Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

14/11/2017

Những thông điệp của ông Trump tại APEC

Bùi Quang Vơm

Người ta cứ bảo ông Trump là người bất nhất và khó đoán. Có lẽ điều đó đúng ở gần như mọi nơi. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là ông Trump là người thẳng thắn và sòng phẳng. Ông trung thành với lời hứa "Nước Mỹ trên hết" và trước hay sau, chưa bao giờ ông gạt những quốc gia như Trung Quốc và một vài quốc gia khác ra khỏi những kẻ láu cá lợi dụng sự hào phóng của Mỹ. Vì vậy ở khía cạnh này, ông không cần nói, nhưng những gì ông định nói, có thể biết trước.

trump-america-first-678x381

Donald Trump và "Nước Mỹ trên hết"

Thị trường là thị trường, không có loại thị trường nửa vời, kiểu thị trường có sự định hướng của nhà nước như kiểu "thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam. Ông cho rằng mọi sự bất bình đẳng, mọi sự lợi dụng và mọi loại chính sách mất đối xứng đều có nguồn gốc từ sự can thiệp của chính phủ, của nhà nước, từ sự can thiệp, thao túng và chỉ đạo từ nhà nước. Cho nên, chỉ có thể được công nhận là kinh tế thị trường khi không có thành phần kinh tế quốc doanh tham gia thị trường. Doanh nghiệp nhà nước trong thị trường, chính là sự có mặt của nhà nước trong thị trường. Nó sẽ bóp méo tất cả cho chủ đích của những phần tử gọi là lãnh đạo nhà nước. Quan hệ kinh doanh thực chất đúng luật chỉ có thể xảy ra với và giữa các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn độc lập và tự chủ trên mọi phương diện kinh tế, kỹ thuật và pháp luật trong quan hệ với chính phủ. Kinh tế quốc doanh chỉ có tư cách trong phạm vi nội bộ nền kinh tế đối nội và phi thị trường.

Ông nhấn mạnh : "Điều cốt lõi của quan hệ đối tác này là chúng tôi tìm kiếm những mối quan hệ thương mại mạnh mẽ dựa trên nguyên tắc bình đẳng và có qua có lại. Khi Mỹ tham gia một mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác, chúng tôi, kể từ lúc này, hy vọng đối tác sẽ tuân thủ các nguyên tắc như chúng tôi. Chúng tôi kỳ vọng các thị trường sẽ mở cửa tương xứng ở cả hai bên, không phải các nhà hoạch định của chính phủ, mà là lĩnh vực công nghiệp tư nhân sẽ có sự đầu tư trực tiếp".

WTO đã bị thao túng hoặc lợi dụng bởi một số nước, bởi các quốc gia trong đó kinh tế quốc doanh chiếm tỷ trọng quyết định, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam, trong khi "Mỹ thúc đẩy các doanh nghiệp, sự đổi mới và công nghiệp lĩnh vực tư nhân. Những quốc gia (này) lại sử dụng ngành công nghiệp do chính phủ vận hành và hoạch định cùng các doanh nghiệp quốc doanh". "Họ tham gia bằng cách trợ giá sản phẩm, bán phá giá, thao túng tiền tệ và các chính sách công nghiệp lợi dụng". "Họ phớt lờ các quy tắc để giành lợi thế trước những người tuân thủ luật chơi, tạo ra sự méo mó lớn trong thương mại, đe dọa các nền tảng của chính thương mại quốc tế".

Các nền kinh tế giả dạng thị trường đó, các thể loại kinh tế thị trường có định hướng của chính phủ đó, phải bị loại ra khỏi sân chơi quốc tế, nơi luật chơi chung phải được tôn trọng bởi những nền kinh tế trưởng thành và tự trọng. Không thể che đậy bằng cách này hay cách khác để thực hành những thủ đoạn như những mẹo vặt trên sân chơi của những con người văn minh, nơi mà mọi sự khôn ngoan thiếu đứng đắn đều được coi là không xứng đáng.

Các nền kinh tế này không thể được luật thương mại quốc tế công nhận, phải chịu chế tài, chịu trừng phạt và cần phải được loại ra khỏi WTO.

Ông Tổng thống Mỹ công bố :

"Chúng tôi không thể bỏ qua những sự lợi dụng thương mại này. Chúng tôi sẽ không tha thứ họ. Sau nhiều năm những cam kết bị vi phạm, chúng tôi tin rằng một ngày nào đó, sớm thôi, các bên sẽ hành xử công bằng và có trách nhiệm". "Đó là lý do tôi có mặt ở đây ngày hôm nay, để nói một cách thẳng thắn về những thách thức của chúng ta và cùng hành động hướng đến tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người".

"Sự mất cân bằng thương mại hiện nay (giữa Mỹ và Trung Quốc) là không thể chấp nhận được. Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác, dù có rất nhiều nước, vì đã lợi dụng nước Mỹ trong vấn đề thương mại. Nếu các đại diện của họ có thể bình an vô sự với điều này, họ chỉ làm việc mà họ phải làm. Tôi ước gì chính quyền trước đây của Mỹ nhìn thấy những gì đang diễn ra và phải làm cái gì đó. Họ không làm, nhưng tôi sẽ làm".

