Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/01/2018

Thế giới 2017 và những bài học cho Việt Nam !

Trần Hùng

2017, một năm đầy biến động vừa trôi qua. Từ việc Trump nhận chức tổng thống Mỹ và sự thoái lui của Mỹ khỏi bàn cờ chính trị thế giới cho tới việc Catalonia đòi li khai khỏi Tây Ban Nha, Venezuela vỡ nợ hay sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) báo hiệu một thời kỳ mới cho Trung Đông và cũng là cho cả thế giới.

1A_15598

Sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) báo hiệu một thời kỳ mới cho Trung Đông và cũng là cho cả thế giới.

Thật sai lầm nếu không rút ra được bài học gì từ những sự kiện này cho tương lai của đất nước chúng ta. Tiên liệu là khả năng quan trọng nhất trong chính trị, dự đoán được những nguy cơ mà đất nước có thể gặp phải sẽ giúp chúng ta tìm ra giải pháp để tránh được những nguy cơ đó trong tương lai.

Vậy chúng ta học được gì từ những sự kiện trong năm vừa qua ?

1. Venezuela : kinh tế sụp đổ không đưa đến dân chủ

Một ngộ nhận tai hại của rất nhiều người Việt Nam hiện tại là cho rằng khi chế độ cộng sản sụp đổ về kinh tế thì sẽ dẫn tới khủng hoảng về chính trị và rồi dân chủ tự nhiên sẽ đến. Nhận định này không chỉ sai mà còn rất tai hại vì nó làm tê liệt phong trào dân chủ, họ không làm gì ngoài việc ngồi chờ chế độ cộng sản sụp đổ về kinh tế! Những nếu chỉ ngồi chờ thì dân chủ sẽ không bao giờ tới.

Venezuela là thí dụ điển hình cho việc này, mặc dù chế độ đã vỡ nợ, người dân phải nhặt rác để ăn, những cuộc biểu tình lên tới hàng triệu người… nhưng chế độ của  Maduro vẫn chưa sụp đổ, Venezuela đang dần biến thành một quốc gia vô chính phủ, tình trạng cướp bóc, giết người xảy ra khắp nơi nhưng dân chủ thì vẫn chưa thấy đâu.

Một thí dụ khác là ngay chính đất nước của chúng ta, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ trên khắp thế giới và kinh tế Việt Nam cũng rơi vào khủng hoảng với lạm phát lên tới hơn 400%. Nhưng chế độ cộng sản vẫn đứng vững. Tại sao ?

Nguyên nhân chính là mọi cuộc cách mạng đều do được khởi xướng bởi tầng lớp trí thức trung lưu, kể cả các cuộc cách mạng cộng sản lẫn các cuộc cách mạng dân chủ. Khủng hoảng kinh tế làm gia tăng tầng lớp nghèo khổ chứ không phải trí thức trung lưu, nó tạo ra thời cơ cho một cuộc cách mạng nhưng nếu tầng lớp trí thức không chịu khởi xướng nó thì sẽ chẳng có cuộc cách mạng nào cả. Lý do này đúng với cả Venezuela lẫn Việt Nam, tầng lớp trí thức đã không đảm nhiệm chức năng và trách nhiệm của mình là hướng dẫn quần chúng dẫn tới việc không hình thành được một lực lượng dân chủ nào lớn mạnh. Khi các chế độ độc tài suy yếu mà không có một lực lượng nào có tầm vóc để thay thế nó thì tình trạng vô chính phủ đến như là một hệ quả tất yếu.

Hiện nay Venezuela đang trong một tình trạng bi đát hơn Việt Nam nhiều, nó cho phép chúng ta có thể nhìn thấy trước tương lai của chính đất nước mình nếu như chúng ta không chuẩn bị được một lực lượng dân chủ lớn mạnh. Chế độ ngày càng suy yếu, nó sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu cho giáo dục, y tế, an sinh… tập trung mọi nguồn lực cho bộ máy an ninh và quân đội để gia tăng đàn áp. Dân tộc sẽ suy nhược toàn diện về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, phần lớn tài sản quốc gia sẽ bị tẩu tán, cướp bóc và buôn lậu sẽ xảy ra khắp nơi với sự tiếp tay của các quan chức địa phương, đất nước rơi vào tình trạng vô chính phủ, nguy cơ tan vỡ gần kề. 

