Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

27/01/2017

Hành trình về dân chủ đa nguyên - 7

Bùi Quang Vơm

Hành Trình về Dân Chủ Đa Nguyên (Phần I đến Phần VI)

 

Phần VII

 

Lựa chọn chế độ chính trị

 

 

conghoa11

Hội đồng quốc gia Cisalpine họp tại Lyon tháng 12/1801- Tranh do Nicolas-André Monsiau (1754 - 1837) vẽ © Photo RMN-Grand Palais - D. Arnaudet

Chế độ chính trị của một Quốc gia có giá ảnh hưởng quyết định tới sinh mệnh quốc gia, tới số phận hàng triệu con người, tới tương lai của nhiều thế hệ. Chế độ chính trị quyết định con đường đi của một dân tộc trong một thời gian dài, nó có thể thúc đẩy quá trình phát triển tiến bộ vượt bậc, nhưng trong trường hợp ngược lại, trước khi bộc lộ các khuyết tật đủ để bị đào thải, nó có thể cướp đi của một dân tộc nhiều chục năm của lịch sử, chặn dòng chảy lịch sử dừng lại, thậm chí kéo lùi nền văn minh của một dân tộc ngược trở lại nhiều chục năm.

Vì ý nghĩa đó, lựa chọn chế độ chính trị cho một quốc gia là một việc làm cần một thái độ nghiêm túc, quyết định một lựa chọn phải là một hành vi thận trọng với đầy đủ trách nhiệm.

Tuy nhiên, trên thực tế, một mặt, thực tiễn lịch sử phát triển xã hội chính trị của nhân loại diễn ra đa dạng, phức tạp, hình mẫu các thể thức chế độ chính trị cho tới hiện tại chưa bộc lộ đầy đủ những đặc trưng để có thể phân biệt một cách rành mạch, mặt khác, các chế độ chính trị được lựa chọn của mỗi quốc gia chỉ có thể gặp nhau ở những nét lớn đặc trưng, trên thực tế cơ cấu của thể chế và cơ chế vận hành các thiết chế công quyền của từng quốc gia không hề giống nhau. Các khác biệt đó có xuất xứ từ nguồn gốc lịch sử, văn hóa, tập quán sinh hoạt, các điều kiện địa lý, tương quan quốc tế v.v... của mỗi quốc gia.

Cho nên, mô hình thể chế chính tri ̣cho mỗi quốc gia, mặc dù căn cứ trên các tiêu chí cơ bản có tính phổ biến về mặt lý thuyết, việc lựa chọn và áp dụng một thể chế vào việc tổ chức bộ máy nhà nước trên thực tế không thể chịu ràng buộc về mặt hình thức thể loại một cách cứng nhắc. Những đặc tính chung của một loại hình không phải là các điều kiện bắt buộc phải tuân thủ đối với mỗi quốc gia. Ngay trong từng hình mẫu, không phải quốc gia nào cũng vận hành giống nhau.

Vì vậy, lựa chọn một thể chế chính trị cho một Quốc gia, về nguyên tắc chỉ dựa trên Hệ thống các Giá trị quốc gia. Chế độ chính trị, cơ cấu và cơ chế vận hành của các thiết chế công quyền, kết cấu và cơ chế vận hành của các định chế nhà nước phải phù hợp tương ứng với hệ thống giá trị đó. Chế độ chính trị có chức năng bảo đảm vận hành bộ máy công quyền quốc gia giới hạn trong khuôn khổ hệ thống gía trị quốc gia, chịu sự quản chế của hệ thống giá trị quốc gia và có nghĩa vụ bảo vệ sự bền vững bất biến và tính bất tử của nó. Chế độ chính trị chỉ thay đổi khi triết lý dân tộc hay hệ thống giá trị dân tộc thay đổi. Cũng vì vậy, chỉ có thể thay đổi một chế độ chính trị khi đạt được sự thay đổi của hệ thống giá trị.

Như vậy, không phải là lựa chọn kiểu mẫu nào có sẵn. Nội dung của việc lựa chọn thể chế chính trị suy cho cùng là việc lựa chọn Hệ thống các giá trị quốc gia và phương thức Quản trị các giá trị đó.

