Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/10/2017

Ông Quang có thể lại bị đưa đi điều trị

Bùi Quang Vơm

Thế là điều bí ẩn về sự mất tích của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang gần hai tháng từ 26/07 tới 02/09/2017 đã bắt đầu lộ diện.

tdq1

Nguyễn Phú Trọng và Trần Đại Quang, ai sẽ là Nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị APEC ngày 10/11/2017 ? - Ảnh minh họa

Ai cũng biết, Quang vắng mặt không rõ lý do sau khi gửi một bài viết rất dài về ngày thương binh liệt sĩ 27/07, nhưng chính ngày 27/07, khi lãnh đạo nhà nước đi thăm viếng, thắp hương tưởng niệm, vào lăng Hồ Chủ tịch, tham dự Hội nghị Quốc gia vinh danh và tặng qùa các gia đình thương binh liệt sĩ và gia đinh có công cả nước, đây chính là công việc vừa đúng chức năng vừa đã thành tập quán truyền thống xưa nay, không phải việc của Tổng bí thư, nhưng trong thành phần các đoàn lãnh đạo, chỗ nào cũng chỉ thấy dẫn đầu bởi Tổng bí thư, mà không thấy mặt ông Chủ tịch nước.

Ông Quang đi đâu, vì lý do gì, và tại sao có vẻ như ông được báo trước ? Bài viết của ông được viết dài khác thường, vì nội dung thương binh liệt sĩ vốn chẳng có nhiều chuyện để nói, và ông cố trực tiếp đi thăm và tặng quà cho tới tận chiều ngày 26/07, một ngày trước khi phải vắng mặt.

Người dân sẽ phải nhận ra rằng, Chủ tịch vắng mặt, nhưng Tổng bí thư là người quan trọng hơn, người thực chất đứng đầu Quốc gia, nếu thăm viếng, tặng quà thì tất nhiên giá trị hơn. Người ta có thể quen dần rằng Nguyên thủ là Tổng bí thư chứ không phải là Chủ tịch nước ? Ông Chủ tịch chỉ là người được Tổng bí thư phân công.

Chính trong thời gian này, chính trong khoảng hai tháng ông Quang vắng mặt không rõ lý do này, có một sự kiện trùng lặp, nhưng có vẻ như đã được sắp xếp trước là một chuyến đi thăm liên hoàn gồm một chuỗi ba nước Campuchia, Indonesia và Myanmar kéo dài suốt một tuần lễ. Mặc dù chuyến thăm Campuchia diễn ra từ 22-24/07, cả ba quốc gia cùng mời Nguyên thủ quốc gia Việt Nam. Nhưng Chủ tịch nước đang có vấn đề gì đó vắng mặt từ gần một tháng trước, không thể đi thăm, nhưng Việt Nam không làm lỡ lời mời. Tổng bí thư đảng sẽ dẫn đầu đoàn đại diện quốc gia, vì thực chất, Tổng bí thư mới thực sự là Nguyên thủ của Việt Nam. Các nước xung quanh và các quốc gia trên thế giới phải hiểu ra và chấp nhận thực tế đó.

Đặc biệt, đây là thông điệp với Mỹ. Thể chế đảng độc nhất lãnh đạo quốc gia, đứng ở vị trí trên cùng, nên gọi là gì cũng được nhưng người cao nhất trong đảng mới thực sự là người cao nhất, là nguyên thủ của quốc gia. Thể chế này, vai trò thực sự của Tổng bí thư đảng, đã một lần được chính phủ Mỹ của Obama thừa nhận ngay trong tuyên bố chung hai quốc gia, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng, tháng 7/2015.

Nhưng bây giờ là nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, một con người có tính cách "sòng phẳng" và dứt khoát trắng đen. Không có thủ lĩnh của một đảng chính trị lại đồng thời là nguyên thủ đại diện cho một quốc gia. Đảng chính trị, nếu không có đủ phiếu bầu của tất cả mọi tầng lớp công dân, thì dù mạnh như đảng Cộng Hòa của ông hay đảng Dân chủ của bà Hillary cũng không thể trở thành tổng thống. Đảng chính trị là tổ chức của nhóm những người có đức tin và tự xưng đại diện của các đức tin, các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Vì vậy, thủ lĩnh một đảng không có tư cách tự nhiên là nguyên thủ quốc gia.