Tình trạng đất nước đang nguy ngập nhưng không phải vô vọng. Một lớp trí thức mới đang nhập cuộc, họ đang tìm đến nhau, họ đã khám phá ra rằng đấu  tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân mà luôn luôn phải  là đấu tranh có tổ chức. Một lực lượng dân tộc mới đang hình thành và đã chuẩn bị những giải đáp cho tương lai của đất nước. Và nếu muốn đất nước tránh được tương lai đen tối như Venezuela thì ngay bây giờ mỗi người Việt Nam tranh đấu cho dân chủ hoặc là tìm đến hoặc là lên tiếng ủng hộ cho lực lượng dân tộc mới này.

2. Catalonia : hòa giải dân tộc là triết lý điều hành quốc gia

Một sự kiện khác cũng nóng bỏng trong năm vừa qua là sự việc Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha. Một chi tiết rất đáng được quan tâm là sự việc Catalonia đòi ly khai không phải là không thể dự đoán trước nhưng chính quyền Tây Ban Nha đã không làm gì để ngăn chặn nó. Chỉ đến khi sự việc đã quá nghiêm trọng chính quyền trung ương mới phản ứng bằng đàn áp và bằng việc phế truất chính quyền Catalonia. Tại sao ?

Nguyên nhân chính đến từ việc Tây Ban Nha có dân chủ muộn hơn các nước trong khu vực. Sau khi có dân chủ, họ dồn mọi cố gắng để phát triển kinh tế và bỏ quên những cuộc thảo luận về dân chủ và củng cố đồng thuận quốc gia. Từ đó dẫn tới hệ quả là một đất nước dân chủ nhưng các lãnh đạo vẫn mang phản xạ của chế độ độc tài. Chính quyền Tây Ban Nha đã từ chối đối thoại, họ đã không trả lời những kiến nghị của người dân và chính quyền Catalonia mặc dù những kiến nghị đó được hàng triệu người ủng hộ. Khi những nguyện vọng của mình bị khước từ hết lần này đến lần khác thì họ còn biết phản ứng gì ngoài việc đòi ly khai để gây áp lực buộc chính quyền Tân Ban Nha phải đối thoại ?

Quay lại Việt Nam, suốt hơn bốn thế kỷ trước chúng ta ngập chìm trong chiến tranh và chia rẽ, nhu cầu hòa giải và đối thoại của dân tộc ta cấp thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta phải hòa giải người Việt Nam với đất nước Việt Nam, giữa người Kinh với các dân tộc thiểu số, giữa người theo Thiên Chúa giáo với người theo Phật giáo, giữa tầng lớp trẻ với các thế hệ lão thành, giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài với đất nước... Phải hòa giải rồi mới tiến tới hòa hợp dân tộc để cùng nhau xây dựng một tương lai chung. Một đồng thuận dân tộc sẽ là sức mạnh giúp chúng ta xây dựng một Việt Nam dân chủ và đáng tự hào.

Một bài học khác mà chúng ta cũng cần lưu ý trong trường hợp của Catalonia là nếu muốn đất nước trở nên dân chủ và thịnh vượng thì cần những cấp lãnh đạo có trình độ văn hóa cao và tầm nhìn xa. Nếu các lãnh đạo Tây Ban Nha biết rằng đất nước cần hòa giải và đối thoại sau khi chế độ độc tài kết thúc thì mức độ phát triển của Tây Ban Nha đã rất khác hiện nay khi có đồng thuận dân tộc lớn. Nếu họ dự đoán được xu hướng ly khai sẽ mạnh lên thì họ đã khẳng định và đưa vào trong hiến pháp một điều luật rằng các vùng không được quyền tổ chức trung cầu dân ý liên quan đến chủ quyền và vấn đề Catalonia sẽ được giải quyết đơn giản hơn nhiều.

Với một đất nước kém phát triển như chúng ta thì trình độ của các lãnh đạo chính trị cần phải cao hơn nhiều so với Tây Ban Nha, về cả trí tuệ lẫn nhân cách. Những người tranh đấu cho dân chủ hiện nay phải đập tan một ngộ nhận rằng làm chính trị mà không cần phải học.