Hệ thống giá trị quốc gia bao gồm hai giá trị nền tảng, giá trị vật chất và giá trị tinh thần, là tài nguyên quốc gia và lịch sử văn hóa dân tộc, giá trị có trên mặt đất trong giới hạn cương vực lãnh thổ nơi cộng đồng dân tộc sinh sống và giá trị của cộng đồng người sinh sống trên cương vực lãnh thổ đó, nói một cách đơn giản, là chủ quyền quốc gia và quyền của con người sống trong quốc gia đó.

Giá trị hữu hình, tức giá trị vật chất của quốc gia khi cương vực lãnh thổ đã ổn định là giá trị cố định, bất biến. Có nghĩa là chủ quyền quốc gia là xác định. Chỉ còn quyền con người, tức là các quyền cơ bản của con người cá thể và các quyền con người sống thành cộng đồng trong cương giới lãnh thổ chung, trong một quốc gia chung, dưới một Nhà nước chung, gọi là quyền công dân. Như vậy, loại giá trị thứ hai, giá trị vô hình hay giá trị tinh thần sẽ bao gồm quyền cá nhân và quyền công dân.

Quyền cá nhân là quyền mọi con người đều có như nhau, quyền mà thượng đế ban cho con người như một loài trong muôn loài. Đó là quyền được sinh ra, quyền được sống, quyền được ăn và tìm kiếm cái ăn, quyền được đi lại khi cần phải đi lại, quyền được nói khi muốn nói, quyền được suy nghĩ và nói ra những điều mình nghĩ̃, quyền được tự do tìm nơi ở, nơi sinh sống, quyền tìm cách nuôi sống mình và dòng giống của mình, quyền tự vệ và tìm cách tự vệ, quyền chống lại tước đoạt và áp bức... Những quyền này gọi là quyền tự nhiên, quyền đương nhiên của loài người, bất kể "cái con người" đó sinh ra ở đâu trên mặt đất và "cái con người" đó sống dưới chế độ chính trị nào.

Những cá thể tự do đó sống thành cộng đồng và tạo thành xã hội. Khi thực thi quyền tự do cá nhân, các cá thể đụng chạm lẫn nhau, và một quy tắc bắt buộc phải chấp nhận để được thật sự tự do, đó là khi thực thi tự do, mỗi cá thể không làm tổn hại quyền tự do của những cá thể khác.

Quyền của những con người cùng sinh hoạt trong một cộng đồng xã hội, cùng có một quy ước chung, chia sẻ với nhau một số phận và một không gian văn hóa chung, cùng thống nhất một hệ thống quyền lực công cộng chung là Nhà nước, thì các quyền đó được gọi là quyền công dân - quyền của người dân sống trong quốc gia, xã hội và Nhà nước chung đó. Quyền công dân là các quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền xã hội và quyền văn hóa.

Giá trị hữu hình của Quốc gia tồn tại độc lập tương đối với chế độ chính trị của quốc gia, trong khi giá trị vô hình, hay nhân quyền có thể có và có thể bị tước đoạt hoàn toàn, tùy thuộc vào chế độ chính trị hình thành và tồn tại trên quốc gia đó.

Như vậy, Hệ thống giá trị quốc gia bao gồm hai bộ phận gắn kết hữu cơ tạo ra nền tảng tồn tại của quốc gia, phần hữu hình có đặc tính bền vững, ít chịu tác động bởi sự thay đổi của chế độ chính trị, phần vô hình, ngược lại, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chế độ chính trị được áp đặt lên quốc gia.

Một cách tóm tắt, có thể định nghĩa Chế độ chính trị là hình thái kết cấu nhà nước có hai chức năng chính là bảo vệ chủ quyền và  bảo vệ nhân quyền.

Dưới chế độ chính trị Dân chủ đa nguyên, Chính phủ nằm trong tay đảng chính trị cầm quyền, có tính chất luân phiên. Chính phủ được hình thành và ra đời từ chiến dịch tranh cử giữa các đảng chính trị khác nhau. Đảng có Dự án thắng thế giành được đa số ghế trong Quốc hội được quyền lập Chính phủ. Sự bền vững của Chính phủ tùy thuộc vào khả năng và mức độ thực hiện các cam kết trong chương trình tranh cử. Vì lý do này, tất cả các chính phủ cầm quyền đều chịu sức ép chính trị lớn trước áp lực của quốc hội và của dư luận. Trong quá trình chuyển chính sách thành luật, chính phủ luôn có xu hướng tự tăng quyền thực thi pháp luật và lấn áp quyền của công dân. Đó là một đặc tính có tính quy luật của mọi chính phủ.

