí chung trước hội đàm. Nhắc lại một ngạn ngữ Pháp "Khi muốn, ta có thể, mà đã có thể, ta cần phải làm", với ý chí và quyết tâm nhằm đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn trong hội đàm, hai bên sẽ trao đổi cụ thể về các định hướng và giải pháp chiến lược trên 5 nhóm lĩnh vực nhằm nâng cấp quan hệ Việt Nam – Pháp lên mức độ quan hệ mới hai bên đã có lộ trình. Kết thúc đàm phán, hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược toàn diện" [Comprehensive Strategic Partnership - CSP] và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ quan hệ CSP Việt Nam – Pháp ngày càng đi vào thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới [1]. Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu (hay Liên Âu, European Union – EU) có quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với Việt Nam.

Tại họp báo, Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định, Pháp mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp. Chính phủ Pháp sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để đón tiếp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Pháp và giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả những dự án của mình. Ngoài hợp tác kinh tế, hướng tới tương lai, Pháp rất coi trọng các hợp tác về giáo dục, y tế và nghiên cứu về giảng dạy, đào tạo cũng như những hợp tác liên quan việc bảo tồn phát triển, nâng cao công trình, giá trị văn hóa. Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đáp lại : "Nước Pháp luôn luôn có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và luôn có vai trò, vị thế trong cộng đồng Pháp thoại và trên thế giới. Trước những sự phát triển sâu rộng của quan hệ Việt Nam và Pháp, cũng như để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay của quốc tế và khu vực, hơn lúc nào hết quan hệ Việt Nam và Pháp cần phải được nâng lên một tầm cao mới…" [2].

Ngay sau họp báo, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chứng kiến Lễ ký kết 2 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Cụ thể : Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Bộ trưởng Giáo dục Quốc gia Pháp Anne Genetet ký : "Thỏa thuận hợp tác về Giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp". Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng không VietjetAir Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tổng Giám đốc Đinh Việt Phương và Tổng Giám đốc tập đoàn Safran Oliver Andriès cùng Tổng Giám đốc CFM International Gael Méheust ký : "Hợp đồng cung cấp động cơ và dịch vụ bảo dưỡng động cơ cho 200 máy bay thân hẹp" [3]. Còn sau hội đàm, về quan hệ đối tác mới, Tổng thống Macron phát biểu : "Những mục tiêu này [vì sự thịnh vượng của mỗi nước] sẽ được thực thi trong khuôn khổ quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" với lộ trình chúng ta vừa thông qua.

Không có tiêu chuẩn kép về chủ quyền

Trong diễn văn khai mạc thượng đỉnh Tổ chức Quốc tế Pháp thoại [Organisation internationale de la francophonie - OIF], chiều hôm 4/10/2024, tại cung điện Villers-Cotterêts, đông bắc Thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cộng đồng Pháp thoại đoàn kết để hóa giải "các thách thức của thế kỷ", trước hết là các đe dọa đối với "chủ quyền quốc gia" tại nhiều nơi trên thế giới. Nguyên thủ nước Pháp nhấn mạnh cộng đồng Pháp thoại cần bảo vệ "một lập trường chung, đó là không có chỗ cho các tiêu chuẩn kép" trong vấn đề chủ quyền quốc gia, và "mạng sống của con người cần phải được bảo vệ bất kể là trong xung đột nào". Phát biểu này được coi là để gián tiếp đáp lại các chỉ trích nhắm vào phương Tây, bị coi là nhất bên trọng, nhất bên khinh về các xung đột trên thế giới. Tổng thống Macron cũng kêu gọi nỗ lực vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương "hòa dịu", "nơi không có một thế lực nào có thể thách thức nền hòa bình với các đòi hỏi lãnh thổ hay nối lại các vụ thử vũ khí" [4]. Nhấn mạnh này của Macron hàm ý chỉ trích Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Biên cương mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia ngày nay đối với Hà Nội chính là hệ thống "đối tác chiến lược" [Strategic Partnership - SP] và "đối tác chiến lược toàn diện" [Comprehensive Strategic Partnership - CSP] của đất nước này với các thành viên của Hội đồng Bảo an (Permanent Five - P5) Liên Hiệp Châu Âu (hay Liên Âu, European Union - EU, với các "Bộ Tam" [AUKUS] và "Bộ Tứ" [QUAD] [5].

Sự hình thành liên minh tam cường AUKUS đã tạo nên những cơn sóng phản ứng khác nhau. Mặc dù không tuyên bố chính thức, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, sự trung lập của Việt Nam có thể ngầm hiểu là một sự ủng hộ AUKUS [6].

Theo Tổng thống Macron, Hội nghị Francophonie lần này "mở ra những con đường hợp tác mới, cần nỗ lực và đoàn kết của tất cả các nước thành viên". Theo giới phân tích, an ninh quốc tế không chỉ diễn ra ở tận Châu Phi hay Cận Đông xa xôi, mà ngay mới đây thôi, thế giới đã thấy rõ, làm thế nào để bảo vệ các ngư dân Việt Nam khỏi các hành vi tấn công và cướp bóc trên Biển Đông. Với những tuyên bố đanh thép của Hà Nội sau vụ Trung Quốc hành hung ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa, "chính sách ba không" dường như đang có sự chuyển dịch đáng kể. Theo một nhà phân tích am hiểu tình hình nội chính yêu cầu giấu tên, "chính sách 3 không" từ nay khác với "3 không" của chính thống [7]. Phần đông dân Việt Nam hiểu rằng, "3 không" giờ đây là, nếu không có hệ thống SP và CSP thì sẽ "không có hòa bình", "không có phát triển" và "cũng chẳng có luôn ổn định xã hội".

Tái cấu trúc "di truyền văn hóa"

Thông qua các ảnh hưởng từ Pháp, Mỹ và phương Tây, Việt Nam đang trải qua quá trình "đảo gen văn hóa", tạo ra một bản sắc mới, vừa bản địa vừa toàn cầu hóa. Liệu sự thay đổi này có thể giúp phát triển tiềm lực nội tại mạnh mẽ hơn không ? Pháp và Việt Nam có mối quan hệ lâu dài từ trong lịch sử cận đại, và phần lớn di sản văn hóa Pháp vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến Việt Nam ngày nay. Ngôn ngữ, kiến trúc, giáo dục, và hệ thống pháp luật của Việt Nam đều bị ảnh hưởng sâu sắc từ Pháp. Tái cấu trúc di truyền văn hóa có thể được hiểu là sự tiếp cận có chọn lọc các yếu tố văn hóa từ bên ngoài, tạo ra những "đột biến" tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa của văn hóa Việt Nam [8]. Kiến trúc Pháp tại Hà Nội và Sài Gòn là minh chứng rõ ràng cho sự ảnh hưởng văn hóa Pháp. Những công trình như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Lớn Hà Nội, cùng các biệt thự cổ điển mang phong cách Pháp, vẫn là phần không thể tách rời của cảnh quan đô thị Á – Âu. Hệ thống giáo dục và tư tưởng khai phóng Tây Âu cũng đã được tiếp thu, với nhiều thế hệ trí thức Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các trào lưu tư tưởng của Pháp.

Tuy nhiên, khi thảo luận về văn hóa và các giá trị nhân văn cốt lõi của Pháp cũng như di sản của nước này tại Việt Nam, không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng. Đó chính là các giá trị nhân quyền và dân quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những nguyên tắc về 'Tự do, Bình đẳng và Bác ái' vẫn là những giá trị trường tồn, vượt qua không gian và thời gian, đã góp phần tạo nên nền văn minh Pháp. Những giá trị này không thể bị lãng quên bởi những toan tính lợi ích ngắn hạn hay cục bộ. Không phải ngẫu nhiên mà phần đầu của Tuyên bố chung 7/10/2024 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, với Liên Hiệp Quốc đóng vai trò trung tâm, đồng thời tái khẳng định cam kết tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản – những yếu tố cốt lõi đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Nếu như không có tiêu chuẩn kép về chủ quyền quốc gia, thì cũng không thể có tiêu chuẩn kép cho các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền!

Trong Tuyên bố chung sau hội đàm, hai bên nhắc lại lập trường trước đây, Pháp và Việt Nam tái khẳng định "tầm quan trọng của việc duy trì an ninh và tự do hàng hải cũng như hàng không không bị cản trở, cũng như quyền đi lại vô hại ở Biển Đông". Trong bối cảnh ấy, hai nước cam kết "phát triển quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng" và tạo "động lực mới" cho hợp tác trong các vấn đề công nghiệp – quân sự. Đặc biệt, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho tàu Pháp ghé thăm các cảng của Việt Nam nhằm phát triển hợp tác chung và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển [9].

Đề cập đến cuộc xung đột phi thực dân hóa đẫm máu trong quá khứ, Emmanuel Macron cảm ơn người đối thoại vì "sự can đảm để dung hòa những ký ức này với quyết tâm nhìn về tương lai". Quả là hoài niệm để tiến về phía trước !

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : VOA, 08/10/2024

Tham khảo :

[1] Déclaration conjointe sur l’etablissement d’un partenariat stratégique global entre la France et le Vietnam

[2—3] Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp gặp gỡ báo chí

[4] Thượng đỉnh Pháp thoại : Tổng thống Macron kêu gọi tăng cường hợp tác bảo vệ "chủ quyền quốc gia"

[5] Bộ tứ kim cương và Hà Nội : Lợi ích song trùng và sự gắn kết chiến lược

[6] Cơ sở nào để khẳng định Việt Nam ủng hộ AUKUS ?

[7] Thực hiện "3 không" trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng

[8] ‘Gặp gỡ Đông Tây’, nhịp cầu rung cảm nối liền hai nền văn hóa

[9] Déclaration conjointe sur l’etablissement d’un partenariat stratégique global entre la France et le Vietnam

Additional Info

  • Author Đinh Hoàng Thắng
Published in Quan điểm

Ông Tô Lâm kêu gọi kiều bào đầu tư chất xám về Việt Nam

RFA, 05/10/2024

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm hôm 5/10 đã gặp gỡ kều bào ở Châu Âu và Canada tại Paris, Pháp và kêu gọi kiều bào tiếp tục mang những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới về đất nước, đào tạo cho Việt Nam nhiều nhân tài hơn nữa.

tolam01

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm gặp kiều bào ở Pháp hôm 5/10/2024 - Báo Quốc Tế

Truyền thông Nhà nước cho biết ông Tô Lâm phát biểu điều này trong cuộc trò chuyện thân mật với gần 30 chuyên gia, trí thức kiều bào tiêu biểu từ Pháp, Anh, Bỉ, Canada, Luxembourg, Thụy Sỹ, trong khuôn khổ Diễn đàn Một Việt Nam toàn cầu và Pháp ngữ do AVSE Global (Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu) tổ chức.

Báo trong nước dẫn lời ông Tô Lâm khẳng định những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, ủng hộ của bạn bè quốc tế và của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Ông Tô Lâm nhắc lại thông điệp ông đã từng đưa ra mới đây sau khi nhậm chức Tổng bí thư về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam và cho biết Việt Nam sẽ dồn lực cho thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, "bứt tốc" để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra.

