Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/10/2024

Tô Lâm có muốn dân chủ hóa Việt Nam hay không ?

Việt Hoàng

Đến bây giờ thì có lẽ mọi người đã thấy rõ những gì xảy ra từ sau đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Tô Lâm đã làm một cuộc ‘đảo chính cung đình’ khi loại bỏ người được chọn thay thế ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư là ông Trần Quốc Vượng (thường trực ban bí thư). Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được giữ lại làm tổng bí thư nhiệm kỳ 3 dù trước đó chỉ một ngày Đảng cộng sản nhất trí giữ nguyên điều lệ đảng là người giữ chức vụ tổng bí thư không được quá hai nhiệm kỳ.

Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời thì ông Tô Lâm đã đảm nhiệm luôn cả hai chức vụ là tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước. Một số người Việt trong và ngoài nước hy vọng rằng với quyền lực tuyệt đối của mình Tô Lâm có thể sẽ thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ vì đó là xu hướng tất yếu của thời đại… Vậy điều đó có xảy ra hay không?

Kinh nghiệm Liên Xô

Chúng ta cùng nhìn lại lịch sử từ Liên Xô, một quốc gia hùng mạnh và là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản. Sau khi tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Chernenko qua đời ngày 10/3/1985, Gorbachev được bầu lên thay thế. Trước tình hình kiệt quệ của Liên Xô, Gorbachev chủ trương một số thay đổi như chống tham nhũng, nới lỏng tự do ngôn luận, tự do phát triển kinh tế…Thế nhưng Gorbachev đã sớm thất bại khi bị cả hai phe trong đảng là phe bảo thủ và phe cấp tiến chống đối dữ dội. Phe bảo thủ thì cho rằng những thay đổi của Gorbachev là quá nhanh, quá nguy hiểm và sẽ sớm dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Phe cấp tiến thì lại cho rằng những thay đổi của Gorbachev là quá ít và quá chậm chạp. Cuối cùng phe bảo thủ do phó tổng thống Yanayev đứng đầu đã tiến hành một cuộc đảo chính nhằm phế truất Gorbachev (ngày 19/8/1991). Cuộc đảo chính này không nhận được sự ủng hộ của quần chúng Nga (kể cả công an và quân đội) nên đã bị Yeltsin (một quan chức cao cấp của đảng cộng sản) nhanh chóng dập tắt. Yeltsin nhân tiện loại bỏ luôn Gorbachev để trở thành tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga.

Trong hai nhiệm kỳ của mình, Yeltsin đã cố gắng dân chủ hóa nước Nga và sáp lại với phương Tây nhưng rồi cũng thất bại. Lý do là nước Nga đã không có bất cứ một sự chuẩn bị nào cho tiến trình thay đổi này. Bất lực trước sự rối ren và khủng hoảng của nước Nga, Yeltsin đã từ chức và trao lại quyền hành cho thủ tướng Nga lúc đó là Putin.

Putin đã cai trị nước nga từ năm 2000 cho đến nay và đang dẫn nước Nga đến bờ vực tan rã. Lý do của sự thất bại trong tiến trình dân chủ hóa nước Nga đã được anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) phân tích rất nhiều lần đó là nước Nga đã không có một tầng lớp trí thức chính trị dân chủ thực sự nên không có bất cứ một dự án chính trị nào cho đất nước. Tụt hậu về tư tưởng chính trị đã nhấm chìm nước Nga trong lạc hậu và bất ổn.

tl01

Cả Gorbachev lẫn Yeltsin đều đã thất bại khi cố gắng dân chủ hóa nước Nga.

Đảng cộng sản Việt Nam đã quá chia rẽ và phân hóa

Việt Nam cũng không khác nước Nga bao nhiêu. Nhiều người Việt ước mơ có một vị lãnh đạo cứng rắn và mạnh mẽ như Putin. ‘Cầu được ước thấy’, Tô Lâm chính là Putin của Việt Nam. Trong suốt lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản chưa bao giờ chuyện thanh trừng và đấu đá lại diễn ra kinh khủng như vậy. Chỉ trong vòng ba năm đã có 7 trong số 18 ủy viên bộ chính trị bị thanh trừng trong đó có 2 chủ tịch nước, 1 thường trực ban bí thư, 1 chủ tịch quốc hội, 2 phó thủ tướng. Ngoài ra còn có 21 ủy viên ban chấp hành trung ương và 47 cán bộ thuộc quản lý của trung ương bị kỷ luật…

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng’ do Tô Lâm đứng đầu trở thành cơ quan quyền lực nhất của Đảng cộng sản. Đó là nơi có quyền ra quyết định điều tra và khởi tố bất cứ quan chức nào của đảng và tất nhiên nó nhắm đến ai là người đó có tội. Ngay cả Võ Văn Thưởng (cựu chủ tịch nước) là một người chuyên làm công tác đảng, cũng bị thanh trừng vì lý do rất mơ hồ là có người thân nhận tiền để xây nhà thờ họ.