Nếu ông Trump chấp nhận lời mời đến dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng Việt Nam vào đầu tháng 11 này, thì người mà ông ta chấp nhận tiếp kiến sẽ bắt buộc phải là vị Đại diện quốc gia do công dân cả nước bầu ra, tương xứng với ông, chứ không thể là người chỉ được bầu ra vào vị trí cao nhất của một nhóm những người có đức tin riêng vào một thứ tư tưởng riêng. Nếu không đáp ứng, chuyến đi thăm sẽ không có.

Đây có thể chính là nguyên nhân của việc "sắp xếp" tốn thời gian hơn một năm, khi ông Quang trực tiếp chuyển lời mời từ tháng 10/2016 và được ông Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp nhắc lại trong chuyến thăm hồi tháng 5/2017, nhưng ông Trump chỉ chính thức trả lời tới dự APEC vào ngày hôm qua, 16/10. Thông cáo báo chí Nhà trắng nói rõ: "Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam".

Như vậy là rõ, người cao nhất của Mỹ sẽ gặp ông Trần Đại Quang, người cao nhất của Nhà nước Việt Nam.

Người ta sẽ phải nghi ngờ chuyện liệu có chuyện ông Trump đến Văn phòng trung ương đảng để chào ngoại giao Tổng bí thư không ? Hãy chờ xem.

Đây là cú đánh trực diện vào cá nhân ông Trọng và trực tiếp vào cái thể thức "chẳng giống ai" của thể chế độc đảng cộng sản. Một thứ thể chế quái đản độc nhất trên mặt đất.

Lần này, chắc ông Trọng phải chịu thua, cho dù ông nổi tiếng là người nhiều mưu ma chước quỷ. Ông đã từng bày ra trò ép Quốc hội 13 của ông Nguyễn Sinh Hùng bãi miễn chính phủ của ông Dũng và bầu ra chính phủ mới chỉ để buộc ông Dũng về vườn trước chuyến thăm của Tổng thống Obama, tước quyền đứng đầu Chính phủ của ông Dũng sau khi mất chức ủy viên bộ chính trị, nhưng chưa hết nhiệm kỳ. Ông Trọng gọi đó là "kiện toàn" tổ chức đảng.

Ông Quang đột nhiên xuất hiện trở lại đầu tháng 9, trông có phần yếu, nhưng không bệnh tật gì, có thể do Bộ chính trị đã buộc phải chấp nhận điều kiện của Mỹ, để có thông cáo nhận lời của Nhà trắng.

Nhưng ai có thể chắc chắn được điều gì. Xưa nay ai dám tin vào đảng ? Có thủ đoạn nào mà đảng không làm ? Có điều, đảng cũng chưa chắc là cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, mà thủ đoạn cá nhân thì không có cách gì đoán biết được.

Đến gần ngày 10/11, thậm chí đúng ngày 10/11, ngay sau khi có tin máy bay của ông Trump đã rời Mỹ để đến Đà Nẵng, thì đột nhiên lại có chuyện Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải đi đâu đấy, không thể tiếp Tổng thống Mỹ. Và khi ấy, lại là Tổng bí thư, vị Nguyên thủ đích thực, buộc phải đích thân đón tiếp Tổng thống Mỹ, và là người ký vào Tuyên bố chung (chưa chắc có).

Paris, 16/10/2017

Bùi Quang Vơm

***********************

Đọc thêm :

Báo Việt Nam ‘nâng bi’ sức khỏe ông Trần Đại Quang

Người Việt, 15/10/2017

Trong bài tường thuật buổi tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mới đây, báo Thanh Niên dẫn lời một người tham dự với mục đích "nâng bi" rằng : "Trước khi dự cuộc họp này tôi rất lo. Nhưng tới nơi nhìn lên hội trường thấy Chủ tịch nước Trần Đại Quang khỏe mạnh, tươi cười, trò chuyện… khiến tôi rất vui".

apec4

Ông Trần Đại Quang (phải) gặp cử tri ở Sài Gòn hôm 13 tháng Mười, 2017 (Hình : báo Thanh Niên)

Tờ báo còn cho hay người này sau khi phát biểu còn "đề nghị mọi người ở hội trường cho một tràng vỗ tay để chúc mừng sức khỏe của ông Quang".