Người đứng đầu Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh "hiền tài là nguyên khí quốc gia", kiều bào là vốn quý, là nguồn lực quan trọng của đất nước.

Việt Nam hiện có khoảng sáu triệu kiều bào sống tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thống kê của Chính phủ. 80% số kiều bào ở các nước phát triển.

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 đến hết 2022 đã đạt trên 190 tỷ đô la, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng thời kỳ. Nếu tính cả năm 2023, luỹ kế đạt khoảng 206 tỷ đô la.

Nguồn : RFA, 05/10/2024

****************************

Tổng bí thư Tô Lâm trong 2 tháng đầu : củng cố quyền lực trong nước, ra mắt chính trường quốc tế

RFA, 04/10/2024

Sau hơn hai tháng nhậm chức Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã nhanh chóng thực hiện một số hành động được cho không chỉ nhằm củng cố quyền lực trong nội bộ Đảng mà còn tạo dấu ấn riêng cho sự nghiệp chính trị của bản thân đối với quốc tế.

tolam2

Tổng bí thư Tô Lâm trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (không có trong hình) tại Hà Nội hôm 13/9/2024 – AFP

Thay đổi nhân sự

Ngay sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng vào hôm 3/8, một loạt nhân sự cấp cao trong chính phủ đã bị cho thôi chức vụ, bao gồm Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ba Ủy viên Trung ương Đảng, bao gồm các ông Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Ký và Chẩu Văn Lâm do dính líu tới các vụ đại án tham nhũng.

Đến ngày 26/8, Chính phủ có ba Phó Thủ tướng mới là Hồ Đức Phớc, kiêm luôn chức Bộ trưởng Bộ Tài chính ; Nguyễn Hòa Bình – trước đây là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và ông Bùi Thanh Sơn, kiêm luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao. Cả ba được bầu bổ sung trong phiên họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa 15.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một người quan sát tình hình chính trị Việt Nam nhận định rằng việc thay đổi này không chỉ nhằm đưa các nhân vật thân cận như ông Lương Tam Quang, Nguyễn Duy Ngọc, Tô Ân Xô, Trần Đăng Quỳnh… lên các vị trí quan trọng, then chốt trong bộ máy nhà nước, mà còn là một biện pháp để thanh lọc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là những người đã phản đối ông Tô Lâm trước đây :

"Việc tiếp tục duy trì cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng là cách để ông ấy "thay máu", thanh trừng các ủy viên trung ương vừa tham nhũng, vừa không ăn cánh với mình. Do đó, trong diễn văn phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10, ông Tô Lâm phải nhấn mạnh về vấn đề công tác nhân sự rằng đây là vấn đề mang tính "Then chốt của then chốt" là vậy".

Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức, cũng đồng ý rằng ông Tô Lâm tỏ ra rất quyết đoán trong việc thay đổi nhân sự. Ông thay thế những người không phù hợp hoặc không trung thành bằng những người ủng hộ đường lối của mình. Sự quyết đoán này là một điểm khác biệt lớn so với thời kỳ của Nguyễn Phú Trọng :

"Trong vấn đề nhân sự thì ông Tô Lâm tỏ ra rất quyết đoán. Ông ấy sẵn sàng thay đổi tất cả những người mà ông ấy cho là không phù hợp với đường lối lãnh đạo của ông ta và ông ta thay thế bằng những người phù hợp và trung thành với ông ta.

Đây là điểm rất khác biệt so với thời ông Nguyễn Phú Trọng, dù ông ấy đã trải qua gần ba nhiệm kỳ nhưng mà ông Nguyễn Phú Trọng cũng không thể nào sắp xếp được những nhân sự hay là thay đổi nhân sự mà ông ấy mong muốn. Còn đối với ông Tô Lâm thì ông ấy làm việc rất quyết đoán".

Công du quốc tế

Từ ngày 18 – 20/8, ông Tô Lâm đã có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc với cương vị là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam. Theo truyền thống, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường thực hiện chuyến thăm tới các nước láng giềng sau khi nhậm chức, đặc biệt là Trung Quốc.

Chuyến đi này được nói là có mục đích thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược quốc phòng, an ninh, kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng trên biển…

Sau đó, từ ngày 21 đến 25/9, ông Tô Lâm có chuyến đi Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc, hội kiến với tổng thống Mỹ Joe Biden, gặp gỡ với các doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng như sinh viên trường đại học Colombia…

Chuyến đi này, được các chuyên gia đánh giá là ông Tô Lâm đã làm tròn các nhiệm vụ của mình trong lần đầu bước ra vũ đài chính trị quốc tế. Tuy nhiên, chuyến đi cũng chưa đạt được thành quả gì cụ thể cả về đối ngoại, lẫn kinh tế.

Sau chuyến đi Mỹ của Tô Lâm, hôm 30/9, một nhóm khoảng 30 người Trung Quốc đi trên ba chiếc ca nô đã rượt đuổi một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đang đánh bắt hợp pháp tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sau khi tiếp cận được tàu cá của Việt Nam, nhóm người này có trang bị vũ khí, đã tấn công và lấy đi tất cả ngư cụ và hàng chục tấn hải sản của ngư dân Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét rằng những chuyến thăm giao của ông Tô Lâm mang tính nghi lễ nhiều hơn là thực chất. Mặc dù nó giúp tăng cường vị thế của Tô Lâm trong Đảng, nhất là trong bối cảnh nội bộ còn nhiều tranh chấp quyền lực. Nhưng về mặt quốc tế, nó không có nhiều tác động :

"Đánh giá về đối ngoại, nó chỉ có giá trị mang tính chất lễ nghi hơn là thực chất. Nhưng về đối nội, nó giúp làm tăng vị thế của ông ấy trong Đảng vốn vẫn còn nhiều thế lực chưa hoàn toàn khuất phục trong các cuộc tranh đoạt quyền lực chính trị kéo dài từ vài tháng qua".

Một nhà phân tích chính trị độc lập, hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nói với RFA rằng qua các chuyến đi công du quốc tế của ông Tô Lâm trong hai tháng đầu ở cương vị Tổng bí thư, có thể thấy rằng trong tâm của đối ngoại Việt Nam chỉ là tìm cách phát triển kinh tế chứ không ngả về bên nào. Và theo ông, đó là một đường lối đối ngoại đúng đắn trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới đang rất phức tạp như hiện nay :

"Nó chỉ có một mục tiêu rõ ràng là trọng tâm của Việt Nam là tìm cách phát triển kinh tế và làm giàu. Cái tinh thần đó đang được thể hiện rất rõ. Và những quyết sách đó là đúng là ở khía cạnh quan hệ quốc tế. Việt Nam không ngả về bên nào mà chỉ tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế. Tôi nghĩ là đây là một cái điều mà được thể hiện rõ ràng hơn so với thời ông Nguyễn Phú Trọng".

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lại cho rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Vì vậy, cơ hội cho Việt Nam ‘đu dây’ sẽ không còn nữa :

"Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước ở Châu Âu, thậm chí là những đồng minh của Hoa Kỳ, những nước có quyền lực rất lớn, có sự tự chủ về công nghệ rất lớn, họ cũng muốn giữ mối quan hệ với Trung Quốc vì miếng bánh mà Trung Quốc đem lại lợi nhuận là rất lớn. Nhưng cuối cùng họ vẫn không giữ được bởi vì trước những quyền lợi mà Hoa Kỳ đem lại thì họ bắt buộc phải từ bỏ miếng bánh Trung Quốc, mặc dù họ cũng có tiếc nuối".

Khác biệt so với Nguyễn Phú Trọng

Những người mà RFA phỏng vấn đều nhận thấy rằng Tô Lâm đã thể hiện sự khác biệt so với người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Ông Tô Lâm tỏ ra thực tế và quyết đoán hơn, trong khi ông Trọng lại thiên về giáo điều và lý thuyết.

Nhà phân tích chính trị giấu tên cho biết, về đối nội, một khác biệt rất lớn giữa ông Trọng và Tô Lâm được thể hiện qua những bài phát biểu của ông ấy tại các cuộc họp trung ương là Đảng vẫn lãnh đạo về các đường lối, chính sách lớn của quốc gia, nhưng chính phủ vẫn là cơ quan điều hành chính :

"Đối với vấn đề lãnh đạo thì Đảng lãnh đạo về ý tưởng lớn còn Chính phủ vẫn là người điều hành. Thật ra là rất khác với thời của ông Trọng với xu hướng Đảng can thiệp nhiều vào vấn đề điều hành của Chính phủ, thậm chí là các hoạt động phát triển kinh tế. Nhưng đến thời ông Tô Lâm thì không còn như vậy".

Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, dù có sự khác biệt về phong cách nhưng ảnh hưởng của hệ tư tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội dưới thời ông Trọng vẫn còn rất nặng nề. Việc ông Tô Lâm có thể tạo ra những thay đổi đột phá sẽ phụ thuộc vào thời gian và bối cảnh chính trị trong tương lai xa :

"Khác với ông Nguyễn Phú Trọng, ông Tô Lâm là người thực tế, không giáo điều. Vì thế, ông Tô Lâm có thể sẽ có những quyết sách phù hợp cho đất nước tốt hơn ông Nguyễn Phú Trọng.

Thậm chí, tôi nghĩ ông Tô Lâm còn có thể có những quyết sách mang tính cách đột phá về thể chế. Nhưng điều đó chỉ có thể thấy trong tương lai xa hơn, ít nhất ngoài phạm vi 5 năm. Vì lẽ, sau hàng thập kỷ hệ thống chính trị hoạt động dưới sự khống chế của ông Nguyễn Phú Trọng, thì sự ảnh hưởng của giáo điều cộng sản, cũng như lý thuyết chủ nghĩa Xã Hội sắt máu vẫn còn rất nặng nề trong tổ chức Đảng cộng sản. Bối cảnh này chưa chín muồi cho việc đưa ra những quyết sách đột phá".

Theo quan điểm của ông Huy Vũ, ông Lâm và ông Trọng, dù có phong cách lãnh đạo khác nhau nhưng tựu chung thì vẫn không có năng lực điều hành quốc gia :

"Tô Lâm không cố gắng thể hiện là một con người đơn sơ mộc mạc như ông Nguyễn Phú Trọng mà ông ấy xây dựng hình ảnh như là một lãnh tụ hiện đại hơn. Nhưng mà cái điểm chung của hai người là đều không có năng lực điều hành quốc gia. Nếu chúng ta nhìn thấy cơn bão Yagi hay là những chính sách hoạt động ngoại giao giữa các nước thì thấy là họ không có một cái sự nổi bật nào và cũng không có khả năng đưa một đất nước đi đến một vị thế khác".

Nguồn : RFA, 04/10/2024

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt
Published in Việt Nam

Đến bây giờ thì có lẽ mọi người đã thấy rõ những gì xảy ra từ sau đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Tô Lâm đã làm một cuộc ‘đảo chính cung đình’ khi loại bỏ người được chọn thay thế ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư là ông Trần Quốc Vượng (thường trực ban bí thư). Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được giữ lại làm tổng bí thư nhiệm kỳ 3 dù trước đó chỉ một ngày Đảng cộng sản nhất trí giữ nguyên điều lệ đảng là người giữ chức vụ tổng bí thư không được quá hai nhiệm kỳ.

Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời thì ông Tô Lâm đã đảm nhiệm luôn cả hai chức vụ là tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước. Một số người Việt trong và ngoài nước hy vọng rằng với quyền lực tuyệt đối của mình Tô Lâm có thể sẽ thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ vì đó là xu hướng tất yếu của thời đại… Vậy điều đó có xảy ra hay không?

Kinh nghiệm Liên Xô

Chúng ta cùng nhìn lại lịch sử từ Liên Xô, một quốc gia hùng mạnh và là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản. Sau khi tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Chernenko qua đời ngày 10/3/1985, Gorbachev được bầu lên thay thế. Trước tình hình kiệt quệ của Liên Xô, Gorbachev chủ trương một số thay đổi như chống tham nhũng, nới lỏng tự do ngôn luận, tự do phát triển kinh tế…Thế nhưng Gorbachev đã sớm thất bại khi bị cả hai phe trong đảng là phe bảo thủ và phe cấp tiến chống đối dữ dội. Phe bảo thủ thì cho rằng những thay đổi của Gorbachev là quá nhanh, quá nguy hiểm và sẽ sớm dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Phe cấp tiến thì lại cho rằng những thay đổi của Gorbachev là quá ít và quá chậm chạp. Cuối cùng phe bảo thủ do phó tổng thống Yanayev đứng đầu đã tiến hành một cuộc đảo chính nhằm phế truất Gorbachev (ngày 19/8/1991). Cuộc đảo chính này không nhận được sự ủng hộ của quần chúng Nga (kể cả công an và quân đội) nên đã bị Yeltsin (một quan chức cao cấp của đảng cộng sản) nhanh chóng dập tắt. Yeltsin nhân tiện loại bỏ luôn Gorbachev để trở thành tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga.

Trong hai nhiệm kỳ của mình, Yeltsin đã cố gắng dân chủ hóa nước Nga và sáp lại với phương Tây nhưng rồi cũng thất bại. Lý do là nước Nga đã không có bất cứ một sự chuẩn bị nào cho tiến trình thay đổi này. Bất lực trước sự rối ren và khủng hoảng của nước Nga, Yeltsin đã từ chức và trao lại quyền hành cho thủ tướng Nga lúc đó là Putin.

Putin đã cai trị nước nga từ năm 2000 cho đến nay và đang dẫn nước Nga đến bờ vực tan rã. Lý do của sự thất bại trong tiến trình dân chủ hóa nước Nga đã được anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) phân tích rất nhiều lần đó là nước Nga đã không có một tầng lớp trí thức chính trị dân chủ thực sự nên không có bất cứ một dự án chính trị nào cho đất nước. Tụt hậu về tư tưởng chính trị đã nhấm chìm nước Nga trong lạc hậu và bất ổn.

tl01

Cả Gorbachev lẫn Yeltsin đều đã thất bại khi cố gắng dân chủ hóa nước Nga.

Đảng cộng sản Việt Nam đã quá chia rẽ và phân hóa

Việt Nam cũng không khác nước Nga bao nhiêu. Nhiều người Việt ước mơ có một vị lãnh đạo cứng rắn và mạnh mẽ như Putin. ‘Cầu được ước thấy’, Tô Lâm chính là Putin của Việt Nam. Trong suốt lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản chưa bao giờ chuyện thanh trừng và đấu đá lại diễn ra kinh khủng như vậy. Chỉ trong vòng ba năm đã có 7 trong số 18 ủy viên bộ chính trị bị thanh trừng trong đó có 2 chủ tịch nước, 1 thường trực ban bí thư, 1 chủ tịch quốc hội, 2 phó thủ tướng. Ngoài ra còn có 21 ủy viên ban chấp hành trung ương và 47 cán bộ thuộc quản lý của trung ương bị kỷ luật…

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng’ do Tô Lâm đứng đầu trở thành cơ quan quyền lực nhất của Đảng cộng sản. Đó là nơi có quyền ra quyết định điều tra và khởi tố bất cứ quan chức nào của đảng và tất nhiên nó nhắm đến ai là người đó có tội. Ngay cả Võ Văn Thưởng (cựu chủ tịch nước) là một người chuyên làm công tác đảng, cũng bị thanh trừng vì lý do rất mơ hồ là có người thân nhận tiền để xây nhà thờ họ.

NPT2

Đảng cộng sản Việt Nam đã quá phân hóa và chia rẽ khi có đến 7 ủy viên bộ chính trị bị thanh trừng trong một thời gian ngắn.

Đảng cộng sản tuy là một đảng chính trị nhưng lại hoạt động như một tôn giáo với kinh thánh là chủ nghĩa Mác- Lênin. Tất cả những ai đi ngược với kinh thánh đều bị trừng phạt. Hai lực lượng bị tẩy não nhiều nhất là quân đội và công an vì đó là hai lực lượng nòng cốt bảo vệ chế độ. Khẩu hiệu nằm lòng của họ là ‘còn đảng còn mình’. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Tô Lâm lớn lên và thăng tiến trong môi trường đó nên chắc chắn ông sẽ thiên về khuynh hướng bảo thủ và độc tài thay vì cởi mở và dân chủ.

Việc một số người đặt niềm tin vào sự thay đổi của Tô Lâm theo tôi là không có cơ sở. Sau đại hội 13 đến giờ thì khẩu hiệu ‘thoát Trung’ đã biến mất khỏi Việt Nam. Dưới sự đạo diễn của Tô Lâm, sau khi Tập Cận Bình tái đắc cử chủ tịch nước Trung Quốc lần thứ 3 thì Nguyễn Phú Trọng và toàn bộ ban lãnh đạo đã nhanh chóng sang thăm và chúc mừng Tập Cận Bình đồng thời ký kết một lúc 36 hiệp định song phương với Trung Quốc (tháng 12/2023). Việt Nam không chỉ hợp tác với Trung Quốc ở cấp nhà nước mà còn mở rộng đến cấp bộ và cấp vụ. Việt Nam đã cam kết gắn chặt vận mệnh của mình với Trung Quốc.

Sau khi trở thành người lãnh đạo tối cao của Việt Nam, Tô Lâm cũng chọn Trung Quốc làm quốc gia đầu tiên để viếng thăm. Trong nước, dưới thời Tô Lâm thì những nhân sĩ và những người bất đồng chính kiến ít ỏi còn lại đã bị đàn áp thẳng tay, kể cả các nhà hoạt động môi trường. Ngay cả trong chuyến làm việc tại Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Mỹ mới đây, ông Tô Lâm cũng dành thời gian viếng thăm đảng cộng sản Mỹ, một đảng không có bất cứ trọng lượng nào trong xã hội Mỹ. Không những thế sau đó Tô Lâm đã đến thăm người anh em cộng sản Cuba để khẳng định sự đoàn kết keo sơn giữa hai quốc gia cộng sản…

Dù đã nắm được quyền lực tối cao nhưng mọi thay đổi của Tô Lâm, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều bị chống đối dữ dội vì nội bộ Đảng cộng sản đã quá phân hóa và chia rẽ. Thay đổi về hướng dân chủ lại càng không vì cũng giống như Liên Xô dưới thời Gorbachev, Tô Lâm sẽ bị phe bảo thủ trong đảng với sự hậu thuẫn của Trung Quốc chống đối gay gắt. Uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam đối với quần chúng quá thấp để có thể nhận được sự ủng hộ cho bất cứ sự thay đổi nào. Phân tích như vậy để thấy Tô Lâm và ban lãnh đạo Đảng cộng sản không hề muốn thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ, tuy nhiên muốn là một chuyện, có làm được hay không lại là một chuyện khác.

Làn sóng dân chủ vẫn tiếp diễn

Thế giới đã thay đổi sâu sắc sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin. Lò lửa Trung đông cũng đang nóng lên từng ngày giữa nhà nước Do Thái và Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tuy nhiên chiến tranh thế giới thứ 3, như nhiều người lo lắng sẽ không xảy ra. Các nước độc tài đã kiệt sức nên sẽ không cầm cự được lâu. Làn sóng dân chủ lần thứ Tư vẫn đang trào dâng mạnh mẽ. Các nước độc tài đã bị nhận diện và sẽ bị cô lập.

Mối nguy lớn nhất của chế độ cộng sản Việt Nam không phải là các tổ chức dân chủ ôn hòa mà là vấn đề kinh tế. Một nhận định của Tập Hợp đã trở thành sự thật, các công ty đa quốc gia sau khi rời Trung Quốc đã không đến Việt Nam như chính quyền cộng sản mong đợi. Họ sẽ không rời Trung Quốc để đến một quốc gia chư hầu của Trung Quốc. Trong 3 lý do khiến các công ty Mỹ (như Google) không đến Việt Nam mà đến Thái Lan như tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích đó là: Việt Nam thiếu lực lượng lao động có phẩm chất (vì giáo dục lạc lậu), cơ sở hạ tầng của Việt Nam yếu kém và cuối cùng là thể chế chính trị quá tham nhũng và nhiêu khê. Trong ba lý do đó thì lý do đến từ thể chế chính trị là quan trọng nhất. Việt Nam không hề ổn định chính trị như chính quyền quảng cáo mà rất mong manh và bất ổn. Vụ chính quyền lấy đất Đồng Sênh để giao cho một công ty đầu tư nước ngoài gây ra cái chết thương tâm cho cụ Lê Đình Kình đã gây chấn động lương tâm trong và ngoài nước.

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của thế giới đó là không thể tiếp tục hợp tác làm ăn với các nước toàn trị. Sau khi mạnh lên các nước độc tài sẽ quay lại gây hấn với thế giới. Nga và Trung Quốc là minh chứng nhãn tiền. Trung Quốc đang rất khốn đốn, kinh tế của Trung Quốc đã thực sự rơi vào khủng hoảng và sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi các nước dân chủ tìm mọi cách hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho chế độ cộng sản Việt Nam.

pu1

Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin đã thay đổi hoàn toàn thế giới.

Lối thoát nào cho Việt Nam ?

