Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

21/01/2017

Góp ý về vấn đề biểu tượng cho cuộc vận động dân chủ

Phạm Đỉnh

LTS : Chúng tôi đăng lại dưới đây bài viết của ông Phạm Đỉnh, một thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, phản biện nội dung bài viết của ông Bửu Sao đăng trên trang mạng VietNet và Việt Báo, tháng 08/2005. Bài viết tuy đã được đăng cách đây hơn 11 năm, nhưng tính thời sự của nội dung bài viết vẫn còn nguyên vẹn. Đó là cuộc tranh cãi chung quanh lá cờ vàng và lá cờ đỏ cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Xin mời quý đọc giả tiếp tục theo dõi cuộc tranh cãi này. NVH

*******************

Trên trang mạng VietNetViệt Báo vừa phổ biến bài viết của ông Bửu Sao với tựa đề "Vấn đề biểu tượng của một lá cờ qua cuộc đối thoại với nhóm Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên" [*].

laco1

 

Khát vọng dân chủ - Ảnh minh họa 

Bài viết của ông Bửu Sao muốn đặt lại vấn đề biểu tượng của một lá cờ nhân cuộc chuyện trò giữa ông và ông Nguyễn Gia Kiểng, Thường trực Ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Bài viết của ông đặt ra nhiều câu hỏi hơn là cung cấp được một câu trả lời cho chính ông, chẳng hạn : văn hóa nhân sĩ có thể làm được gì trong cuộc vận động dân chủ ngày hôm nay, việc đánh giá dân trí của bàng (sic) dân là bất cập, sự nhầm lẫn giữa con người cựu đảng viên cộng sản và bộ máy đảng....

Vì bài viết có đề cập đến nhiều quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, chúng tôi thấy nên đáp ứng lời mời gọi của ông Bửu Sao.

Trước hết là vấn đề chính danh. Ông Bửu Sao bảo là tiếp xúc với nhóm Thông Luận, nhưng ông lại thêm một cái mở ngoặc như sau : (NGK). Trong suốt bài ghi lại, chỉ thấy ông và ông Nguyễn Gia Kiểng chuyện trò qua lại. Vậy thì có lẽ chỉ nên nói rằng ông có chuyện trò với ông Nguyễn Gia Kiểng mà thôi. Thứ nữa là mức độ chính xác của việc ghi nhận lại chi tiết liên quan đến quan điểm của ông Nguyễn Gia Kiểng. Viết như ông đã viết trong bài thì vô tình hay cố ý nó chứng tỏ ông cũng có chút hội chứng nhị hóa ngã. Phiền một nỗi là ông có vẻ bỉ thử cái hội chứng kia nên tôi mới đề nghị nên chính danh như trên để tránh kẻ ác ý lại bảo ông mâu thuẫn.

Hẳn nhiên là ông Bửu Sao rất chính xác khi bảo rằng trước năm 1975, lá cờ vàng từng là biểu tượng của miền Nam trong cuộc đối đầu với phe cộng sản Bắc Việt từ 1954 trở đi, và rằng cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đã rất thành công khi vận động với chính quyền Hoa Kỳ ở một số tiểu bang để lá cờ vàng được thừa nhận là biểu tượng của cộng đồng người Việt tại quốc gia này.

Nhưng từ điểm khởi hành đó, ông Bửu Sao đẩy xa thêm lập luận của ông, rằng lá cờ vàng chính là biểu tượng cho chính nghĩa quốc gia trong cuộc đối đầu Quốc-Cộng ngày hôm nay. Lập luận này có hai điều vướng :

Thứ nhất, một biểu tượng của một cộng đồng sắc tộc trong một quốc gia không nhất thiết là biểu tượng "chính nghĩa" nào đó tại một quốc gia khác. Những người Mỹ gốc Việt vẫn còn muốn giữ chút kỉ niệm về nguyên uỷ của cuộc di cư vĩ đại, thì việc vận động để giữ lại biểu tượng của quá khứ trong đời sống hiện tại của cộng đồng người Mỹ gốc Việt là một việc có ý nghĩa. Hẳn nhiên là một số nào đó những người thuộc "thế hệ đã qua" cũng muốn lợi dụng việc này cho ý định của họ là gán cho cuộc vận động nói trên vào việc họ gọi là "quang phục quê hương", nhưng điều đó không có gì bảo đảm là thế hệ trẻ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt có cùng suy nghĩ với thế hệ đi trước. Có lẽ chính ông cũng nhận thấy là không ổn khi đồng hóa chuyện lá cờ của cộng đồng người Việt tại Mỹ với lá cờ biểu tượng của "phe Quốc gia Việt Nam", nên ông lại chuyển sang phê phán là trong cộng đồng dân tộc Việt hiện nay đang có những hiện tượng rất tiêu cực là người tị nạn cộng sản mà dường như quên lãng căn cước của mình ; ông còn phê phán là một thành phần hãnh tiến trong cộng đồng đang thể hiện "hội chứng nhị hóa bản ngã". E rằng phê phán thế thì khá nặng mà lại không chính xác ; vì cái hội chứng mà ông nhắc đến là một trạng thái tâm bệnh của những kẻ không còn khả năng phân biệt thực và giả. Hội chứng đó chỉ nằm ở những cá nhân không có khả năng nhận biết lằn ranh giữa dĩ vãng và hiện tại chứ sao mà có thể là một bệnh tâm lí của cả một cộng đồng cho được ?

Thứ nhì, ông Bửu Sao lặp đi lặp lại nhiều lần rằng "vấn đề mấu chốt xưa nay vốn là vấn đề ranh giới Quốc-Cộng". Thật là ngạc nhiên hết sức trước nhận định như thế của một "chuyên viên nghiên cứu lịch sử" - như ông tự nhận. Hẳn ông phải thấy là ba mươi năm qua, lằn ranh quốc-cộng đã không còn là "vấn đề mấu chốt" nữa. Nổi bật lên các mối quan hệ xã hội chúng ta trong ba mươi năm nay là cuộc xung đột đối kháng giữa một bên là ban lãnh đạo đảng cộng sản tham nhũng độc tài, và một bên là đại khối nhân dân bị thống trị hà khắc đang dần dà ý thức về quyền con người và quyền công dân của mình. Điều này lại càng rõ ràng hơn nữa khi bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo khối cộng sản tan rã. Cốt lõi của cuộc đối đầu ngày hôm nay là cuộc vận động chuyển hóa đất nước về dân chủ. Cho nên nếu có muốn vạch một lằn ranh trận tuyến hôm nay thì lằn ranh đó phải là lằn ranh giữa dân chủ và độc tài.

