Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đến bây giờ thì có lẽ mọi người đã thấy rõ những gì xảy ra từ sau đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Tô Lâm đã làm một cuộc ‘đảo chính cung đình’ khi loại bỏ người được chọn thay thế ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư là ông Trần Quốc Vượng (thường trực ban bí thư). Ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được giữ lại làm tổng bí thư nhiệm kỳ 3 dù trước đó chỉ một ngày Đảng cộng sản nhất trí giữ nguyên điều lệ đảng là người giữ chức vụ tổng bí thư không được quá hai nhiệm kỳ.

Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời thì ông Tô Lâm đã đảm nhiệm luôn cả hai chức vụ là tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước. Một số người Việt trong và ngoài nước hy vọng rằng với quyền lực tuyệt đối của mình Tô Lâm có thể sẽ thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ vì đó là xu hướng tất yếu của thời đại… Vậy điều đó có xảy ra hay không?

Kinh nghiệm Liên Xô

Chúng ta cùng nhìn lại lịch sử từ Liên Xô, một quốc gia hùng mạnh và là cái nôi của chủ nghĩa cộng sản. Sau khi tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Chernenko qua đời ngày 10/3/1985, Gorbachev được bầu lên thay thế. Trước tình hình kiệt quệ của Liên Xô, Gorbachev chủ trương một số thay đổi như chống tham nhũng, nới lỏng tự do ngôn luận, tự do phát triển kinh tế…Thế nhưng Gorbachev đã sớm thất bại khi bị cả hai phe trong đảng là phe bảo thủ và phe cấp tiến chống đối dữ dội. Phe bảo thủ thì cho rằng những thay đổi của Gorbachev là quá nhanh, quá nguy hiểm và sẽ sớm dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Phe cấp tiến thì lại cho rằng những thay đổi của Gorbachev là quá ít và quá chậm chạp. Cuối cùng phe bảo thủ do phó tổng thống Yanayev đứng đầu đã tiến hành một cuộc đảo chính nhằm phế truất Gorbachev (ngày 19/8/1991). Cuộc đảo chính này không nhận được sự ủng hộ của quần chúng Nga (kể cả công an và quân đội) nên đã bị Yeltsin (một quan chức cao cấp của đảng cộng sản) nhanh chóng dập tắt. Yeltsin nhân tiện loại bỏ luôn Gorbachev để trở thành tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga.

Trong hai nhiệm kỳ của mình, Yeltsin đã cố gắng dân chủ hóa nước Nga và sáp lại với phương Tây nhưng rồi cũng thất bại. Lý do là nước Nga đã không có bất cứ một sự chuẩn bị nào cho tiến trình thay đổi này. Bất lực trước sự rối ren và khủng hoảng của nước Nga, Yeltsin đã từ chức và trao lại quyền hành cho thủ tướng Nga lúc đó là Putin.

Putin đã cai trị nước nga từ năm 2000 cho đến nay và đang dẫn nước Nga đến bờ vực tan rã. Lý do của sự thất bại trong tiến trình dân chủ hóa nước Nga đã được anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) phân tích rất nhiều lần đó là nước Nga đã không có một tầng lớp trí thức chính trị dân chủ thực sự nên không có bất cứ một dự án chính trị nào cho đất nước. Tụt hậu về tư tưởng chính trị đã nhấm chìm nước Nga trong lạc hậu và bất ổn.

tl01

Cả Gorbachev lẫn Yeltsin đều đã thất bại khi cố gắng dân chủ hóa nước Nga.

Đảng cộng sản Việt Nam đã quá chia rẽ và phân hóa

Việt Nam cũng không khác nước Nga bao nhiêu. Nhiều người Việt ước mơ có một vị lãnh đạo cứng rắn và mạnh mẽ như Putin. ‘Cầu được ước thấy’, Tô Lâm chính là Putin của Việt Nam. Trong suốt lịch sử cầm quyền của đảng cộng sản chưa bao giờ chuyện thanh trừng và đấu đá lại diễn ra kinh khủng như vậy. Chỉ trong vòng ba năm đã có 7 trong số 18 ủy viên bộ chính trị bị thanh trừng trong đó có 2 chủ tịch nước, 1 thường trực ban bí thư, 1 chủ tịch quốc hội, 2 phó thủ tướng. Ngoài ra còn có 21 ủy viên ban chấp hành trung ương và 47 cán bộ thuộc quản lý của trung ương bị kỷ luật…

Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng’ do Tô Lâm đứng đầu trở thành cơ quan quyền lực nhất của Đảng cộng sản. Đó là nơi có quyền ra quyết định điều tra và khởi tố bất cứ quan chức nào của đảng và tất nhiên nó nhắm đến ai là người đó có tội. Ngay cả Võ Văn Thưởng (cựu chủ tịch nước) là một người chuyên làm công tác đảng, cũng bị thanh trừng vì lý do rất mơ hồ là có người thân nhận tiền để xây nhà thờ họ.

NPT2

Đảng cộng sản Việt Nam đã quá phân hóa và chia rẽ khi có đến 7 ủy viên bộ chính trị bị thanh trừng trong một thời gian ngắn.

Đảng cộng sản tuy là một đảng chính trị nhưng lại hoạt động như một tôn giáo với kinh thánh là chủ nghĩa Mác- Lênin. Tất cả những ai đi ngược với kinh thánh đều bị trừng phạt. Hai lực lượng bị tẩy não nhiều nhất là quân đội và công an vì đó là hai lực lượng nòng cốt bảo vệ chế độ. Khẩu hiệu nằm lòng của họ là ‘còn đảng còn mình’. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Tô Lâm lớn lên và thăng tiến trong môi trường đó nên chắc chắn ông sẽ thiên về khuynh hướng bảo thủ và độc tài thay vì cởi mở và dân chủ.

Việc một số người đặt niềm tin vào sự thay đổi của Tô Lâm theo tôi là không có cơ sở. Sau đại hội 13 đến giờ thì khẩu hiệu ‘thoát Trung’ đã biến mất khỏi Việt Nam. Dưới sự đạo diễn của Tô Lâm, sau khi Tập Cận Bình tái đắc cử chủ tịch nước Trung Quốc lần thứ 3 thì Nguyễn Phú Trọng và toàn bộ ban lãnh đạo đã nhanh chóng sang thăm và chúc mừng Tập Cận Bình đồng thời ký kết một lúc 36 hiệp định song phương với Trung Quốc (tháng 12/2023). Việt Nam không chỉ hợp tác với Trung Quốc ở cấp nhà nước mà còn mở rộng đến cấp bộ và cấp vụ. Việt Nam đã cam kết gắn chặt vận mệnh của mình với Trung Quốc.