Với thông điệp này, và với tính cách của một trùm kinh doanh bất động sản, người ta phải nhận thức rằng đó không là cách hành văn trang trí của một bài diễn văn ngoại giao.

Việt Nam đã nắm được các thông điệp này từ trước, nhưng chỉ ở phía "kênh chính phủ", ngược chiều với "kênh đảng". Cũng tại APEC, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : "Trong mọi hoạch định chiến lược phát triển của đất nước, Việt Nam luôn khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chúng tôi tin tưởng sẽ hiện thực hóa mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và đưa kinh tế tư nhân Việt Nam (cùng với các thành phần kinh tế khác) phát triển lên một tầm cao mới, có sức cạnh tranh và khả năng hội nhập trên bình diện khu vực và thế giới".

america2

Nếu chỉ xét khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước thì có tới 98,6% là quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.

Không, nền kinh tế Việt Nam không thể được thừa nhận là nền kinh tế thị trường chỉ bằng vận động ngoại giao. Nền kinh tế khi thành phần quốc doanh còn chiếm giữ gần 80% tổng sản lượng quốc gia GDP (2015), chi phối hầu hết mọi nguồn lực, thao túng mọi chính sách, chế độ, thực thi mọi nhịệm vụ chính trị được chỉ định trước từ hệ thống, thì tham nhũng là tất yếu và các tín hiệu từ thị trường không còn giá trị hướng dẫn mà trở thành nhân tố phá hoại doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Trước đó, chỉ tiêu giảm kinh tế quốc doanh xuống con số 105 doanh nghiệp nhà nước với tổng vốn chiếm giữ sẽ chỉ còn khoảng 2,5 triệu tỷ USD, bằng khoảng 15% tổng sản lượng quốc gia vào năm 2025, chính phủ của ông Phúc bất chấp mục tiêu "hoàn thành giai đoạn quá độ xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ" trong cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011.

Mục tiêu một triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2020 và khoảng hai triệu doanh nghiệp tư nhân vào đầu năm 2030 và giảm tỷ trọng tài sản khu vực nhà nước xuống 15-20% GDP, thì thực chất chính phủ đã thực hiện hoàn thành mục tiêu tư nhân hóa hay tư bản hóa hoàn toàn nền kinh tế, chấm dứt hoàn toàn ảo tưởng quay lại nền kinh tế quốc doanh và tập thể xã hội chủ nghĩa vào năm 2035. Cũng đồng nghĩa với việc không bao giờ có xã hội "xã hội chủ nghĩa hoàn thiện vào cuối thế kỷ này". Lý tưởng cộng sản trong đầu ông tổng bí thư Trọng sụp đổ cùng với ảo tưởng của ông.

Ông Phúc và bộ máy chính phủ của ông Phúc có phải đang cố tình bủa vây và cô lập ông Trọng ? Hay ông Phúc đang lợi dụng ông Tổng thống Mỹ để hạ bệ ông Trọng ? Cái gì sẽ đến nếu doanh nghiệp nhà nước không còn là "lực lượng chủ đạo càng ngày càng phát triển trở thành trụ cột" ? Có một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mà không còn quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ? và nếu không còn nền kinh tế xã hội chủ nghĩa làm nền tảng thì liệu có một cái "thượng tầng kiến trúc xã hội chủ nghĩa không" ? 

Kênh đảng đang phát triển tăng trưởng, kênh chính phủ cũng đang tăng trưởng và phát triển, nhưng hai kênh chảy theo hai chiều ngược nhau, triệt tiêu lẫn nhau. Mọi quái thai đều mang theo trong nó các hoại thư. "Thị trường" và "định hướng" là hai phạm trù trái chiều và là hai cơ cấu phủ định lẫn nhau, bị ghép và bó vào một bó với lý luận đảng.

Một thông điệp khác : Hãy từ bỏ lối hành xử nước đôi, đi dây hiện nay. Có những thủ đoạn và âm mưu. Nước Mỹ là thịnh vượng đi kèm với độc lập. Với Trung Quốc, thịnh vượng có thể có hoặc không, nhưng độc lập thì không bao giờ nữa. Hãy lựa chọn độc lập như tổ tiên người Việt từng làm từ thời Hai Bà Trưng, 2000 năm trước đây. Đường mật láng giềng ẩn chứa những thèm khát nô dịch muôn thuở.

"Hãy chọn tương lai của lòng yêu nước, thịnh vượng, niềm tự hào.

Hãy chọn thịnh vượng và tự do chứ không phải nghèo đói và sự tôi tớ".

Những điều này, ông Trump nói với ai nếu không phải là với người Việt Nam, với những nhà lãnh đạo Việt Nam đang là chủ APEC hôm nay ? Trong những người ngồi trong phòng họp này, có những người yêu quý và tôn trọng độc lập của Việt Nam, cũng có những kẻ khác, dùng lời đường mật cám dỗ nhưng không bao giờ từ bỏ dã tâm gậm nhấm từng tấc đất Tổ quốc của dân tộc Việt.

