Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

25/05/2018

Hai năm sau thảm họa Formosa : 2. Hệ quả của một thương vụ bán nước !

Trần Hùng

Phần 2 - Vấn đề Formosa đâu phải chỉ có thế !

Nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa Formosa vào năm 2016 là việc chính quyền cộng sản đã trao quy chế tự trị cho Formosa từ năm 2014. Formosa có một luật pháp riêng (về đất đai, về lao động và về thuế), có cảng biển nước sâu riêng, có nguồn năng lượng riêng và nhất là việc Formosa không bị thanh tra hay kiểm tra bởi chính quyền Hà Tĩnh hay các cơ quan ngang bộ mà chỉ liên hệ với văn phòng thủ tướng ("Có chỉ đạo của Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được").

VIETNAM-TAIWAN-ENVIRONMENT-POLLUTION-PROTEST

Người dân xuống đường phản đối Formosa ngày 1/5/2016. Ảnh : AFP PHOTO / HOANG DINH NAM

Phải nhấn mạnh rằng hành vi trao quy chế tự trị một công ty nước ngoài ngay trên lãnh thổ Việt Nam là một hành động bán nước. Vấn đề ở Formosa không chỉ là môi trường mà còn là cả chủ quyền quốc gia. Và vì chủ quyền quốc gia bị đem đi bán nên mới đưa tới thảm họa về môi trường.

Đã siết lại sau đó, nhưng siết ở mức độ nào ?

Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng hạ gục được nhà nước của Nguyễn Tấn Dũng - người chịu trách nhiệm chính cho cái quy chế tự trị này, cùng với thảm họa Formosa vào năm 2016, chính quyền cộng sản đã bắt đầu siết lại quy chế tự trị cho Formosa. Hiện nay Bộ Tài nguyên và môi trường đã có thể thanh tra và kiểm tra Formosa và đặt Formosa vào chế độ "giám sát đặc biệt và nghiêm ngặt". Nhưng chế độ này là gì ?

Đó là việc "đưa 2 trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát việc xử lý nước thải của Formosa Hà Tĩnh tần suất lấy mẫu nước thải tại các vị trí là 3 lần/ngày". Tuy nhiên trong các hạng mục xử lý chất thải bổ sung để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế thì được Bộ Tài nguyên và môi trường thông báo như sau : "Hệ thống xử lý nước thải, khí thải đã được Formosa Hà Tĩnh lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục 24/24, có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tuyến số liệu về Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát".

Như vậy các thiết bị giám sát tại các hạng mục bổ sung vẫn là do Formosa lắp đặt. Có nghĩa là những thông số môi trường này đều phải qua tay Formosa mới đến được chính quyền cộng sản và vì thế nên nó sẽ "không bao giờ vượt chuẩn". Vậy sau hai năm xảy ra thảm họa, ngoài việc một phần nước thải của Formosa được giám sát một các độc lập hơn thì phần còn lại của nước thải, tất cả khí thải đều ở trong tình trạng như trước khi thảm họa xảy ra năm 2016.

Vẫn là một khu tự trị ?

Formosa sở hữu luật đất đai riêng ? Theo thỏa ước giữa Formosa và chính quyền cộng sản thì Formosa không thể bị thu hồi đất vì mục đích cộng đồng hay phát triển kinh tế (cái này khác hoàn toàn với luật đất đai hiện hành của Việt Nam), ngoài ra Formosa được thuê đất tới 70 năm trong khi luật pháp Việt Nam chỉ cho phép thuê 50 năm. Formosa cũng có quyền thuê hoặc bán đất cho nhân viên, và thêm nữa cái giá mà Formosa phải trả để thuê 3.300 ha trong 70 năm chỉ là 4,455 triệu USD (khoảng 100 tỉ) thấp hơn rất nhiều so với mức giá thuê nếu tính theo Quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước của chính phủ Việt Nam. Như vậy chúng ta phải khẳng định rằng Formosa có một bộ luật riêng về đất đai.

