Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/10/2017

Muốn phát triển, phải thay thế độc tài bằng dân chủ

Mai V. Pham

Báo Nhân Dân ngày 30/8/2017 có bài : "Kiểm tra công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở", tường thuật Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ về công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2017. Ngạc nhiên đến độ bàng hoàng : Chế độ độc tài toàn trị mà cũng có công tác xây dựng và thực hiện dân chủ sao ?

ttm1

Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận trung ương (giữa) làm việc tại An Giang. Ảnh báo Nhân Dân, 30/08/2017

Dân chủ ở cơ sở là gì ?

Trương Thị Mai phát biểu :

"…đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh khu vực Tây Nam bộ trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Từ thực tiễn, những cách làm hay, mô hình sáng tạo, những thành quả cụ thể trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần chuyển biến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội các tỉnh cũng như đời sống nhân dân. Trong đó, ba vấn đề mấu chốt đã đạt hiệu quả là phát huy dân chủ gắn với phát triển kinh tế, xã hội, dân trí ngày càng được mở rộng".

Đọc đi đọc lại, nhưng vẫn không thể nào hiểu được "quy chế dân chủ cơ sở" mà họ đề cập là cái quái gì. Rõ ràng, bản thân Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai và đồng đảng bỏ thời gian và công sức vào "quy chế dân chủ cơ sở", nhưng lại chẳng hiểu thế nào là dân chủ. Chưa hết, đội ngũ "quy chế dân chủ cơ sở" này còn lãng phí tiền thuế của dân, để tổ chức "thanh tra" và họp báo.

Một nhóm đảng viên cùng nhau "lên đồng" bàn về dân chủ, vốn bị cấm ngặt trong chế độ cộng sản, mà không biết xấu hổ, ngượng ngùng.

Ủy viên Bộ Chính trị Trương Thị Mai phát biểu : "…phát huy dân chủ gắn với phát triển kinh tế, xã hội, dân trí ngày càng được mở rộng". Đúng vậy. Kinh nghiệm của các đất nước thịnh vượng và văn minh đã chứng minh : Dân chủ và phát triển kinh tế, xã hội đi đôi với nhau. Dân chủ là nền tảng của tự do và phát triển. Ngược lại, các chế độ độc tài cộng sản cản trở sự phát triển bằng tham nhũng, bất công, lạm quyền, ngu dân và vũ lực. Người dân đóng góp sáng kiến cho sự phát triển chung của đất nước sẽ bị ngăn cản nếu những góp ý đó đụng chạm đến lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam.

Chế độ độc tài toàn trị thì làm gì có dân chủ mà "thực hiện" "thực hành" hay "thanh tra" : "Theo đánh giá của đoàn công tác năm 2017, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đạt kết quả khá toàn diện, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân".

Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam thực lòng muốn dân chủ hóa đất nước, thì việc đầu tiên phải làm là bãi bỏ điều 4 Hiến Pháp, xóa sổ sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản tại Việt Nam và thực lòng chấp nhận các lực lượng dân chủ đối lập. Nếu xóa bỏ được điều 4 Hiến pháp thì hãy nói chuyện "thực hiện quy chế dân chủ". Còn độc đảng thì dù có sửa nát "các chính sách" cũng không thể có được dân Chủ. Chế độ cộng sản ở bất cứ nơi đâu cũng làm cho đất nước lụn bại và dân tộc khổ đau. Tóm lại, còn độc đảng mà đòi "thực hiện qui chế dân chủ" là láo toét và bịp bợm.

Dân chủ (Democracy) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp ; trong đó từ gốc "demos", có nghĩa là nhân dân. Trong một chế độ dân chủ, nhân dân chính là những người nắm giữ quyền lực tối cao của cơ quan lập pháp và hành pháp. Nhưng tại Việt Nam, tất cả mọi quyền lực chỉ thuộc về đảng cộng sản và đảng viên của nó. Nói ngắn gọn, khi người dân Việt Nam vẫn còn bị đảng cộng sản loại trừ ra khỏi tất cả các hoạt động xã hội và chính trị thì không thể thực hiện được "qui chế dân chủ". Khi Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn bất chấp mọi thủ đoạn để duy trì quyền lực chính trị bằng đàn áp vũ lực, thì điêu tàn và khánh kiệt là hệ quả tất yếu.

