Mì ăn liền là một dạng mì sấy khô đóng gói, cho nước sôi vào vài phút là có thể ăn ngay. Ưu điểm của ‘mì ăn liền’ là rẻ, nhanh và tiện lợi dù chất lượng dinh dưỡng không cao. Việt Nam là một quốc gia luôn tự hào về truyền thống ẩm thực, nhất là ẩm thực đường phố, tuy vậy mỗi năm người dân Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 5 tỉ gói mì ăn liền. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng mì tôm tiêu thụ, với giá trị hơn 1 tỉ USD.
Mỗi năm người dân Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 5 tỉ gói mì ăn liền. Ảnh Cafebiz
Cuộc sống càng bận rộn thì nhu cầu dùng mì ăn liền càng lớn, hơn nữa các loại mì ăn liền luôn được các nhà sản xuất thay đổi và nâng cấp cho phù hợp với mọi tầng lớp. Các chế biến bằng cách cho thêm thịt, hải sản vào mì ăn liền cũng khiến chất lượng và khẩu vị món ăn dân dã này ngày càng thêm hấp dẫn. Bản thân tôi thỉnh thoảng mới dùng mì ăn liền vì chỉ 3-4 tiếng sau là đã thấy đói và do bạn bè khuyên nên hạn chế món này vì mì bị sấy quá kỹ nên bị khét và mất hết chất, nếu ăn phải chần qua nước sôi, đổ nước đó đi rồi hãy ăn…
Tôi không phải là một chuyên gia dinh dưỡng và ăn uống nên chỉ biết về mì ăn liền đến thế. Sỡ dĩ phải nhắc đến ‘mì ăn liền’ vì thấy nó liên quan mật thiết đến văn hóa người Việt chúng ta. Ông bà ta có câu tục ngữ đồng nghĩa với mì ăn liền là : ‘Ăn xổi, ở thì’. ‘Ăn xổi’ ở đây có nghĩa là ăn ngay, ăn luôn. ‘Ở thì’ có nghĩa là chỉ biết sống theo từng giai đoạn (thời gian) ngắn (thì) mà không cần nghĩ đến tương lai. Câu này có nghĩa chung là ‘chỉ tính và nghĩ đến chuyện tạm bợ trước mắt mà không suy tính đến chuyện lâu dài’.
Thiển cận, hời hợt, chỉ tính cái lợi nhỏ trước mắt mà không tính đến hậu quả trong tương lai là những tính cách khá phổ biến của người Việt chúng ta. Ví dụ thì vô vàn, một ví dụ, khi đánh bắt cá người nước ngoài thường dùng những loại lưới có kích cỡ đúng với loại cá đủ cân để bắt, những con cá nhỏ chừa lại lần sau bắt, còn ở Việt Nam thì nhiều người sẵn sàng dùng thuốc nổ để đánh cá, làm thế không chỉ hủy hoại môi trường mà còn tiêu diệt tất cả các sinh vật khác dù nhỏ hay lớn. Những người này không cần biết sau này sẽ đánh bắt cái gì, vì cá đâu còn để bắt.
Không chỉ người dân mà cả trí thức xã hội chủ nghĩa lẫn chính quyền cộng sản hiện nay cũng vậy, tất cả chỉ thích ‘ăn ngay và ăn luôn’. Bằng cấp thì đi mua khỏi cần học cho mất thời gian. Để tiến thân nhanh thì không ít người sẵn sàng đi bằng đầu gối. Quan chức chưa làm đã tính chuyện tham ô, tham nhũng, sẵn sàng vì mối lợi một đồng cho bản thân mà làm mất đi hàng trăm, hàng nghìn đồng của chung.
Chính quyền Việt Nam vì tham nhũng và muốn cho đầu tư nước ngoài vào làm ăn mà sẵn sàng bỏ qua mọi qui định về bảo vệ môi trường khiến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng nặng nề, Formosa là một ví dụ. Đảng cộng sản cũng thừa biết là chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Mác-Lê đã lỗi thời và lạc hậu nhưng vì quyền lợi của cá nhân mà họ sẵn sàng dùng bạo lực và nhà tù để khuất phục mọi tiếng nói trái chiều nhằm duy trì một thể chế chính trị lạc hậu nhất trên quả đất, còn tương lai đất nước và người dân Việt Nam mặc kệ…
Luồn lách cũng là một biểu hiện của văn hóa mì ăn liền của người Việt. Ai cũng muốn được việc mình mà sẵn sàng đạp lên đầu người khác để đi, có người chỉ vì một cuốc taxi hay xe ôm mà ra tay đoạt mạng người khác. Trong những ngày đầu năm thì hàng vạn người trên khắp đất nước đổ xô về các chùa chiền để xin lộc và cầu may trong đó không ít các quan chức và doanh nhân. Đây cũng là tâm lý ‘ăn xổi ở thì’, thay vì tin vào bản thân mình, vào công việc của mình thì họ muốn giàu nhanh, thành công ngay nên van vái cầu xin đủ các loại thánh thần. Những người thiếu hiểu biết và nghèo khổ thì chỉ biết trông mong vào các thế lực siêu nhiên vì bất an và tuyệt vọng còn những kẻ giàu có thì sẵn sàng bỏ ra một đống tiền để mua một xuất định cư ở nước ngoài, những kẻ có học thì sẵn sàng hùa với chính quyền để nói những điều dối trá, đổi trắng thay đen, bất chấp sự thật…
Tất cả đều "ở thì", sống ngày nào biết ngày ấy.