Như Tập Hợp đã nhận định, Đảng cộng sản không thể dân chủ hóa một mình dù họ có muốn đi chăng nữa. Tô Lâm hay bất cứ ai trong Đảng cộng sản đều không phải là giải pháp cho Việt Nam. Cả Gorbachev lẫn Yeltsin cuối đời đều cay đắng thừa nhận rằng ‘Đảng cộng sản không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế’. Phải có một tổ chức đối lập dân chủ ôn hòa để làm một cuộc cách mạng ôn hòa. Muốn đất nước có dân chủ thì phải có một tổ chức dân chủ và một đội ngũ trí thức chính trị. Tập Hợp là một tổ chức như thế. Lập trường và lý tưởng của chúng tôi vẫn nhất quán suốt 42 năm qua đó là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên bằng những phương thức bất bạo động trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Suốt thời gian qua Đảng cộng sản đã đàn áp tất cả các tổ chức đối lập và các nhân sĩ bất đồng chính kiến nhưng có một ngoại lệ là Đảng cộng sản không (hoặc chưa) đàn áp Tập Hợp. Đây là một quyết định và đồng thuận sáng suốt và hiếm hoi của Đảng cộng sản. Tập Hợp chủ trương làm một cuộc cách mạng về văn hóa và tư tưởng chính trị cho người Việt mà tư tưởng là một thứ vô hình nên không thể tiêu diệt. Tư tưởng sẽ được đón nhận nếu đúng đắn và chỉ tàn lụi theo thời gian nếu nó sai trái và độc hại. Đảng cộng sản đã thất bại trong mọi lĩnh vực nhưng bản năng sống của họ rất tốt. Có lẽ họ hiểu rằng Tập Hợp chính là phao cứu sinh (cửa thoát hiểm) khi lịch sử bắt buộc phải sang trang. Sự ‘sáng suốt’ của Đảng cộng sản khi không đàn áp Tập Hợp có thể chỉ là vô tình nhưng nó đã từng xảy ra trong lịch sử. Sau khi thế chiến thứ Hai kết thúc, trước việc bắt buộc phải trao trả độc lập cho các nước thuộc địa thì các nước thực dân lúc đó như Anh, Hà Lan đã tiêu diệt các nhóm vũ trang cực đoan sau đó bàn giao chính quyền cho các tổ chức chính trị ôn hòa. Nước Anh đã bàn giao quyền lực cho phong trào đấu tranh ôn hòa của Mahatma Gandhi ở Ấn Độ là một ví dụ…

Ở Việt Nam cũng vậy, trong hồi ký ‘Một cơn gió bụi’ cụ Trần Trọng Kim đã thuật lại rằng, trước sự thất bại không thể tránh khỏi của quân đội Nhật trước phe đồng minh và trước khi phải rút khỏi Việt Nam, viên toàn quyền Nhật đã đến gặp cụ và nói rằng nếu cụ muốn thì quân đội Nhật sẽ tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Việt Minh trước khi rút khỏi Việt Nam. Cụ Trần Trọng Kim đã từ chối vì cụ biết rất rõ là chính quyền của cụ không hề có thực lực và Việt Minh đã phát triển và bám rễ ở nhiều địa phương trong cả nước…

nga5

Giải pháp dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị là giải pháp tốt nhất cho đất nước và cho mỗi người.

Việt Nam đang đứng trước một sự thay đổi bắt buộc dù chính quyền có muốn hay không. Thay đổi như thế nào để đất nước có thể chuyển tiếp thành công về dân chủ mà không phải đổ máu hay hỗn loạn là mong muốn và cố gắng rất lớn và không mệt mỏi của Tập Hợp. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của tất cả mọi người Việt Nam trong đó có cả những đảng viên Đảng cộng sản.

Việt Hoàng

(5/10/2024)    

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Hơn một tháng qua, dư luận cả trong lẫn ngoài đảng cộng sản bàn tán xôn xao về việc ông Tô Lâm liên tục có những động thái và phát biểu đi kèm với những từ ngữ khác lạ. Không ít lần, từ những phát biểu trong các hội nghị cho đến các bài diễn văn tự công bố trên báo chí, ông Tô Lâm nhắc đi nhắc lại những cụm từ như "kỷ nguyên mới", "bước vào kỷ nguyên vươn mình", "đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng", v.v...

Sự xôn xao của dư luận còn được tiếp tục qua sự kiện ông Tô Lâm đi Mỹ dự đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với các hoạt động như : phát biểu và giao lưu tại Đại học Columbia ; vận động tích cực để được gặp tổng thống Mỹ Joe Biden, lãnh đạo Liên Âu (EU) và tổng thống Ukraine Zelensky bên lề Đại hội đồng. Trước những gì đã thể hiện qua chuyến đi sốt sắng này của Tô Lâm, nhiều người đưa ra nhận định -dù còn dè dặt- là Tô Lâm đang đưa ra tín hiệu đổi mới và nỗ lực xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây. Những nhận định này có phần đúng và có cơ sở vì có những lý do thiết thực của nó.

tolam1

Ông Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 1 năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ ngày 22/09/2024 - Ảnh : TTXVN

Nhu cầu từ một cuộc khủng hoảng

Trước khi Tô Lâm đặt chân đến Mỹ, chính quyền đã cho thả tự do hai tù nhân lương tâm là ông Trần Huỳnh Duy Thức và bà Hoàng Thị Minh Hồng, hành động này được hiểu là một động thái cầu thị của chính quyền Việt Nam đối với Mỹ. Trước khi bàn đến vai trò của hành động này trong chuyến đi của ông Tô Lâm, cần nhắc lại rằng, những vụ việc tương tự như vậy đã diễn ra nhiều lần trước đó và cần được xem là những hành động thô bỉ của chính quyền cộng sản.

Trước hết, bắt những người bất đồng chính kiến là một hành vi sai trái vi phạm công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền con người, sử dụng tù nhân lương tâm cho các mục đích chính trị là một thái độ hẹp hòi. Mỹ hay các nước dân chủ xem quyền con người là những điều kiện căn bản trong các mối bang giao quốc tế và là những giá trị cần được thăng tiến ở mọi quốc gia. Việc bảo vệ được quyền con người ở các nước như Việt Nam không phải là quyền lợi của họ mà chỉ là bổn phận của lương tâm. Hành động đổi chác này của Tô Lâm cho thấy sự lệch lạc về nhận thức của ông ta về ý nghĩa của việc bảo vệ các giá trị nhân quyền phổ cập.

Hành động thả tù nhân lương tâm ở trên, cùng những nỗ lực bày tỏ thiện chí và sự "cởi mở" của Tô Lâm đối với Mỹ lần này thật ra không có gì đặc biệt, so với các lãnh đạo trước đó cũng không hơn là bao. Những lần các lãnh đạo chế độ tỏ thái độ sáp lại gần với các nước phương Tây chỉ phản ánh một nhu cầu tranh thủ hưởng lợi về kinh tế, nhưng cũng luôn tỏ ra đặc biệt nhạy cảm về nhu cầu khẳng định duy trì thể chế chính trị. Từ năm 2020 đến nay, kinh tế Việt Nam không nằm ngoài khủng hoảng chung của thế giới khi phải trải qua hơn 2 năm bị hoành hành bởi đại dịch Covid-19 và tác động của cuộc chiến xâm lăng Nga vào Ukraine. Chuyến đi này của ông Tô Lâm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác kinh tế để đương đầu với tình trạng khó khăn về mọi mặt.

Mỹ và Châu Âu là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi ngoại thương ở mức hơn 200% GDP đã khiến Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào mối quan hệ với các nước này. Sự kém cỏi của chính quyền cộng sản trong xử lý đại dịch Covid-19 và sự tăm tối qua việc ủng hộ Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine đã khiến các nước dân chủ ngày càng rời xa Việt Nam. Việc Tô Lâm tìm đủ mọi cách tỏ ra cởi mở trong mối quan hệ với Mỹ chỉ là nhu cầu bị thúc ép bởi tình hình kinh tế trong nước đang rơi vào khủng hoảng ; Mỹ và Châu Âu biết điều đó. Chính quyền cộng sản thật sự rất cần thị trường Mỹ và Châu Âu để nuôi hy vọng cứu vãn nền kinh tế, nhưng những gì họ đã làm chỉ cho thấy sự hời hợt và nông cạn với hệ quả là không có một kết quả thực chất nào đạt được. Các nước dân chủ phương Tây không còn thiết tha với Việt Nam hay chính quyền cộng sản đang bất lực ? Có thể là cả hai.

Điều quan trọng hơn đối với Tô Lâm

Trước hết, cần hiểu vai trò của Tô Lâm trong những năm gần đây đối với các quyết định lớn của đảng cộng sản. Trong loạt bài viết gần đây của ông Nguyễn Gia Kiểng đã phân tích về Tô Lâm [1], từ năm 2021 đến nay về vai trò thật sự của ông ta đối với các quyết định lớn của đảng cộng sản. Kể từ khi ông Trọng bị đột quỵ làm suy giảm trầm trọng về sức khỏe và trí tuệ, ông Tô Lâm vừa là cánh tay đắc lực vừa là cái đầu để suy nghĩ thay ông Trọng trong các quyết định của đảng. Sự kiện đảng cộng sản dành sự tiếp đón long trọng cho ông Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, với kết quả là 36 văn kiện hợp tác đi vào thực chất với phần lớn những quyền lợi dành cho Trung Quốc là quyết định của Tô Lâm. Điều nghiêm trọng nhất mà hai bên đã ký kết là xác định Việt Nam sẽ chia sẻ Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc. Đây không những là một thách đố đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với những bài học lịch sử giữa hai nước từ hai ngàn năm qua.

Sau khi giành được chức tổng bí thư đảng, ông Tô Lâm đã chọn Trung Quốc để thực hiện chuyến công du đầu tiên, chuyến đi diễn ra ngay trong những ngày đảng cộng sản đang kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8, cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của chế độ cộng sản. Có thể thấy, đối với Tô Lâm thì ngày kỷ niệm ý nghĩa nhất của đảng cộng sản Việt Nam cũng không bằng mục đích chuyến đi đến Trung Quốc. Chuyến đi này với kết quả là 14 văn kiện ký kết đã xác nhận những gì đã đạt được trong lần Tập Cận Bình đến Việt Nam trước đó. Như vậy, từ trước khi cầm quyền chính thức thì Tô Lâm đã chủ trương gắn chặt tương lai Việt Nam vào Trung Quốc, sau khi chính thức nắm quyền thì việc đầu tiên ông ta làm là củng cố điều đó. Đây là một nhận định quan trọng cần nhìn rõ.

tbtctntolam2

Ông Tô Lâm phát biểu khai mạc Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm Đổi mới ngày 22/08/2024. Ảnh : TTXVN

Vậy Tô Lâm chỉ nói suông về "sự đổi mới" ?

Không hoàn toàn như vậy, nhưng cũng không như chúng ta thoạt tưởng. Xin chia sẻ một góc nhìn dựa trên những diễn biến gần đây.

Trong những bài viết và phát biểu của Tô Lâm, đáng chú ý có những bài được viết không phải trong một bối cảnh cụ thể nào mà được chuẩn bị sẵn và công bố lên báo chí, trong một mục đích cần nói ra những điều muốn nói. Nổi bật trong những bài đó là việc đề cập đến những cụm từ như "đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng", "giai đoạn cách mạng mới", không những vậy còn mượn những từ của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên như "kỷ nguyên mới", "phẩm giá con người", v.v... Các bài viết này mang đến cảm tưởng cho người nghe về một tình trạng của đảng có vẻ cấp bách và cần phải đổi mới. 