Và không chỉ là về đất đai, Formosa cũng có một bộ luật riêng về thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế thuê đất và sử dụng đất, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc… đều thấp hơn rất nhiều so với các công ty bình thường tại Việt Nam. Với sự khác biệt quá lớn này thì phải nhấn mạnh rằng đây không phải là một chính sách ưu đãi về thuế mà là một bộ luật riêng về thuế dành cho Formosa.

Ngoài việc có luật pháp riêng, Formosa cũng tự cung tự cấp về mặt năng lượng. Formosa sẽ sở hữu nhà máy nhiệt điện với công suất lên tới 2.100 MW khi hoàn thiện, ngang ngửa công suất của thủy điện Hòa Bình (1920 MW) và thủy điện Sơn La (2400 MW) vốn là 2 nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam). Như vậy Formosa gần như hoàn toàn có khả năng tự chủ về mặt năng lượng.

Sở hữu một trong những cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam ?

Chúng ta từng cười nhạo Sri Lanka đã tự bán mình cho Trung Quốc khi giao cảng biển chiến lược của họ cho Trung Quốc với giá 1,12 tỉ USD (cho 70% cổ phần cảng Hambantota). Thì với Formosa, họ chỉ mất chưa đầy 5 triệu USD là có đầy đủ phần đất liền, mặt nước và có luôn giấy phép xây dựng cảng Sơn Dương.

Cảng Sơn Dương do Formosa sở hữu khi hoàn thành có thể đón tàu có trọng tải lên tới 300 nghìn tấn, công suất lên tới 85 triệu tấn/năm đây có thể sẽ trở thành một trong những cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam. Để dễ so sánh thì con tàu lớn nhất mà Việt Nam từng tiếp đón cũng chỉ có trọng tải 194 nghìn tấn. Công suất tối đa của cảng Hải Phòng, cảng lớn nhất miền bắc cũng chỉ là 30 triệu tấn/năm. Dùng từ "bán nước" có thể không còn phù hợp trong trường hợp này, mà phải nói rằng chính quyền cộng sản đã dâng đất nước cho Formosa.

Hành động này còn nghiêm trọng hơn nữa khi mà Vũng Áng có một vị trí chiến lược về mặt quân sự. Đối diện Vũng Áng là đảo Hải Nam, trong trường hợp chiến sự xảy ra, nếu chiếm được Vũng Áng thì Trung Quốc có thể biến Vịnh Bắc Bộ thành ao nhà và chia đôi đất nước, và với quy mô khổng lồ của cảng Sơn Dương đây có thể trở thành căn cứ mới cho họ.

Chính quyền cộng sản hiện nay vẫn luôn khẳng định rằng họ ủng hộ Chính sách Một Trung Quốc, nghĩa là họ coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, dù như vậy họ vẫn trao vẫn trao quyền xây dựng và quản lý một cảng biển nước sâu cho Formosa - một công ty Đài Loan ngay tại nơi có một vị trí chiến lược về quân sự. Nó còn đi xa hơn cả hành động bán nước.

Và đến đây chúng ta có thể khẳng định một lần nữa rằng Formosa vẫn là một khu tự trị. Nhục nhã hơn, khu tự trị này lại không phục vụ cho lợi ích của đất nước Việt Nam mà là cho Trung Quốc. Nó được mọc lên với mục đích xuất khẩu ô nhiễm của Trung Quốc sang Việt Nam. Thời đại của than và thép đã chấm dứt, không ai có thể tranh cãi về nhận định này cả, và Trung Quốc đang muốn nhảy ra khỏi thời đại này càng nhanh càng tốt. Còn các lãnh đạo Việt Nam thay vì bắt tay với phương tây để học hỏi và phát triển, để tiến xa và tiến nhanh hơn trong thời đại kinh tế tri thức thì họ lại bắt tay với Formosa để quay về cái quá khứ đen tối của Trung Quốc, để được làm bãi rác cho Trung Quốc. Một tương lai đầy tăm tối đang chờ đợi đất nước.

Nguy cơ ?

