Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam : Không ‘đánh thức và dẫn đường’ thì không phải là trí thức

Mới đây tại Việt Nam xuất hiện một số ý kiến mới bình luận về tầng lớp trí thức Việt Nam từ nhận diện chân dung, cho tới tư cách, vai trò trong bối cảnh hiện nay, cũng như nhìn tới tương lai, nhân dịp này, một số nhà quan sát và bình luận chính trị, xã hội từ Việt Nam và hải ngoại chia sẻ với BBC News tiếng Việt về quan điểm của mình :

trithuc1

Tầng lớp trí thức Việt Nam từ nhận diện chân dung, cho tới tư cách - Ảnh minh họa 

Là sản phẩm thể chế ?

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Không phải mới đây, mà từ chục năm trước đã có những cuộc thảo luận về "trí thức Việt Nam" trên các diễn đàn xã hội. "Trí thức" là khái niệm khá mới mẻ và nội hàm của nó còn gây nhiều tranh cãi. Tôi còn nhớ, cuộc tranh luận những năm trước có không khí khá cởi mở và sôi nổi nhưng cuối cùng cũng chìm vào im lặng. Nhưng tôi đặc biệt ghi nhớ một một luồng ý kiến cho rằng : ở Việt Nam hiện nay, những "người có học" (với nghĩa rằng có bằng cấp chuyên môn cao) không hoàn toàn đồng nghĩa với "trí thức" (những người có tư duy độc lập, có trách nhiệm, và ý thức phản biện xã hội). Tôi thấy, nhận xét đó chính xác. Và vì vậy, câu hỏi lớn nhất đối với tôi, là chừng nào đa số những người có học Việt Nam mới "trưởng thành" thành trí thức ?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh (nhà nghiên cứu từ một Đại học ở Hà Nội)

Nếu hiểu theo nghĩa "trí thức là một người tham gia vào các công việc trí tuệ thông qua tư duy phản biện, đọc, viết, nghiên cứu, và sự tự thể hiện một cách nhân bản về xã hội" (Wikipedia) thì Việt Nam có một vài cá nhân trí thức nhưng không đủ để hình thành tầng lớp trí thức vì do truyền thống và hệ thống giáo dục, tư duy phản biện và sự nhân bản đều quá thiếu ở xứ này.

Còn nếu xét sứ mệnh của trí thức không chỉ là kiếm sống cho bản thân bằng chữ nghĩa mà còn phải là cải tạo, khai sáng cho xã hội thì lại càng hiếm hoi hơn. Do chính sách chọn lựa theo lý lịch mới được đi học của Vn trong một thời gian dài, cho đến 7x ở Việt Nam chủ yếu là nông dân sống bằng chữ vì hầu hết những người có bằng cấp, làm việc trong các trường Đại học, Viện nghiên cứu… đều là con nhà nông dân, đi học để mong đổi đời nên khi đỗ đạt họ vẫn giữ tư duy nông dân như bố mẹ họ. Bố mẹ họ lặp lại cách canh tác ngàn đời trên ruộng lúa, còn họ lặp lại những gì được nghe trên trang giấy, rồi khi xong việc đều "ngả mình trên bãi cỏ ngủ ngon lành", hiếm khi có sự trăn trở hay rời khỏi lối mòn tư duy được nhét vào đầu. 8x, 9x có khá hơn nhưng trong bầu không khí thiếu vắng sự tự do ngôn luận, tự do tư duy này thì học cũng chưa làm được gì nhiều, nhất là khi sự ích kỷ, ham mê vật chất đang ngự trị toàn xã hội.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trí thức cũng là sản phẩm của xã hội và thể chế, và họ phải thích nghi với môi trường sống. Trong bối cảnh chuyển đổi sang thị trường vai trò của họ cũng lớn hơn, họ có điều kiện làm việc tốt hơn, tự chủ, độc lập và tự tin hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn nên họ có cơ hội cống hiến nhiều hơn.

Tuy nhiên, họ chưa tạo thành tầng lớp mới có ảnh hưởng trong xã hội, và một số còn bị cám dỗ, bị chi phối bởi 'tiền' và 'quyền' nên trở nên biến chất, tha hoá. Một số khác, không ít, có 'danh' mà không có 'thực', khiến dư luận đánh giá thấp về chất lượng thậm chí coi thường.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn (Texas, Hoa Kỳ)

Câu hỏi chính yếu đặt ra với tầng lớp này, là họ có còn là trí thức nữa hay không ? Hay chỉ mang danh, còn thực chất trí tuệ và phẩm chất đặc trưng của giới trí thức (được hiểu chung trong khoa học xã hội) là "rất mờ" ở họ, khiến họ không thực thi được hai chức năng mong đợi cơ bản là thứ nhất "đánh thức xã hội" nhận ra căn nguyên hay các yếu tố nguy cơ cản trở sự phát triển của đất nước, và hai là "dẫn đường" xã hội hành động, bằng việc đưa ra khuyến cáo chung cho toàn xã hội đi kèm tiên phong thực thi hoặc giám sát đánh giá sự thực thi, thúc đẩy nhà nước và các nguồn lực trong xã hội sát cánh bên nhau cùng hành động, cùng hưởng ứng giải quyết vấn đề đi theo những đề xuất khoa học nhân văn của giới này đưa ra.