Tình trạng cấp bách mà tổng bí thư Tô Lâm đề cập đến thật ra là tình trạng chia rẽ trong nội bộ đảng đã trở nên quá nghiêm trọng khiến người vừa lên nắm toàn quyền như ông ta phải có trách nhiệm giải quyết. Nhưng giải quyết như thế nào trong khi chính ông ta -trên hành trình giành lấy hai chức vụ tối cao trong đảng và chính phủ- đã triệt hạ nhiều phe nhóm khác nhau và gây ra những đổ vỡ lớn chưa bao giờ có ?! Tô Lâm đã trở thành nhân vật đáng sợ nhất nhưng cũng đồng thời là người bị chống đối nhất trong nội bộ đảng. Ngay cuộc bỏ phiếu để bầu chức tổng bí thư cho ông ta cũng diễn ra không được bình thường khi, thay vì, theo thường lệ sẽ diễn ra ở hội trường của Ban Chấp hành Trung ương đảng thì lần này đã diễn ra ở hội trường của Bộ quốc phòng. Tại sao lại như vậy ? Đây rõ ràng là điều bất thường và có thể lý giải rằng, dù có sự chia rẽ trong giới lãnh đạo cấp cao ở Ban Chấp hành Trung ương nhưng chống đối Tô Lâm là sự đồng thuận của nhiều phe phái khác. Tô Lâm đã chuẩn bị cho vấn đề này bằng cách liên minh tạm thời với phe quân đội để ép các Ủy viên Trung ương Đảng vào hội trường Bộ Quốc phòng bằng thông điệp "chúng tôi là hai lực lượng vũ trang chính". Con số tỷ lệ 100% bỏ phiếu bầu Tô Lâm phản ánh một bầu không khí khủng bố khiến các ủy viên Trung ương đảng không dám làm khác hơn, nếu không muốn bị gánh búa rìu.

Sau khi có được quyền lực trong "tình trạng cấp bách" bằng sự cưỡng ép, Tô Lâm thực hiện củng cố quyền lực bằng cách "đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng". Trước đây cơ chế "dân chủ trong nội bộ đảng" được thể hiện qua xây dựng nhân sự chủ chốt, thực hiện bằng việc tiến cử các ứng viên từ cấp địa phương và sau đó được tiến lên dần ở các cấp cao hơn. Tuy nhiên, cơ chế này đã chấm dứt sau Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 vào tháng 10/2023 với quyết định quyền chỉ định nhân sự thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Không dừng lại đó, ở Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 9 vừa qua đã đi đến quyết định, công tác nhân sự và các vấn đề trọng yếu khác của đảng từ nay sẽ do Bộ Chính trị "chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh để kịp thời ban hành". Như vậy, Bộ Chính trị sẽ được toàn quyền "chỉ đạo hoàn chỉnh và ban hành" trong mọi quyết định quan trọng, còn Ban Chấp hành Trung ương với cơ chế "dân chủ tập trung" coi như bị xóa bỏ. 

Đứng trước tình trạng phức tạp của đảng khi bị chia rẽ bởi 200 ủy viên Trung ương đảng khiến đảng khó lấy quyết định chung, Tô Lâm đã chọn co cụm lại trong Bộ Chính trị gồm 15 thành viên cũng đang chia rẽ trầm trọng. Như vậy, kỷ nguyên mới mà Tô Lâm hô hào chỉ là một giai đoạn độc tài cá nhân thuần túy dựa trên bạo lực và sự cưỡng ép đối với chính đảng cộng sản. Phương thức lãnh đạo và cầm quyền mới của đảng chỉ đơn giản là xóa bỏ các cơ chế lãnh đạo trước đây để tập trung quyền lực vào tay một nhóm nhỏ trong Bộ Chính trị. Từ khi nắm quyền cho đến nay, đảng cộng sản đã cư xử với nhân dân Việt Nam như một lực lượng chiếm đóng, giờ thì tuyệt đại đa số đảng viên đảng cộng sản cũng đang bị một nhóm nhỏ hơn 10 người đối xử như một nhóm người thống trị.

Nhưng tình trạng này sẽ đi đến đâu ?

Đảng cộng sản Việt Nam đang ở trong tình trạng của một tổ chức đã mất lý tưởng từ lâu, những người đến với đảng trong nhiều năm qua chỉ vì lợi ích, hoặc chỉ để được yên thân. Hệ quả của một tập thể đến với nhau thuần túy vì lợi ích chỉ có thể là sự chia rẽ, không thể khác, vì trong một tổ chức thì chỉ có một lý tưởng đẹp mới gắn kết được các thành viên với nhau. Sự chia rẽ trong nội bộ đảng cộng sản đã có từ lâu nhưng trở nên nghiêm trọng từ cách đây hơn 10 năm, với cuộc đấu đá công khai giữa hai phe Nguyễn Tấn Dũng và liên minh Trương Tấn Sang-Nguyễn Phú Trọng. Sau hơn 10 năm, hiện nay mức độ mâu thuẫn và công khai đã chỉ tăng lên. 

Những lần Tô Lâm thanh trừng các ủy viên Bộ Chính trị quyền lực như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ cùng hàng loạt các đảng viên cao cấp khác diễn ra chỉ trong một thời gian ngắn đã đưa đến tình trạng mất kiểm soát trong chế độ. Phe quân đội dù trước đó không có nhiều tham vọng chính trị nhưng đứng trước cuộc thanh trừng quá khốc liệt, đã buộc phải chọn giải pháp trước mắt là chấp nhận Tô Lâm -dù có mọi lý do để không ưa gì ông ta- như một giải pháp để tránh tình trạng chiếc ghế tổng bí thư đảng bị bỏ trống, một nguy cơ đưa đến sự sụp đổ của chế độ. 

Tuy vậy, phe quân đội sẽ tự biết rằng, quyền lực quá lớn cho một người hung bạo như Tô Lâm -thể hiện qua việc thanh trừng các ứng viên quyền lực nhất đảng- sẽ là một mối nguy cho chính họ. Đối với tổng bí thư Tô Lâm, trong thâm tâm ông ta cũng tự biết rằng mình dựa vào phe quân đội để lên thì cũng có thể bị phe quân đội đưa xuống. Những đồn đoán về chiếc ghế chủ tịch nước có thể được Tô Lâm nhường cho quân đội để giảm bớt quyền lực, như vậy, không phải không có căn cứ. Sau những lần bỏ lỡ, theo thông báo chính thức thì tháng 10 này, chức chủ tịch nước sẽ được quốc hội bầu lại để giao cho một người khác. Hai phe công an và quân đội sẽ chọn ai và quá trình bầu chức chủ tịch nước diễn ra êm đẹp hay không, vẫn còn là một dấu hỏi.

tcbctntolam3

Chúng ta cần nhận nhau là anh em và kết hợp với nhau trong một lực lượng dân chủ để nắm lấy thời cơ này.

Một điều chúng ta có thể làm

Những gì mà chế độ cộng sản đang trải qua cho thấy là họ đã không thể làm chủ được tình hình. Sự bất lực của đảng cộng sản đang đặt đất nước trong một tình thế nguy hiểm bởi chính quyền cộng sản đã lựa chọn một trong những lối đi tăm tối nhất. Trách nhiệm vì vậy, đang đặt ra cho chúng ta -những người còn quan tâm đến đất nước- là hãy nắm lấy quyền chủ động chứ đừng trông mong gì vào một sự thay đổi từ đảng cộng sản vì họ cũng không thể kiểm soát được chính mình. Những kiến nghị, góp ý hay tâm thư gửi lãnh đạo cộng sản để mong chế độ thay đổi từ lâu đã không mang lại một kết quả nào dù là nhỏ nhất, trong bối cảnh hiện nay những hành động đó càng trở nên vô nghĩa và mất thời giờ.

Đây là lúc mà tất cả chúng ta, những người đấu tranh cho dân chủ và cả những người cộng sản cấp tiến, cần thấy được bối cảnh đất nước đã thật sự chín muồi cho một sự thay đổi lớn. Chúng ta cần nhận nhau là anh em và kết hợp với nhau trong một lực lượng dân chủ để nắm lấy thời cơ này. Một lực lượng dân chủ lớn mạnh với đồng thuận căn bản trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bất bạo động là giải pháp duy nhất cho sự chuyển tiếp của đất nước về dân chủ được diễn ra trong hòa bình và trật tự. Những người cộng sản còn chút sáng suốt cũng mong muốn tiến trình này.

Kỷ Nguyên

(03/10/2024)

Tham khảo :

[1] Loạt bài viết của tác giả Nguyễn Gia Kiểng về Tô Lâm và đảng cộng sản gần đây :

- Tô Lâm và những gì thực sự quan trọng (29/05/2024)

- Hiện tượng Tô Lâm và những gì cần biết (17/08/2024)

- Một cột mốc lớn cần được nhìn rõ (02/10/2024)

Additional Info

  • Author Kỷ Nguyên
Published in Diễn đàn
dimanche, 29 septembre 2024 00:45

Việt Nam đang ở đâu ?

Đến thời điểm này, không cần phải hiểu câu hỏi này theo nghĩa hẹp, có nội dung giới hạn trong địa hạt chính trị nữa, mà phải hiểu rằng chính trị phổ quát đã chi phối toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của Việt Nam gần một thế kỉ nay. Cho đến lúc này, mọi ngóc ngách chân tơ kẽ tóc đều mang bóng dáng của nền chính trị cộng sản. Và vấn đề cần đặt ra lúc này là Đảng cộng sản Việt Nam đang ở đâu ? Việt Nam đang ở đâu trên tiến trình nhân loại ?

luatchoi1

Luật chơi của mâm thịt chó - Ảnh minh họa

Đầu tiên, nói về đảng cộng sản, gần đây nhất, có lẽ phải nhắc đến cuộc đảo chính của Tô Lâm trước Nguyễn Phú Trọng, đây là một cuộc đảo chính ngoạn mục và tập trung quyền lực về tay Bộ Công an, tập trung sức mạnh về phe nhóm Hưng Yên, trong đó, quyền lực của hai bang phái khác là Hà Tĩnh và Nghệ An đang rơi vào khủng hoảng bởi sự khống chế của phe Hưng Yên.

Điều này không phải tự dưng mà có, mà là do nguyên tắc chơi, luật chơi của mâm thịt chó mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra, thực hiện sau khi hất cẳng Nguyễn Tấn Dũng nhưng vẫn cứu và giữ lại Tô Lâm sau vụ lùm xùm Mobifone - AVG. Trong vụ này, nếu ông Trọng không cứu, thẳng tay chặt củi thông qua lưới lọc Ban bí thư thì Tô Lâm không có đường sống sót. Vì Ban bí thư thuộc về phe nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh, cả hai bang phái này đều là thân cận của Nguyễn Phú Trọng và họ thừa biết phe nhóm Hưng Yên với Tô Lâm (con trai Tô Quyền) làm đầu lĩnh là một bang phái khó nhai nhất, nếu có cơ hội thì họ triệt tiêu để rộng đường hoạn lộ.