Những đặc tính của dân chủ

Đảng viên cộng sản buộc phải học tập "tư tưởng Mác Lê" và "đạo đức Hồ Chí Minh" nên chẳng hiểu thế nào là dân chủ. Những nguyên tắc cơ bản để phân biệt được dân chủ và xã hội chủ nghĩa bao gồm :

1. Dân chủ là chính phủ cho dân và vì dân : quyền lực và trách nhiệm công dân được thực thi bởi tất cả các công dân, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người đại diện đã được họ bầu chọn.

2. Dân chủ bao gồm các nguyên tắc và thông lệ bảo vệ các quyền tự do của con người.

3. Dân chủ dựa trên nguyên tắc của luật đại đa số, cùng với việc tôn trọng các quyền của cá nhân và dân tộc thiểu số. Nên biết, tất cả các nền dân chủ thực sự, vẫn luôn nhiệt thành bảo vệ các quyền cơ bản của cá nhân và các nhóm thiểu số, trong khi vẫn tôn trọng nguyện vọng của đa số.

4. Dân chủ chống lại sự tập trung quyền lực của chính quyền trung ương, đồng thời phân quyền và tản quyền đến các chính quyền địa phương, với nhận thức rằng chính quyền địa phương phải thể hiện và đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân địa phương.

5. Dân chủ phải tâm niệm rằng một trong những chức năng chính của chính phủ là bảo vệ quyền con người bao gồm : quyền tự do ngôn luận và tôn giáo ; quyền bình đẳng trước pháp luật ; và cơ hội để tổ chức và tham gia đầy đủ vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

6. Các nước có nền dân chủ thực sự sẽ tiến hành thường xuyên các cuộc bầu cử tự do và công bằng, mở cửa chào đón sự tham gia chính trị của tất cả công dân. Các cuộc bầu cử trong một nền dân chủ không thể có mặt ngoài là những tên độc tài hay độc đảng, nhưng là các cuộc cạnh tranh công bằng thực sự vì lợi ích của nhân dân.

7. Công dân trong một nền dân chủ không chỉ có quyền, nhưng họ còn có trách nhiệm tham gia vào hệ thống chính trị để bảo vệ quyền và tự do của chính họ.

Đảng Cộng sản Việt Nam hãy xem những nguyên tắc cơ bản của dân chủ có bao giờ được áp dụng và thực thi ở Việt Nam chưa ? Chắc chắn là chưa bao giờ được áp dụng. Hệ quả của sự thiếu vắng dân chủ tại Việt Nam đã rất tang thương cho cả dân tộc : một đất nước buồn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, các giá trị đạo đức suy đồi và xuống cấp, bạo lực hoành hành trong xã hội, môi trường bị tàn phá, tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễmthurn tiêu cuộc sống, nghèo khổ ngự trị ở khắp mọi nơi... Rõ ràng, Việt Nam đã không còn an toàn cho bất kì một ai, giàu hay nghèo, dân hay quan. Tất cả chỉ vì đất nước đã và đang bị cai trị bởi đảng cộng sản.

Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đang cáo chung

Chính quyền cộng sản đã nuôi dưỡng và dung thứ cho tham nhũng lộng hành, tạo điều kiện cho cán bộ lạm quyền và hà hiếp dân, để đất nước rơi dần vào tay Trung Quốc qua những dự án đầu tư mờ ám, cản trở và bịt miệng những tiếng nói báo động về thực trạng của đất nước.

Đã đến lúc buộc lương tâm của mọi người Việt Nam phải lên tiếng : đảng cộng sản không phải là giải pháp đưa đất nước đi lên ; đảng cộng sản đang tạo điều kiện cho người Trung Quốc khống chế Việt Nam.

Trong cuộc chạy đua về phồn vinh và hạnh phúc, Đảng Cộng sản Việt Nam là người thua cuộc (looser), thất bại trong mọi lãnh vực, từ xã hội đến đạo đức. Những hào nhoáng về phồn vinh trong các đô thị : những cơ sở nguy nga đồ sộ đều do người nước quản trị và điều hành. Những ai muốn có cuộc sống khá hơn đều phải qua sự sàn lọc và làm tiền của chế độ để được xuất khẩu sang nước ngoài lao động, một hình thức lao nô hiện đại. Tất cả những nỗi khổ nhục này chỉ có một tên : không có dân chủ.

