Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

25/04/2018

Phải làm gì bây giờ ?

Việt Hoàng

Một bài viết thẳng thắn và hiếm hoi của một trí thức nói về tầng lớp trí thức vừa được BBC đăng tải, đó là bài viết của ông Nguyễn Viện, sống tại Sài Gòn : Trí thức làm gì với thời cuộc (1) ? Đây là một câu hỏi không chỉ nhức nhối mà còn rất cấp bách hiện nay.

trithuc1

Vai trò của trí thức là soi sáng và dẫn đường dư luận và quần chúng - Ảnh minh họa 

Tác giả hiểu rõ vấn đề của tầng lớp mình khi viết : "Nếu hiểu trí thức như những người có ý thức về vai trò của mình trong xã hội đối với sự hưng vong của một dân tộc thì dường như trong suốt một thời gian dài, Việt Nam đã thiếu vắng hẳn những con người đạt đến chuẩn mực về khả năng dẫn dắt quần chúng, hay phản biện xã hội, biểu tượng cho lương tâm dân tộc". Điều này có lẽ ai cũng biết nhưng không mấy ai thừa nhận.

Ông cũng rất thẳng thắn và dũng cảm nhìn nhận rằng : "Nhìn chung, phong trào tranh đấu cho tự do và dân chủ đến nay vẫn còn rời rạc, thiếu đồng bộ. Người trí thức chưa tập hợp được quần chúng sau lưng mình, thậm chí ngược lại, họ theo đuôi quần chúng trong những việc như tham gia biểu tình chống Trung Quốc, hoặc các dân oan bị cướp đất…".

Ông và các trí thức bạn ông đặt câu hỏi : "Phải làm gì bây giờ ?" và ông cho rằng đây là một câu hỏi khó. Vì sao lại khó ? Khó đến mức độ nào ? Làm sao để khắc phục được khó khăn này ?

Câu trả lời của ông là các "tổ chức xã hội dân sự" và các "nhà báo công dân". Cuối cùng, cũng như nhiều "trí thức" khác, ông mong chờ vào sự thay đổi của Đảng cộng sản Việt Nam và hy vọng họ sẽ "có những bước đi thích hợp cho một xu thế tất yếu, tự do hơn, dân chủ hơn trước khi quá muộn".

Điều đầu tiên chúng tôi muốn nhắc lại là đảng cộng sản không thể nào tự thay đổi được. Lý do chủ quan là chưa có một chế độ tham nhũng nào tự thay đổi để hết tham nhũng. Sỡ dĩ bộ máy chính quyền Việt Nam vận hành được là nhờ tham nhũng, chỉ cần một ngày không tham nhũng là bộ máy sẽ dừng hoạt động. Thực tế là phe nào trong đảng thắng thì người dân cũng thế thôi. Các loại thuế phí vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua và trong thời gian tới. Các bản án hà khắc dành cho những người hoạt động xã hội, ví dụ Hội Anh Em Dân Chủ vẫn được tuyên đều. Quan trọng hơn là từ lý do khách quan, khi không có một tổ chức đối lập nào có đủ tầm vóc và sức mạnh để gây sức ép lên đảng cộng sản thì không có lý do gì khiến họ phải thay đổi.

Đã 73 năm trôi qua, rất nhiều cơ hội để đảng cộng sản thay đổi nhưng điều đó đã không xảy ra. Nhìn lại những thảm kịch và đổ vỡ mà đảng cộng sản gây ra cho dân tộc Việt Nam thì không còn lý do gì để chúng ta trông chờ vào việc "cải tiến" hay "cải cách" của chế độ cộng sản.

Chế độ cộng sản không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế bằng một thể chế dân chủ đa nguyên.

Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng : "Đừng mất thì giờ và công sức cho những kiến nghị với Đảng, hay trăn trở tìm cách chấn chỉnh Đảng. Vô ích và vô duyên. Giải pháp cho đất nước chỉ có thể tìm thấy ngoài đảng cộng sản" (2).

