Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/12/2024

Nói thêm về Trần Khắc Đức

Hoàng Bách, Nguyễn Gia Kiểng

Hoàng Bách : Trong tháng vừa qua chúng ta biết là có anh Trần Khắc Đức, một thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, bị bắt tại Việt Nam. Thưa anh, anh được báo công an cho là lãnh đạo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì xin anh cho biết là anh và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có biện pháp nào để can thiệp, giúp đỡ cho anh Trần Khắc Đức không thưa anh ?

hbngk

Nguyễn Gia Kiểng : Thưa anh, tôi xin được thông báo là anh Trần Khắc Đức bị bắt từ ngày 20 tháng 9 chứ không phải là ngày mùng 9 tháng 11.
Cái câu hỏi được đặt ra là họ để 50 ngày sau họ mới công bố việc bắt anh Đức ?

Trước hết tôi xin giới thiệu về anh Đức. Đức là một thanh niên sinh tại Nghệ An, năm nay 29 tuổi. Đức sinh ra trong một gia đình rất là nghèo và không may mắn vì người cha mất vào lúc anh ấy mới có 8 tuổi, người em khi đó mới 3-4 tuổi. Bà mẹ phải tần tảo buôn gánh bán bưng để nuôi hai đứa con. Nhưng cái may của bà mẹ là có hai đứa con cực kỳ thông minh và có ý chí, cho nên họ thành công trong việc học.

Đức là người mà trong các thành viên ở trong nước, tôi đánh giá là một người vừa có đức như là cái tên và thông minh một cách lạ thường. Thế thì trong cái ý chí đó, tôi nghĩ rằng Đức có thể thành công bởi vì sau khi học, Đức đã làm về Tin học và dịch vụ cung cấp cho quảng cáo, cũng như là thương mại. Và có thể sống một cách thoải mái, thêm vào nữa là giúp đứa em còn đang đi học. Và phần nào đã giúp bà nội hiện nay đã rất già và rất yếu. Đức trở thành cột trụ của gia đình. Nhưng mà cái điều đó nó không ngăn cản Đức quan tâm tới đất nước.

Đức đọc sách rất là nhiều và tìm hiểu những lập trường, những ý kiến chính trị hiện nay của các nhân sĩ cũng như của các tổ chức. Khi Đức đọc Dự án chính trị Khai sáng kỷ nguyên thứ 2 của chúng tôi thì Đức thấy hoàn toàn phù hợp với mình cho nên đã gia nhập Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Tôi có thể nói là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cho tới ngày hôm nay, chưa có người nào bị bắt.

Trước đây vào năm 2000 có 2 trường hợp là hai Chí Hữu là anh Phạm Hồng Sơn và cựu Đại tá Phạm Quế Dương. Từ đó tới nay tôi có cảm tưởng là họ hiểu là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức có một lập trường ôn hòa và cũng không có kêu gọi thù hận cũng như là kêu gọi bao lực, cho nên lẽ họ cũng không đàn áp Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Cũng phải nói thực là họ còn mời tôi về, họ gởi lời mời tôi về thăm đất nước. Hỏi tại sao không về nước như các ông : Nguyễn Cao Kỳ, Thích Nhất Hạnh hay Phạm Duy ? Nhưng tôi trả lời là tôi không về được bởi vì khi nào còn có những người tù nhân chính trị thì tôi về, về mà được tiếp đón một cách thân thiện thì tôi sẽ xấu hổ với gia đình họ.

Tôi nghĩ việc mà họ bắt Đức sau đó 50 ngày thì mới công bố thì tôi thấy có một câu hỏi : Có lẽ là trong nội bộ chính quyền cũng không có sự nhất trí. Có người nghĩ là không nên bắt, có người nghĩ là nên bắt. Sau những dùng dằng thì phe bảo thủ đã thắng và họ mới công bố việc bắt Đức sau 50 ngày tạm giam.

Trong thời gian đó chúng tôi cảm thấy có một sự bối rối trong nội bộ Đảng cộng sản cho nên chúng tôi cũng giữ tuyệt đối im lặng.

Bây giờ họ công bố việc bắt Đức cũng khác hẳn với những vụ bắt người trước đây. Thứ nhất là họ báo cho Đức biết 1 tuần trước đó là họ sẽ bắt Đức. Họ gởi giấy, họ còn nói là sẽ truy tố vì tội tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 117. Ý của họ, theo chúng tôi cũng như Đức, là họ báo tin rằng họ sẽ bắt Đức để cho Đức trốn đi. Ví dụ như chạy qua Campuchia rồi qua Thái Lan… Có lẽ đó là giải pháp thỏa hiệp giữ những lập trường muốn bắt Đức và lập trường không nên bắt Đức. Nhưng Đức sẵn sàng ở lại.