Việc phân tích, so sánh các loại hình thể chế chính trị khác nhau là một việc khó, cần nhiều tài liệu và nhiều thời gian, có thể không hợp với diễn đàn thảo luận rộng rãi, vì vậy, như các đề tài trước, người viết chỉ làm việc của người nêu ra ý kiến.

 

Các loại hình Chế độ chính trị trên thế giới hiện đại

Diapositive1 - Copie

Sơ đồ 1 (BQV)

Các hình mẫu thể chế chính trị đặc trưng hiện nay trong lý thuyết chính trị xã hội học hiện đại, chỉ phân biệt hai chế độ duy nhất, đó là chế độ Quân chủ và chế độ Cộng hòa.

Chế độ gọi là Quân chủ khi Nguyên thủ quốc gia, hay người đại diện duy nhất cho chủ quyền quốc gia là một vị Vua, được quan niệm là chủ sở hữu toàn quyền và tuyệt đối với mọi tài sản thuộc quốc gia, bất kể tài sản đó là hữu hình hay vô hình. Vua không do ai bầu, Vua nhân danh Thượng đế, Đấng Toàn năng cai quản quốc gia, chăn dắt quốc dân, có quyền cha truyền con nối.

Quân chủ là tuyệt đối khi mọi tài sản thuộc quyền sở hữu của nhà Vua và mọi thực quyền tập trung hoàn toàn trong tay nhà Vua. Nhà Vua làm ra luật, quy định các quy tắc sinh hoạt xã hội. Nhà Vua lập ra  điều khiển các công cụ công lực để kiểm soát xã hội.

Quân chủ lập hiến là mô hình thể chế khi nhà Vua chỉ còn là Nguyên thủ tượng trưng, biểu tượng cho chủ quyền quốc gia, tượng trưng cho tính toàn vẹn và sự thống nhất các gía trị quốc gia. Mặc dù nhà Vua có quyền cha truyền con nối, không phải qua bầu cử, nhưng không có quyền thực tế trong các thiết chế quyền lực. Quyền của Quốc vương do Hiến pháp quy định. Quyền hành pháp được một Quốc hội do dân bầu trực tiếp giao cho Thủ tướng và Chính phủ, vẫn duy trì Quân Vương như thời phong kiến, nhưng không có thực quyền". Nhà vua cai trị, nhưng không quản trị".

Trong chế độ Quân chủ Lập hiến, quyền lực tập trung vào Quốc hội là cơ quan duy nhất nắm quyền lập pháp. Quốc hội bầu Thủ tướng và bầu ra các bộ trưởng trong số các nghị sĩ. Việc Quốc Vương chỉ định Thủ tướng và chấp nhận Nội các chỉ là hình thức. Gọi là lập hiến vì quyền lợi và quyền hạn của Quốc Vương do Hiến Pháp quy định. Chính phủ chỉ chịu trách nhiện trước Quốc hội và chỉ bị bãi miễn bởi quốc hội. Chế độ quân chủ lập hiến về nguyên tắc giống với chế độ Cộng hòa Đại nghị, còn gọi là Đại nghị Đơn chế hay Đại nghị Độc chế (Parlement Moniste).

 

1. Quân chủ tuyệt đối     2. Quân chủ lập hiến

conghoa2
 
Sơ đồ 2  (BQV)


Khác với chế độ Quân chủ, trong một chế độ chính trị khi người đứng đầu quốc gia, hay Nguyên thủ Quốc gia, đại diện cho chủ quyền tối cao của quốc gia không phải do cha truyền con nối mà là do dân chúng trực tiếp hay gián tiếp bầu ra, gọi là chế độ Cộng hòa. Chữ Cộng hòa (répupblique) nghĩa là công cộng, ngụ ý, tất cả tài sản quốc gia thuộc về công chúng.

Trong nền Cộng hòa, có Ba hình thức khác nhau, đó là Cộng hòa Tổng thống và Cộng hòa Đại nghị, vả Cộng hòa Bán Đại nghị hay còn gọi là Cộng hòa Bán Tổng thống (sơ đồ 1).