Đến đây xin bàn cùng ông vấn đề chính mà ông muốn đề nghị đối thoại : vấn đề lá cờ biểu tượng. Trước hết, phải xin nhắc lại là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm rằng vấn đề lá cờ biểu tượng trong quá trình vận động dân chủ hóa cho đất nước không phải là một công tác trọng yếu. Công việc chủ yếu là làm sao tìm thấy được một lộ trình cho tiến trình dân chủ hóa trong hòa bình, ổn định, và phát huy được khối đại đoàn kết dân tộc. Thành tựu của cuộc tìm tòi đó đã được trình bày trong dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên mang tựa đề Thành Công Thế Kỷ 21 (Paris, 2001).

Xin trích ra đây một đoạn Dự án chính trị : "Cuộc tranh cãi gay go nhất trong thế kỷ hai mươi đã là cuộc tranh cãi về dân chủ. Hàng chục triệu người trên khắp thế giới đã thiệt mạng vì những xung đột gây ra bởi cuộc tranh cãi này. Vấn đề cốt lõi là làm thế nào để người dân quyết định vận mệnh đất nước, và nhiều công thức đã được đề ra và thử nghiệm. Cuộc tranh cãi này hiện nay có thể coi như đã chấm dứt. Chủ nghĩa Mác-Lênin và mô hình "dân chủ xã hội chủ nghĩa" mà nó đề xướng đã hoàn toàn sụp đổ. Các chế độ cộng sản còn lại chỉ còn là những chế độ độc tài bạo ngược thuần túy. Mô hình dân chủ đặt nền tảng trên tự do cá nhân đã thắng về mặt lý thuyết và cũng đang thắng trên thực tế. Số lượng các nước dân chủ đang gia tăng mau chóng" (tr. 31).

Xin nhắc lại, cuộc đấu tranh của cộng đồng dân tộc Việt Nam ngày nay đã sang trang khác hẳn với trước ngày 30/4/1975, khi cuộc chiến giữa hai phe quốc gia (miền Nam) và phe cộng sản (miền Bắc) nhắm vào mục tiêu rất cụ thể : giành thắng lợi cho phe mình và cho ý thức hệ của mình. Cuộc đấu tranh đó đã kết thúc hôm 30/4/1975 rồi. Hôm nay đây, đi đến đâu trên các vùng đất nước mà nói chuyện quốc gia và cộng sản, thậm chí tranh luận về những chuyện lí tưởng cộng sản thì sẽ không khỏi gây ấn tượng là Từ Thức lạc lối trần gian. Cả một guồng máy quyền lực hiện nay chỉ cai trị dựa trên sự khủng bố (gieo rắc sự sợ hãi) và bóc lột (tham nhũng hối lộ), còn có đâu là lí tưởng giải phóng vô sản, là cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nông mà người cộng sản rêu rao trong suốt một thời kì dài khi họ chưa nắm trọn quyền lực toàn trị trên cả nước ? Bộ máy cầm quyền trong nước (bao gồm cơ chế đảng và nhà nước) hiện nay chỉ dùng những bình phong "xã hội chủ nghĩa", "tư tưởng Hồ Chí Minh", "nhà nước chuyên chính vô sản"… chỉ để che giấu khuôn mặt thật của họ là một bộ máy thống trị bằng bạo lực khủng bố và đục khoét công khố. Làm gì có lí tưởng cộng sản ? Ngày hôm nay mà còn vướng bận về một bài toán đã giải xong từ ba mươi năm trước thì có thể là quá chậm trễ trên con tàu lịch sử chăng ?

Ông Bửu Sao lo ngại là nếu không bấu víu vào cái tiền đề Quốc-Cộng thì không sao lí giải được sự có mặt của cộng đồng hải ngoại, và của những cuộc họp mặt của cộng đồng này. Theo tôi thì không nên bận lòng như thế. Căn cước thật của cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã được xác nhận ngay từ khi họ đặt chân lên mảnh đất tạm dung. Cộng đồng người Việt khắp nơi vẫn có nhu cầu rất lớn là quần tụ vào nhau để nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau. Ở bất kì nơi đâu trên thế giới, cộng đồng người Việt vẫn cố gắng làm cuộc di cư lần thứ nhì từ nơi họ được bố trí tái định cư đến nơi có đông người đồng hương cư ngụ. Những chuyện không như ý trong nội bộ cộng đồng chẳng qua là biểu hiện của sự thể khá cổ điển : "ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng", hoặc "gần nhà xa ngõ". Đó là những mặt tiêu cực trong sinh hoạt cộng đồng mình ở bất kì nơi nào. Những vấn đề tiêu cực của cộng đồng chỉ nảy sinh từ sự yếu kém trong quản lí điều hành chứ không phải vì thiếu một biểu tượng đoàn kết.

Lại càng không thể bảo rằng lá cờ vàng đã là biểu tượng đoàn kết của cộng đồng người Việt hải ngoại. Ông Bửu Sao chắc cũng đã thấy hiện tượng nhiều nhóm người khác nhau cùng trương cao một ngọn cờ biểu tượng mà vẫn "trời không chịu đất, đất chẳng chịu trời". Nhưng đó là một sự thể thuộc về con người chứ không phải tại bản thân lá cờ biểu tượng. Phải không ?

Nhất quán trong Dự án chính trị là sự nhìn nhận tính cách phức hợp của vấn đề Việt Nam. Ngày nào chưa tìm ra được một dự án tương lai chung cho đất nước thì ngày đó cộng đồng dân tộc chúng ta dù ở trong nước cũng như hải ngoại sẽ không thể giải được bài toán chung của đất nước. Ba mươi năm qua chúng ta thấy gì ? Không biết bao nhiêu là những giải pháp cục bộ, biệt phái, với mục đích thiển cận là muốn triệt tiêu sự khác biệt để giành giật sự độc quyền lẽ phải, độc quyền chính nghĩa.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm rằng người Việt chúng ta cần nhìn nhận rõ khát vọng của toàn dân là : "Ngày hôm nay khát vọng của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam là dân chủ. Nhìn lại anh em, nhận lại bạn bè phải là tinh thần chỉ đạo của một tập hợp dân tộc mới, trong đó không có kẻ đúng người sai mà chỉ có những người anh em bình đẳng cùng ngậm ngùi cho đất nước và cùng kết hợp trong một cuộc vận động dân chủ. Hòa giải và hòa hợp dân tộc chính là điều kiện cốt lõi để cô lập và đánh bại tập đoàn độc tài ngoan cố" (tr. 40).