Nói khác đi, sự yên lặng "mênh mông" của số đông trí thức trong nhiều thập kỷ qua trước hàng loạt bằng chứng rõ ràng phi nhân bản, vô văn hóa, vô pháp, phản động, của một bộ phận trong hệ thống nhà nước, trong xã hội, hay từ các thế lực ngoại bang, khiến xã hội đang đặt lại vấn đề phát triển đất nước : Thiếu vắng thực sự tầng lớp trí thức mang tầm thời đại, chắc chắn không thể đưa Việt Nam tới được mục tiêu toàn diện và bền vững "Dân chủ, Cộng Hòa, Độc lập, Tự Do, Hạnh Phúc".

Nhận dạng và mạnh yếu ?

Trước câu hỏi có thể nhận dạng thế nào về đặc tính quan trọng nhất của tầng lớp trí thức ở Việt Nam hiện nay, họ có mạnh yếu gì, tiềm năng ra sao và đang đối diện với thách thức nào, các nhà quan sát này cho biết ý kiến :

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn : Trí thức Việt Nam, cũng như trí thức ở các quốc gia khác, đều có học thức, có tư duy độc lập, có trách nhiệm xã hội, và có tinh thần phản biện. Đáng tiếc, những người có học ở Việt Nam thì đông, nhưng trí thức thì không nhiều. Đó là điểm yếu lớn nhất của trí thức Việt Nam. Ảnh hưởng của một số cá nhân trí thức đối với xã hội tương đối lớn, nhưng ảnh hưởng của cả tầng lớp thì không nhiều. Đó là điểm yếu rất dễ nhận thấy. Tiềm năng của trí thức Việt thì lớn, bởi đội ngũ có học thức ngày càng đông đảo. Nhưng những thách thức mà họ đang phải đối mặt cũng vô cùng to lớn, đáng kể nhất là bộ máy truyền thông một chiều, và khuôn mẫu thể chế với hệ thống tư pháp tuân thủ tính đảng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh : "Xưa kia nô lệ một thời, Vênh vang kẻ sĩ coi trời bằng vung ; Giờ đây cách mạng thành công, Lom khom trí thức coi vung bằng trời !" - câu ca dao của những năm 80-90 của thế kỷ trước có lẽ đã nói lên đầy đủ thực trạng của trí thức Việt Nam rồi.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ : Sống trong bối cảnh thế chế chuyển đổi đặc tính quan trọng nhất là 'tính thích nghi' cao. Đóng góp khi có cơ hội, im lặng khi bất đồng, chịu đựng… tuy nhiên 'không đánh mất mình' nói chung. Hoạt động của họ bị giới hạn bởi ý thức hệ lạc hậu, quyền lực cao hơn tri thức chuyên môn. Ngoài ra, sự thay đổi kinh tế - xã hội nhanh chóng khiến một số 'đuối sức' không theo kịp tình hình.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Tuấn : Tôi cần nói ngay, là tôi không triệt để tới mức đánh giá "không có tầng lớp trí thức ở đất nước này" ! Theo tôi, đại đa số đáng gọi là "trí thức hàng chợ" ! Có tồn tại ở đất nước này một số ít thực sự có phẩm chất trí thức đúng nghĩa của từ này nhưng họ không đủ để làm nên diêu mạo chung của tầng lớp trí thức Việt Nam. Tức là, khi nói về đặc tính quan trọng nhất của "tầng lớp trí thức" Việt Nam, tôi nói đặc tính nổi trội tạo bởi số đông "trí thức hàng chợ".

Đặc tính nổi trội là tính "tự sướng" kèm tiêu chí "hạnh phúc" gắn với thăng tiến trong quan trường, không ưu tiên gắn với tri thức khoa học phát triển. Họ phát triển tính "khôn" mưu sinh cá nhân để tồn tại vượt lên trong quan trường, thay cho việc rèn tư duy khoa học khách quan và các kỹ năng phản biện, truyền thông xã hội của người trí thức .

Điểm mạnh của tầng lớp này, là số lượng đông đảo, chiếm giữ hầu hết các vj trí trọng yếu làm luật pháp, chính sách cũng như thực thi ! Họ đại diện cho trường đại học, viện nghiên cứu, và cả tiếng nói trên truyền thông chính thống (sử dụng ngân sách nhà nước). Tóm lại , họ là phần đa số tạo nên khung chốt của hệ thống cấu trúc và hệ thống chức năng nhà nước Việt Nam.

Điểm yếu của họ, là luôn đặt "danh quan trường và lợi quyền hành chính" lên trên tư duy khoa học khách quan, đánh mất "cái tôi" của mình trong tư duy trước các tồn tại xã hội và các vấn đề phát triển của đất nước. Tồn tại của họ dựa vào "số đông", không dựa vào phẩm chất trí thức. Vì thế, họ xa rời chức năng "thức tỉnh" và "dẫn đường" xã hội của trí thức. Họ tự nguyện bỏ qua tiềm năng tư duy phản biện khoa học cá nhân để phát triển tư duy nói theo lãnh đạo. Họ không làm khoa học thực sự, mà họ làm khoa học "hàng chợ"- thứ copy, bắt chước khi có sẵn mẫu mã. Họ tự đánh mất vai trò "trí thức"của mình- "Thức" trước thiên hạ nhờ "trí" tạo bởi tư duy khoa học khách quan hơn người...

Nói về tiềm năng và thách thức, phải đặt vào giới trẻ. Nhưng tôi không lạc quan tới mức cho rằng giới trẻ của chúng ta có thể tận dụng tốt lợi thế toàn cầu hóa tri thức khoa học phát triển để giúp đất nước vượt lên được ngoạn mục như một số nước láng giềng đã làm trong thời gian qua. Một số cá nhân thì có. Còn số đông, thực chất đang bị rất nhiều thách thức đe dọa từ chính môi trường gia đình và xã hội ngay trong thời học phổ thông…

Thực hiện vai trò, chức năng ?