Tuy vậy, trên mạng xã hội, nhà báo Nguyễn Thông, cựu biên tập viên báo Thanh Niên viết : "Nghe các báo tường thuật cuộc gặp của đại biểu Trần Đại Quang với cử tri ở Sài Gòn, tôi khá thất vọng. Thần sắc bác Quang còn kém, âm sắc yếu đi nhiều, theo tôi, bác nên nghỉ ngơi một thời gian nữa, đừng cố mà có hại cho sức khỏe. Thế mà có ông quân xanh còn nức nở khen bác hồng hào khỏe khoắn này nọ. Theo tôi, bác đừng tin mấy anh nịnh, hại cho thể chất đó".

Ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước, một trong "Tứ Trụ Triều Đình" của đảng cộng sản Việt Nam, hồi tháng Tám vừa qua đã trở thành tâm điểm của dư luận khi ông "bí mật sang Nhật chữa bệnh" nhưng không hề được truyền thông nhà nước loan báo mà chỉ được lan truyền trên mạng xã hội. Theo Facebooker Truong Huy San, tức nhà báo Huy Đức, thì "Sự vắng mặt của ông ở trong nước suốt hơn hai tuần đã tạo ra một khoảng trống cho các lời đồn đoán".

Về nội dung buổi "tiếp xúc cử tri", nhà báo Nguyễn Thông nhận xét : "Ông Quang đã né tránh hoặc không trả lời đúng câu hỏi. Người ta bức xúc về các trạm thu phí BOT trấn lột, đề nghị nhà nước nêu cách xử lý, ông lại chỉ nói vòng vo. Ai chả biết chủ trương BOT là đúng đắn, BOT là cần thiết trong lúc này, nhưng với mấy cái BOT tầm bậy thì phải quyết ra sao. Điều cần nói thì ông Quang không nói. Ông lại còn cho rằng cần đảm bảo an ninh trật tự, bởi nghề của ông (ông Quang từng làm bộ trưởng công an). Tôi mạn phép ông, mấy cái BOT đó, chỉ có dẹp đi hoặc chuyển về đúng chỗ của nó là dân hết bức xúc, mà cũng giải quyết được ngay, tận gốc tình trạng mất an ninh trật tự ở các BOT. Đấy mới là việc cần làm".

"Ngoài ra, ông lại còn đe dọa xử lý hoặc cấm cửa các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook mà ông bảo rằng vi phạm những quy định của nước sở tại, quả thật càng thêm thất vọng. Nên nghỉ khỏe hẳn, nhất là để cái đầu thật sáng suốt mà làm tốt vai trò đại biểu quốc hội, rồi thì hãy đi tiếp xúc, ông ạ", theo Facebook nhà báo Nguyễn Thông.

Cùng thời điểm, blogger Phạm Đăng Quỳnh đăng hình buổi tiếp xúc cử tri của ông Trần Đại Quang và bình luận : "Bà con nhìn cái hình bên dưới thử có ông… dân nào được vào đây ngồi ? Nhìn là biết ngay. Nghe nói hơn 300 người này, gọi là cử tri Sài Gòn, hôm qua vỗ tay chúc mừng sức khỏe chủ tịch nước khi ông có thể về tiếp xúc cử tri, và mừng nhất là… người thật việc thật".

Ngoài ông Trần Đại Quang, các vị còn lại trong "tứ trụ" chóp bu của đảng cộng sản Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng (tổng bí thư), Nguyễn Xuân Phúc (thủ tướng) và bà Nguyễn Thị Kim Ngân (chủ tịch quốc hội) cũng vừa có các buổi "tiếp xúc cử tri" trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14, và được báo chí tường thuật cặn kẽ về các phát ngôn của họ.

Hồi tháng Năm, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu nhà báo công tác tại báo Thanh Niên viết : "Cô giáo Trần Thị Thảo rút ra một nhận xét khá thú vị về những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là hầu như ông ấy chỉ tiếp xúc với cử tri già như ông ấy. Không lẽ chỉ mấy ông già hưu trí nầy mới là cử tri ? Nên cũng chẳng lạ gì khi có ông già hưu trí Trần Viết Hoàn, nguyên giám đốc khu di tích Hồ Chí Minh, tụng ca ông Trọng là minh quân. Mà kể cũng lạ, đại biểu quốc hội thì tất cả đều bình đẳng như nhau trước cử tri, nhưng tại sao chỉ thấy mấy đại biểu như ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang… thường xuyên tiếp xúc cử tri còn hàng trăm đại biểu khác thì rất hiếm khi thấy". (T.K)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Quang Vơm
Read 11062 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)