1. Chế độ Cộng hòa Tổng thống ra đời cùng một lúc nhằm hai mục đích :

- xóa bỏ chế độ cha truyền con nối, xóa bỏ quyền cá nhân đối với tài sản quốc gia,

- khắc phục tính chất siêu quyền lực của Quốc hội, ban đầu là chỉ gồm một viện gọi là viện Lãnh chúa, hay Nguyên lão, vốn xuất xứ từ nhóm quý tộc và tư sản giàu có, quyền thế lấn át nhà Vua, không qua bầu cử.

Nhóm cá nhân này quy tụ lập ra Viện lập pháp, nhằm tước đọat quyền lực tuyệt đối của nhà Vua và giành quyền độc lập, quyền tự do thao túng nền chính trị quốc gia, phục vụ lợi ích của tầng lớp tư sản công nghiệp đang lên.

Sự lộng quyền của Viện Lãnh chúa thúc đẩy sự  ra đời của viện dân cử gọi là Hạ viện, có chức năng kiềm chế quyền lực của Viện Lãnh chúa, sau này gọi là Thượng viện. Tuy nhiên, do thế lực xã hội rất hạn chế của các nghị sĩ dân bầu so với các nghị sĩ thuộc thượng viện, nên trên thực tế, Thượng viện vẫn là cơ chế chi phối có tính quyết định và là nguyên nhân của nạn tham nhũng chính trị.

Trong chế độ Cộng hòa Tổng thống, hai thiết chế công quyền là Lập pháp và Hành pháp tách biệt nhau tuyệt đối. Quyền lực tuyệt đối của Cử tri được thể hiện ngang bằng khi vừa trực tiếp bầu ra Tổng thổng, vừa đồng thời trực tiếp bầu ra Quốc hội.

Quốc hội, mặc dù có cấu tạo lưỡng viện, nhưng không bầu ra tổng thống vì vậy không có quyền bãi miễn hay phế truất tổng thống.  Ngược lại, Tổng hhống cũng không có quyền giải tán Quốc hội, nhưng cũng không chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội, tức là không phải báo cáo hay tường trình các hoạt động thuộc phạm vi quyền hành pháp. Nếu phù hợp các cam kết giúp tổng thống thắng cử và không trái luật, các sắc lệnh do tổng thống ký có hiệu lực pháp lệnh tương đương luật.

Cơ quan quyền lực công thứ ba là Tòa án cũng được phân lập tách biệt và được đảm bảo tính độc lập, thông qua việc Hiến pháp quy định các Thẩm phán do tổng thống bổ nhiệm, có nhiệm kỳ suốt đời, với một mức thu nhập luôn đảm bảo đủ cao để khó bị ảnh hưởng bởi các tác động có tính tham nhũng, nhưng lại dễ dàng bị bãi miễn vĩnh viễn chỉ do lỗi vi phạm pháp luật dù rất nhỏ.

Trong chế độ Tổng thống quyền Hành pháp tập trung duy nhất vào tay Nguyên thủ quốc gia. Chính phủ không tồn tại, thực chất là Nội các hay Văn phòng Tổng thống, gồm các Thư ký có chức năng tương tự Bộ trưởng. Vì không có quyền lực trung gian như Tổng thư ký hay Chủ tịch hội đồng thư ký có mục đích phân tán quyền lực của tổng thống, cùng với những quy trình phức tạp trong việc bác bỏ hay hay vô hiệu các quyết định của Tổng thống, cơ chế này trên thực tế tạo ra cơ hội cá nhân hóa và nguy cơ chuyên chế hóa bộ máy hành pháp quốc gia, trong các tình huống đặc biệt có thể chuyển hóa thành chế độ độc tài, thậm chí phát xít. Đó là trường hợp của Hitler, Mussolini, Franco, Pinochet, và gần đây là hiện tượng Donald Trump và Ricardo Duterte gây lo ngại cho tinh thần dân chủ và an toàn thế giới.

Trên sơ đồ 3, chúng ta thấy rõ con đường quyền lực đi từ cử tri, qua tổng thống và nội các để quay trở về công chúng. Tổng thống phê chuẩn luật sau khi Hạ và Thượng viện thông qua. Quốc hội có thể kiểm sóat, sát hạch Nội các, nhưng mang tính hình thức (vạch đứt).