Theo Đức, tranh đấu là phải dám đương đầu với khó khăn chứ không bỏ chạy, cho nên Đức đã ngồi đợi để bị bắt. Một tuần sau họ bắt (20/9) nhưng mãi tới 50 ngày sau họ mới công bố. Sự công bố này cũng rất khác với những người trước đây. Trước đây họ bắt bất cứ ai họ thông báo ngay hôm bắt và thông báo một vài dòng ngắn ngủi : người này đã bị bắt vi lạm dụng các quyền tự do dân chủ. Ngay cả khi họ cách chức ông Chủ tịch nước họ cũng chỉ công bố 2-3 dòng là ông ấy đã phạm những điều trong vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, rồi đã làm những việc mà đảng viên không được làm.

Nhưng riêng đối với Đức, có điều khác hẳn, là bản thông báo đó là bản thông báo rất là dài và họ cho đăng trên tất cả các tờ báo trong ngày 9/11. Một thông báo rất là dài, kể tỉ mỉ, trong đó kể cả tới tên tôi vào trong đó. Họ luận tội, họ nói lý do tại sao họ bắt. Điều đó chứng tỏ là trong nội bộ họ, phe bắt Đức cảm thấy rằng phải có một lý do, lập luận nào đó nhưng họ cũng không đưa ra được một lập luận nào khác ngoài việc tố cáo : Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cứ chống lại chính quyền, đòi đa nguyên, đa đảng, nói xấu Đảng cộng sản, xúc phạm tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong số cả trăm bài được đăng tải họ trích dẫn ra được 20 bài để buộc tội Đức. Trong đó có 4 bài của Đức còn lại là của tôi. Trong đó ngôn ngữ của Tập Hợp không bao giờ là ngôn ngữ xúc phạm cả, và chúng tôi cũng không bao giờ kêu gọi bạo lực cả. Họ nói chúng tôi là những người ngoan cố, là một tổ chức phản động lưu vong, đòi đa nguyên đa đảng. Họ làm như đòi đa nguyên đa đảng là một cái tội. Hiện nay chống lại đa nguyên đa đảng mới là tội.

Bản thông báo của họ rất là quanh co, vòng vo. Sau đó họ thấy là dường như chưa đủ, họ còn tiếp thêm 2 bài để biện luận cho việc bắt người : một bài trên tờ báo Quân Đội Nhân Dân và một bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng, họ nói rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức nguy hiểm vì đã lôi kéo được những người rất tinh nhuệ, những người rất tốt, những người rất là thông minh như là Trần Khắc Đức. Rồi họ cũng nói thêm là chúng tôi đã lôi kéo được và tổ chức được nhiều hội nhóm ở trong nước trở thành mối đe dọa rất nguy hiểm cho an ninh chính trị.

Tôi cũng không hiểu thế nào là an ninh chính trị và thế nào là rất nguy hiểm. Chúng tôi không thành lập ra hội nhóm nào cả. Đó là, nếu có, đó là những hội nhóm do anh em trong nước cảm mến lập trường tự lập ra mà thôi chứ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi không hề có hội nhóm nào. Ngay cả với những anh em trong nước, chúng tôi cũng yêu cầu là không có sinh hoạt tổ chức gì cả, chỉ thảo luận trao đổi ý kiến với nhau trong tự đồng ý với nhau trong một Dự án tương lai chung cho Đất nước Việt Nam mà thôi.

Bài phản biện sau cùng họ vận dụng 2 ký giả để viết chung một bài trên tờ báo Sài Gòn Giải Phóng. Họ dùng 2 nhà lý luận cao cấp của Đảng cộng sản : một người là ông Phan Quốc Thiều, Phó Giáo sư Tiến sĩ với trình độ lý luận cao cấp, là giảng viên của trường Chính trị Hồ Chí Minh ; một người nữa là ông Thạch Kim Hiếu, phó trưởng Khoa xây dựng Đảng, học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

Họ buộc tội gì ? Họ buộc tội chúng tôi bằng hai lập luận :

Lập luận thứ nhất là chúng tôi nhất định ngoan cố rao giảng lý thuyết rằng Việt Nam phải tiến về dân chủ và Đảng cộng sản không có một lựa chọn nào hết ngoài việc chấp nhận dân chủ cùng với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Họ tưởng rằng họ đang đả kích chúng tôi nhưng thực ra họ đang phổ biến lập trường mà tất cả mọi người Việt Nam đều chia sẻ.

