Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/01/2018

Đâu là lý do chính dẫn đến chiến dịch "đốt lò" của cụ Tổng ?

Việt Hoàng

Trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ xảy ra chuyện bắt một nhân vật là đương kim Ủy viên Bộ chính trị và truy tố vì tội tham nhũng như trường hợp ông Đinh La Thăng. Vụ ông Hoàng Văn Hoan (cũng là một ủy viên Bộ chính trị) bị tuyên án tử hình vắng mặt trước đây là một chuyện khác, chỉ liên quan đến chính trị vì ông Hoàng Văn Hoan là người thân Trung Quốc nên bị Lê Duẩn loại bỏ.

VIETNAM-POLITICS-CONGRESS

Đảng cộng sản tiến hành chiến dịch "chống tham nhũng" là để củng cố nội bộ đảng đang bị phân hóa mạnh mẽ.

Một loạt quan chức cao cấp Việt Nam bị cho vào "lò chống tham nhũng" của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (theo cách gọi ẩn dụ của báo chí lề đảng và chính ông Nguyễn Phú Trọng) như cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, bốn đời tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh (cựu phó chủ tịch Hậu Giang), Trầm Bê và hiện tại là đại gia bất động sản kiêm sĩ quan an ninh Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm)…

Quả thực là chiến dịch "đốt lửa, nhóm lò" để củi tươi hay củi khô đều phải cháy, tức là mọi quan chức tham nhũng đều bị trừng phạt của ông Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra một cách rất khẩn trương và tạo ra một cơn địa chấn thực sự tại Việt Nam. Không ai biết được là khi nào sẽ đến lượt mình vì một lẽ đơn giản : không có quan chức nào của Việt Nam là không tham nhũng.

Dư luận Việt Nam chia thành hai luồng ý kiến khác nhau, một bên ủng hộ và thích thú với chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng và ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam và một bên là hoài nghi, cho rằng đây chỉ là hành động thanh toán lẫn nhau giữa các phe nhóm lợi ích trong đảng.

Thật ra thì lý do có vẻ sâu xa hơn nhiều. Chúng ta đều biết mối ưu tư và quan tâm duy nhất của đảng cộng sản chỉ là làm sao kéo dài được sự cai trị và tồn tại của đảng chứ không phải ưu tư làm sao để đất nước phát triển hay người dân được tự do và hạnh phúc. Xuất phát từ ưu tư đó, đảng cộng sản tiến hành chiến dịch "chống tham nhũng" là để củng cố nội bộ đảng đang bị phân hóa mạnh mẽ.

Lý tưởng cộng sản hay chủ nghĩa Mác-Lênin đã chết từ lâu, ban lãnh đạo đảng chỉ dùng chúng để lừa bịp các đảng viên cấp thấp và những người dân thiếu hiểu biết. Mục đích của các đảng viên cao cấp là tìm mọi cách níu kéo quyền lực để vơ vét và trục lợi chứ không phải vì một lý tưởng tốt đẹp nào. Các bản báo cáo chính trị của các kỳ đại hội đảng không có gì mới mà chỉ thay đổi ngày tháng ghi trên đó. Đảng cộng sản không có một dự án chính trị nào cho đất nước và ngay cả một ảo tưởng về tương lai cũng không có.

dotlo2

Tình trạng "sứ quân" bùng phát và nở rộ khắp nơi nơi và đang có dấu hiệu mất kiểm soát.

Thực tế phũ phàng này dẫn đến việc hình thành và phát triển mạnh mẽ của các nhóm lợi ích, nhân danh lợi ích quốc gia để trục lợi và vơ vét rồi chuồn ra nước ngoài sinh sống.

Nhìn từ bên ngoài thì Việt Nam chỉ có một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền nhưng bên trong thì có rất nhiều nhóm lợi ích với cùng một mục tiêu là vơ vét và tham nhũng. Các nhóm lợi ích này đã lớn mạnh đến mức ban lãnh đạo đảng không còn kiểm soát được chúng. Tình trạng "sứ quân" bùng phát và nở rộ khắp nơi nơi và đang có dấu hiệu mất kiểm soát. Tập trung mọi quyền lực vào nhóm lợi ích trung ương là vấn đề cấp bách và quan trọng nhất hiện nay đối với đảng cộng sản Việt Nam.

Trước nguy cơ đảng cộng sản có thể tan vỡ vì các nhóm lợi ích, ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam lấy một quyết định sống còn là phải "đập chết" một nhóm lợi ích lớn nhất để dằn mặt các nhóm lợi ích khác và lập lại trật tự trong đảng. Nhóm lợi ích bị đem ra "làm thịt" đó chính là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhóm đàn em trong tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

dotlo3

Có rất nhiều nhóm lợi ích lớn mạnh đến mức ban lãnh đạo đảng không còn kiểm soát được chúng.

