Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

25/05/2018

Hai năm sau thảm họa Formosa : 1. Nhận diện một hành động bán nước

Trần Hùng

Phần 1 - Nhận diện một hành động bán nước !

Đã hai năm trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm hoạ Formosa hủy diệt toàn bộ vùng biển Bắc miền Trung và làm điêu đứng cuộc sống của hàng triệu người dân sống dựa vào biển ở khu vực này. Nhưng sau thảm hoạ, Formosa không chỉ không bị ngừng hoạt động mà còn liên tục mở rộng quy mô trong thời gian qua. 17/5 vừa rồi trong cuộc họp báo của chính phủ, các lãnh đạo cộng sản đã rất hân hoan khi tuyên bố biển đã sạch trở lại và thủy hải sản đã an toàn, với họ thế là đủ để vui mừng.

formosa1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hội trường vỗ tay về thông tin Bộ Y tế công bố - Ảnh : QUỐC NAM

Họ không ý thức được rằng có một vấn đề còn nghiêm trọng không kém gì vấn đề môi trường, đó chính là việc họ đã cấp quy chế tự trị cho Formosa - một công ty nước ngoài ngay trên lãnh thổ Việt Nam, đây là một hành động bán nước, và chính hành động bán nước này là nguyên nhân dẫn tới thảm hoạ. Nhưng trước khi phân tích hành động bán nước này, chúng ta hãy cùng nhìn lại báo cáo về chất lượng môi trường và thủy hải sản của chính quyền cộng sản.

Biển đã sạch ?

Theo những báo cáo từ chính quyền thì môi trường biển đã được khôi phục, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các hoạt động kinh tế liên quan tới vùng biển bắc miền Trung đã hoạt động lại bình thường và người dân đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm thủy hải sản. Vấn đề trước tiên cần được đặt ra từ báo cáo này là tại sao tới bây giờ mới có kết luận rằng biển an toàn mà trước đó chính quyền đã không có bất cứ hành động nào để ngăn chặn hoặc cấm người dân tiêu thụ các sản phẩm từ thủy hải sản biển ? Thậm chí các quan chức cộng sản còn hân hoan trước thông tin "người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản". Phải lý giải thế nào về thái độ vô trách nhiệm này ?

Nhưng liệu biển đã sạch ? Không có bất cứ bằng chứng gì chứng minh những số liệu mà chính quyền cộng sản công bố là thật cả. Không có một ủy ban độc lập nào có thể kiểm chứng các số liệu đó cả. Các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà hoạt động môi trường hay các chuyên gia đều bị ngăn cấm khi thực hiện các nghiên cứu liên quan tới vùng biển - nơi xả thải của Formosa. Nếu các số liệu công bố là sự thật thì có lý do gì để thực hiện hành động cấm cản này ? Và thêm một câu hỏi cũng cần được đặt ra là cái Quy Chuẩn Kỹ Thuật Quốc Gia mà chính quyền lấy ra để đánh giá chất lượng nước biển là cái gì ?

Quy Chuẩn Kỹ Thuật Quốc Gia ?

Vào tháng 11 năm ngoái dư luận đã phẫn nộ khi biết Bộ Tài nguyên và môi trường sửa đổi quy chuẩn quốc gia để hợp pháp hóa việc xả thải vượt chuẩn của Formosa. Cũng phải nói thêm là việc xả thải vượt chuẩn của Formosa đã bắt đầu từ năm 2014 nhưng không phải là bất hợp pháp mà là được Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép. Như vậy thì phải đặt ra câu hỏi khác là cái Quy Chuẩn Kỹ Thuật Quốc Gia sinh ra để làm gì và có giá trị gì không ?

Vấn đề Formosa có xả thải đúng chuẩn Việt Nam hay không không còn được đặt ra vì chính quyền cộng sản đã thiết kế cái quy chuẩn này để phù hợp với yêu cầu của Formosa chứ không phải là các tiêu chuẩn môi trường, và nếu Formosa có công khai xả thải vượt qua cái quy chuẩn này thì cũng được sự cho phép từ chính quyền. Như thế kết luận về việc nước biển đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia không có bất cứ giá trị gì.

Cá không chết không có nghĩa là cá sạch ?

Trong năm 2017, số lô hàng thủy sản Việt Nam bị Cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, phát hiện chất ô nhiễm (kim loại nặng như thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép đã gia tăng đột biến, đặc biệt là EU tăng gấp 2 lần so với năm 2016, tăng gấp 6 lần so với năm 2015. Thậm chí Tổng vụ Sức khỏe và an toàn thực phẩm DG-MARE (Liên minh châu Âu EU) rút thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam (vào tháng 10/2017), nếu bị lên thẻ đỏ thì hải sản Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Đây là nguồn tin do Ông Ngô Hồng Phong - Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Nông lâm - Thủy sản công bố vào ngày 5/4/2018.

Vậy là tình trạng ô nhiễm đang ngày càng trầm trọng hơn chứ không có dấu hiệu giảm xuống. Đến đây thì chúng ta có thể kết luận rằng các báo cáo về chất lượng nước biển của Bộ Nông nghiệp và chất lượng thủy hải sản của Bộ Y tế hoàn toàn là dối trá.

