Vài tuần trước, Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức trọng thể 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga. Dẫu vẫn có những bài viết tuyên truyền, những khẩu hiệu về tinh thần Quốc tế vô sản, niềm tin vào "xã hội chủ nghĩa" xuất hiện trên báo đài hay một vài bích trương, áp phích trên đường phố nhưng không ai phủ nhận bầu không khí hết sức ảm đạm và thờ ơ của người Việt.
Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức trọng thể 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga
Nhiều người quan tâm đến chuyện chính trị, xã hội thì bàn tán về APEC, một sự kiện rất quan trọng với Việt Nam chỉ vài ngày sau đó. Tại sao Đảng cộng sản Việt Nam lại tổ chức sự kiện này khi chính nước Nga, quê hương của Cách mạng tháng 10, đã khước từ nó ? Các quan thầy Trung Quốc cũng không tổ chức nó mà dành thời gian để tìm hiểu tư tưởng Tập Cận Bình. Chuyện gì đang diễn ra với Đảng cộng sản Việt Nam ?
Có nhiều ý kiến cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức Cách mạng tháng 10 Nga vì giới chóp bu lãnh đạo của họ vẫn tin tưởng vào tư tưởng Mác-Lênin và vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước trên mọi địa hạt. Có thật là như vậy không ?
Tôi có thể phần nào chia sẻ ý kiến này nếu như chúng ta đang sống ở những giai đoạn 1950 hay sau năm 1975. Tâm lý tự mãn và sự thui chột tri thức đã khiến những người lãnh đạo cộng sản thế hệ trước hành động với một niềm tin vào những ông "Tây râu", ông Mao, ông Stalin một cách nồng nhiệt...
Tố Hữu, một nhà thơ cung đình của chế độ, đã xưng tụng Stalin trong "Bài ca tháng 10" như sau :
Hoan hô Stalin
Đời đời cây đại thụ
Rợp bóng mát hòa bình
Đứng đầu sóng ngọn gió…
Nhưng hình ảnh các lãnh đạo cộng sản Việt Nam chóp bu đứng nghiêm trang như những hình nộm trong buổi lễ kỉ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga gần đây không phải vì do họ còn tin vào chủ nghĩa Mác Lênin nữa, chắc chắn họ không còn là những apprachik ! (Theo tiếng Nga : Công chức trung thành của bộ máy quan liêu, toàn tâm toàn ý phục vụ bộ máy, bất chấp sự thật và chân lý).
Chính ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói không biết đến hết thế kỉ này có đi đến được chủ nghĩa xã hội hay không.
Tôi bất giác nhớ lại một câu đố vui trong hồi kí Mặt Thật của Bùi Tín. Người ta đố nhau rằng : Gần đây trong lịch sử cái gì dài nhất và cái gì ngắn nhất ? Thì ra dài nhất là con đường đi tới chủ nghĩa xã hội và ngắn nhất là lịch sử của chính chủ nghĩa xã hội ! Câu nói của ông tổng Trọng thể hiện một tâm lý tuyệt vọng về mặt tư tưởng.
Không còn ai tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin nữa. Trên thực tế, Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại chỉ còn là một hư cấu, nó đã chết từ lâu. Nhiều người có thể nghi hoặc câu nói của tôi khi đối chiếu với việc gia tăng đàn áp trong lòng xã hội Việt Nam gần đây. Đúng vậy, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn đó như một thách thức đối với dân tộc Việt Nam. Nhưng nó đàn áp hay một thế lực nào đó nhân danh nó để đàn áp ? Một người chết lâm sàng có thể vẫn còn thở, tim vẫn còn đập nhưng bộ óc đã ngưng hoạt động, không tri giác và không còn phản ứng với thế giới bên ngoài. Đó là đối với một con người.
Đảng cộng sản là tổ chức và một chính đảng, cái chết của nó là cái chết của một chính đảng. Một tổ chức là sự kết hợp giữa những con người cùng theo đuổi một mục tiêu chung với cùng một phương thức. Đồng thuận về mục tiêu và phương thức hành động là sức sống của một tổ chức. Khi đồng thuận không còn, dù vì người ta không đồng ý trên những mục tiêu hay vì không đồng ý trên cách hành động để đạt mục tiêu, thì tổ chức đã chết, ngay cả khi chưa tự giải tán.
Một chính đảng là một tổ chức chính trị. Nó sống và chết như một tổ chức, chỉ khác một điều là đồng thuận của nó khó hơn vì mục tiêu của nó cao cả hơn và hành động của nó ảnh hưởng tới cả một dân tộc. Kinh nghiệm của mọi quốc gia đã chứng tỏ rằng một chính đảng chỉ có thể xây dựng và giữ gìn được nếu được quan niệm như một kết hợp để thể hiện một tư tưởng chính trị và để thực hiện một dự án chính trị. Khi không còn chức năng đó nó không còn lý do tồn tại và số phận chờ đợi nó là một cái chết chắc chắn.
Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ còn là một hư cấu. Nó chỉ là sự kết hợp của những phe nhóm, tập đoàn vì lợi ích cướp bóc. Các lãnh đạo cộng sản hiện tại không hẳn là hạng hoàn toàn ngu dốt. Ngược lại, họ là những thủ lãnh cơ hội đứng đầu những phe, nhóm khác nhau, nhân danh một lý tưởng mà họ không còn tin để tiếp tục thống trị nhân dân Việt Nam một cách dã man. Nhìn vào chế độ cộng sản, tôi nghĩ rằng trong những thời khắc quyết định của dân tộc, những người lãnh đạo cộng sản chỉ biết đặt lợi ích của bản thân họ lên trên lợi ích dân tộc. Họ vẫn là một học trò của quan thầy Trung Quốc. Vì sao ?
Chế độ cộng sản Trung Quốc đang phơi bày những thử thách quá nghiêm trọng trong khi nội bộ lại phân hóa vì tham nhũng và bất tài của những người lãnh đạo. Như một logic tự nhiên, để đương đầu với những thử thách đó và tiếp tục tồn tại, Đảng cộng sản Trung Quốc cần một chính quyền ổn vững để thống nhất trong những quyết định lớn, một lãnh tụ toàn quyền và không thể bị phản bác. Tập Cận Bình là một kết quả của logic đó. Không phải ông ấy đã chứng tỏ bản lĩnh, mà chỉ là Đảng cộng sản Trung Quốc đang trong tình trạng nguy ngập và không nhìn thấy lối thoát nào khác ngoài xiết lại để tự vệ. Lịch sử Trung Quốc cũng đã chứng tỏ rằng sự thống nhất của Trung Quốc chỉ được duy trì bằng bạo lực và sự thống trị từ trung ương. Một quốc gia như vậy không thể tồn tại trong thế giới ngày nay. Đảng cộng sản Trung Quốc là sợi dây duy nhất ràng buộc các tỉnh với nhau, qua đại hội 19 này nó vừa lấy một quyết định rất phiêu lưu là dành toàn quyền để trấn áp những khuynh hướng ly khai ngày càng nhiều và càng mạnh.
Đảng cộng sản Việt Nam cũng muốn học theo Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng họ vẫn mãi chỉ là anh học trò không thuộc bài vở. Không có phe nhóm nào đủ mạnh để nắm quyền hòng đưa ra một nhân vật như Tập Cận Bình cả. Kết quả là họ vẫn phải gượng gạo soạn lại một chất keo đã hết hạn là tư tưởng Mác Lênin nhằm hy vọng duy trì sự đoàn kết trong nội bộ và trước nhân dân.
Trong những năm đầu thập niên 1990, chúng ta thường thấy hình ảnh đám trẻ con chạy theo cái xe bán keo dính chuột, bẫy chuột của một anh đội mũ cối. Tụi nhỏ chạy theo không phải chúng tin hay thích thú, mà chỉ vì lời rao ngô nghê đến phì cười :
"Trung tâm ứng dụng công nghệ hóa màu vừa cho ra đời loại keo, xin giới thiệu với bà con, cô bác, anh chị...một sản phẩm tiêu diệt chuột, ruồi muỗi, kiến và gián nhanh nhất, hiệu quả nhất, mà không có một loại sản phẩm nào so sánh được...đó là keo dính chuột. Keo dính chuột không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường...đặc biệt có thể tái sử dụng nhiều lần. Ngoài ra có thể diệt được các loại côn trùng khác. Mọi chi tiết được in trên vỏ hộp…".
Bây giờ không còn ai đi bán keo dính chuột nữa vì nó độc hại, nó ô nhiễm, quảng cáo sai sự thật và nó láo lếu. Người dân tìm mua những phương thức an toàn hơn, và người bán cũng kiếm nghề khác để làm.
Vậy quay lại với Đảng cộng sản Việt Nam, khi họ không còn một tư tưởng đồng thuận và một dự án chính trị để kết hợp với nhau, liệu họ có thể duy trì bằng lợi ích không ? Hoàn toàn không thể ! Một chính đảng luôn cần những phương tiện cần thiết để thực hiện mục tiêu chứ không thể có quyền lợi riêng, bởi vì về bản chất nó là một môi trường để hy sinh và đóng góp chứ không phải để thụ hưởng. Thực trạng xã hội là như vậy và nó đặt ra một câu hỏi hết sức nhức nhối với những người Việt Nam yêu nước.
Tại sao một cái Đảng đã chết đứng, mất hết nội dung và chỉ còn là một hư cấu về tính chính đáng vẫn ngang nhiên thống trị đất nước và đẩy tất cả mọi người vào ngõ cụt.
Tại sao vậy ?
Câu trả lời chỉ có thể là vì phong trào dân chủ Việt Nam vẫn chưa mạnh để kéo cái xác đó đi chôn. Mỗi người yêu nước cần hiểu rằng đấu tranh chính trị luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức.
Trí thức Việt Nam cần đào sâu hơn nữa vào tư tưởng. Trong đà tiến của dân chủ, sẽ luôn có những ý kiến phản bác lại những giá trị về dân chủ và nhân quyền, chúng ta cần giải thích rõ ràng trước những phản bác yếu ớt đó.
Khi tất cả mọi người đều đồng ý với nhau về những đồng thuận nền tảng và kết hợp lại với nhau thành một chính đảng đối lập đủ mạnh để động viên quần chúng, nhất định thắng lợi dân chủ sẽ đến.
Việt Dân
(25/11/2017)