Lập luân thứ hai họ nói chúng tôi là ngoan cố lý luận rằng phải có đa nguyên đa đảng mới là dân chủ. Có lẽ theo họ độc tài mới là dân chủ, còn chúng tôi đòi đa nguyên đa đảng không hiểu dân chủ là gì ? Nếu họ đã hiểu như vậy thì xin được để dư luận phán quyết xem ai đúng ai sai trong lập luận này.

Tôi thú thực là cũng không biết họ phản bác cái gì. Điều này cho thấy, ngay cả những người cứng rắn, cũng thấy việc bắt Đức này là không đúng. Cho nên, niềm hy vọng của chúng tôi là những thành phần sáng suốt ở trong Đảng cộng sản càng ngày càng đông hơn. Và họ ý thức được rằng chế độ này đã tới lúc phải cáo chung. Chính ông Tô Lâm cũng đã nói rằng nước Việt Nam không thể tách rời xu hướng chung của Thế giới. Nhưng xu hướng chung của Thế giới đâu phải là tiến tới độc tài đảng trị đâu. Xu hướng chung của Thế giới là xu hướng tiến tới dân chủ.

Sự đàn áp đã gia tăng, mười mấy anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chúng tôi bị đem ra thẩm vấn. Ở Sài Gòn mỗi người 4-5 lần. Trong đó có 2 người vì trả lời họ rất thẳng thắn, dù là ngôn ngữ rất ôn hòa, mà đã bị đánh ngay trong đồn công an. Phải nói rằng từ ngày ông Tô Lâm nắm được Chính quyền, tôi thấy có một sự mâu thuẫn lớn : Một mặt ông ấy nói rằng Việt Nam phải đi theo xu hướng chung của Thế giới, ông ấy lại còn nói thêm rằng phải mở ra một Kỷ Nguyên mới, nhưng một mặt lại gia tăng đàn áp một cách khốc liệt.

Đảng cộng sản đang sống trong một mâu thuẫn lớn và phạm nhiều tội ác. Họ đã hủy hoại nhiều cuộc đời. Ví dụ như Trần Huỳnh Duy Thức bị tới 15 năm tù, 15 năm - một thời gian quan trọng của cuộc đời ; tôi muốn nói tới Phạm Đoan Trang, một người phụ nữ yếu bệnh gần như là tàn phế, bị xử 9 năm tù và bây giờ cũng đang mòn mỏi ở trong tù ; những người như là thầy giáo Tĩnh chỉ vì hát bài hát Trả lại cho dân mà họ xử 11 năm tù…

Việc bắt Trần Khắc Đức là một sai lầm. Bởi vì Đức là biểu tượng của Thế hệ mới. Một thanh niên sinh ra trong một hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã phấn đấu rất quyết liệt để có thể được thành công cho mình nhưng mà không lo cho mình mà còn lo cho Đất nước, và đã chọn một con đường đúng. Một con người như vậy, tôi nghĩ rằng, Đất nước nào cũng mong muốn phải có và phải tự hào. Nhưng mà họ đã bắt Đức. Hành động đó đã đi ngược lại với trào lưu của Thế giới, với khát vọng của Dân tộc, với lẽ phải.

Chúng tôi tin tưởng vào những anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ở trong nước, dù bị thẩm vấn, kể cả bị đánh họ vẫn quyết liệt không thay đổi thái độ. Đức cũng như vậy, không hề thay đổi, và nhất là không bỏ chạy mặc dù được báo trước là sẽ bị bắt. Tôi nghĩ rằng họ đang phạm vào một sai lầm lớn và tôi nghĩ ngay trong Đảng cộng sản cũng có những người anh em nhìn thấy cái sai lầm là họ đã bắt Đức, cũng như những người khác. Họ đã bắt những thành phần tinh hoa nhất của Đất nước, họ đã bắt những con người có đạo đức, có tâm hồn nhất. Họ đã chứng tỏ cái sự mù quáng tới tột điểm của họ.

Trần Khánh Ân ghi lại

Nguồn : Người Việt Channel

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Bách, Nguyễn Gia Kiểng
Read 113 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)