Chính trị là một môn học rất phức tạp, nó là tổng hòa của rất nhiều bộ môn. Sự việc nhiều người "làm chính trị" xem thường kiến thức chính trị đã dẫn tới việc đất nước chỉ có những lãnh đạo rất tồi dở trong quá khứ và đi theo những lãnh đạo kém cỏi đó là sự nghèo khổ, chiến tranh và tụt hậu. Chúng ta phải đoạn tuyệt với quá khứ đen tối đó. Làm chính trị là phải học và cái cần học đầu tiên là đấu tranh chính thị luôn luôn là đấu tranh có tổ chức chứ không phải cá nhân.

3. Trump, Mugabe : dân chủ phải nói không với chế độ tổng thống

Sự việc Donald Trump nhận chức tổng thống Mỹ vào đầu năm 2017 với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" đã tạo ra cơn địa chấn cho nền chính trị toàn cầu. Mỹ rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris sau đó, Mỹ hòa hoãn với các chế độ độc tài tại Nga, Trung Quốc, Việt Nam… Không chỉ chối bỏ trách nhiệm của một siêu cường với nhân loại, nước Mỹ dưới thời của Trump còn từ bỏ việc chuyên chở các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền vốn là nền tảng cho xã hội Mỹ. Không chỉ thế Trump còn gây ra hỗn loạn tại Trung Đông khi công nhận Jerusalem là thủ đô nhà nước Do Thái. Vị thế của nước Mỹ đang suy yếu đi thay vì mạnh lên như những phát biểu mị dân của Trump. Một câu hỏi lớn đặt ra là tại sao một siêu cường như nước Mỹ lại có một lãnh đạo tồi dở như thế ?

Một tổng thống khác cũng để lại tiếng vang không kém trong năm qua là Robert Mugabe - cựu tổng thống của Zimbabwe. Ông đã góp phần chính trong việc đưa Zimbabwe từ một trong những nước khá giả nhất Châu Phi trở thành nước nghèo khổ nhất thế giới. Và chỉ buộc phải chuyển giao quyền lực khi đã 93 tuổi sau một cuộc đảo chính quân sự. Một chính quyền rất rất dở được thay bằng một chính quyền cũng sẽ rất dở trong cuộc đảo chính này. Nhưng tại sao chỉ một con người lại có thể phá hoại cả đất nước tới như thế ? Vấn đề nằm ở đâu ?

Hai câu hỏi nhưng có cùng một câu trả lời - vấn đề nằm ở chế độ tổng thống. Mô hình tổng thống bầu một người thay vì một chính đảng, nó đưa những nhà lãnh đạo giỏi mị dân thay vì những chính đảng với các dự án chính trị nghiêm túc lên nắm quyền. Với Obama là "Yes, we can" (Chúng ta có thể) - khẩu hiệu này không giúp gì cho những vấn đề mà nước Mỹ phải giải quyết, Mỹ triệt thoái nhanh chóng khỏi Trung Đông dẫn tới sự hình thành của đế chế Hồi giáo tự xưng (IS) và làn sóng tị nạn lớn gây ra cái chết  của hàng trăm ngàn người, chính quyền Obama phải chịu trách nhiệm cho sự việc này. Với Trump là "Make America Great Again" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và hệ quả là chúng ta đều đã thấy ! Nếu một chính đảng có dự án chính trị nắm quyền quân sự và ngoại giao thì nước Mỹ và cả thế giới hiện nay đều đã rất khác.

Một hạn chế khác của chế độ tổng thống là nó dành cho một người quá nhiều quyền lực trong thời gian dài, với một nước chưa có truyền thống dân chủ nó rất dễ dẫn đến độc tài, Mugabe là thí dụ điển hình. Không có gì ngạc nhiên khi mà chế độ tổng thống đã thất bại trên khắp thế giới, với nước Mỹ - phần lớn các tổng thống đã thất bại trong những lĩnh vực mà họ nắm quyền chi phối - quân sự và ngoại giao.