Vì sao lại là nhóm lợi ích Nguyễn Tấn Dũng ? Có lẽ những hậu quả nặng nề mà ông Nguyễn Tấn Dũng gây ra cho Việt Nam trong gần 20 năm cầm quyền thì ai ai cũng thấy rõ. Đập ông Dũng sẽ thỏa mãn cả ý đảng lẫn lòng dân. Thứ hai, ông Nguyễn Tấn Dũng là một đối thủ chính trị của đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được chọn cầm cờ trong chiến dịch này. Thứ ba, và có lẽ có tác động mạnh nhất là từ phía Trung Quốc. Nhiều người nghi ngờ có bàn tay của Trung Quốc trong chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của Việt Nam theo phiên bản Trung Quốc. Ông Đinh La Thăng là người duy nhất trong ban lãnh đạo đảng cộng sản đã chỉ thẳng mặt và chửi xối xả các nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Chúng ta đừng quên trường hợp ông tướng Trịnh Giang Long, Giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân, đã bị cho về hưu sớm khi đoạn video clip của ông bị phát tán ra ngoài, trong đoạn băng đó ông Long đã nói rõ dã tâm xâm lược Việt Nam của chính quyền Trung Quốc.

Một thắc mắc mà có lẽ nhiều người không hiểu lý do là vì sao một người nổi tiếng là "lú" như ông Nguyễn Phú Trọng lại có thể đánh bại mọi đối thủ trong đảng để trở thành người thâu tóm mọi quyền lực để trở thành nhân vật số một ? Ông Trọng có tài cán gì ? Thật ra thì ông Trọng vẫn "lú" như xưa, sỡ dĩ ông Trọng được chọn làm người cầm cờ là do nội bộ đảng cộng sản Việt Nam đang phân hóa mạnh mẽ và có khả năng sẽ tan vỡ. Trước tình cảnh hiểm nghèo đó ban lãnh đạo cộng sản phải lấy một quyết định khó khăn là chọn lấy một người có bộ mặt khá "sạch sẽ" để làm người cầm cờ. Có nghĩa là không phải do ông Trọng tài giỏi gì mà chỉ là do được chọn để làm nhân vật chính, là người có quyền hành để ra các quyết định quan trọng cuối cùng trong nội bộ đảng. Đảng cộng sản Việt Nam cũng như Đảng cộng sản Trung Quốc cần có một người nổi bật hẳn lên để lấy những quyết định sau cùng vì đã quá phân hóa.

dotlo4

Vì sao lại là nhóm lợi ích Nguyễn Tấn Dũng ?

Chiến dịch này sẽ đi về đâu ? Có lẽ không khó để nhận ra rằng thay vì ổn định được nội bộ thì chiến dịch này chỉ có tác dụng làm phân hóa và trầm trọng hơn nữa nội bộ đảng vốn đã quá phân hóa. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tan rã nhanh hơn. Các nhóm lợi ích sẽ liên kết và bảo vệ lẫn nhau để chống lại ông Nguyễn Phú Trọng. Các nhóm lợi ích tại Việt Nam có quan hệ chằng chịt và đan xen lẫn nhau. Đằng sau những người như Vũ Nhôm là cả một hệ thống cộng sinh. Hệ thống này không thể ngồi im chịu chết mà họ sẽ chống đối đến cùng để bảo vệ khối tài sản khổng lồ mà họ đã "tích cóp" được trong suốt cuộc đời. Lịch sử thế giới cho thấy chưa có một chế độ tham nhũng nào có thể tự sửa chữa để hết tham nhũng mà chỉ có thay thế chế độ đó bằng một chế độ mới.

Một dấu hiệu của sự hoảng loạn và tuyệt vọng trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam đó là sự gia tăng đàn áp những tiếng nói đối lập một cách hung bạo chưa từng có trong nhiều năm qua. Kể cả những người phụ nữ thân cô và con nhỏ như Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay chị Trần Thị Nga cũng phải nhận những bản án 9-10 năm tù giam. Một chế độ có chính nghĩa và tự tin không bao giờ hành động như vậy. Bất lực mới phải gia tăng bạo lực. Hành động này cũng phản ánh một điều là đảng cộng sản không hề quan tâm đến nhân quyền của người dân. Mọi tiếng nói ôn hòa đối lập đều bị đàn áp thẳng tay. Người dân Việt Nam không có lý do gì để mong chờ vào chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của ông Nguyễn Phú Trọng.

Một cơ hội cho phong trào dân chủ Việt Nam đó là nhiều đảng viên và trí thức trẻ trong đảng sẽ sớm nhận ra sự bế tắc của đảng và sẽ gia nhập vào phong trào dân chủ để tìm cho mình và gia đình một tương lai khác. Việc truyền bá những tư tưởng và các giải pháp chính trị của các tổ chức chính trị dân chủ đối lập nhằm thay thế cho giải pháp cộng sản cần được quan tâm và chia sẻ nhiều hơn. Chúng ta không nên lo lắng là Việt Nam không có dân chủ mà nên lo lắng là chúng ta đã chuẩn bị để đón nhận dân chủ hay chưa ?

Việt Hoàng

(5/1/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2047 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)