NPT2

Đảng cộng sản Việt Nam đã quá phân hóa và chia rẽ khi có đến 7 ủy viên bộ chính trị bị thanh trừng trong một thời gian ngắn.

Đảng cộng sản tuy là một đảng chính trị nhưng lại hoạt động như một tôn giáo với kinh thánh là chủ nghĩa Mác- Lênin. Tất cả những ai đi ngược với kinh thánh đều bị trừng phạt. Hai lực lượng bị tẩy não nhiều nhất là quân đội và công an vì đó là hai lực lượng nòng cốt bảo vệ chế độ. Khẩu hiệu nằm lòng của họ là ‘còn đảng còn mình’. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Tô Lâm lớn lên và thăng tiến trong môi trường đó nên chắc chắn ông sẽ thiên về khuynh hướng bảo thủ và độc tài thay vì cởi mở và dân chủ.

Việc một số người đặt niềm tin vào sự thay đổi của Tô Lâm theo tôi là không có cơ sở. Sau đại hội 13 đến giờ thì khẩu hiệu ‘thoát Trung’ đã biến mất khỏi Việt Nam. Dưới sự đạo diễn của Tô Lâm, sau khi Tập Cận Bình tái đắc cử chủ tịch nước Trung Quốc lần thứ 3 thì Nguyễn Phú Trọng và toàn bộ ban lãnh đạo đã nhanh chóng sang thăm và chúc mừng Tập Cận Bình đồng thời ký kết một lúc 36 hiệp định song phương với Trung Quốc (tháng 12/2023). Việt Nam không chỉ hợp tác với Trung Quốc ở cấp nhà nước mà còn mở rộng đến cấp bộ và cấp vụ. Việt Nam đã cam kết gắn chặt vận mệnh của mình với Trung Quốc.

Sau khi trở thành người lãnh đạo tối cao của Việt Nam, Tô Lâm cũng chọn Trung Quốc làm quốc gia đầu tiên để viếng thăm. Trong nước, dưới thời Tô Lâm thì những nhân sĩ và những người bất đồng chính kiến ít ỏi còn lại đã bị đàn áp thẳng tay, kể cả các nhà hoạt động môi trường. Ngay cả trong chuyến làm việc tại Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Mỹ mới đây, ông Tô Lâm cũng dành thời gian viếng thăm đảng cộng sản Mỹ, một đảng không có bất cứ trọng lượng nào trong xã hội Mỹ. Không những thế sau đó Tô Lâm đã đến thăm người anh em cộng sản Cuba để khẳng định sự đoàn kết keo sơn giữa hai quốc gia cộng sản…

Dù đã nắm được quyền lực tối cao nhưng mọi thay đổi của Tô Lâm, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều bị chống đối dữ dội vì nội bộ Đảng cộng sản đã quá phân hóa và chia rẽ. Thay đổi về hướng dân chủ lại càng không vì cũng giống như Liên Xô dưới thời Gorbachev, Tô Lâm sẽ bị phe bảo thủ trong đảng với sự hậu thuẫn của Trung Quốc chống đối gay gắt. Uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam đối với quần chúng quá thấp để có thể nhận được sự ủng hộ cho bất cứ sự thay đổi nào. Phân tích như vậy để thấy Tô Lâm và ban lãnh đạo Đảng cộng sản không hề muốn thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ, tuy nhiên muốn là một chuyện, có làm được hay không lại là một chuyện khác.

Làn sóng dân chủ vẫn tiếp diễn

Thế giới đã thay đổi sâu sắc sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin. Lò lửa Trung đông cũng đang nóng lên từng ngày giữa nhà nước Do Thái và Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tuy nhiên chiến tranh thế giới thứ 3, như nhiều người lo lắng sẽ không xảy ra. Các nước độc tài đã kiệt sức nên sẽ không cầm cự được lâu. Làn sóng dân chủ lần thứ Tư vẫn đang trào dâng mạnh mẽ. Các nước độc tài đã bị nhận diện và sẽ bị cô lập.

Mối nguy lớn nhất của chế độ cộng sản Việt Nam không phải là các tổ chức dân chủ ôn hòa mà là vấn đề kinh tế. Một nhận định của Tập Hợp đã trở thành sự thật, các công ty đa quốc gia sau khi rời Trung Quốc đã không đến Việt Nam như chính quyền cộng sản mong đợi. Họ sẽ không rời Trung Quốc để đến một quốc gia chư hầu của Trung Quốc. Trong 3 lý do khiến các công ty Mỹ (như Google) không đến Việt Nam mà đến Thái Lan như tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích đó là: Việt Nam thiếu lực lượng lao động có phẩm chất (vì giáo dục lạc lậu), cơ sở hạ tầng của Việt Nam yếu kém và cuối cùng là thể chế chính trị quá tham nhũng và nhiêu khê. Trong ba lý do đó thì lý do đến từ thể chế chính trị là quan trọng nhất. Việt Nam không hề ổn định chính trị như chính quyền quảng cáo mà rất mong manh và bất ổn. Vụ chính quyền lấy đất Đồng Sênh để giao cho một công ty đầu tư nước ngoài gây ra cái chết thương tâm cho cụ Lê Đình Kình đã gây chấn động lương tâm trong và ngoài nước.