Sau khi trở thành người lãnh đạo tối cao của Việt Nam, Tô Lâm cũng chọn Trung Quốc làm quốc gia đầu tiên để viếng thăm. Trong nước, dưới thời Tô Lâm thì những nhân sĩ và những người bất đồng chính kiến ít ỏi còn lại đã bị đàn áp thẳng tay, kể cả các nhà hoạt động môi trường. Ngay cả trong chuyến làm việc tại Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Mỹ mới đây, ông Tô Lâm cũng dành thời gian viếng thăm đảng cộng sản Mỹ, một đảng không có bất cứ trọng lượng nào trong xã hội Mỹ. Không những thế sau đó Tô Lâm đã đến thăm người anh em cộng sản Cuba để khẳng định sự đoàn kết keo sơn giữa hai quốc gia cộng sản…

Dù đã nắm được quyền lực tối cao nhưng mọi thay đổi của Tô Lâm, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều bị chống đối dữ dội vì nội bộ Đảng cộng sản đã quá phân hóa và chia rẽ. Thay đổi về hướng dân chủ lại càng không vì cũng giống như Liên Xô dưới thời Gorbachev, Tô Lâm sẽ bị phe bảo thủ trong đảng với sự hậu thuẫn của Trung Quốc chống đối gay gắt. Uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam đối với quần chúng quá thấp để có thể nhận được sự ủng hộ cho bất cứ sự thay đổi nào. Phân tích như vậy để thấy Tô Lâm và ban lãnh đạo Đảng cộng sản không hề muốn thay đổi Việt Nam về hướng dân chủ, tuy nhiên muốn là một chuyện, có làm được hay không lại là một chuyện khác.

Làn sóng dân chủ vẫn tiếp diễn

Thế giới đã thay đổi sâu sắc sau đại dịch Covid-19 và cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin. Lò lửa Trung đông cũng đang nóng lên từng ngày giữa nhà nước Do Thái và Cộng hòa Hồi giáo Iran. Tuy nhiên chiến tranh thế giới thứ 3, như nhiều người lo lắng sẽ không xảy ra. Các nước độc tài đã kiệt sức nên sẽ không cầm cự được lâu. Làn sóng dân chủ lần thứ Tư vẫn đang trào dâng mạnh mẽ. Các nước độc tài đã bị nhận diện và sẽ bị cô lập.

Mối nguy lớn nhất của chế độ cộng sản Việt Nam không phải là các tổ chức dân chủ ôn hòa mà là vấn đề kinh tế. Một nhận định của Tập Hợp đã trở thành sự thật, các công ty đa quốc gia sau khi rời Trung Quốc đã không đến Việt Nam như chính quyền cộng sản mong đợi. Họ sẽ không rời Trung Quốc để đến một quốc gia chư hầu của Trung Quốc. Trong 3 lý do khiến các công ty Mỹ (như Google) không đến Việt Nam mà đến Thái Lan như tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích đó là: Việt Nam thiếu lực lượng lao động có phẩm chất (vì giáo dục lạc lậu), cơ sở hạ tầng của Việt Nam yếu kém và cuối cùng là thể chế chính trị quá tham nhũng và nhiêu khê. Trong ba lý do đó thì lý do đến từ thể chế chính trị là quan trọng nhất. Việt Nam không hề ổn định chính trị như chính quyền quảng cáo mà rất mong manh và bất ổn. Vụ chính quyền lấy đất Đồng Sênh để giao cho một công ty đầu tư nước ngoài gây ra cái chết thương tâm cho cụ Lê Đình Kình đã gây chấn động lương tâm trong và ngoài nước.

Cuộc xâm lược Ukraine của Putin đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của thế giới đó là không thể tiếp tục hợp tác làm ăn với các nước toàn trị. Sau khi mạnh lên các nước độc tài sẽ quay lại gây hấn với thế giới. Nga và Trung Quốc là minh chứng nhãn tiền. Trung Quốc đang rất khốn đốn, kinh tế của Trung Quốc đã thực sự rơi vào khủng hoảng và sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi các nước dân chủ tìm mọi cách hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho chế độ cộng sản Việt Nam.

pu1

Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin đã thay đổi hoàn toàn thế giới.

Lối thoát nào cho Việt Nam ?

Như Tập Hợp đã nhận định, Đảng cộng sản không thể dân chủ hóa một mình dù họ có muốn đi chăng nữa. Tô Lâm hay bất cứ ai trong Đảng cộng sản đều không phải là giải pháp cho Việt Nam. Cả Gorbachev lẫn Yeltsin cuối đời đều cay đắng thừa nhận rằng ‘Đảng cộng sản không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế’. Phải có một tổ chức đối lập dân chủ ôn hòa để làm một cuộc cách mạng ôn hòa. Muốn đất nước có dân chủ thì phải có một tổ chức dân chủ và một đội ngũ trí thức chính trị. Tập Hợp là một tổ chức như thế. Lập trường và lý tưởng của chúng tôi vẫn nhất quán suốt 42 năm qua đó là xây dựng một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên bằng những phương thức bất bạo động trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Suốt thời gian qua Đảng cộng sản đã đàn áp tất cả các tổ chức đối lập và các nhân sĩ bất đồng chính kiến nhưng có một ngoại lệ là Đảng cộng sản không (hoặc chưa) đàn áp Tập Hợp. Đây là một quyết định và đồng thuận sáng suốt và hiếm hoi của Đảng cộng sản. Tập Hợp chủ trương làm một cuộc cách mạng về văn hóa và tư tưởng chính trị cho người Việt mà tư tưởng là một thứ vô hình nên không thể tiêu diệt. Tư tưởng sẽ được đón nhận nếu đúng đắn và chỉ tàn lụi theo thời gian nếu nó sai trái và độc hại. Đảng cộng sản đã thất bại trong mọi lĩnh vực nhưng bản năng sống của họ rất tốt. Có lẽ họ hiểu rằng Tập Hợp chính là phao cứu sinh (cửa thoát hiểm) khi lịch sử bắt buộc phải sang trang. Sự ‘sáng suốt’ của Đảng cộng sản khi không đàn áp Tập Hợp có thể chỉ là vô tình nhưng nó đã từng xảy ra trong lịch sử. Sau khi thế chiến thứ Hai kết thúc, trước việc bắt buộc phải trao trả độc lập cho các nước thuộc địa thì các nước thực dân lúc đó như Anh, Hà Lan đã tiêu diệt các nhóm vũ trang cực đoan sau đó bàn giao chính quyền cho các tổ chức chính trị ôn hòa. Nước Anh đã bàn giao quyền lực cho phong trào đấu tranh ôn hòa của Mahatma Gandhi ở Ấn Độ là một ví dụ…