Nguy cơ trước tiên là về sức khỏe người dân. Như đã phân tích ở phần trước, sức khỏe của người dân hoàn toàn không phải là ưu tư của chế độ cộng sản, không chỉ thế họ còn cấm đoán mọi giúp đỡ cho người dân đến từ các tổ chức xã hội dân sự hay các tổ chức quốc tế. Rất có thể tình hình đã quá nghiêm trọng tới mức họ không còn giải pháp nào ngoài việc cố gắng che giấu sự thật. Formosa vẫn còn đó, nghĩa là sức khỏe của người dân sẽ tiếp tục đi xuống và hệ sinh thái đã bị hủy diệt trong thảm họa năm 2016 cũng không có cơ hội để hồi phục.

Nguyên nhân gây ra thảm họa này chính là quy chế tự trị mà chế độ cộng sản đã cấp cho Formosa. Và quy chế tự trị đó nay vẫn còn, có nghĩa là bất cứ lúc nào thảm họa này cũng có thể lặp lại. Người dân sẽ luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ là liệu mình đang ăn hải sản hay ăn chất thải của Formosa. Hành động bán nước này không chỉ tổn hại nghiêm trọng chủ quyền quốc gia mà đã đặt hàng triệu người dân luôn chờ chực một thảm họa ngay trên đầu mình.

Một nguy cơ khác là hải sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào các nước EU và thậm chí là Mỹ, Úc, Nhật Bản… nếu tình trạng ô nhiễm hiện nay vấn còn tiếp diễn. Khi đó thì ảnh hưởng không chỉ nằm lại tại bắc miền Trung mà là ngư dân cả nước sẽ phải chịu thiệt hại, những công ty chế biến hải sản cũng sẽ bị điêu đứng. Và không chỉ là ngành ngư nghiệp mà các ngành khác như du lịch, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng… cũng đều suy giảm mạnh, và nếu Formosa vẫn hoạt động thì những ngành này có thể sụp đổ luôn trong tương lai. Ngoài ra nền công nghiệp trong nước cũng có thể bị phá sản khi các nhà máy của Formosa hoàn thiện vì không thể nào cạnh tranh nổi do Formosa có một luật thuế riêng mà không một công ty Việt Nam nào có.

Một nguy cơ nghiêm trọng không kém là vấn đề ô nhiễm không khí, như đã phân tích ở trên, chất lượng khí thải vẫn do Formosa kiểm định và cũng chỉ dựa vào những lời cam kết của Formosa để kết luận là nó an toàn ? Thảm họa vì ô nhiễm không khí không đến nhanh như thảm họa vì nước thải, cũng chính vì thế mà chất lượng không khí không phải là điều đáng quan tâm của chính quyền cộng sản. Nhưng về lâu dài đây có thể là hiểm họa nghiêm trọng nhất, cái chết sẽ đến từ từ. Trước hết là cho công nhân đang làm việc cho Formosa, sau là những người dân đang sinh sống gần khu vực Formosa.

Không chỉ thế, những gì mà chính quyền cộng sản đã làm Formosa còn tạo ra một lời mời gọi cho những công ty ô nhiễm khác trên khắp thế giới : "Hãy đến Việt Nam xả thải". Nó cũng khuyến khích các công ty làm ăn chân chính xả thải hoặc cắt giảm quy trình xử lý nước thải để tăng lợi nhuận. Và nhiều công ty sẽ phải làm vậy mới hi vọng cạnh tranh được với Formosa. Như vậy trong tương lai những nhà máy như Formosa sẽ có thể mọc lên rất nhiều tại Việt Nam và những thảm họa tầm cỡ Formosa có thể xảy ra hằng năm !

Formosa đến Việt Nam với mục đích tìm kiếm lợi nhuận, và với những gì họ đã làm trong thời gian qua thì chúng ta có thể tin chắc rằng họ sẽ làm tất cả vì lợi nhuận. Từ xả thải ô nhiễm cho tới hi sinh an toàn của người lao động việt Nam để tăng lợi nhuận, thậm chí là bán hay cho thuê một phần đất, cảng cho các công ty liên quan tới chính quyền Trung Quốc có thêm nguồn thu. Chẳng có gì là không thể nếu nó vẫn hoạt động như một khu tự trị.