Thế nhưng Nguyễn Phú Trọng lại cứu mặc dù Trọng thừa biết Lâm là đệ tử thân tín của Dũng, nhiều phen Trọng phải đi thẳng từ Phủ Tổng bí thư về Bộ Quốc phòng để ngủ qua đêm trong thời gian Dũng đang tác oai tác quái mà trong đó, Lâm là trợ lực mạnh nhất, là thanh kiếm của Dũng. Nhưng, Trọng biết Lâm là người biết việc, hơn nữa, cứu Lâm thì mới xây dựng được một chuỗi quyền lực liên đới, tức sau khi được cứu, được làm Bộ trưởng Công an, được vào Ủy viên Trung ương và hơn nữa, được phò tá cho Trọng trong việc đốt lò, thì xem như ân oán được giải quyết, Lâm phải phò Trọng vì trả ơn mà cũng vì mượn tay Trọng để củng cố quyền lực. Chính việc Lâm mượn tay Trọng để củng cố quyền lực đã khiến cho nhóm Nghệ An và Hà Tĩnh giảm bớt độ quậy phá cũng như ý định tạo phản sẽ chậm hơn, yếu hơn. Ghế của Trọng an toàn hơn, chiêu "dĩ độc trị độc" được Trọng dùng hết sức hiệu quả.

Với việc cân đối quyền lực như vậy, Trọng có thể ung dung bước vào nhiệm kì Tổng bí thư lần thứ ba.

Tuy nhiên, trong hệ thống, có một thứ quy luật con người không tránh được, đó là luật tử sinh, Trọng đã quá già, lại lâm bệnh, với cơ thể què quặt, mệt mỏi, nằm điều trị ở phòng Hồi sức tích cực mà vẫn còn ung dung nắm quyền điều hành, vẫn còn hô mưa gọi gió bởi phép cân đối quyền lực, dùng Tô Lâm làm lá chắn và thanh kiếm để đảm bảo quyền lực... có vẻ như không phù hợp. Bởi đâu riêng Trọng ham quyền lực, Lâm cũng ham vậy. Và bằng chứng là Trọng chết, Lâm thay thế vào ghế Tổng bí thư một cách ngoạn mục đến độ có rất nhiều đồng chí há hốc và té ngửa.

Sở dĩ Lâm thành công bởi Lâm nắm rõ qui luật mạnh thì thắng, yếu thì thua, Lâm nắm rõ đối phương. Trong một thể chế chính trị, kẻ nắm quyền mà đi đái cũng không nổi thì cách gì cũng bị đảo chính, người đảo chính lại là nhân vật thân cận, cánh tay đắc lực. Bởi đó là sự thay thế tự nhiên, cây nào gần gốc cổ thụ mục nhất, cây ấy sẽ mọc lên thế chỗ của đa đề.

Mở rộng ra, vấn đề Việt Nam, trong một cơ thể quốc gia, dân tộc, với một đảng độc tài, độc quyền suốt gần một thế kỉ nay ở miền Bắc và ngót nghét nửa thế kỉ ở miền Nam, mọi thứ đều qui về một mối, từ giáo dục, văn hóa, kinh tế, cho đến chính trị đều thuộc về đảng cộng sản trên nền tảng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, hay nói khác đi là chủ nghĩa xã hội được dùng làm kim chỉ Nam cho dân tộc... đến nay như thế nào ?

Từ mọi ngóc ngách xã hội, yếu tố cạnh tranh, kèn cựa, đấu tố và dùng thủ đoạn với nhau đã đến mức phổ biến, không còn kiềm chế được. Từ những đứa trẻ cờ đỏ, sao đỏ trong trường học, từ những người lớn trong cơ quan, từ những đứa học sinh giỏi trong đội tuyển tìm cách đấu đá, loại bỏ nhau nhằm mục đích chiếm ngôi vị số một trong đội hình... Tất cả đều do tư duy độc đoán, độc tài, không chấp nhận người khác hơn mình mà ra. Và để đảm bảo được sự xấu xa, sự kèn cựa, những đứa trẻ đeo khăn quàng đỏ không ngại ngần đấu tố, vu khống và chụp mũ, dựa hơi chính trị (Đoàn - Đội) để đẩy nhau xuống vực. Chuyện này xảy ra nhan nhản trong môi trường giáo dục Việt Nam. Những đứa trẻ không có chỗ chống lưng thì đâm ra bất mãn và nổi loạn, những đứa dựa hơi chính trị thì thỏa sức lập phe nhóm để ép đứa khác. Thử hỏi, những đứa trẻ này khi lớn lên với lý lịch đỏ mà chúng có được trong suốt 12 năm học phổ thông cùng với vài năm đại học sau này, chúng sẽ làm gì, sẽ hành xử như thế nào ? Chắc không cần nêu câu trả lời.

Thượng tầng có đấu đá, kèn cựa theo kiểu thượng tầng, hạ tầng có kiểu đấu đá và kèn cựa theo hạ tầng. Người lớn có âm mưu, thủ đoạn của người lớn, trẻ con có âm mưu và thủ đoạn của trẻ con. Điều đó cho thấy xã hội đang ở cao trào băng hoại.

Thử xét lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa, rõ ràng, đây là một lý tưởng đẹp mà Mác đã vẽ ra cho nhân loại, Mác tìm sự công bằng, Mác chống bất công, Mác chống người bóc lột người và Mác mơ ước một thiên đường xã hội chủ nghĩa. Quan trọng nhất, là Mác đã đúng, vì Mác bảo rằng tất cả các thể chế Tư Bản chỉ là một dạng thể chế quá độ lên xã hội chủ nghĩa. Và điều đó rất đúng khi nhìn lại Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hà Lan, các nước Tây Âu và Mỹ. Họ mặc dù mang nhãn mác Tư Bản nhưng họ có hẳn một thiên đường xã hội chủ nghĩa trong cái vỏ tư bản ấy.

Một thiên đường xã hội chủ nghĩa mà ở đó, tù nhân được tắm nắng trên ghế nệm, được ăn uống nghỉ ngơi, được lao động theo mức độ cho phép của pháp luật và họ được xem mọi chương trình truyền hình... Chữ tù nhân được định nghĩa là mất tự do trong giới hạn quyền công dân chứ không mất tự do trong giới hạn quyền làm người. Điều đó đang diễn ra tại các nước tư bản.

Cũng như một thiên đường mà ở đó, sự công bằng được bảo đảm, bảo chứng và quyền làm người, quyền tự do được tôn trọng, tài năng được trọng dụng. Cái quyền ấy, giá trị ấy đang diễn ra ở các nước tư bản.

Điều đó ngược hẳn với khái niệm "quá độ" của các nước xã hội chủ nghĩa đương thời. Bởi vì ở các nước xã hội chủ nghĩa, thực tại của nó không hề có quá độ, như Trung Quốc, Cu Ba, Việt Nam chẳng hạn, ở đó chỉ có độc tài, đấu đá chính trị, đấu đá quyền lợi và kèn cựa địa vị, ở đó quyền tự do, quyền làm người bị đánh tráo với thân phận chính trị, hễ cứ là đảng viên, đoàn viên thì được xem là người đàng hoàn, tử tế mặc dù họ đi lên, phát triển trên nền tảng kèn cựa, đấu đá, thủ đoạn và tâm tính nhỏ mọn. Đó là một thực tế.

Nếu xét đúng bản chất và đừng đánh tráo khái niệm, thì phải thấy rằng cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng, hiện tại đang bước vào giai đoạn di căn của chứng ung thư chính trị. Tức các tế bào đạo đức, tử tế, nghiêm túc và tiến bộ đang bị các dị tế bào mang đầy mặc cảm, tội lỗi, giả dối, đội lốt, âm mưu, thủ đoạn và hẹp hòi lấn át. Nó đã di căn từ kiến trúc thượng tầng cho đến cơ sở hạ tầng.

Và, Tô Lâm với tư cách một người cầm trịch, lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tối cao của đảng cộng sản, chắc chắn ông sẽ nhìn thấy và phải nhìn thấy điều này. Bởi nếu ông không nhìn thấy, thì tốc độ di căn của bệnh xã hội sẽ không chừa một ai, kể cả ông.

Vấn đề hiện nay là nên chọn cơ thể đã di căn này để tiếp tục nuôi nó sống và xem nó là chủ nhân ông, là gia chủ của văn hóa/văn minh dân tộc hay là chọn một cơ thể lành mạnh hơn để đại diện và chủ nhân ông của văn hóa/văn minh dân tộc ? !

Lịch sử là do một dân tộc hun đúc, nhưng làm nên bước ngoặc lịch sử lại là việc của một cá nhân, bởi nó mang tính độc sáng, nó siêu vượt theo tiến trình của nhân loại.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 29/10/2024

Additional Info

  • Author Viết từ Sài Gòn
Published in Diễn đàn

Chuyến đi Mỹ cần thiết cho ông Tô Lâm

Chuyến đi Mỹ dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sau đó thăm cấp nhà nước Cuba của ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cùng phái đoàn các đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 22-26/9/2024 đã kết thúc. Bỏ qua chuyến đi tới Cuba, một nước cộng sản "anh em", báo chí Việt Nam ở hải ngoại và dư luận chỉ chú ý phân tích nhiều đến chuyến đi Mỹ, được xem là chuyến ra "biển lớn" đầu tiên của ông Tô Lâm. Trong chuyến đi này, ông Tô Lâm đã gặp mặt Tổng thống Biden, gặp mặt một số đại diện các tập đoàn kinh doanh Mỹ và đến phát biểu tại trường đại học Columbia.

chuyendi1

Ông Tô Lâm phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Mặc dù báo chí truyền thông trong nước ra sức đánh bóng cho ông Tô Lâm trong chuyến đi này và việc gặp mặt Tổng thống Biden, nhưng phải nói ngay rằng, chuyến đi này quan trọng với ông Tô Lâm hơn là với Tổng thống Biden, sự góp mặt của ông tại Liên Hiệp Quốc lại càng chả có ý nghĩa gì với thế giới.

Với Tổng thống Biden, như chúng ta biết, cuộc gặp mặt này diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và diễn ra không lâu sau dịp kỷ niệm một năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 10/9. Đáng lẽ nó phải rất là quan trọng, rất có ý nghĩa vì kỷ niệm một năm 2 nước nâng quan hệ lên mức cao nhất, và Việt Nam có lẽ rất muốn có một cuộc gặp mặt chính thức tại Tòa Bạch Ốc với ông Biden, nhưng chương trình nghị sự của Tổng thống Biden quá bận, một cuộc gặp chính thức bao giờ cũng phải lên lịch trình từ rất lâu, dù sao sắp xếp để gặp được bên lề đã là điều tích cực. Nhưng không có gì nhiều vấn đề có thể được giải quyết trong những cuộc gặp bên lề như vậy, thứ nữa là cũng chỉ còn có hơn 1 tháng nữa là tới bầu cử Mỹ, Tổng thống Biden sẽ bước xuống, mà bao nhiêu việc cần kíp ông phải giải quyết, Việt Nam không phải là ưu tiên, không có gì để phải gấp gáp bàn bạc với Việt Nam. Việt Nam chắc cũng hiểu điều đó và cũng cẩn thận khi chưa biết kết quả bầu cử sắp tới bên Dân Chủ hay Cộng Hòa thắng.

