Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

17/04/2018

Luật sư chân chính và bất bạo động : nỗi khiếp sợ của cường quyền

Mai V Pham

"Một luật sư đúng nghĩa phải là người đặt lẽ phải và sự phục vụ lên vị trí hàng đầu. Và chỉ đặt các khoản thù lao vào vị trí thứ hai mà thôi"

Gandhi

Phải thừa nhận rằng trong khoảng thời gian gần đây Đảng cộng sản Việt Nam đã tăng cường đàn áp và trả thù các nhà bất động chính kiến bằng những bản án rất nặng nề, bất công và phi pháp.

luat5

Liêm chính và độc lập tư pháp là nền tảng quan trọng của các nước dân chủ tiến bộ

Giải thích giản dị cho sự gia tăng đàn áp : (1) bởi đó là bản chất của chế độ và (2) bởi không bị ngăn cản bởi thế lực nào. Tuy nhiên, xét yếu tố tâm lý và lịch sử, chế độ càng chuyên chế thì sẽ càng gia tăng bắt bớ khi cảm thấy quyền lực bị lung lay và mất dần khả năng kiểm soát. Một chính phủ ổn định và tự tin với thực trạng đất nước sẽ không liên tục đàn áp và bắt giam tiếng nói bất đồng.

Đảng cộng sản Việt Nam chà đạp lên luật pháp và hiến pháp của chính họ

Liêm chính và độc lập tư pháp là nền tảng quan trọng của các nước dân chủ tiến bộ : thủ tục pháp lý và qui trình thi hành án diễn ra trong minh bạch và công bằng. Ngược lại, ở các nước độc tài toàn trị như Việt Nam và Trung Quốc, hầu hết mọi thủ tục pháp lý đều diễn ra trong mờ ám và vô nguyên tắc. Một sự thật hiển nhiên là các nhà hoạt động không được xét xử công bằng theo pháp luật. Thay vào đó, họ bị xét xử một cách rất bất công, bằng những bản án đã quy định sẵn nhằm thể hiện uy lực và quyền lực chính trị của đảng cầm quyền.

Kiểm sát viên trong các phiên tòa chính trị không thể trình bày bất cứ một bằng chứng thuyết phục nào, ngoài những cáo trạng bịa đặt và dối trá. Còn thẩm phán có mặt chỉ để đọc những bản kết án đã được chuẩn bị từ trước. Bọn chúng hoặc là không có kiến thức pháp luật, hoặc không có đạo đức nghề nghiệp, nên chấp nhận "diễn trò" tôi trung phục tùng chế độ.

Phải nhấn mạnh rằng các nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ và quyền con người đã không làm điều gì sai trái, lại àng không vi phạm pháp luật. Họ chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận và quyền tự do lập hội, vốn được qui định rõ ràng trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Công ước quốc tế về Nhân quyền (mà Việt Nam là một thành viên), để bênh vực lẽ phải. Chẳng hạn, Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, chỉ rõ :

Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ. (Khoản 2, Điều 19)

Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. (Khoản 1, Điều 22)

Thay vì cảm ơn các nhà hoạt động đã lên tiếng góp phần cho sự tiến bộ và công bằng của Việt Nam, cường quyền cộng sản lại bịt mồm họ bằng những bản án nặng nề và tàn nhẫn.

Sự dũng cảm và khẳng khái của các nhà hoạt động tố cáo sự thối nát và đớn hèn của luật pháp Việt Nam, đặc biệt là Bộ tư pháp. Tòa án được lập ra không phải chỉ để kết tội, nhưng quan trọng hơn là để bảo vệ người dân và duy trì sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Một người tốt nghiệp ngành luật có lương tri chắc chắn không bao giờ muốn làm con vẹt, chỉ biết đọc những bản án đã được đảng bộ hay đảng ủy của công an và tư pháp quyết định sẵn. Hợp tác với ngành tư pháp hiện nay không khác gì hợp tác với tội ác : triệt hạ những người bất đồng chính kiến bằng những bản án nặng nề, ác độc, bất kể là những bà mẹ hay những người ở tuổi nghỉ hưu. Bộ tư pháp của chế độ cộng sản Việt Nam ngày nay chỉ là nơi sản xuất những bản án nặng nề dành riêng cho những người bảo vệ nhân quyền và công lý của người dân, mà trên lý thuyết chức năng này thuộc về tư pháp. Có thể nói Bộ tư pháp của nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ là con chó ngoan ngoãn được nuôi để giữ cửa cho đảng cộng sản. Bởi chức năng của nó không phải là bảo vệ công lý, mà là "làm theo chỉ thị của đảng", chà đạp lẽ phải, pháp luật và hiến pháp.