Tình trạng cá chết tại vùng biển gần nhà máy Formosa xảy ra vào tháng 4/2018, một lần nữa xác nhận báo cáo của các bộ nông nghiệp và y tế là dối trá.

Cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường ?

Cũng tại buổi họp báo theo báo cáo của Bộ Tài chính thì phần lớn việc bồi thường cho các nạn nhân của thảm hoạ Formosa đã hoàn thành. Nhưng việc bồi thường đã được tiến hành như thế nào ? Những ai nhận được bồi thường ? Formosa có thực sự đã trả 500 triệu USD tiền bồi thường cho chính phủ Việt Nam ? Không ai biết !

Và thực tế là chưa ai nhận được bồi thường cả ! Muốn bồi thường trước hết phải có một điều tra toàn diện về số người bị thiệt hại, rồi những thiệt hại về tài sản cũng như công việc của các nạn nhân. Và việc đàm phán bồi thường cũng phải do chính những người bị thiệt hại hoặc các hội đoàn độc lập nhận ủy quyền của người bị hại đi đàm phán hoặc khởi kiện Formosa. Chính quyền cộng sản chưa thực hiện một điều tra toàn diện nào về số người bị thiệt hại, và những thiệt hại của người dân, họ cũng không nhận được sự ủy quyền của người dân đi đàm phán với Formosa. Việc chính quyền lén lút làm gì đó với Formosa rồi phát cho một số người một khoản tiền không thể gọi là bồi thường được. Đó là chưa kể tới việc các khoản tiền mà chính quyền pháp cho người dân cũng bị ăn chặn bởi các quan chức tham nhũng.

Không chỉ chưa người dân nào được bồi thường thỏa đáng bởi Formosa mà chính quyền cộng sản còn ngăn chặn người dân khởi kiện và đòi Formosa bồi thường thỏa đáng. Hàng loạt các cuộc biểu tình đòi công lý đều bị chính quyền đàn áp dã man, những người đấu tranh đòi quyền lợi cho người dân như các anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ đều đang ngồi trong tù. Chính quyền cộng sản đã đẩy người dân vào cảnh khốn cùng.

Sức khỏe của người dân không được nhắc tới ?

Cái quan trọng hơn rất nhiều vấn đề kinh tế chính là sức khỏe của người dân. Nhưng trong báo cáo vừa rồi của bộ y tế chỉ nhắc tới sức khỏe của "tôm cá" chứ sức khỏe của người dân hoàn toàn không được nhắc tới. Thảm họa Formosa cách đây 2 năm đã đầu độc toàn bộ hải sản tại vùng biển bắc miền trung, chắc chắn đã phải có rất nhiều người dân ăn phải hải sản nhiễm độc. Và hậu quả có thể rất nghiêm trọng trong tương lai, có thể là dị tật bẩm sinh của những đứa trẻ được sinh ra, là những làng ung thư mọc lên sau một thời gian dài… một thảm hoạ tiềm tàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đáng ra trong tình trạng đó thì vấn đề sức khỏe của người dân phải là ưu tiên cao nhất, phải có những hành động khẩn cấp để cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, phải cho phép các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế hoạt động, cứu trợ người dân. Nhưng ngược lại, chính quyền cộng sản không chỉ ngăn chặn, đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, cấm cản các tổ chức quốc tế mà còn "cố tình" quên luôn vấn đề sức khỏe của người dân. Mức độ vô trách nhiệm của chế độ cộng sản không thua kém gì hành động xả thải của Formosa - thật kinh khủng.

Hệ sinh thái đã được khôi phục ?

Cũng giống như vấn đề sức khỏe của người dân, tình trạng của hệ sinh thái tại vùng biển nơi xảy ra thảm họa cũng hoàn toàn không được nhắc tới. Nó không nằm trong tư duy của các lãnh đạo cộng sản và mọi chế độ cộng sản. Thậm chí tại buổi họp, ông Phúc và các lãnh đạo cộng sản còn vỗ tay để ăn mừng việc sản lượng khai thác hải sản tăng mạnh trong năm 2017. Dù đây chỉ là một số liệu không được kiểm chứng do Bộ Nông Nghiệp cung cấp thì hành động ăn mừng của các lãnh đạo cộng sản cũng nói lên sự dốt nát không thể tưởng tượng nổi trong vấn đề môi sinh cũng như tư duy phát triển kinh tế.

Hệ sinh thái cũng như nguồn hải sản đã bị hủy diệt trong thảm hoạ Formosa, nếu muốn tiếp tục khai thác hải sản trong dài hạn và đảm bảo sức khỏe cho người dân thì phải cấm hoặc hạn chế đánh bắt để các nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái có thời gian để hồi phục. Đằng này lại khuyến khích tăng cường đánh bắt. Đây là hành vi tận diệt nguồi lợi hải sản và hủy diệt môi sinh. Nó sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng trong tương lai. Nếu số liệu này là thật thì với hành động đánh bắt tận diệt này, trong tương lai rất gần thôi có thể cả vùng biển bắc miền Trung không còn gì để đánh bắt.

Trần Hùng

(25/5/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hùng
Read 1712 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)