Đúng. Dân chủ tuy không mang lại phồn vinh và hạnh phúc, nhưng nó là điều kiện để kiến tạo phồn vinh và mang lại hạnh phúc. Dân chủ gắn liền với tự do. Nếu các quyền tự do cơ bản của con người được tôn trọng, dân tộc Việt Nam mới phát huy được những tiềm năng và sáng kiến từ lâu bị cấm đoán.

Nhưng hỡi ơi, trong khi 3/4 các dân tộc trên thế giới đã và đang sống với dân chủ, dân tộc Việt Nam thì ngược lại : vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách khi yêu sách dân chủ. Chính quyền cộng sản biết rõ điều này, do đó đã phát minh ra nhiều danh xưng ngộ nghỉnh như : tập trung dân chủ trong đảng, quy chế dân chủ cơ sở… để đánh lừ dư luận. Vì nếu buộc phải nhượng bộ để dân chủ hóa Việt Nam, đảng cộng sản sẽ mất quyền lãnh đạo độc tôn đất nước. Độc tài và dân chủ là một cuộc đấu tranh trường kỳ mà chúng ta buộc phải đương đầu. Nếu mọi người Việt Nam buông tay, đầu hàng số phận thì… vĩnh biệt phồn vinh và hạnh phúc. Chúng ta không chấp nhận số phận đó.

Bản chất của người Việt vốn cần cù và chịu khó. Sự thành công của nhiều người Việt tại hải ngoại là một minh chứng hùng hồn về khả năng cấu tạo phồn vinh và hạnh phúc trong các môi trường tự do và dân chủ. Nhưng đau xót thay, đó là những ví dụ ở… ngoài nước. Người Việt ở trong nước chưa có may mắn đó và đang tranh đấu một cách rất khó khăn để có và tương quan lực lượng đã rất không cân bằng. Đất nước vẫn đang còn bị tập đoàn đảng cộng sản và lợi ích nhóm cai trị, với những phương tiện khống chế và đàn áp qui mô (công an, quân đội, tòa án, nhà tù, lý lịch, giấy phép, việc làm, học vấn). Sự tồn tại của đảng cộng sản là một thách đố lương tri của những người đấu tranh cho dân chủ và tự do ở Việt Nam.

Chế độ độc tài cộng sản càng tồn tại dài lâu, xã hội càng trở nên gian dối, nỗi sợ hãi và tâm lý cam chịu làm tê liệt khả năng kháng cự với cái ác. Nếu đặt tên cho tâm lý đó là hèn thì đó là một sỉ nhục cho cả dân tộc mà không người Việt Nam nào có quyền thốt lên. Danh xưng đúng đắn và thích hợp nhất là vô cảm. Chế độ độc tài cộng sản Việt Nam đang sản sinh một thế hệ vô cảm, những con người thờ ơ đến vận mệnh của đất nước và chỉ biết đến quyền lợi cá nhân. Chính chế độ cộng sản hiện nay cũng đang rất sợ tâm lý vô cảm này phát triển và lan rộng, nhưng vẫn nhất quyết không những chối từ mà còn cấm triệt dân chủ.

Winston Churchill nói : "Người ta đã nói rằng dân chủ là hình thức chính phủ tồi tệ nhất, ngoại trừ tất cả những thể chế khác đã từng được thử nghiệm".

Dân chủ là một giải pháp chính trị ít tệ hại nhất cho đến nay. Dân chủ không phải là cứu cánh, mang đến phát triển và thịnh vượng ngay lập tức. Nhưng dân chủ là phương tiện nền tảng để bảo đảm tự do và ổn định. Và dân chủ cũng là tiến trình có khả năng tự điều chỉnh và không ngừng cải tiến, cho phép xã hội tiến hóa và đổi mới không ngừng trong trật tự.

"Ở một chế độ dân chủ, sẽ có nhiều than phiền, chỉ trích, nhưng ít khủng hoảng. Ở một chế độ độc tài, sẽ có nhiều sự thinh lặng, nhưng lại rất nhiều đau khổ".

Một nền dân chủ thực sự sẽ là nền tảng vững chắc mang đến cho người dân các giá trị cơ bản : Công Lý, Tự Do và Nhân quyền.