Cả hai hạn chế trên chúng ta đều dễ dàng khắc phục được trong chế độ đại nghị. Trong chế độ này người dân bầu ra quốc hội và các chính đảng với những dự án chính trị nghiêm túc sẽ nắm quyền ở quốc hội rồi bầu ra thủ tướng. Nó vừa tạo điều kiện cho những tổ chức với những cố gắng nghiêm túc lên nắm quyền vừa cho phép quốc hội thay thế thủ tướng một các dễ dàng hơn (so với các chế độ tổng thống) và giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới. Mô hình này đã thành công ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, nó chính là mô hình mà chúng ta lựa chọn trong tương lai cho Việt Nam.

4. IS sụp đổ : sự tất thắng của dân chủ

Một sự kiện mang tính lịch sử cũng diễn ra trong năm qua, đó chính là sào huyệt cuối cùng của IS đã bị tiêu diệt, kể từ đây "giấc mơ" xây dựng nên một vương triều Hồi giáo chính thức chấm dứt, Hồi giáo sẽ phải tách biệt với chính trị để trở về đúng với vị thế của một tôn giáo. Sự kiện này sẽ mở đường cho các nước tại Trung Đông chuyển hóa rất nhanh về dân chủ.

Làn sóng dân chủ thứ tư gần như đã hoàn thành xong, mục tiêu đầu tiên của các phong trào dân chủ Hồi giáo là đưa Hồi giáo ra khỏi chính trị, làn sóng dân chủ này sẽ tiếp tục mạnh lên và chỉ kết thúc sau khi đã kết liễu những chế độ độc tài cuối cùng. Tại Nga, chính quyền Putin đã kiệt quệ sau cuộc phiêu lưu tại Syria và buộc phải rút quân khỏi đây, cuộc cách mạng năng lượng sạch đang dần đánh gục nền kinh tế Nga, chính quyền Putin rồi sẽ chấp nhận hoặc chuyển hóa về dân chủ hoặc sụp đổ.

Tại Trung Quốc, chính quyền Tập Cần Bình đang ngập trong núi nợ hơn 200% GDP, sự chênh lệch mức sống giữa các vùng miền, các tầng lớp người dân, sự ô nhiễm nguồn nước, không khí… đều đang ngày càng trầm trọng, Trung Quốc đang dần chín muồi cho một cuộc cách mạng... Các chế độ độc tài khác trên khắp thế giới đều đã rã rượi, cạn kiệt về cả uy tín, trí tuệ, lòng tin và ý chí, sự sụp đổ trong tương lai gần là điều khó tránh khỏi.

5. Phải hành động vì một ngày mai cho một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng

Quay trở lại đất nước của chúng ta, chưa năm nào những bản án bất công lại được đưa ra nhiều như năm qua. Những bản án dành cho nhũng con người ưu tú nhất của dân tộc - những con người dám đấu tranh cho một Việt Nam tươi đẹp hơn, bất chấp cái giá phải trả là bị đàn áp và ngục tù. Họ là Mẹ Nấm, Nguyễn Thị Nga, Phan Kim Khánh, Nguyễn Văn Hóa, Hội Anh em dân chủ… những người bất chấp và thách thức ý muốn của đảng cộng sản muốn giam cầm cả dân tộc trong ngục tù của sợ hãi và bất lực.

Cái gì đang chờ đợi chúng ta trong năm 2018 ?

Lúc trời tối nhất cũng là lúc bình minh sắp rạng ngời. Con thú dữ sắp chết trở nên hung bạo hơn bao giờ hết. Chế độ gia tăng đàn áp vì nó đang tiến tới sự sụp đổ toàn diện, đầu tiên là ngân sách. Cắt giảm chi tiêu cho an ninh và quốc phòng đòi hỏi những bản án nặng nề hơn để đe dọa những người đấu tranh. Những người đang đấu tranh cho dân chủ không có bất cứ lý do gì để sợ chế độ này khi mà cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến đấu tất thắng. Chúng ta không chỉ chiến đấu cho một lý tưởng quảng đại mà còn góp phần xây dựng nên một tương lai mới cho dân tộc ta.

Một làn sóng dân chủ toàn cầu mới đang trào dâng. Chúng ta không có quyền bỏ lỡ vận hội này. Hãy tìm đến với nhau. Cùng nhau chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên của dân chủ và thịnh vượng.

Trần Hùng

(02/01/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hùng
Read 2497 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)