Thượng tôn pháp luật : nền tảng cơ bản của xã hội văn minh

Vụ án chính quyền Hương Cảng bắt giam Tống Văn Sơ – tức Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh năm 1931 là một bài học hữu ích về vai trò quan trọng của luật sư chân chính và "thượng tôn pháp luật".

Tháng 7/1931, khi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trong phiên tòa với hai tay bị xích, luật sư F.C. Jenkin đã đứng bật dậy chỉ vào đôi tay bị xích rồi lớn giọng phản đối :

"Khi bị cáo ra tòa là đứng trước công lý, thân thể phải hoàn toàn tự do. Nay chưa biết bị cáo can vào tội gì, tại sao chính quyền lại đã dùng đến nhục hình xích tay trong phòng xử án !".

Nghe như vậy, những người có mặt tại tòa án cũng đồng thanh phản đối. Ngay lập tức, quan tòa ngượng ngùng xin lỗi và ra lệnh tháo xích cho Nguyễn Ái Quốc.

Lịch sử đã hoàn toàn khác nếu như tòa án Anh quốc cũng xét xử lén lút và phi pháp như tòa án Việt Nam : Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Hương Cảng bàn giao cho Pháp. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra là nhờ vào nỗ lực của luật sư Francis Loseby và F.C. Jenkin cũng như tinh thần "thượng tôn pháp luật" của chính quyền Anh. Sau khi tòa án Hương Cảng bác đơn kháng án, hai vị luật sư đã không bỏ cuộc mà tiếp tục kháng cáo lên Hội đồng tư pháp – vốn là Tòa án tối cao của Đế quốc Anh. Năm 1933, Tòa án tối cao đã chấp thuận để Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Hồng Kông.

Các thủ tục pháp lý theo sau việc giam giữ Nguyễn Ái Quốc của chính phủ Anh thể hiện ưu điểm của nền pháp trị : bắt giam theo đúng thủ tục, độc lập tư pháp, và chính quyền phải hành động trong khuôn khổ của pháp luật. Quốc gia được xây dựng trên nền tảng pháp luật chuẩn mực để bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy trách nhiệm giải trình cũng như hưng thịnh cho đất nước.

Luật sư chân chính và đấu tranh bất bạo động

Luật sư là một trong những đại diện chính thức của hệ thống tư pháp, có nhiệm vụ giải thích và thực thi pháp luật. Luật sư đúng nghĩa phải là người có kiến thức, đủ khả năng và thẩm quyền để đánh giá các chuẩn mực pháp lý và đạo đức của luật pháp. Việc luật sư công khai phản đối việc thi hành sai một đạo luật, hoặc kết án bất công tại tòa án là rất quan trọng, bởi phần lớn người dân xem đó là một động lực thúc đẩy họ lên tiếng phản đối.

luat1

Luật sư là một trong những đại diện chính thức của hệ thống tư pháp, có nhiệm vụ giải thích và thực thi pháp luật.

Năm 1951, luật sư dân quyền Thurgood Marshall đã liên kết cùng một số luật sư khác kiện Sở giáo dục Topeka, yêu sách chấm dứt nạn phân biệt đối xử tại trường học (trường dành cho người Mỹ gốc Phi và trường dành cho người Mỹ trắng). Chiến thắng to lớn về pháp lý của đoàn luật sư đã mang tới thay đổi cực kỳ quan trọng tại Mỹ. Thay vì cam chịu một đạo luật bất công, các vị luật sư chân chính đã dũng cảm biến sự tức giận thành hành động pháp lý.

Mahatma Gandhi, nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng và cũng là một luật sư đại tài, chia sẽ :

"Trong suốt sự nghiệp luật sư của mình, tôi chưa bao giờ một lần xa rời lẽ phải và trung trực. Điều đầu tiên mà bạn phải luôn luôn lưu ý là khi bạn đề cao việc thực thi pháp luật không phải là để nghề nghiệp phục tùng lợi ích túi tiền, nhưng để phục vụ đất nước mình. Một luật sư có tiếng đã đi quá xa khi nói rằng nghĩa vụ của một luật sư có thể là phải bảo vệ thân chủ dù biết ông ta có tội. Tôi không đồng ý. Nhiệm vụ của một luật sư chân chính trước các thẩm phán là luôn luôn giúp họ tìm ra lẽ phải, và không bao giờ chứng minh người có tội là vô tội".