Ở Việt Nam cũng vậy, trong hồi ký ‘Một cơn gió bụi’ cụ Trần Trọng Kim đã thuật lại rằng, trước sự thất bại không thể tránh khỏi của quân đội Nhật trước phe đồng minh và trước khi phải rút khỏi Việt Nam, viên toàn quyền Nhật đã đến gặp cụ và nói rằng nếu cụ muốn thì quân đội Nhật sẽ tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Việt Minh trước khi rút khỏi Việt Nam. Cụ Trần Trọng Kim đã từ chối vì cụ biết rất rõ là chính quyền của cụ không hề có thực lực và Việt Minh đã phát triển và bám rễ ở nhiều địa phương trong cả nước…

nga5

Giải pháp dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị là giải pháp tốt nhất cho đất nước và cho mỗi người.

Việt Nam đang đứng trước một sự thay đổi bắt buộc dù chính quyền có muốn hay không. Thay đổi như thế nào để đất nước có thể chuyển tiếp thành công về dân chủ mà không phải đổ máu hay hỗn loạn là mong muốn và cố gắng rất lớn và không mệt mỏi của Tập Hợp. Chúng tôi rất mong nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của tất cả mọi người Việt Nam trong đó có cả những đảng viên Đảng cộng sản.

Việt Hoàng

(5/10/2024)    

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm

Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam, được bầu ra bởi Đại hội đại biểu Toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần. Cơ quan này gồm có 200 ủy viên, nhóm họp 2-3 lần mỗi năm. Đây là một cơ chế đặc biệt và siêu quyền lực vì nó quyết định mọi vấn đề lớn nhỏ liên quan đến đất nước, từ đối nội đến đối ngoại. Ban chấp hành Trung ương bầu ra Tổng bí thư, Bộ chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Giới thiệu và đề cử các ứng cử viên cho chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội. Quyết định các hình thức kỷ luật đối với các đảng viên kể cả ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Ban bí thư và ủy viên trung ương Đảng. Đặc biệt Ban chấp hành Trung ương có quyền xem xét Hiến pháp trước khi được quốc hội thông qua.

Hội nghị Trung ương 7 khóa 13 vừa nhóm họp và kết thúc trong hai ngày rưỡi, từ ngày 15/5 đến 17/5/2023. Đây là Hội nghị giữa nhiệm kỳ rất quan trọng để đánh giá tình hình của nửa nhiệm kỳ trước và kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Dù vậy nó đã diễn ra một cách nhanh chóng, chỉ trong hai ngày rưỡi, trong khi thông thường các Hội nghị Trung ương diễn ra một tuần lễ. Điều đặc biệt mà ai cũng thấy là nội dung của nó không có gì mới ngoài việc bàn về nội bộ Đảng cộng sản trong đó có việc bỏ phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ chính trị và Ban bí thư khóa 13.

Hội nghị trung ương 7 diễn ra ở một thời điểm đặc biệt nghiêm trọng. Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn do hậu quả của hai năm đại dịch Covid-19 và nhất là cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin. Các nước dân chủ đang bị lạm phát vì các lệnh cấm vận Nga để ủng hộ Ukraine. Khi Mỹ, EU và các nước dân chủ bị lạm phát thì những nước nghèo sống nhờ vào gia công và xuất khẩu hàng hóa sẽ gặp khủng hoảng nặng nề ‘nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột’. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm, sản xuất và xuất khẩu giảm, các công ty đều gặp khó khăn, trong khi lạm phát và thất nghiệp gia tăng một cách báo động. Bất động sản đóng băng, mọi ngành nghề đều suy thoái nghiêm trọng. Việt Nam cũng không còn là điểm đến của các công ty đa quốc gia rời Trung Quốc. Thêm vào đó cuộc bầu cử tại Thái Lan đánh dấu một bước bùng phát của dân chủ ngay cạnh Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 đã làm khựng lại làn sóng đầu tư của các công ty đa quốc gia vào Việt Nam sau khi rút khỏi Trung Quốc. Tiến trình này có mọi dấu hiệu thoái trào khi Việt Nam luôn đứng về phía Trung Quốc, ủng hộ cho cuộc chiến phi nghĩa và dã man nhất trong thế kỷ 21 của Putin và nước Nga vào lãnh thổ Ukraine. Thế giới dù muốn hay không cũng đã chia thành hai cực : Độc tài và Dân chủ. Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng minh cho cả thế giới lẫn người dân Việt Nam thấy rằng họ chọn đứng về phía các nước độc tài. Các nước dân chủ đã thấy rõ điều đó và các công ty đa quốc thay vì đến Việt Nam thì họ đã tìm đến các nước khác trong khu vực như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia…

Việc Mỹ, EU và các nước dân chủ như Nhật, Hàn vẫn tiếp tục "ve vãn" Việt Nam không có gì lạ. Họ đang muốn cô lập Trung Quốc và vì thế họ không muốn Việt Nam lún sâu vào quĩ đạo của Trung Quốc như Bắc Hàn, họ không muốn Việt Nam trở thành một người lính ‘xung kích’ của Trung Quốc. Họ sẽ cố gắng chìa tay ra cho Việt Nam chừng nào còn có thể, cho đến khi Trung Quốc suy sụp hoàn toàn. Đảng cộng sản Việt Nam không nên hoang tưởng, nghĩ mình có nhiều ‘thế giá’. Thế giới cũng không đặt quá nhiều hy vọng vào Việt Nam như nhiều người nghĩ, họ chỉ làm những việc cần làm chứ họ hiểu rõ và không trông chờ gì vào Việt Nam. Họ biết Việt Nam rất khó đoạn giao với Trung Quốc. Bài phỏng vấn của ký giả Quốc Phương (đài RFA) với giáo sư người Nhật Hirohide Kurihara cho chúng ta thấy rõ điều đó.