"Đại cục", hay hãy nhớ có một cái "cục khổng lồ" luôn chắn ở trên đầu, liền sông liền núi với Việt Nam, nhưng hòa bình và thịnh vượng chỉ đến khi tự tan biến vào cái "Đại cục" đó. Nếu giàu có như Mỹ mà người Mỹ còn không thể chịu và không thể chấp nhận bất bình đẳng thương mại, thì người Việt phải không được ảo tưởng. Và dù mạnh đến đâu, nước Mỹ cũng không thể tồn tại mãi với những thâm hụt tới 400 tỷ đô la mỗi năm với Trung Quốc.

Việt Nam nhập siêu của Trung Quốc liên tục từ hai ba thập niên, thì thực chất Việt Nam sản xuất hộ Trung Quốc bằng lao động giá rẻ của Việt Nam và Việt Nam bán hàng hóa ra thế giới hộ Trung Quốc bằng các ưu đãi thuế quan mà thế giới rộng lượng với một nền kinh tế còn thấp kém. Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc không chỉ nguồn nguyên liệu không có cách gì thay thế mà còn cả trên các khoản nợ chồng chất từ nhiều năm không có cách gì trả được. Nếu Trung Quốc bất ngờ và nhất loạt đòi nợ cả vốn lẫn lãi, thì Việt Nam chỉ còn con đường phá sản.

Ba cái đặc khu tại cả ba miền đất nước, Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, đang được thiết kế sẵn để bán 99 năm cho các nhà đầu tư, có nằm trong lộ trình hòa tan vào đất "Đại cục" không ? Có phải người ta đang tìm cách che đậy một âm mưu bán tất cho Trung Quốc, nhân danh phát triển kinh tế vì lợi ích toàn dân, để đến một lúc nào đó thì chuyện hòa tan vào "đại cục" là chuyện tự nhiên đến, và ít nhất thì cũng bất khả đảo ngược ? 

Nếu luật đặc khu kinh tế được phê chuẩn chỉ để kêu gọi và bán cho nhà đầu tư, không giới hạn đối tượng, thì đây chắc chắn là một thủ đoạn "đại cục" của Trung Quốc. Nếu ai có tiền đều có quyền đầu tư, thì sẽ chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc lục địa, hoặc Trung Quốc Hồng Kông, hoặc Trung Quốc Đài Loan hoặc một loại nhà đầu tư Trung Quốc trá thành hình Việt Nam thắng cuộc. Thực tế trên 90% các dự án quốc gia quan trọng đưa ra đấu thầu đều lọt vào tay Trung Quốc. 100 năm ở cả ba miền, thì văn hóa, tiếng nói và chữ viết, không biết đã thành Trung Quốc chưa, chứ nền kinh tế thì không còn của Việt Nam nữa.

Nói là hiểu thấu đáo Trung Quốc, thì người Việt Nam thuộc số ít dân tộc trên thế giới, nhưng nó chỉ thành vốn dùng vào việc chống dã tâm bành trướng của Trung Quốc cộng sản, còn ngược lại, nếu tập đoàn cầm quyền của chế độ mà dụng tâm bán nước, thì vốn am hiểu của họ về một đặc tính Trung Hoa giúp họ che được mắt dân chúng và thúc đẩy việc mua bán đất đai Tổ tiên chóng vánh và êm thấm hơn. 

america3

Bây giờ, không cần phải giả vờ lầm lẫn mang cờ sáu sao ra dò lòng người nữa, cứ công khai giữa thanh thiên bạch nhật mà treo. Công an đàn áp bắt bớ người giữ nước, thì bốn hay năm sao gì cũng vậy.

Dẫu nhiều tai tiếng thị phi, nhưng ông Trump là người yêu nước Mỹ và trung thành với nước Mỹ. Ông có thể sai hoặc đúng, nhưng theo cách của ông, chắc chắn chỉ có một hướng tới duy nhất là lợi ích của nước Mỹ và của người dân Mỹ. Chỉ điều đó cũng là một thông điệp tốt cho bất cứ thế lực, tập đoàn hay cá nhân cầm quyền nào, đặc biệt với tập đoàn lãnh đạo Việt Nam, vì những gì ông nói đều trên đất Việt Nam. Ông nhìn thấu con người của họ hay sao ? 

Cộng sản sẽ không có dân tộc, không có biên giới, chỉ có lý tưởng và chỉ có một giai cấp được quyền thống trị nhân loại - Giai cấp vô sản. Mọi cuộc cách mạng dân tộc đều chỉ là bộ phận của quốc tế cộng sản. Trung Quốc đang trở thành pháo đài, thành trì và trung tâm của cộng sản quốc tế. Mọi quốc gia cộng sản đều phải là bộ phận cấu thành của nó.

Nhưng không ở đâu trên trái đất, giai cấp vô sản không bị cầm đầu bởi một nhúm những nhà "vô sản" giầu sụ và quyền lực vô biên.

Paris, 14/11/2017

Bùi Quang Vơm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Quang Vơm v
Read 1183 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)