Trong bài viết đó, cách đây 6 năm (Đảng cộng sản Việt Nam đã chết) ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhận định : "Cũng có thể là Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị loại trong thời gian tới. Ông quá tệ. Nhưng nếu như thế thì kết quả cũng chỉ là thay thế chính quyền của ông Dũng bằng chính quyền của một người hay một nhóm người khác. Vai trò đảng cộng sản cũng sẽ không thay đổi vì không thể thay đổi. Đó vẫn là một vai trò của một xác chết chưa chôn. Đảng cộng sản đã chết, chết đứng". Thực tế diễn đúng ra như vậy.

Ông Nguyễn Viện đặt niềm tin vào xã hội dân sự Việt Nam. Vậy xã hội dân sự ở Việt Nam là những ai ? Mục đích của họ là gì ? Khả năng của họ đến đâu ? Ai cũng thấy một điều rằng xã hội dân sự đã rất phát triển ở Việt Nam thời gian qua. Có hơn 20 tổ chức Xã hội Dân sự được biết đến.

"Xã hội dân sự là toàn thể các giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ, các tổ chức thiện nguyện, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp. Nói chung, đó là tất cả các kết hợp của người dân, được thành lập ngoài chính quyền để cùng theo đuổi một số mục đích chung và không nhắm tranh giành quyền lực chính trị".

Xã hội dân sự còn được gọi là các "Tổ chức phi chính phủ" (NGO) vì chúng không phụ thuộc vào bất cứ chính phủ nào. Mọi quốc gia văn minh đều phải đặt nền tảng trên xã hội dân sự.

Theo quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì "Cần cảnh giác với một ngộ nhận cho rằng chỉ cần tập trung mọi cố gắng xây dựng các tổ chức xã hội dân sự. Không ai phủ nhận sự cần thiết của xã hội dân sự nhưng phải nhìn đúng vai trò của nó. Mỗi tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa chỉ có thể dành quan tâm đặc biệt cho một vấn đề của xã hội và vì thế có tiếng nói uy tín trên vấn đề đó nhưng, ngược lại, không quán triệt mọi vấn đề của xã hội và cũng không thể có tham vọng chính trị. Mỗi tổ chức phơi bày những sai trái của chế độ độc tài và gây áp lực trên một địa hạt mà mình đặc biệt quan tâm và đã trải nghiệm nên có tiếng nói thẩm quyền. Sức mạnh của các tổ chức xã hội dân sự chính là ở chỗ chúng có mục tiêu nhất định rõ rệt. Chúng là những hỗ trợ quý báu cho cuộc vận động dân chủ nhưng chúng không có chức năng lãnh đạo cuộc đấu tranh cho dân chủ. Đó là chức năng của các tổ chức chính trị" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Cũng trong Dự án Chính trị đó chúng tôi đưa ra Bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam :

"Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Việt Nam đã có được hai điều kiện đầu, đó là hai điều kiện có được do khách quan. Hai điều kiện còn lại là chủ quan, phải do chính trí thức Việt Nam đảm nhiệm bởi vì ‘hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng’ luôn luôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của giới trí thức trong mọi thời đại và trong bất kỳ thời điểm nào của lịch sử. Trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn, là tâm hồn và trí tuệ của đất nước. Tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng. Thực tế là suốt trong dòng lịch sử của dân tộc, trí thức Việt Nam chưa bao giờ xây dựng được cho mình và đất nước một tổ chức chính trị thật sự với một đội ngũ nhân sự chính trị có hiểu biết và một tư tưởng chính trị trong sáng, lành mạnh chuyên chở các giá trị của thời đại. Trí thức Việt Nam cần biết rằng không có ‘tư tưởng chính trị’ thì không thể có các tổ chức chính trị. Không có Kinh thì không thể có Đạo.

