Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

14/05/2018

Dân chủ và trách nhiệm

Việt Dân

Có lẽ từ phẫn nộ là không đủ để diễn đạt cảm xúc của nhiều người Việt yêu nước sau khi phiên tòa xét xử những anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ diễn ra. Sau đó không lâu, phiên tòa xét xử cô Trần Thị Xuân lại là một phiên tòa dấm dúi với đầy đủ những hành động đê hèn nhất mà người bình thường khó có thể tưởng tượng. Nó bất chính như rất nhiều phiên tòa bất chính xét xử những người Việt yêu nước khác như cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cô Trần Thị Nga, Trần Hoàng Phúc hay Phan Kim Khánh... mà đảng cộng sản dựng lên.

haedc1

Phiên tòa xét xử những anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ ngày 5/4/2018

Một thân hữu, bày tỏ sự phẫn nộ và tình cảm dành cho những anh em mắc nạn bằng cách viết lại những lời sau cùng của họ trước tòa. Đôi khi thông điệp ngắn gọn nhất nhưng lại diễn tả đầy đủ ý nghĩa, khí phách nhất.

Trương Minh Đức : Tôi không có gì hối tiếc cả. Hôm nay các vị xét xử tôi nhưng ngày mai có thể là các vị.

Nguyễn Bắc Truyển : Tôi sẽ luôn đấu tranh và nếu phải ngồi tù thì những người khác ngoài kia vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh !

Nguyễn Trung Tôn : Sự hiện diện của chúng tôi ngày hôm nay tại đây chứng tỏ nhân quyền đang bị vi phạm.

Nguyễn Văn Túc : Tôi không cần cái bằng khen đó, tôi không việc gì phải vì nó mà cúi đầu xin các ông cho giảm án. Tôi đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền, đòi đa nguyên đa đảng, là để xã hội tốt đẹp lên, cái đó không phải là tội.

Sự dũng cảm, yêu lẽ phải, tôn trọng sự thật, không im lặng, không khiếp nhước trước bạo quyền là những thái độ và tính cách chỉ có ở những công dân có trách nhiệm, yêu nước, cảm thấy bổn phận phải đứng lên nói thay cho cộng đồng mới có được. Một cách ngắn gọn hơn, đây là thái độ của những người dân chủ.

Hai phiên tòa xét xử nối tiếp nhau cho chúng ta một sự so sánh cụ thể về tư cách cũng như trình độ nhận thức giữa hai giai cấp thống trị và bị trị : một là những quan chức tham nhũng trong chế độ, hai là những người đấu tranh dân chủ hết sức ôn hòa.

Đó là chế độ cộng sản, một chế độ đảng trị nay chuyển dần thành một chế độ độc tài cá nhân trị theo logic tự nhiên, đều vẫn giữ nguyên bản chất đạo tặc của nó : bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội, chà đạp lên nhân quyền và thể hiện sự xấc xược với nhân dân, đất nước.

Nhưng cũng vì bản chất độc tài của nó, nên nó đã chỉ đưa những con người bất xứng vào những vị trí lãnh đạo đất nước.

Trong một bài viết bàn về "Chính sách ngu dân trong Lịch sử Trung Quốc", tác giả Li Zhongqin có viết :

"Chỉ cần thể chế toàn trị còn tồn tại, trên dưới cùng ngu là không thể tránh khỏi. Chỉ có xây dựng được cơ chế ràng buộc quyền lực hiệu quả, nhân dân có đủ tự do ngôn luận, mới có thể hy vọng đánh bật gốc quy luật "trên dưới cùng ngu".

Từng có tổng kết cho rằng lịch sử Trung Quốc có "mười định luật lớn", bao gồm : đũa ngà voi, thỏ chết chó hầm, bao vây xu nịnh, dè chừng kẻ thù, kéo kết bè đảng, Hoàng tôn, xử trảm năm đời, quyền lớn hiếp chủ, da lông, chính quyền từ báng súng [1]. Những định luật này không sai, nhưng tôi cảm thấy chưa đủ, ít nhất cần thêm vào một định luật : "Định luật trên dưới cùng ngu".