Trở lại Việt Nam, cách đây khoảng 5-10 năm, nhà cầm quyền thường che đậy thông tin về các phiên tòa chính trị và sự tham gia của các luật sư bào chữa, mà trong thực tế chỉ là hình thức. Nhưng ngày nay có lẽ đang có một làn gió thay đổi mới thổi đến Việt Nam : sự xuất hiện của một số luật sư chân chính, can đảm khẳng định sự vô tội của các nạn nhân bị kết tội hoạt động chính trị tại tòa.

"Một đạo luật bất công không phải là luật".

Việc thêm Điều 14, "Chuẩn bị phạm tội" vào các Điều 109 (Điều 79 bộ luật cũ), Điều 117 (Điều 88 bộ luật cũ) và Điều 331 (Điều 258) là lạm quyền, tùy tiện và bất công.

Đáng nói hơn, mọi điều luật nhắm vào những nhà hoạt động ôn hòa đều có một lập luận chung : "hoạt động chống chính quyền nhân dân". Rõ ràng, lập luận này là vi hiến bởi theo Điều 2, Hiến pháp khẳng định : "nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là do nhân dân làm chủ". Vì thế, mọi người dân đều có quyền tham gia và giám sát hoạt động của nhà nước bằng cách tố cáo hay lên tiếng trước sự vô pháp. Hơn nữa lập hội là một quyền hiến định, được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (1).

Sau Chiến tranh Thế giới II, các học giả nhận thấy rằng cộng đồng luật sư Đức đã từ bỏ lương tâm nghề nghiệp để trở thành công cụ cho chế độ phát xít của Hilter. Toàn bộ luật sư đã đặt nghĩa vụ của họ với Đức quốc xã cao hơn nghĩa vụ đạo đức. Kết quả là một cuộc thảm sát khủng khiếp đã xảy ra, với khoảng 6 triệu người Do Thái bị giết chết một cách man rợ.

Martin Luther King nhắc nhở : "Đừng quên rằng những gì Hitler đã làm thời Đức quốc xã đều hợp pháp". Đây là môt dẫn chứng thuyết phục về hậu quả kinh hoàng có thể xảy ra khi các luật sư cũng như trí thức chối bỏ nghĩa vụ đạo đức, chọn phục tùng thay vì chống lại sự bất công của nhà nước.

Bất bạo động là phương thức phản đối hữu hiệu và là một vũ khí chính nghĩa mà các luật sư có thể sử dụng để ngăn chặn sự bất công. Xã hội mong đợi các luật sư, là những người giữ vai trò giám sát quan trọng về sự công bằng và bình đẳng của luật pháp.

Các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã khôn khéo áp dụng phương thức đấu tranh bất bạo động khi đối mặt với sự vô pháp như sau :

Tháng 10/2013, công an ở tỉnh Hắc Long Giang (Helongjiang) đã bắt giam Tang Jietan vì bênh vực cho một học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ bất hợp pháp trước đó. Các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã lan truyền vụ bắt giam trái phép trên các phương tiện truyền thông, báo chí nước ngoài cũng như tổ chức diễn hành ôn hòa trước văn phòng chính phủ, yêu cầu trả tự do cho Tang và đe dọa sẽ tiếp tục gia tăng áp lực. Sự liên kết của các luật sư đã buộc chính quyền địa phương đến bàn đàm phán và trả tự do cho Tang sau 5 ngày giam giữ.

Liên kết và phát động chiến dịch pháp lý đã trở thành một chiến lược chung của các luật sư nhân quyền Trung Quốc. Với sự kiên cường và lòng dũng cảm, họ đã được vinh danh và trở thành tấm gương cho các luật sư trẻ mong muốn sự thay đổi chính trị tốt đẹp ở Trung Quốc.