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của thế giới đó là không thể tiếp tục hợp tác làm ăn với các nước toàn trị. Sau khi mạnh lên các nước độc tài sẽ quay lại gây hấn với thế giới. Nga và Trung Quốc là minh chứng nhãn tiền. Trung Quốc đang rất khốn đốn, kinh tế của Trung Quốc đã thực sự rơi vào khủng hoảng và sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi các nước dân chủ tìm mọi cách hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho chế độ cộng sản Việt Nam.

pu1

Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin đã thay đổi hoàn toàn thế giới.

Lối thoát nào cho Việt Nam ?

Như Tập Hợp đã nhận định, Đảng cộng sản không thể dân chủ hóa một mình dù họ có muốn đi chăng nữa. Tô Lâm hay bất cứ ai trong Đảng cộng sản đều không phải là giải pháp cho Việt Nam. Cả Gorbachev lẫn Yeltsin cuối đời đều cay đắng thừa nhận rằng ‘Đảng cộng sản không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế’. Phải có một tổ chức đối lập dân chủ ôn hòa để làm một cuộc cách mạng ôn hòa. Muốn đất nước có dân chủ thì phải có một tổ chức dân chủ và một đội ngũ trí thức chính trị. Tập Hợp là một tổ chức như thế. Lập trường và lý tưởng của chúng tôi vẫn nhất quán suốt 42 năm qua đó là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên bằng những phương thức bất bạo động trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Suốt thời gian qua Đảng cộng sản đã đàn áp tất cả các tổ chức đối lập và các nhân sĩ bất đồng chính kiến nhưng có một ngoại lệ là Đảng cộng sản không (hoặc chưa) đàn áp Tập Hợp. Đây là một quyết định và đồng thuận sáng suốt và hiếm hoi của Đảng cộng sản. Tập Hợp chủ trương làm một cuộc cách mạng về văn hóa và tư tưởng chính trị cho người Việt mà tư tưởng là một thứ vô hình nên không thể tiêu diệt. Tư tưởng sẽ được đón nhận nếu đúng đắn và chỉ tàn lụi theo thời gian nếu nó sai trái và độc hại. Đảng cộng sản đã thất bại trong mọi lĩnh vực nhưng bản năng sống của họ rất tốt. Có lẽ họ hiểu rằng Tập Hợp chính là phao cứu sinh (cửa thoát hiểm) khi lịch sử bắt buộc phải sang trang. Sự ‘sáng suốt’ của Đảng cộng sản khi không đàn áp Tập Hợp có thể chỉ là vô tình nhưng nó đã từng xảy ra trong lịch sử. Sau khi thế chiến thứ Hai kết thúc, trước việc bắt buộc phải trao trả độc lập cho các nước thuộc địa thì các nước thực dân lúc đó như Anh, Hà Lan đã tiêu diệt các nhóm vũ trang cực đoan sau đó bàn giao chính quyền cho các tổ chức chính trị ôn hòa. Nước Anh đã bàn giao quyền lực cho phong trào đấu tranh ôn hòa của Mahatma Gandhi ở Ấn Độ là một ví dụ…

Ở Việt Nam cũng vậy, trong hồi ký ‘Một cơn gió bụi’ cụ Trần Trọng Kim đã thuật lại rằng, trước sự thất bại không thể tránh khỏi của quân đội Nhật trước phe đồng minh và trước khi phải rút khỏi Việt Nam, viên toàn quyền Nhật đã đến gặp cụ và nói rằng nếu cụ muốn thì quân đội Nhật sẽ tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Việt Minh trước khi rút khỏi Việt Nam. Cụ Trần Trọng Kim đã từ chối vì cụ biết rất rõ là chính quyền của cụ không hề có thực lực và Việt Minh đã phát triển và bám rễ ở nhiều địa phương trong cả nước…

nga5

Giải pháp dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị là giải pháp tốt nhất cho đất nước và cho mỗi người.

Việt Nam đang đứng trước một sự thay đổi bắt buộc dù chính quyền có muốn hay không. Thay đổi như thế nào để đất nước có thể chuyển tiếp thành công về dân chủ mà không phải đổ máu hay hỗn loạn là mong muốn và cố gắng rất lớn và không mệt mỏi của Tập Hợp. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của tất cả mọi người Việt Nam trong đó có cả những đảng viên Đảng cộng sản.

Việt Hoàng

(5/10/2024)    

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 753 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)