 

congnghe1

Mô hình chính trị-kinh tế của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn của nó. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không còn khả năng che giấu sự khủng hoảng của họ được nữa.

Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích và nhận định, thế giới đã và đang thay đổi sâu sắc sau cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine. Dù vậy Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không nhận thức được sự thay đổi lớn lao đó, hoặc là họ biết nhưng không có giải pháp nào vì muốn thay đổi thì phải có dân chủ. Hội nghị Trung ương 7 chỉ tập trung vào những vấn đề nội bộ đảng, với những kết luận như "kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa". Bởi vì "các thế lực xấu, thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ chúng ta". Ngoài ra không có kết luận nào về tình hình Việt Nam cũng như thế giới.

Đảng cộng sản Việt Nam từ xưa đến nay vẫn thần phục và khâm phục Đảng cộng sản Trung Quốc. Cứ Trung Quốc làm gì thì Việt Nam sẽ làm y như thế. Đảng cộng sản Việt Nam tin rằng cứ làm theo Trung Quốc là mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Tuy nhiên mô hình chính trị-kinh tế của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn của nó. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không còn khả năng che giấu sự khủng hoảng của họ được nữa. Kinh tế Trung Quốc đang suy giảm một cách đáng lo ngại, một báo cáo cho biết hơn 20% thanh niên Trung Quốc bị thất nghiệp, đây là một con số rất lớn. Có đến 1,3 triệu người Trung Quốc sang Việt Nam tìm việc làm. Bất động sản vẫn đóng băng trong khi hơn 75% tài sản của người dân đang chôn trong bất động sản. Khối nợ của các công ty ‘phi tài chính’ Trung Quốc lớn hơn 120% GDP (gấp đôi ngưỡng an toàn cho phép là 60% GDP), thực tế thì con số này lớn gấp 5 lần ngưỡng an toàn.

Khủng hoảng môi trường của Trung Quốc cũng rất nghiêm trọng, lượng nước dùng của người dân nước này chỉ bằng 1/4 trung bình của thế giới. Dân số Trung Quốc đang suy giảm, tỉ lệ sinh của phụ nữ chỉ còn 1,2 con. Trung Quốc đã phát triển ‘thần kỳ’ trong 4 thập niên qua vì họ đã giải phóng con người, nay nó chấm dứt vì Tập Cận Bình có khuynh hướng trói xã hội Trung Quốc lại một lần nữa. Sự tăng trưởng hoang dại của Trung Quốc đã tàn phá môi trường nghiêm trọng, tức là tàn phá đất nước, tàn phá sự sống.

Đảng cộng sản Trung Quốc tất nhiên là khôn và giỏi hơn Đảng cộng sản Việt Nam rất nhiều, tuy nhiên có những cái họ muốn làm nhưng không được. Ví dụ, Đảng cộng sản Trung Quốc thừa hiểu phải dân chủ hóa đất nước thì Trung Quốc mới có thể phát triển nhưng họ không thể làm được điều đó, vì Trung Quốc là một ‘đế quốc’. Nếu dân chủ hóa thì Trung Quốc sẽ tan vỡ thành nhiều quốc gia. Mặc dù điều đó hoàn toàn bình thường, tự nhiên và cần thiết nhưng không ai trong Đảng cộng sản Trung Quốc dám lấy quyết định đó. Việt Nam khác với Trung Quốc. Việt Nam là một quốc gia nên có thể dân chủ hóa đất nước nhưng Trung Quốc thì không.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn mong muốn Đảng cộng sản Việt Nam làm tác nhân của lịch sử thay vì nạn nhân của lịch sử, bằng cách chủ động đối thoại với các tổ chức chính trị dân chủ để tìm ra một lối thoát cho đất nước trong hòa bình và trong tình anh em. Tuy nhiên có lẽ Đảng cộng sản Việt Nam vẫn ‘cố đấm ăn xôi’, mù quáng và ngoan cố đến cùng trong sự tuyệt vọng để rồi mất cả chì lẫn chài. Việc Võ Văn Thưởng, một nhân vật rất mờ nhạt, bảo thủ và không có một thành tích nào đã được Nguyễn Phú Trọng cất nhắc lên làm Chủ tịch nước cho thấy sự bế tắc không có lối thoát của Đảng cộng sản Việt Nam. Có thể mục đích chính của Hội nghị Trung ương 7 là để ông Nguyễn Phú Trọng bàn giao chức vụ Tổng bí thư Đảng cho Võ Văn Thưởng nhưng sự việc không thành nên hội nghị đã kết thúc sớm vì Đảng cộng sản Việt Nam không còn gì để nói với nhau.

Cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị thế giới, hậu quả của cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ còn kéo dài và những nước nghèo như Việt Nam sẽ gánh chịu những hậu quả rất nghiêm trọng. Không chỉ người nghèo phải khóc mà người giàu rồi cũng phải khóc. Nhiều năm qua giới trung lưu mới nổi của Việt Nam đã chọn cách im lặng, lợi dụng tình thế để làm giàu cho bản thân. Giai đoạn đó đã chấm dứt, đã đến lúc họ phải hiểu rằng sự giàu có và thành công trong một chế độ độc tài rất bấp bênh và nguy hiểm. Sẽ sớm đến lúc mọi người dân Việt Nam nhận ra rằng, chỉ có một thể chế dân chủ mới đảm bảo cho sự phát triển của đất nước và sự thăng tiến cho mỗi người trong an toàn và nhân phẩm được tôn trọng. Sẽ sớm đến lúc giới trung lưu và trí thức Việt Nam nhận ra rằng Đảng cộng sản Việt Nam không còn là giải pháp cho đất nước.

Việt Hoàng

(22/05/2023)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm
mercredi, 30 juin 2021 20:46

Đảng cộng sản sắp hết tiền ?