Chế độ tổng thống

conghoa3

Sơ đồ 3 (BQV)


2. Chế độ Cộng hòa Đại nghị hay Đại Nghị Đơn chế (Parlement Moniste)

 

Chế độ Đại Nghị

 conghoa4

Sơ đồ 4 (BQV)


Chế độ Cộng hòa Đại nghị ra đời do tâm thức khắc phục nhược điểm của thể chế Tổng thống theo khuôn mẫu Hoa Kỳ và lấy cảm hứng từ sự kế thưà di sản của chế độ Quân chủ Lập hiến đang áp dụng tại Vương quốc Anh và các quốc gia trong khối cộng đồng thịnh vượng chung, thuộc Liên Hiệp Anh. Nó gần như giữ nguyên các cơ chế quyền lực theo nguyên tắc tuyệt đối hóa quyền lực cơ quan lập pháp, tức là của Quốc hội.

Quốc hội, thông thường có cấu tạo Lưỡng viện.
 Hạ viện bao gồm những đại biểu do cử tri toàn quốc bầu theo chế độ phổ thông trực tiếp, bỏ phiếu kín. Số đại biểu được tính theo số dân chúng, thông thường một đại biểu cho 200.000-500.000 người.

Ở các nước dân chủ đa đảng, số ghế của Hạ Viện được phân phối theo nguyên tắc tỷ lệ. các đảng chính trị có số ghế trong Hạ viện tỷ lệ với số phiếu giành được qua bầu cử. Nguyên tắc này đảm bảo mọi tổ chức chính trị đều có tiếng nói trong quốc hội, phản ánh trung thành và rộng rãi nhất ý nguyện của mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội.

Tuy nhiên, để chế áp xu thế tầm thường hóa cơ quan Lập pháp, kiểm soát chất lượng của Luật Pháp, sau khi thông qua Hạ Viện, trước khi trình tổng thống phê chuẩn, các Luật hay bộ Luật bắt buộc phải được thông qua Thượng Viện.

Thượng Viện bao gồm các đại biểu được chia đều cho mỗi địa phương bất kể số dân của từng địa phương đó. Thành viên Thượng viện, gọi là thượng nghị sĩ là những cá nhân ưu tú nhất của mỗi địa phương, cả về năng lực trí tuệ, năng lực xã hội và phẩm chất nhân cách. Thượng Viện có vai trò cân bằng Quốc hội, đảm bảo tính ổn định của Pháp Luật.

Tổng thống do Quốc hội bầu ra là Nguyên thủ quốc gia, đại diện cho chủ quyền và hệ thống giá trị quốc gia, nhưng chỉ mang tính biểu tượng, không có một quyền lực hành pháp cụ thể và trực tiếp nào. Danh nghỉa bổ nhiệm, hay bãi nhiệm Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ, nhưng thực chất chỉ đơn thuần là phê chuẩn đề xuất qua kết quả bầu cử của Quốc hội.

Quốc hội bầu ra và bãi miễn Thủ tướng chính phủ, trực tiếp bỏ phiếu phê chuẩn hay bãi mịễn các chức danh trong nội các chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng. Sẽ có hai trường hợp có thể xảy ra.

Trường hợp thứ nhất, khi không thuộc đảng có đa số trong quốc hội, vị trí Thủ tướng luôn chịu áp lực rất lớn từ phía Quốc hội. Chỉ một chính sách thiếu hiệu quả, hoặc gây các phản ứng tiêu cực trong xã hội, Thủ tướng có thể bị Quốc hội phế truất và có thể kéo theo toàn bộ nội các. Trong trường hợp này, Chính phủ là một cơ chế yếu và kém hiệu quả, có thể bị Quốc hội làm tê liệt trong một thời gian dài, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và sinh hoạt xã hội. Mặt khác, Thủ tướng do quốc hội bầu ra có thể thuộc đảng chính trị ít uy tín và thiếu một chương trình cụ thể, gây tranh cãi và thiếu bền vững của các chính sách, nguyên nhân của việc phải thay đổi liên tục Thủ tướng và thành viên chính phủ, gây ra hủng hoảng chính trị nhiều khi trầm trọng.