Ít nhất thảm họa Formosa đã là một cơ hội cho các lãnh đạo cộng sản mở mắt, cho họ có cái cớ mà rút là quy chế tự trị của Formosa, và để tống cổ nó khỏi Việt Nam. Nhưng không, Formosa đã chỉ liên tiếp mở rộng quy mô hoạt động trong thời gian sau đó, cảng Sơn Dương cũng đang dần được hoàn thiện… Nó vẫn tiếp tục xả thải, vẫn tiếp tục đầu độc dân tộc Việt Nam, vẫn là một khu tự trị, vẫn de dọa nghiêm trọng chủ quyền của đất nước. Phải lý giải thế nào về hành động bán nước này ?

Bán nước vì ngu dốt ?

Một giả thiết được đặt ra là các lãnh đạo cộng sản quá kém cỏi tới mức không ý thức được hành động của mình là bán nước. Với những vui mừng của các bộ trưng, phó thủ tướng và thủ tướng trong cuộc họp báo vừa qua thì giả thiết này không phải là vô lý. Nhưng nếu thế thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên, họ cũng chỉ giống với những lãnh đạo cộng sản khác. Khởi đầu là Hồ Chí Minh, lãnh tụ của đảng cộng sản, người đã truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam sau khi nó đã gây ra hành loạt những thảm kịch cho người dân lẫn những đảng viên cộng sản tại những nơi nó được áp dụng. Việc ông Hồ đã truyền bá và đưa đảng cộng sản tới thắng lợi năm 1945 nói lên tất cả trình độ kiến thức cũng như tầm nhìn của vị lãnh tụ cộng sản này.

Tiếp đó là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ - họ tăm tối tới mức đưa một đất nước nghèo khổ vẫn đang thiếu đói đi đối đầu với một siêu cường số một thế giới. Rồi Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã bán cả biên giới, biển đảo chỉ để được quỳ gối trước Trung Quốc. Rồi sau nữa là Nguyễn Tấn Dũng với di sản là những Boxit, Formosa, Vinashin, Vinalines… Và hiện nay là Nguyễn Phú Trọng với những bản án tàn khốc dành cho những người đấu tranh, ông ta lú lẫn tới mức tự đốt đi "đường băng" cho chế độ có thể hạ cách an toàn.

Bản chất của chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa khủng bố, ngoài kỹ thuật tuyên truyền dối trá và sử dụng bạo lực để giành và giữ quyền lực ra thì nó không chứa đựng bất cứ kiến thức gì để có thể quản trị tốt một đất nước. Thế nên nó cho phép những con người vô học vẫn có thể trở thành lãnh đạo chính trị, nắm quyền cai trị đất nước trong hàng thập kỷ và chỉ để lại những thảm kịch nơi nó được áp dụng.

Nhưng sẽ ra sao nếu họ ý thức được hành động bán nước của mình nhưng vẫn làm ?

Một giả thiết khác là các lãnh đạo đã biết đây là hành động bán nước nhưng vẫn làm, họ có cả đội ngũ cố vấn hùng hậu để có thể biết mình đang làm gì ? Nếu thế thì còn nghiêm trọng hơn. Họ biết hành động của mình tại Formosa là bán nước những vẫn làm nghĩa là họ đã xem hành động bán nước là bình thường, lợi ích của đất nước không chiếm một ưu tư nào trong hành động của họ. Quyền lợi và quyền lực là tất cả ! Nếu đúng như thế thật thì họ chính là những người cộng sản chân chính !

Chủ nghĩa cộng sản coi đất nước là một sản phẩm của giai cấp tư bản cần phải xóa bỏ. Cứu cách của các đảng cộng sản là phá hủy các đất nước để xây dựng thế giới đại đồng cộng sản. Họ chỉ làm đúng với triết lý cộng sản, làm như một người cộng sản chân chính mà thôi.

