Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

12/11/2017

APEC : nơi diễn ra những thỏa thuận ngầm

Việt Nghĩa

Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười nồng ấm, cả rừng bài viết ca ngợi hợp tác song phương, đa phương... Nhưng người Việt được gì ? Nghịch lý là chúng ta đang bị đe dọa lấy mất phần lớn không gian tự do kết nối với thế giới : Facebook, Google, Viber... thật nực cười khi những kẻ được gọi là nguyên thủ đang bô bô : "ủng hộ tự do, mở rộng bang giao, kết nối toàn cầu...".

danang1

Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười nồng ấm, cả rừng bài viết ca ngợi hợp tác song phương, đa phương... nhưng người Việt được gì ?

Có lẽ yên tâm với điều đó, chúng ta phó mặc nhu cầu tranh đấu tự do cho Đảng cộng sản Việt Nam, báo chí Việt Nam say sưa tìm hiểu việc Thủ tướng Canada đẹp trai thế nào ? Xăm hình gì trên bắp tay ? Xe của Trump hoành tráng ra sao ? Tại sao lại gọi là "quái thú"... Theo lẽ tự nhiên, người ta sẽ bớt đau đầu hơn khi bàn đến những thứ dễ dãi, hời hợt, ít tranh cãi, còn những thứ đau đầu như chính trị, tự do, dân chủ thì người ta né tránh, không muốn đề cập đến.

Chúng ta thường tự hào với truyền thống "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", vậy tại sao việc nước nguy nan mà chúng ta lại "đau đầu" và né tránh ? Chúng ta kỳ vọng gì ở những hội nghị như APEC ? Người Việt Nam, những người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những quyết định, hiệp định được ký kết tại APEC, liệu có bao giờ đánh đổi thời gian đọc "chuyện tình của thủ tướng Canada" để tìm hiểu về những điều khoản mà Đảng cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết tại kỳ họp này ? Obama đã từ chối trách nhiệm giành dân chủ mà người Việt "giao phó", còn Trump thì đang bận "lo cho lợi ích của nước Mỹ", vậy chúng ta sẽ giao trách nhiệm này cho Tập Cận Bình ư ? Mọi kết nối, bang giao còn gì là ý nghĩa nếu người dân không màng đến việc nước ?

Chúng ta luôn ta thán về một thời đại thừa thông tin, nhưng có bao giờ chúng ta thực sự muốn tìm hiểu những thông tin hữu ích có liên quan đến thực tại và tương lai của đất nước ? Thực tế là không ít người đã dừng lại khi "bức tường lửa" hăm dọa. Nếu vậy thì sao chúng ta biết được báo chí Việt Nam trơ trẽn dịch thiếu chữ nhân quyền trong phát biểu của Trudeau ?

Điều gì cũng trở nên đặc biệt khó khăn đối với người Việt, khi đó là việc chung. Chúng ta "không quan tâm" đến những gì Đảng cộng sản Việt Nam đang làm để rồi sau đó chúng ta lại điên lên khi những thỏa thuận ngu dốt của Đảng cộng sản Việt Nam được phơi bày, rồi chúng ta lại còng lưng gánh những món nợ do họ để lại ! Làm sao có được những "thỏa thuận" chiếm ưu thế khi kẻ đại diện (là Đảng cộng sản Việt Nam) thay mặt chúng ta đi đàm phán lại là những kẻ dốt nát, bảo thủ và chỉ giỏi đàn áp người dân Việt Nam ?

APEC diễn ra ở Việt Nam vào thời điểm thật trớ trêu, số người đấu tranh ôn hòa bị bắt đạt đỉnh điểm, vi phạm luật pháp quốc tế về nhân quyền của Đảng cộng sản Việt Nam nghiêm trọng chưa từng có… thế nhưng các nguyên thủ quốc gia, được mấy người lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam ? Họ không có trách nhiệm và nghĩa vụ "đấu tranh" để mang lại tự do và dân chủ cho Việt Nam nhất là sau khi quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này là Mỹ đã rút lui !

Các nguyên thủ 21 nước APEC đến Việt Nam là để bàn chuyện làm ăn và đánh bóng hình ảnh của họ. Tổng thống Putin đã hào phóng ủng hộ nạn nhân cơn bão Damry 5 triệu đôla và sau đó là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng vậy. Họ lờ đi việc Đảng cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền và thách thức lương tri của cả thế giới khi tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga trong khi cả thế giới lên án và tố giác chủ nghĩa cộng sản đã giết hại hàng trăm triệu người trên trái đất.

Người có hành động duy nhất đáng được nể phục trong tuần lễ APEC có lẽ là bà… Melania Trump. Dù đã đến Trung Quốc nhưng bà vẫn quyết định không sang Việt Nam. Lý do có thể xuất phát từ lá thư của con gái Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh), cháu Nguyễn Bảo Nguyên gửi cho bà Melania, nhờ bà can thiệp với Hà Nội trả tự do cho Mẹ Nấm. Đây là nhiệm vụ bất khả thi với chính sách "không quan tâm nhân quyền" của chồng bà. Lựa chọn tránh mặt của bà là hợp lý và có... tình người.

Thành quả duy nhất và rõ nét trong APEC kỳ này là sự hồi sinh của hiệp ước TTP không có Mỹ với tên gọi mới "Hợp tác toàn diện và Cấp tiến xuyên Thái Bình Dương" (Comprehensive and Progressive Agreement for he TPP-CPTPP) với vai trò đầu tàu của Nhật. Hy vọng với sức mạnh của nền kinh tế cộng với sự quyết tâm cao của chính phủ Abe, Nhật Bản sẽ thay thế Mỹ để thiết lập và hình thành một Liên minh kinh tế trong khu vực, làm đối trọng với sự bá quyền của Trung Quốc với kế hoạch đầy tham vọng "một vành đai, một con đường".

TPP map 121117_New

Hiệp ước TTP không có Mỹ với tên gọi mới "Hợp tác toàn diện và Cấp tiến xuyên Thái Bình Dương" (CPTPP) với vai trò đầu tàu của Nhật.

Việt Nam thay vì bày tỏ thái độ cầu cạnh các nước lớn (mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quá trớn và vô duyên) thì cần phải thay đổi, chấp nhận những nguyên tắc và luật chơi chung của thế giới thay vì những hành động vuốt ve, nịnh nọt hay ngớ ngẩn như việc định "cấm cửa" Facebook, Google, Viber… Ngay cả Tổng thống Trump cũng nói thẳng rằng Mỹ cần những "đối tác mạnh mẽ chứ không tìm đối tác yếu kém" trong bài phát biểu tại APEC.

Chắc chắn Đảng cộng sản Việt Nam sẽ không đặt lợi ích của dân tộc vào trọng tâm của các cuộc đàm phán, thỏa thuận mà họ chỉ quan tâm làm sao để kéo dài chế độ, làm sao để ngoại quốc ít lên án. Nếu người Việt chúng ta tiếp tục ngại tìm hiểu, ngại đau đầu, ngại vượt tường lửa để biết và quan tâm đến các vấn đề chính trị…thì những diễn đàn như APEC mãi là nơi diễn ra những thỏa thuận ngầm giữa Đảng cộng sản Việt Nam và ngoại bang.

Việt Nghĩa

(12/11/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Nghĩa
Read 3761 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)