Nhìn nhận như thế để có thể ngừng lại vòng quay luẩn quẩn của quá khứ : "Bình thường hóa quan hệ giữa người Việt Nam với nhau. Long trọng xác nhận đất nước là của chung mọi người chứ không phải là của riêng một đảng hay một chủ nghĩa. Nhìn nhận chỗ đứng ngang nhau cho mọi người và cho mỗi người. Cởi bỏ những xiềng xích của hận thù và bất dung để nhìn nhau như anh em và quyết tâm cùng nhau xây dựng một tương lai chung. Tất cả những điều này chúng ta đều có thể làm và đều có thể làm ngay. Rồi chúng ta sẽ cùng nhau khám phá ra sự mầu nhiệm của những giá trị rất đơn giản như tự do, dân chủ, hòa hợp dân tộc" (tr. 142).

Từ những nhận định tổng hợp từ hoàn cảnh phức hợp của đất nước, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đưa ra một dự án tương lai chung cho toàn thể mọi người Việt Nam, dựa trên những đồng thuận cơ bản gồm bốn điểm sau đây : "Đất nước phải được quan niệm như một không gian liên đới và một tương lai chung, thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên, tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc, cố gắng phát triển kinh tế phải đặt trên nền tảng kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân" (tr. 25-26).

"Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cổ vũ cho một chế độ dân chủ toàn diện cho đất nước, vì chúng tôi xác định rằng những luận điệu hạn chế tự do và dân chủ, lấy cớ là để đất nước phát triển, chỉ là những luận điệu giả dối" (Thành Công Thế Kỷ 21, tr. 44)

Những kế hoạch và đường lối chính sách lớn nhằm bảo đảm việc xây dựng vững chắc và hòa bình một thể chế dân chủ đa nguyên đã được trình bày chi tiết trong bản Dự án chính trị nói trên. Chúng tôi quan niệm đó là điểm tụ chính đáng nhất và mạnh mẽ nhất cho một cuộc phục hưng khối đại đoàn kết dân tộc. Không phải một thứ biểu tượng nào khác.

Hiện nay, cộng đồng dân tộc chúng ta không phân biệt ở trong nước hay ở hải ngoại, đều đối diện với công cuộc vận động dân chủ cho đất nước. Công cuộc vận động dân chủ hóa đòi hỏi một số công tác trọng tâm mà chúng tôi đề nghị với quốc dân trong bản Dự án chính trị (tr. 89-105), xin không phải nhắc lại ở đây. Cũng xin bày tỏ thêm ở đây là một dự án chín htrị như thế không phải là trò thể thao chữ nghĩa cho vui, mà là một đầu tư nghiêm túc cho một sinh hoạt chính trị nghiêm túc cho tương lai. Những nghi ngại của ông Bửu Sao về một số biện pháp chính trị của một nhà nước dân chủ trong tương lai là những lo ngại chính đáng nhưng không phải là không khắc phục được. Những người quan tâm đến chính trị thì phải tự rèn luyện kiến thức và khả năng để gánh vác những trách nhiệm nặng nề và chuyên nghiệp. Chính trị là để làm việc có tổ chức, có phương pháp, để đạt những mục tiêu chung nhưng cụ thể. Không phải chỉ là để nói suông.
Trong thời gian qua, nhà cầm quyền Hà Nội đã điên cuồng chống phá Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì họ nhận thấy mối đe doạ thật sự cho tiền độ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Phong trào dân chủ Việt Nam bị đàn áp tàn bạo chỉ vì phong trào đang là hiện thân của xu thế lịch sử hiện nay trên phạm vi toàn thế giới. Đứng trước dòng thác dân chủ hóa toàn cầu hiện nay, đảng cộng sản đang hiện nguyên hình là vật cản của bước đi lịch sử. Chính họ cũng hiểu rõ số phận của những kẻ phản động lại trào lưu của lịch sử, nhưng vì tham quyền cố vị, vướng mắc vào cái bẫy tham nhũng hối lộ quá trầm trọng, đảng cộng sản Việt Nam như những kẻ đang cưỡi cọp.

Để đối trọng với đảng cộng sản và guồng máy bạo lực thống trị của đảng, tất nhiên là phải cần có một khối sức mạnh của cộng đồng dân tộc. Một mặt trận dân chủ vững mạnh là một đòi hỏi thúc bách hiện nay.

"Sự kết hợp trong một mặt trận dân chủ này phải vượt lên trên mọi ngăn cách do quá khứ để lại, trong tinh thần hòa giải dân tộc thành thực và trọn vẹn, hoàn toàn hướng về tương lai. Sức mạnh của kết hợp này không dựa trên cơ chế tổ chức mà dựa trên đồng thuận về mục đích và phương pháp đấu tranh, cùng với sự tin tưởng lẫn nhau. Kết hợp này phải mở cửa cho mọi cá nhân và đoàn thể thuộc mọi xuất xứ miễn là thành thực chia sẻ lý tưởng dân chủ đa nguyên, thành thực tán thành tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và quả quyết từ khước bạo lực. Mọi bất đồng quan điểm khác đều có thể thỏa hiệp" (tr. 97) .

Ngày nào mặt trận dân chủ chưa thành hình là ngày đó nhân dân Việt Nam hãy còn triển hạn quyền lực cho tập đoàn mafia cai trị trong nước hiện nay. Chúng tôi quan niệm rằng "Chế độ độc tài này sẽ là chế độ độc tài cuối cùng tại Việt Nam. Rũ bỏ được nó, đất nước ta sẽ vĩnh viễn đi vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ và bao dung, kỷ nguyên của những cố gắng chung và của thành công chung" (tr. 125-126).

Vậy thì vị trí lá cờ vàng của miền Nam cũ nằm ở đâu trong mặt trận dân chủ hôm nay ? Trước tiên phải nhìn nhận lá cờ vàng đã từng là biểu tượng của phe quốc gia đối lập với phe Việt Minh trong giai đoạn 1948-1954, và là biểu tượng của miền Nam trong cuộc đấu tranh với miền Bắc trong suốt quá trình đấu tranh Quốc - Cộng từ năm 1954 đến ngày 30/4/1975. Kết cục của của cuộc đấu tranh đó là phe miền Nam đã thua trận. Sau đó, miền Nam đã sáp nhập vào miền Bắc trong một nước Việt Nam thống nhất. Hôm nay lá cờ biểu tượng đã biến mất ở miền Nam. Có còn chăng là còn một kỉ niệm, một ước nguyện về lí tưởng tự do mà ba mươi năm trước miền Nam đã giương cao trong cuộc chiến tranh quốc-cộng. Nhưng có một sự kiện không thể chối cãi là chưa bao giờ lá cờ vàng là biểu tượng chính nghĩa của cả nước. Trong cuộc vận động dân chủ hôm nay, ý nguyện và lí tưởng của những người quốc gia cần phải được tôn trọng và có chỗ đứng trong mặt trận dân chủ. Nhưng bảo rằng phải lấy cờ vàng làm biểu tượng cho chính nghĩa của cuộc đấu tranh dân chủ hôm nay trên cả nước Việt Nam trong tương lai thì đương nhiên là một sự áp đặt, và có thể sẽ là sự xúc phạm đến một nửa nước còn lại, và xúc phạm đến đại khối nhân dân trong cả nước và hải ngoại đấy.

