Vấn đề nóng nhất ở Việt Nam lúc này có lẽ là bất động sản, nóng từ thị trường đến quan trường, nó tạo nên đủ mọi thứ cảm xúc, từ nụ cười hớn hở (khi mua được giá hời) tới những giọt nước mắt (của dân oan), thậm chí có những dân oan còn bị tống vào tù, và thương tâm hơn cả là những người dân oan quyết định kết thúc sự sống vì bất mãn, tuyệt vọng.
Các dự án bất động sản được xây trên các khu đất cướp của dân, có nơi còn tanh mùi máu dân oan. Ảnh Tuổi Trẻ
Bất động sản Việt Nam không chỉ tàn phá sinh kế, nơi ăn chốn ở của người dân, mà nó còn làm băng hoại đạo đức của nhiều kẻ khác. Từ quan chức chính phủ đến các nhà đầu tư. Ngoài lý do "lợi nhuận" thì còn một yếu tố nữa là tâm lý "phải an cư mới lạc nghiệp". Chính tâm lý này đã khiến biết bao kẻ tiếp tay "tiêu thụ hàng trộm cướp", đó chính là các dự án bất động sản được xây trên các khu đất cướp của dân, có nơi còn tanh mùi máu dân oan.
Những khách hàng và các "nhà đầu tư" chỉ cần biết kiếm chác làm sao cho đủ tiền để mua các căn hộ tiện nghi và được sở hữu các biệt thự ven sông, mà không cần biết những miếng đất đó từ đâu mà có, không cần biết nó có phải là đất sạch như lời quảng cáo hay không ? Họ không cần nghĩ đến những cộng đồng lâu đời có thể bị tiêu diệt trong nháy mắt, kể cả đó có thể là những biểu tượng lâu đời về văn hóa hay tôn giáo (ví dụ chùa Liên Trì).
Bằng giọng xúc động nghẹn ngào Hòa thượng Thích Không Tánh nói : "Nhà cầm quyền này quá ác tâm ! Không còn gì hết. Tất cả chỉ còn đống đổ nát. Bằng mọi cách thầy phải trở về đây để kính Phật. Thầy đã ở ngôi chùa này 50 năm rồi. Giờ chẳng còn gì !" - Ảnh Người Việt
Những người đầu tư biện minh và tin rằng, vào ở trong những khu biệt lập, những căn hộ có bảo vệ mới có thể an toàn trong một xã hội đầy bạo lực và cướp bóc. Nhưng họ không chịu hiểu rằng chính họ đang góp phần tạo nên nghịch cảnh này, vì họ đang bần cùng hóa dân oan, biến những người nông dân hiền lành thành những tên cướp hung bạo, những kẻ sát nhân máu lạnh. Họ gián tiếp cướp đi những điều kiện sống tối thiểu của dân oan (nhà ở và sinh kế). Trái ngược với hình ảnh "môi trường sống Manhattan, thiên đường ven sông" mà họ đang hưởng thụ là những khuôn mặt cháy xém vì chạy xe ôm, bán hàng rong của những người chủ đất trong quá khứ.
Đáng tiếc là suy nghĩ của những người kinh doanh bất động sản trong trường hợp này không bị lên án, mà còn được cổ vũ, là tiêu chuẩn cho sự thành đạt, thậm chí là thứ để thử thách tình yêu "phải có nhà mới cưới". Những kẻ mua bất động sản bất chấp nguồn gốc này còn hãnh diện : như vậy mới là sống trong cộng đồng văn minh ! Văn minh ở chỗ nào khi cùng nhau tiêu thụ hàng gian, hàng cướp ?
Lật lại một câu chuyện để thấy những sản phẩm bất động sản Việt Nam bẩn thỉu như thế nào, cách đây khoảng 10 năm, Hoàng Anh Gia Lai có đầu tư trồng cao su ở những cánh rừng bên Campuchia. Đoàn Nguyên Đức (chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) liên tục xuất hiện cùng với đại diện của các nhà đầu tư tài chính Temasek (Singapore), hay các nhà sản xuất vỏ xe hàng đầu thế giới như Michelin. Điều đó làm cho không ít người Việt Nam cảm thấy tự hào, nhưng mọi thứ quay ngược 180 độ khi tổ chức Nhân chứng quốc tế trưng ra các bằng chứng phá rừng, hủy hoại kế sinh nhai của những cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại đây. Và hình ảnh "bữa ăn với 2 con thằn lằn" của một gia đình gần đó đã đánh gục cái gọi là niềm kiêu hãnh của người Việt, làm cho một người luôn phát ngôn trịch thượng (Đoàn Nguyên Đức) lộ nguyên hình là lâm tặc. Và kết quả thì ai cũng biết, Temasek và các định chế tài chính đều tháo chạy khỏi Campuchia và thôi hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai, Michelin thì thẳng thừng hủy bỏ giao kèo (mua cao su). Cuối cùng thì cả rừng cao su "bẩn" phải bán tống, bán tháo với giá rẻ bèo.
Làm sao một cộng đồng thưa thớt ven rừng bị ảnh hưởng sinh kế lại có thể chiến thắng được tài phiệt cấu kết với chính quyền ? Đó chính là ở người tiêu thụ sản phẩm, nếu người tiêu thụ nói không với sản phẩm bẩn, hàng trộm cướp, thì không có kẻ cướp nào có thể tồn tại. Nhưng tiếc thay, tội ác hủy hoại những cộng đồng dân cư đông đúc (như Thủ Thiêm) cả về nơi ăn chốn ở và sinh kế lại còn được tiếp tay bởi những nhà đầu tư, những người được xem là biết chọn lựa môi trường sống văn minh !
Chúng ta cần một làn sóng lên án và tẩy chay các dự án bẩn này. Đó cũng là một cách để bồi đắp các giá trị đạo đức chưa bao giờ tốt, và đang có chiều hướng xấu đi ở người Việt. Chúng ta không cần tự hào với con cháu về những căn hộ tiện nghi, những căn biệt thự thoáng đãng và lộng lẫy mà chúng ta nên tự hào vì đã góp phần chống lại bất công, góp phần bảo vệ những giá trị đạo đức, lịch sử, văn hóa cho thế hệ mai sau. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể có được môi trường sống văn minh, lành mạnh thực sự. Đừng quên rằng chúng ta đều là người Việt cho nên chúng ta không chỉ có mỗi tình cảm (con người) mà còn sự liên đới, gắn bó với nhau trong một số phận và một tương lai chung.
Quan điểm "an cư lạc nghiệp" có lẽ đã lỗi thời, nó chỉ phù hợp với đời sống nông nghiệp (nơi người dân cần ở gần đất canh tác). Còn trong xã hội 4.0 lúc này, chúng ta có nhiều điều kiện để làm việc từ xa và có thể khước từ tiếp tay cho tội ác của những kẻ cướp đất. Trước khi quyết định mua đất ở những khu qui hoạch thì nên tìm hiểu về nguồn gốc của khu đất đó, về những con người đã từng sống ở đấy và nếu biết rằng khu đất đó đã tạo ra hàng nghìn, hàng trăm dân oan thì nên "nói không" với dự án đó.
Việt Nghĩa
(22/05/2018)