Trường hợp thứ hai, khi Thủ tướng thuộc đảng có đa số, nhất là đa số tuyệt đối trong Quốc hội, thì ngược lại, Quốc hội không còn vai trò gì đối với Chính phủ. Nếu Thủ tướng đồng thời là thủ lĩnh của đảng đa số, thì chế độ rơi trở lại vào chế độ Tổng thống. Mọi quyền lực nằm trong tay Thủ tướng, và không một cơ chế nào kiểm soát. Thủ tướng có thể giải tán quốc hội, và bãi miễn Tổng thống, bằng cơ chế đa số. Thủ tướng, dù trong trường hợp này nắm trong tay tuyệt đối quyền hành pháp, nhưng vì không phải là tổng thống, nên về trên nguyên tắc và theo thông lệ Hiến pháp, không chiụ trách nhiệm đối với Chủ quyền quốc gia và Hệ thống gía trị quốc gia, vì vậy tiềm ẩn các nguy cơ vi phạm hiến pháp, lạm quyền và tha hóa, nguy hại tới an ninh quốc gia và ổn định trật tự xã hội.

Các quốc gia theo thể chế Đại Nghị có thể kể ra hiện nay gồm các quốc gia Quân chủ Lập hiến thuộc liên hiệp Anh, Vương quốc Bỉ, Đan mạch, Hà Lan, Canađa, Úc, Nhật, các quốc gia cộng hòa đại nghị như Đức, Áo, Italie, Cộng Hòa Séc, Phần Lan, Island, Hy Lạp, Ấn Độ, Liban. 

Có thể thấy, chế độ Đại nghị, từ mong muốn khắc phục nhược điểm siêu quyền lực của cá nhân tổng thống, đến lượt mình, lại rơi vào việc tạo ra siêu quyền lực cho Quốc hội, vừa vô hiệu hóa, làm tê liệt chính phủ trong  kịch bản Thủ tướng không có đa sô, ́vừa có nguy cơ  tạo ra siêu Thủ tướng trong kịch bản ngược lại.

3. Chế độ Bán Tổng thống - Bán Đại nghị hay Đại nghị lưỡng chế (Parlement Dualiste)

 

Chế độ Bán Đại nghị

 conghoa5

Sơ đồ 5 (BQV)

Thể chế chính trị Bán Tổng thống hay Bán Đại nghị ra đời tại Pháp, là kết quả lai ghép giữa hai thể chế Tổng thống và Đại nghị, có tính cực đoan rất ro, ̃ bắt đầu bằng hiến pháp 1958, được tăng cường và chính thức vận hành năm 1962 khi Tổng thống Pháp được bầu trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu.

Sự ra đời thể chế này, chiụ sự tác động rất cơ bản của chính Tổng thống Charles De Gaulle, người rất hiểu Nghị viện Anh đã lũng đoạn Chính phủ như thế nào, nhưng lại nghi ngờ tính dân chủ mà chế độ Tổng thống của Hoa Kỳ trao quá nhiều quyền lực vào tay cá nhân tổng thống.

Năm 1964 Tổng thống Charles de Gaulle xác định vai trò của Tổng thống và Thủ tướng như sau : "Ở nước ta, tổng thống và Thủ tướng không phải cùng một người là chuyện bình thường. Đúng là người ta khó có thể chấp nhận hai đầu lĩnh trên thượng đỉnh, nhưng, đúng thế, không hề có gì như vậy. Tổng thống là người duy nhất đại diện chủ quyền quốc gia, nhưng, tính chính xác, tính bản chất, tầm rộng lớn, tính kéo dài của các nhiệm vụ kéo theo sự căng thẳng không thể buông lỏng và không có giới hạn, bởi tình hình, bởi chính sách, bởi quốc hội, bởi kinh tế, bởi hành chính công vụ. Đối lại, đó là bổn phận vừa phức tạp, xứng đáng vừa căn bản của Thủ tướng".

Sau này, được hoàn chỉnh bằng hiến pháp 1968, thể chế Bán Tổng thống được khẳng định ở Pháp với tham vọng cân bằng quyền lực giữa các thiết chế công quyền của nhà nước, tránh dẫm lại vết chân của hai loại hình thể chế Tổng thống và Đại nghị truyền thống.

Lập pháp và Hành pháp là hai cơ quan đều do dân bầu trực tiếp, vì vậy có tư cách pháp nhân ngang nhau và độc lập với nhau. Nghĩa là Quốc hội không có quyền bãi miễn Tổng thống, nhưng laị có quyền bầu ra và bãi miễn Thủ tướng chính phủ, là cơ quan hành pháp song song làm đối trọng và phân tán quyền lực của Tổng thống. Ngược lại, mặc dù Tổng thống không có quyền giải tán Quốc hội, không có quyền bãi miễn Thủ tướng và giải tán Chính phủ, nhưng Tổng thống cũng không chiụ trách nhiệm chính trị trước Quốc hội, nghĩa là không có trách nhiệm phải giải trình các hoạt động trong phạm vi quyền hạn của Tổng thống phù hợp hiến pháp.