Khi được hỏi trí thức Việt Nam hiện nay và trong thời gian vài thập niên trở lại đây đã thực hiện được tốt những vai trò, chức năng được kỳ vọng của mình hay chưa và vì sao, các nhà bình luận đáp :

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh : Tôi cho là chưa với những lý do tôi đã trình bày ở trên.

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn : Cho dù chưa thực sự lớn mạnh, trong vài thập niên vừa qua, đội ngũ trí thức Việt đã thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình. Với những nỗ lực không mệt mỏi, họ đã có nhiều hoạt động mang lại kết quả tương đối khả quan, có những tác động xã hội tích cực. Sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự, của các nhà xuất bản "ngoài luồng", và các dòng ý kiến phản biện ngày một mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội trong những năm gần đây là những chỉ báo cụ thể.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ : Đang có sự dịch chuyển từ phục vụ chế độ, nhà nước đến việc tìm đến các giá trị khác về tự do, dân chủ, tìm thấy ý nghĩa của việc làm, nghiên cứu, lan tỏa hướng tới người dân ngày càng nhiều hơn

Tiến sĩ Bác sĩ Trần Tuấn : Với giới trí thức hiện tại, chưa vận động xã hội buộc nhà nước phải ra được và thực thi tốt các chính sách chống được sự lan tràn của các chất gây nghiện giới trẻ theo những khuyến cáo cầm tay chỉ việc đã có của thế giới khoa học nhân văn, thì nói gì đến " nghiên cứu giải pháp" đương đầu với thách thức của biến đổi khí hậu hay trí tuệ nhân tạo, hay trò "thực dân" tinh vi của giới thương mại và công nghiệp phi nhân bản quốc tế !

Kỳ vọng của tôi màu xám như thế, bởi như trên đã nêu, phần đông trí thức hiện tại là "trí thức hàng chợ", tư duy copy, nghĩ cho cá nhân trên hết, hai chức năng "đánh thức" và "dẫn đường hành động" đều đã bỏ lại sau lưng, tinh thần phản biện độc lập yếu ớt… mà thế giới toàn cầu hóa hiện nay, nổi trội là sự canh tranh "làm tiền", với các chiêu thức "một đập ăn quan" đủ thiết lập bộ khung

Cần phải làm gì ?

Trước câu hỏi để thực hiện được tốt vai trò, chức năng của mình, nếu như vấn đề đó được đặt ra là hợp lý, thì trong bối cảnh hiện nay và hướng tới tương lai của đất nước, dân tộc, tầng lớp trí thức ở Việt Nam, một cách không chậm trễ, cần phải làm điều gì, các ý kiến cho biết :

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn : Họ cần có những tổ chức xã hội đại diện, cơ quan ngôn luận và diễn đàn của riêng mình.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh : Ra khỏi lối mòn, theo tiêu chuẩn học thuật toàn thế giới để nâng cấp cả chuyên môn và tư tưởng cho bản thân. Giảm bớt sự ích kỷ, sợ hãi để giải phóng cho chính mình.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ : Trí thức cần phải đương đầu với thách thức, vượt qua chính mình, có tư duy độc lập ; ứng dụng, lan tỏa kiến thức và phản biện. Hãy tạo ra khác biệt trong điều biện 'giả kiến thức' đang phổ biến.

Tiến sĩ Bác sĩ Trần Tuấn : Để thực thi tốt hai chức năng "đánh thức xã hội" và "dẫn đường hành động" cho sự phát triển đất nước theo khoa học, nhân bản, giới trí thức hiện nay một cách không chậm trễ cần phải làm :

Thứ nhất, ở phương diện cá nhân, biết đau với nỗi đau của thế hệ trẻ. Để chung tay hành động , trí thức phải làm gương cho thanh thiếu niên ngay từ môi trường gia đình và cộng đồng, bằng những việc hết sức thiết thực trong sinh hoạt hàng ngày, như "nói không" với bán hàng đa cấp, thuốc lá, rượu bia, bạo hành gia đình, nghiện chất, nghiện game, cờ bạc, số đề,…

Thứ hai, với những vấn đề nóng trên truyền thông xã hội, tIếp nhận và Thực hiện phân tích vấn đề , lấy khoa học dẫn đường ! Hãy thể hiện chính kiến của mình ! Biết xấu hổ với "trí ngủ" ; Và thứ ba, nếu còn ở vị trí quản lý, dù trong hệ thống nhà nước hay tổ chức xã hội, đến mốc tuổi nghỉ hưu hãy lùi ra, làm "nhà báo công dân", nhường lớp trẻ dẫn đường và hỗ trợ lớp trẻ làm người trí thức đúng nghĩa.

Điều kiện thế nào ?

Khi được hỏi, để trí thức ở Việt Nam làm được những điều cần làm như được kỳ vọng, thì điều kiện khách quan, chủ quan, cần và đủ thiết yếu nhất phải là gì, các nhà quan sát, bình luận nêu quan điểm của mình :

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn : Muốn làm được điều đó, trí thức Việt cần phải tự vượt qua nỗi sợ hãi. Điều kiện khách quan cũng như chủ quan đều không có nhiều thuận lợi. Nhưng có lẽ trở ngại lớn nhất nằm ở chính mỗi cá nhân. Vượt qua được nỗi sợ hãi cá nhân mới có thể nói đến những chuyện khác.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh : Đó là sự tự do tư tưởng trong giáo dục, tự do ngôn luận, và tư do học thuật (Accademic freedom) ; và sự dũng cảm, dấn thân của cá nhân để đòi được những điều hiển nhiên đó.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ : Thay đổi môi trường thể chế là quan trọng nhất. Cơ chế hoạt động của trí thức là :

Nhiều tự do hơn, nhiều tri thức hơn, nhiều sáng tạo hơn, phát triển năng động hơn !