Biểu tượng của nước Việt Nam thống nhất hôm nay là lá cờ đỏ sao vàng của miền Bắc trước kia. Đó là lí đương nhiên của người chiến thắng. Tuy vậy, biểu tượng đó nếu có đẹp đẽ trong quá khứ thì kể từ khi thống nhất nước nhà đến nay, biểu tượng đó đã không tránh khỏi nhem nhuốc. Đứng dưới lá cờ đỏ, đảng và nhà nước cộng sản đã phản bội nguyện vọng của toàn dân tộc qua chính sách cai trị hà khắc và tồi dở. Đảng cộng sản Việt Nam hôm nay chỉ là một tập đoàn độc tài chuyên chế, tồn tại được là nhờ lối cai trị dựa trên khủng bố (gieo sợ hãi) và trấn lột (tham nhũng hối lộ) nhân dân. Lẽ chính thống của nhà nước cộng sản hiện nay đang cần phải đặt lại. Sự biện minh cho lẽ tồn tại của thể chế chính trị hiện tại cũng đã được nhân dân và thế giới phán quyết từ lâu rồi, muộn lắm là từ khi bức tường Berlin sụp đổ. Lá cờ biểu tượng của cả nước hôm nay đang chờ ngày nhân dân cả nước ném vào sọt rác của lịch sử. Nói cách khác, lá cờ đỏ hôm nay cũng đang chịu thử thách chung với số phận của lá cờ vàng : nó đã là một biểu tượng khác của quá khứ, của kỉ niệm dù êm đẹp hay đau đớn, dù vinh quang hay khổ nạn.
Nhìn nhận cục diện chung của cuộc vận động dân chủ cho đất nước như thế, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm là cộng đồng dân tộc Việt Nam phải dứt khoát vượt thoát những vướng mắc trong tình trạng biệt phái, cục bộ và phân hoá. Màu cờ sắc áo trong quá khứ đã có đủ những vinh quang cũng như nhục nhằn của nó. Tất cả mọi người Việt Nam hôm nay đều đã sinh ra và lớn lên dưới những màu cờ sắc áo ấy. Một phần kỉ niệm của cộng đồng nằm trong đó. Một phần đời của mỗi chúng ta cũng nằm trong đó. Nhưng lịch sử đất nước từ năm 1945 đến nay đã cho thấy gì ? Hai màu cờ đã ra đời trong hoàn cảnh của cuộc đấu tranh gay gắt giữa các chủ thuyết và ý thức hệ phe phái suốt nửa sau thế kỉ XX. Những vinh quang và cay đắng của cả hai màu cờ đến nay đã rõ ràng, không còn tranh cãi. Hai màu cờ của thế kỉ XX cần phải được cất giữ trong bảo tàng lịch sử, của quá khứ. Đất nước đang cần một màu cờ mới cho tương lai.

Mặt trận dân chủ hôm nay không phân biệt đối xử với một màu cờ sắc áo nào của quá khứ, nhưng cũng không thể vướng bận mãi với những hệ luỵ của quá khứ. Hôm nay, đất nước chúng ta đang cần hướng về tương lai mới của chung một cộng đồng dân tộc. Những bộ phận khác nhau của cộng đồng cần nhận rõ con đường trước mặt để cùng nhìn ra chỗ đứng của mình trong đại khối dân tộc. Bước vào tương lai với một tâm thế không vướng mắc trong vòng vây hãm của quá khứ là một đòi hỏi cấp bách hiện nay. Từ những mất mát và đau buồn của quá khứ, chúng ta đang cần vươn tới tương lai trong sự thanh thản. Đó là nhãn quan lịch sử đúng đắn của mọi người Việt hôm nay. Ngọn cờ dân chủ hôm nay phải là ngọn cờ của tương lai. Vì đó là lẽ sống của dân tộc.

Phạm Đỉnh

(e-thongluan, Tháng 08/2005)

[*] Phụ lục : Biểu Tượng Của Một Lá Cờ (Bửu Sao)

**********************

Với Cuộc Chiến Dân Chủ Việt Nam

Dr. Bửu Sao

LGT : Bài viết có nhan đề "Vấn Đề Biểu Tượng Của Một Lá Cờ Qua Cuộc Đối Thoại Với Nhóm Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên" của Dr. Bửu Sao nêu lên vấn đề cờ vàng trong bối cảnh cuộc chiến vì tự do dân chủ cho quê nhà. Tựa đề đặt gọn lại bởi tòa soạn. Toàn văn như sau.

laco2

Cộng đồng người Việt tại Mỹ diễn hành dưới rừng cờ vàng trong những dịp lễ lớn của người Việt

Sau bao năm tranh đấu, cao trào giành quyền tối thượng cho lá cờ quốc gia Việt Nam tại xứ Mỹ nay đã đạt được một thành quả khả trọng : trên 3 quận, 10 Tiểu Bang, ngót 75 thành phố đã chính thức công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng độc nhất đối với người Việt tại những nơi mình cư trú trên đất Mỹ. Hầu hết mọi người xem đấy là một chiến thắng vẻ vang. Song cũng có một vài thành phần không chấp nhận sự kiện này. Chuyện đồng tâm dị kiến ở đây một phần lớn là do hệ quả của những diễn biến quan trọng trong tâm thức con người, trước kia vốn là tỵ nạn cộng sản, nay là những công dân Mỹ, Pháp, Anh, Đức. Hình như một số không ít những người này bây giờ nhìn lại quê hương mình với cặp mắt người nước ngoài. Do đó, vấn đề biểu tượng của lá cờ Quốc Gia Việt Nam tại hải ngoại cần được đặt lại một cách chính xác và rành rẽ. Bài viết này không ngoài mục đích nhắc lại những lý do chính đáng khiến mọi người phải chấp nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng của một chính nghĩa mà 30 năm trước đây hàng triệu người đã hy sinh mạng sống mình để bảo vệ…

Nhằm đạt tới mục đích này, mỗi người trong chúng ta nên tự hỏi : trong khoảng 20 năm trước đây, từ 1975 đến 1995, tôi đã xuất ngoại vì sao bằng cách nào để làm gì ? Cho những năm ấy, mỗi một người, mỗi một gia đình, mỗi một tổ chức hội đoàn người Việt hải ngoại đều chỉ có một lời giải đáp : chúng ta xuất ngoại vì không thể sống dưới chế độ cộng sản, chúng ta xuất ngoại bằng cách liều mình vượt biên, chúng ta xuất ngoại hòng tìm một lối sống thích hợp với bản tính con người trong một xã hội công dân thật sự với đầy đủ tự do, dân chủ. Qua 30 năm hội nhập, hầu hết đã được an phận với những điều mình mong ước. Thế rồi thời gian trôi qua, những giây phút kinh hoàng thập tử nhất sinh trong thảm cảnh vượt biên trước đây từ từ lùi vào dĩ vãng.