Nếu quan sát kỹ tình hình diễn biến của xã hội Việt Nam thời Covid -19 thì chúng ta có thể thấy khá rõ một điều là chính phủ đang gặp khó khăn về tiền bạc để giải quyết các công việc đất nước. Điều này có thể khiến nhiều người giật mình. Tuy nhiên nếu chú ý thì thấy đó là chuyện... "bình thường. Thị trường nội địa nghèo nàn, kinh tế lệ thuộc vào ngoại thương. Covid-19 ập đến khiến chính quyền cộng sản Việt Nam không kịp trở tay và họ đang đứng trước ngã ba đường.

hettien1

Chính phủ Việt Nam kêu gọi toàn dân và các doanh nghiệp đóng góp cho quĩ vắc-xin chứng tỏ ngân sách đang gặp khó khăn về tiền... Ảnh minh họa (VOA)

Những lời lẽ đao to búa lớn, nổ vang trời của lãnh đạo Đảng cộng sản như "ngạo nghễ Việt Nam", "mây đen phủ kín khắp thế giới nhưng Việt Nam vẫn tỏa nắng", "được sống ở Việt Nam trong lúc đại dịch là một ước mơ xa xỉ", "cột đèn ở Mỹ có chân thì sẽ chạy về Việt Nam"... trong thời gian đầu diễn ra đại dịch đã không ngăn được làn sóng đại dịch thứ ba tràn tới khu vực Đông Nam Á.

Có thể chúng ta may mắn vì chưa phải là quốc gia có số ca nhiễm cao và số người thiệt mạng quá lớn so với thế giới. Nhưng sự vui mừng sẽ nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho sự âu lo về cuộc sống sau đại dịch. Dù tinh vi và tuyên truyền khéo tới đâu thì bản chất của mọi chế độ độc tài đều là phục vụ cho chính họ thay vì phụng sự nhân dân và đất nước. Việc Đảng cộng sản hô hào về tinh thần trách nhiệm thực sự không mang lại giá trị gì cho người dân thời khốn khó. Đáng lo hơn là những gì sắp xảy ra : Chế độ sẽ tìm cách "huy động" mọi nguồn lực trong dân để phục vụ cho sự tồn tại của Đảng và khỏa lấp sự bất lực có tính hệ thống trong quản trị quốc gia.

Chúng ta hãy quan sát một vài dữ liệu tài chính. Số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) : Đến tháng 3/2021 Việt Nam có dự trữ ngoại hối khoảng 98 tỉ USD và lượng vàng tương đương 600 triệu USD. Việt Nam có 276,13 triệu SDR (Special Drawing Rights - Quyền rút vốn đặc biệt) tương đương khoảng 394 triệu USD tại IMF. Số vốn này được hiểu như một khoản đặt cọc đặc biệt, đảm bảo năng lực tài chính quốc gia và có thể giải ngân khi cần.

Thông thường, mức dự trữ ngoại hối sẽ duy trì ở mức tối thiểu bằng tổng giá trị nhập khẩu trong 4 - 4,5 tháng đối với các nước giao thương nhiều như Việt Nam. Hãy nhìn sang số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan để hình dung : Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 4/2021 đạt 54,32 tỷ USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 26,55 tỷ USD : nhập khẩu đạt 27,77 tỷ USD. Theo IMF, nợ công Việt Nam đang chiếm 43,7% GDP (271,2 tỉ USD năm 2020, số liệu từ văn kiện Đại hội 13). Và mức tăng trưởng hàng năm vẫn là 6,5%.

Chúng ta có thể suy luận tóm lược từ các con số : Việt Nam chỉ có lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu để giao thương. Số liệu về GDP và tăng trưởng cần được xem xét hết sức thận trọng và thường thì phải giảm GDP, mức tăng trưởng và khả năng trả nợ, ngược lại tăng số liệu nợ công. Các thể chế độc tài thường bất minh và tùy tiện về số liệu theo hướng có lợi cho chính quyền. Chưa nói tới việc tăng trưởng được hay không còn phụ thuộc khối doanh nghiệp nước ngoài - FDI (lợi nhuận để đánh thuế sẽ không nằm ở Việt Nam). Tại IMF, Việt Nam cũng chỉ được cấp quota 1.153 triệu SDR (1,64 tỉ USD) để vay khi cần thiết. Việc chính phủ vận động người dân đóng góp vào quỹ vắc-xin là một chỉ dấu về việc cạn kiệt ngân sách.

Các số liệu dù chưa đầy đủ vẫn có thể cho chúng ta thấy được rằng chính quyền Việt Nam đang túng thiếu để xoay sở trước các biến cố như Covid-19. Nhất là khi thị trường xuất khẩu, vốn là phao cứu sinh cho Việt Nam cũng đang gặp khó. Vậy Đảng cộng sản sẽ xoay sở như thế nào ? Việt Nam sẽ đi về đâu ? Theo tôi có ba ngã rẽ.

1. Vắt kiệt sức dân và doanh nghiệp

Một chế độ độc tài bao giờ cũng muốn tạo ra tăng trưởng để chiếm đoạt, nên không thể nói Đảng cộng sản không muốn tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên khi khủng hoảng xảy ra thì việc đầu tiên mà họ nghĩ tới là gia tăng bòn rút tiền bạc của người dân bằng việc tăng thu các khoản thuế phí. Các dịch vụ đời sống tối thiểu như cắt tóc, gội đầu, giặt là, kinh doanh internet… đều phải chịu thuế Giá trị gia tăng (VAT) 5% và thuế Thu nhập cá nhân 2%. Tiền trong dân sẽ được tìm cách huy động bằng mọi giá. Tăng giá xăng là một ví dụ. Các lĩnh vực trước đây chưa đụng tới như thuế lũy tiến trong bất động sản sẽ sớm được áp dụng.

Sự việc chưa dừng lại ở đó và khó có thể thể dừng : Các khoản phạt, tận thu cũng sẽ được gia tăng tối đa. Đây có thể sẽ là một đợt vơ vét, tận thu toàn diện lớn nhất từ sau 1975 của Đảng cộng sản. Mọi sai phạm sẽ không được dung thứ mà phải trả với cái giá cao nhất. Người dân sẽ ngột ngạt vì các loại phạt, từ giao thông tới phát ngôn trong sinh hoạt hàng ngày. Các doanh nghiệp tư nhân vốn đã ngắc ngoải vì đại dịch sẽ tiếp tục điêu đứng vì không chỉ thiếu sự hỗ trợ từ chính phủ, mà còn phải chịu nhiều hơn các khoản thanh tra thuế hay đóng góp đủ kiểu ví dụ đóng góp cho quĩ vắc-xin... Ngay cả khối FDI cũng không được yên thân vì bị chính quyền "vận động" đóng góp cho quĩ vắc-xin.