"Trong đoạn đường còn lại, xây dựng một tập hợp chính trị làm tụ điểm cho khát vọng dân chủ, cũng là đoạn đường cam go nhất. Lý do là vì chúng ta gặp phải một liên minh gắn bó giữa, một bên, là chính sách đàn áp thô bạo của một đảng cầm quyền cực kỳ lì lợm và, bên khác, là sự thụ động của một dân tộc đã rã hàng sau quá nhiều thất vọng và thương tổn, một sự thụ động được khuyến khích bởi chính sự thiếu vắng một kết hợp dân chủ có tầm vóc" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Không ít ý kiến và suy nghĩ cho rằng cần đặt vai trò lãnh đạo quần chúng lên các tôn giáo, ví dụ các linh mục công giáo. Đây là một ngộ nhận. Các linh mục công giáo Việt Nam đã phải làm những việc quá sức của họ, ví dụ như việc lãnh đạo các cuộc biểu tình chống Formosa thời gian qua. Chúng ta cần phải biết rằng các tôn giáo cũng chỉ là các tổ chức xã hội dân sự chứ không phải các tổ chức chính trị. Họ chỉ đấu tranh trên một vài mục tiêu cụ thể, như đòi tự do cho tôn giáo mình và đòi hỏi quyền lợi cho giáo dân của mình chứ họ không bao giờ đòi "lật đổ chính quyền" như sự tuyên truyền của chính quyền và sự ngộ nhận của một số người dân thiếu hiểu biết. Chính họ cũng cần được hướng dẫn tranh đấu bởi một tổ chức chính trị.

Như vậy, việc đấu tranh với đảng cộng sản để thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên là nhiệm vụ của các tổ chức chính trị. Tầng lớp trí thức Việt Nam phải ý thức rõ điều đó để tham gia vào một tổ chức dân chủ mà mình tâm đắc nhất. Nếu không thì phải liên kết với những người đồng quan điểm để thành lập ra các tổ chức chính trị mới.

Việc tối thiểu mà mỗi một người trí thức cần làm (nếu không làm được hai việc trên) đó là tìm hiểu các dự án chính trị của các tổ chức để rồi lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức nào đó.

Ý kiến của một thân hữu cho rằng lý do trí thức Việt Nam không lên tiếng ủng hộ hay tham gia vào tổ chức nào vì họ sợ. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Văn hóa Khổng giáo vẫn còn đè nặng lên tâm hồn giới trí thức Việt Nam. Với văn hóa Khổng giáo thì tầng lớp sĩ phu (ngày trước) hay giới trí thức (ngày nay) được sinh ra là để làm tôi tớ, phục dịch cho tầng lớp thống trị thay vì "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng" như bổn phận và nghĩa vụ đích thực của nó. Nên nhớ, bây giờ là năm 18 của thế kỷ 21, đã đến lúc đoạn tuyệt với thứ văn hóa nô lệ đó.

Nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Bùi Tín… đã lên tiếng ủng hộ cho Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai cho dù còn nhiều điều chưa đồng ý hay mới đây là dịch giả, nhà văn Phạm Nguyên Trường lên tiếng ủng hộ cho thể chế "dân chủ đại nghị và tản quyền" của ông Nguyễn Gia Kiểng, người lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Đâu có vì lý do đó mà họ bị chính quyền làm khó dễ thêm ? Lên tiếng ủng hộ một cuốn sách như Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đâu phải là lý do để chính quyền kết tội ?

Trí thức Việt Nam vẫn biết và luôn kêu gọi đoàn kết, vì chỉ có đoàn kết mới có thể chống được "thù trong, giặc ngoài", tuy nhiên làm sao kêu gọi được người dân đoàn kết khi bản thân tầng lớp trí thức không đoàn kết, không tập hợp lại được với nhau, không có cùng một tiếng nói, một quan điểm ?

Như vậy câu trả lời cho câu hỏi : "Phải làm gì bây giờ ?" không phải không có, vấn đề là trí thức Việt Nam có muốn làm hay không mà thôi.

Việt Hoàng

(25/04/2018)

(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/7109-tri-th-c-lam-gi-v-i-th-i-cu-c

(2) https://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/ang-cong-san-viet-nam-chet-nguyen-gia.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1564 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)