Thay lời kết

Gia tăng đàn áp và bỏ tù các nhà hoạt động ôn hòa và bất bạo động là dấu hiệu của sự lo sợ và nỗi bất an từ chính quyền cộng sản. Thêm mười ngàn người được tuyển vào Lực lượng 47 và sự thành lập "bộ tác chiến không gian mạng" của Bộ quốc phòng chứng minh sự hoảng loạn đó. Đã thế, Đảng cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế lẫn chính trị, trong khi niềm tin của nhân dân và ngay cả những đảng viên đối với chế độ cũng không còn nữa. Do đó, đảng cộng sản buộc phải đàn áp để củng cố quyền lực và duy trì quyền cai trị. Con thú hung dữ nào không "nhe nanh" khi bị đe dọa ?

Đảng cộng sản sẽ còn tiếp tục đàn áp và các phiên tòa ngoan ngoãn của chế độ sẽ tiếp tục tung ra những bản án phi nhân phi nghĩa nếu không vấp phải sự phản kháng đáng kể nào. Trong những ngày sắp tới sẽ còn nhiều tiếng nói bất đồng bị nhà cầm quyền bắt giam và đưa ra tòa.

Chúng ta, những người vẫn giữ niềm tin nước Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên dân chủ, niềm tin sẽ có thêm nhiều luật sư chân chính và can trường dám lớn tiếng khẳng định sự vô tội của những người đấu tranh bất bạo động các nạn nhân cũng như mạnh mẽ lên án những bản án bất công, những đạo luật chà đạp nhân quyền.

Đấu tranh ôn hòa, bất bạo động để tôn trọng lẽ phải và phản đối sự vô pháp của nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam phải là nghĩa vụ lương tâm của mọi người Việt Nam.

Nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng Martin Luther King đã viết trong bức thư gửi từ nhà tù Birmingham rằng :

"Một cá nhân vi phạm một điều luật mà lương tâm họ cho là bất công, nhưng họ tự nguyện chấp nhận hình phạt tù giam đó để khuyến khích lương tâm của cộng đồng xã hội thấy sự bất công đó, trong thực tế cá nhân đó đã thể hiện sự tôn trọng cao nhất dành cho luật pháp".

Đảng cộng sản không sợ những tiếng nói bất đồng đơn lẻ, nhưng rất lo ngại những tiếng nói đến từ các tổ chức, các đoàn thể có mục tiêu, phương pháp và quyết tâm cao. Những luật sư yêu công lý và lẽ phải nên chủ động tìm đến nhau, kết hợp lại thành một khối mạnh, với một mục tiêu chung là "thượng tôn pháp luật" trong một Việt Nam tôn trọng nhân quyền và lẽ phải.

Các luật sư chân chính hiện nay có một vũ khí rất đáng gờm là lẽ phải : "Không có một sức mạnh nào trên trái đất đáng sợ hơn là sự thật".

"Các đảng viên đang tìm lối thoát hiểm an toàn cho gia đình cũng như muốn góp tay xây dựng Việt Nam bình đẳng và hạnh phúc, hãy mạnh dạn hỗ trợ hoặc liên kết với các luật sư nhân quyền và các chính đảng. Dân tộc sẽ không bao giờ quên sự hy sinh to lớn của bất kỳ ai góp phần giải thoát đất nước Việt Nam khỏi bóng đêm của bất hạnh, nghèo khổ, tụt hậu và vô pháp".

Dân tộc sẽ không bao giờ quên sự hy sinh to lớn của bất kỳ ai góp phần giải thoát đất nước Việt Nam khỏi bóng đêm của bất hạnh, nghèo khổ, tụt hậu và vô pháp.

Mai V. Phạm

(17/04/2018)

(1) "Quyền lập hội cũng không phải chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 2013 như một số người lầm tưởng. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam được ghi nhận xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp được Quốc hội Việt Nam thông qua từ trước đến nay.

Điều 10 Hiến pháp năm 1946 nêu rõ, công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Điều 25 Hiến pháp năm 1959 : "Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó". Điều 67 Hiến pháp năm 1980 : "Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân". Điều 69 Hiến pháp năm 1992 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Và Điều 25 Hiến pháp năm 2013 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Như vậy, quyền tự do hội họp, tự do lập hội của công dân Việt Nam luôn được Hiến pháp của Việt Nam ghi nhận. Không những thế, những quyền được các công ước quốc tế coi là quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do hội họp, lập hội, còn được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ bảo đảm và bảo vệ. Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng quy định rất rõ tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

(Quyền lập hội luôn được tôn trọng, thực thi tại Việt Nam, Quân đội nhân dân on line, 28/09/2015)

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 5211 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)