Để có tiền giải cứu nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, chính phủ sẽ tiếp tục... in tiền. Có thể người dân và một số doanh nghiệp sẽ nhận được khoản hỗ trợ ít ỏi này nhưng mặt trái của nó khiến lạm phát gia tăng và đồng tiền mất giá. Đời sống người dân sẽ khó khăn hơn khi giá cả hàng hóa tăng cao. Cần phải nói rõ rằng, việc huy động các nguồn lực khả dĩ để tập trung vãn hồi tình thế khó khăn, tự thân nó không phải là điều sai, sự sai quấy nằm ở thế chế bất minh tạo ra năng lực quản trị nhà nước tồi dở.

hettien2

Các công ty Hàn Quốc phản ánh việc chính quyền Việt Nam kêu gọi họ đóng góp cho quĩ vắc-xin theo kiểu bắt buộc. Đây là điều tối kỵ đối với các công ty nước ngoài FDI nhưng vì hết tiền nên Việt Nam phải nhắm mắt làm liều...

2. Thanh toán lẫn nhau

Một màn kịch kinh điển của việc chống tham nhũng phải tới : Chiến dịch "đốt lò" kèm tịch biên tất cả tài sản quan chức nhúng chàm sẽ gia tăng với cường độ cao, kể cả những quan chức đã về hưu. Tài sản thu được có lẽ không nhỏ, nhưng không thanh khoản nhanh được ngay. Chưa kể sự rắc rối về mặt pháp lý khi không quan chức nào đứng tên thứ mình có. Nó có thể bao gồm đất, quyền sở hữu các công ty sân sau, vàng khối và dollar. Nhưng không thể khác. Theo góc nhìn người viết, chiến dịch "đốt lò", dù sẽ thu về một khối tiền rất lớn nhưng cũng làm chia rẽ nội bộ ghê gớm bậc nhất trong lịch sử tồn tại của Đảng cộng sản. Nên biết Đảng cộng sản không hình thành vì tiền, nhưng đã gắn kết vì tiền lẫn quyền và sẽ chia rẽ, sát phạt nhau vì tiền và quyền.

Dự thảo đánh thuế người có nhiều nhà đất sẽ ảnh hưởng tới khối tài sản khổng lồ của quan chức cộng sản. Nhưng nó chỉ là điểm khởi đầu của mặt trận "đánh ban ngày" với các chính sách đánh thuế lên bất đồng sản hay tiền gửi ngân hàng. Sự thanh trừng thực sự sẽ diễn ra trong bóng tối với các cuộc tổng tấn công vào tài sản ngầm, các công ty sân sau của quan chức nhân danh "chống tham nhũng".

3. Một cuộc chuyển hóa bắt buộc phải đến

Đảng cộng sản có biết người dân khó khăn không ? Chắc chắn là có, và họ biết rõ hơn cả chính người dân về những khó khăn trong cuộc sống sắp tới. Nhưng Đảng cộng sản không có giải pháp. Họ không dại đến mức chủ quan trước Covid-19 mà không nghĩ đến vắc-xin, nhưng do hạn chế về tài chính, thiếu cả kiến thức và thiếu cả quan hệ với các nước dân chủ nên Việt Nam đã không đặt mua sớm vắc-xin. Họ chỉ biết ngồi chờ sự giúp đỡ của WHO và các nước dân chủ, họ cũng đã cố gắng phòng dịch đến mức cao nhất như việc hạn chế tối đa nhập cảnh từ nước ngoài... nhưng họ không ngờ làn sóng dịch thứ ba vẫn tràn đến Việt Nam khiến họ bối rối và không biết xoay sở thế nào.

Đảng cộng sản cũng biết nếu tình hình dịch kéo dài cộng với tình trạng phong tỏa, ngăn sông cấm chợ như hiện này thì lòng dân sẽ loạn và doanh nghiệp không thể tồn tại và khi đó nền kinh tế sẽ sụp đổ. Nhưng tình thế lưỡng nan : Một người sắp chết cháy vẫn phải chọn cách nhảy lầu dù hi vọng mong manh bởi vì ở lại chắc chắn sẽ bị thiêu chết. Đảng cộng sản nếu không còn tiền chắc chắn sẽ sụp đổ ngay, họ phải tận thu cái đã. Họ chọn nhảy lầu.

Những quan chức cộng sản đương nhiệm không sung sướng gì. Họ đang phải đi đổ vỏ cho những kẻ ăn ốc trước đây. Họ càng trẻ, càng tiếp thu được những kiến thức và tư tưởng tiến bộ, thì càng nhìn thấy sự kết thúc bắt buộc của thể chế cộng sản và tư tưởng Marx-Lenin. Thậm chí ngay cả những quan chức chẳng biết hay chẳng quan tâm gì đến chính trị thì họ cũng biết và biết rõ hơn người dân lẫn trí thức Việt Nam rằng chế độ chuyên chế này phải kết thúc. Nó không những không còn một lý tưởng chung để gắn kết nội bộ mà ngay cả thứ gắn kết mong manh nhất là tiền cũng đã không còn.

Bao nhiêu người đi theo đảng, chịu nhục đủ đường để có chút công danh và tiền bạc nhưng giờ đảng đã hết tiền thì còn gì níu giữ được họ ? Cuộc tình "đồng sàng dị mộng" này đang đi đến hồi cuối và ly dị là điều tất yếu. Phong trào trả thẻ Đảng sẽ sớm diễn ra trên diện rộng.

hettien3

Giải pháp cho đất nước đã có và cũng chỉ có một : Chuyển hóa về dân chủ để cứu tất cả.[31] 

Những người cộng sản còn ưu tư tới đất nước và còn nghĩ đến tương lai bản thân chắc chắn phải nghĩ đến một giải pháp khác. Giải pháp cho đất nước đã có và cũng chỉ có một : Chuyển hóa về dân chủ để cứu tất cả. Đất nước cần một "truyện thuyết mới" để đổi dòng lịch sử và xây dựng lại đất nước. Người dân cần một Dự án chính trị thiết thực và khả thi để tất cả cùng bắt tay vào xây dựng lại cuộc đời mình, trong đó có cả những người cộng sản. Sẽ không có bất cứ một sự phân biệt đối xử hay trả thù nào mà chỉ có sự đồng cảm chia sẻ và bao dung để mọi người dân Việt Nam cùng nắm tay nhau tiến vào tương lai. Giải pháp cho đất nước đó chính là Dự án chính trị với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã giới thiệu và đề nghị trong nhiều năm qua.