Tại các nơi hội tụ hàn huyên, câu hỏi đầu môi là : - anh đã thi vào quốc tịch chưa - hôm nào anh chị về Sài Gòn ? - anh chị đã tậu được đất mua nhà bên ấy chưa - Nay số đông đã nhập quốc tịch Mỹ, hãnh diện về làng trương passport ra khoe rằng ta đây là dân Mỹ, bây giờ ta có thể chơi một ván bài trên hai bàn cờ ! Sung sướng thay ! - Mà thật ! Khởi bước từ một chế độ tù đày, hành khất, lạc hậu, người Việt tỵ nạn nay là công dân Mỹ, Pháp, Đức... mỗi cá nhân là chủ nhân ông của chính mình, lại còn nắm được trong tay tiền tài thế lực để có thừa khả năng hợp lực đạp đổ cái chế độ Mafia hiện nay, đưa quê hương mình ít nữa vào vị thế Lý Trần của cha ông thời trước. Nhưng khả năng và tiền tài lại được đem dùng vào việc gì ? Trên ba tỷ Mỹ kim mỗi năm gởi về để giúp chế độ ấy tồn tại, để góp vốn với phường quyền thế làm ăn, chia chác. Cũng nên nói đến trường hợp những người đang nắm trong tay tiền của, danh vọng, bổng chốc nhận thấy mình đánh mất hẵn niềm tin, lẽ sống, để rồi từ từ rơi vào vực thẳm của hội chứng nhị hóa ngã vị (dédoublement de personnalité), một căn bệnh trầm kha có mòi đưa đến cửa tử nếu không gặp cơ may giải quyết thỏa đáng.

Vào năm 1997 tôi có dịp cùng Tập san Thế Kỷ 21 tham gia phổ biến một tờ vấn lục do viện Đại Học UMAS Boston biên soạn dưới đề tài : "Vấn đề phiền não trong tâm tư người Việt tỵ nạn". Các câu hỏi trong tờ vấn lục này tựu trung giúp người Việt tỵ nạn tự vấn nhằm tìm được lời giải đáp cho cơ sự, nhằm tái lập thế quân bình nội tại, tìm lại được một mục đích cho cuộc sống. Mất hết lẽ sống mà không bám víu vào đâu được có thể đưa đến chỗ tự sát. Cũng vậy, một cộng đồng mà không còn chính nghĩa thì chầy kíp sẽ đi đến chỗ bế tắt, giải thể. Bài này sẽ không đề cập đến những trường hợp cá nhân mà chỉ nêu lên vấn đề niềm tin về chính nghĩa của cộng đồng người Việt hải ngoại mà thôị.

Trước kia, hầu hết các tổ chức cộng đoàn người Việt hải ngoại đều nhất loạt hô hào một chính nghĩa, đấy là chính nghĩa quốc gia. Nhưng dần dà vì càng có nhiều hội đoàn, nhiều tổ chức, lại càng có nhiều loại chủ trương, cương lĩnh khác nhau, khiến không mấy người còn đủ tư cách đứng lên quy tụ một khối cộng đồng thuần nhất nhằm tạo được sự đồng thuận về một chính nghĩa, một đường lối vận động chính trị ăn khớp.

Vấn đề mấu chốt đang gây chia rẽ là vấn đề ranh giới Quốc - Cộng. Ai là người quốc gia ? Ai là người cộng sản ? Việc xóa bỏ ranh giới quốc cộng đương nhiên là đạt điểm của mọi cuộc đấu tranh chính trị...

Song trước tiên còn phải đạt đến sự đồng thuận về một nhận định cốt lõi. Thử hỏi, về phía người Việt nước ngoài, ai còn tự xưng mình là người tỵ nạn cộng sản nữa không ? Về phía người Việt trong nước, còn có ai tin vào chủ thuyết cộng sản nữa không ? Thêm chế độ cộng sản Việt Nam nay đã hóa thân là một đám côn đồ Mafia đang ăn chịu với giới tư bản quốc tế để tiếp tục bòn rút nguồn tài nguyên của xứ sở. Vậy đâu là nhận định cốt lõi để mọi người Việt từ trong đến ngoài nước chấp nhận một biểu tượng duy nhất ?

Vào một chuyến sang Paris trước đây, chúng tôi, Bửu Sao và Ngọc Lan có dịp tiếp xúc với nhóm Thông Luận (Nguyễn Gia Kiểng), cũng còn gọi là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tại trụ sở của họ để trao đổi về vấn đề lá cờ Quốc Gia. Sau đây tôi xin tóm lược :

Nguyễn Gia Kiểng - Xin anh Bửu Sao cho chúng tôi biết dự tính hoạt động của anh trước mọi diễn biến của thời cuộc liên hệ đến Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Bửu Sao - Từ trước tới nay tôi vốn đứng ngoài mọi tổ chức chính trị, chỉ dùng ngòi bút nhận định các vấn đề mấu chốt về thời cuộc Việt Nam nhằm đóng góp một vài ý kiến cùng các Hội Đoàn người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản, không ngoài mục đích giải thể chế độ, quang phục quê hương.

Nguyễn Gia Kiểng - Vậy theo anh, đâu là vấn đề mấu chốt thời cuộc Việt Nam ?

Bửu Sao - Vấn đề mấu chốt xưa nay vốn là vấn đề ranh giới Quốc - Cộng. Ai là người quốc gia ? Ai là người cộng sản ? Rồi bây giờ lại đặt vấn đề làm thế nào xóa bỏ được ranh giới quốc - cộng để mọi người Việt từ trong đến ngoài nước có thể cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ đúng theo định nghĩa của nó. Cố nhiên, việc xóa bỏ ranh giới quốc - cộng phải được đặt trên sự đồng thuận về một số nhận định căn bản. Nhân đây xin quý anh cho biết những nhận định căn bản theo chủ thuyết của nhóm Tập Hợp là những gì ?

Nguyễn Gia Kiểng - Theo chúng tôi, thời đại các chủ nghĩa và ý thức hệ đã chấm dứt. Nay sự đồng thuận căn bản là tranh đấu cho một thể chế chính trị là dân chủ đa nguyên, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bằng những phương thức bất bạo động, trong một Quốc gia được định nghĩa là một không gian liên đới và một dự án tương lai chung.