Như nhiều nhả bình luận phân tích chính trị cũng đã chỉ ra, Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là ông Tô Lâm mới chính là bên cần chuyến đi này nói chung và cuộc gặp mặt này nói riêng, nhất là với bản thân ông Tô Lâm. Với thế giới, ông cần bước ra sân khấu chính trị thế giới để cho các nước biết đến mình, coi như chào sân, sau khi nhận 2 chức vụ, và cũng có thể là sẽ không có cơ hội thứ hai gặp được cùng lúc nhiều lãnh đạo quốc tế như vậy trên cương vị Chủ tịch nước vì tháng 10 tới có thể ông sẽ phải nhường lại vị trí Chủ tịch nước. Thứ hai với bên ngoài ông cần nó để trấn an các nước, sau những hỗn loạn của chính trường Việt Nam thời gian qua thì nhiều nước cũng đang tỏ ra nghi ngại không biết đường lối chính sách của ngoại giao của Việt Nam sẽ có gỉ thay đổi hay không, và nhân vật có nhiều thành tích tệ hại về mặt nhân quyền, nhiều scandal xuyên biên giới này là con người ra sao. Nhưng quan trọng hơn, ông cần chứng minh với người trong đảng là ông có thể làm tốt vai trò của mình về mặt ngoại giao, còn với người dân thì cũng để đánh bóng bản thân. Tóm lại chuyến đi quan trọng với ông Tô Lâm và vói nhà nước cộng sản Việt Nam hơn là với Hoa Kỳ, với thế giới.

Với thế giới, thực sự mà nói thì thế giới chả quan tâm gì đến Việt Nam bao nhiêu, lại càng không quan tâm đến ông Tô Lâm. Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc này có bao nhiêu hồ sơ nóng của thế giới khiến các nước phải quan tâm : cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, xung đột Trung Đông có nguy cơ lan rộng thành cuộc chiến khu vực, thảm họa nhân đạo ở Sudan do cuộc xung đột kéo dài ở quốc gia Bắc Phi này, rồi những bước đi hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông v.v… Việt Nam lại càng không phải là một quốc gia có đóng góp gì nhiều cho nhân loại hay một hình mẫu về thể chế để mà thế giới phải nể trọng.

Còn về phía Hoa Kỳ, và Biden, nó chỉ là một cuộc gặp giao hảo. Tuy nhiên, có một điều khích lệ đó là trong bài diễn văn của Tổng thống Biden trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 24/9, mà cũng là bài diễn văn cuối cùng của ông Biden trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, ông Biden đã nhắc đến Việt Nam vài lần [1]. Ông nhắc đến cuộc chiến tranh Việt Nam khi ông được bầu làm Thượng nghị sĩ của nước Mỹ năm 1972, lúc 29 tuổi, và nhắc tới chuyện Việt Nam và Mỹ đã xóa bỏ quá khứ, trở thành bạn bè, đối tác. Một ví dụ cho chuyện luôn luôn cần phải đối thoại thay vì đối đầu. Đặc biệt là khi thế giới hiện nay đang có những khu vực, những quốc gia không muốn chọn con đường đối thoại mà lại muốn sắp xếp lại trật tự thế giới theo ý mình hoặc muốn giải quyết những xung đột bằng con đường vũ lực. Đấy là điểm son cho Việt Nam khi đã không bao giờ ngắt kết nối với thế giới trong những năm qua, tất nhiên chỉ trừ giai đoạn Việt Nam bị thế giới ngắt kết nối, cấm vận do cuộc chiến Campuchia.

Quan hệ Việt-Mỹ sau 1 năm nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện, kết quả và kỳ vọng

Việt Nam luôn tự hào đã khép lại quá khứ với Mỹ, rằng quan hệ Việt-Mỹ phát triển vượt bực nhưng thực sự mà nói vẫn là quá chậm. Vì "kiêu ngạo cộng sản", Việt Nam bỏ qua cơ hội bình thường quá quan hệ với Mỹ ngay sau khi cuộc chiến kết thúc và 20 năm sau Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đi chậm sau Trung Quốc nhiều năm. So sánh với Trung Quốc, cuộc chiến biên giới Việt-Trung xảy ra năm 1979 nhưng trên thực tế xung đột giữa 2 nước vẫn kéo dài cho tới tận năm 1988 và cũng là năm mà Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam, nhưng đến năm 1991, tức là chỉ có 4 năm sau thì Việt Nam đã bình hóa quan hệ với Trung Quốc rồi. Và bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn lớn về an ninh, toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, sự độc lập tự chủ của Việt Nam thì mối quan hệ bất xứng Việt Nam-Trung Quốc vẫn hết sức chặt chẽ, với Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát, kềm tỏa của Trung Quốc như chúng ta có thể thấy. Trong khi đó thì tiến trình quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ sau khi bình thường hóa quan hệ vẫn rất chậm chạp, đầy những hoài nghi cảnh giác từ phía Việt Nam.

tolam1

Ông Tô Lâm phát biểu về Quan hệ Việt-Mỹ sau 1 năm nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện

Và bây giờ, sau một năm nâng vượt cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện thì theo đánh giá chung của giới chuyên gia, bang giao Việt – Mỹ vẫn không thật khả quan, vẫn chưa có nhiều đột phá. Tất nhiên một năm thì thời gian tương đối ngắn. Và trong năm này, mỗi nước cũng có nhiều biến động về chính trị nội bộ. Việt Nam thì liên tục có những xáo trộn, khủng hoảng chính trị, người này lên người kia xuống, rồi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Bên Mỹ thì quá nhiều vấn đề đối nội-đối ngoại phải quan tâm, bây giờ lại bước vào mùa bầu cử. Cho nên vẫn chưa có nhiều bước tiến đáng kể. Đó là chưa kể việc quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngay sau đó lại nâng thêm một bước cao hơn là "cùng chung vận mệnh", Việt Nam tiếp đón trọng thể Putin, một tội phạm chiến tranh đang bị tòa án quốc tế truy nã, rồi tình trạng nhân quyền của Việt Nam không hề cải thiện…cũng là những trở ngại, khiến phía Mỹ thiếu lòng tin và khó xử. Tổng thống Biden đã bị sức ép từ một số dân biểu, nghị sĩ, một số tổ chức xã hội dân sự về tình trạng nhân quyền của Việt Nam.

Vào ngày 1/5/2024 Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố báo cáo tự do tôn giáo 2024, tiếp tục kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại vào danh sách Quốc gia Cần quan tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern - CPC) vì cho rằng Việt Nam "đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng" [2] ; mới đây tổ chức Human rights Watch cũng lên tiếng mà đài VOA tiếng Việt có bài dẫn lại rằng "HRW : Lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam ‘xưa nay vẫn là kẻ vi phạm nhân quyền’ [3], v.v…Tất cả những điều này cũng làm cho chính quyền Biden khó xử.

Nếu mà nói kỳ vọng vào mối quan hệ song phương chiến lược toàn diện này thì về phía Mỹ, chỉ có mỗi một mục đích là kéo Việt Nam ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc vì vị trí địa chính trị của Việt Nam. Nhưng, giả sử nếu Việt Nam nghiêng hẳn về phía Trung Quốc thì Hoa Kỳ vẫn có nhiều đồng minh khác, đáng tin cậy hơn trong vùng, từ Nhật Bản, Hàn Quốc cho tới Philippines. Trong khi đó, Việt Nam cần Mỹ về mọi mặt từ việc ngăn chặn bớt sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông cho tới chuyển đổi sang kỹ thuật số, năng lượng xanh, công nghệ cao, an ninh, rồi an ninh mạng, hiện đại hóa vũ khí… Nhưng Việt Nam có lẽ chỉ dám xúc tiến trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục, công nghệ còn quân sự, an ninh, quốc phòng, thì không dám công khai xích lại gần Mỹ vì sợ sẽ chọc giận Nga, Tàu, ngay cả chuyện mua vũ khí cũng phải đắn đo đủ thứ.

Nếu chúng ta để ý thì trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cứ mỗi lần 2 bên tiến lên một bước thì lại có bàn tay Trung Quốc tìm cách ngăn cản, chọc gậy bánh xe. Như trước khi ông Tô Lâm đi Mỹ cũng vậy, cũng có những vụ chọc gậy bánh xe, cố tình làm hoen ố chuyến đi này và mối quan hệ Việt-Mỹ như vụ kích động tinh thần dân tộc cực đoan giương cao cờ Đỏ tấn công cờ Vàng, vụ đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc "làm cách mạng màu" [4] mà một điều đáng lưu ý là tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Đà Nẵng lại đăng lại phóng sự video với nhan đề "Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục" mà trước đó ngày 21/8 Kênh truyền hình quốc phòng Việt Nam đã đăng và đã rút xuống.

Rồi ngay khi Tổng thống Biden đang tiếp ông Tô Lâm thì Trung Quốc lại công khai phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hướng về khu vực Thái Bình Dương, vô tình hay cố ý ?

Chính vì bao nhiêu sự phức tạp, tế nhị đó, trước mắt Việt Nam có lẽ sẽ tập trung về mảng kinh tế, kêu gọi các công ty của Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Trước đó và ngay trong chuyến đi này ông Tô Lâm và phái đoàn Việt Nam cũng cố gắng có những cuộc gặp gỡ đại diện của một số tập đoàn Hoa Kỳ, gồm Apple, Google của Alphabet và Facebook của Meta, v.v…

Ông Tô Lâm phát biểu tại đại học Columbia - bao nhiêu công sức chuẩn bị phía sau nhưng có gì đáng để khen ?

Báo chí truyền thông tiếng Việt trong ngoài đều nhấn mạnh đến chi tiết ông Tô Lâm là nhà lãnh đạo Đảng cộng sản đầu tiên được mời tới nói chuyện tại Đại học Columbia, một trường đại học thuộc loại danh giá của Hoa Kỳ. Nhưng phía sau câu chuyện này là gì và ông Lâm có đáng được khen hay không ?

camnham2

Ông Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia

Trước chuyến đi, nhà nước cộng sản Việt Nam đã thả trước thời hạn 2 tù nhân lương tâm nổi tiếng là kỹ sự, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Cả 2 người này đều nằm trong danh sách được các tổ chức quốc tế lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải thả tự do vô điều kiện. Nhưng bà Hoàng Thị Minh Hồng là người đã theo học tại Đại học Columbia trước đây với tư cách là người nhận học bổng chương trình đào tạo lãnh đạo của Obama Foundation [5]. Khi bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt thì hàng loạt trí thức, tổ chức đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Việt Nam trả tự do cho bà, trong đó có trường đại học Columbia. [6], Biết rằng sẽ được mời tới đại học Columbia phát biểu, giao lưu cho nên ông Tô Lâm và nhà cầm quyền Việt Nam đã thả bà Hoàng Thị Minh Hồng ra. Đó là một sự tính toán.