Những đảng viên đảng cộng sản cần hiểu rằng thời của chế độ đã sắp kết thúc. Nên tìm hiểu và nhập cuộc cùng một lực lượng dân chủ lương thiện, trí tuệ và bao dung. Chúng ta đều là đồng bào, là anh em chứ không phải kẻ thù. Đất nước đang cần những cái nắm tay và tình yêu hơn bao giờ hết.

Thế giới đang ủng hộ và đứng về phía những người dân chủ Việt Nam : G7 đang và sẽ tiếp tục chuyển hóa từ một khối liên hiệp tài chính kinh tế của các cường quốc dân chủ thành một khối thịnh vượng thống nhất, đặt nền tảng phát triển trên Dân chủ và Nhân quyền. Một liên minh dân chủ sẽ hoàn thiện với sự đóng góp lớn của Mỹ dưới thời Joe Biden. Ánh sáng dân chủ toàn cầu đã bừng lên và Việt Nam cần đón lấy cơ hội này.

Quốc Bảo

(30/06/2021)

Additional Info

  • Author Quốc Bảo
Published in Quan điểm

Chính trị và các hoạt động chính trị là một lĩnh vực đặt biệt quan trọng cho mỗi quốc gia. Chính trị quyết định tất cả. Chính trị đúng, đất nước có dân chủ và phồn vinh. Chính trị sai, đất nước thất bại và tụt hậu. Trong hoạt động chính trị có nhiều đặc điểm, ví dụ đấu tranh chính trị là phải có tổ chức, có tư tưởng chính trị, có đội ngũ, và phải biết tiên liệu. Tiên liệu tức là "dự báo tương lai". Đây là một khả năng đặc biệt của con người.

"Tiên liệu là yếu tố cốt lõi của chính trị. Cái khó là tiên liệu không phải là một phản ứng tự nhiên. Nó không có sẵn trong bản năng mà, trái lại, đòi hỏi vượt lên trên bản năng và vận dụng trí tuệ để vừa nhìn rõ thực tại vừa nhận ra hướng đi và điểm tới của thực tại" (1).

Muốn thay thế cái cũ thì phải có cái mới. Chính trị cũng vậy. Muốn thay thế đảng cộng sản thì phải có một chính đảng mới. Muốn thay thế giải pháp cộng sản thì phải có một giải pháp mới. Muốn thay thế một truyện thuyết cũ thì phải có một truyện thuyết mới. Cuộc cách mạng dân chủ lần này là hoàn toàn mới và chưa từng diễn ra trong lịch sử Việt Nam.

"Điều cần được ý thức rất rõ ràng là cuộc đấu tranh cho dân chủ là cuộc đấu tranh cách mạng hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta bởi vì chúng ta chưa bao giờ có tự do và dân chủ. Đó là cuộc chiến đấu để mở ra cả một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử nước ta, kỷ nguyên của những con người Việt Nam tự do và của một nước Việt Nam dân chủ. Chính vì thế mà nó khó khăn, đòi hỏi một tư tưởng chính trị mới và một văn hóa mới. Nhưng cũng chính vì thế mà nó vinh quang" (2).

taphop1

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là một truyện thuyết mới thay thế cho truyện thuyết cộng sản (một phiên bản cải tiến của truyện thuyết Khổng giáo).

Tất cả các cuộc thay đổi triều đại trong lịch sử Việt Nam đều xuất phát từ nội bộ cung đình chứ chưa bao giờ do trí thức lãnh đạo và khởi xướng, kể cả cuộc cách mạng cộng sản. Cuộc cách mạng dân chủ lần này phải do trí thức lãnh đạo khởi xướng và lãnh đạo. Đây là cuộc đổi đời chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Chỉ có thế Việt Nam mới thực sự bước vào kỷ nguyên dân chủ. Nếu không chúng ta chỉ thay đổi chế độ độc tài cộng sản bằng một chế độ độc tài khác mà thôi.

"Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta khác hẳn với cuộc cách mạng cộng sản. Nó là cuộc cách mạng của trí tuệ, lẽ phải và lòng quảng đại ; nó dứt khoát từ chối bạo lực và hận thù. Nhưng nó cũng vẫn là một cuộc cách mạng và phải cũng diễn ra theo qui luật của những cuộc cách mạng. Vì thế chúng ta không thể tiết kiệm những cố gắng để xây dựng một tổ chức mạnh về cả tư tưởng lẫn đội ngũ. Không thể đốt giai đoạn" (3).

Thế nào là một cuộc cách mạng dân chủ ? Diễn tiến của một cuộc cách mạng dân chủ ra sao ? Phương pháp hay lộ trình tranh đấu của một tổ chức chính trị để giành được chính quyền bằng phương pháp bất bạo động là gì ? Theo chúng tôi, phương pháp đó là :

"Mỗi một tổ chức chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế’ với những khác biệt so với chính sách hiện hành, thuyết phục người dân, vận động tranh cử và cố gắng giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai để trở thành đảng cầm quyền. Cuối cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị".

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang đi theo đúng lộ trình đó. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là để thay thế cho giải pháp cộng sản. Đây cũng là một truyện thuyết mới thay thế cho truyện thuyết cộng sản (một phiên bản cải tiến của truyện thuyết Khổng giáo). Chúng tôi đang bền bỉ và cố gắng thuyết phục người dân và trí thức Việt Nam ủng hộ cho giải pháp "dân chủ đa nguyên" đó. Đồng thời chúng tôi đang cố gắng xây dựng một đội ngũ nhân sự để, nếu được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền, có người thực thi dự án chính trị mà chúng tôi đã đề nghị.