Bửu Sao - Thể chế dân chủ đa nguyên vốn là chủ đích của mọi cuộc vận động chính trị... Song nhìn vào thực tế Việt Nam hiện nay tôi nhận thấy thời đại chủ nghĩa và ý thức hệ chưa thật sự chấm dứt, bằng chứng là chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại, ít nữa là trên danh xưng, với tất cả mọi phương tiện cực kỳ man rợ của chúng, rốt cuộc một dự án tương lai chung cho Quốc Gia Việt Nam còn xa vời lắm.

Nguyễn Gia Kiểng - Trước tiên nên định nghĩa lại ý niệm quốc gia. Nhiều người chỉ biết đến ý niệm quốc gia như là một thực thể chung cho mọi người dân. Thật ra, dân chủ là yếu tố của nền tảng quốc gia và dân tộc, người Việt Nam nói chung chưa bao giờ xây dựng được một quốc gia đúng nghĩa và chưa xây dựng xong thì ý niệm quốc gia đã bị xét lại và vượt qua trên khắp thế giới.

Bửu Sao - Quả thật, sau 80 năm đô hộ Pháp và tiếp theo 60 năm đô hộ bản địa của đảng cộng sản Việt Nam, ý thức chính trị của người dân Việt Nam trung bình vẫn còn thuộc về thời đại trước cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789). Nay mọi quốc gia tân tiến đã phải chuyển nhượng một phần lớn quyền hạn cơ bản của mình vào khoảng không gian liên đới chính trị-kinh tế toàn cầu ; thế mà họ vẫn còn biết dựa được vào thế thượng phong của tự do tư bản để tiêu diệt những tồn tại của chủ nghĩa Mác-Lê. Người trí thức Việt Nam hải ngoại đang nắm được trong tay mình thế thượng phong này để có thể tự hào là người quốc gia trong một ý niệm mới. Nhưng họ đã làm được gì cho quê hương ? Chưa làm được gì hết ! Trong khi đó một số người Việt hải ngoại chuyển về Việt Nam hàng tỷ bạc mỗi năm để nuôi dưỡng một chế độ mà trước đây họ bỏ trốn ! Nói đến thế hệ thứ ba con em chúng ta ở hải ngoại, thế hệ này không dính một mãy may nào vào những kỷ niệm đau buồn thuộc dĩ vãng. Do đó, chúng có khuynh hướng cởi mở hơn. Tôi cho sự hỗ trợ thân nhân trong nước là mức khoan nhượng tối đa vì lòng nhân đạo mà người Việt hải ngoại còn có thể chấp nhận.

Nguyễn Gia Kiểng - Song thưa anh chị, những kỷ niệm đau buồn ấy không thể xóa bỏ được. Quá khứ vẫn còn hiện diện mạnh lắm. Thí dụ như vấn đề lá cờ, ở cả hai phía vẫn còn những người khư khư đòi lá cờ phe mình phải được coi là quốc kỳ không thể thay đổi. Chúng tôi không chọn một lá cờ nào làm biểu tượng cho cuộc vận động dân chủ cả, và vẫn thường bị chỉ trích. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc mọi người từ trong đến ngoài nước, dù thuộc phe nào trước đây, nên quên quá khứ đi để hoàn toàn hướng về tương lai.

Ngọc Lan - Thế các anh bảo hạ lá cờ Quốc Gia Việt Nam xuống sao ? Như vậy các anh định thay thế bằng lá cờ nào ?

Nguyễn Gia Kiểng - Thưa chị, lá cờ quốc gia cũng như lá cờ cộng sản được thành hình trong một dĩ vãng đau buồn, tủi nhục, chia rẽ, tương tàn. Cả hai thuộc về một quá khứ nên quên đi !

Ngọc Lan - Tôi xin đặt lại câu hỏi : nếu hạ lá cờ Quốc Gia Việt Nam xuống thì sẽ thay thế bằng lá cờ nào đây ?

Bửu Sao - Hay nói một cách khác, các buổi họp chính trị do quý anh tổ chức được thực hiện dưới biểu tượng nào ?

Nguyễn Gia Kiểng - Thưa anh chị, chúng tôi không treo cờ trong các buổi họp. Trong lĩnh vực chính trị, vấn đề lá cờ không phải là một vấn đề then chốt. Các cộng đồng người Việt tại các Tiểu Bang Hoa Kỳ đang tranh đấu để cờ quốc gia được công nhận là biểu tượng của cộng đồng. Đó là quyền của họ, nếu chúng tôi được mời tham dự các buổi họp do họ tổ chức thì chúng tôi cũng sẽ chào cờ, đó là để tôn trọng lập trường của họ. Nhưng thành thực mà nói, chúng tôi lo ngại hậu quả chia rẽ người Việt hải ngoại. Thử tưởng tượng trường hợp người Việt tại Mỹ lấy cờ vàng ba sọc đỏ làm biểu tượng, trong khi người Việt tại Nga lại lấy cờ đỏ sao vàng làm biểu tượng thì sẽ như thế nào ?. Cuộc vận động dân chủ sẽ khó khăn hơn vì khó đoàn kết được mọi người trong khi chúng tôi có hy vọng đoàn kết tất cả, vì, theo chúng tôi, mọi người Việt Nam đều muốn chấm dứt chế độ độc tài này và thay thế nó bằng một chế độ dân chủ đa nguyên. Thật đáng tiếc nếu chỉ vì vấn đề lá cờ mà chúng ta không đoàn kết được.

Bửu Sao - Thưa anh, lá cờ không phải là một tấm vải để trang hoàng các trẩy hội. Nó nói lên một ý niệm chính trị, một biểu tượng của chính nghĩa làm rường cột cho một sự đồng thuận căn bản. Vậy các buổi họp do Tập Hợp của các anh tổ chức được đặt dưới biểu tượng nào ? Các anh có bắt đầu các buổi họp chính trị bằng nghi thức thượng kỳ không ?

Nguyễn Gia Kiểng - Các buổi họp chính trị của chúng tôi không bắt đầu bằng lễ chào cờ. Chúng tôi chủ trương hòa giải dân tộc, mà lá cờ là một trở ngại lớn trong việc nàỵ Chúng tôi có cả những người đến từ hàng ngũ cộng sản. Chẳng lẽ chúng tôi buộc họ phải chào cờ quốc gia sao ?