Không ai nghĩ đến chuyện làm thế nào để thay đổi hiện tại ngày hôm nay và chắc chắn càng không mấy ai nghĩ đến chuyện tương lai cho Việt Nam. Tất cả đều "ở thì", sống ngày nào biết ngày ấy.
Bây giờ tôi sẽ đề cập đến phong trào dân chủ Việt Nam, đây là những người được xem là dũng cảm và có trách nhiệm nhất của đất nước. Họ đã làm được gì trong 43 năm qua sau biến cố 30/4/1975 ? Thành công nổi bật nhất của họ là làm lố bịch tư tưởng cộng sản của chủ nghĩa Mác-Lê và làm xói mòn tính chính danh của đảng cộng sản. Nhiều người sẵn sàng thách thức và đương đầu với chính quyền dù phải chịu những bản án nặng nề… Tuy nhiên cái đích cuối cùng là thay đổi chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam thành một chế độ dân chủ vẫn còn rất xa vời.
Có thể nói rằng những sự hy sinh và dấn thân của anh chị em trong phong trào dân chủ Việt Nam thời gian qua đã làm thức tỉnh không ít người dân Việt Nam, ngày càng có nhiều người nhập cuộc và sẵn sàng thách thức chính quyền. Đa số trong số họ là dấn thân vì lương tâm và bị áp bức (như trường hợp bà Cấn Thị Thêu) chứ ít người trong họ tin là sẽ chiến thắng hay thay đổi được chế độ cộng sản. Chưa có ai trong số họ đưa ra được một lộ trình hay kịch bản để chiến thắng đảng cộng sản. Nhiều ‘ngôi sao dân chủ’, hay ‘ngôi sao FB’, sau một thời ‘oanh liệt’ đã bị hòa tan vào quần chúng hoặc quay về điểm xuất phát ban đầu. Họ không hiểu một điều căn bản rằng, đấu tranh chính trị luôn là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Thế giới gọi những người bị bỏ tù vì tranh đấu tại Việt Nam là ‘tù nhân lương tâm’ chứ không gọi ‘tù nhân chính trị’ là hoàn toàn đúng.
Thay đổi số phận của cả một dân tộc là một dự án vĩ đại và lớn lao vì dự án đó sai hay đúng sẽ ảnh hưởng lên gần 100 triệu con người. Dự án chính trị của đảng cộng sản Việt Nam khi cướp chính quyền hồi năm 1945 theo đường lối và tư tưởng Mác-Lênin đã không được giới trí thức Việt Nam lúc đó phân tích, bàn luận và định lượng để thấy cái sai, cái độc hại của nó nên Việt Nam mới tụt hậu và phải trả giá kinh khủng như ngày hôm nay.
Làm chính trị để thay đổi hoàn toàn thể chế chính trị và xây dựng lại một nước Việt Nam mới, khác hoàn toàn với chuyện đi săn bắt hay đánh bạc. Đây không phải là chuyện "chưa bắt được gấu đã đòi chia da", "thắng làm vua thua làm giặc" hay cứ đánh đổ cộng sản đi đã rồi tính tiếp…
Tâm lý mì ăn liền của người Việt tạo ra một đám đông cuồng nhiệt. Đám đông đó đã động viên, tung hô và kích thích cho các hành động ‘hy sinh’ hoặc gây được tiếng vang, dù nhất thời, của những người tranh đấu. Không ít người tranh đấu ‘hành động’ khi chưa có bất cứ một sự chuẩn bị nào hoặc biết chắc là sẽ thất bại. Họ, đôi lúc phải hành động vì bị đám đông cuồng nhiệt kêu gọi và chờ đợi hành động của họ. Khi họ thất bại, bị đi tù thì đám đông ‘mì ăn liền’ đó nhỏ vài giọt nước mắt, xong lại đi tìm một nhân vật mới… và tiếp tục tung hô người nọ, người kia lên tận mây xanh, rồi lại tiếp tục điệp khúc ‘Hành động đi ! Hành động đi’ !