Chúng tôi tin rằng Đảng cộng sản phải chấm dứt trong một tương lai rất gần vì nó không phù hợp với dòng chảy lịch sử và qui luật tự nhiên. Có ba kịch bản sẽ xảy ra cho cuộc cách mạng dân chủ sắp đến, đó là :

- Kịch bản Ba Lan. Đảng cộng sản cộng sản Ba Lan đàm phán với phong trào dân chủ và tiến hành một cuộc bầu cử tự do để người dân chọn ra đảng cầm quyền. Mọi thay đổi sau đó diễn ra trong hòa bình, trật tự và êm thắm.

- Kịch bản Romania. Tổng bí thư Đảng cộng sản Nicolae Ceausescu bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự tháng 12/1989 và cả hai vợ chồng đều bị xử bắn ngay sau đó.

- Kịch bản Nga. Boris Yeltsin dẹp tan cuộc đảo chính lật đổ Gorbachev do những người cộng sản bảo thủ khởi xướng (8/1991) và sau đó trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nga. Ông cầm quyền hai nhiệm kỳ và sau đó bàn giao lại cho Putin.

taphop2

Kịch bản Ba Lan : mọi thay đổi diễn ra trong hòa bình, trật tự và êm thắm.

Kịch bản mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong muốn tất nhiên là kịch bản Ba Lan. Một cuộc thay đổi trong hòa bình. Không ai phải chết và không phải đổ một giọt máu nào. Chúng tôi phản đối mọi cuộc cách mạng bạo lực và đập phá. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có xác quyết rằng, cuộc cách mạng này : "không nhằm tiêu diệt hay hạ nhục bất cứ ai mà để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có".

Muốn có kịch bản Ba Lan thì có hai việc phải làm :

1. Về phía Đảng cộng sản thì lực lượng tiến bộ trong đảng phải mạnh lên và phải có quyết tâm lẫn viễn kiến để thấy được lối ra cho chính Đảng cộng sản và cho cả dân tộc.

2. Về phía người dân Việt Nam thì muốn hay không cũng phải ủng hộ cho một tổ chức đối lập đứng đắn để làm đối trọng với Đảng cộng sản. Không nên ngồi đợi (vì không thể có) một tổ chức chính trị hoàn hảo như trong giấc mơ. Thời đại của các minh quân và các "lãnh tụ thần thánh" đã chấm dứt từ lâu.

Muốn chiến thắng đảng cộng sản và thiết lập dân chủ cho Việt Nam thì phong trào dân chủ phải có một vài tổ chức chính trị thực sự có tầm vóc. Nhiệm vụ chính của các tổ chức đối lập là đưa ra một "giải pháp thay thế" cho "giải pháp cộng sản" và thuyết phục người dân rằng giải pháp đó sẽ mang lại tự do, dân chủ cho mọi người và sự phồn vinh cho đất nước. "Hành động" quan trọng nhất trong cuộc tranh đấu hiện nay chủ yếu là trên mặt trận lý luận và tư tưởng. Hai nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thuyết phục và kết hợp.

Quần chúng cần một giải pháp mới và một niềm tin vào thắng lợi. Họ cần được hướng dẫn và lãnh đạo, quan trọng nhất, quần chúng cần biết sau chế độ cộng sản sẽ là gì ? Nếu không hình dung được tương lai thì quần chúng sẽ không ủng hộ cho bất cứ cuộc cách mạng nào. Giải pháp thay thế của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được trình bày rất rõ ràng và đầy đủ trong Dự án chính trị có tên gọi : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mong muốn Đảng cộng sản là tác nhân của sự thay đổi thay vì nạn nhân. Tuy nhiên nhìn vào thực tại thì thấy Đảng cộng sản vẫn ngoan cố chống lại trào lưu dân chủ tất yếu phải đến với Việt Nam. Họ không còn đồng thuận nên phải siết chặt dân chủ trong nội bộ đảng bằng cách "cơ cấu" toàn bộ cán bộ cho Đại hội 13 thông qua Tiểu ban nhân sự do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Sự bất mãn gia tăng trong nội bộ đảng khiến họ mở chiến dịch bắt bớ và câu lưu các tiếng nói bất đồng. Nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành (Bà Đầm Xòe), nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy vừa bị bắt là một minh chứng.

taphop3

Nhà thơ Trần Đức Thạch, nhà văn Phạm Thành (Bà Đầm Xòe), nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy vừa bị bắt.

Sau đại dịch Covid-19 thì các chế độ độc tài còn lại sẽ rất khốn đốn, trong đó có cả hai cường quốc là Nga và Trung Quốc. Đảng cộng sản Việt Nam cố tình nhắm mắt để không muốn nhìn thấy sự thật. Lần đầu tiên sau ba thập kỷ Trung Quốc thông báo không đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Sau khi Trung Quốc rút lui và co cụm lại trước khi tan vỡ thì sự đe dọa và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới sẽ giảm xuống. Vai trò "xung kích" của Việt Nam sẽ không còn quá quan trọng trong việc bao vây, phong tỏa Trung Quốc. Mỹ và các nước dân chủ không còn lý do để o bế và cưng chiều Việt Nam như trước. Sức ép lên Việt Nam sẽ rất lớn.

Xin nhắc lại là cuộc cách mạng dân chủ lần này hoàn toàn khác và chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam. Cuộc cách mạng này bắt buộc phải do tầng lớp trí thức đảm nhiệm. Khác biệt lớn nhất và quan trọng của cuộc cách này này là quan niệm về chính trị. Phải xem chính trị là đạo đức ứng dụng, là một cố gắng thể hiện lẽ phải và các giá trị đạo đức trong xã hội.

Cứu cánh của chính trị là phục vụ và tôn vinh con người. Như vậy, bắt buộc những người hoạt động chính trị phải có sự hiểu biết về quốc gia và thế giới, hiểu biết về cách vận hành của các định chế quốc tế và bộ máy nhà nước. Đức tính mà những người làm chính trị cần có đó là sự dũng cảm, lòng bao dung, sự lương thiện, tôn trọng lẽ phải, sự thật và nhất là lý tưởng phục vụ con người và xã hội.

Việt Hoàng

(25/05/2020)

Chú thích :

(1) Quĩ đạo của chó (Nguyễn Gia Kiểng)

(2) Thử thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn (Nguyễn Gia Kiểng)

(3) Chọn lựa giữa vận động quần chúng và chính trị sa lông (Nguyễn Gia Kiểng)

Additional Info

  • Author Việt Hoàng
Published in Quan điểm