Như vậy hành vi bán nước này dù ý thức được hay không đều chính là hệ quả tất yếu của chế độ cộng sản. Còn người nào có thể tự hào khi là đảng viên cộng sản ? Còn ai có thể tự hào làm tay sai cho chế độ cộng sản sau hành vi bán nước ô nhục này ?

Không dừng lại ở Formosa, đảng cộng sản sẽ tiếp tục bán nước để mua thời gian tồn tại cho chế độ ?

Đất nước chúng ta nằm ở vị trí chiến lược trong một vùng phát triển mạnh, với một bờ biển dài, nhiều bãi biển đẹp và nhiều cảng nước sâu hướng ra vùng biển nơi có tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới chạy qua. Không chỉ thế, chúng ta nằm giữa Nam Á và Đông Á - đều là hai vùng đang bị khủng hoảng trầm trọng về nạn nhân mãn. Thế nên vùng đất bờ biển của chúng ta có giá trị rất lớn về kinh tế, thương mại, du lịch và cả quân sự… Nó là vùng đất thèm muốn không chỉ của các công ty đa quốc gia, của giới tài phiệt, đầu cơ trên khắp thế giới mà còn cả các thế lực ngoại bang, các tổ chức tội phạm, rửa tiền (Việt Nam là thiên đường cho những tổ chức này).

Sẽ thế nào nếu chế độ cộng sản sẽ tiếp tục bán đất, bán nước cho các tổ chức nước ngoài tại những nơi có vị trí chiến lược về quân sự cũng như kinh tế để có tiền duy trì chế độ, đàn áp người dân ? Sẽ luôn có người mua những gì mà họ có thể bán.

Với những gì mà họ đã làm ở Formosa thì gần như chắc chắn chế độ cộng sản sẽ tiếp tục bán nước. Và không chỉ Formosa, nhiều vùng đất biên giới, hải cảng đã lọt vào tay nước ngoài… Chế độ đang dần tiến tới phá sản về ngân sách vì cách quản trị đất nước kém cỏi của mình. Sự sụp đổ là không thể tránh khỏi nếu tình trạng này tiếp tục. Muốn tồn tại thì chỉ còn một cách là đem từng phần của đất nước đi bán.

Trong lịch sử cầm quyền của mình, đảng cộng sản đã làm tất cả để áp đặt ách cai trị lên dân tộc dù có phải hủy diệt đất nước, giết hại đồng bào hay làm tay sai cho ngoại bang. Không có lý do gì để đảng cộng sản hiện nay không tiếp tục truyền thống này. Và trong tương lai sẽ có không chỉ một khu tự trị hay một thảm họa Formosa. Người dân Việt Nam đã mất nhà ngay trên chính mảnh đất của mình và rồi sẽ mất nước khi đang ở ngay trên chính quê hương của mình ? Ai chấp nhận cho tương lai này ?

Còn chấp nhận để đảng cộng sản bán nước tới bao giờ ?

Tháng tư vừa rồi Hội Anh Em Dân Chủ - những người đấu tranh bênh vực những nạn nhân của thảm họa Formosa - đã bị xét xử và kết án với những bản án rất nặng. Qua đó đảng cộng sản lại khẳng định một lần nữa : chống lại Formosa là chống đảng, bảo vệ khu tự trị Formosa là đúng đắn, bán nước là cần thiết.

Một câu hỏi cũng cần được đặt ra là tại sao hành động nghiệm trọng như vậy lại ít được nói tới trong bốn năm qua ? Tại sao chỉ có vài ba công trình nghiên cứu về thảm họa Formosa trong hai năm qua ? Phải giải thích thế nào về thái độ của giới trí thức Việt Nam ?

"Trong trường hợp có bất công mà bạn không chọn phe nào thì thực chất bạn đã chọn đứng về phe kẻ áp bức" (Desmond Tutu).