Đám đông cuồng nhiệt này thời nào cũng có, quốc gia nào cũng có nhất là ở các nước kém phát triển. Đằng sau sự cuồng nhiệt và đôi lúc tỏ ra tử tế đó chính là sự giả dối, hèn nhát và trốn chạy. Tại sao không tự mình hành động mà cứ kêu gào người khác hành động ? Tại sao cứ muốn người khác phải hy sinh còn mình thì không ?... Càng nguy hiểm hơn khi trong đám đông này có sự tham gia cổ vũ của không ít người tự nhận mình là trí thức và tất nhiên là có cả bàn tay của chính quyền. Không gì khiến chế độ cộng sản thích bằng các hành động tự sát của các anh hùng thích ‘hành động’ hơn là ‘suy nghĩ’. Bạo lực và đàn áp là sở trường của chính quyền nên họ luôn muốn người dân đối đầu với họ bằng các hành động bạo lực để họ có thể trấn áp một cách nhanh chóng.
Trong quá khứ, văn hóa ‘mì ăn liền’ đã khiến người dân Việt Nam chọn Hồ Chí Minh và đảng cộng sản thay vì chọn con đường tranh đấu ôn hòa của Phan Chu Trinh. Bạo lực dù dã man và mất mát nhưng vẫn dễ được chọn hơn vì nó giải quyết bất đồng nhanh như… mì ăn liền. Trong khi đó thuyết phục một người thay đổi tư duy là cực kỳ khó khăn và mất nhiều thời gian nhất là những người mang nặng văn hóa Khổng giáo. Tư duy của những người này đã bị đóng khung vào một hệ tư tưởng độc hại đã bén rễ sâu trong tâm hồn, thế mới có câu ‘non sông dễ đổi, bản tính khó dời’.
Suốt 35 năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) đã phải nghe không biết bao nhiêu lần câu : Hành động đi ! Hành động đi ! Câu này cũng có nghĩa là : Hy sinh đi ! Gần đây có người còn cho rằng Tập Hợp đã thất bại vì đã 35 năm mà vẫn chưa thành công ? ! Người thì lấy làm lạ là không thấy chúng tôi ‘hành động’ gì ngoài viết, nói và bàn luận về ‘Dự án chính trị’ Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai…
Tôi tin là rất nhiều người Việt Nam, kể cả những người vốn được xem là trí thức… chưa hề đọc dự án chính trị đó của Tập Hợp. Vì nếu đọc rồi thì ắt họ phải lên tiếng ủng hộ hoặc phê phán. Một sự im lặng đáng sợ. Chúng tôi và những người, dù vẫn đang còn là số ít tìm đến với Tập Hợp hiểu rõ tâm lí ‘mì ăn liền’ đó của người Việt Nam. Thực tế cũng đã chứng minh là suốt mấy ngàn năm lịch sử, người Việt chưa có một công trình hay bất cứ một tác phẩm nào mang tầm cỡ thế giới. Tuyệt phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng phải vay mượn ý tưởng chẳng có gì đặc sắc của một nhà văn cũng không có gì đặc sắc bên Trung Quốc.
Tập Hợp đang làm một cuộc ‘cách mạng ngược’ với văn hóa mì ăn liền của người Việt, thay vì ‘ăn ngay và luôn’ chúng tôi chú trọng xây dựng cho mình và đất nước một dự án chính trị đầy đủ về mọi mặt, trên mọi lĩnh vực, cho hiện tại và cả tương lai rồi kiên nhẫn thuyết phục người dân Việt Nam đồng thuận với dự án chính trị đó, cuối cùng, khi nào nhận được tín hiệu và sự ủng hộ của đa số người Việt Nam thì chúng tôi mới ‘hành động’. ‘Hành động’ bằng cách xuống đường biểu tình là giai đoạn thứ 5 của Tập Hợp, hiện tại chúng tôi mới đang ở giai đoạn 2, tức là ‘xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt’. Chúng tôi nói rõ điều này để những người đang chờ đợi và mong muốn chúng tôi ‘hành động’ khỏi thất vọng. Điều đó còn rất lâu và rất xa.
Dù chưa nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Việt Nam nhưng chúng tôi không sốt ruột và vội vàng để rồi kêu gọi hay ‘hành động’ bất chấp hậu quả. Chúng tôi hiểu để thay đổi văn hóa và tư duy của cả dân tộc không phải là chuyện dễ dàng. 35 năm so với lịch sử mấy ngàn năm chỉ là một cơn gió thoảng. Chúng tôi không biết khi nào mới nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam. Chúng tôi cũng không oán trách hay than vãn gì cả mà chúng tôi chỉ cố gắng làm thật tốt công việc của mình, bổn phận của mình, trách nhiệm của một tổ chức chính trị dân chủ đối lập, kiên nhẫn thuyết phục người dân về một giải pháp mới thay thế cho giải pháp cộng sản.
Thành bại là do thời cuộc và lòng người, không phải do chúng tôi. Gần 100 năm về trước nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã ‘thất bại’, chúng tôi hy vọng và đặt niềm tin vào sự thức tỉnh của người dân Việt Nam ngày hôm nay.
Việt Hoàng
(12/3/2018)