Trong chế độ Bán Đại nghị, hay còn gọi là Đại Nghị Lưỡng chê ́(parlement dualiste), Tổng thống giữ vai trò Nguyên thủ quốc gia, đại diện chủ quyền quốc gia, quyết định các chính sách của Chính phủ về mặt Ngoại giao và Quốc phòng. Tổng thống đảm bảo tính liên tục của Quốc gia, là người đảm bảo lợi ích chiến lược của quốc gia.  Đồng thời, Tổng thống là người đại diện tối cao của hệ thống quyền con người và quyền công dân, quản chế và ngăn chặn các hành vi lạm quyền của Chính phủ.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu ra theo nguyên tắc đa số tuyệt đối. Thông thường, Chính phủ do đảng chính trị hay liên minh các đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội thành lập. Thủ tướng thường đồng thời được bầu bởi đảng đa số hay đảng ưu thế trong liên minh đa số. Vì luôn là lực lượng chiếm đa số ghế trong Quốc hội, nên trên thực tế, Quốc hội nằm trong tay Thủ tướng.

Chế độ lưỡng đầu chế này có tác dụng vừa san bớt quyền lực của tổng thống vừa khống chế quyền lực của Quốc hội, nhưng đồng thời làm giảm tính hiệu quả của các thiết chế thực thi pháp luật và khả năng thích ứng hoàn cảnh của các chính sách kinh tế, chính trị và xã hội.

Tổng thống có thể không thuộc đảng phái nào, nhưng trên thực tế, nếu không thuộc một đảng chính trị nhất định, cá nhân ứng viên thường không đủ khả năng tiến hành vận động, và ít khả năng đọat đủ phiếu bầu.
Ở chế độ Bán Đại nghị, hay Đại Nghị lưỡng chế, hay còn gọi là chế độ Bán Tổng thống, có hai khả năng phải đối diện :

Một, là khi Tổng thống đồng thời là Thủ lĩnh của đảng chính trị chiếm đa số trong Quốc hội. Nói chung, điều này thường xảy ra trong nhiệm kỳ đầu, vì khi cử tri ủng hộ chương trình của Tổng thống , thì tiếp tục ủng hộ chương trình của cùng một đảng khi bầu Quốc hội. Trong trường hợp này, Thủ tướng thường do Tổng thống chỉ định vì Tổng thống thường là chủ tịch đảng. Ở đây có sự nhất quán giữa đường lối của Tồng thống với chính sách của Chính phủ. Cơ chế nhị nguyên của Hành pháp gần như không còn hiệu lực, thiết chế công quyền trở về gần với dạng Tổng thống chế. Các quyết định của Tổng thống trở nên có hiệu lực và Chính phủ làm việc có hiệu quả cao. Tuy nhiên, vì Hiến pháp quy định chính phủ chịu sự quản chế của Quốc hội, nên trên thực tê,́ các quyết định của Tổng thống không có tính độc đoán của thể chế Tổng thống.

Trong trường hợp thứ hai, khi Thủ tướng không cùng đảng chính trị với Tổng thống. Trường hợp này thường xảy ra khi trong nhiệm kỳ đầu, Tồng thống và Chính phủ hoạt động kém hiệu quả, không tạo đủ niềm tin của công chúng. Đa số của cử tri ủng hộ chương trình của đảng đối lập. tổng thống đứng đầu một đảng, trong khi Thủ tướng đứng đầu chính phủ thuộc đảng đối lập. Trong trường hợp này, điểm tích cực là với các chính sách mới, Chính phủ mới có khả năng ngăn chặn được kịp thời những sai phạm mắc phải trong các chính sách của Tổng thống và Chính phủ nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, vì không cùng hệ thống chính trị và không cùng chương trình, nên các chính sách thường gặp khó khăn trong việc thực thi. Lưỡng đầu quyền lực, tổng thống và Thủ tướng thường khống chế, cản trở lẫn nhau.
Chế độ Bán tổng thống có tác dụng ngăn chặn sự quá đà dẫn đến chuyên chế của Tổng thống vừa có khả năng ngăn chặn xu hướng siêu quyền lực của Quốc hội, dễ gây ra tình trạng lũng đọan pháp luật hoặc ngược lại tha hóa phẩm chất pháp luật.