Giải pháp để tồn tại

Đảng Cộng sản Việt Nam đủ khả năng hiểu rằng nó đã thất bại trên mọi phương diện và cũng là căn nguyên của mọi vấn đề. Lòng yêu nước và tri thức đã bị chà đạp thậm tệ dưới chế độ cộng sản.

Không có tự do thì không thể có sáng tạo và phát triển. Bức tranh "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" ngày càng ảm đạm và thoi thóp. Sự suy đồi văn hóa và đạo đức ngày càng nghiêm trọng và sẽ phải mất rất nhiều thời gian để khôi phục lại. Đảng Cộng sản Việt Nam không thể tự sữa đổi hoặc cải cách vì đơn giản là không thể cải tiến chế độ cộng sản. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và nhiều nơi khác trên thế giới là những minh chứng cụ thể nhất. Muốn phát triển ổn định, thì nhất quyết phải thay thế chế độ độc tài toàn trị bằng một thể chế dân chủ đa nguyên.

Người viết hy vọng rằng các giá trị nhân văn của dân chủ sẽ giải thoát đội ngũ đảng viên khỏi sự lừa bịp và gian dối của chế độ độc tài cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đừng ngoan cố chống lại dòng chảy văn minh của thời đại và ngăn cản nguyện vọng dân chủ hóa đất nước của đại đa số người dân. Đi ngược dòng nước đang chảy mạnh ắt sẽ thất bại.

Hãy nhìn số lượng đảng viên tẩu tán tài sản ra nước ngoài và tìm lối thoát cho gia đình để thấy rằng chế độ cộng sản chiện nay không có tương lai và đang sụp đổ. Chế độ dù có hung bạo đến đâu, đảng cộng sản cũng sẽ không bao giờ tồn tại mãi mãi. Đảng cộng sản hiện nay đang mất chính danh và đang phô bày sự thối nát của đám con ông cái cha làm dụng công lao của những người đi trước. Đảng Cộng sản Việt Nam hãy chấp nhận một sự thật : vai trò lãnh đạo độc tôn đất nước của đảng cộng sản đã chấm dứt và đang trở thành một giai đoạn của lịch sử. Sự thật đó là hiển nhiên vì những tập đoàn lãnh đạo đều phải lần lượt ra đi, chỉ có đất nước và dân tộc mới trường tồn. Chống lại qui luật lịch sử đó chỉ là một lựa chọn tuyệt vọng.

Các đảng viên còn có lương tri và thực sự yêu nước, hãy dũng cảm liên hiệp với lực lượng dân chủ lương thiện, có đường lối chính trị rõ ràng, để đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu.

Liên kết với đối lập dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận luật chơi của dân chủ, nghĩa là thể hiện quyền lãnh đạo và đại diện đất nước qua lá phiếu. Cứu dân tộc thoát khỏi suy đồi đạo đức, văn hóa bạo lực và cứu đất nước ra khỏi suy tàn lụn bại là mệnh lệnh của lương tâm. Phải hiểu rằng dân chủ đa nguyên là trào lưu của thời dại, nó là lối thoát duy nhất cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Lịch sử Việt Nam sẽ ghi nhớ công lao của những người có dũng khí, biết hy sinh quyền lợi riêng vì Tổ quốc. Ngược lại, lịch sử và dân tộc phê phán và nguyền rủa những ai quì gối, cúi đầu, hại dân và bán nước.

"Chúng ta là người Việt Nam, và tương lai của chúng ta gắn liền với tương lai của đất nước Việt Nam. Chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là xây dựng một tương lai Việt Nam chung. Và để xây dựng tương lai chung đó, lòng yêu nướcvẫn là mẫu số chung bắt buộc. Chúng ta cần một sức bật mới của lòng yêu nước. Chúng ta cần phục hồi và phát minh lại lòng yêu nước.Chúng ta cần xác định lòng yêu nước như một tình cảm tự nguyện của những con người tự do, ràng buộc mật thiết với nhau để xây dựng một tương lai chung cho mình và cho con cháu" (trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2).

Mai V. Pham

(20/10/2017)

"Đa nguyên-bất bạo động-hòa giải hòa hợp dân tộc"

Tham khảo :

http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/item/33944502-kiem-tra-cong-tac-xay-dung-va-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 5676 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)