Bửu Sao - Đấy quả là một cục xương khó gặm, un os ; hơn thế, chúng tôi xem đó là một xúc phạm đối với mọi tổ chức chính trị quốc gia tại hải ngoại. Các anh đang đặt ý thức chính trị của mình ra ngoài mọi ý niệm lịch sử, đấy là một sơ hở lớn. Lịch sử Việt Nam vào các năm 45-46 đã cung ứng những bài học bằng xương máu vì sự lầm lỡ này để rốt cuộc bị một nhóm côn đồ chính trị cướp công rồi ngự trị trên đầu trên cổ cả một dân tộc mãi cho đến bây giờ. Nói đến trường hợp một quốc gia bình thường như nước Pháp thì tôi hoàn toàn đồng ý với các anh : đã gọi là dân chủ tức là đa nguyên, nghĩa là phải chấp nhận mọi khuynh hướng chính trị. Sở dĩ các quốc gia Tây Phương có thể chấp nhận sự hiện diện của đảng cộng sản trong hàng ngũ của họ một cách an toàn là vì các đảng cộng sản Âu châu đã công khai phế chỉ chủ trương đấu tranh giai cấp, vô sản chuyên chính công an trị... Song tại Việt Nam, đảng cộng sản là tất cả, rồi nay lại hiện thân là một khối tư bản đỏ với tất cả guồng máy chuyên chính, công an trị, áp bức, vô cùng tệ hại của chế độ Mác-Lênin nay đã bị quẳng vào sọt rác lịch sử. Chấp nhận hòa hợp hòa giải với chúng tức là rơi vào vết xe cũ của các năm 45-46. Liệu các anh dám chấp nhận sự hiện diện của một nhóm người đang nắm trong tay trọn quyền công an chế trong tập hợp dân chủ đa nguyên sao ?

Nguyễn Gia Kiểng - Làm gì có đảng cộng sản trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ! Họ là một đảng, chúng tôi là một tổ chức chính trị khác. Mỗi bên là một tổ chức có đội ngũ riêng, theo đuổi những đường lối không những khác nhau mà còn đối nghịch nhau. Chúng tôi chỉ có những thành viên gia nhập với tư cách cá nhân và khi gia nhập đã khẳng định chấp nhận lý tưởng dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp theo đuổi. Chúng tôi dám tự hào là một tổ chức tại hải ngoại đã thiết lập được những mối liên hệ mật thiết với nhiều anh em dân chủ trong nước, kể cả một số anh em do hoàn cảnh còn ở trong chính quyền, đôi khi với chức vụ cao, nhằm thực hiện một cuộc chuyển hóa hòa bình về dân chủ.

Ngọc Lan - Bên Cali có người cho tôi biết một cặp vợ chồng là nhân vật chủ chốt thuộc nhóm các anh về Việt Nam đã được cơ quan công quyền nồng hậu tiếp đón. Chuyện này có đúng không ?

Nguyễn Gia Kiểng - Chúng tôi mong anh chị không tin vào những lời đồn đãi như thế. Ngược lại, cuộc sống của nhiều anh em chúng tôi trong nước hiện rất khó khăn. Tập Hợp bị chính quyền coi như là đối tượng để đánh phá.

Bửu Sao - Những người cựu cộng sản trong Tập Hợp Dân Chủ, như trường hợp ông Bùi Tín, vốn là những người bị thất sủng, có người nay đang bị bắt bớ, tù tội, đấy là cơ sở móc nối của các anh. Với các bài học lịch sử, tôi tin chắc rằng những người này vẫn còn giữ cốt cách và mưu lược của người cộng sản, có người vẫn còn tôn thờ Hồ Chí Minh. Liệu những người này khi chế độ độc tài đảng trị này tiêu vong, được các anh mời tham chính, họ lại sẽ quay lại dùng những thủ đoạn man trá, xảo quyệt của họ Hồ vào các năm 45, 46, dùng lại lớp công an chìm nổi để tác oai tác quái như hiện đang xảy ra bên nước Nga thì sao. Theo chỗ tôi biết, nhiều nhân vật trong chính quyền Mafia Việt Nam đang gởi con em ra nước ngoài, chuyển ngân, lập cơ sở kinh tài tại các quốc gia tự do không ngoài mục đích tạo thế thượng phong cho cá nhân và bè lũ khi lá cờ chính trị đến tay.

Nguyễn Gia Kiểng - Việc cán bộ gởi con em ra nước ngoài thiết lập hậu cần của cuộc tranh đấu chính trị trong tương lai không thể xảy ra được. Cùng lắm họ chạy tiền ra nước ngoài phòng hờ một thay đổi chính trị mà thôi, bởi vì họ không tin chế độ này có thể tồn tại lâu dài.

Bửu Sao - Thế các anh tưởng cán bộ cao cấp gởi con em ra nước ngoài chỉ để cặm cụi ăn học mà thôi sao ? Hạ tầng cơ sở kiều vận của chúng các anh để đâu ? Trong các đại học Mỹ chúng đầy nhan nhản cả ra, bao nhiêu chuyện xung khắc về lá cờ quốc gia tại các cơ sở giáo dục Hoa Kỳ cũng từ đấy mà xảy ra cả ! Cuộc vận động chính trị của xã hội đỏ Việt nam đã khơi mào tại Mỹ từ lâu rồi, thưa các anh. Nhưng cũng may là dù sao chúng đã được dịp nhận chân thế nào là tự do, là dân chủ. Nhân đây tôi xin hỏi : những điều kiện nào phải có để thiết lập dân chủ, tự do tại Việt Nam ? xin các anh cho biết ?

Nguyễn Gia Kiểng - Đó là tự do ngôn luận, tự do thành lập và gia nhập các chính đảng, tự do ứng cử và bầu cử.

Bửu Sao - Thời gian chuyển tiếp là bao lâu và trong thời gian này Quốc Gia Việt Nam sẽ được biểu tượng dưới lá cờ mầu sắc như thế nào ?

Nguyễn Gia Kiểng - Thời gian chuyển tiếp có thể là một năm, điều nhức nhối cho một số đông là lá cờ đỏ sao vàng sẽ có thể vẫn còn được xem là quốc kỳ trong thời gian nàỵ

Bửu Sao - Đấy, các anh xem, giới cầm quyền Hà Nội sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ về lá cờ, ngoại trừ xảy ra một biến cố chính trị lớn như đã xảy ra tại Moskva vào những năm 89-90. Đấy là chưa nói đến sự can dự của những lực lượng kinh tài thuộc các xã hội đỏ, xanh, đang chờ chực một biến cố tại Việt Nam để nhảy vào thừa nước đục thả câu như hiện đang xảy ra tại nước Nga : các anh có nghĩ đến khả năng này không ?