Người điều phối trong phần tọa đàm này là Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hằng, Giám đốc Viện Đông Á Weatherhead thuộc Đại học Columbia. Bà giảng dạy về lịch sử mối quan hệ Mỹ-Đông Á. Trước kia mấy cuốn sách nghiên cứu về cuộc chiến Việt Nam của bà Liên Hằng từng bị các "hội nhóm cờ đỏ" tại Việt Nam tố cáo là xuyên tạc lịch sử [7]. Tuy nhiên, bà Liên Hằng cũng là một thành viên quản trị của Đại học Fulbright Việt Nam. Trong số những thành viên ban đầu của Hội đồng Sáng lập Trường đại học Fulbright Việt Nam có vợ chồng ông Nguyễn Bảo Hoàng và bà Nguyễn Thanh Phượng--con gái và con rể ông Nguyễn Tấn Dũng [8], mà ông Tô Lâm thì từng là "đệ tử" của ông Nguyễn Tấn Dũng khi ông này còn là Thủ tướng. Như thế để thấy được những mối quan hệ chồng chéo, những sự kết nối, chuẩn bị công phu để ông Tô Lâm có thể xuất hiện tại trường này ; cũng như sự đấu đá phía sau hậu trường chính trị Việt Nam. Và sự đấu đá đó cũng tiếp tục diễn ra ngay trước chuyến đi của ông Tô Lâm, qua chuyện đại học Fulbright Việt Nam bị các phe đối địch với ông Tô Lâm và cả những phe không muốn Việt Nam xích lại gần Mỹ tấn công. Còn về phía Đại học Fulbright Việt Nam, sau khi bị tố cáo "làm cách mạng màu" thì có lẽ việc để cho bà Liên Hằng thực hiện cuộc "giao lưu, phỏng vấn" này cũng là muốn ghi điểm với chính quyền Việt Nam.

Mọi chi tiết về chuyến đi cho tới buổi phát biểu, giao lưu tại đại học Columbia đều là cả một sự sắp xếp, tính toán, trình diễn, tuy nhiên vẫn khá là lộ liễu. Các sinh viên Việt Nam đặt câu hỏi thì giọng Bắc, có vẻ thuộc thành phần lý lịch được chọn lựa trước, phải nhìn vào điện thoại để đặt câu hỏi, ông Tô Lâm thì cầm giấy trả lời… Nhưng ngay từ câu hỏi đầu của bà Liên Hằng về vấn đề hòa giải hòa hợp giữa những người Việt Nam với nhau có nhắc đến cân nói ngày 30/4 là một sự kiện có triệu người vui, triệu người buồn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì ông Lâm né, không đề cập gì đến vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc mà chỉ nói đến sự hòa giải hòa hợp trong mối quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ [9].

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy có sự phản đối của nhiều cá nhân, nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Mỹ về chuyện trường đại học Columbia mời ông Tô Lâm đến nói chuyện, mặc dù trường này đã phân bua là họ mời các diễn giả khác nhau tới trường để tôn trọng quyền tự do ngôn luận [10], nhưng rõ ràng chuyện này cũng đánh bóng hình ảnh một lãnh đạo của một đảng và nhà nước cộng sản có hồ sơ tệ hại về mặt nhân quyền nói chung và quá khứ đàn áp nhân quyền, triệt hại các đồng chí khác của ông Tô Lâm nói riêng.

Cũng cần nhắc lại vài chi tiết liên quan đến trường đại học Columbia. Trong năm học 2007-2008, trường đã mời và sau đó tiếp đón ông Mahmoud Ahmadinejad - tổng thống Iran khi đó, một nhân vật độc tài của một chế độ độc tài vô cùng hà khắc [11].

Khi cuộc chiến Israel với tổ chức Hamas nổ ra, Đại học Columbia đã trở thành trung tâm của các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine do sinh viên lãnh đạo, đưa tới phong trào biểu tình rộng rãi tại các trường đại học trên khắp Mỹ và nước ngoài. Columbia là một trong các trường đại học mà người đứng đầu phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ (các trường kia gồm toàn những trường đại học danh giá như Harvard University, University of Pennsylvania and MIT-- Massachusetts Institute of Technology) vì cách xử lý các cuộc biểu tình. Một mặt đã để cho những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine do sinh viên tổ chức đi quá đà, có những biểu hiện bài Do Thái, khiến các sinh viên Do Thái trong trường cảm thấy không an toàn, mặt khác sau đó lại gọi cảnh sát tới giải tán các cuộc biểu tình. Sau cuộc điều trần này một thời gian, Hiệu trưởng trường Đại học Columbia, bà Minouche Shafik, đã phải từ chức vào tháng 8/2024 [12] (các Hiệu trưởng khác phải từ chức bao gồm bà Liz Magill - University of Pennsylvania), Claudine Gay - Harvard University, Martha E. Pollack—Cornell University).

Nhắc lại vài chi tiết để thấy ở một số trường đại học, giới sinh viên trí thức, nghệ sĩ các nước dân chủ phương Tây thường hay có xu hướng chính trị mà họ cho là cấp tiến, nhưng đôi khi lại ngày thơ trong việc có thiện cảm đối với những cá nhân hoặc các quốc gia độc tài, các tổ chức khủng bố. Cho nên việc họ mời ông Tô Lâm cũng chả có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu thực sự tôn trọng tự do ngôn luận, trường Đại học Columbia và cá nhân bà Liên Hằng không nên sắp đặt trước mà nên để cho cuộc giao lưu này diễn ra hoàn toàn tự nhiên, kể cả đặt ra những câu hỏi về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nói chung và bản thân ông Tô Lâm nói riêng, hay việc đại học Fulbright bị tấn công trước đó ; còn bản thân ông Tô Lâm nếu có đủ tự tin thì cũng nên trả lời trực tiếp với mọi đối tượng.

Cũng như thế, nếu đã đối thoại, hãy đối thoại với hàng chục Giáo sư Mỹ kí tên kiến nghị trả tự do cho nhà báo Huy Đức, hãy đối thoại trực tiếp (không chuẩn bị câu hỏi sẵn, không cầm giấy trả lời, không cẩn thận lựa chọn người hỏi) với các tổ chức xã hội dân sự, các nhà bất đồng chính kiến, báo chí truyền thông độc lập…về mọi vấn đề của đất nước.

Đừng quên từ cách đây hơn sáu thập niên, vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đã có bài phát biểu bằng tiếng Anh đầy tự tin trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1957 [13] ; sau đó Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng có những lần trả lời phóng viên nước ngoài khi thì bằng tiếng Anh, khi thì bằng tiếng Pháp, không cầm giấy, không né tránh mọi câu hỏi khó, có tính chất chọc ngoáy của phóng viên [14].

Cho nên không có gì đáng khen trong mà trình diễn này cả. Những người cộng sản từ thời ông Hồ Chí Minh cho tới giờ lúc nào cũng "sắm vai", lúc nào cũng mỵ dân. Phần lớn người dân Việt Nam và cả quốc tế, thường mau quên và dễ bị dẫn dắt bởi nghệ thuật tuyên truyền, mị dân của các chế độ độc tài, còn những người sống ở các chế độ dân chủ phương Tây lắm khi lại vô tình (hay hữu ý ?) tiếp tay đánh bóng cho những cá nhân, những chế độ này.

Số đông người Việt Nam, khát khao, trông chờ sự thay đổi

Cứ mỗi lần có một ông lãnh đạo mới lên, cứ mỗi lần ông lãnh đạo đảng, nhà nước đi Mỹ hoặc tổng thống Mỹ đến Việt Nam là nhiều người lại tràn đầy hy vọng. Báo chí truyền thông chính thống dưới sự chỉ đạo của bộ máy tuyên giáo, tuyên truyền của nhà nước thì tô vẽ, đánh bóng cho nhân vật đó và cho chuyến đi đó. Rồi dưới sự dẫn dắt lèo lái này đại đa số dân chúng cũng lên đồng theo. Soi từ trang phục, từng câu nói, rồi bàn bạc, hy vọng. Chẳng hạn, có một cái hình ông Tô Lâm bắt tay Tổng thống Ukraine Zelensky cũng hồ hởi vui mừng cho là Việt Nam ủng hộ Ukraine đấy chứ, v.v…

Sống dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản cai trị bao nhiêu năm, lẽ ra chúng ta cần phải tỉnh táo để hiểu rằng một vài hành động làm màu, những lời nói hoa mỹ không có ý nghĩa gì cả. Nếu ông Tô Lâm và Đảng cộng sản Việt Nam thực sự muốn thay đổi, muốn cải thiện hình ảnh của họ, thực sự nghĩ đến tương lai của dất nước, dân tộc, họ còn cả núi việc thực chất để làm và hãy bắt đầu bẳng những việc cụ thể, đơn giản (mà vẫn là quá sức đối với họ) như : 1. Thả toàn bộ tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù án oan sai. 2. Sẵn sàng chấp nhận mọi cuộc đối thoại. 3. Tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân. 4. Thực hành tự do báo chí. 5. Thông qua luật cho phép biểu tình, v.v…

Hãy bắt đầu thay đổi và cải thiện hình ảnh bằng những việc cụ thể, ngay trong nước như vậy, thay vì mặc com-lê, thắt cà-vạt cố gắng đi quảng bá hình ảnh của nhà nước Việt Nam ở nước ngoài, nói những từ hoa mỹ, đao to búa lớn.

Có thể hiểu tâm lý của số đông người Việt Nam vì khao khát thay đổi quá nên cứ mỗi lần có một ông lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản mới lên là lại có tâm lý mong chờ một "minh quân", hết hy vọng vào Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng lại đến Tô Lâm, nhưng những người này và cả cái đảng cộng sản chưa thay đổi được đâu, chừng nào chưa có một lý do hay sức ép nào đủ lớn để buộc họ phải san sẻ hay từ bỏ quyền lực cả. Mà sức ép đó phải đến tử phía nhân dân là chính.

Song Chi

Nguồn : RFA, 27/09/202

Chú thích :

[1] FULL SPEECH : Biden delivers final U.N. address as President amid global turmoil as election nears

[2] USCIRF lại đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách Cần quan tâm Đặc biệt

[3] HRW : Lãnh đạo Tô Lâm của Việt Nam ‘xưa nay vẫn là kẻ vi phạm nhân quyền’

[4] Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'cách mạng màu'

[5] Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'cách mạng màu'

[6] Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'cách mạng màu'

[7] Đại học Fulbright Việt Nam và cáo buộc 'cách mạng màu'

[8] 8 doanh nhân hiến tặng 40 triệu USD cho Trường Đại học Fulbright Vietnam

[9] Ông Tô Lâm tại Đại học Columbia : Ông đã nói gì ? Đâu là điểm đáng chú ý ?

[10] Đại học Columbia giải thích lý do mời lãnh đạo Đảng cộng sản Tô Lâm đến nói chuyện

[11] Đại học Columbia giải thích lý do mời lãnh đạo Đảng cộng sản Tô Lâm đến nói chuyện

[12] Đại học Columbia giải thích lý do mời lãnh đạo Đảng cộng sản Tô Lâm đến nói chuyện

[13] Toàn văn phát biểu của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ năm 1957

[14] Một vài video trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu

https://www.youtube.com/watch?v=ueaAalw_amo

https://www.youtube.com/watch?v=0Peo6CAYuek

Additional Info

  • Author Song Chi
Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 12