Người tri thức chân chính, có năng lực hãy đòi hỏi sự thay đổi như vậy !

Tiến sĩ Bác sĩ Trần Tuấn : Để làm được điều ấy, cải cách tư pháp theo hướng lấy quyền con người và lẽ công bằng xã hội làm km chỉ nam thiết kế cấu trúc hệ thống cơ chế vận hành hệ thống đó. Xã hội vận hành theo thượng tôn luật pháp, không phân biệt giai cấp, không phân biệt địa vị, sang hèn.

Chẳng hạn, muốn trí thức lên tiếng, và thực chất trí thức đã lên tiếng trong vụ Đồng Tâm, vụ Hồ Duy Hải, và bao vấn đề khác… thì nền tư pháp phải hoạt động độc lập với chính quyền, với doanh nghiệp, với bất kỳ chủ thể nào của nhà nước. Tư pháp chỉ vận hành theo tôn chỉ đảm bảo quyền con người và lẽ công bằng. Và mọi công dân đều công bằng trước pháp luật.

Thứ hai, là minh bạch hệ thống quản trị ngân sách công. Thực hiện giám sát đánh giá độc lập. Thừa nhận sự tồn tại của xã hội dân sự, như là một thực thể chân kiềng thiết yếu, như hai chủ thể nhà nước và doanh nghiệp, cùng tồn tại để đảm bảo sự phát triển công bằng, quyền con người không bị lạm quyền bởi hệ thống nhà nước, hay bị làm biến hóa bởi tính thương mại của doanh nghiệp.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 10/07/2020

Published in Diễn đàn

Trong suốt dòng lịch sử Việt Nam, cụ thể là từ thời Ngô Quyền dựng nước đến nay các cuộc thay đổi triều đại đều do các quan võ hoặc hoàng thân quốc thích trong cung đình khởi xướng và lãnh đạo. Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ là nhà hậu Lê (Lê Lợi) và Tây Sơn không phải hoàng tộc. Lê Lợi là một hào trưởng người Mường, thuộc tỉnh Thanh Hóa, có công đánh đuổi giặc Minh rồi xưng vương. Trường hợp anh em nhà Tây Sơn khá đặc biệt, đây là lần đầu tiên có một triều đại do những người "anh hùng áo vải" lập nên.  

Chúng ta cùng quay lại lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Vào giai đoạn suy tàn, Đàng trong Trương Phúc Loan chuyên quyền, phế bỏ người con thứ hai của Vũ Vương (theo di chiếu) rồi lập người con thứ 16 lên làm làm chúa là Định Vương. Đàng ngoài, chúa Trịnh Sâm mê đắm Đặng Thị Huệ nên phế con trưởng là Trịnh Khải và lập người con của Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán làm thế tử. Trịnh Cán nhỏ tuổi lại bệnh tật nên nhà Trịnh sinh loạn. Trịnh Sâm mất, Trịnh Khải cùng quân tam phủ nổi loạn, phế bỏ Trịnh Cán rồi lên làm chúa. Nhờ công lao đó nên đám quân tam phủ trở thành kiêu binh, tha hồ cướp bóc, thích giết ai thì giết, kể cả quan lại trong triều. Trong tình trạng như vậy thì anh em nhà Tây Sơn, vốn xuất thân là những tướng cướp với một đội quân qui củ, có kỷ luật và thiện chiến đã dễ dàng tiêu diệt cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh.

tayson1

Ba anh em nhà Tây Sơn - Ảnh Wikimedia Commons

Đảng cộng sản đang cai trị Việt Nam từ năm 1945 đến giờ là một tổ chức khủng bố được Liên Xô đào tạo và hậu thuẫn, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, chính phủ của Trần Trọng Kim vừa được thành lập, không có thực lực và đội ngũ nên đã bị Đảng cộng sản, một tổ chức có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật và quyết tâm cướp mất chính quyền.

Nhà Tây Sơn và chế độ cộng sản giống nhau vì đều là những người nông dân nổi dậy. Họ cũng hành xử giống nhau khi đã giành được chính quyền. Nguyễn Huệ sau khi lên làm vua vẫn cư xử như một đảng cướp nên nhà Tây Sơn đã bị Nguyễn Ánh đánh bại không lâu sau đó.

Đảng cộng sản sau khi cướp được chính quyền thì đã giữ chặt chế độ cho bè đảng thay vì dân chủ hóa đất nước theo dòng chảy lịch sử. Họ cai trị Việt Nam như là một đội quân chiếm đóng. Từ đó Việt Nam có thêm một tộc người mới, "tộc người cộng sản". Tộc người cộng sản chỉ có khoảng 5 triệu người (trong đó chủ yếu là 3 triệu đảng viên đang đương chức, những người về hưu đa số đã hội nhập trở lại với người dân Việt Nam) nhưng họ nắm hết mọi quyền hành và tự quyết định sinh mệnh của 95 triệu người Việt Nam còn lại. Tộc người này sống ngoài và sống trên luật pháp. Một thành viên không may mắn của tộc người này chỉ bị trừng phạt sau khi bị khai trừ ra khỏi tộc, họ gọi một cách văn vẻ là "khai trừ đảng".

Đặc điểm chung của các cuộc thay đổi triều đại từ trước đến nay là sự vắng bóng của tầng lớp trí thức (sĩ phu). Sự có mặt của họ chỉ để biện hộ và minh họa cho chế độ. Trí thức chưa bao giờ đóng vai chính trong các cuộc đổi đời đó.