Nguyễn Gia Kiểng - Xin anh chớ nên quá bi quan như thế. Theo chúng tôi, lực lượng công an tương lai sẽ là công cụ của một chính quyền dân cử. Khi mà chính quyền dân cử đã được bầu rồi, đã nắm trong tay mọi quyền bính, thì mọi cơ cấu của nhà nước sau này sẽ thuộc về chính quyền dân cử. Còn về lá cờ cho đất nước sau này, khi đã có dân chủ, chúng tôi sẽ tranh đấu để lá cờ đó không phải là một trong hai lá cờ đã từng xung đột trong quá khứ. Chúng ta cần một lá cờ hoàn toàn mới, tượng trưng cho hòa bình và đại đoàn kết dân tộc. Điều này thuộc thẩm quyền của một Quốc Hội sẽ được bầu ra một cách dân chủ. Nhưng, tôi chấp nhận, chúng ta đã đi quá xa trong giả thuyết đấy ! Đảng cộng sản không dễ gì nhượng bộ đâu ! Muốn họ chấp nhận một tiến trình dân chủ hóa cũng phải có một kết hợp dân chủ có tầm vóc, mà chúng ta chưa có. Chúng ta thiếu văn hóa tổ chức, thiếu cách suy nghĩ và hành động. Những người chống chế độ độc tài rất đông, nhưng là một đám đông cô đơn. Chế độ cộng sản vẫn còn tồn tại không phải vì nó mạnh, mà vì lực lượng dân chủ quá yếu.

Bửu Sao - Xét dưới góc độ văn hóa thì tôi đồng ý : qua hơn một thế kỷ bị trị, trở ngại lớn nhất cho cuộc vận động dân chủ là tâm lý và văn hóa của người Việt trung bình hiện đang còn trong thời kỳ ấu trĩ. Song chúng ta nên đặt vấn đề vận động dân chủ dưới nhãn quan của lịch sử chính trị quốc tế, hòng tránh khỏi bị rơi vào vết xe đổ. Là một chuyên viên trong ngành nghiên cứu lịch sử, tôi thường so sánh những cuộc cách mạng đẫm máu qua lịch sử thế giới với cuộc bạo động cưỡng chiếm của cộng sản vào các năm 1945-1946 tại Việt Nam. Một cách tóm lược, cuộc cách mạng tư sản 1789 tại Pháp là do cuộc diễn biến văn hóa của thế kỷ XVIII được mệnh danh là Thế Kỷ Ánh Sáng (siècle des Lumières) tác thành qua phong trào phóng khoáng tự do tư tưởng với nhóm Voltaire, Montesquieu, Rousseau v.v. Vào thời đó trình độ văn hóa của người bàng dân nước Pháp không cao hơn trình độ văn hóa của người Việt mình bây giờ đâu.

Nhưng nay, bước sang thế kỷ 21, nhìn đến mấy nghìn người Việt hải ngoại thuộc giới trí thức có tầm vóc quốc tế : đấy là những nhân vật đang tác thành Thế Kỷ Ánh Sáng của nước Việt. Người bàng dân của mình còn thiếu ý thức chính trị và văn hóa không phải là một trở ngại lớn cho công cuộc vận động chính trị, cái trở ngại lớn chính là sự lựa chọn chính sách kết hợp các thành phần quốc gia tại hải ngoại không phù hợp với thực tế chính trị tại quê nhà.

Các anh bảo rằng khi một chính quyền dân chủ được bầu rồi thì cơ cấu công an của nhà nước cộng sản hiện nay sẽ thuộc về chính quyền dân chủ, đấy là một giấc mơ chính trị, rồi khi bừng mắt dậy sẽ thấy mình chiêm bao ! Đấy vốn là một trong những lý do khiến chủ trương của các anh không được mọi người hưởng ứng. Nếu được thành hình trong tương lai, chính quyền tập hợp dân chủ đa nguyên của các anh sẽ có những người như ông Bùi Tín để cho rằng Hồ Chí Minh không cố tình gây tội ác trong các vụ thủ tiêu hàng trăm hàng ngàn người quốc gia vào các năm 1945-46, trong các vụ đấu tố và tiêu diệt hàng trăm nghìn địa chủ vào các năm 1955-56, ông Bùi Tín không nghĩ rằng ông Hồ Chí Minh cố tình gây tội ác... đấy chỉ là ngộ sát vì lầm tưởng, nên phân biệt với cố sát !

Tôi trích dẫn lời ông Bùi Tín tuyên bố ngày 22 tháng 5, năm 2005 vừa qua trong buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Praha. Và rồi đây, cũng như ông Bùi Tín, những cựu đảng viên cộng sản của các anh sẽ đứng lên hô hào : Xin đừng sợ hãi nền Dân Chủ ! Thưa các ông đồng chí cán bộ, chúng tôi ở ngoài này sợ loại dân chủ của các ông lắm : cho rằng việc sát hại hàng trăm ngàn người vào các năm cải cách điền địa 1955-1956 là ngộ sát, nếu đấy sẽ là lý đoán tư pháp của ông tòa Thượng Thẩm Tòa Án Nhân Dân Việt Nam sau này thì đáng sợ thật !

Những kỷ niệm đau buồn của dĩ vãng không thể xóa bỏ được, nhưng lại phải quên đi : đấy là lối biện chứng bằng phản chứng theo hệ luận mác-xít, một hệ luận đã đưa chủ thuyết cộng sản đến tiêu vong. Đối với chúng tôi là người quốc gia, con đường giải cứu quê hương Việt Nam được khởi bước từ nghĩa vụ ký ức, devoir de mémoire. Người Việt cần luôn luôn ghi nhớ những giây phút kinh hoàng trên biển cả, hàng trăm nghìn nhân mạng đã làm mồi cho cá, hàng trăm nghìn người đã chịu trận hay bị bức tử trong các trại giam, rồi còn vụ thảm sát trên bốn ngàn người tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân cũng chớ quên, còn các trại tập trung cải tạo, còn hàng triệu gia đình bị cưỡng bức di tản lên các vùng ma thiêng nước độc, còn cư dân miền xuôi phải chịu sự chi phối của chính sách hộ khẩu, chính sách bao vây kinh tế, rồi còn... kể sao cho hết ! Đấy là những điều cần phải ghi nhớ và lưu truyền qua các thế hệ trẻ kế tiếp hầu tránh được những tái diễn về sau.

Rồi cũng nên nhớ kỹ rằng không một ngụy biện nào có thể bào chữa cho những tội ác trong dĩ vãng. Một chính sách hòa giải hòa hợp trung thực phải được xây dựng trên sự chấp nhận lỗi lầm và sám hối. Tổ quốc không có gì mà phải ăn năn. Chính Đảng cộng sản phải ăn năn sám hối trước quốc dân và lịch sử : đấy không phải là cố chấp, đấy chỉ là điều kiện tất yếu để tạo sự đồng thuận giữa mọi người Việt trước khi nói đến chuyện thiết lập một nền dân chủ đa nguyên.

Bửu Sao Ngọc Lan

Nguồn : http://www.vietbao.com/main.asp ?nid=89277&catgid=6

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Đỉnh
Read 956 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)