Cái gọi là "Định luật trên dưới cùng ngu" chỉ có trong xã hội chuyên chế, kẻ thống trị thực hành chính sách ngu dân ; có "chính sách ngu dân" tất sẽ xuất hiện "đối sách ngu quân" trong triều đình và dân chúng. Đây gọi là "trên dưới cùng ngu". Hệ quả của "trên dưới cùng ngu" là trên có hôn quân, dưới có ngu dân, xấu thắng tốt thua, luân lý hao mất, xã hội đen tối, giả dối lên ngôi, hủ bại lạc hậu, hèn hạ bạc nhược".

haedc2

Phiên tòa xét xử hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ngày 11/01/2018

Hãy xem ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, những con người mà lúc còn đương chức đương quyền, đã luôn thể hiện một thái độ trịch thượng, xấc xược như hầu hết các quan chức đảng cộng sản khác nhưng đến khi vướng vòng lao lý thì cũng nhũn như con chi chi trước cấp trên.

Cụ thể ông Thanh đã nói rằng : "Bị cáo rất ân hận, rất hối hận. Cháu muốn gửi lời xin lỗi bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ cho cháu, xem cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con".

Đồng thời ông Trịnh Xuân Thanh cũng cảm thấy ân hận vì bỏ trốn sang Đức và viết thư phản bác Bộ chính trị, và : "Bị cáo mong Hội đồng xét xử sau khi kết thúc vụ án cho phép bị cáo được quay trở lại Đức lần cuối cùng để thăm vợ con, sau đó về chịu án tù".

Trước đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã nói lời cuối cùng trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Theo đó ông Thăng nói ông mới hay tin cha mình 87 tuổi phải đi cấp cứu, nên ông mong hội đồng xét xử xem xét việc thay đổi biện pháp ngăn chặn để ông có điều kiện thăm và chăm nom cho bố, và được ăn cái tết cuối cùng với gia đình, bạn bè, người thân.

Thượng đội là một tâm lý nối tiếp của hạ đạp. Những con người cậy quyền cậy thế để hà hiếp hay ngăn cấm những người yếu thế hơn mình thì cũng thường rất hèn nhát, luồn cúi trước những quyền lực cao hơn mình. Ông Thăng, ông Thanh biết rằng họ đã không còn thế đứng như thời còn khuynh loát trong vây cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng nữa, họ chọn thái độ cúi đầu đến tội nghiệp trước Nguyễn Phú Trọng. Họ không ăn năn hay sám hối trước những hành vi mà họ gây ra cho nhân dân, đất nước. Với họ, những giá trị đạo đức vắng bóng trong mọi ứng xử, thay vào đó họ bị chế ngự bởi chủ nghĩa vật chất và chức quyền.

Ông Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, trong bài khai mạc Hội nghị Trung ương 7 vẫn còn hy vọng khi nhấn mạnh :

"Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" ; "cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp" và "cải cách chính sách bảo hiểm xã hội".

Ông Trọng là một người thể hiện đầy đủ mọi thứ giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lênin nhất, nhưng có lẽ đó cũng chỉ là niềm tin của một người muốn hái sao trên trời. Những thành trì bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lê đã sụp đổ từ lâu rồi. Trung Quốc thì đang đối mặt với quá nhiều khó khăn về môi trường, xã hội, kinh tế cho đến sự phân rã quá lớn trong nội bộ Đảng. Chính nó cũng đành chuyển tiếp thành một chế độ độc tài cá nhân trị với tư tưởng Tập Cận Bình, như thời Mao Trạch Đông. Những bài học kinh hoàng trong thời kì Mao cầm quyền vẫn còn ám ảnh không chỉ người dân Trung Quốc, mà còn cho chính những người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc không còn khả năng thay đổi, nó vẫn cứ phải lao xuống vực thẳm như chiếc xe mất thắng.

Trong hồi ký của bác sĩ Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng của Mao suốt hơn 20 năm, đã mô tả lại một đoạn ông Mao đi bơi ở sông Dương Tử. Tôi xin tóm lược lại để cho thấy cái sự hoại loạn của các chế độ toàn trị ra sao, rằng nó bất lực hoàn toàn trong việc tìm kiếm những con người có năng lực, phẩm chất và uy tín thực sự.