Nếu Tổng thống thực sự có năng lực và chương trình kinh tế xã hội thực sự có kết quả, thì nhiệm kỳ tiếp theo, chính phủ và tổng thống tiếp tục thuộc cùng đảng đa số Quốc hội, có được tính nhất quán, tạo sự năng động và hiệu quả. Lúc này, Nhà nước có mô hình hoạt động gần với chế độ Tổng thống.

Ngược lại, nếu trong nhiệm kỳ đầu, năng lực và sai phạm trong các chính sách đã thể hiện rõ, thì ngay lập tức tình trạng đó được ngăn chặn và khắc phục bằng một Quốc hội có đa số thuộc đảng chính trị đối lập. Người điều hành chính phủ thuộc đảng phái khác, thực thi các chính sách kinh tế xã hội khác dưới sự ủng hộ bảo trợ của Quốc hội. Vai trò Tổng thống lui về chức năng trọng tài và bảo đảm các giá trị quốc gia phù hợp Hiến pháp, giống như trong chế độ Đại nghị truyền thống.

Chế độ Bán Tổng thống có kết cấu gần nhất với các đặc trưng cần có của một nhà nước dân chủ Đa nguyên. Tương ứng với hai chức năng chính của nhà nước là Đại diện Chủ quyền quốc gia và hệ thống giá trị quốc gia là Tổng thống và Đại diện lực lượng chính trị tiến bộ năng động, đáp ứng đòi hỏi tình huống là Thủ tướng chính phủ. Tổng thống có tính bền vững hơn, với nhiệm kỳ có thể dài hơn, trong khi Chính phủ có thể luân phiên giữa các đảng phái chính trị khác nhau trong một chế độ đa nguyên chính trị.

***

Trong các phân tích trên đây, có thể rút ra một nhận xét rằng, với ba loại hình đặc trưng hiện nay về kết cấu thể chế, mỗi kiểu mẫu đều có những ưu khuyết điểm nhiều ít khác nhau, không có mô hình nào có ưu thế vượt trội khuynh loát. Vì vậy, việc quyết định lựa chọn mô hình này hay mô hình khác có lẽ sẽ phải cân nhắc chủ yếu dựa trên các điều kiện đặc trưng về lịch sử, về văn hóa, các đặc điểm phương pháp tư duy và các đặc tính tập quán sinh hoạt của cộng đồng mỗi dân tộc.

Tuy nhiên, cần chú ý một điều đặc biệt khi quan sát các sơ đồ thể chế trên đây, có một quy luật được thể hiện rất rõ, rằng, chỉ ở chế độ Quân chủ, cả Tuyệt đối lẫn Lập hiến, quyền lực phát ra từ Vua và Quốc hội, theo một chiều duy nhất từ trên xuống, còn lại, ở các thể chế Cộng hòa, quyền lực xuất phát từ Dân chúng, từ dưới lên, rồi mới quay lại tác động vào Dân, từ trên xuống. Đặc biệt với các chế độ Dân chủ thì Cử tri là cơ chế quyền lực cao nhất, trên cùng. Điều 21-3 của Tuyên ngôn phổ cập nhân quyền quốc tế do Liên Hợp quốc tuyên bố năm 1948, có nói "Ý chí của dân chúng là nền tảng của mọi quyền lực".

Mọi thể chế có kết cấu khác đều không được phép tự nhận là Dân chủ. Chế độ độc đảng cộng sản hiện nay tại Việt Nam là chế độ có hệ thống quyền lực từ trên xuống. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nói "Hiến pháp là thể chế hóa cương lĩnh của đảng", lại vừa kêu "Dân chủ đến thế là cùng"!. Với những cái đầu có não trạng như vậy, ít người đủ tri thức để mất thì giờ tranh luận với họ. Có thứ Dân chủ nào mà cơ quan quyền lực cao nhất lại không phải là Cử tri không? Chỉ có thứ dân chủ nằm trong túi nhà Độc tài. Có loại độc tài công khai, có loại độc tài giấu mặt.

Paris, 25/01/2017

Bùi Quang Vơm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Quang Vơm
Read 3507 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)