Với văn hóa Khổng giáo, tầng lớp trí thức được mặc định là một công cụ, là tay sai cho chế độ. "Nghề" của trí thức là làm tôi tớ cho các vua chúa. Họ không biết phản kháng và chưa bao giờ đứng về phía người dân. Nhiệm vụ của họ là tô vẽ, biện minh cho chế độ. Các khoa thi chỉ dành cho kẻ sĩ, những người sẽ làm nô lệ cho triều đình. Giới hoàng tộc không bao giờ đi thi.

"Cho tới kỷ nguyên dân chủ, các chính quyền nói chung đều là chỉ là những bạo quyền. Các vua chúa về thực chất chỉ là những kẻ cướp thành công. Được làm vua, thua làm giặc. Điều đặc biệt của văn minh Khổng giáo là nó coi việc phục vụ các bạo quyền là một đạo lý, nghĩa là đặt tội ác vào địa vị của đạo đức. Giai cấp sĩ là những kẻ nô lệ rất đặc biệt, làm dụng cụ cho các bạo quyền để đàn áp và bóc lột quần chúng nghèo khổ. Họ phục vụ những kẻ đáng lẽ phải chống và chống những người đáng lẽ phải bảo vệ. Tuy vậy họ không thấy tội lỗi vì đạo lý của họ là như thế" (1).

tayson2

"Nghề" của trí thức là làm tôi tớ cho các vua chúa. Ảnh minh họa 

Trí thức ngày nay, tức là hậu duệ của giai cấp sĩ ngay trước vẫn chưa rũ bỏ được văn hóa nô lệ của Khổng giáo. Họ biết là chế độ cộng sản là tồi dở, xấu xa nhưng không có nhiều người định chống lại nó và đa số trong thiểu số nhỏ này không biết phải chống như thế nào. Ngược lại không ít trí thức đang phục vụ chính quyền vẫn ra sức biện minh cho chế độ, giúp chế độ kéo dài ách thống trị. Họ xem những bổng lộc được chế độ ban phát là đặc ân và lý tưởng của đời người.

Trí thức Việt Nam thừa hiểu và biết rõ hơn ai hết sự thối nát của chính quyền bạo ngược nhưng họ không hề cảm thấy bị xúc phạm. Đã đến lúc phải xem đó là chuyện hoàn toàn không bình thường vì trí thức luôn là tâm hồn, trí tuệ của dân tộc.

Việt Nam là một trong rất ít những quốc gia chưa có dân chủ. Lý do cũng giản dị : Tầng lớp trí thức vẫn chưa chịu đứng dậy và nhập cuộc. Cả đoàn tàu đã sẵn sàng nhưng đầu tàu vẫn chưa chịu khởi động.

45 năm sau ngày 30/4/1975, Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức chính trị nào thực sự hùng mạnh và có tầm vóc để làm đối trọng với Đảng cộng sản. Cách tranh đấu cá nhân (nhân sĩ) suốt bao năm qua đều dẫn đến bế tắc và thất bại. Người thì đi tù, người thì ra nước ngoài rồi tan biến vào quần chúng.

Các cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ cộng sản đã thuộc về quá khứ. Đấu tranh bất bạo động là trào lưu tất yếu của thời đại. Muốn chiến thắng trong một cuộc cách mạng bất bạo động thì phải có tổ chức để hướng dẫn và lãnh đạo người dân. Cuộc cách mạng dân chủ lần này là một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Nó hoàn toàn khác vì không có bạo lực và quan trọng nhất là phải do tầng lớp trí thức dẫn dắt và lãnh đạo.

Cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp đề nghị khác hoàn toàn với cuộc cách mạng cộng sản trước đây. Nó sẽ là cuộc cách mạng "từ trên xuống" thay vì "từ dưới lên". Cộng sản, bản chất là một chủ nghĩa dân túy, họ tranh thủ và lôi kéo thành phần dân chúng ít học, thua kém trong xã hội đứng dậy làm cách mạng, sau đó họ chiếm đoạt thành quả đạt được và giữ chặt cho mình. Cương lĩnh của Đảng cộng sản vẫn ghi rằng họ là đại diện cho giai cấp công - nông nhưng thực tế hiện nay không có ai trong họ là công - nông. Họ lợi dụng sự kém hiểu biết của giai cấp công nông để làm cách mạng bạo lực. Trí thức là một thiểu số cô đơn nên bị chính quyền của đám đông uy hiếp và họ chỉ còn mỗi cách là qui phục. Họ qui phục vì sợ và vì bất lực.

Trong khi đó Tập Hợp chủ trương cuộc cách mạng này phải do trí thức khởi xướng và lãnh đạo vì thế chúng tôi tập trung vào tầng lớp trí thức trước thay vì đi ngay vào "vận động quần chúng". Cuộc cách mạng này là để mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước đúng như tên gọi của Dự án chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Chúng tôi muốn thuyết phục và động viên tầng lớp trí thức trước bằng tư tưởng và lý luận dân chủ. Các bài viết của Tập Hợp chú trọng lý thuyết là vì thế. Nhiều người phản ánh là các bài viết của Tập Hợp hơi dài và khó đọc. Thật tình là các bài viết đó không dành cho đa số quần chúng mà hướng tới những người được xem là trí thức và quan tâm đến đất nước.

"Tư tưởng không thông thì vác bình đông cũng nặng". Nếu không khai thông tư tưởng dân chủ thì không thể có cách mạng dân chủ. Dân chủ phải đi từ trên xuống dưới. Theo nghiên cứu của Tập Hợp thì chưa có chế độ dân chủ nào được hình thành sau một cuộc cách mạng bạo động.

"Cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta khác hẳn với cuộc cách mạng cộng sản. Nó là cuộc cách mạng của trí tuệ, lẽ phải và lòng quảng đại ; nó dứt khoát từ chối bạo lực và hận thù. Nhưng nó cũng vẫn là một cuộc cách mạng và phải cũng diễn ra theo qui luật của những cuộc cách mạng. Vì thế chúng ta không thể tiết kiệm những cố gắng để xây dựng một tổ chức mạnh về cả tư tưởng lẫn đội ngũ. Không thể đốt giai đoạn" (2).

tayson3

Cuộc cách mạng lần này là của trí thức vì vậy phải có tư tưởng và trí tuệ.

Trong cuộc cách mạng mà Tập Hợp đề nghị thì trí thức Việt Nam phải đóng vai chính. Trí thức phải dấn thân cho xã hội, đứng về phía người dân chống lại áp bức và bất công. Một người trí thức thật thụ phải xem di sản lớn nhất đời mình là để lại một đất nước, một xã hội tốt đẹp hơn trước khi từ giã cõi đời thay vì mình được giữ chức vụ hay bổng lộc gì.  

Đảng cộng sản cai trị Việt Nam một cách kinh khủng và hà khắc hơn cả chế độ thực dân Pháp trước đây. Họ không còn xem họ là người Việt Nam. Họ cướp đoạt đất nước một cách trắng trợn. Họ sống và cư xử như một đội quân chiếm đóng. Thẻ đảng quan trọng hơn thẻ căn cước, chứng minh nhân dân hay hộ khẩu. Thẻ đảng có thể thay thế cho giấy tờ tùy thân và mang đi cầm cố lấy hàng trăm triệu đồng. Đảng viên chưa bị khai trừ thì không một cơ quan bảo vệ luật pháp nào dám đụng đến. Ngân sách nhà nước do đóng góp của người dân bị họ tiêu xài phung phí và ban phát thoải mái cho các hội đoàn hay những kẻ a dua và nịnh bợ.

Điều đáng nói nhất là "tộc cộng sản" chỉ có 3% dân số (thật ra chỉ có khoảng 200 người trong ban chấp hành trung ương đảng là "gắn bó" với nhau để bảo vệ quyền lợi của họ) lại có thể khống chế và áp đặt được sự thống trị của họ lên 97% số người Việt còn lại. Đáng nói hơn nữa là trình độ, kiến thức của những người đó ở dưới mức trung bình. Tiêu chuẩn để gia nhập "tộc cộng sản" là sự trung thành chứ không phải trí tuệ, "hồng hơn chuyên".

Trí thức Việt Nam phải xem đó là một sự xúc phạm lớn đối với dân tộc. Không thể xem đó là chuyện bình thường. Phải nói không với tộc người cộng sản thay vì luồn lách, cố gắng tìm cách trở thành thành viên của tộc người đó. Phải nói thẳng với nhau rằng những trí thức đang phục vụ cho tộc cộng sản là những người thiếu tâm hồn, thiếu đạo đức, thiếu phẩm giá và đáng lên án. Họ đã tự mình làm gù mình để được hội nhập với tộc người gù đó.

Muốn đứng thẳng lưng thì trí thức Việt Nam phải có tinh thần dân tộc. Tinh thần dân tộc chỉ có ở những con người có tâm hồn cao cả, yêu nước và yêu người Việt Nam. Muốn chiến thắng nhóm người nhỏ bé đang cầm lái con tàu đất nước thì trí thức Việt Nam phải có kiến thức về chính trị. Có kiến thức chính trị để hiểu là chỉ có một lý tưởng đẹp và đúng với có thể đoàn kết được mọi người Việt Nam lại với nhau. Có kiến thức sẽ tạo ra lòng dũng cảm và viễn kiến. Có viễn kiến để thấy Đảng cộng sản không thể tồn tại trong thế giới văn minh. Có tâm hồn để thấy xấu hổ khi là thành viên của tộc người cộng sản đang đè đầu cưỡi cổ nhân dân Việt Nam.

Việt Hoàng

(12/06/2020)

 ---------------------

(1) 45 năm sau, một truyện thuyết cho tương lai (Nguyễn Gia Kiểng)

(2) Chọn lựa giữa vận động quần chúng và chính trị sa lông (Nguyễn Gia Kiểng)

Published in Quan điểm
mercredi, 25 avril 2018 09:39

Phải làm gì bây giờ ?

Một bài viết thẳng thắn và hiếm hoi của một trí thức nói về tầng lớp trí thức vừa được BBC đăng tải, đó là bài viết của ông Nguyễn Viện, sống tại Sài Gòn : Trí thức làm gì với thời cuộc (1) ? Đây là một câu hỏi không chỉ nhức nhối mà còn rất cấp bách hiện nay.

trithuc1

Vai trò của trí thức là soi sáng và dẫn đường dư luận và quần chúng - Ảnh minh họa 

Tác giả hiểu rõ vấn đề của tầng lớp mình khi viết : "Nếu hiểu trí thức như những người có ý thức về vai trò của mình trong xã hội đối với sự hưng vong của một dân tộc thì dường như trong suốt một thời gian dài, Việt Nam đã thiếu vắng hẳn những con người đạt đến chuẩn mực về khả năng dẫn dắt quần chúng, hay phản biện xã hội, biểu tượng cho lương tâm dân tộc". Điều này có lẽ ai cũng biết nhưng không mấy ai thừa nhận.