"Mao nằm ngửa, để cái bụng phệ nổi lên trên mặt nước như quả bóng, hai chân duỗi thẳng như nằm trên ghế xa-lông. Nước đẩy ông trôi theo dòng và ít khi ông sử dụng chân hoặc tay để bơi". Ai cũng biết là ông ấy chỉ thả mình trôi theo dòng nước, xung quanh là đám lãnh đạo tỉnh, vệ sĩ phải vất vả bơi theo trong khi phải cố gắng giữ khoảng cách làm sao để ông Mao vẫn nghĩ rằng mình đang bơi. Thế nhưng khi lên bờ thì Vương Nhiệm Trọng hay La Thụy Khanh đều đã nịnh rất thô, tán dương Mao Chủ Tịch lên tận trời xanh "Chiến đấu chống lại trời, chống lại đất, chống lại con người…".

Mao chìm đắm trong những lời ca tụng, đó có phải là "đối sách ngu quân" không ?

Sông Dương Tử đã trở thành con sông ô nhiễm nhất thế giới, hàng triệu người dân Trung Quốc đã không còn cơ hội để tắm trên con sông này. Còn niềm tin của ông Trọng cũng như ảo giác của một người đi trong sa mạc quá lâu để tìm nước. Nhưng không có nước. Chỉ toàn là cát và một ảo giác do đám "quần thần" vẽ lên xung quanh ông ta.

Khác biệt giữa thời toàn trị và hậu toàn trị là trong thời toàn trị "chính sách ngu dân" của kẻ độc tài tạo ra hàng loạt dân ngu, còn "đối sách ngu quân" của các thần dân lại làm cho kẻ độc tài sống trong u tối, trở thành hôn quân. Trên dưới cùng ngu, không ai được thức tỉnh. Còn ở thời hậu toàn trị, đa số mọi người đã nhận thức rõ chiêu trò vụng về của "chính sách ngu dân", nhưng bề ngoài vẫn giả dạng tin theo, giả điếc giả câm, nhưng lòng thì vui mừng khi thấy nó thất bại ; trong lòng kẻ độc tài cũng hiểu rõ "đối sách ngu quân" của dân chúng, nhưng cũng giả bộ tin theo.

Một kết luận cho bài viết.

Không có chế độ cộng sản nào có thể tự sửa đổi để lành mạnh hơn cả. Cũng không có chế độ tham nhũng nào có thể cải tiến để hết tham nhũng. Chỉ có thể thay đổi nó bằng một chế độ khác. Thay đổi nó như thế nào vẫn sẽ là một bài toán của chúng ta, những người dân chủ Việt Nam.

Chúng ta tiếp tục lên tiếng, cực lực phản đối trước những bất công và những oan sai mà những anh em yêu nước, yêu dân chủ đang mắc nạn. Nhưng tình cảm phải đi đôi với lý trí. Chỉ có thể kết hợp lại, tranh đấu có tổ chức và có một Dự án tương lai chung cho đất nước thì công cuộc dân chủ hóa đất nước, đánh bại Đảng cộng sản mới có thể diễn ra nhanh chóng và có cơ may thành công. Đây là trách nhiệm của chúng ta và cũng như là lời động viên cao đẹp nhất, khích lệ những anh em trong tù và thân nhân của họ.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn đồng hành cùng các anh chị em dân chủ trong tiến trình này. Chúng ta hãy cùng nhập cuộc.

Việt Dân

14/05/2018

https://nghiencuulichsu.com/2017/12/08/chinh-sach-ngu-dan-trong-lich-su-trung-quoc/

http://www.scmp.com/magazines/post-magazine/long-reads/article/1999098/chairman-maos-historic-swim-glorified-china

https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hom-nay-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-7-3745769.html ?vn_source=rcm_detail&vn_medium=thoisu&vn_campaign=rcm&ctr=rcm_detail_env_4_click_thoisu

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Dân
Read 1832 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)