Người dân Việt Nam và nhất là giới trí thức chỉ có hai lựa chọn hoặc là chống lại chế độ này, nghĩa là chống lại hành động bán nước của đảng cộng sản, hoặc là đồng lõa với đảng cộng sản. Các lãnh đạo cộng sản còn có thể biện hộ cho hành động bán nước của mình là vì ngu dốt, lú lẫn… Còn giới trí thức, những người có kiến thức và hiểu biết, đại diện cho trí tuệ của một dân tộc thì phải giải thích như thế nào với thế hệ mai sau về sự im lặng của mình ? Chẳng có ai vô can cả !

Nếu chờ tới lúc chế độ này chấm dứt vì hết tiền thì ngày đó phần lớn đất nước đã bị đem đi bán rồi - Không ai mong chờ ngày đó tới cả. Thấy rõ hành động bán nước này nhưng vẫn ngồi im chờ cho chế độ sụp đổ cũng là tội lớn đối với dân tộc. Thái độ chính trị kiểu nhân sĩ của nhiều trí thức hiện nay với tinh thần "ở ẩn, tránh hiểm nguy và chờ thời" cần phải bị lên án không chỉ vì sự vô trách nhiệm đối với đất nước mà còn vì sự đồng lõa với đảng cộng sản.

Đâu là giải pháp ?

Đọc đến đây thì các độc giả có thể đang rất bi quan về tương lai của đất nước, nếu thế thật thì các bạn đã lầm. Hầu như tất cả mọi vấn đề, kể cả những vấn đề nghiêm trọng nhất mà đất nước gặp phải, đều là những vấn đề đáng lẽ không có. Chúng đều do chế độ cộng sản mà có và vì thế cũng sẽ có giải pháp nhanh chóng một khi chế độ cộng sản đã chấm dứt.

Trong một đất nước dân chủ, những Formosa, Bô-xít Tây Nguyên không bao giờ được phép tồn tại chứ chưa nói tới việc vẫn được phép tồn tại và hoạt động sau khi đã gây ra những thảm họa kinh khủng như vậy. Trong một đất nước dân chủ, một tổ chức như đảng cộng sản không có hi vọng cầm quyền chứ chưa nói tới việc vẫn tiếp tục được cầm quyền khi mà đã làm cho đất nước tan nát và tụt hậu như ngày hôm nay. Trong một đất nước dân chủ, những lãnh đạo chính trị đã ký quyết định cho Formosa hoạt động và cấp quy chế tự trị cho Formosa dù là bộ trưởng, thủ tướng hay tổng thống không chỉ bị phế truất mà còn phải ngồi tù "mọt gông" rồi. Giải pháp cho mọi vấn đề hiện nay là phải đánh bại đảng cộng sản và dân chủ hóa đất nước.

Đất nước này là ngôi nhà của chúng ta, những nạn nhân của Formosa là đồng bào là những người anh em của chúng ta. Đảng cộng sản đang đem đi bán ngôi nhà mà tổ tiên ta đã để lại cho chúng ta, họ đang đẩy cuộc sống của hàng triệu người anh em của chúng ta vào cảnh điêu tàn chỉ để duy trì ách thống trị lên cả gia đình ta. Chống lại một tổ chức như vậy là nghĩa vụ của lương tâm, là điều không cần phải bàn cãi.

Câu hỏi được đặt ra cho tất cả chúng ta và nhất là giới trí thức là có còn coi đất nước này là ngôi nhà chung của mình ? Có coi những nạn nhân Formosa là những người anh em của mình ?

Nếu là CÓ thì phải chống lại đảng cộng sản. Và muốn chống lại được đảng cộng sản thì phải liên kết lại và đứng cùng nhau trong một tổ chức. Chỉ có thế thì chúng ta mới có thể đánh bại đảng cộng sản và mở ra một tương lai mới cho đất nước ta, rồi sau đó chúng ta sẽ làm cho ngôi nhà của mình sạch đẹp và vững chắc hơn, chúng ta sẽ thăng tiến cuộc sống cho những người anh em của mình. Hãy tìm đến với nhau !

Trần Hùng

(25/05/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hùng
Read 1822 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)