Ông cũng rất thẳng thắn và dũng cảm nhìn nhận rằng : "Nhìn chung, phong trào tranh đấu cho tự do và dân chủ đến nay vẫn còn rời rạc, thiếu đồng bộ. Người trí thức chưa tập hợp được quần chúng sau lưng mình, thậm chí ngược lại, họ theo đuôi quần chúng trong những việc như tham gia biểu tình chống Trung Quốc, hoặc các dân oan bị cướp đất…".

Ông và các trí thức bạn ông đặt câu hỏi : "Phải làm gì bây giờ ?" và ông cho rằng đây là một câu hỏi khó. Vì sao lại khó ? Khó đến mức độ nào ? Làm sao để khắc phục được khó khăn này ?

Câu trả lời của ông là các "tổ chức xã hội dân sự" và các "nhà báo công dân". Cuối cùng, cũng như nhiều "trí thức" khác, ông mong chờ vào sự thay đổi của Đảng cộng sản Việt Nam và hy vọng họ sẽ "có những bước đi thích hợp cho một xu thế tất yếu, tự do hơn, dân chủ hơn trước khi quá muộn".

Điều đầu tiên chúng tôi muốn nhắc lại là đảng cộng sản không thể nào tự thay đổi được. Lý do chủ quan là chưa có một chế độ tham nhũng nào tự thay đổi để hết tham nhũng. Sỡ dĩ bộ máy chính quyền Việt Nam vận hành được là nhờ tham nhũng, chỉ cần một ngày không tham nhũng là bộ máy sẽ dừng hoạt động. Thực tế là phe nào trong đảng thắng thì người dân cũng thế thôi. Các loại thuế phí vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua và trong thời gian tới. Các bản án hà khắc dành cho những người hoạt động xã hội, ví dụ Hội Anh Em Dân Chủ vẫn được tuyên đều. Quan trọng hơn là từ lý do khách quan, khi không có một tổ chức đối lập nào có đủ tầm vóc và sức mạnh để gây sức ép lên đảng cộng sản thì không có lý do gì khiến họ phải thay đổi.

Đã 73 năm trôi qua, rất nhiều cơ hội để đảng cộng sản thay đổi nhưng điều đó đã không xảy ra. Nhìn lại những thảm kịch và đổ vỡ mà đảng cộng sản gây ra cho dân tộc Việt Nam thì không còn lý do gì để chúng ta trông chờ vào việc "cải tiến" hay "cải cách" của chế độ cộng sản.

Chế độ cộng sản không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế bằng một thể chế dân chủ đa nguyên.

Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng : "Đừng mất thì giờ và công sức cho những kiến nghị với Đảng, hay trăn trở tìm cách chấn chỉnh Đảng. Vô ích và vô duyên. Giải pháp cho đất nước chỉ có thể tìm thấy ngoài đảng cộng sản" (2).

Trong bài viết đó, cách đây 6 năm (Đảng cộng sản Việt Nam đã chết) ông Nguyễn Gia Kiểng đã nhận định : "Cũng có thể là Nguyễn Tấn Dũng sẽ bị loại trong thời gian tới. Ông quá tệ. Nhưng nếu như thế thì kết quả cũng chỉ là thay thế chính quyền của ông Dũng bằng chính quyền của một người hay một nhóm người khác. Vai trò đảng cộng sản cũng sẽ không thay đổi vì không thể thay đổi. Đó vẫn là một vai trò của một xác chết chưa chôn. Đảng cộng sản đã chết, chết đứng". Thực tế diễn đúng ra như vậy.

Ông Nguyễn Viện đặt niềm tin vào xã hội dân sự Việt Nam. Vậy xã hội dân sự ở Việt Nam là những ai ? Mục đích của họ là gì ? Khả năng của họ đến đâu ? Ai cũng thấy một điều rằng xã hội dân sự đã rất phát triển ở Việt Nam thời gian qua. Có hơn 20 tổ chức Xã hội Dân sự được biết đến.

"Xã hội dân sự là toàn thể các giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ, các tổ chức thiện nguyện, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp. Nói chung, đó là tất cả các kết hợp của người dân, được thành lập ngoài chính quyền để cùng theo đuổi một số mục đích chung và không nhắm tranh giành quyền lực chính trị".

Xã hội dân sự còn được gọi là các "Tổ chức phi chính phủ" (NGO) vì chúng không phụ thuộc vào bất cứ chính phủ nào. Mọi quốc gia văn minh đều phải đặt nền tảng trên xã hội dân sự.

Theo quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì "Cần cảnh giác với một ngộ nhận cho rằng chỉ cần tập trung mọi cố gắng xây dựng các tổ chức xã hội dân sự. Không ai phủ nhận sự cần thiết của xã hội dân sự nhưng phải nhìn đúng vai trò của nó. Mỗi tổ chức xã hội dân sự đúng nghĩa chỉ có thể dành quan tâm đặc biệt cho một vấn đề của xã hội và vì thế có tiếng nói uy tín trên vấn đề đó nhưng, ngược lại, không quán triệt mọi vấn đề của xã hội và cũng không thể có tham vọng chính trị. Mỗi tổ chức phơi bày những sai trái của chế độ độc tài và gây áp lực trên một địa hạt mà mình đặc biệt quan tâm và đã trải nghiệm nên có tiếng nói thẩm quyền. Sức mạnh của các tổ chức xã hội dân sự chính là ở chỗ chúng có mục tiêu nhất định rõ rệt. Chúng là những hỗ trợ quý báu cho cuộc vận động dân chủ nhưng chúng không có chức năng lãnh đạo cuộc đấu tranh cho dân chủ. Đó là chức năng của các tổ chức chính trị" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Cũng trong Dự án Chính trị đó chúng tôi đưa ra Bốn điều kiện cần và đủ cho một cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam :

"Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi.

Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể.

Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới.

Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Việt Nam đã có được hai điều kiện đầu, đó là hai điều kiện có được do khách quan. Hai điều kiện còn lại là chủ quan, phải do chính trí thức Việt Nam đảm nhiệm bởi vì ‘hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng’ luôn luôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của giới trí thức trong mọi thời đại và trong bất kỳ thời điểm nào của lịch sử. Trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn, là tâm hồn và trí tuệ của đất nước. Tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng. Thực tế là suốt trong dòng lịch sử của dân tộc, trí thức Việt Nam chưa bao giờ xây dựng được cho mình và đất nước một tổ chức chính trị thật sự với một đội ngũ nhân sự chính trị có hiểu biết và một tư tưởng chính trị trong sáng, lành mạnh chuyên chở các giá trị của thời đại. Trí thức Việt Nam cần biết rằng không có ‘tư tưởng chính trị’ thì không thể có các tổ chức chính trị. Không có Kinh thì không thể có Đạo.

"Trong đoạn đường còn lại, xây dựng một tập hợp chính trị làm tụ điểm cho khát vọng dân chủ, cũng là đoạn đường cam go nhất. Lý do là vì chúng ta gặp phải một liên minh gắn bó giữa, một bên, là chính sách đàn áp thô bạo của một đảng cầm quyền cực kỳ lì lợm và, bên khác, là sự thụ động của một dân tộc đã rã hàng sau quá nhiều thất vọng và thương tổn, một sự thụ động được khuyến khích bởi chính sự thiếu vắng một kết hợp dân chủ có tầm vóc" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Không ít ý kiến và suy nghĩ cho rằng cần đặt vai trò lãnh đạo quần chúng lên các tôn giáo, ví dụ các linh mục công giáo. Đây là một ngộ nhận. Các linh mục công giáo Việt Nam đã phải làm những việc quá sức của họ, ví dụ như việc lãnh đạo các cuộc biểu tình chống Formosa thời gian qua. Chúng ta cần phải biết rằng các tôn giáo cũng chỉ là các tổ chức xã hội dân sự chứ không phải các tổ chức chính trị. Họ chỉ đấu tranh trên một vài mục tiêu cụ thể, như đòi tự do cho tôn giáo mình và đòi hỏi quyền lợi cho giáo dân của mình chứ họ không bao giờ đòi "lật đổ chính quyền" như sự tuyên truyền của chính quyền và sự ngộ nhận của một số người dân thiếu hiểu biết. Chính họ cũng cần được hướng dẫn tranh đấu bởi một tổ chức chính trị.

Như vậy, việc đấu tranh với đảng cộng sản để thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên là nhiệm vụ của các tổ chức chính trị. Tầng lớp trí thức Việt Nam phải ý thức rõ điều đó để tham gia vào một tổ chức dân chủ mà mình tâm đắc nhất. Nếu không thì phải liên kết với những người đồng quan điểm để thành lập ra các tổ chức chính trị mới.

Việc tối thiểu mà mỗi một người trí thức cần làm (nếu không làm được hai việc trên) đó là tìm hiểu các dự án chính trị của các tổ chức để rồi lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức nào đó.

Ý kiến của một thân hữu cho rằng lý do trí thức Việt Nam không lên tiếng ủng hộ hay tham gia vào tổ chức nào vì họ sợ. Chúng tôi không nghĩ như vậy. Văn hóa Khổng giáo vẫn còn đè nặng lên tâm hồn giới trí thức Việt Nam. Với văn hóa Khổng giáo thì tầng lớp sĩ phu (ngày trước) hay giới trí thức (ngày nay) được sinh ra là để làm tôi tớ, phục dịch cho tầng lớp thống trị thay vì "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng" như bổn phận và nghĩa vụ đích thực của nó. Nên nhớ, bây giờ là năm 18 của thế kỷ 21, đã đến lúc đoạn tuyệt với thứ văn hóa nô lệ đó.

Nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Bùi Tín… đã lên tiếng ủng hộ cho Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai cho dù còn nhiều điều chưa đồng ý hay mới đây là dịch giả, nhà văn Phạm Nguyên Trường lên tiếng ủng hộ cho thể chế "dân chủ đại nghị và tản quyền" của ông Nguyễn Gia Kiểng, người lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Đâu có vì lý do đó mà họ bị chính quyền làm khó dễ thêm ? Lên tiếng ủng hộ một cuốn sách như Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đâu phải là lý do để chính quyền kết tội ?

Trí thức Việt Nam vẫn biết và luôn kêu gọi đoàn kết, vì chỉ có đoàn kết mới có thể chống được "thù trong, giặc ngoài", tuy nhiên làm sao kêu gọi được người dân đoàn kết khi bản thân tầng lớp trí thức không đoàn kết, không tập hợp lại được với nhau, không có cùng một tiếng nói, một quan điểm ?

Như vậy câu trả lời cho câu hỏi : "Phải làm gì bây giờ ?" không phải không có, vấn đề là trí thức Việt Nam có muốn làm hay không mà thôi.

Việt Hoàng

(25/04/2018)

(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/7109-tri-th-c-lam-gi-v-i-th-i-cu-c

(2) https://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/ang-cong-san-viet-nam-chet-nguyen-gia.html

Published in Quan điểm

 

Phạm Vũ Mai  thực hiện

Nguồn : Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên 

Published in Video